Là Mẹ của Giáo-Hội, Đức Maria hằng quan tâm tới phần rỗi của con cái Mẹ dưới trần-thế, biết bao lần mẹ đã hiển-linh gửi sứ-điệp cảnh báo nhân loại:
* hãy ăn năn đền tội,
* hãy tôn sùng Mẫu Tâm Vô Nhiễm,
* hãy năng lần hạt Mân Côi
* hãy tôn thờ Thánh thể.
Nhân kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra ở Fatima Bồ-Đào-Nha, người viết có một thoáng suy tư về vai trò của Đức Mẹ trong sứ mạng của Giáo-Hội.
1- Trong bối cảnh chiến tranh, những lần Đức Mẹ hiện ra tại khắp nơi trên thế-giới, Fatima, Pellevoisin, La-vang, Bình Triệu, Tà pao, v.v..thường mang theo dấu ấn Thánh-Thể, và tâm trạng đau thương. Song có điều nhận thấy là hầu như ở nơi nào cũng vậy, Mẹ không chọn chốn phồn hoa tráng lệ, nhưng chọn nơi vắng vẻ xa xôi; Mẹ thường chọn tiếp cận những khung cảnh nghèo khó thấp hèn và các em nhỏ ngây thơ, hoặc nơi các tu-viện khiêm hạ quạnh hiu.
* Tại La Salette, Mẹ hiện ra với hai em nhỏ trong một gia đình nghèo không hiểu biết nhiều về giáo lý, là Maximin Guiraud (11 tuổi) và Melanine (14 tuổi) đang chăn cừu cho người chủ trên rặng núi Alpes.
* Tại Pontmain nước Pháp, Mẹ hiện ra ở nông trại của ông Cesar Barbadette. Eugène Barbadette,12 tuổi và Joseph, 10 tuổi. Eugène từ trong nhà chạy ra ngoài nhìn về phía bầu trời có chiến tranh. Eugène chợt thấy một phụ nữ đẹp đứng trên nóc nhà, Eugène nghĩ là điềm báo anh mình tử trận, nhưng sau cậu nghĩ khác, vì thấy bà đẹp mỉm cười. Cậu gọi mọi người trong nhà ra coi, nhưng họ không thấy gì, chỉ có em Joseph trông thấy bà đẹp và cao lớn đứng trên nóc nhà.
* Tại Beauraing, một làng quê hẻo lánh nước Bỉ, đêm 29 tháng 11 năm 1932, Mẹ hiện ra với năm trẻ nhỏ là Fernande Voisin, 15 tuổi; Gilberte Voisin, 13 tuổi; Albert Voisin, 11 tuổi; Andrée Degeimbre, 14 tuổi và Gilberte Degeimbre, 9 tuổi
* Chỉ 12 ngày sau, tại Banneux, một làng nhỏ cũng không cách xa Beauraing bao nhiêu, Mẹ lại hiện ra với một bé gái 11 tuổi tên là Mariette Beco, con ông Julien Beco làm phu mỏ than.
* Tại Aparecida bên Brasil, năm 1717, sau vài lần đánh cá ở sông Paraiba không thành, ba ngư dân đã thấy tượng Đức Mẹ không đầu trong lưới của mình. Họ thả lưới, vớt được đầu của bức tượng, rồi thả lưới lần thứ ba họ vớt được rất nhiều cá. Trong vòng 15 năm, bức tượng vẫn ở trong nhà của một trong ba ngư dân, các người láng giềng thường đến đây cầu nguyện. Năm 1929, Đức Giáo hoàng Piô XI ban tước hiệu “Nữ Vương và bổn mạng nước Ba Tây” cho Đức Mẹ Aparecida.
* Tại Lộ Đức, nước Pháp, trời mùa Đông ở miền núi giá buốt, trưa ngày 11 tháng 2 năm 1858, Bernadette, Jeanne Abadie và Marie Toinette bảo nhau tiến về bờ suối Gave nhặt củi, khi đó Bernadette mới là một bé gái 14 tuổi chưa biết đọc biết viết, Bernadette đã gặp một "bà đẹp" ở hang núi Massabielle.
