.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Cầu nguyện

Ý thức

Tôn giáo

Ân sủng

Các "Thánh"

Bản ngã

Tình yêu

Chân lý

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Taking Flight - Bay Lên Đi!
Tác giả: Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Nguyên tác: Anthony de Mello, S.J.
TÌNH YÊU

186. Cậu sẽ đến 

“Thưa ngài, chưa thấy bạn tôi về. Xin cho phép tôi đi tìm”. 

“Không được”, sĩ quan đáp. “Tôi không muốn anh liều mạng vì một người có lẽ đã chết”. 

Người lính vẫn đi, và một giờ sau, đúng như thế, anh trở về thương tích gần chết, mang theo xác của người bạn. 

Sĩ quan nổi giận. “Tôi đã bảo cậu anh ta chết rồi. Bây giờ tôi mất cả hai người. Anh nói xem, có đáng ra đi như thế để mang về một cái xác không?”. 

Chàng trai sắp chết trả lời, “Ồ, thưa ngài, đáng chứ. Khi tôi đến đó, cậu ấy vẫn còn sống và cậu ấy bảo, ‘Jack ạ, tớ chắc là cậu sẽ đến’”. 

ڰ 

187. Khi nào con chết?  

Một cô bé sắp chết với căn bệnh mà anh trai tám tuổi của cô vừa thoát khỏi trước đó. 

Bác sĩ bảo cậu bé, “Chỉ cần chuyền máu của cháu vào cho em cháu, cháu sẽ cứu được em. Cháu sẵn sàng cho máu chưa?”. 

Đứa trẻ trố mắt sợ hãi. Do dự một lúc, cuối cùng, cậu nói, “Được, thưa bác sĩ, con sẵn sàng”. 

Một giờ sau khi chuyền máu, cậu bé lúng túng hỏi, “Xin bác sĩ nói cho con biết khi nào con chết!”.  

Chỉ lúc này bác sĩ mới hiểu tại sao cậu bé đã cảm thấy sợ hãi: cậu tưởng khi cho máu là cậu cho đi sự sống của mình để cứu em. 

ڰ 

188. Ai chết thay? 

Một môn đồ rất ước ao từ bỏ thế gian, nhưng cậu nói, gia đình quá yêu thương không cho cậu ra đi. 

“Yêu thương?”. Thầy cậu bảo, “Chẳng yêu thương gì đâu. Hãy nghe đây…”. 

Ông tiết lộ một bí mật yoga, nhờ đó, cậu có thể giả chết. Hôm sau, đúng như thật, cậu ấy chết… và ngôi nhà vang tiếng khóc than. 

Vị thiền sư xuất hiện, bảo gia đình sầu khổ ấy rằng, ông có thể làm cho cậu ấy sống lại nếu ai đó chết thay cậu. Có ai tình nguyện không? 

“Người chết” hết sức ngạc nhiên vì mọi thành viên trong gia đình bắt đầu đưa ra những lý do tại sao họ phải sống. Vợ cậu tóm kết tình cảm của mọi người bằng những lời sau đây, “Thật sự không cần phải có ai chết thay anh ta. Không có anh ấy, chúng tôi vẫn xoay xở được”. 

ڰ 

189. Cứu bọn trẻ 

Ba người đang dùng cà phê trong bếp, bọn trẻ chơi trên lầu. Trong câu chuyện, họ hỏi nhau sẽ làm gì nếu có tai nạn xảy ra… và mỗi người đều quả quyết việc đầu tiên là cứu bọn trẻ. 

Thình lình, nắp an toàn của nồi hấp nổ tung, căn phòng đầy hơi nước. Trong mấy giây, mọi người thoát khỏi nhà bếp – trừ bọn trẻ vẫn chơi trên lầu. 

ڰ 

190. Khóc cho mình 

Tại đám tang của một người rất giàu có, người ta thấy một người lạ mặt khóc lóc lớn tiếng như những người khác. 

Linh mục chủ sự tiến lại gần anh và hỏi, “Có lẽ anh là người bà con với người quá cố phải không?”.“Thưa không”.

“Thế tại sao anh khóc?”

“Đó là lý do”. 

Mọi khóc than - dù vào dịp nào đi nữa - đều vì chính mình. 

ڰ 

191. Khóc mà chi 

Một xí nghiệp đang bốc cháy, ông chủ đứng tuổi khóc thương tiếc xót. 

“Cha, cha khóc làm gì?”, cậu con trai hỏi, “Cha quên là chúng ta đã bán xí nghiệp cách đây bốn ngày sao?”. 

Lập tức, điều đó ngăn dòng lệ của cụ. 

ڰ 

192. Chiếc quần tây 

Cô hàng bán cho gã thanh niên một chiếc quần tây sặc sỡ. Cậu thích thú vì đã mua được nó. 

Hôm sau, cậu đến trả lại chiếc quần với lý do “Bạn gái tôi không thích nó”. 

