.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Tại Sao Nói?

2. Nói Trước Công Chúng Ngày Nay

3. Các Yếu Tố Của Bài Nói Chuyện

4. Chuẩn Bị Bài Nói Chuyện

5. Chuẩn Bị Và Trình Bày Bài Nói Chuyện

6. Các Trường Hợp Đặc Biệt

7. Sử Dụng Các Phương Tiện Nghe Nhìn

8. Hỏi / Đáp

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
NÓI THẲNG - TALKING STRAIGHT
Tác giả: Lm. Giuse Lê Công Đức
dịch
1. TẠI SAO NÓI?

 

  

 Không gì tuyệt vời bằng một ý tưởng hay – và không gì bi đát bằng một ý tưởng hay mà không thể truyền đạt.    

TRUYỀN THÔNG LÀ CHUYỆN SINH TỬ

Truyền thông, hay liên lạc, là một tiến trình luôn luôn diễn ra trong thế giới con người, động vật, cây cỏ. Đó là một tiến trình tương tác toàn vũ trụ, nối kết mọi dạng đời sống.  

Trong tất cả những thứ mà con người làm, việc liên lạc với nhau có tính đặc trưng con người nhất. Tôi trở thành một con người nếu tôi có thể liên lạc với người khác. Không có con người cô lập. 

Từ “truyền thông” (communication) có gốc ở từ La Tinh communis, có nghĩa là “cùng chung với nhau.” Khi chúng ta ở trong tình trạng communis, thì chúng ta cảm thông nhau; chúng ta bình đẳng; chúng ta giống nhau; chúng ta hiệp nhất. Chính vì vậy mà có những từ như hiệp thông (communion), cộng đồng (community). 

Nếu không có truyền thông thì sẽ không có tương quan, chẳng có gia đình hay cộng đồng, cũng chẳng có ý niệm về dân tộc. Truyền thông là chất kết dính xã hội. Đó là một nhu cầu thiết yếu của con người, và vì thế đó cũng là một quyền căn bản của con người. 

Nếu truyền thông gặp bế tắc thì điều xảy ra là hiểu lầm, đố kỵ, khích bác. Tình trạng này tách chúng ta ra khỏi nhau và gây ra những nỗi khổ cho con người. Truyền thông là cơ sở cho cả xung đột lẫn cảm thông, cả tàn phá lẫn hoà giải, cả chiến tranh lẫn hoà bình.  

Truyền thông có mặt trong mọi khía cạnh đời sống. Nó định nghĩa và định hướng chính đời sống.  

MẪU THỨC TRUYỀN THÔNG 

Thời đại Ánh Sáng ở Châu Âu đã đem lại một thay đổi lớn trong cách hiểu về truyền thông. Truyền thông được coi như phương tiện để truyền đạt các thông điệp, nghĩa là phổ biến, gửi, hay trao thông tin cho người khác. Cái nhìn này cũng nối kết truyền thông với đường bộ, đường xe lửa, điện tín. Truyền thông trở thành một công nghệ truyền bá các kiến thức, các ý tưởng, các thông tin xa hơn và nhanh hơn, nhằm kiểm soát không gian và con người.   

Mẫu thức SMCRE (source-message-channel-receiver-effect / tức: nguồn - thông điệp - kênh truyền - người nhận - hiệu quả) là tóm tắt cái nhìn về truyền thông như sự truyền đạt. Mẫu thức này phản ảnh một cách hiểu ‘dây chuyền’ về truyền thông: Ai nói gì? Qua kênh nào? Nói với ai? Với hiệu quả gì? Định nghĩa này phản ảnh cấu trúc bề mặt của truyền thông, bao gồm lời nói, cử chỉ, nét mặt. Nhưng trái tim và linh hồn của truyền thông vẫn chưa được nhắc đến. Truyền thông trở thành một biểu thức toán học, một tiến trình máy móc.  

Rất lâu trước đó, Aristote rõ ràng nghĩ tương tự khi ông xem truyền thông có quan hệ với thuật hùng biện, gồm ba yếu tố chính là: người nói, câu chuyện được nói, và người nghe – trong đó mỗi yếu tố hoàn toàn phân biệt, thậm chí đứng tách rời khỏi các yếu tố kia. Ông cho rằng mục tiêu của hùng biện là tìm kiếm mọi phương tiện có thể để thuyết phục, nhằm gây ấn tượng đúng hơn là nhằm truyền thông cho người khác. Sự nhấn mạnh được đặt trên văn phong và kỹ thuật, chẳng hạn điệu bộ, chất giọng, và cảm xúc mãnh liệt.    

Tuy nhiên, các học giả hiện đại không đồng ý với định nghĩa truyền thông chỉ là truyền đạt. Dewey (1916) giải thích rằng xã hội tồn tại không chỉ nhờ truyền đạt mà còn nhờ truyền thông nữa. Quan niệm của ông về truyền thông, hiểu như một sự chia sẻ hay sự thông dự dựa trên một niềm tin chung, mở ra những gốc rễ cổ xưa của ý niệm này. Theo Dewey, truyền thông là tiến trình không phải nhắm mở các thông điệp ra trong không gian nhưng là nhắm bảo tồn xã hội trong thời gian; không nhắm phổ biến thông tin nhưng là nhắm diễn tả những niềm tin được chia sẻ. 

TÍNH THÁNH THIÊNG CỦA TRUYỀN THÔNG 

Tính thánh thiêng của truyền thông kết hợp với cái nhìn Đông phương về truyền thông vốn bao gồm những cột trụ có tính văn hoá và siêu hình học của chân lý và thực tại. Cái nhìn Đông phương nhận thức vị trí của cá nhân trong vũ trụ và mối tương quan của đương sự với các yếu tố khác. Nó nhìn vào đời sống và lối sống của con người đang truyền thông. Người nói không phải là một yếu tố phân biệt hẳn với câu chuyện được nói hay với người nghe.   