* Tại La Mã, ông Bruno Cornachiola, một công nhân hoả xa, vốn theo Thệ Phản, thù ghét Giáo-Hội, bài-bác việc tin Mẹ là Đấng Đồng Trinh Vô Nhiễm, từng lấy bút chì viết lên chân tượng Đức Mẹ: “Bà không hề đồng trinh”, lại từng có ý định giết Giáo-Hoàng và tiêu-diệt Giáo-Hội. Ngày 12 tháng 4 năm 1947, khoảng 2 giờ 30 phút, ông dẫn các con đến chỗ hang đá gọi là “Tre Fontaine”, tìm chỗ vắng để chuẩn-bị cuộc nói chuyện sẽ bài-bác Đức Mẹ vào ngày hôm sau trước Hội Những Người Trí Thức. Bỗng nghe hai đứa con ông là Caro và Isola kêu gào từ dưới chân đồi gọi ông đi tìm giúp trái banh. Tìm mãi không thấy, đang lúc ngồi nghỉ mệt, ông thấy cháu Gianfraco quỳ trước cửa hang, mỉm cười, miệng mấp-máy: “Bà đẹp! Bà đẹp!” Hai đứa kia bèn chạy đến rồi cũng quỳ xuống lẩm-bẩm: “Bà đẹp! Bà đẹp!”. Rồi tự nhiên ông cũng buột miệng kêu: “Lạy Chúa xin cứu chúng con!”. Tiến lại gần chúng, ông cũng thấy sự lạ như ba đứa. Ông thấy Bà đẹp choàng khăn xanh, tóc hung đỏ toả xuống toàn thân, áo trắng toát, thắt lưng màu hồng, đứng trên tảng đá, một tay ôm cuốn sách, một tay chỉ cái áo thâm chùng gần đó có cây Thánh Giá gẫy, Bà nói: “Ta là Đấng hằng ở trong Chúa Ba Ngôi và là Trinh-Nữ Mạc-Khải ….” Ông đã được ơn hoán-cải và kể lại: “Chính với lòng thương xót vô ngần, Mẹ đã chinh-phục tôi là kẻ thù của Người trước đây, nay tôi đang xin ơn tha thứ và xót thương….”. Ông cắt nghĩa ba màu áo (trắng, hồng, xanh) có liên-hệ với Ba Ngôi Thiên-Chúa và với những lần Đức Mẹ hiện ra tại Lộ-Đức, Fatima và Roma. Ông kể tiếp, Đức Mẹ đã tự xác định là: “ái-nữ của Chúa Cha, là Mẹ của Chúa Con, là hiền thê và là cung thánh của Chúa Thánh Thần.
* Tại Pontevedra, trong phòng của chị Luxia ngày 10 tháng 12 năm 1925, Ðức Mẹ hiện ra với chị, bên cạnh có Chúa Giê-su Hài-Ðồng để truyền dạy việc giữ các ngày thứ bảy đầu tháng, xưng tội, rước lễ, lần chuỗi, và suy gẫm 15 mầu-nhiệm Mân Côi trong vòng 15 phút.