Tuần sau, cậu trở lại, tươi cười và muốn mua lại chiếc quần tây. “Bạn gái anh đổi ý rồi sao?” cô bán hàng hỏi. 

“Không”, cậu trả lời. “Tôi đổi bạn gái”. 

ڰ 

193. Cô ấy nghĩ  

Mẹ, “Bạn gái con thích gì ở con?”.

Con trai, “Cô ấy nghĩ con đẹp trai, tài năng, thông minh và là một vũ công điệu nghệ”.

Mẹ, “Và con thích gì nơi cô ta?”.

Con trai, “Cô ấy nghĩ con đẹp trai, tài năng, thông minh và là một vũ công điệu nghệ”. 

ڰ 

194. Xui xẻo và may mắn 

Sau nhiều năm, hai người bạn gái gặp nhau.

“Kể cho tớ hay”, một người hỏi, “Điều gì xảy đến với con trai cậu?”. 

“Con trai tớ? Thằng bé thật tội nghiệp, tội nghiệp lắm!”, người kia thở dài. “Nó có một cuộc hôn nhân xui xẻo - với một cô gái không động một ngón tay đến việc nhà. Cô ta không nấu ăn, không may vá, không giặt giũ hay quét dọn. Tất cả những gì cô làm là ngủ, chơi rong và đọc sách trên giường. Tội nghiệp thằng bé, thậm chí phải mang điểm tâm vào giường cho nó, cậu có tin không?”. 

“Thật kinh khủng! Và con gái của cậu thì sao?”.

“À - nó là đứa may mắn! Nó kết hôn với một thiên thần. Cậu ta không để cho nó làm bất cứ điều gì trong nhà. Cậu ta thuê những người giúp việc nấu nướng, may vá và giặt giũ và quét dọn. Mỗi sáng, cậu mang thức ăn vào giường, cậu có tin không? Tất cả những gì con bé làm là ngủ… tuỳ thích, suốt ngày nghỉ ngơi và đọc sách trên giường”. 

ڰ 

195. Tại sao lại là tình yêu? 

“Anh nghĩ anh có thể cho con gái tôi những gì nó muốn?”, ông bố hỏi người cầu hôn. 

“Dĩ nhiên, thưa bác. Cô ấy đã nói, tất cả những gì cô muốn là cháu”. 

Không ai gọi là tình yêu nếu những gì cô ta muốn là tiền. Tại sao lại là tình yêu nếu những gì cô ấy muốn là chính bạn? 

ڰ 

196. Có nó để làm gì?  

Robert, một anh chàng mười bốn tuổi yêu cô hàng xóm cũng mười bốn tuổi. Cậu bán hết mọi thứ mình có và ngay cả nhận làm những công việc lặt vặt để đủ tiền mua cho người yêu chiếc đồng hồ mà cô thích. Cha mẹ cậu thất vọng, nhưng quyết định tốt nhất của cậu là không nói gì. 

Tới ngày đi mua sắm, Robert ra phố, rảo qua các cửa tiệm rồi trở về mà tiền vẫn còn nguyên. Cậu giải thích, “Tôi dẫn cô ấy đến quầy nữ trang và cô bảo, rốt cuộc, cô chẳng thích chiếc đồng hồ. Cô thích những thứ khác nữa như lắc đeo tay, vòng đeo cổ hay nhẫn vàng”. 

“Trong khi cô ấy đi quanh tiệm suy nghĩ để quyết định thì tôi nhớ điều mà thầy giáo chúng tôi có lần bảo - trước khi tậu một cái gì, phải tự nhủ, chúng ta muốn có nó để làm gì. Chính khi nhận ra điều đó thì tôi thực sự không thích cô ta nữa, vì thế tôi ra khỏi tiệm và bỏ về”. 

ڰ 

197. Đám tang ông rùa 

Một cậu nhóc đau lòng nhận ra con rùa cưng của mình nằm ngửa im lìm, không cựa quậy bên bờ ao. 

Cha cậu tìm mọi cách để an ủi, “Con à, đừng khóc. Chúng ta sẽ tổ chức một đám tang trang trọng cho Ông Rùa. Chúng ta sẽ làm cho ông một quan tài nhỏ viền bằng bạc và nhờ người lo đám ma dựng một tấm bia ở mộ có khắc tên Ông Rùa trên đó. Rồi chúng ta sẽ cắm hoa tươi quanh mộ ông mỗi ngày và rào quanh mộ một hàng rào cọc nhỏ”. 

Cậu bé lau mắt và trở nên hứng thú với dự định đó. Khi mọi sự đã sẵn sàng, đám rước đã hoàn tất, cha mẹ, người giúp việc, con cái và người khóc thuê - bắt đầu tiến bước trọng thể về phía cái ao để mang xác con rùa, nhưng cái xác biến đâu mất. 

Đột nhiên họ phát hiện Ông Rùa trồi lên từ đáy ao và vui vẻ bơi quanh. Cậu bé nhìn chằm chằm vào người bạn của mình với nỗi thất vọng ê chề, rồi nói, “Chúng ta hãy giết ông ta”. 

