.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Dẫn nhập

PHẦN I: Ngôi Lời Trở Thành Những Ngôn Từ

PHẦN II: LECTIO DIVINA

I: Những điểm căn bản trong Lectio Divina

II: Đọc

III: Liên quan đến Lectio Divina

PHẦN THỨ III: Mẹ Maria và Lectio Divana

I: Mẹ Maria và Ngôi Lời

II: Mẹ Maria và Chúng ta

PHẦN THỨ IV: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

I: Một vài nhắc nhớ quan trọng

II: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

Kết luận phần thứ bốn

PHẦN V: Lectio và Cuộc sống hàng ngày

I: Lectio và hai luật tình yêu

II: Lectio Divina trải dài trong ngày sống

III: Lectio Divina và cuộc sống đơn sơ

IV: LEctio Divina và ơn gọi

V: Lectio Divina và cuộc sống tri thức

VI: Lectio Divina và đời sống thiêng liêng

VII: Ví dụ về Lectio Divina

Kết luận chung

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria
Tác giả: Gia Đình Lectio Divina
dịch
II: ĐỌC

Buổi sáng, trong cô tịch

Chúng ta bắt đầu Lectio divina trong nơi lặng lẽ cô tịch. “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6, 6).

Tốt nhất là vào buổi sáng vì tâm trí lúc đó tự do hơn, vững mạnh hơn và ánh sáng nhận được sẽ có lợi cho cả ngày. “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35). Có một số người thực hành Lectio divina trước khi ngủ, tốt thôi. Nhưng thật là rất không đầy đủ: khi người ta muốn gặp một người, người ta không gặp khi ngủ. Mà Chúa lại muốn nói với chúng ta, Người muốn ngỏ lời với trí khôn tỉnh táo của chúng ta và ban cho nó một ánh sáng sẽ là hướng dẫn cho nó suốt ngày, là nơi để tất cả những hành động trong ngày trở nên gắn bó và kết hợp với nhau[15]. Chính do vậy mà tốt nhất là nên thực hành Lectio divina sớm vào buổi sáng. Bằng mọi cách, thật là vô ích nếu thực hành Lectio divina vào lúc mệt mỏi. Cần phải chú tâm. Lectio divina là một thao tác cần đến tất cả năng lực con người và như vậy, khi người ta mệt, người ta không ở trong những điều kiện tốt nhất để thao tác. Không nghiêm túc tí nào. Lúc mệt như thế, tốt hơn là nên nghỉ ngơi.

Ở trước mặt Chúa Kitô

Như vậy chúng ta ở trước mặt Chúa chứ không phải là đối diện với một bản văn và chúng ta muốn lắng nghe Chúa. Chúa muốn nói với chúng ta qua việc dùng hai bài đọc của Thánh Lễ. Thường chúng ta có hai bản văn bài đọc: Thư hay một bản văn Cựu Ước (nghi lễ la tinh) và bài Phúc âm. Chúng ta có thể tìm những chỉ dẫn các bài đọc trong lịch phụng vụ (hoặc trong tờ bướm). Không phải là làm một phân tích, một học hỏi về bản văn. Đọc Kinh Thánh, học hỏi, theo một khóa học về Kinh Thánh, đọc những chú giải của các Giáo Phụ, là điều cần thiết và không nghịch lại với Lectio divina nhưng phải làm vào lúc khác. Hoàn toàn không phải là cùng một hoạt động. Bây giờ, khi thực hành Lectio divina, tôi phải lắng nghe Chúa nói với tôi. Cho dù trước đó tôi đã suy niệm cùng một bản văn, hôm nay Chúa cũng sẽ nói với tôi điều gì đó “mới”, điều gì đó khác. Tôi phải làm một tác động tin khi tôi bắt đầu Lectio divina: “Hai bài đọc này là những lời của Chúa và như vậy là Lời Chúa”. Cùng một bản văn nói một cách khác tùy theo từng người và tùy theo giai đoạn hoặc trạng thái thiêng liêng của con người đó. Lời của Chúa đi cùng với người tín hữu và cho họ điều cần thiết tùy theo tình trạng thiêng liêng của họ. Phải tin như thế. Cũng như một người trong tuần linh thao dòng Tên phải suy niệm những bản văn Kinh Thánh. Người này trước đó đã biết một trong số các bản văn này nên bỏ qua. Linh mục đồng hành linh thao biết được chuyện đó, Người yêu cầu người này trở lại phòng để suy niệm bản văn. Người này đã ngạc nhiên khám phá ra rằng bản văn đã nói khác, có nghĩa là lần suy niệm này bản văn đã nói một cách mới; có thể là những lời người này ghi nhận khi đó đã khác với nhưng lời ghi nhận lần suy niệm trước. Mỗi lần, cũng như là Chúa đã bôi màu[16] ghi dấu một chữ một câu của bản văn!

Đọc hai bài đọc

Lời xin thứ nhất; bài đọc cần đọc lại

Chúng ta bắt đầu bằng khẩn cầu Chúa Thánh Thần[17]. Có thể xin: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, xin soi sáng con, xin làm cho con hiểu Lời của hôm nay”[18]. Sau khi đã cầu xin Chúa Thánh Thần, chúng ta bắt đầu đọc bài đọc một, đọc hai ba lần, chậm rải. Thông thường thì có thể hiểu bản văn muốn nói gì nhưng không biến đổi sự hiểu biết này thành chú giải hoặc một học hỏi đào sâu bản văn[19]. Người ta có thể dùng đến chú thích ở cuối trang, tuy nhiên đừng quá dán mắt và đó. Cần thiết phải có một quyết định rõ ràng về kiên trì và bền bỉ. Thân xác[20] hay làm trì trệ công việc của trí tuệ.

Chúng ta xin Chúa nói với chúng ta điều Người muốn: “Lạy Chúa, xin hãy nói, tôi tớ Chúa lắng nghe”. Đó là lời xin thứ nhất là lời xin quan trọng nhất vì tất cả diễn tiến của Lectio divina đều lệ thuộc vào lời xin này. 

