Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Mặc Trầm Cung
Bài Viết Của
Mặc Trầm Cung
VƯỢT KHÓ ĐỂ THÀNH CÔNG
SỐNG ĐỘNG NIỀM TIN.
ĐÁNH THỨC
ĐẤT VIỆT! CHÍ KHÍ HÙNG ANH!
KHẢI HOÀN CA.
NÉN BẠC ÂN TÌNH.
HOAN CA TỬ ĐẠO
TÌNH KHÚC ĐỢI CHỜ
GƯƠNG KHIÊM NHU.
CỘI NGUỒN HẠNH PHÚC
ĐÔI CÁNH TÌNH YÊU
THIÊN CHÚA VÀ CÉSAR
RA KHƠI
ÁO CƯỚI ĐỜI CON
LỜI KINH MÂN CÔI
CHUYỆN TÁ ĐIỀN
SÁM HỐI
GHEN!!!
NGƯỜI MẸ THÁI HÀ! - MANG TRÁI TIM CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ.
MẸ SẦU BI! – TÁM NIỀM ĐAU CỦA MẸ!
SUY TÔN THÁNH GIÁ – SUY TÔN TÌNH YÊU CHÚA.
ĐƯỜNG NÀO CHO CON ĐI !!?
LẦM LỖI
ĐỨC MẸ LA VANG! VẪN ĐANG ĐAU KHỔ TÌM CON!
VƯỢT KHÓ ĐỂ THÀNH CÔNG

 

Chiều nay 30/1/2010 tại TTMV Sàigòn Chương trình Chuyên Đề chiều thứ bảy lại được diễn ra một cách hào hứng và sôi nổi, với một đề tài cũng hết sức hấp dẫn: “VƯỢT KHÓ ĐỂ THÀNH CÔNG” được thuyết trình rất sinh động bởi Giảng viên Giuse Mai Thanh Hoài cùng với sự hỗ trợ của các học viên lớp Kỹ Năng Sống. Nội dung của chương trình đã giúp cho quí khán giả thêm những kiến thức quí báu, những bí quyết như những thần dược để dẫn đến thành công. Các chứng từ vượt khó cụ thể và sống động qua những con người cụ thể mà các thuyết trình viên đã đưa ra giúp cho quí khán giả thêm niềm tin vào cuộc sống, vào những điều kỳ diệu của Thiên Chúa.

  

Chúng ta có thể biến cái không thể thành cái có thể không?

GV Mai Thanh Hoài đưa ra cho mọi người xem 1 cây đinh đã được đóng vào một miếng gỗ và 15 cây đinh khác và yêu cầu mọi người làm sao có thể đặt tất cả 15 cây đinh kia nằm trên 1 cây đinh đã đóng vào miếng gỗ mà không được sử dụng bất cứ vật dụng nào để cột hay ràng buộc những cây đinh lại với nhau. 

Lúc đầu mọi người cảm thấy rất khó nhưng cuối cùng giải pháp đã được tìm ra. Thật tuyệt vời 15 cây đinh nằm trên 1 cây đinh mà không có sự hỗ trợ của bất cứ vật dụng nào khác. Ý nghĩa của trò chơi này GV Mai Thanh Hoài muốn cho chúng ta biết để vượt khó, để biến những điều không thể thành có thể thì ba nhân đức đối thần Tin – Cậy – Mến là ba nhân đức cột trụ như 3 cây đinh chính trong trò chơi này. Cây đinh đứng thẳng là cây đinh Đức tin, 2 cây đinh nằm ngang là 2 cây đinh Đức Cậy và Đức mến, 3 cây đinh này kết hợp chặt chẽ với nhau thì có thể đưa tất cả cây đinh khác lên cao một cách  nhẹ nhàng, nhưng nếu thiếu 1 trong 3 cây đinh chủ lực này thì các cây đinh khác đều rơi xuống. 

