QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật XXIII Thường Niên, năm B
Gs. Bênêđictô
Đỗ Quang Vinh
Kính mời theo dõi video tại
đây:
https://bit.ly/2WOBgT2
1- Thần thoại Hoa Tươi Trong Sa Mạc:
* Nắng lửa rực thiêu. Sa mạc cháy khô. Bão cát mịt mờ. Sa mạc hoang liêu.
Sa mạc cô đơn. Sa mạc khóc than, van xin Thượng Đế. Trời động lòng thương. Có
một loài cây tình nguyện xin nhận mang hình hài hèn mọn xấu xí để làm bạn với
sa mạc cằn khô, hầu thích nghi với môi trường đầy thử thách gian truân. Trời
cho thay lá bằng những gai sắc nhọn để chống lại ánh nắng cháy kia, cho rễ thật
dài để đi tìm mạch nước lặn sâu trong hoang địa. Chẳng bao lâu, cứ mỗi lần vượt
thắng nỗi đau vì nắng lửa dông cuồng gió dữ, cây lại nở hoa khoe sắc thắm tươi:
HOA XƯƠNG RỒNG.
* Hoa Xương Rồng, hiện thân của kẻ nghèo hèn, sứ giả của Tình
Thương. Hoa Xương Rồng cho ta liên tưởng hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu,
Thiên Chúa của kẻ nghèo hèn, Thiên Chúa chấp nhận rời bỏ ngai trời, mang thân phận hèn mọn của
kẻ phàm trần, Thiên Chúa đến để làm bạn, làm bạn trung thành, với con ngưòi tội
lỗi như Lời Chúa Giêsu đã nói; "Thầy không gọi anh em là
tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu”, (Ga 15, 15). Ngay cả đối với
Giuđa là kẻ phản bội, Chúa vẫn gọi Giuđa là bạn. Khi hắn đến chào Chúa để làm
hiệu báo cho người ta đến bắt Chúa, Ngài vẫn nói với hắn: “Này bạn!”
2- Thần thoại ấy đưa ta đến Lời Chúa trong thánh Lễ Chúa
Nhật hôm nay:
* Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa các ngươi
đến để phục thù. Chính Ngài sẽ đến và cứu thoát các ngươi. Bấy giờ người mù được sáng
mắt, người điếc được thính tai, người câm sẽ nói nên lời, và nước sẽ chảy nơi
hoang địa, suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng, đất khô cạn sẽ thành ao hồ, hoang
địa sẽ trở nên như suối nước, (Is 35, 4-7a)
* Trong Phúc Âm, thánh Mac-cô lại cũng minh xác, ứng với lời ngôn sứ khi xưa: Khi Chúa Giêsu đến
gần biển Galilêa, người ta đem một kẻ câm điếc đến xin Ngài đặt tay trên kẻ ấy.
Ngài đặt ngón tay vào tai anh, bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, đoạn ngước mặt
lên trời, thở dài và bảo: "Ép-pha-ta, (Hãy mở ra)", tức thì tai anh mở
ra, lưỡi anh được tháo gỡ, anh nói được rõ ràng. Dân chúng thán phục tán dương:
"Ngài đã làm mọi sự tốt đẹp, Ngài làm cho kẻ điếc nghe được, và người
câm nói được!"
3- Đó là những tiếng vọng trong sa mạc đại dịch hôm nay. Đại dịch hiện ra hai
khuôn dáng: khuôn mặt bi quan và khuôn dáng lạc quan:
* Trên khuôn mặt của đại dịch, thấy chằng chịt những vết thương rướm máu: không phải chỉ là
dịch bệnh và tai ương, mà tất cả những thứ đó vạch trần cái tồi bại làm nên tai
ương dịch bệnh. Sa mạc đại dịch là hình ảnh của Sô-đôm sau khi bị thiêu cháy, vọng ra
những tiếng khóc than đã làm nên tội lỗi xúc phạm trời cao. Tội ấy đã được Thánh
Kinh kể rõ: dâm loạn đồng tính (Lê-Vi 18: 22), gian ác kiêu căng, em gái cùng
với các con gái sống nhởn nhơ phè phỡn, vô cảm, không ra tay giúp đõ người
nghèo khổ, tự cao tự đại làm điều ghê tởm trước mặt Chúa nên Ngài đã xua đuổi
chúng đi (Êdekiel 16: 49-50), và "gian dâm chạy theo thú vui xác thịt trái
lẽ tự nhiên" (Thư Giuđa câu 7). Tội ấy Chúa từng lên án bọn biệt phái giả
hình: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng
kính Ta cách giả dối..." và "Những tư tưởng xấu:
ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn,
ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng, tất cả những sự xấu đó đều từ tâm
trí người ta xuất phát làm cho người ta ra ô uế“, (Mc 7: 6; 21-23).