 

Hình minh họa trang 40 

 

Chất lượng của lời xin; gương của người mù

Chất lượng của lời xin có tính cách quyết định. Lời xin này phải được nói lên với ý hướng trong sáng và với tất cả năng lực con người của mình. Một gương ấn tượng nhất để phác họa chất lượng của lời xin thứ nhất này cần có là gương của người mù đã nghe nói về Chúa[21]. Có lẽ anh đã được một bạn thuộc thị trấn khác, cùng đi khất thực với mình, đã được Chúa chữa lành, nói cho biết về Chúa. Một ngày kia ngồi ăn xin ở lề đường, anh nghe tiếng ồn ào của đám đông. Anh hỏi cho biết chuyện gì. Người ta cho anh biết đó là ông Giêsu người Nadarét miền Galilê. Anh nhớ lại người bạn của mình đã được chữa lành, và từ đó được sáng mắt. Niềm hy vọng trào dâng. Anh kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Người ta xua đuổi anh vì anh làm phiền. Các môn đệ cũng la mắng anh: “Im đi, người ta có việc khác phải làm”. Dường như Chúa không để ý tới lời van xin của anh nên anh lại càng kêu lớn tiếng hơn. Khi đó Chúa quay lại và bảo người ta dẫn anh mù tới. “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? “Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được”.

Khi anh mù này nói với Chúa, xin Người cho mình được nhìn thấy, không phải xin cho vui, hoặc tò mò cho biết. Nhưng trọn vẹn con ngươi của anh ao ước được chữa lành[22] và được xem thấy. Anh biết anh chờ đợi ở Chúa điều gì. Anh biết Chúa có thể chữa anh khỏi. Đó là điều mà thái độ chúng ta phải có: một lời xin của trọn vẹn con người mình, một khao khát được chữa lành, một mong ước được xem thấy, nhìn ra được thêm một cái gì đó cho hôm nay. Và khi người ta đến bác sĩ khám bệnh, người ta không ngại ngùng cho bác sĩ thấy vết thương hay những vết thương của mình. Ở đây cũng vậy, người ta để cho ông tự do, người ta trình bày cho ông biết hết về mình, và xin ông hành động như ông muốn.

Bài đọc thứ nhất không thể đủ

Sau bài đọc thứ nhất, có thể là tôi chỉ ghi nhận một chữ, một câu của bản văn nói với tôi nhất hơn là phần còn lại. Có thể là Chúa dùng chữ đó, câu đó để nói với tôi. Tôi vẫn chưa chắc chắn về điều đó. Và tất cả công việc là đi đến xác tín rằng chính đó là điều Chúa muốn về tôi. Thường chúng ta có khuynh hướng, trong 90% thời gian, chúng ta gán trên bản văn chính tư tưởng của chúng ta. Thực tế, chúng ta đến với những vấn đề của chúng ta và chúng ta áp đặt chúng cho Chúa, chúng ta xin Người soi sáng và cho chúng ta một câu trả lời, một giải đáp, một giải pháp[23]. Mà Chúa thì biết rất rõ điều chúng ta cần thiết, Người biết những vấn đề của chúng ta. Nhưng thường thì Người lại để ý tới chuyện khác, đơn giản hơn, cụ thể hơn. Còn chúng ta, chúng ta lại chỉ muốn bàn đến chuyện của chúng ta. Phải biết từ bỏ mình và tin tưởng phó thác vấn đề hay những vấn đề của chúng ta ngay lúc khởi đầu Lectio divina. Như thế, quẳng chúng lên vai của Người, chúng ta làm một tác động cần thiết cho phép chúng ta lắng nghe. Đó là điều mà thánh vịnh nhắc chúng ta: “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho” (Tv 55, 23); và chính Chúa cũng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Trong dụ ngôn người gieo giống, loại đất thứ ba là một loại đất tốt nhưng đầy gai; mà những gai này không nói về những vấn đề, bởi vì vấn đề thì lúc nào cũng có, nhưng nói rõ về sự lo lắng như là sợi giây hoặc là xích lớn trói cột lòng chúng ta. “Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt” (Mt 13, 7). “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì” (Mt 13, 22).

Như một viên đá nằm dưới đáy biển, người ta không thể lay chuyển nó nhờ lo lắng, coi như cứ lo lắng là người ta có thể thay đổi được sự vật. “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay”? (Mt 6, 27). “Anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được” (Mt 5, 36). Mà những giây xích này bóp nghẹt Lời Chúa và ngăn cản chúng ta lắng nghe Chúa là Đấng muốn nói với chúng ta. Vì thế cần thiết là chúng ta phải tin cậy dâng hiến, phó thác cho Chúa điều làm chúng ta bận tâm. Giải thoát con tim của chúng ta[24] nhờ tác động này, chúng ta chỉ dâng hiến mình để làm điều cần thiết[25], cho việc tìm kiếm Nước Chúa.

Chúa nói với chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Nhưng thực tế, trong 99% trường hợp, chúng ta lật ngược lời khuyên của Chúa: chúng ta xin “những thứ kia” và nếu còn được một chỗ trống, chúng ta nhét “Nước Thiên Chúa” vào cuối danh sách những lời xin. Mà Chúa nói những người ngoại làm như thế, coi như cuộc sống con người lệ thuộc vào những nhu cầu trực tiếp này[26]. Chúng ta quên rằng Chúa biết tất cả những nhu cầu của chúng ta và Người cung cấp cho[27] và không nên xin những sự có thể mục nát. Chúa khẩn khoản mời gọi chúng ta xin: “Các con hãy xin thì sẽ được”. Thực tế, Chúa nói chúng ta xin Chúa Thánh Thần[28], Thánh Ý Thiên Chúa. Đặt Chúa ở chỗ nhất như thế, con tim được thanh tẩy, bởi vì sự tinh khiết của con tim hệ tại ở việc đặt Chúa ở chỗ nhất một cách thực tế và cụ thể.

Chúng ta đọc bài đọc một một lần nữa. Có thể là, ngay sau khi đọc bài đọc một, người ta không tìm thấy gì. Hoặc bởi vì bản văn khó, hoặc bởi vì chúng ta thiếu chăm chú. Người ta cũng có thể đọc lần thứ ba hay hơn nữa.

Không có ý tưởng

Không phải là rút ra được những ý tưởng của bản văn. Một lần kia, có người tự hỏi mình thực hành Lectio divina có đúng không khi kể ra được những ý tưởng trong hai bài đọc: có 12 ý trong bài một và 5 trong bài hai, vị chi tất cả 17: 12 + 5 = 17. Mà thực tế chúng ta cần phải có 1 + 1 = 1. Bởi vì, Chúa chỉ nói với chúng ta có một lời qua hai bản văn[29]. Không nên hành động trên bản văn theo trí hiểu của chúng ta. Phải cố gắng tiếp nhận và đó là điều khó hơn. Không chỉ làm cho trí hiểu nín miệng nhưng còn phải làm cho nó ngoan ngoãn với bản văn – cũng như tấm phim trước ánh sáng -, bằng cách chờ cho một chữ, một lời, một câu nói với tôi, linh hoạt, sáng hơn và đầy nghĩa hơn phần còn lại của bản văn.