Áp dụng vào đời sống tâm linh thì ba nhân đức Tin – Cậy – Mến là ba nhân đức chủ lực để giúp chúng ta vượt khó, giúp chúng ta biến cái không thể thành cái có thể, nếu thiếu một trong ba nhân đức thì cuộc sống của chúng khó có thể vượt qua những khó khăn để đi đến thành công. 

Hãy nhớ rằng thất bại là một sự kiện chứ không phải con người. (Zig Ziglar) 

Anh cũng chia sẻ cho mọi người bí quyết để đưa đến thành công trong tác phẩm “CHINH PHỤC ĐỈNH CAO” của tác giả Zig Ziglar. 

Theo Zig Ziglar, muốn vượt qua mọi khó khăn, chúng ta cần phải có: niềm tin (Faith); liêm chính (integrity); tình thương (love); lòng trung thành (loyalty); tính chân thật (honesty) và có nhân cách (character). 

Ngoài những đức tính cần thiết trên chúng ta còn phải: nhận biết chính mình ( Self –imagine); tương giao với tha nhân (Relationship with others); sống có mục đích (Goals); quan điểm rõ ràng (Attitude); biết làm việc (Work) và sống có khát vọng (Desire) 

Và một bí quyết nữa trong cuộc sống để giúp ta vươn tới thành công theo quan điểm của Zig Ziglar là: “Bạn có thể có được tất cả mọi thứ trong cuộc sống nếu bạn biết giúp người khác đạt được điều họ mong muốn” (Zig Ziglar) 

Người Chuyên nghiệp Cần Trang Bị gì?

Theo đồ họa cho thấy người chuyên nghiệp cần thiết phải trang bị cho mình một kỹ năng chuyên môn (Hard Skills). Nó chính là nên tảng để giúp ta thực hiện cách chuẩn xác những công việc, không có kỹ năng chuyên môn là một trở ngại rất lớn trong việc vượt khó để chinh phục đỉnh cao.

 

Ngoài kỹ năng chuyên môn, người chuyên nghiệp cũng cần trang bị cho mình những Soft Skills ta gọi đó là kỹ năng mềm, kỹ năng này cũng rất quan trọng và rất cần thiết, nó hỗ trợ cho kỹ năng chuyên môn thực hiện được xuông sẻ và thuận lợi. Nếu ta có chuyên môn mà ta không có kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc đồng đội ..v…v…thì cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện công việc chuyên môn của mình. 

Ngoài hai kỹ năng cứng và kỹ năng mềm chúng ta còn cần phải có kỹ năng tư duy và hành vi tích cực để tạo nên sự hứng thú đam mê trong khi thực hiện công việc chuyên môn. 

Người chuyên nghiệp cũng cần có một tầm nhìn sâu rộng, am hiểu tường tận vấn đề, có khả năng sáng tạo, có thể thể hiện đa kỹ năng kiêm nhiệm nhiều dự án cùng một lúc. 

GV Mai Thanh Hoài cũng giới thiệu cho quí khán giả những kinh nghiệm và lời hướng dẫn của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Ngài không những là vị mục tử nhân từ mà còn là một Bác sĩ tâm linh đại tài nữa. Ngài đã chỉ cho con người thấy 10 căn bệnh trầm kha muốn tiêu diệt, làm băng hoại tư tưởng, tâm hồn và cuộc sống của con người mà Ngài gọi đó là Thập Đại Bệnh. 

1.     Bệnh quá khứ cục bộ: Chỉ mơ tưởng về quá khứ, chỉ có quá khứ là đáng kể và ước ao trở về lại thời kỳ vàng son đó, sống thiếu thực tế, thường đổ lỗi cho hoàn cảnh. 

2.     Bệnh tiêu cực bi quan: Bi quan yếm thế, hay thở than về công việc thế này thế kia, thích chê bai, chỉ trích người khác, hay bới lông tìm vết. 

