Tưởng niệm cuộc khổ hình của
Chúa Giêsu và suy gẫm sự sống lại của Người cho ta đi đến kết luận: Thánh
Giá chính là mặc khải về Tình Yêu. Nhờ cái chết của Chúa Kitô, thập giá mà
thế gian dùng để chúc dữ, nguyền rủa, hạ nhục, thập giá đã trở thánh thánh giá
triều thiên cho những ai tin cậy Chúa. Thiên Chúa đã mặc khải, bày tỏ cho
mọi người trần mắt thịt biết chân dung của Người đầy lòng nhân từ thương xót,
hầu con người có thể đến với Thiên Chúa và hiệp thông với Người.
I- Xác định từ ngữ
Sở dĩ phải viết dài dòng như vậy thay vì
vắn tắt chỉ dùng một động từ tưởng niệm cho cả hai mệnh đề như sau: “Tưởng
niệm cuộc khổ hình của Chúa Giêsu và sự sống lại của Người” là vì chúng tôi
muốn xác định lại cách dùng từ ngữ. Niệm hay gẫm (ngẫm) đều
có nghĩa là nghĩ tới, nghĩ cho kỹ càng, Chúng ta có thể viết suy niệm
(meditating) hay suy gẫm (pondering) chung cho cả hai mệnh đề, nhưng tập quán
thường quen dùng tưởng niệm để nhớ lại sự mất mát đã đi vào dĩ vãng, gợi lên nỗi
đau buồn thương tiếc (mourning), nhắc ta liên tưởng tới những cụm từ mặc niệm chiến
sĩ trận vong, tưởng niệm (in memeoral / các anh hùng liệt sĩ. Ở dây, có
hai mệnh đề đối nghịch, cuộc khổ nạn đối lập với sự phục sinh, một đàng toát ra
nỗi đau thương xót xa, một đàng bừng lên niềm hân hoan vui mừng hy vọng, cho nên
nếu dùng động từ tưởng niệm chung cho cả hai mệnh đề, mà nói "tưởng niệm sự
sống lại của Chúa Kitô" như đã thấy ở đâu đó, e rằng không chuẩn xác cho lắm.
Suy niệm hay suy gẫm là ngẫm nghĩ thuộc phạm trù bao quát, còn tưởng niệm là khi
đứng trên phạm trù cá biệt hồi tưởng quá khứ mà tỏ nỗi nhớ thương. Việt ngữ có
chuẩn xác mới thể hiện được Việt-văn, vì theo từ nguyên, "văn" chính là những
nét vân, đường vằn làm nên vẻ đẹp của gấm vóc cũng như của văn chương.
II- Kinh Mân Côi Quả Nói Lên Bản Thể Của
Ngôi Lời Làm Người
Ngôi Lời đã xuống thế gian mặc lấy xác
phàm trần. Rõ ràng như sách bổn xưa đã dạy rằng: “Ngôi thứ hai ra đời có hai
tính, một là tính Đức Chúa Trời, hai là tính loài người ta”. Bản thể của Chúa
Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa mang bản tính của loài người trần thế. Người là
Thiên Chúa và cũng nhập thể làm con người thực sự.
Trong Kinh Mân Côi, mầu nhiệm Năm Sự
Thương xác minh bản tính trần thế của Chúa Giêsu, hình dung những chặng đường
đau thương trong hành trình cứu độ: lo buồn hãi hùng đến toát ra mồi hôi máu,
cam chịu nhục nhã đớn đau hết roi đòn xỉ vả, lai phải đội mạo gai sắc nhọn, phải
vác thánh giá nặng nề, đã ba lần ngã gục lết chân trên đường dài, cuối cùng lên
đến đỉnh núi Sọ thì bị lột áo choàng, nằm giang chân tay cho quân dữ đóng đinh,
đánh giập ống chân, và mặc dù đã gục ngất trên thập giá sừng sững, vẫn còn bị
nhạo báng, bị nếm giấm đắng khi Người kêu khát nước và bị lưỡi đòng đâm thấu
cạnh nương long. Còn khổ hình nào hơn? Còn đau đớn nào hơn? Đớn đau tột đỉnh
ngoài sức tưởng tượng của con người!
Mầu nhiệm Năm Sự Mừng thể hiện rõ ràng
chân dung Thiên Chúa, xác minh bản thể thần linh toàn năng tối thượng của Người.
Không còn là con người trần thế nữa, mà từ xác phàm của kiếp thân tro bụi, con
người ấy đã sống lại, trỗi dậy từ cõi chết, ra khỏi mộ đá, và "vào lúc tảng sáng
ngày thứ nhất trong tuần, Người hiện ra trước tiên với bà Maria Macđala, là kẻ
đã được Ngưòi trừ khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với
Người mà nay đang buồn bã khóc lóc". Họ không tin, nên Người tỏ mình ra cho hai
người trong nhóm các ông khi đang trên đường về quê Emmau. Họ cũng vẫn không
tin, nên sau cùng Người tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một khi các ông đang dùng
bữa, khiển trách các ông cứng lòng và nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp bốn
phương loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được
cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án. Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và
ngự bên hữu Thiên Chúa ..." (Mat. 28: 1-9; Luca 24: 13-53; Ga 20: 11-18)
Tình Yêu Mặc Khải Qua Thánh Giá
* Một tình yêu mãnh liệt tuyệt đối
Mỗi
khi ta CHIÊM
NGẮM THÁNH THỂ , làm
sao ta không khỏi xúc động:
Nhìn Ngài hiện tỏ mình ra
Cho con thấy nỗi xót xa của Ngài
Hạ mình rời bỏ thiên ngai
Xin mang lấy xác loài người trần
gian
Máu trên Thánh giá ngập tràn nỗi
đau.
