Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
Bài Viết Của
Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
Ý Nghĩa của Hang Đá và Máng Cỏ: Dấu Chỉ Tuyệt Vời
Đức Tin Công Giáo và Thuyết Tiến Hóa
ĐAU KHỔ & Ý NGHĨA CỦA CUỘC ĐỜI

 

Những đau khổ của cuộc đời

Một đêm kia, tôi làm trong phòng cấp cứu của nhà thương. Quãng 2 gìơ sáng, xe cứu thương đưa một em gái 19 tuổi vào. Khi cha mẹ em tới thì em đã tắt thở. Cha mẹ em lớn tiếng kêu gào em thức dậy, rồi hứa sẽ mang em về Việt Nam, không ở lại trên đất Mỹ nữa. Gia đình qua đây chỉ vì em, và bố mẹ chỉ có em, chỉ sống vì em. Nay em chết như vậy, cuộc sống của bố mẹ không còn ý nghĩa gì nữa.

Đối với hai ông bà, “Mặt trời đã ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng,” như đã viết trong Phúc Âm hôm nay.

Mỗi người chúng ta đều sẽ có những lúc khó khăn như vậy, như Chúa đã nói, “thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. ”Có khi vì tai nạn như em gái kia. Có khi vì hoàn cảnh xã hội hay chiến tranh như trong bài đọc thứ nhất. Sách tiên tri Daniel, chương 11, kể chuyện các vua chúa mạnh mẽ nhưng lại đồi bại, đánh nhau để tranh dành danh lợi, gây ra bao cảnh chết chóc lầm than cho người dân. Hoàn cảnh ngày nay có khi còn tệ hại hơn. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, mỗi NGÀY có quãng 30,000 em bé từ 5 tuổi trở xuống bị chết vì những bệnh dễ chữa như chết vì thiếu dinh dưỡng và thuốc men. Hiện giờ có quãng 800 triệu người trên thế giới bị đói triền miên mặc dù thế giới dư thừa thực phẩm. Từ năm 1960 tới giờ, người giầu càng giầu hơn, còn người nghèo càng nghèo hơn.

 Đó là những bất công của cả xã hội. Ta cũng có thể đau khổ vì bị người khác làm hại. Có khi ta hại cả mình lẫn người vì những ham muốn không tốt của chính mình. Có khi vì thiên nhiên, như bão lụt. Và ai cũng phải đi qua sinh lão bệnh tử.

Cả đời cố gắng vất vả, mà tới cuối cùng đau khổ như ông bà đã mất cô con gái trên đây, thì cuộc đời quả là quá đau khổ, tăm tối. Nhiều triết gia hiện sinh đã hỏi là có nên sống hay tự tử cho rồi. Tuần này là Chúa Nhật áp cuối của năm phụng vụ, Giáo Hội giúp ta nghĩ tới ý nghĩa tối hậu của cuộc đời, mà mỗi người chúng ta đều phải luôn sẵn sang để đối phó, vì “ngày hay giờ đó thì không ai biết được.”

Không tránh né, Chúa nói rõ, “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng.” Đây là bài giảng cuối cùng của Chúa trước khi chính Ngài chịu thương khó và chịu chết.

Chúa cứu chúng ta

Phúc Âm là tin mừng, mà sao lại mang tin dữ vậy? Bước đầu trong hành trình đón nhận tin mừng là nhận ra trong vũ trụ và trong chính chúng ta. Ai không thấy sự dữ này và sự bất lực của chính mình trước những sự dữ kinh hoàng đó, thì khó mà cần Chúa, mà cầu xin Chúa cứu. Thí dụ như người nghiện rượu có thể nhận ra sự dữ mà họ không kiềm chế nổi. Phải nhận ra điều đó, người đó mới khẩn cầu Chúa giúp.

Ai thấy khổ, nhận ra mình không tự cứu được chính mình, và đến với Chúa, thì Ngài sẽ cứu, như Chúa đã nói, “…khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.”

Có phải tới lúc đó Chúa mới cứu chúng ta chăng? Không phải vậy, Chúa đã bắt đầu tuyển chọn và cứu chúng ta từ bây giờ. Tới ngày phán xét, Chúa chỉ thu thập những kẻ Chúa đã chọn, như trong câu 27, “Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về.”