3.     Bệnh phô trương chiến thắng: thích khoe khoang thành tích, làm tất cả chỉ để mong được mọi người chú ý đến mình. 

4.     Bệnh cá nhân chủ nghĩa: Chỉ có mình là nhất, chỉ nghĩ đến mình và quyền lợi của mình. 

5.     Bệnh lười biếng tránh né: hay tránh né, tìm cớ thoái thác công việc, không dám nhúng tay vào bất cứ việc gì, vì sợ mệt, sợ tốn của, sợ mất giờ. 

6.     Bệnh chuẩn mực trần tục: Xu hướng đánh giá mọi sự việc và người khác theo cách thức mà truyền thông và thị hiếu của số đông đề ra.  

7.     Bệnh chờ phép lạ: Ù lì không chịu làm việc, ngại dấn thân, nhưng lại chờ mong được kết quả tốt. 

8.     Bệnh tùy hứng vô định: Tư tưởng thay đổi theo thời tiết, không có lý tưởng rõ ràng và cũng chẳng bao giờ kiên trì trong công việc. 

9.     Bệnh sống vô trách nhiệm: Chỉ nghĩ đến quyền lợi và an thân cho mình, không quan tâm đến việc chung và những bổn phận khác. 

10. Bệnh bè phái chia rẽ: Lôi kéo cục bộ, lập phe nhóm cho riêng mình, không chấp nhận người có ý kiến khác với mình. 

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cũng đưa ra 10 liều độc dược để cảnh báo những ai muốn vượt khó vươn lên cần phải tránh: 

1.     Kiêu căng: xem người như máy móc, độc đoán, chẳng chịu nghe ai, bảo thủ ý kiến. 

2.     Băn khoăn, bi quan: khiến cho người nghe cũng đâm hoang mang. 

3.     Không biết dùng người: không chọn người, không biết huấn luyện, không hòa mình, không khoan dung, sống tách biệt, giữ óc địa phương. 

4.     Đa nghi với mọi người: mang bệnh “do dự mãn tính”, sợ mất lòng, thay đổi ý kiến như chong chóng. 

5.     Tự mình ôm đồm bao quát tất cả: lạc lõng trong những chuyện vụn vặt, không phân biệt đâu là chính yếu đâu là phụ thuộc. 

6.     Miệng nói rất khéo: nhưng làm thì khác, cuối cùng chẳng ai tin. Tuyên bố rùm beng, nhưng sống và hành động không ra gì. Gặp khó khăn thì buông xuôi nản lòng. Thành công thì huênh hoang tự đắc và cướp công vô ơn với kẻ thành tâm giúp mình.  

7.     Dấn thân nửa vời: thịnh thì xu thời “xông pha cứu trợ người thắng trận” suy thì rút lui nhẹ nhàng, không chịu trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác. 

8.     Không có chương trình và kế hoạch: hăng tiết làm theo cảm hứng, thích tấn công, khó chịu khi nghe sự thật mất lòng.

9.     Ích kỷ chỉ tìm danh lợi cho bản thân mình: sợ người khác hơn mình, giấu kỹ những kinh nghiệm của mình. 

10. Không cầu nguyện: chỉ tin vào tài năng và mưu mô thủ đoạn trần tục, trông cậy vào quyền thế. 

Ngài cũng cắt cho chúng ta 10 liều thần dược để giúp cho chúng ta thêm sức mạnh, can đảm vượt thắng để đến đến thành công 

1. Khiêm tốn: trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân; uyển chuyển, linh động; lắng nghe sáng kiến mọi người, rồi suy nghĩ, lượng giá. 

2. Ý thức, tin tưởng sứ mạng của mình như một ơn Chúa, bình tĩnh trước mọi biến cố. 

3. Có thuật dùng người: chấp nhận đối thoại tìm hiểu từng người, tâm hồn quảng đại, biết quên bỏ những lầm lỗi của kẻ khác, lắng nghe bạn bè khuyên bảo, và nhất là biết nghe kẻ thù chỉ trích. 