* Tại Tu viện Akita, Nhật Bản, ngày 12-6-1973, nữ-tu Agnes Sasagawa nhìn thấy từ Nhà Chầu chiếu ra những tia sáng chói lọi. Sự lạ này tiếp-tục xảy ra trong 2 ngày kế tiếp. Ngày 28, chị thấy trong lòng bàn tay trái của mình, có vết thương hình thánh-giá đang rỉ máu. Trong khi cầu nguyện, chị nghe có tiếng nói vọng ra từ tượng Ðức Mẹ. Sau cùng một vài nữ-tu đã thấy những giọt máu rỉ ra từ bàn tay trái tượng Mẹ. Ngày 29 tháng 9, sự lạ ngưng, nhưng lúc này, thay vì chảy máu, tượng Mẹ bắt đầu chảy nước mắt. Tượng đã khóc cả thảy trong 101 lần. Ngày 6 tháng Bảy năm 1973, nữ-tu Agnes nhận được sứ-điệp đầu tiên từ Mẹ Maria: "Hỡi con, tập sinh của Mẹ, con đã vâng lời từ bỏ tất cả mọi sự để theo Mẹ. Bệnh tật trong đôi tai làm con đau đớn, phải không? Tật điếc của con sẽ được chữa lành, con hãy tin chắc. Còn vết thương ở bàn tay làm cho con đau đớn, có phải vậy không? Con hãy siêng năng cầu nguyện để đền tội cho loài người. Mỗi người trong tu viện này đều là con gái không thể thay thế của Mẹ. Các con có sốt sắng siêng năng đọc kinh “Các Nữ-Tỳ Của Thánh-Thể” không? Vậy Mẹ con ta hãy cùng đọc:
"Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, đang hiện-diện thật trong bí-tích Thánh Thể, con xin hiến dâng linh hồn và xác con để hoàn toàn kết hợp với Thánh-Tâm Chúa đang hiến dâng từng phút giây trên các bàn thờ khắp thế giới, để cảm tạ Chúa Cha và xin cho Nước Cha trị đến. Xin Chúa đoái nhận lễ hèn mọn chính thân xác con. Xin Chúa dùng con theo thánh-ý Chúa để làm vinh danh Chúa Cha và cho phần rỗi các linh hồn. Lạy Mẹ Thiên-Chúa Cực Thánh, xin đừng để con bao giờ lìa xa Con Mẹ. Xin bênh-vực che chở con như con riêng của Mẹ. Amen”.
* Tại Việt-Nam, vua Cảnh Thịnh ra chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát Quảng Trị phải đến lánh nạn tại La Vang, nơi rừng thiêng nước độc, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi, một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Mẹ, tụ tập nhau cầu nguyện dưới gốc cây đa cổ thụ, lần chuỗi Mân Côi, đang khi đó, họ nhìn thấy Mẹ bồng Chúa Hài Đồng Giêsu hiện ra, có thiên thần cầm đèn chầu hai bên.
* Tại Trung Tâm Fatima Bình Triệu, hiện ra với kẻ tột cùng khốn khổ, Đức Mẹ đã ban phép lạ nhãn tiền chữa cho anh Tê-pha-nô, phế binh Việt-Nam Cộng Hoà ngày 28-12-1975 sau khi anh bị chính quyền mới trục xuất cùng với tất cả các thương bệnh binh khác tại Tổng Y Viện Cộng Hoà. Anh bị liệt hai chân, đã đến cầu xin tại Dòng Chúa Cứu Thế, nhưng nhận được lệnh Mẹ bảo anh quay trở lại, lết đến Trung Tâm Fatima Bình Triệu. Đêm khuya, vì Đền Thánh của Trung Tâm đóng cửa, anh ngồi ngoài cầu xin, nhưng về sau sơ coi sóc trung tâm ngạc nhiên thấy anh đã ở bên trong đền thánh, đang cầu nguyện và đứng dậy đi lại; sau này anh bị bắt đi tù cải tạo ngoài miền Bắc, và bị hành hạ đến mù mắt, nhưng đã được Mẹ chữa lành trong nột thời gian, v..v… (1)
* Tại Tà-Pao, Phan Thiết, ngày 15-09-1999, lúc 12 giờ 45 phút, 4 em học-sinh tên Mĩ-Huyền, Tuyết-Nhung, Hồng-Nhung và Bích-Trâm, đang chơi ở sân trường tiểu-học dưới chân đồi, thì thấy một đám mây lớn sáng hồng, ở giữa có hình Đức Mẹ bế Chúa Hài-Đồng, đầu đội triểu-thiên rực-rỡ, chung quanh đám mây có rất nhiều chim bồ-câu bay lượn, Đức Mẹ cử-động và nhìn các em một cách trìu mến. Một lúc sau, Đức Mẹ bế Chúa về hướng Tà-Pao, bỏ Chúa xuống, chắp tay đi khuất vào lưng chừng đồi. Từ đó về sau, dân quanh vùng ban ngày thì nhìn thấy một đám mây rất lớn, dáng hình Đức Mẹ bế Chúa đứng trên đồi, ban đêm thì thấy một vì sao lạ xuất-hiện trên núi đồi Tà-Pao.