Những quy luật phân định
để biết đó là lắng nghe hay không

Hai bản văn, chỉ một lời (95%)

Vậy đôi khi, dù đọc nhiều lần bản văn thứ nhất, chúng ta không gặp được gì. (Thứ tự đọc trước hay sau các bài đọc không có tính tuyệt đối; người ta có thể bắt đầu ngay bằng đọc bài Phúc âm). Khi đó chúng ta đọc sang bài thứ hai; đọc một cách chăm chú. Với bài Phúc âm, thường những sự việc được sáng tỏ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên có thể là chúng ta có nhiều ánh sáng chứ không phải chỉ có một. Chúng ta không biết đâu là ánh sáng đến từ Chúa. Chính lúc này chúng ta thấy cái lợi là có hai bản văn. Cũng như hai đường kẻ chỉ có thể giao nhau ở một điểm, cũng vậy hai bản văn chỉ giao nhau ở một ý tưởng, cho tôi hôm nay. Bản văn này sàng lọc bản văn kia. Mỗi bản văn làm cho rơi rớt những gì được giữ lại ở bản văn kia. Trên hinh vẽ minh họa dưới đây, những gạch nối trên mỗi hàng kẻ biểu thị sự liên tục các ý tưởng trong mỗi bản văn.

Cuối cùng, sau khi đã đọc đi đọc lại người ta nhận ra rằng qua hai bản văn Chúa chỉ nói một điều. Không nên đi tìm những từ giống hệt nhau, ví dụ “lòng thương xót” chỗ này, “lòng nhân từ” ở chỗ kia. Cứ sự thường thì hai bản văn không dính dáng gì đến nhau: ở đây, bài đọc này là một lá thư của thánh Phaolô và bài đọc kia, bài Phúc âm theo thánh Mátthêu[30]

 

Hình minh họa trang 46

 

Mỗi tác giả đi theo hướng của riêng mình. Một điều duy nhất chung cho cả hai bản văn đó là cả hai đều là Lời của Chúa. Và nếu người ta gặp được cùng một tư tưởng chỗ này hay chỗ khác thì đó có thể là hoàn toàn ngẫu nhiên, hoặc lúc đó có nghĩa là Chúa bắt đầu nói.

Sự kiện Chúa nói với chúng ta qua hai bản văn chỉ một ý tưởng, cho chúng ta 95% xác tín[31]: chính Người nói chứ không phải chúng ta hay những ước muốn của chúng ta. Chính trên tiêu chuẩn này chúng ta phải xét và phải kiểm chứng. Cho dù nếu chúng tôi có đưa ra bốn tiêu chuẩn khác, thì cũng phải dựa trên tiêu chuẩn này trước hết vì nó bảo đảm sự chính xác cao độ. Thực tế, tiêu chuẩn này là chính kênh ánh sáng. Nó cho phép bao vây được ánh sáng; nhờ sự chiếu qua và nhờ chính nó, nó là một. Bao lâu chưa có được chỉ một ý tưởng, chỉ một ánh sáng, chúng ta phải tiếp tục khẩn nài Chúa, xin Người ban Chúa Thánh Thần và xin nhận ra được thánh ý của Người đối với chúng ta ngày hôm nay. Cho dù việc trình bày dưới đây có dài dòng về bốn dấu chỉ phụ thuộc khác thì chúng cũng chỉ có “năm phần trăm” giá trị! Đừng quên điều đó.

Bây giờ chúng ta hãy bàn tới bốn dấu chỉ cho phép chúng ta hoàn chỉnh xác tín này là lời chúng ta nhận thật sự đến từ Chúa. Bình thường, hằng ngày người ta chỉ sử dụng thường nhật tiêu chuẩn thứ nhất: hai bản văn, duy một lời. 

 

Bốn dấu chỉ 

 

            Hình trang 47

 

Lời duy nhất được tiếp nhận có ít là bốn đặc tính. Trước khi xét đến chúng, chúng ta hãy nhìn con người được cấu tạo bằng gì. Trong hình vẽ trên đây, chúng ta thấy hai miền của con người chúng ta: trí hiểu và ý muốn.

Để hiểu rõ điều mà người ta gọi là trí hiểu và ý muốn, chúng ta nên nhắc lại điều thánh Phaolô nói: “Anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5,17)[32]. Như vậy, trong tôi có cái muốn: đó là ý tưởng, trí hiểu thấy điều gì là tốt phải làm, rồi, có cái làm: ý muốn, hành động. Thánh Phaolô nhận định rằng có trong Người, trong mỗi người chúng ta, có một rạn nứt giữa trí hiểu biết điều gì là tốt phải làm và ý muốn lại không làm.

Trên bản vẽ, chúng ta thấy rõ sự rạn nứt này. Đó là một vực thẳm trong chúng ta tách biệt hai năng lực của linh hồn, trí hiểu và ý muốn. Người ta cũng nhận định rằng ý muốn thì bệnh hoạn, bởi vì nó không làm điều trí hiểu thấy. Sự yếu đuối và bệnh hoạn này của ý muốn được diễn tả trên hình vẽ bằng màu xám trong ý muốn. Vậy mũi tên hướng lên cao đó là lời xin thứ nhất. Người ta thấy trên hình con số 1 ở bên cạnh. Đó là lời kêu xin của anh mù muốn được nhìn thấy. Khi đó, sự đáp lời của Chúa được biểu thị bằng mũi tên đến từ trên cao và điểm nhọn chạm đúng tới ý muốn để chỉ cho một điểm cụ thể cần thay đổi, và cái gì đó phải thực hiện. Vùng  cần chữa trị trong ý muốn có màu đậm hơn màu biểu thị ý muốn.

Mũi tên này đến từ trên cao biểu thị ánh sáng nhận được. Chúng Ta hãy phân tích những đặc tính của mũi tên. Người Ta gặp thấy bốn trong số những đặc tính quan trọng nhất. Chính bốn đặc tính này tạo thành bốn dấu chỉ.