4. Tín nhiệm cộng sự viên: xem, xét, làm, quyết định sáng suốt, thực hiện cho kỳ được. 

5. Chia sẻ trách nhiệm: với các cố vấn, với chuyên viên, cộng sự viên. Luôn học hỏi, trau giồi thêm khả năng. 

6. Nói ít, làm nhiều: luôn luôn trọng kỷ luật, đi tiền phong, nêu gương sống trong mọi lãnh vực, nhìn thẳng thực tế, khách quan, khiêm tốn lúc thành công, chia sẻ niềm vui với cộng sự viên, kiên trì, nhẫn nại, không bao giờ thất vọng. 

7. Sẵn sàng hy sinh tất cả vì sứ mệnh: can đảm nhận trách nhiệm, cùng thành công, cùng thất bại, không bao giờ làm tổn thương tình huynh đệ. Tình nguyện nhận điều khó cho mình và để cái dễ cho cộng sự viên. 

8. Trước mỗi việc đều có chương trình, kế hoạch: sau mỗi việc đều kiểm điểm chân thành, phê bình và tự phê, sợ tâng bốc, thích nghe nói thẳng, nói thật. 

9. Chỉ tìm phục vụ: quên mình vì đại cuộc, xác tín mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa, nên chỉ tìm ý Chúa; giữ vững lập trường, thấy ai hơn mình thì vui mừng; chuẩn bị cho tương lai, dọn đường và trao hết kinh nghiệm cho người kế vị mình. 

10. Biết cầu nguyện: trước mọi công việc, trong mọi khó khăn, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi Chúa, bàn hỏi với Chúa trước hết, phó thác cho Chúa trọn vẹn. Hy vọng trong thất vọng, cứ vui vẻ tiến lên, ngày mai có Chúa lo.

 NHỮNG TẤM GƯƠNG VƯỢT KHÓ:

GV Mai Thanh Hoài trình chiếu cho quí khán giả xem 2 đoạn vidoes vượt khó của 2 con người đã biến cái không thể thành cái có thể.

 

 

Lena một cô gái sinh ra thiếu hẳn hai tay, chỉ có chân trái và một nửa chân phải, những không bao giờ than van vì mình không có đôi tay, không tự ti cho mình là tật nguyền, cô tự giải quyết mọi việc bằng nhiều cách, tự nỗ lực vươn lên với những gì mình có. Cô sống rất lạc quan, vui tươi trong cuộc sống. 

3 tuổi được cha mẹ dạy bơi, năm 18 tuổi phá kỷ lục thế giới, đạt 4 huy chương về môn bơi bướm.  

Yêu thích âm nhạc, bộc lộ năng khiếu ca hát khi còn bé, không có đôi tay cô chơi đàn bằng chân, tự đệm đàn cho mình hát, vào trường đại học âm nhạc để được đào tạo chính qui và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. 

Trong những lúc đau buồn cô chỉ biết cầu nguyện với Chúa, cô chia sẻ, nếu không có Chúa trong cuộc sống có lẽ vợ chồng cô đã ly dị, cô hoàn toàn tin tưởng và phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa như lời cô hát:

Con dâng lên Ngài đời sống con,

Con dâng đời con trong tay Ngài,

Con đặt đời con trong Thánh Ý của Ngài. 

Nick Vujicic sinh ra không có chân tay nhưng luôn tin rằng mọi sự nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Anh tâm sự: Vinh quang của Thiên Chúa được bày tỏ trong những lúc ta chịu thử thách. 

Anh luôn xác tín Thiên Chúa là ánh sáng, là sức mạnh, là bài ca của anh và anh được đứng vững trong tình yêu của Ngài.

