Sách Hành Trang Lên Đường gồm những bài thuộc chủ đề thần-học tín-lý và luân lý nhìn trong bối cảnh văn hoá dân tộc. Những bài viết này, ngoài đạo-lý gia-đình, còn là một tài liệu học hỏi về Kinh Thánh thu gọn thâu tóm vào những nhân đức cơ bản là cốt lõi của Kitô-giáo nói chung và Công-Giáo nói riêng: Nhân Đức Đối Thần (Tin, Cậy, Mến), Nhân Đức Trụ (Khôn Ngoan, Công Bằng, Can Đảm, Tiết Độ), và nhiệm-tích Thánh-Thể.
Xuất bản năm 2004, sách đã được nồng-nhiệt giới thiệu bởi Đức Cha Nguyễn Văn Hoà, khi ấy là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, linh mục Đinh N. Thảo nguyên chủ nhiệm tập san Chân Lý của Dòng Đa Minh Việt Nam Hải Ngoại và linh mục Phêrô Maria Phạm Hoàng Bá, quản nhiệm cộng đoàn Đức Mẹ Lavang, Mississauga, Ontario, Canada.
Nay tác giả nhuận sắc lại, sẽ lần lượt gửi đến độc giả của trang mạng “Công Giáo Viet Nam”, gồm các bài sau đây:
1- Ðức Tin, nền-tảng của Ðạo Tình Yêu.
2- Ðức Cậy, lẽ sống của người Ki-tô-hữu.
3- Ðức Ái nhìn dưới khía cạnh tình yêu và độ-lượng.
4- Ðức Khôn-Ngoan, hoa tiêu của các nhân-đức trụ .
5- Ðức Công-Bằng, một giải-đáp cho vấn-nạn nhân-sinh.
6- Ðức Can-Ðảm, sức mạnh của người Ki-tô-hữu.
7- Ðức Tiết-Ðộ, nơi gặp-gỡ giữa luân-lý Công-giáo và văn-hoá Bách-Việt.
8- Xoá Tội hay Gánh Tội?
9- Nhiệm-tích Thánh-Thể.
10- Ðạo Hiếu, nét đặc-thù của văn-hoá Việt và Ki-tô-giáo.
11- Hạnh-phúc hôn-nhân.
12- Thiên Chức Làm Cha Mẹ.
Đức Tin, nền tảng của Đạo Tình Yêu
Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh
(nhuận sắc từ sách Hành Trang Lên Đường, Toronto, 2004)
* “Nơi Ngài, con vẫn hằng tin,
Ngài là Thượng-Đế, con xin kính thờ” (Tv 30:15)
* “Không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa,
vì ai đến gần Thiên Chúa thì phải có đức tin là có Thiên Chúa
và tin Người là Ðấng ban phần thưởng
cho những ai tìm kiếm Người” (Heb 11, 6).
Trong nghi-thức rửa tội, câu đầu tiên linh-mục hỏi là: “Con tên gì? Con xin gì cùng Giáo-hội Chúa?” Sau khi xưng tên thánh, người dự-tòng hay người đỡ đầu trả lời: “Con xin ÐỨC TIN”. Câu hỏi tiếp: “Ðức Tin sinh lợi-ích gì cho con?” Trả lời:“Xin sự sống đời đời”. Rồi trước giếng rửa tội, mọi người cùng đọc kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha để tuyên xưng đức tin lần nữa: và hứa sẽ sống xứng đáng người Ki-tô-hữu tuân theo luật Chúa dạy phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự cùng yêu mến tha-nhân như yêu chính mình.
Như vậy thì việc tuyên xưng Ðức Tin là đìều kiện cơ-bản và tất-yếu để gia-nhập đoàn chiên của Chúa. Ðức tin ấy, nhờ ân-sủng của Thánh-Linh, phải là một đức tin tuyệt-đối, thật sự trọn vẹn, một niềm tin quả-quyết, chân-thành và sống động khả dĩ có sức mạnh để trở nên chứng-nhân của Thiên Chúa Tình Yêu, ngõ hầu hưởng phần gia-nghiệp vĩnh-cửu của Người.