Trên Thánh giá, bóng tối bao
phủ khắp mặt đất cho đến giờ thứ chín, bấy giờ Người kêu lớn tiếng: "Êli, Êli,
Lama-xác-batani, Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (Mat
237: 46)
Còn khổ hình nào hơn? Còn đau đớn nào
hơn? Đớn đau tột đỉnh ngoài sức tưởng tượng của con người!
Trước lễ Vượt Qua, trong bữa ăn tối,
biết giờ của Người đã đến, sắp trở về cùng Thiên Chúa, Người đứng dậy, rời bàn
ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn mà thắt lưng, đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho
các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau chân họ. (Ga 13: 1-5). Người nói “Thầy
là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho
nhau” (Ga 13: 14)
Chúa hạ mình để nêu gương cho môn đệ.
Còn khiêm hạ nào hơn?
* Một tình yêu toàn vẹn vô biên
Tình yêu ấy tuyệt đối mãnh liệt nhờ sự
hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần đã khai mào, kết thúc hành
trình cứu độ và duy trì tiếp
diễn miên tục công
trình cứu độ của Người.
Bà Maria, mẹ Người đã thành
hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền
năng Chúa Thánh Thần. Ông là người công chính, không muốn đi tố giác, nên
định tâm âm thầm bỏ bà. Đang toan tính, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng:
“Đừng ngại đón bà Maria về, vì con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh
Thần!” (Mc 1: 18-20)
Trước khi rời bỏ thế gian, Người đã loan
báo Người sẽ còn mau trở lại. Người nói với các môn đệ rằng: “Thầy sẽ xin
Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn
mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế
gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người
luôn ở giữa anh em và trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. (Ga
14: 16-18)
Và quả vậy, dưới chân thánh giá, thấy Mẹ
và Gioan, môn đệ Chúa hằng thương mến, Người đã trối trăng: “Thưa Bà, đây là con
của Bà. Rồi Người lại nói với Gioan: Đây là Mẹ của con”. Và kể từ đó, Gioan rước
Bà về nhà mình. (Ga 19: 25-27).
Đến ngày lễ Ngũ Tuần, khi mọi người đang
tề tựu trong phòng kín, trong ánh hào quang chói lọi, trong tiếng gió ùa tràn
căn phòng, và dưới hình lưỡi lửa đậu xuống trên mỗi người, Thánh Thần Chúa đã
hiện đến ban cho ai nấy bỗng nói được các thứ tiếng khác nhau. (CV 2:1-4)
Và từ ấy, Đức Mẹ khi còn tại thế cũng
như khi đã hồn xác về trời, Mẹ đã thực hiện đúng như lời Người trăng trối. Mẹ
luôn hiện diện bên Hội Thánh sơ khai. Bởi Chúa Thánh Thần linh ứng, Mẹ đã hướng
dẫn các tông đồ hình thành Kinh Tin Kính. Và trên Thiên Đàng, trong cương vị Mẹ
là Mẹ Giáo Hội, Mẹ luôn luôn phù hộ các giáo hữu là con cái của Mẹ nơi trần thế.
(*)
III- LỜI NGUYỆN
Suy gẫm sự đau thương Chúa chịu
trên thập giá và sự Chúa sống lại lên trời nhưng hằng ở với chúng con trong bí
tích Thánh Thể, chúng con xác tin qua Thánh Giá Chúa, Ngài đã mặc khải cho chúng
con tình yêu tuyệt đối và vô biên của Ngài.
Lạy Chúa GIÊSU,
VUA TÌNH YÊU !
Giêsu, Vua tình yêu
bao la, ôi tình yêu bao la!
Biển rộng trời cao,
sao sánh được tình Chúa yêu tôỉ?
Vua tình yêu
thiết-tha, ôi tình yêu thiết tha,
Nắng hoa nồng thắm,
sao sánh được tình Chúa yêu tôi?
Yêu thương cho đến
muôn đời,
Chúa ban Mình Máu,
dân Người trường sinh
Tình yêu cao cả
huyền linh!
Tình yêu cuồn cuộn
dũng mãnh!
Tình yêu cao vời
khôn sánh!
Tình yêu ngời chói
quang minh!
---------------------------------------------------------------------------------
(*) (Sách Thần Đô Huyền Nhiệm (La
Mistica CiuaDe Dios) thuật lại những biến cố tiền định và những chi tiết trong
đời sống Mẹ Maria, xin xem bài “Chiêm-Ngưỡng
Thánh-Thể Qua Mẹ Maria, Người Tỳ-Nữ Hy-Tế Của Thiên-Chúa")
Ben. Đỗ Quang Vinh