Chúa Giêsu chính là món quà tình yêu mà Thiên Chúa Cha ban tặng nhưng đã bị khinh bỉ bởi những kẻ Ngài đến để cứu rỗi. Anh chia sẻ: “Anh được sống trong sự chết của Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu sống trong chúng ta, trong cách mà chúng ta sống. Hãy mở rộng lòng mình để Thánh Ý Chúa được thể hiện nơi cuộc đời của chúng ta. Anh tin tưởng rằng không có gì có thể ngăn cản anh vượt qua những thách thức trong cuộc đời. 

Anh nói: Muốn vượt qua ngăn trở phải biết mình đang ở đâu và ngăn trở đó là gì. Hãy sử dụng mọi khả năng để vượt qua ngăn trở, khi thất bại chính Chúa sẽ đến ban thêm sức lực cho ta. 

Anh cầu nguyện: “Lạy Chúa! Con là của Ngài, Ngài là của con, quyền năng của Ngài ở trong con, Ngài đã ra lệnh cho định mệnh của con. Không có quyền lực nào của hỏa ngục, âm mưu nào của loài người có thể lôi con ra khỏi tình yêu của Ngài. Con trở về nhà trong quyền năng của Ngài, con được mang về cho Đức Chúa Trời bằng dòng nước vô tội của Chúa Giêsu”. 

Sr Maria Đồng Thị Ngọc Điệp dòng Thừa Sai Trinh Vương trình bày cho quí khán giả một tấm gương vượt khó khác nữa. Đó là gương của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. 

Dù sống trong những hoàn cảnh bất lợi đầy dẫy những khó khăn suốt 13 năm dài trao lao tù Ngài vẫn luôn tin tường rằng: Chúa không bao giờ bỏ con”. Ngài luôn biến những bất lợi thành cái có lợi, luôn thao thức về sứ vụ Mục Tử của mình, luôn sống trong sự hiệp thông với Chúa và giáo hội toàn cầu, Ngài dâng Thánh Lễ trong một hoàn cảnh tưởng chừng như không thể, Ngài đã biến căn phòng nhỏ hẹp, hôi hám, tăm tối thành một nguyện đường, chén thánh là đôi bàn tay gầy guộc của Ngài, sách lễ là khối óc sáng suốt mà Ngài đã thuộc lòng. Tất cả để hiến dâng, tất cả để yêu thương. 

·        Dù cô đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, con hãy hướng về các bàn thờ trên thế giới, nơi Chúa đang tế lễ, con dâng lễ và rước lễ thiêng liêng. An ủi và can đảm sẽ tràn ngập lòng con” (ĐHV 364) 

Ngài cũng đã chia sẻ lại cho mọi người những kinh nghiệm quí báu đó. Ngài dạy bảo và hướng dẫn chúng ta những phương thế tuyệt diệu để vượt qua, biến cái không thể thành cái có thể: 

Trong gian khổ có ba điều con nên tránh: 

1.     Đừng điều tra “tại ai?”. Hãy cám ơn dụng cụ nào đó Chúa đang dùng để thánh hóa con.

2.     Đừng than thở với bất cứ ai. Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ là nơi con tâm sự trước hết.

3.     Khi đã qua, đừng nhắc lại và trách móc, hận thù. Bỏ quên đi, không nhắc lại bao giờ và nói : Alleluia (ĐHV 700) 

Ngài luôn lạc quan, tin tưởng và phó thác, can đảm sống và bước đi trong vòng tay yêu thương của Chúa. 

·        Đường con đi có hoa thơm, cảnh đẹp, có chông gai, có hùm beo, có bạn hiền, có trộm cướp, lúc mưa sa, lúc nắng cháy, chuyện không thể tránh được.  Con cứ đi, miễn lòng con đầy Chúa” (ĐHV 639)

Ngài luôn hân hoan bước theo con đường mà Thầy Chí Thánh Giêsu đã đi, con đường tình yêu, không có hận thù, không có hờn căm chỉ có yêu thương, yêu thương và yêu thương…. 