Dấu chỉ thứ nhất đến từ Chúa (thú vị mới)

Để hiểu rõ hơn những đặc tính của ánh sáng này được biểu thị bằng mũi tên đi xuống, chúng ta hãy lấy một ví dụ: Một ngày kia chúng ta có cuộc cãi nhau với một người và người này đã nói nặng lời với chúng ta, nói xấu chúng ta hoặc còn nữa, đánh chúng ta và gây thương tích cho chúng ta. Lòng chúng ta đầy cay đắng. Cố gắng lắm chúng ta mới không thù hằn người đó nhưng chẳng muốn liên hệ gì với người này nữa. Và hôm nay xảy ra là, như một tình cờ (đối với Chúa không có tình cờ), khi thực hành Lectio divina, lời Chúa nói với chúng ta là: “Con hãy đi làm hòa với người đó, cầu nguyện và chúc phúc cho người đó”. Lời này là ánh sáng mới xuyên vào trí hiểu chúng ta. Nó đề nghị với chúng ta một chỉ dẫn cụ thể và chúng ta biết chắc rằng nó đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ chính chúng ta. Khi đến với chúng ta, ánh sáng này cho chúng ta một ấn tượng mới mẻ. Điều củng cố khía cạnh mới này đó chính là Chúa chỉ dẫn mà Chúa cho chúng ta là điều cuối cùng mà hôm nay chúng ta muốn chờ đợi nghe được hôm nay từ Chúa. Ta đã quen thích cái “khác người, khác Chúa”. Chúa chọn cái gì đó mà Người muốn thay đổi trong chúng ta. Chúng Ta cảm thấy sự tương phản giữa ánh sáng của Chúa và ánh sáng quen thuộc của chúng ta. Đặc điểm thứ nhất này, “sở thích mới” này, là kết quả của việc Chúa Thánh Thần “can thiệp”. Hoặc, cho dù sự so sánh có hơi quá mạnh - như việc Đấng Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ đang ẩn trốn trong Phòng Tiệc Ly: bỗng nhiên Người xuất hiện diện.

Khi thao tác Lectio divina trở thành thường ngày, nó sẽ làm nảy sinh trong chúng ta một ước ao, một chờ đợi giờ ta sẽ gặp gỡ Chúa và có một cái gì mới sẽ được “mạc khải” cho ta. Ta có thể so sánh sự ước ao thiêng liêng này với sự ước ao con người muốn nghe tin tức, đọc báo hay khi người ta chờ một lá thư của người ta quý mến hoặc khi sắp gặp người này. Trong Lectio divina không bao giờ ta phải buồn phiền, chán nản.

Qua tất cả những khía cạnh này cùng kết hợp lại, mà ta xác định được đặc điểm thứ nhất này: lời có một vị mới vì nó đến từ Thiên Chúa.

 “Kinh Thánh có thể được coi như một lá thư tình của Chúa viết cho tạo vật của Người. Theo một ý nghĩa như thế, thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả nói với Thêôđo, vị lương y của hoàng đế: “Ai yêu hơn thì được đánh giá cao hơn người khác; vậy tôi có đôi điều phàn nàn ngỏ với người con danh tiếng của tôi là Thêôđo. Con đã nhận từ Chúa Ba Ngôi những ân huệ về trí hiểu và những của cải đời này, về lòng thương xót và bác ái, nhưng con đã không thôi lao mình vào những công việc trần tục, đòi hỏi phải đi liên tục, và chểnh mảng đọc những lời của Cứu Chúa của con mỗi ngày. Kinh Thánh là gì nếu không phải là một lá thư của Thiên Chúa toàn năng gửi đến cho tạo vật của Người? Nếu con phải xa hoàng đế một thời gian và nếu con nhận được một lá thư của ông, chắc hẳn là con không ngơi không nghỉ, không ngủ được bao lâu con chưa biết được hoàng đế trần gian này viết cho con điều gì. Vị Hoàng Đế cõi trời, Chúa của loài người và của các thiên thần, đã gửi cho con môt lá thư cho cuộc đời con mà con lại lơ là chểnh mảng đọc nó với lòng nhiệt thành. Vậy cha nài nỉ con hãy chuyên chăm đọc và suy niệm mỗi ngày những lời của Đấng Tạo Hóa của con. Con hãy học nhận biết trái tim của Chúa trong những lời của Chúa để con khao khát cuồng nhiệt hơn về những điều vĩnh cửu, để tâm trí con bùng lên nỗi ước mong những niềm vui thiên đàng. Nơi đó sự nghỉ ngơi sẽ lớn hơn lúc này, người ta sẽ không hề nghỉ ngơi vì tình yêu đối với Đấng Tạo Hóa của mình. Xin Chúa toàn năng ban xuống cho con Thần Khí an ủi để con có thể đem điều đó ra thực hành. Xin chính Người đổ đầy trong con tinh thần ý thức sự hiện diện của Người, và khi làm đầy như thế Người nâng tâm trí con lên” (Ep. IV, 31 – PL 77, 706 ab).

Dấu chỉ thứ hai đến trong ta

Về đặc điểm thư hai, ta thấy rằng lời này là cụ thể, nó đụng chạm tới một phần bệnh hoạn của ý muốn của ta. Nó không là một lời nói với người bên cạnh; ta không làm suy niệm của những người bên cạnh. Đó cũng không phải là một suy niệm thuần lý thuyết về một điểm của đức tin Kitô giáo. Không. Đó là một cái gì cụ thể kích thích phải có một hành động, một sự thay đổi cụ thể trong ý muốn. Ta thấy được diễn tả qua mũi tên: điểm nhọn của mũi tên chạm tới ý muốn của ta, chạm tới một vùng ý muốn của ta. Do đấy mỗi lần phải có một ao ước hoán cải thật để ánh sáng có thể đến với ý muốn. Nếu không, sự khước từ, sự bỏ trốn ngăn cản ánh sáng có thể xuống và gặp được ý muốn. Không phải do ánh sáng không muốn nhưng là do ta ngăn cản. Chính điều đó cho ta thấy chất lượng của việc ta sẵn sàng của ta là quan trọng hàng đầu như thế nào. Chúa không ngừng nhắc ta: “Thầy đứng ngoài cửa và Thầy gõ”, Thầy không phá cửa để vào, Thầy không cưỡng ép tự do của các bạn hữu của Thầy! Chính các bạn phải tự mở. Đó là tất cả khoa cầu nguyện (Lectio divina hoặc Suy nguyện tùy theo những phương pháp riêng). Nếu ngươi ta không muốn được chữa lành, thì hoàn toàn vô ích dù ta có đến gần Chúa Kitô và lời của Người.