I- Một niềm tin quả-quyết
Mầu-nhiệm Ngôi Lời Nhập-Thể là nguồn gốc và trung-tâm của chương-trình cứu-độ vĩ-đại của Thiên-Chúa. Vì tình yêu vô biên và khôn lường, Thiên-Chúa chấp-nhận mang thân phận tục-hoá của con người với tất cả ý-nghĩa đau thương, tầm thường của kiếp sống giới-hạn nơi trần-gian; và Thiên-Chúa làm như vậy cũng chỉ vì muốn cho nhân-loại được cứu rỗi. Vậy đạo Chúa là đạo Tình Yêu, là con đường dẫn đến ơn cứu độ, nghĩa là theo con đường này, ai ai cũng trông mong mình sẽ được cứu rỗi về sau, nói khác, đạo Chúa đòi hỏi mỗi người một niềm tin đón nhận hồng-ân cứu-độ của Người. Thánh Kinh định nghĩa: “Ðức Tin là bảo-đảm cho những điều ta hy-vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”, (Do-Thái 11: 1) .
1) Theo đó, thực-chất của đức tin trước hết phải là một niềm tin nhưng không, một niềm tin vô điều-kiện, không do-dự, dù chưa thấy vẫn cứ tin, tin Ðức Ki-Tô Nhập-Thể là Thiên-Chúa duy-nhất và toàn năng, hằng hữu; chẳng cần đến phép lạ chứng-minh cũng vẫn xác-tín vào những điều Thiên-Chúa mặc-khải, thâm-tín vào những việc Thiên-Chúa làm. Như anh hành-khất Bác-Ti-Mê kia, tuy mù loà chẳng thấy, nhưng mới chỉ nghe nói Ðức Giê-su đang đến, mặc cho những người dẹp đường đuổi xua quát mắng, anh vẫn một mực kêu lên “Lạy Ông Giê-su, Con Vua Ða-vít, xin rủ lòng thương tôi” (Mác-cô 10: 46-53). Chẳng như Tô-Ma kia, tuy đã là môn-đệ đang theo Thầy, mà vẫn còn đòi điều-kiện phải được xỏ tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn của Thầy thì mới tin Thầy mình đã sống lại (Gio-an, 20: 24-29):
“Xỏ tay vào lỗ cạnh sườn,
Hãy sờ cho rõ tỏ-tường Thầy đây!
Phúc ai chưa thấy, tin ngay,
Lòng con sao cứng thế này, Tô-Ma?” (1)
Ðức Maria là mẫu-mực của niềm tin tuyệt-đối nơi Yavê, một niềm tin nhưng không: “Khi chưa trực-diện Ya-vê, chỉ mới nghe Ga-bi-e loan báo, Mẹ đã tuân-phục xin vâng. Mẹ nhận biết ngay quyền uy Chúa Cả. Mẹ nhận rõ Người là Ðấng toàn thiện, toàn ái, toàn chân. Mẹ nhận biết Yavê như chính Yavê nhận biết mình Ngài. Trong Thánh-Thần ngập phủ, Mẹ nhận biết chương-trình Ngài đã khởi sự. Mẹ nhìn nhận Yavê không đắn-đo do-dự: Mẹ xin vâng nhưng không". (2)
Tiểu-sử thánh Louis IX kể lại rằng: một linh-mục dâng lễ trong nhà nguyện của hoàng-gia; người ta thấy, khi ngài truyền phép, trong tay ngài in hình một trẻ em vô cùng xinh đẹp. Họ chạy đi mời vua đến chứng-kiến. Vua thánh Louis đáp: “Ta tin thật Chúa Giêsu hiện-diện thực sự trong bí-tích Thánh-Thể đến nỗi Ta chẳng cần đến xem phép lạ đó để xác-tín. Ta tin Người hiện-diện trong đó một cách vững-vàng hơn là khi ta nhìn thấy; vì vậy Ta không đi xem để khỏi mất công-phúc đức tin của Ta.”
2) Ðức tin còn phải là một niềm tin vững mạnh, tin chắc sẽ chiếm lãnh được trước những sự trên trời, biết chắc vững-vàng sẽ chiếm hữu được những điều mình đương trông cậy chờ mong. Không phải là những trông mong vật-chất, nhưng là trông mong được cứu rỗi, được giải-thoát khỏi bóng tối của tội lỗi, được cứu khỏi án phạt của Thiên-Chúa dành cho tội-nhân, như lời Chúa phán: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời: còn kẻ nào không chịu tin vào người Con, thì không được sống, nhưng cơn thịnh-nộ của Thiên-Chúa đè nặng trên kẻ ấy.” (Gioan, 3: 35-36).