2- Mẹ chọn như thế, là vì như lời Mẹ đã nói với em Mariette Beco 11 tuổi khi hiện ra tại Banneux ngày 19-01-1933: "Ta là Trinh-Nữ của kẻ bần cùng nghèo khó“ và với Estella Faguette 32 tuổi đang chờ chết trên giường bệnh vào ngày 5-11-1867 tại Pellevoisin: ”Mẹ chọn những kẻ bé mọn cho vinh-danh Mẹ.” Mẹ chọn những góc khuất của cuộc đời. Mẹ chọn những nơi tận cùng của đau khổ. Mẹ chọn những tâm hồn đơn sơ trong trắng.
* Bởi vì từ những góc khuất ấy, đã vọng lên tiếng kêu than tại sao có thảm-cảnh? Chính vì đối nghịch với những nẻo khuất ấy là cảnh vinh hoa phú quý, là vỏ bọc của phù vân kéo dài khoảng cách với họ, đào sâu hố thẳm của dị biệt khiến họ bị bỏ rơi quên lãng. Chính cái khoảng cách dằng dặc, sâu thẳm ấy đã gây ra bao nhiêu tội ác, sa đoạ, bất công, cướp đoạt từ mồ hôi nước mắt của giới nghèo hèn.
* Bởi vì chỉ có những tâm hồn đơn sơ, thật thà, trong trắng mới làm Thiên Chúa lắng nghe thương xót. Những tâm hồn ấy đã được Chúa chúc phúc. Khi các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy (Mt 18, 1-5).
3- Bốn điều Mẹ yêu cầu thực thi, có thể quy vào hai điểm chính:
* Bằng chuỗi Mân Côi, hãy kết hợp với Mẫu Tâm Tân Khổ để cùng với Con Mẹ trong cung lòng tinh trong vô nhiễm van xin Thiên Chúa Cha đầy lòng thương xót dừng cơn thịnh nộ mà tha thứ cho những điều xúc phạm đến Người.
* Như vậy tiên vàn đòi hỏi mỗi người phải sám hối ăn năn. Không phải chỉ là tẩy trừ tội lỗi, mà phải diệt trừ căn nguyên của tội lỗi. Căn nguyên ấy đã tạo nên những góc khuất của cuộc đời, những khốn khổ nơi kẻ nghèo hèn. Cùng với họ nơi tối tăm này, Mẹ nhắc nhở chúng ta hãy ghé mắt nhìn xuống họ như Mẹ đã nhìn xuống đoái thương họ để đồng hành với họ. Chừng nào chưa dứt được căn nguyên này, chừng ấy sẽ còn bao tội ác trêu cơn giận của Thiên Chúa.
Thánh gia thất khi còn ở thế gian sống đời khiêm hạ của thành phần xã hội nghèo khó. Với tước hiệu là Nữ Vương loài người, và cùng với các tông đồ tiên khởi, Mẹ khai sinh Giáo Hội. Mẹ là Mẹ Giáo Hội (2). Mỗi thành phần trong Giáo Hội đều đóng vai trò sứ giả của Tin Mừng, ngôn sứ của Tình Yêu, làm nên Giáo Hội Của Người Nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô nêu gương khó nghèo ngay từ khi Ngài còn là giám mục cai quản một giáo phận, Ngài từng sống một đời khó khăn hèn mọn để đồng hành với giới nghèo khó mọn hèn.