Không phải bạn là người mà tôi thực sự quan tâm, nhưng là điều kỳ thú mà tôi có được từ việc yêu bạn. 

ڰ 

198. Tượng Phật vàng 

Một ni cô đi tìm giác ngộ làm một tượng Phật bằng gỗ có phủ lá bằng vàng tinh tế. Tượng rất đẹp và cô mang theo mình mọi nơi. 

Năm tháng qua đi, vẫn mang theo bức tượng, ni cô đến trụ trì trong một ngôi đền nhỏ, nơi có rất nhiều tượng Phật, mỗi tượng có một bàn thờ. 

Cô bắt đầu thắp hương trước tượng Phật bằng vàng của mình mỗi ngày nhưng thất vọng khi thấy một ít khói hương lan qua các bàn thờ bên cạnh. 

Vì thế, cô lấy giấy làm một ống khói bay thẳng lên Phật của cô. Lỗ mũi của bức tượng vàng hoá đen và bức tượng trở nên xấu xí. 

ڰ 

199. Phải yêu mến tao! 

Friedrich Wilhelm, vua nước Phổ vào đầu thế kỷ mười tám, được biết đến như một người dễ cáu gắt. Ông cũng ghét nghi thức. Ông đi bộ trên những con đường Berlin mà không có người hộ tống và nếu ai vô tình làm ông phật lòng - việc thường xảy ra - ông sẽ không do dự dùng gậy đánh kẻ xúc phạm rủi ro ấy. 

Vì thế người ta hiểu, tại sao mỗi khi dân chúng thấy ông tới gần, họ đều tế nhị tránh xa ông. Ngày nọ, khi vua Frederic đang nặng bước đi trên một con phố thì một người dân Berlin trông thấy ông – anh tìm cách ẩn mình dưới một mái hiên, nhưng đã quá muộn. 

“Đứng đó!”, Friedrich bảo. “Cậu đi đâu?”.

Chàng trai bắt đầu run, “Thưa ngài, vào nhà này”.

“Đây là nhà cậu?”.

“Dạ không, thưa ngài”.

“Nhà người bạn?”.

“Dạ không thưa ngài”.

“Thế tại sao cậu vào nhà đó?”.

Bấy giờ chàng trai bắt đầu sợ rằng mình sẽ bị coi là một tên trộm. Vì thế cậu buột mồm nói sự thật, “Để tránh ngài”.

 

“Thế tại sao cậu muốn tránh tôi?”.

“Bởi vì tôi sợ ngài”. 

Nghe điều này Friedrich Wilhelm đùng đùng nổi giận. Nắm vai chàng trai tội nghiệp, ông lay mạnh, cậu la lên, “Sao mày dám sợ tao! Tao là người thống trị mày, mày phải yêu mến tao! Phải yêu mến tao, đồ khốn nạn, phải yêu mến tao!”. 

ڰ 

200. Hắn đã bỏ trốn  

Một phụ nữ đẫy đà lù lù bước vào văn phòng hộ tịch, bà đóng sầm cánh cửa sau lưng. 

“Ông cấp hay không cấp cho tôi giấy phép cưới Jacob Jacobson?”, bà ta quát, đập mạnh hồ sơ trên bàn. 

Nhân viên hộ tịch kiểm tra kỹ càng hồ sơ qua gọng kính dày cộm của mình. “Vâng, thưa bà, tôi tin mình đã cấp. Có chuyện gì thế?”. 

“Bởi vì”, bà ta đáp, “Hắn đã bỏ trốn. Ông sẽ giải quyết vấn đề đó thế nào?”. 

ڰ 

201. Hãy thử cột chúng lại  

Sau một cuộc tranh luận sôi nổi với vợ, người chồng nói, “Tại sao chúng ta không sống hoà thuận như hai con chó không bao giờ cắn nhau?”. 

“Không, chúng không cắn nhau”, người vợ đáp. “Nhưng ông hãy cột chúng lại với nhau và xem điều gì xảy ra!”. 

ڰ 

202. Khoảng cách và tương quan 

Một công chúa Ả Rập phải lòng một trong các nô lệ của mình và quyết định cưới y. Vua cha tìm hết cách ngăn cản nhưng vẫn không thay đổi được nàng, cũng không một vị cố vấn nào của nhà vua có thể làm cho nàng nghe theo. 

Cuối cùng, một quan toà cao tuổi khôn ngoan xuất hiện ở triều đình và khi nghe về nghịch cảnh của vua, ông nói, “Bệ hạ làm thế là không nên. Nếu bệ hạ cấm công chúa kết hôn, nàng sẽ oán trách bệ hạ và sẽ gắn bó hơn với tên nô lệ ấy”. 

“Thế thì nói cho ta hay ta nên làm gì”, vua bảo. 