Và với đức tin vững mạnh ấy, tất cả mọi biến-cố xảy ra cho ta đều phải tin là do thánh-ý Thiên-Chúa gửi đến trong chương-trình cứu rỗi của Người mà hiện giờ ta chưa thấy được, bởi lẽ: “Bây giờ chúng ta thấy lờ-mờ như trong một tấm gương soi, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi được biết hết, như Thiên-Chúa biết tôi.” (thư 1 Cô-rin-tô 13: 12). Vì vậy những điều trông mong vật-chất mà hiện nay ta không đạt được, hoặc trái lại còn gặp phải những đớn đau, thì phải hiểu đó là những thánh-giá hồng-ân Chúa Ki-tô đã gửi đến cho ta để ta cùng vác với Ngài vì: “Ai không vác thập-giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mát-thêu 10: 38)
Quả vậy, chính Ðức Ki-tô đã minh-thị điều này khi Ngài cáo-biệt các môn-đệ mà trấn an họ rằng: “Lòng anh em đừng xao-xuyến! Hãy tin vào Thiên-Chúa và tin vào Thầy!” (Gioan 14:1). Vì rằng như lời sách thánh: “Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng” (Roma 10: 11) và “Vì tất cả những ai kêu cầu danh Ðức Chúa sẽ được cứu thoát.” (Roma 10: 13). Ðây chính là yếu-tố cơ-bản để chúng ta được trở nên công-chính trong hồng-ân của Người. Chỉ cần tin vào Ðức Ki-Tô, con người sẽ đón nhận ơn cứu-độ, như lời Thánh Kinh đã dạy: “Vì chúng ta tin, nên Ðức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân-sủng của Thiên-Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự-hào về niềm hy-vọng được hưởng vinh-quang của Thiên-Chúa.” (Roma 5: 2)
Tóm lại, nếu tình yêu là cứu-cánh, thì đức tin là nền tảng. Nếu bản chất của đạo Chúa là tình yêu, thì đức tin là điều-kiện tiên-quyết để ta được trở thành chi-thể của nhiệm-thể Chúa Ki-tô là Ðấng Cứu Ðộ và là Thiên-Chúa Hằng-Cửu, bởi lẽ “Thiên-Chúa là Tình Yêu.” (thư 1 Gio-an 4: 8,16), và Người đã phán: “Ta là đường, là chân-lý, và là sự sống.” (Gio-an 14: 6) cho nên “Ai tin vào Con Thiên-Chúa thì Thiên-Chúa ban cho sự sống đời đời và sự sống ấy ở trong Con của Người.” (thư 1 Gio-an 5: 10-11). Ðức Tin chính là điều-kiện cần và đủ để có được Tình Yêu thánh-hoá vậy.
II- Một niềm tin chân-thành
Kiêu-ngạo thì không thể có đức tin, và nếu có niềm tin ban đầu thì sau này cũng dễ mất đức tin. Cho nên đức tin chân-thành đòi hỏi một sự khiêm tốn hiểu biết.
1) Trước hết là khiêm-tốn hiểu rõ con người đích thực của mình, nhìn nhận mình là là kẻ tội-nhân, là thân phận hèn mọn trước mặt Thiên-Chúa, “vì mọi người đều đã phạm tội và bị tước mất hết vinh-quang của Thiên-Chúa”, vinh-quang do sự hiện-diện của Thiên-Chúa đã ban cho khi Thiên-Chúa tạo-dựng nên con người. (thư Rô-ma 3: 23).
Sau khi nghe bà Ê-li-sa-bét chúc tụng, Mẹ Maria cất tiếng ngợi khen Thiên-Chúa đã ban cho Mẹ hồng-ân trọng-đại. “Mẹ xin vâng khiêm cung vì nhận biết mình là phận hèn tôi tớ. Mẹ tuyên xưng:
Hồn tôi chúc tụng Chúa tôi,
Lòng tôi hớn-hở mừng Người đoái thương
Cho tôi những sự phi-thường,
Hồng-ân Chúa giãi tỏ-tường toàn năng.