* Trong Sứ Ðiệp "Ðược mời gọi ra khơi", nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện cho Ơn Gọi năm 2005, Ðức Gioan Phaolô II viết: "Hãy ra khơi!"…Chúa Giêsu nói với Phêrô: "Hãy ra khơi!" (Lc 5,4). Phêrô và các bạn đồng nghiệp đầu tiên tin tưởng vào những lời của Chúa Kitô và đã ra khơi thả lưới" (3)…"Hãy ra khơi!" Mệnh lệnh của Chúa Giêsu mang tính cách thời sự đặc biệt trong thời đại chúng ta, trong đó có một tâm thức khá phổ biến cổ võ cho thái độ muốn rút lui trước những khó khăn. Ngỏ lời với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong chuyến các ngài viếng thăm ad limina về Rôma viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô tông-đồ ngày 22-1-2002, Ngài nói: “Giáo Hội Việt Nam được mời gọi ra khơi. Tôi muốn khích lệ anh em hãy hết sức quan tâm rao giảng Tin Mừng và truyền giáo”
* Tại Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi giới trẻ đừng sợ: “Các con hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ”…“ Rao giảng Tin Mừng là đích thân làm chứng về tình yêu Thiên Chúa, là vượt thắng sự ích kỷ của chúng ta, là phục vụ bằng cách cúi mình xuống rửa chân cho anh em chúng ta như Chúa Giêsu đã làm”… “Mang Tin Mừng là mang sức mạnh của Thiên Chúa để nhổ bỏ và phá hủy sự ác và bạo lực; để phá tan và đạp đổ những hàng rào ích kỷ, không bao dung và oán thù. Để kiến tạo một thế giới mới, Chúa Giêsu Kitô hy vọng nơi các bạn!”. Bởi vì “Mức độ vĩ đại của một xã hội được xác định bởi cách họ đối xử với những người nghèo khổ nhất, những người không có gì ngoài sự nghèo đói của họ.” và “Không ai có thể tiếp tục vô cảm với sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trên thế giới này! Mỗi người, tùy theo khả năng và trách nhiệm riêng của mình, phải đóng góp cách cá nhân vào việc chặn đứng quá nhiều bất công xã hội.”
"Hãy ra khơi!" Đừng sợ!", lời kêu gọi của các đấng chủ chăn chính là đáp ứng một cách cụ-thể và tích-cực mệnh lệnh của Mẹ Maria trong các lần Mẹ hiển linh. Bởi vì như lời Mẹ đã phán khi hiện ra tại Fatima năm 1917: ""Con sẽ đau khổ rất nhiều. Nhưng đừng ngã lòng. Mẹ sẽ không bao giờ rời bỏ con. Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ là nơi nương-ẩn của con và là đường dẫn con đến cùng Thiên-Chúa" (4) và "Sau cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Sẽ Thắng!" (5)
Cho nên bao lâu mỗi thành phần của Giáo Hội vì còn sợ hãi những thách đố, mà xa cách tách rời họ, không đến với họ, không an-ủi, nâng đỡ, chở che, bênh vực họ, bấy lâu chưa làm đúng sứ mạng Giáo Hội Của Người Nghèo. Phải chăng lúc này hơn lúc nào hết, cần nhắc lại lời Mẹ tuyên bố: "Ta là Trinh-Nữ của kẻ bần cùng nghèo khó“, và ”Mẹ chọn những kẻ bé mọn cho vinh-danh Mẹ.”
------------------------------------------------------------------------
Cước-Chú:
(1)Phép lạ này đã được Đức Ông Trần Ngọc-Thụ tường thuật rành rẽ và báo Trái Tim Đức Mẹ đã in thành phụ bản dịp kỷ niệm Ngày Thánh Mẫu 1981 tại Carthage Missouri (nguồn: “Hồi Hương Trong Hoà Bình”, tác giả JBM Đỗ Sinh-Tứ, cố chủ tịch sáng lập Đạo Binh Xanh Fatima Việt Nam, tác giả xuất bản, Tây Đức 13-5-1987)
(2) Lời Đức Thánh Cha Phaolô VI công bố tín-điều 'Mẹ là Mẹ Giáo-Hội’ vào ngày 21-11-1964, kết thúc phiên họp thứ ba của Công-Đồng chung Vaticanô II sau khi chấp-nhận hiến-chế 'Lumen Gentium' bàn về Giáo-Hội: "Ta mong muốn Mẹ Thiên-Chúa phải được cả thế-giới Kitô-hữu vinh-tôn và khẩn cầu nhiều hơn nữa bằng tước-hiệu “Mẹ Giáo-Hội thật tuyệt-diệu này”.
Mời đọc thêm thơ kinh bài số 80 “Mẹ là Mẹ Giáo-Hội” nơi trang mạng =>
http://www.conggiaovietnam.net/upload/article/f__1411614266.1-268_CGVN.pdf
(3) tông thư Bước vào ngàn năm mới, số 1
(4) (lời Mẹ nói với chị Luxia trong lần hiện ra tại Fatima ngày 13-6-1917)(5)
(5) lời Mẹ nói với chị Luxia trong lần hiện ra tại Fatima ngày 13-7-1917)
Ben. Đỗ Quang-Vinh