Quan toà đưa ra một kế hoạch, vua nghi ngờ nhưng cũng quyết thử một phen. Ông sai gọi cô gái và bảo, “Trẫm sẽ thử tình yêu của con dành cho người đàn ông này: con sẽ bị nhốt trong một căn phòng chật hẹp với người yêu của mình ba mươi đêm ngày. Sau thời gian đó, nếu con vẫn muốn kết hôn vói cậu ấy, thì ta sẽ chấp thuận”. 

Cô công chúa mừng quýnh, ôm lấy cha và hăng hái chấp nhận thử thách. Vài ngày đầu, mọi sự khá tốt đẹp nhưng sự chán chường đã sớm len vào. Trong vòng một tuần, cô thiết tha mong mỏi một chàng trai khác và bực tức trước mọi lời nói và hành động của người yêu. Sau hai tuần cô chán anh ta, cô bắt đầu la hét và nện vào cửa phòng. Cuối cùng, khi được thả ra, cô choàng tay quanh cha, tỏ vẻ biết ơn vì đã cứu cô khỏi người đàn ông mà bây giờ cô ghét cay ghét đắng. 

Khoảng cách cần thiết cho việc sống chung. Không có khoảng cách sẽ chẳng có tương quan. 

ڰ 

201. Họ có thể bỏ nhau 

Một giáo viên quan sát thấy một trong các cậu nhóc trong lớp buồn buồn và khép kín. 

“Con lo lắng chuyện gì thế?”, cô hỏi.

“Bố mẹ con”, cậu đáp. “Bố làm việc suốt ngày để cho con ăn mặc và gửi tới trường tốt nhất trong phố và làm quá giờ để gửi con vào đại học. Mẹ suốt ngày nấu ăn và quét dọn và giặt ủi và mua sắm vì thế con không phải lo lắng gì”. 

“Thế thì tại sao con lo lắng?”

“Bố mẹ em có thể sẽ tính đến chuyện bỏ nhau”. 

ڰ 

202. Biết ơn ai? 

Một giáo viên lớp học Chúa nhật bảo học trò mình rằng, cô sẽ viết tên chúng trên bảng. Sau tên của mỗi người, cô sẽ viết nhân vật mà trò ấy có lòng biết ơn hơn cả. 

Một cậu bé trầm ngâm suy nghĩ khi tên cậu được viết trên bảng. Khi cô hỏi cô nên viết gì sau tên của cậu, thì cuối cùng cậu thưa, “ Mẹ”. 

Đó là điều cô giáo đã viết. Cô bắt đầu viết tên người tiếp theo thì cậu bé ấy bắt đầu vung tay rối rít. 

“Sao con?”, cô giáo hỏi.

Xin xóa “mẹ”, cậu thưa, và viết “con chó”. 

Tại sao không? 

ڰ 

203. Con cóc và thảm cỏ 

Ông bố tỏ ý muốn trả một số tiền cho cô con gái mười hai tuổi nếu cô chịu cắt cỏ. Cô bé hăng hái bắt tay vào việc. Đến tối, toàn bộ thảm cỏ đã được cắt tỉa xinh xắn - toàn bộ - ngoại trừ một đám cỏ lớn ở góc vườn vẫn còn nguyên. 

Khi trả tiền, ông bố bảo không thể trả theo cam kết vì cô bé không cắt toàn bộ thảm cỏ, cô bé bảo, cô sẵn sàng không nhận số tiền nhưng sẽ không cắt đám cỏ đó. 

Tò mò tìm hiểu lý do tại sao, ông bố kiểm tra đám cỏ không được cắt. Ở chính giữa vạt cỏ có một con cóc lớn. Cô gái quá mẫn cảm đến nỗi không thể đè chiếc máy cắt cỏ lên nó được. 

Ở đâu có tình yêu, ở đó có lộn xộn. Trật tự hoàn hảo sẽ biến thế giới thành bãi tha ma. 

ڰ 

204. Khi cách mạng vùng lên 

Một đám nhỏ tập trung quanh nhà diễn thuyết ở góc đường. “Mong cho cách mạng vùng lên”, ông ta la lớn, “Mọi người sẽ lái những chiếc xe limousines màu đen bóng loáng. Mong cho cách mạng vùng lên, mọi người sẽ có một chiếc điện thoại trong bếp. Mong cho cách mạng vùng lên, mọi người sẽ tậu một miếng đất mà họ có thể gọi là của mình”. 

Một giọng nói từ đám đông phản đối, “Tôi chẳng cần một chiếc xe màu đen, một miếng đất hay một điện thoại trong bếp”.  

“Mong cho cách mạng vùng lên”, nhà diễn thuyết nói, “Anh sẽ làm như người ta buộc anh làm, đồ chết tiệt”. 

Nếu bạn muốn một thế giới hoàn hảo, hãy từ bỏ công chúng. 

ڰ 

205. Nguyền rủa Thiên Chúa 

Ngày kia, Abraham mời một người ăn xin vào lều dùng bữa. Khi đã no nê, người ăn xin bắt đầu nguyền rủa Thiên Chúa, cho rằng mình không thể chịu được khi nghe danh Ngài. 