Tội ấy kéo theo thói xấu kỳ thị bất công như thư thánh Giacôbê đã
viết trong bài đọc 2 hôm nay: Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào,
tay đeo nhẫn vàng, mặc áo sang trọng, lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo
xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: 'Xin mời ông
ngồi chỗ danh dự này'. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: 'Còn
anh, anh đứng đó' hoặc : 'Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi'. Đó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan
xét đầy tà tâm đó sao? Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế
gian, để nhờ đức tin, họ
trở nên giàu có và được hưởng nước Ngài đã hứa cho những kẻ yêu mến Ngài đó
sao?" (Gc 2, 1-5). Quả thật, Sô-đôm xưa phản ánh trung thực xã hội hôm nay. Xã
hội hôm nay phù thịnh, trọng phú
khinh bần, ngạo mạn chống Chúa, cướp quyền Tạo Hoá thay đổi giới tính, sát hại
thai nhi, không từ bỏ mọi cơ hội để thoả mãn quyền lợi vị kỷ, bất chấp liêm sỉ,
dẫu phải cam tâm tôn thờ Sự Dữ, chà đạp nhân phẩm, rũ bỏ nhân cách, miễn sao
đạt được tư lợi, cố thủ tà quyền. Người ta vì hận thù đố kỵ chạy theo vật chất, bỏ rơi người nghèo thấp cổ bé
miệng, áp bức, bất công. Người ta mưu sinh cả trên sự đau khổ của người yếu thế
bệnh tật. Tiếng khóc của sa mạc cằn khô là tiếng khóc của sám hối ăn năn mà cũng là
tiếng khóc van xin của những thương đau bất hạnh.
* Và ẩn sau khuôn
mặt u buồn bi quan ấy, ta vẫn còn thấy bóng dáng của cánh tay vẫy gọi trấn an,
gọi mời niềm vui, nụ cười. Hoa Xương Rồng đang khoe sắc thắm bảo cho sa mạc
biết: "tôi vẫn là bạn
hữu chân tình". Hãy
vui lên! Hãy can đảm! Đừng sợ nữa! Kìa Chúa đến! Có tiếng vọng vang: "Ep-pha-ta"! Hãy mở ra! Này đây Thiên Chúa
các ngươi sẽ đến để phục thù. Chính Ngài sẽ đến và cứu thoát các ngươi! Ngài sẽ mở mắt kẻ mù, mở tai người
điếc, mở lời người câm. Hãy mở ra! và suối
nước hồng ân sẽ tuôn trào trên sa mạc đau thương.
4- Lời Nguyện:
Lạy Chúa,
Chúng con từ nay thành tâm cải hối,
Nguyện sửa cho ngay tội lỗi ngổn ngang trên muôn lối quanh co.
Nguyện san cho bằng tội lỗi chất cao như đồi núi.
Nguyện lấp cho đầy thung lũng tội lỗi sâu thẳm.
Xin cho sa mạc chúng con rộ thắm tươi hoa.
Lạy Chúa,
Trong ánh Mặt Trời chói loà vinh hiển,
Con hằng mong Ngài ngự đến,
Kéo con ra khỏi chốn hiểm tai,
Con hân hoan được Ngài cứu rỗi,
Sống phục hồi đổi mới từ nay,
Ôm ấp tình yêu Ngài muôn thuở,
Con nguyện không xa Chúa bao giờ.
Kính mời chia sẻ bài hát:
KÌA CHÚA ĐẾN, Thơ Nhạc của Đỗ Quang Vinh
https://youtu.be/rmXrmBtczDs
Bênêđictô Đỗ Quang Vinh
Hẹn gặp lại