Như thế, ta thấy rằng lời này mà Chúa Kitô nói với ta đây là một lời cụ thể, chạm tới ý muốn của ta và thúc đẩy ta thực hiện một hành động. Hành động này có thể là vừa bên trong và vừa bên ngoài, như trong ví dụ trên đây: “Hãy đi làm hòa”. Cũng có thể chỉ là bên trong, như ví dụ một hành động từ bỏ mình, dâng hiến, phó thác, v.v… Không ai thấy nó nhưng nó có thể đòi ta một cố gắng rất lớn.

Vậy đặc điểm thứ hai của ánh sáng nhận được trong Lectio divina là khía cạnh cụ thể của nó dẫn tới một thay đổi thật, một cải hóa.

Bây giờ ta bàn đến đặc điểm thứ ba.

 

 

Kinh Thánh, một quyển sách có vị đắng

“Rồi tiếng tôi đã nghe từ trời, lại nói với tôi và bảo: “Hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất.” Tôi đến gặp thiên thần và xin người cho tôi cuốn sách nhỏ. Người bảo tôi: “Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong. Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng”[33].

Thực vậy, thường lời được tiếp nhận có vị đắng trong tâm can. Ta cảm thấy khó khăn khi lời này thâm nhập trong ta, khuấy động tâm lòng ta. Sự tiếp cận của ánh sáng với những tăm tối của ý muốn gây nên một thứ đau khổ, một vị đắng. Tuy nhiên điều đó biến đổi thành êm dịu và thành giải thoát. Sự cay đắng này là một dấu chỉ tốt, đó là dấu chỉ cho biết sự dữ, điều xấu đã bị vạch trần và Thiên Chúa bắt đầu quan tâm hành động trong đó. Nếu người ta muốn, nếu người ta cộng tác với Ánh Sáng, Ánh Sáng có thể thiêu rụi những tăm tối này, và biến đổi chúng thành ánh sáng, giải thoát chúng và cho chúng nảy sinh.

Dấu chỉ thứ ba: Ít

Người ta sẽ thấy rằng lời mà Người nói với ta là rất “ít”. Phải hiểu “ít” theo nghĩa nào? Trong cuộc sống của ta, khi chiêm ngắm Thánh Giá, ta đã hiểu rằng Chúa kết hiệp với mỗi người chúng ta một cách duy nhất. Thánh Giá trước hết không phải là dụng cụ của đau khổ hay là cái tạo nên đau đớn, nhưng đặc biệt Thánh Giá là nơi kết hiệp của ta với Chúa Kitô, là lời hứa rõ ràng và dứt khoát của việc kết hiệp với Chúa. Sự kết hợp này mà Chúa đã tạo được nhờ cái chết trên Thánh Giá phải được thể hiện từ từ, ngày lại ngày. Thực tế, ta nhìn lên đỉnh cao núi Ta-bo và ta mong ước có mặt ở trên đó. Nhưng đứa con nít trong ta lại muốn tất cả và muốn có ngay và nó ngạc nhiên nhận ra rằng trong lời Chúa nói với nó, có ít chỉ dẫn để mau lẹ đến được núi Ta-bo. Ta buồn bực, ta không hiểu. Ta lại còn muốn biết Chúa muốn ta ở đâu, chỗ này hay chỗ kia, trong cuộc sống, và ta lạc hướng vì Chúa vẫn cứ thinh lặng ngay trong những điều mà ta cho là quan trọng và tối cần nhưng thực tế thì chúng lại chẳng lôi kéo được sự chú ý của Chúa. Ta không hiểu tại sao Chúa lại cho những cái thật là nhỏ bé một tầm quan trọng lớn như thế. Với một người chồng, có thể một ngày kia Người yêu cầu anh ta dọn bàn ăn, xếp khăn ăn một cách khác, vì từ hai mươi năm qua kiểu anh đặt khăn ăn làm cho vợ khó chịu. Và Chúa chỉ yêu cầu anh thay đổi như thế thôi! Thấy cũng kỳ, làm sao lại dành cho một việc nhỏ nhặt như thế một sự quan trọng như vậy trong khi có một chương trình lớn, chương trình kết hợp với Chúa, hoặc trong khi có bao người chết vì đói, vì khát, vì siđa!  Chính vì cuộc sống kitô hữu được tạo ra từ những điều nhỏ mọn và trung thành trong những điều nhỏ mọn: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh” (Mt 25, 21)[34]Cuộc sống trên đời này là một sự trung tín trong những cái ít! Ngược lại, ta lại nhìn lên đỉnh núi cao. Cũng thật tốt nếu ta có nhìn lên cao đó, có mơ mộng và mơ mộng đẹp. Thánh Têrêsa Giêsu khuyên như thế; thánh nữ yêu cầu các con cái mình phải có những tư tưởng cao[35] và những ao ước lớn[36], tuy nhiên phải nhìn những bước đi nhỏ trước mắt mình mà trèo lên bởi vì chính nó cho phép ta đi tới được đỉnh núi[37].  Theo một nghĩa nào đó, nấc lên này, bước nhỏ này bao gồm trong nó tất cả trái núi cho ngày hôm nay, và nếu không có bước đi này ta không thể đạt tới đỉnh núi. Đấy là cái thực tế của Phúc âm. Có ích gì nếu nghĩ tới ngày mai và chờ đợi những hướng dẫn của ngày mai trong khi ta không làm công việc hôm nay. “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34).

 

Dấu chỉ thứ bốn: không thể

Cho dù lời này xem ra chẳng nhiều gì, nhưng lại có vẻ không thể thực hiện được. “Tôi không thể đi làm hòa với người đó là người đã làm khổ tôi vì lòng tôi đầy cay đắng và như kiệt quệ”. Làm gì đây? Dẫu sao tôi cũng biết đó là ý Chúa muốn tôi làm nhưng tôi không làm được.

Một ngày kia có chàng thanh niên giàu đến gặp Chúa[38]. Nhưng, người ta có thể phản đối vì ta không phải là những người giàu do đấy bài Phúc âm này không liên quan gì đến ta. Nếu xét cho kỹ, ta sẽ thấy rằng ta có thể thật sự giàu, giàu bởi những ước muốn của mình. Ngay cả khi tôi nghèo về vật chất, tôi vẫn có thể ước muốn có cái xe đẹp, một cuộc sống thảnh thơi, v.v… Tôi giàu qua những ước muốn của tôi! Người ta không thể đánh lừa Chúa: Tất cả ta đều là những người giàu. Trong ý nghĩa này, bài Phúc âm nói với ta.