Nổi giận, Abraham đuổi kẻ phỉ báng đi. 

Đêm đến, khi cầu nguyện, Thiên Chúa bảo Abraham, “Người đàn ông này đã nguyền rủa và mắng nhiếc Ta những năm mươi năm và ta vẫn cho nó ăn mỗi ngày. Con không thể chịu đựng ông ta vì chỉ một bữa ăn!?”. 

ڰ 

206. Ta quên hết rồi  

Người ta đồn rằng, một phụ nữ cao niên trong làng được ơn nhiều lần thấy Chúa hiện ra. Vị linh mục quản xứ lại đòi bằng chứng về độ xác thực của bà.  

Ngài bảo, “Lần sau khi Chúa hiện ra với bà, bà hãy hỏi Ngài tôi có tội gì, tội mà chỉ mình Ngài biết. Vậy là đủ”. 

Một tháng sau, bà cụ trở lại và linh mục hỏi. Chúa có hiện ra với bà không. Bà thưa có.  

“Bà có hỏi Chúa không?”.

“Dạ có”.

“Ngài nói sao?”.

“Ngài bảo, ‘Hãy thưa với cha xứ của bà là Ta quên hết rồi’”. 

Có thể tất cả những điều kinh khủng bạn làm đã được mọi người bỏ qua – chỉ mình bạn không thể bỏ qua sao? 

ڰ 

207. Niềm vui phục vụ 

Lần kia, một số trưởng lão họp nhau tại Scete và tu viện trưởng John Draft cũng có mặt. 

Khi họ đang ăn, một linh mục cao niên đứng dậy phục vụ. Nhưng không ai dám để cho vị linh mục tiếp mình bất cứ món gì dù là một ly nước, chỉ trừ tu viện trưởng John. 

Những người khác tỏ vẻ khó chịu và về sau hỏi ngài, “Tại sao ngài có thể cho là mình xứng đáng để được phục vụ bởi một con người thánh thiện như thế?”. 

Ngài đáp, “Ồ, khi mời người ta uống nước, tôi thấy vui nếu họ nhận. Các ông muốn tôi lấy đi niềm vui của con người già cả đó khi ông trao cho tôi một cái gì đó của ông hay sao?”. 

ڰ 

208. Chẳng hề kêu ca  

Một cô bé tám tuổi dốc tiền túi mua cho mẹ một món quà, mẹ cô vui sướng và biết ơn vì thường thì các bà mẹ và những người nội trợ làm rất nhiều việc mà chẳng được ai quan tâm. 

Cô bé tỏ vẻ hiểu điều này, cô thưa, “Vì mẹ làm việc miệt mài mà không ai biết”. 

Mẹ bảo, “Cha con cũng miệt mài làm việc”.

Cô bé đáp, “Vâng, nhưng cha, cha chẳng hề kêu ca”. 

ڰ 

209. Tâm hồn đến trước 

Một khách hành hương cao niên đến miền núi Himalaya trong cái rét thấu xương khi trời bắt đầu đổ mưa. 

Chủ quán bảo ông, “Thưa ông, làm sao ông có thể đến đó trong cái lạnh tê cóng như thế này?”. 

Ông cụ vui vẻ đáp, “Tâm hồn tôi đến đó trước, vì thế phần còn lại của tôi dễ dàng theo sau”. 

ڰ 

210. Cả gánh tình yêu 

Giêrêmia yêu một phụ nữ có dáng người rất cao. Mỗi đêm, anh đưa cô về nhà và mỗi đêm anh ước ao được hôn cô nhưng ngần ngại. 

Đêm nọ, anh lấy can đảm, “Anh có thể hôn em được không?”. Cô đồng ý. Nhưng vì quá nhỏ người, anh tìm quanh một vật gì đó để đứng lên. Họ tìm thấy một bệ rèn trong đó có một cái đe vốn cần cho anh. 

Đi được hơn nửa dặm, Giêrêmia bảo, “Em yêu, anh có thể hôn em một lần nữa?”. 

“Không”, cô gái bảo. “Đêm nay thế là đủ”. 

Giêrêmia bảo, “Thế thì tại sao em không bảo anh đừng mang theo cái đe chết tiệt này?”. 

Tình yêu mang theo cả gánh nhưng không cảm thấy nặng! 

ڰ 

211. Tên trộm ngựa 

Vua Hồi ở Baghdad có tên là Al-Mamun có một con ngựa Ả Rập xinh đẹp. Một người trong bộ lạc có tên là Omah háo hức mua con ngựa. Ông dâng nhiều con lạc đà để đổi lấy con ngựa, nhưng Al-Mamun không muốn rời xa con vật. Điều này làm Omah tức tối, cậu quyết định đánh lừa để cướp con ngựa. 