Chúa chọn ai? Chúa đã nói rõ trong Phúc Âm là Chúa chọn mọi người, Do Thái cũng như dân ngoại, và Chúa đặc biệt để ý tới và nâng niu người nghèo và kẻ tội lỗi mà ăn năn trở về. Tình thương Chúa mở rộng, nhưng Chúa cũng tôn trọng tự do con người, nên câu hỏi thật ra là làm sao chúng ta chọn Chúa, theo Chúa? Suốt cả Phúc Âm nói rất rõ ràng: đó là tình thương. Không phải chỉ thương mình Chúa, mà thương cả tha nhân, nhất là những người ngay quanh ta, như cộng đoàn sở tại.

Tình thương không giúp ta tránh thoát đau khổ, nhưng mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô giúp chúng ta chiến thắng đau khổ. Ngay cả sự chết cũng không lay chuyển được chúng ta, như các thánh tử đạo Việt Nam đã minh chứng. Dù thế gian có làm hại ta tới độ nào đi nữa, chúng ta vẫn được sản nghiệp to lớn hơn bất cứ cái gì khác, vì “Chúa là gia nghiệp đời con,” như trong thánh vịnh 16 mà chúng ta hát trong Chúa Nhật này.

Chiến thắng và hạnh phúc này sẽ toàn hảo trong ngày sau hết, nhưng ngay trong những giây phút của mỗi ngày hôm nay, khi chúng ta yêu thương, dù là trong nghịch cảnh, thì chúng ta đã bắt đầu kết hợp với Chúa rồi. Thật ra, tình yêu trong nghịch cảnh, trong hy sinh, mới rõ là tình yêu chân thật, không phải vì thoả mãn cá nhân mà vì người khác, vì Chúa. Chính Chúa là gương mẫu của tình yêu thập tự này.

Diễn Tả Tình Việt Trên Đất Mỹ

Cách diễn tả tình thương cũng quan trọng. Thiên Chúa ban cho gia đình Việt Nam một tình thương đậm đà vô cùng, đến độ chúng ta không nói đến chữ “thương,” chữ “yêu,” mà thương yêu bằng hành động, ngay cả những hành động có vẻ khắt khe, “thương cho roi cho vọt.” Mình làm việc tốt cho người khác, không phải để lấy lòng. Tình thương tự nói lên giá trị của nó. Nếu có tình thương thật thì khỏi cần nói, còn nếu không thương mà nói “thương” để lấy lòng thì là cách dối trá tệ hại nhất. Tóm lại, không nói tốt hơn.

Tuy nhiên người gốc Việt sống trên đất Mỹ phải đối phó với một lối ứng xử khác, nhất là với con cháu lớn lên trên đất Mỹ. Đối với cách ứng xử bên này, không nói “thương” là một thiếu xót lớn. Nói dễ hơn làm, mà còn không nói nữa, thì chắc là không muốn thương, không để ý tới thương. Cái khắt khe tình thương của người Việt lại có thể bị coi là thiếu tôn trọng cá nhân.

Vậy ta nên ứng xử như thế nào? Bỏ phong tục rất quý báu của chúng ta, hay gây hiểu lầm với con cái? Theo chúng tôi, điều quan trọng nhất là chúng ta tự xét mình coi chúng ta yêu thương con cháu và láng giềng thật không và tới độ nào. Theo kinh nghiệm riêng của tôi, đa số các lần tôi la mắng con cái là vì long tôi không yên, la cho hả dạ tôi chứ không phải chỉ vì thương con. Đa số các lần tôi chỉ trích người khác cũng vì tôi xấu bụng, không kiểm soát mình được, nói xong rồi hối hận, chứ chả phải thương yêu gì.

Sau đó, chúng ta xét tới làm cách nào để diễn tả tình thương đó cho người khác khỏi hiểu lầm, vì hiểu lầm chỉ gây thêm đau khổ cho cả hai bên. Nếu giải thích được cho các em hiểu được cái hay thâm sâu của người Việt thì tốt nhất, còn nếu không giải thích được, thì có lẽ người lớn tuổi phải thay đổi và dùng ngôn ngữ của xã hội này chăng.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta một tâm hồn bình an và yêu thương anh chị em chung quanh, cũng như với những người đói khổ trên thế giới, cho dù có nhiều lúc khó thương và phải hy sinh. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết diễn tả tình thương này trong gia đình và trong cộng đoàn. Qua tình thương bằng ý chí và hành động này, chúng con được làm dân Chúa, sống trong hạnh phúc bất toàn của tình thương bây giờ, và tin tưởng sẽ được chính Chúa làm gia nghiệp trong ngày sau hết. 

Gs. Lê An Hoà

Máccô 13:24-32

24 "Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng,
25 Các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.
26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.
27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.
28 "Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. Khi cành nó mềm ra và trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.
29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.
30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.
31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.
32 "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

 

Tác giả: Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!