Vì vậy ta hãy đặt mình vào trường hợp người thanh niên này và coi như bài Phúc âm là của mình rồi cùng với chàng thanh niên xin cuộc sống vĩnh cửu hoặc, đơn sơ xin theo Chúa, kết hiệp với Người. Đó là mục đích của cuộc sống kitô hữu và đó là tình yêu của Chúa trên Thánh Giá mạc khải cho ta. Chúa đã chết cho ta để kết hiệp ta với Người. Sự kết hiệp đôi khi không như ta tưởng, không phải là cái riêng của các đan sĩ hay các tu sĩ hoặc của những người coi mình sinh ra đã là thánh. Không. Chúa Kitô đã chết cho tất cả, cho mỗi người ta, cho tôi, một cách duy nhất và như vậy ơn gọi của tôi là kết hiệp với Người. Ta phải sử dụng những phương thế Người ban cho ta để đón nhận tất cả những gì Người đã giành được cho ta trên Thánh Giá.

Ta cùng với chàng thanh niên giàu muốn có được cuộc sống vĩnh cửu. Chúa hỏi chàng: “Anh đã tuân giữ những giới răn chưa”? Chàng trả lời Người là mình đã giữ từ lúc còn nhỏ. Chúa nhìn chàng, yêu mến chàng và nói với chàng: “Hãy đi, bán hết những gì anh có, phân phát tiền cho những người nghèo và rồi hãy đến theo tôi”. Phúc âm cho ta biết “chàng thanh niên giàu buồn sầu bỏ đi, vì chàng có nhiều của cải”. Đó cũng chính là cảm tưởng ta có khi Chúa đòi hỏi ta từ bỏ một điều gì đó, làm một điều gì đó mà ta không quen. Ta quá gắn bó với thói quen của mình đến nỗi nó trở thành như một phần đời ta và khi Chúa lay động, thì như Chúa muốn lấy đi một phần đời ta. Rồi: “Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19, 23). Và Chúa phóng đại, Người nhấn mạnh: “Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.  Điều đó cũng có nghĩa là không thể.

Để đem Phúc âm ra thực hành, cần thiết phải có cố gắng. Chúa cũng nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24). “Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22, 14). Tuy nhiên có một nguy cơ, đó là giản lược cuộc sống trong Chúa Kitô thành một việc làm của ý muốn. Mà như trong bài Phúc âm này cho thấy Chúa lại cho ta biết rõ không phải như thế. Không phải cứ chỉ muốn, nhưng phải khiêm tốn làm người ăn xin mới thực hiện được ơn gọi kitô hữu của mình. Người ta cũng gặp phải sự bất lực không chu toàn được những giới luật của Chúa theo ánh sáng Phúc âm như trong bài giảng trên núi[39]. Trong bài giảng này, Chúa trích dẫn những giới luật của Thiên Chúa ban cho Mô-sê qua cách nói: “người xưa nói rằng”, và rồi, Người cho thấy tất cả ánh sáng Phúc âm: “Còn tôi, tôi nói với anh em”. Và đấy, ta thấy Chúa muốn những điều theo chiều sâu và tận căn rễ; và cũng do đấy người ta thấy là quá: không nổi nóng với người anh em vì sẽ bị hình phạt hỏa ngục! Hoặc trong lòng mình không được thèm muốn một người nữ vì đối với Chúa là như đã phạm tội ngoại tình! “Vậy ai được rỗi”? Các tông đồ là những người đã để cho ánh sáng Phúc âm chiếu soi tâm lòng mình, từ trên xuống dưới. Các ông tỏ ra thật thẳng thẳn khi đặt câu hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu”? (Mt 19, 25). Thực vậy, có lẽ người ta có thể bỏ tất cả, để lại cha mẹ, vợ con. Nhưng từ bỏ chính mình, đó lại là chuyện khác. Chính khi người ta bắt đầu ý thức sự bất lực tận căn theo Chúa Kitô mà người ta bắt đầu là kitô hữu, có lẽ đấy là lần thứ nhất! Trái nghịch hẳn với câu ngạn ngữ: muốn là được; muốn, trong Kitô giáo, không phải là được. Thánh Phaolô nói: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không” (Rm 7, 18).

Vâng, trái ngược với câu ngạn ngữ, muốn không phải là được. Tôi ước muốn thực hành ý Chúa nhưng tôi không làm được. Vậy đừng dừng lại ở cái không thể của ta. Thật bình thường. Ngược lại, phải biến đổi nó thành lời kinh: “Lạy Chúa, bởi vì Chúa xin con điều đó, có nghĩa là Chúa muốn thực hiện điều đó, Chúa có thể thực hiện, Chúa ban sức mạnh cho con để thực hiện điều đó. Vậy, xin Chúa ban cho con sức mạnh này, ban cho con Thánh Thần của Chúa, để lời mà Chúa xin con thực hiện có thể nhập thể trong cuộc sống con hôm nay”. Thánh Augustinô xin theo cách này: “Lạy Chúa, xin cho con làm điều Chúa truyền và xin hãy truyền bất cứ điều gì Chúa muốn”. Thánh nhân xin sức mạnh của Chúa (chính là lời xin thứ hai của ta) để có thể thực hiện điều Thiên Chúa truyền; và rồi Người để cho Chúa tự do truyền bất cứ điều gì Chúa muốn.

Khi ta cảm thấy dội trước điều Chúa truyền ta làm, hoặc ý muốn của ta từ khước hành động này, đó là dấu chỉ con người cũ vẫn còn đó – ta hiểu tại sao Thiên Chúa đòi hỏi ta điều đó. Thực ra điều Người xin luôn nghịch lại con người cũ trong ta, nghịch lại ý muốn cũ. Người muốn chữa trị nó. Vậy nó cảm thấy dội thì là bình thường. Chúa đã nói rõ cho Phêrô biết rằng những nẻo đường của Chúa gây lạc hướng: “Người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21, 18)[40]. 

Như thế ta hiểu rõ lời này đối với ta dường như là không thể như thế nào, trong ý nghĩa nào, và ta phải phản ứng như thế nào.