Biết Al-Mamun sẽ cưỡi ngựa dọc theo một con đường, anh giả vờ nằm bên lề như một người ăn xin ốm nặng. Al-Mamun là một người tốt bụng, thấy người ăn xin, ông động lòng, xuống ngựa và tỏ ý mang anh đến một quán trọ. 

“Trời ơi”, người ăn xin la lên, “Tôi đã không ăn mấy ngày nay và không có sức để đứng dậy”. Vì thế Al-Mamun dịu dàng nhấc anh lên ngựa, định trèo lên sau. Người ăn xin trá hình vừa leo lên yên thì bỏ chạy và Al-Mamun rượt theo, bảo anh ta ngừng lại. Tạo một khoảng cách an toàn giữa mình và khổ chủ, Omah ngừng và quay mặt lại. 

“Mày ăn cắp ngựa của tao”, Al-Mamun la lên. “Tao có một đề nghị với mày”. 

“Đề nghị gì?”, Omah hỏi lại.

“Mày không được nói cho ai hay làm sao mày có được con ngựa”. 

“Tại sao không?”. 

“Bởi vì một ngày nào đó, có thể sẽ có một người nào đó đau đớn thực sự nằm bên vệ đường và nếu người ta biết trò lừa của mày, người ta sẽ đi qua mà không ra tay cứu giúp”. 

ڰ  

212. Trồng xoài 

Mùa mưa đến, một cụ già cặm cụi đào lỗ trong vườn mình. 

“Cụ làm gì thế?”, một người hàng xóm hỏi.

“Trồng xoài”, cụ đáp.

“Cụ có ăn được xoài từ các cây đó không?”. 

“Không, tôi sẽ không sống tới đó, nhưng những người khác sẽ ăn. Có lần, tôi chợt nhận ra, cả đời mình đã ăn xoài do người khác trồng. Đây là cách để bày tỏ lòng biết ơn của tôi”. 

ڰ  

213. Đá giữa đường 

Ngày kia Diogenes đứng ở góc đường, cười như một người mất trí. 

“Ông cười chuyện gì thế?”, một người đi đường hỏi. 

“Ông có thấy viên đá giữa đường không? Từ sáng sớm tôi đến đây, mười người đã vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó nhưng không ai mảy may quăng nó đi kẻo người khác vấp”. 

ڰ  

214. Làm sao phân biệt ngày đêm 

Một thiền sư hỏi các môn đệ làm thế nào để biết đêm đã tàn và ngày sắp đến. 

Một môn đệ thưa, “Khi ta thấy một con vật ở đằng xa và có thể phân biệt đó là con bò hay con ngựa”. 

“Không phải”, thiền sư đáp. 

“Khi ta thấy một cái cây ở đằng xa và có thể nói đó là cây mận hay cây xoài”. 

“Sai nữa”, thiền sư đáp. 

“Ồ, thế là sao thưa thầy?”, các môn đệ hỏi.

“Khi ta nhìn vào một người đàn ông nào đó và nhận ra người anh em mình trong đó; khi ta nhìn vào một phụ nữ nào đó và nhận ra người chị em mình trong đó. Nếu các con không thể làm điều này thì dù mặt trời có mọc tới đâu cũng vẫn là đêm”. 

ڰ  

215. Thiên kiến 

Một người bạn đến gặp Charles Lamb, một nhà viết tiểu luận nổi tiếng và nói, “Mình muốn giới thiệu cậu với ngài So & So”. 

“Không, cám ơn”, Lamb từ chối. “Mình không thích ông ấy”. 

“Nhưng anh vẫn chưa biết ông ta mà!” 

“Đúng vậy. Đó là lý do tại sao mình không thích ông ta”, Lamb nói. 

“Nói đến con người, tôi biết tôi thích cái gì”.

“Bạn có ý nói bạn thích người mà bạn biết!”. 

ڰ  

216. Cao hơn cả trời 

Cộng đoàn kia cứ thắc mắc không hiểu tại sao cứ mỗi tuần vào đêm thứ bảy, một kinh sư của họ biến mất. Họ nghi ông bí mật đi gặp Đấng Toàn Năng, vì thế họ bàn luận sai người theo dõi ông. 

Đây là điều mà người đó thấy: giáo sĩ giả dạng một nông dân để phục vụ một bà lương dân tật nguyền tại một túp lều tranh. Ông dọn phòng và chuẩn bị bữa ăn ngày Sabat cho bà. 

Khi người được phái đi trở lại, cộng đoàn hỏi, “Giáo sĩ đi đâu? Có phải ngài lên trời không?”.

“Không”, anh ta đáp, “Cao hơn cả trời”. 

ڰ  

217. Lời của Gandhi 

Khi Earl Mountbatten, phó vương cuối cùng của Ấn Độ, báo tin cháu trai mình là Công tử Philip đã đính hôn với Công chúa Elisabeth, thì Mahatma Gandhi bảo ông, “Tôi vui mừng biết cháu trai của ngài sắp thành hôn với nữ hoàng tương lai. Tôi muốn tặng cho họ một món quà, nhưng tôi có thể tặng gì đây? Tôi không có gì cả”. 