Ở Á Châu, chúng ta thấy tính thánh thiêng của truyền thông trong sự giao tiếp đầy ý nghĩa biểu tượng với người khác. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, Sri Lanka và Thái Lan, khi hai người gặp nhau, họ chắp tay lại gần chỗ trái tim và cúi đầu nói lời chào: namaskaram hay namaste hay sawasdee tuỳ từng nơi. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, người ta cũng cúi đầu chào nhau khi gặp, với các tiếng chào tương ứng là: annyonghashimnhikka, ohayo gozaimas, và ni hao. Ở Malaysia, Indonesia và các nước Hồi Giáo khác, người ta hoặc ôm hôn hoặc siết tay nhau và nói assala mulaikum (chúc bạn bình an). Ở Philippines, khi trẻ em từ trường về đến nhà, chúng chào cha mẹ bằng cách nắm lấy bàn tay cha mẹ và đặt trên trán mình để biểu hiện lòng tôn kính. Cử chỉ này gọi là mano.   

Khi làm những điều như thế, thực sự chúng ta đang hạ mình trước bản tính thần thiêng nơi người khác vốn hiệp nhất với chúng ta. Những biểu tượng này là những bằng chứng hùng hồn nhắc chúng ta rằng chúng ta là một dân của Thiên Chúa được gắn kết với nhau trong cộng đồng, rằng sự sống có tính thánh thiêng, và rằng hoà bình và hoà điệu là những mục tiêu tối hậu của truyền thông. Văn hoá Đông phương là một nền văn hoá hai tay ôm lấy sự sống.  

Trái lại, văn hoá Tây phương đã trở thành một nền văn hoá một tay. Khi hai người gặp nhau, họ xoè bàn tay ra để bắt tay nhau, ngầm muốn nói rằng “Hãy xem bàn tay tôi đây nè. Không có dao đâu nhé. Tôi không gây hấn.” Thật khó trao và nhận sự nồng nhiệt với chỉ một bàn tay. 

TRUYỀN THÔNG XÉT NHƯ LỄ NGHI  

Trải bao thế kỷ, hình thức thông thường nhất của truyền thông là bằng khẩu ngữ. Sự khôn ngoan của các thời đại được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua tiếng nói.  

Quây quần dưới bầu trời đêm đầy sao, xung quanh một đống lửa hoặc một gốc cây, các câu chuyện về đời sống và về cái chết được kể đi rồi được kể lại. Những người kể chuyện ở đây chính là những người đầu tiên nói trước công chúng. Những nét hóm hỉnh và những lẽ khôn ngoan của các bậc tiền bối được trình bày một cách say mê và cuốn hút cho một cử toạ đầy phấn khích, khơi gợi trí tưởng tượng của người nghe và mở ra những ý nghĩa thâm sâu cho cuộc sống.  

Truyền thông xét như lễ nghi có mang những trách nhiệm lớn lao nơi chính nó. Những người được chọn để ăn nói sẽ đảm nhận công việc của mình với đầy trân trọng. Đó là một vinh dự lớn lao, vì lời nói của họ được coi như cái gì thiêng thánh. Người nói cũng chính là lời được nói; và lời được nói là sự truyền thông những niềm tin của người nói. Đây là sự truyền thông trọn vẹn – truyền thông chính sự sống chất chứa trong bản ngã của mình. Socrates, Đức Phật, Tiên Tri Mohamét, và Đức Giêsu Kitô là những ví dụ rõ rệt của điều này.  

SỰ CẠNH TRANH GIỮA CÁC HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG  

Xuyên qua dòng thời gian, khả năng truyền thông của chúng ta đã phát triển từ tiếng nói tới chữ viết, rồi kỹ thuật ghi hình, và rồi cả ghi hình lẫn ghi âm. Ngày nay, với các phương tiện truyền thông đại chúng và với những công nghệ thông tin mới, chúng ta đang mở rộng chân trời truyền thông ra vô hạn.  

Tuy nhiên, truyền thống truyền thông trực tiếp bằng lời đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi các hình thức truyền thông mới, nhất là máy truyền hình và máy tính. Chúng ta thích nhìn màn hình TV hay màn hình ‘vi tính’ hơn là nhìn mặt nhau.  

Cách chúng ta nhận hiểu thực tại, vì thế, được định hình không phải bởi những liên lạc trực tiếp với nhau mà là bởi các phương tiện truyền thông. Chúng ta thích một dạng truyền thông chủ yếu bằng hình ảnh và có tính giải trí trên TV hơn là từ một con người sống động bằng xương bằng thịt. Thực tế là khả năng lắng nghe nhau của chúng ta đã bị suy giảm rất nhiều. Ngày nay, ít ai thích các bài nói chuyện.  

Nói trước công chúng, vì thế, trở thành hình thức ít hiệu quả nhất và ít hấp dẫn nhất trong tất cả các hình thức truyền thông. Các thầy cô giáo, các nhà giảng thuyết, các doanh nhân, các chính khách ... đang gặp nhiều khó khăn trong việc giữ sự chú ý lắng nghe của người ta. Tuy nhiên, chỉ xuyên qua việc truyền thông trực tiếp mà chúng ta có thể thực sự chuyển đạt con người thực của mình. Thách đố đặt ra cho chúng ta hiện nay là làm sao để tiếng nói của chúng ta được nghe giữa những ồn ào của một thế giới rộn rịp các phương tiện truyền thông.

                           

 

Tác giả Lm. Giuse Lê Công Đức (dịch)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!