 

Hai lời xin của Lectio divina

Như vậy Lectio divina bao gồm hai lời xin:

Lời xin thứ nhất: “Lạy Chúa, xin nói cho con điều Chúa muốn về con” và lời xin thứ hai: “Lạy Chúa, xin ban cho con Thánh Thần của Chúa để có thể nhập thể và thực hiện điều Chúa xin con”[41].

Lưu ý, ta sẽ thấy rằng sau khi ta dâng lời xin thứ hai, thì Chúa cho ta sức đẩy của Người (điều này là cần thiết) để nhập thể điều Người đã “xin” ta. Người chữa trị lòng tôi và ban cho lòng tôi sức mạnh để cầu nguyện cho người đã xúc phạm đến tôi và đi tìm tha thứ cho họ. Sự đáp lời của ân sủng được biểu thị trên hình vẽ qua mũi tên, đáp lại lời xin thứ hai, xuyên tới ý muốn.

Hãy ghi nhận rằng điểm nhọn của mũi tên thứ hai này xuyên qua vực thẳm ngăn cách trí hiểu và ý muốn và tác động trên vùng đang bàn tới (ý muốn).  

 

hinh trang 58 

 

Trái lại mũi tên thứ nhất chỉ xuống, qua đó Chúa chỉ cho ta điểm Người muốn chữa trị, vẫn chưa tác động trong ý muốn. Mũi tên này chỉ cho thấy điều không ổn, nhưng nó không hoạt động. Chúa luôn luôn có cái tế nhị tuyệt vời là không bao giờ Người ép buộc, áp đặt ta[42].

------------------------------------------------------------------------------------------------

15. Ibid.

16. “Ví như Chúa chẳng xây nhà,
thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127, 1).

17. Về vấn đề này, đọc chương 22 trong La Vie của thánh Têrêsa do chính thánh nữ viết và chương 7 về Cư Sở Thứ Sáu, trong sách Các Cư Sở (Les Demeures) hoặc Lâu đài nội tâm (Le château intérieur).

18. Thánh Gioan Thánh Giá, Đường lên Cát Minh (Montée du Carmel) II, 22,3.

19. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Tôi mở đọc các Phúc âm để nhận biết tâm tính của vị Hôn Phu của tôi”.

20. “Ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như Người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình” (Gc 1, 23). Gương này chính là Chúa Con.

21. Trong phần thứ năm chúng tôi sẽ bàn đến sự liên hệ giữa Lectio divina và Suy nguyện.

22. Theo ý Phúc âm, những phép lạ về phần xác không cần thiết. Nhưng những phép lạ về tâm hồn thì rất cần. Chúa đến để cứu chữa chúng ta và đó là điều Người ước muốn mọi ngày cho linh hồn chúng ta.

23. Thực vậy, đó là một trích dẫn Guigues II le Chartreux, Scala (Chiếc thang, thánh Gioan Thánh Giá lấy lại ý tưởng này (x. Maxime 209 / Dichos 162). Người ta cũng tìm thấy trong tác phẩm bậc thầy của Henri de Lubac, Chú giải thời trung cổ, bốn ý nghĩa của Kinh Thánh (4 pho sách), Paris, 1959, nhiều chỉ dẫn về suy niệm Kinh Thánh và các ý nghĩa theo Truyền Thống. Người ta đọc được một tóm lược rất hay trong L’Ecriture dans la Traditition (Kinh Thánh trong Truyền Thống), Henri de Lubac, Paris, 1966. Cũng thế về chú giải của Origène, một tuyệt tác phẩm cũng của tác giả này: Histoire et esprit, L’intelligence de l’Écriture d’après Origène (Lịch sử và tinh thần, Sự Hiểu biết Kinh Thánh theo Origène), Paris, 1950.

24. Chúng ta sẽ thấy điều đó trong phần thứ ba của tác phẩm này.

25. Sự lưu ý này liên quan đến nghi lễ Roma. “Sau một cuộc lưu đày hằng bao thế kỷ, Lời Chúa đã lấy lại được đặc tính trung tâm của mình trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo, đó là một sự kiện không thể chối bỏ được. Người ta còn có thể nói đến một tái khám phá về Lời Chúa của các tín hữu công giáo, là những Người từng bao thế kỷ đã không còn biết thực hành việc tiếp cận trực tiếp với Lời Chúa [...]. Được đi trước và được chuẩn bị do những phong trào phụng vụ, đại kết và Kinh Thánh, Công Đồng Vaticanô II, quả thực, [...] đã giải phóng Lời Chúa và chấm dứt cuộc lưu đày của Kinh Thánh” Enzo Bianchi, Le Caractère central de la Parole de Dieu (Đặc tính trung tâm của Lời Chúa), dans  le collectif “La réception de Vatican II: 1965-1985”, Paris, 1985, pp. 157-185).

26. Ngày sống như một bản nhạc, một khúc ca thay đổi về cùng một chủ đề hoặc cùng một câu nhạc: ánh sáng được tiếp nhận. Những dấu chỉ khác trong ngày sẽ đáp lời và sẽ như một bản hòa tấu được chơi theo cùng một ánh sáng này. Thiên Chúa, như là một nhà giáo dục, theo đuổi cũng cùng và chỉ một ý tưởng nhưng Người khai triển theo nhiều khía cạnh. Như thế ngày sống có thể chỉ thường xoay quanh một chủ đề duy nhất, một ánh sáng duy nhất. Ngày lại ngày, những ánh sáng sẽ dần được bổ sung và như một hình ráp bằng nhiều miếng, những ánh sáng này từ từ tạo thành mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong lối sư phạm này, các Thiên Thần giữ một vai trò chủ yếu mà thánh Gioan Thánh Giá gán cho các Người là sự khởi động (vào buổi sáng) – và điều này hợp với Truyền Thống từ Denys l’Aréopagie -: “Khi sự thèm muốn (ý muốn) bận rộn đến cái khác (ngoài Chúa), nó sẽ đóng cửa ngăn sự khởi động của thiên thần” (Maxime 54 / Dichos 42) và cũng vậy “Anh em hãy để ý rằng thiên thần bản mệnh của anh em không luôn khơi dậy sự thèm muốn để hành động, nhưng Người luôn soi sáng lý trí. Anh em đừng chờ có thích thú mới hành động, vì lý do và lý trí cũng đủ cho anh em rồi” (Maxime 53 / Dichos 41).

27. Một loại bút màu đánh dấu người ta dùng để làm nổi một chữ một câu quan trọng hoặc để nhớ.

28. “Vì Thánh Kinh được linh hứng, nên còn một nguyên tắc khác để giải nghĩa cho đúng. Nguyên tắc này không kém quan trọng so với nguyên tắc trên và không có nó thì Thánh Kinh chỉ là văn tự chết: “Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần” [DV 12, 3]” (GLCG 111).

29. Thực vậy, người ta không thể lắng nghe Chúa Kitô, nhìn thấy Người, hiểu Lời Người nếu không có Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến tiếp cận Chúa Kitô, chính Người là Đấng làm sống động mối liên hệ.

30. Người ta có thể làm vào lúc khác. Không là những hoạt động như nhau.

31. Điều kiện của chúng ta là những con người nhập thể.

32. Mc 10, 46-52 và Lc 18, 35-43.

33. Để diễn tả vấn đề ước muốn khao khát chúng ta có thể đọc câu chuyện sau đây: “Một hôm Chúa đi trên bờ biển có một đồ đệ đến gần và hỏi Người: “Lạy Chúa, làm sao có thể đạt được tới Thiên Chúa”? Chúa xuống nước với đồ đệ này và Người ấn chìm ông trong nước. Sau một lúc Chúa cầm lấy cánh tay lôi ông ra khỏi nước, Người hỏi ông: “Con cảm thấy gì”? Người đồ đệ đáp: “Con cảm thấy cuộc sống của con như biến mất. Tim con đập thình thịch. Con đã tìm cách thở và tìm cách thoát khỏi nước”. Bấy giờ Chúa nói với ông: “Con sẽ thấy Chúa Cha khi sự ước muốn khao khát thấy Người cũng mãnh liệt như vừa rồi con cần thoát khỏi nước để thở” (giáo huấn của Râmakrishna, sưu tập và chú giải của Jean Herbert, Paris, 1972, tr. 300). Phải là một vấn đề sống hay chết.

23. Cách thế nói lên những vấn đề, những ước ao hoặc xin xỏ của mình với Chúa, cũng giống như một cô gái ngồi bên hoàng tử bảnh trai của mình trong một góc khuất và đặt tay mình trên miệng chàng để xin chàng nói...

24. Sự giải thoát có được là từ thực hiện hành động. Nói như thế nhưng cảm tưởng vấn đề có thể vẫn còn đó sau hành động bởi vì nó thuộc về một lãnh vực nằm bên ngoài con người chúng ta. 

25. “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10, 41-42).

26. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12, 15).

27. “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6, 30-32).

28. “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao”? (Lc 11, 13).

29. Các ngày Chúa Nhật, theo nghi lễ latinh có ba bài đọc (kể cả Phúc âm): 1+1+1 = 1! Cho dù chúng ta không đọc, nhưng hiển nhiên là trong tuần, chúng ta có thể kết nối Thánh Vịnh (đáp ca) với hai bài đọc. Chúng ta luôn luôn chỉ có một ánh sáng. Thánh vịnh cũng có thể dùng như một diễn tả lời kinh cá nhân của chúng ta, tuy nhiên không trực tiếp liên quan tới chúng ta ở đây.

30. Các bài đọc được chọn liên tục hằng ngày. Theo nghi lễ latinh, trong tuần, chúng ta có bài đọc thứ nhất tùy theo năm chẵn hay lẻ - trong khi Phúc âm cũng là một (cho năm chẵn hay năm lẻ). Ngược lại, Chúa Nhật, chúng ta có ba bài đọc (kể cả bài Phúc âm); được chia theo ba năm A, B và C).

31. Con số 95 là cách nói để cho biết hầu như chúng ta đạt tới sự xác thực hoàn toàn.

32. Hoặc: “Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7, 18b-19).

33. Kh 10, 8-10.

34. Và: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16, 10).

35. “Ayuda mucho tener altos pensamientos” (Đường Hoàn Thiện 4, 1) “Những tư tưởng cao siêu giúp nhiều cho những hành động cao vời”. “Mẹ đã thường nói điều đó cho các chị em, trong những bài ngắn mẹ đã viết cho các chị em, mẹ thường nhắc lại điều đó, và mẹ còn nài nỉ các chị em nắm giữ những ý tưởng can đảm, như thế các chị em sẽ được Chúa ban ơn và các hành động của chị em cũng sẽ can đảm như vậy” (Pensées sur l’amour de Dieu ‘những suy tư về tình yêu Thiên Chúa’, 2, 17).

36. “Convienne mucho no apocar los deseos... que si los santos nunca se determinaran a descarlo [...] no subieran a ta alto estado” (Vie de sainte Thérèse écrite par elle-même 13, 2): Chúng ta không nên coi nhẹ những ước muốn của chúng ta... nếu các thánh đã không quyết định ước muốn điều đó... các Người đã không thể đạt tới một trạng thái cao như vậy”. “Es gran bien tener grandes deseos”, “có được những ước muốn cao vời thì thật là điều tốt lành” (Pensées sur l’amour de Dieu, 2, 29).

37. Đó sẽ là khổ chế gọi là “con đường nhỏ bé” mà thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã thực hành tuyệt vời!

38. Mt 19, 16-22; Mc 10, 17-22; Lc 18, 18-23

39. Mt 5, 1-7, 29; Lc 6, 20-49.

40. “Ích gì cho bạn khi dâng Chúa một cái gì đó, nếu Chúa xin bạn một cái khác? Hãy xét kỹ Chúa muốn cái gì và bạn hãy thực hiện điều đó: theo cách thế này bạn sẽ làm cho mình hài lòng trọn vẹn hơn là những điều chính bạn ước muốn” (thánh Gioan Thánh Giá, Maxime 93 / Dichos 77).

41. Hai lời cầu này có thể được diễn tả một cách khác như thánh Augustinô đề nghị: xin ban cho con ơn Chúa để con có thể thực hiện điều Chúa đòi hỏi, và rồi Chua cứ đòi hỏi bất cứ điều gì nơi con như Chúa muốn!

42. Một lưu ý nhỏ về điểm này, để minh họa những phong cách của Chúa và của các thánh: Đức Trinh Nữ Maria, người nữ đầy ơn sủng, cũng có cái tế nhị thật cao nhã của Chúa và Mẹ đã nói với Bernadette: “xin con vui lòng...”

Tác giả Gia Đình Lectio Divina (dịch)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!