“Ông có khung dệt”, phó vương bảo, “Ông hãy dệt cho họ một cái gì đó”. 

Qua Mountbatten, Gandhi gửi tặng công chúa Elisabeth một khăn trải bàn với dòng chữ: “Hãy cất giữ cẩn thận cùng với những mũ miện châu báu”. 

… vì nó được dệt bởi một người đã nói: “Người Anh phải ra đi như những người bạn”. 

ڰ  

218. Đừng xét đoán 

Một ông Đồng cao niên kiếm sống bằng việc bán các thứ đầu thừa đuôi thẹo. Dường như ông không phân định gì cả vì người ta thường trả cho ông những đồng tiền giả và ông nhận mà không phản đối gì; hoặc họ nói là đã trả ông nhưng thực ra chưa trả và ông tin lời họ. 

Lúc sắp chết, ông ngước mắt lên trời và nói, “Lạy Đấng Allah! Con đã chấp nhận những đồng tiền giả từ người ta, nhưng con chưa một lần lên án họ trong lòng. Con nghĩ, họ không biết việc họ làm. Con cũng là một đồng xu giả. Xin đừng đoán xét con”. 

Và ông nghe tiếng phán rằng, “Làm sao có thể đoán xét một người không biết xét đoán kẻ khác?”. 

Việc yêu thương, nhiều người có thể làm.

Ý nghĩ yêu thương, không mấy ai! 

ڰ  

219. Vô gia đình 

Một gia đình sum họp quanh bàn ăn. Cậu con trai cả tuyên bố mình sắp kết hôn với cô gái bên kia đường. 

“Nhưng gia đình cô không cho cô một đồng nào cả”, cha anh phản kháng.

“Và cô ấy không biết dành dụm lấy một xu”, mẹ anh thêm vào.

“Cô ta không biết tí gì về bóng đá”, thằng em bảo.

“Em chưa bao giờ thấy cô gái nào có mái tóc ngố đến thế”, em gái bảo.

“Tất cả những gì cô ta làm là đọc tiểu thuyết”, người chú bảo.

“Thị hiếu thời trang của cô ta thật nghèo nàn” bà dì bảo.

 

“Nhưng cô ấy không phấn son”, Bà nội bảo.

“Dạ đúng vậy”, cậu cả bảo. “Nhưng cô ta có một ưu điểm vượt trội chúng ta”.

“Gì vậy?”, mọi người tò mò hỏi.

“Cô ấy không có một mái gia đình”. 

ڰ 

220. Quà cho thầy 

Đan phụ Anatasiô có một cuốn sách bằng da rất tinh tế trị giá hai mươi xu. Nó có đầy đủ Cựu và Tân Ước. Lần kia, một đan sĩ đến thăm ngài, thấy cuốn sách thì cuổm mất. Hôm ấy, khi Cha Anatasiô chuẩn bị đọc Thánh Kinh thì phát hiện ra sách biến mất và biết ngay thầy kia đã lấy nó. Nhưng ngài không cho mời gặp vì sợ thầy mang thêm tội thề ẩu vào tội ăn cắp. 

Thầy ấy xuống phố để bán sách. Thầy muốn bán với giá mười tám xu. Chủ hàng bán nói, “Thầy để tôi xem nó có đáng giá đó không”. 

Nói xong, ông đem sách đến cho Cha Anatasiô thánh thiện và thưa, “Cha xem cuốn sách này và cho con hay liệu nó có đáng giá mười tám xu không”. Anatasiô đáp, “Ồ, đó là một quyển sách tốt. Với giá mười tám xu, nó là một món hời”. 

Ông trở lại và nói, “Tiền thầy đây. Tôi mang sách đến cho Cha Anatasiô và ngài bảo nó đáng giá mười tám xu”.

Thầy hốt hoảng, “Ngài bảo thế sao? Ngài không nói gì khác à?”. 

“Không, ngài không nói thêm lời nào”.

“Ồ, tôi đổi ý, và giờ thì tôi không muốn bán nó nữa”. 

Thầy trở lại gặp Cha Anatasiô, khóc lóc van xin ngài nhận lại, nhưng Cha nhẹ nhàng bảo, “Không, người anh em, hãy giữ nó đi. Đây là quà ta dành cho thầy”. 

Nhưng thầy thưa, “Nếu Cha không nhận nó, con sẽ không bình an”. 

Sau đó, thầy ở lại với Cha Anatasiô cho đến cuối đời. 

