Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài Viết Của
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Đêm Hồng Phúc
Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới
Bật gốc
Đẽo chân theo giày
Mong manh
Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Ngôi mộ trống
Thông báo của Uