Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Mẩu Bút Chì
Bài Viết Của
Mẩu Bút Chì
NỖI LÒNG "NGƯỜI CẦM THƯỚC"
DẤU ĐINH TRONG ĐÔI MẮT...
Chuồn Chuồn Hay Ớt Đỏ...
CON ONG TÌM MẬT...
CÓ THƯƠNG THÌ XIN ĐỢI...
THUNG RUỘNG NHỎ
THIÊN THẦN CÓ ĐÔI CÁNH GÃY
NÓ...
TÌNH NGƯỜI CÓ CÒN KHÔNG ?
YÊU THẬT – MẤY AI?
CÒN ĐÓ MỘT MỐI THƯƠNG…
LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM
TRẢI NGHIỆM DẤN THÂN CỦA MỘT TÂN TÒNG
TÔI ĐÃ ĐƯỢC LOAN BÁO TIN MỪNG
Phụ nữ Việt Nam: Những xót xa thời hiện đại
VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG VIỆC PHÁT HUY QUYỀN LAO ĐỘNG
QUYỀN LAO ĐỘNG (ĐỒNG HÀNH CÙNG LỚP HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO)
ĐỒNG HÀNH CÙNG LỚP HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO - CHƯƠNG VI: LAO ĐỘNG
NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ HÔN NHÂN KI-TÔ GIÁO (BUỔI HÔI THẢO CUỐI CÙNG VỀ GIA ĐÌNH)
BUỔI HỘI THẢO THỨ BA VỀ GIA ĐÌNH: GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO TRONG GIA ĐÌNH
TÌM CHÚA GIỮA ĐỜI THƯỜNG
BUỔI HỘI THẢO THỨ NHÌ VỀ GIA ĐÌNH: CÁC QUYỀN CỦA GIA ĐÌNH
HỘI THẢO VỀ BỆNH VÔ CẢM TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY
TÌM CHÚA GIỮA ĐỜI THƯỜNG

 

Nhà thờ Chợ Đũi

Sáng Thứ bảy 17/3/2012, anh chị em chúng tôi – “liên nhóm” tìm hiểu Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (GHXHCG) và Thần Học luân lý (THLL) – vui mừng tạ ơn Chúa cùng nhau về nhà thờ Chợ Đũi để tham dự Thánh Lễ nhậm chức Cha Sở Họ Đạo Chợ Đũi của Linh mục Ernest Nguyễn Văn Hưởng (Nhà thờ Chợ Đũi còn thường được gọi là nhà thờ Huyện Sĩ). Sau 27 năm thụ phong Linh Mục, rồi giữ chức Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn (từ khóa 9 đến khóa 13), đây là lần đầu tiên Ngài về coi sóc giáo xứ.

Là Giáo Sư Thần học luân lý, Cha Ernest đã dành rất nhiều thời gian và công sức để nâng đỡ anh chị em chúng tôi trong các bài giảng về GHXHCG và THLL trong thời gian qua. Chúng tôi quí và yêu kính ngài như một người cha gần gũi. Ngài không truyền đạt những gì quá cao xa, nhưng luôn mời gọi mỗi người hãy suy nghĩ về những điều rất đời thường – “thường như hơi thở” – mà lắm lúc người đời lãng quên… Bài giảng của Cha trong Thánh Lễ hôm nay về Tin Mừng Gio-an, đoạn 14, câu 6-14, gợi lên bao điều suy nghĩ:

“Ông Phi-lip-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện rồi.”Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-lip-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy thầy, là thấy Chúa Cha... Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy… ai tin vào Thầy, thì người đó sẽ làm được những việc Thầy làm, Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha”“(Ga 14, 8-12)

“Ai tin vào Chúa Giê-su thì cũng sẽ làm được những việc Ngài làm, và còn làm được những việc lớn lao hơn – Cha bắt đầu bài chia sẻ - những lời đó chứng tỏ đức tin chiếm một vị trí quan trọng trong lời dạy của Chúa Giê-su cũng như trong đời sống của mỗi Ki-tô hữu chúng ta… Mỗi người có một cách diễn tả niềm tin, lòng mến Chúa ra bên ngoài một cách khác nhau. Niềm tin ấy không chỉ là lý thuyết, là trừu tượng, mà còn là một cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Nhờ Chúa Giê-su xuống thế làm người, nên cuộc gặp gỡ ấy là gặp gỡ một con người cụ thể, là Chúa Giê-su. Chúa Cha ở trong Chúa Giê-su nên ai thấy Chúa Giê-su là thấy Chúa Cha. Chúa Giê-su ở trong các Ki-tô hữu, vì các Ki-tô hữu là thân thể mu nhiệm của Đức Ki-tô, nên theo nguyên tắc, người ta có thể gặp gỡ Chúa Giê-su khi gặp gỡ các Ki-tô hữu. Nhưng điều này dường như có vấn đề. Ngày nay xem ra người ta khó gặp được Chúa Giê-su nơi các Ki-tô hữu – tức là qua giáo dân, qua Linh Mục, Giám Mục. Vì thế rất nhiều người tìm kiếm Đức Giê-su qua các ảnh tượng, các phép lạ, chuyện lạ, qua các nơi hành hương. Sự kiện đó đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Tại sao người khác không nhìn thấy Chúa Giê-su nơi mỗi người chúng ta? Tại sao Đức Ki-tô nơi chúng ta quá lu mờ để người khác không còn nhìn ra nữa? Hay phải chăng người ta có quá nhiều bận tâm, nên không còn muốn nhìn thấy hình ảnh hay là gương mẫu Đức Ki-tô nơi chúng ta – các Ki-tô hữu? Những câu hỏi đó không phải là dễ trả lời.

Ngày nay, có một hiện tượng đáng chú ý là hầu hết mọi người đều quan tâm đến sự thật. Trong một thế giới đầy những thực tại ảo, đầy những giả hình và dối trá, nhiều người lừa đảo, làm giàu, hay cố gắng đạt được mục đích bằng các phương tiện dối trá; trong một thế giới mà người ta chạy theo làm môn đệ của Sa-tan, là cha sự dối trá, thì việc quan tâm đến sự thật là một dấu hiệu rất tích cực. Ngày nay con người bị thu hút bởi sự thật, hướng đến sự thật trở nên một nội dung rao giảng hấp dẫn của Giáo Hội, đến nỗi đây là một nội dung rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Và đây chính là một trong những nội dung của học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, và Giáo Hội cố gắng truyền bá như một cố gắng rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay... Giáo Hội cố gắng rao giảng sự thật, vì người nào nghe sự thật là nghe tiếng Thiên Chúa. Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giê-su xác nhận: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Câu nói trên, Chúa Giê-su đã cho ta biết vì sao chúng ta không là hình ảnh của Chúa Giê-su. Người ta không nhìn thấy chúng ta là nhân chứng của Đức Ki-tô, khi thấy chúng ta nghiêng về sự dối trá, giả hình. Người ta không nhìn thấy nơi chúng ta tình yêu mà Đức Ki-tô mời gọi, khi chúng ta chỉ khơi lên hận thù, chia rẽ, chạy theo danh, lợi, thú của thế gian... Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta làm những chuyện vô ích. Những việc ấy dẫn chúng ta đi lạc đường, xa lìa đường sống, đường lối chân thật của Thiên Chúa...”

Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, tân chánh xứ Chợ Đũi

Lời giảng của Cha gợi cho tôi nhớ lại một câu chuyện có thật xảy ra tại nhà sách Đức Mẹ Đền Chúa Cứu Thế Sài Gòn, do Cha Mat-thêu Vũ Khởi Phụng kể lại. Câu chuyện cách đây khá lâu, khi chưa xây nhà sách mới: hôm ấy có một người đàn ông đứng tuổi, dáng người lam lũ chân quê vào nhà sách xem ảnh tượng. Sau một hồi lâu nhìn ngắm mọi thứ  với vẻ lạ lẫm và thú vị, ông dừng lại chọn mua tượng một gương mặt Chúa Giê-su chịu nạn trên Thập Giá, mồ hôi máu tuôn đổ, ánh mắt thất thần nhưng chan chứa lòng xót thương. Vòng mão gai đâm sâu rướm máu. Thấy cung cách khách hàng, chị nhân viên đoán biết đây là người ngoài Công Giáo, mới thắc mắc thăm dò: “Bác mua tặng người quen phải không ạ?” Vị khách hàng trả lời rất tỉnh, làm mọi người đều ngạc nhiên: “Đâu có, tôi mua về thờ đó chớ! Tôi không biết ông này là ai, nhưng nhìn ổng khổ nạn, ổng giống tôi, chắc ổng phải biết nỗi khổ của tôi, sẽ xót thương và phù hộ tôi!”. Chao ôi! Người đàn ông nghèo này đã tìm thấy sự đồng cảm xót thương của Chúa Giê-su. Còn tôi, tôi đã làm gì để chia sẻ với những cảnh đời lao nhọc? Hay tôi cứ ngụy tạo cho mình một sự sang trọng lạnh lùng?

Tôi lại nhớ đến hang đá Noel ở Đền Chúa Cứu Thế Sài Gòn mùa Giáng sinh năm 2011 rất sốc: không hoa, không đèn màu rực rỡ như thông lệ. Thay vào đó là những hình ảnh, áp-phích  người thật việc thật của những bất công, áp bức, giết người, phá thai, đói nghèo, tàn bạo… Những tiếng rên xiết oán than đến tận trời!... Còn tôi, tôi tìm Chúa Giáng Sinh ở đâu? Tôi bịt tai nhắm mắt, hớn hở đổ về các nhà thờ lớn sáng lạng đèn hoa, thông cao ngút trời, đông vui nhộn nhịp. Rồi chụp hình, ngắm cảnh, tiệc tùng suốt sáng thâu đêm!.. Chúa của tôi Giáng Sinh khó nghèo trong máng cỏ bò lừa để chia sẻ kiếp nhân sinh, sao tôi lại dám mặc cho Người những vinh hoa lấp lánh, để lấy cớ làm cho đêm Thánh vô cùng trong bình an sâu thẳm của Người trở thành một thứ lễ hội xa hoa, bỏ rơi bên đời nhưng tủi hờn cơ cực!.. Ôi thương thay cho tôi! Tôi sống trong bi kịch, ích kỷ và dối trá của chính tôi nhưng tôi nào hay biết! Chúa Giáng Sinh nơi nào mà chẳng thấy ở nơi tôi! Thảo nào người ta cứ phải ngược xuôi tìm Chúa!!!

Bài giảng đã kết thúc, Thánh Lễ đã  khép lại. Nhưng lời Chúa cứ vang vang trong lòng tôi. Tâm can tôi như bị mổ xẻ, phơi bày trước ánh sáng của Lời. Chúa không hạch sách tôi. Ngài nhìn tôi với ánh mắt đầy thương cảm, nhưng sao lương tâm tôi cứ khảo hạch chính mình! Tôi đã tìm Giê-su nơi đâu? Tôi quên đi tìm Ngài nơi chính sự đơn sơ lương thiện của chính tôi. Tôi cao rao tình yêu Thiên Chúa nhưng không thể bỏ qua việc mua chiếc áo mới để lấy tiền chia cho bạn nghèo. Tôi lên án sự dối trá nhưng lòng tôi vẫn ẩn khuất đầy bóng tối! Tôi làm méo mó gương mặt của Đức Giêsu bằng sự ích kỷ và kiêu ngạo của chính bản thân tôi!...

 Lạy Chúa! Xin cho con nhận ra sự yếu đuối của chính bản thân mình, để con biết nếu không có Chúa con chẳng làm được gì, vì đến như Thánh Phao-lô mà còn rên xiết: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ là” (Rm 7,15). Xin cho con biết “tìm sức mạnh trong Chúa và uy lực toàn năng của Người... Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,10-12)

Và lạy Cha chí ái! Chúng con ước muốn được sống trong sự thật và tình yêu. Nhưng Sự ThậtTình Yêu là quyền năng xuất phát từ nơi Cha. Xin hãy nhớ lời Thánh Tử yêu dấu của Cha: “Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần... Xin Cha hãy lấy sự thật mà Thánh hiến họ” (Ga 17,15-19). Xin Cha tha tội cho chúng con, và xin hãy luôn đặt chúng con an toàn trong trái tim Cha –  những người con yêu thương cũng như cả thế giới tội lỗi này, vì chúng con đã nhân Danh Giê-su mà cầu nguyện cho họ, như lời Chúa Giê-su đã cầu nguyện cùng Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, mà còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha...” (Ga 17, 20-22). Amen!

Mẩu Bút Chì

Tác giả: Mẩu Bút Chì

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!