ڰ  

221. Không đủ mạnh  

Jitoku, một thi sĩ tài năng quyết định học thiền. Ông hẹn gặp Thiền Sư Ekkei ở Kyoto. Đến gặp thiền sư, lòng đầy mong mỏi, nhưng ông lại nhận ngay một cú đánh khi vừa bước vào. Ông sốc lên vì xấu hổ. Trước đây, chưa bao giờ có ai dám đụng đến ông. Nhưng luật thiền nghiêm nhặt quy định không ai được nói hay làm bất kỳ điều gì trừ phi được mời, vì thế, ông lặng lẽ đi ra. Ghé qua chỗ Dukuon, môn đệ trưởng, ở lại, ông kể cho Dukuon nghe toàn bộ câu chuyện và dự định thách đấu với thiền sư. 

“Nhưng thiền sư còn xử tốt với ông”, Dokuon bảo, “Hãy tập zazen và ông sẽ thấy điều đó ích lợi cho mình”. 

Đó là những gì chính xác mà Jitoku đã làm. Ròng rã ba ngày đêm, ông ra sức tập luyện đến nỗi xuất thần giác ngộ hoàn toàn vượt xa bất kỳ điều gì mà ông có thể tưởng tượng. Sự giác ngộ của ông đã được Ekkei khen ngợi. 

Jitoku lại đến với Dokuton, cám ơn ông về lời khuyên và nói, “Nếu không có sự cảm nhận sáng suốt của ông, tôi đã không bao giờ có được trải nghiệm biến đổi này. Và đối với thiền sư, bây giờ tôi thấy rằng cú đánh của ngài không đủ mạnh!”. 

ڰ 

222. Sự nhẫn nại còn hơn cả một giáo huấn  

Muso, một trong những thiền sư lẫy lừng nhất vào thời ông, cùng du hành với một môn đệ. Họ đến một con sông và lên một chiếc thuyền. Ngay khi rời bến, một hiệp sĩ say rượu chạy đến và nhảy lên thuyền vốn đã quá tải, gần như sắp làm nó chìm. Rồi anh ta loạng choạng bước đi, thật nguy hiểm cho sự an toàn của chiếc thuyền mỏng manh, vì thế người chèo thuyền xin anh ta ngồi yên. 

“Chúng ta bị nhét ở đây như những trái dâu tây trong chai vậy”, hiệp sĩ khàn khàn nói. Đột nhiên anh thấy Muso và la lên, “Đây rồi! Chúng ta hãy quăng ông thánh này xuống nước!”. 

“Kiên nhẫn nào”, Muso bảo, “chúng ta sẽ sớm qua sông”. 

“Gì? Kiên nhẫn?”, anh ta la lên như điên. “Xem đây, nếu ông không nhảy, tôi sẽ quăng ông xuống ngay”. 

Thái độ bình thản của thiền sư trước những đe dọa này làm chàng hiệp sĩ điên tiết đến nỗi anh ta tiến đến Muso và đánh vào mặt ông, máu chảy ra. Người môn đệ cũng nhừ đòn. Anh là một người lực lưỡng, anh nói với thầy, “Coi những gì nó làm, con không nhịn được nữa”. 

Muso cười và đáp lại, “Tại sao con lại bực bội về một chuyện vụn vặt như thế?”, “Chính những cơ hội như thế này giúp chúng ta rèn luyện. Con phải nhớ, sự nhẫn nại còn hơn cả một giáo huấn”. 

Rồi ông sáng tác một bài thơ ngắn với nội dung: 

Kẻ đánh người và người bị đánh

Chỉ là những diễn viên trong một vỡ tuồng,

Chóng vánh như một giấc mơ. 

ڰ  

223. Của anh đó 

Bảy người đàn ông tính khí bất thường được mời sang dự tiệc tại một làng kế bên. Say bí tỉ, họ loạng choạng theo hướng làng mình tìm về nhà khi trời đen nghịt và bắt đầu đổ mưa. Vì thế họ trú đêm dưới một cây đa. 

Thức dậy vào buổi sáng, họ khóc lóc kêu la ầm ĩ. Một người đi đường hỏi, “Chuyện gì thế?”. 

“Thưa ông, tối qua chúng tôi chất đống lại với nhau và ngủ dưới cây này”, một trong những tên điên đáp. “Sáng nay thức dậy, toàn bộ chân tay chúng tôi quấn vào nhau, không ai biết cái nào là của mình”. 

“Dễ thôi”, người đi đường nói, “Đưa cho tôi một cái kim”. 

Ông chọc kim vào cái chân ông thấy đầu tiên. “Ối”, một trong những người điên la lên. “Đó”, người đi đường nói, “Của anh đó”.  

Rồi ông đâm vào một cánh tay, “Ối!” một người khác la lên, nhận ra đó là tay mình.  

Cứ thế, cho tới khi tất cả tay chân được tháo ra và những người điên vui vẻ về làng mà không hề hấn gì. 

Khi con tim bạn đáp trả theo bản năng trước niềm vui và nỗi buồn của người khác, hãy biết, bạn đã đánh mất chính mình và cảm nghiệm được cái “chỉ một thân thể” với nhân loại - và cuối cùng, tình yêu cũng đã đến. 

Tác giả Lm. Minh Anh, TGP. Huế (Nguyên tác: Anthony de Mello, S.J.)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!