·        “Con phải nói được cách thành thực rằng : “Tôi không xem ai là kẻ thù nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em (ĐHV 793)

Tiếp theo một nhân chứng vượt khó nữa đã đươc Sr Maria Bùi Ngọc Anh dòng Thừa Sai Trinh Vương giới thiệu là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tên thật là Karol Joseph Wojtyla, sinh năm 1920, là con út trong một gia đình có 3 người con tại miền nam nước Ba lan, người chị gái chết từ khi còn nhỏ.

Năm Karol lên 9 tuổi thì mẹ qua đời (1929), bốn năm sau, người anh là Edmund qua đời khi đang chăm sóc những người bị bệnh dịch

Lúc nhỏ tuổi Karol có tiếp xúc nhiều lần với nhóm người Do Thái tại Kraków. Trong thời Đức Quốc Xã chiếm Ba Lan trong Đệ nhị  thế chiến rất nhiều bạn bè Do thái của Karol đã bị giết hay bị trục xuất. Để tránh phải đi lao công, Karol đã làm việc trong một mỏ đá và một nhà máy hóa học.

Năm 1941, người cha qua đời, Karol rất đau khổ và cảm thấy hụt hẫng, nhưng nhờ ảnh hưởng được tâm hồn đạo đức của mẹ từ nhỏ. Karol đón nhận tất cả những biến cố xảy đến với mình trong tâm tình tín thác.

“Tôi biết mình nhỏ bé. Nhưng còn những người nhỏ hơn tôi.

Chúa chọn tôi, ném tôi vào tro bụi. Chúa có thể làm vậy.

Nhưng tại sao? Tại sao làm vậy với tôi? Chúa là người cầm cân”.

(Karol Joseph Woljtyla)

Sau cái chết của cha, Karol ý thức về ơn gọi làm linh mục, Karol bắt đầu lén lút học những môn của Chủng viện Kraków, do Hồng y Adam Stefan Sapieha, lúc đó là Tổng giám mục Kraków, điều khiển.

Karol Wojtyła được thụ phong linh mục vào ngày 1 tháng 11 năm 1946

Vào ngày 4 tháng 7 năm 1958 Karol được giáo hoàng Piô XII bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Kraków

Ngày 28 tháng 9 năm 1958, Karol được tấn phong giám mục tại Nhà thờ lớn Wawel ở Kraków.

Vào ngày 30 tháng 12 năm 1963 Giáo hoàng Phaolô VI đề bạt Karol làm Tổng giám mục Kraków.

Trong năm 1967 Giáo hoàng Phaolô VI phong Karol làm Hồng y.

Thứ hai 16 tháng 10 năm 1978 khói trắng bốc lên từ Nguyện đường Sistine - báo hiệu đã có giáo hoàng mới.

6 giờ 18 phút, hồng y Tisserant tuyên bố: "Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần Hồng y đoàn đã tín nhiệm Ðức Hồng y Karol Wojtyla, Tổng giám mục Kraków, Ba Lan, vào ngôi vị giáo hoàng của thế giới Công giáo".

Một cậu bé có một tuổi thơ nhiều thua thiệt, nhiều bất hạnh, trong niềm tin vào Thiên Chúa cộng với sự nỗ lực của bản thân, đã trở thành một Giáo Hoàng Công Giáo, một điều tưởng chừng như không thể đã trở thành có thể.

Một học viên lớp Kỹ Năng Sống Anna Nguyễn Nhụy Bông cũng chia sẻ với mọi người một tấm gương vượt khó khác nữa. Đó là gương Thánh Nữ Monica (322-387). Người phụ nữ luôn kiên vững trong Niềm Tin và Cầu Nguyện giữa bao gian khó trong đời sống gia đình.

Thánh nữ Monica sinh năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu trong một gia đình có truyền thống đạo đức, luôn yêu thương, quan tâm đến người cùng khổ. Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, Monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, đạo đức. Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo và giây phút cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình.

Người đời thường nói: Con người đạo đức vẫn thường gặp truân chuyên, gặp toàn những chuyện thử thách, rắc rối. Monica nằm trong trường hợp này.