Phận hèn tôi-tớ xin vâng
Hoàn toàn tín thác hiến dâng cho Người”. (2)
Người sĩ-quan ngoại-giáo thành Ca-pha-na-um, khi nghe tin Chúa Giê-su vào thành, đã bộc lộ niềm tin thật hết mực khiêm-cung đến nỗi Chúa cũng phải ngạc-nhiên mà nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế”. Trước đó, viên sĩ-quan này đã nài xin Người cứu chữa tên đầy tớ của mình đang nằm bại liệt đau-đớn ở nhà, ông thưa với Chúa:
“Nhà tôi chẳng đáng Chúa vào
Xin Ngài hãy phán, tên hầu lành ngay” (Mát-thêu 5: 8-13)
Quả vậy, Ðức Giê-su nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công-chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám-hối ăn-năn.” (Lu-ca 5:32). Ðức Giê-su nói thế để trả lời những người Pha-ri-siêu và những kinh-sư lẩm-bẩm trách môn-đệ của Ngài đã ngồi ăn chung với kẻ tội lỗi trong bữa đại-tiệc ông Lê-vi khoản-đãi Chúa Giê-su có những người thu thuế cùng tham-dự. Bởi thế, “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, thì Thiên-Chúa là Ðấng trung-thành và công-chính sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh-tẩy chúng ta sạch mọi điều bất-chính.” (thư 1 Gio-an 1: 9)
2) Sau nữa Ðức tin chân-thành còn là niềm tin khiêm tốn nhìn nhận Thiên-Chúa là Tình Yêu, là Ðấng toàn-năng toàn-hảo đã sai Ðức Ki-Tô Ngôi Lời nhập-thể vừa là Thiên-Chúa vừa làm con người trần thế thực sự, chịu chết thảm nhục trên thập-giá thay cho tất cả mọi người, chỉ vì yêu thương loài người, muốn cho nhân-loại được cứu-độ, được chia sẻ vinh-quang với Người.
Thật thế, “Ðức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên-Chúa yêu thương chúng ta.” (thư Rô-ma 5: 8) Tình yêu ấy khắn-khít mật-thiết đến nỗi “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên-thần hay ma-vương quỷ-lực, hiện-tại hay tương-lai hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thụ-tạo nào khác, cũng không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên-Chúa thể-hiện nơi Ðức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (thư Rô-ma 8: 38-39)
Và một khi đã nhìn nhận Thiên-Chúa yêu thương chúng ta như vậy, thì chúng ta phải đáp lại làm sao đối với tình yêu hải-hà của Người?
a) Dĩ-nhiên là phải yêu mến Chúa thật tình.
Ông Si-mon, người Pha-ri-siêu, mời Chúa Giê-su dùng bữa tại nhà mình. Ðang ăn có một người phụ-nữ tội lỗi đến khóc lóc với Ngườì. Thấy Người đón tiếp, chủ-nhân thắc mắc vì chị ta là người tội lỗi. Ðưa ra dụ-ngôn: hai con nợ, kẻ nợ ít, người nợ nhiều, nhưng vì họ không có gì để trả, chủ đã thương tình tha nợ cho cả hai, Chúa hỏi Si-mon: ai là người mến chủ nhiều hơn? Si-mon đáp: người nợ nhiều nhất. Chúa bèn nói với Si-mon: “Tôi vào nhà ông, nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi; còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” (Lu-ca 7: 36-47) Rõ-ràng lòng tin của người phụ-nữ này rất chân-thành vì phát xuất tự đáy lòng yêu mến thiết-tha, thành-quả và dấu chỉ của ơn tha-thứ.
b) Tuy nhiên, lòng mến Chúa không hẳn đóng khung trong giới-hạn của bản thân, mà còn phải thể-hiện bằng tình yêu đối với tha-nhân theo lẽ công-bình: “Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em!” (Gio-an 15: 12).
Và một cách tích-cực hơn nữa theo tình huynh-đệ là yêu thương ngay cả kẻ thù của mình, bởi họ cùng là anh em của ta, cùng một chi-thể của nhiệm-thể Chúa Ki-tô: “Thầy là cây nho mà chúng con là cành.” (Gio-an 15: 5), cho nên “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu-khống anh em. Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.... Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Lu-ca 6: 27-31).
Tất cả ý-nghĩa của niềm Tin chân-thành ấy tóm gọn trong lời dạy sau đây của Chúa Giê-su: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên-Chúa ngươi, hết lòng, hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mát-thêu 22: 37-39). Bởi lẽ, “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên-Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên-Chúa mà họ không trông thấy. Ðây là điều răn mà chúng ta nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên-Chúa thì cũng yêu thương anh em mình.” (thư 1 Gio-an 4: 20-21).
III- Một niềm tin sống động
Thực-hành giới-răn yêu thương ấy, chính là ta sống đời sống đức tin, một đức tin sống động, nói khác, một đức tin được thể-hiện ra trong hành-động.
Nhiều người có thói quen tự bào-chữa cho sự nguội lạnh của mình khi không tham-dự tích-cực vào những hình-thức đạo-đức phụng-vụ bằng cách nói rằng giữ Ðạo cốt tại tâm. Từ đó họ cũng tương-tự nói rằng tin ở trong lòng là đủ. Tục-ngữ có câu: “Có đầy bát mới dát xuống mâm”. Trong thâm-tâm không quả-quyết, không thâm-tín chân-thành thì sao có thể làm cho người khác cảm-ứng được niềm tin của mình?
Ma quỷ tin mà không hành-động, chúng cũng tin Thiên-Chúa, cũng nhận biết quyền năng của Người, nhưng không yêu mến Chúa, không thực-thi lời Chúa và chống đối Người, phá-hoại công-trình của Người. Miệng nói: hãy ăn cho no, mặc cho ấm mà không cho họ thì nào có ích gì?
Tổ-phụ Áp-ram đã hành-động niềm tin khi xin vâng tế-hiến I-sa-ác con mình trên bàn thờ. “Nhờ hành-động mà con người được nên công-chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi...Thật thế, một thân xác không hơi thở là một thân xác chết, cũng vậy đức tin không có hành-động là đức tin chết” (thư Gia-cô-bê 2, 14-26).
Cho nên tin ở trong lòng chưa đủ mà còn phải tuyên xưng đức tin một cách công-khai và tự-do như Chúa Ki-tô đã dạy: “Phàm ai tuyên-bố nhận Thầy trước mặt thiên-hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên-bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên-hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mát-thêu 10: 32-33).
Như vậy tuyên xưng Đức Tin hàm nghĩa tuyên xưng mình là con cái Chúa, dĩ-nhiên là phải thực-hành lời Chúa, tuân giữ các giới-răn của Người, nêu gương sáng cho người xung quanh, đó là một cách bảo vệ và rao giảng Tin Mừng, dùng đời sống đức tin của mình làm chứng-nhân Thiên-Chúa là Tình Yêu. Thật vậy: “Căn-cứ vào điều này mà người ta phân-biệt con cái Thiên-Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công-chính thì không thuộc về Thiên-Chúa; ai không yêu thương anh em mình thì cũng vậy” (thư 1 Gio-an 3: 10). Cho nên lời Kinh Thánh dạy rằng: “Đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân-thật và bằng việc làm!”(thư 1 Gioa-an 3: 18).
* * *
Thiên-Chúa xuống làm người trần-gian, chịu khổ hình và chịu chết bởi tay người trần-gian. Nhưng Chúa đã phục-sinh, đã chiến-thắng sự chết, giải-thoát thế-gian khỏi bóng tối của tội lỗi: “Tôi là ánh sáng đến thế-gian để bất cứ ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối” (Gio-an 12: 46). Chúa đã nói như thế đối với những người kém lòng tin, họ thuộc giới lãnh-đạo Do-Thái, có nhiều người tuy cũng tin vào Ðức Giê-su, nhưng vì sợ bị nhóm Pha-ri-siêu khai-trừ khỏi hội-đường, nên không dám tuyên xưng đức tin của mình.
Ðã hơn một lần Chúa Giê-su cho các môn-đệ của Người hiểu rõ sức mạnh của lòng tin, dù chỉ là lòng tin bằng hạt cải mà thôi. Khi các môn-đệ thưa với Chúa: ‘‘xin Thầy thêm lòng tin cho chúng con’’, Người đã trả lời: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lu-ca 17: 6). Một lần khác, trả lời các môn-đệ hỏi Chúa Giê-su: Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?, Người nói với các ông: “Tại anh em kém tin. Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mát-thêu 17: 19-20).
Đức Gioan Phaolô II từng căn dặn “ngay trong những giờ tuyệt vọng, không phải mọi ánh sáng đều đã tắt hết đâu” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 23/3/2000). Lý do vì ngay lúc khốn cùng và nguy hiểm nhất, người tín hữu vẫn có thể thưa với Chúa : “Con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy Chúa, con dám thưa rằng : Ngài là Thượng Ðế của con.” (Tv 30:15)
Ðức Tin quả có sức mạnh kỳ-diệu phi-thường. Chỉ cần một niềm tin “hạt cải” như Chúa đã nói là cũng đủ rồi, nhưng phải là Ðức Tin thực sự trọn vẹn, tuyệt đối: một niềm tin quả-quyết, một niềm tin chân-thành sâu xa tự đáy lòng, và là một đức tin sống động thể-hiện một cách cụ-thể trong hành-động, trong lời nói và việc làm.
---------------------------------------------------------------------
Cước-chú:
(1) Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh, Con Xin Làm Kiếp Phù-Sa, thơ kinh toàn tập, bài 86, Nxb Tôn-Giáo, 2011
(2) sách đã dẫn, bài 86.