Năm 22 tuổi, vì vâng lời cha mẹ, Monica đã kết hôn với một người thuộc gia đình quý tộc nhưng tính tình thì ngang tàng, độc ác. Thật đau khổ, nhưng Monica đã chấp nhận ý của cha mẹ như là Thánh Ý của Thiên Chúa đã an bài cho cuộc đời mình, và khao khát tìm kiếm những linh hồn trở về với Chúa. Tuy sống trong một gia đình ngoại giáo, nhưng Monica đã luôn chứng tỏ cuộc đời mình luôn có Chúa ở cùng, bà âm thầm cầu nguyện. Ngoài ra Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng, cũng như mẹ chồng, Monica đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo.

Monica luôn yêu thương con cái với tất cả con tim, với tâm hồn đầy ắp Chúa . Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút, những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác.

Ông Patricius chết năm 371, sau khi rửa tội được một năm để lại cho Monica ba con nhỏ. Vào lúc cha chết, Augustine mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage. Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng.

Khi 29 tuổi, Augustine quyết định đi Rôma để dạy về hùng biện. Thánh Monica vẫn nhất định bám sát con. Ròng rã suốt 17 năm trường chịu bao nhiêu gian khổ và biết bao nhiêu giọt nước mắt đổ xuống vì con.

Vâng, chính cái phút giây Monica vâng lời cha mẹ chấp nhận kết hôn với Patricius cuộc đời của bà đã qua một bước nhoặc mới, Monica đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ đầu gối tay ấp và gọi là chồng dẫu rằng mình sẽ phải chịu nhiều  đau khổ.

Tình yêu Đức Kitô thúc bách Monica. Bà đã đi tới tận cùng bằng trái tim yêu thương, bà đã làm thay đổi chồng, con và biến đổi người con trụy lạc, ham mê lạc thú của Augustinô trở nên người con tốt, người con hữu ích cho đời và cho Giáo Hội. Qua những giọt nước mắt của Monica đã tuôn rơi, qua lời cầu nguyện tha thiết của bà, Monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự.

Vào Phục Sinh năm 387, Augustine được ơn trở lại, Không lâu sau đó, Thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, bà nói với Augustine, "Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết có gì còn phải thi hành và tại sao mẹ lại ở đây, vì mọi hy vọng của mẹ ở trần gian này đều đã được hoàn tất." Sau đó không lâu Monica bị bệnh và chịu đau đớn trong chín ngày trước khi giã từ trần thế.

Thánh Monica là gương mẫu của sự kiên nhẫn. Những năm trường cầu nguyện, cộng với đức tính kiên cường và kỷ luật, sau cùng đã đưa đến sự trở lại của người chồng ngang tàng, người mẹ chồng gắt gỏng và người con hoang đàng trở về và sau này trở thành giám mục. Nhờ luôn tin tưởng và kết hiệp với Chúa, Monica đã biến cái không thể thành cái có thể.

Ước mơ của mỗi chúng ta có lẽ cũng muốn biến những cái không thể thành cái có thể. Muốn được thế không có con đường nào khác là chúng ta biết quay về chính nguồn sức mạnh đó là Tình yêu của Thiên Chúa. Nơi đó ta sẽ được tiếp nguồn năng lực thần linh mà thế gian không thể có. Sẽ làm tăng trưởng ba nhân đức Tin – Cậy - Mến mà chúng ta được lãnh nhận từ khi chịu phép Rửa Tội. Chúng ta ai cũng muốn vượt khó để dẫn đến thành công. Chúng ta cũng sẽ có thể biến cái không thể thành cái có thể. Nếu trong cuộc sống hăng ngày của chúng ta biết kết hiệp mật thiết với Chúa và tín thác mọi sự trong tay Người.

A.P Mặc Trầm Cung cảm nhận, tường trình.

 

Tác giả: Mặc Trầm Cung

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!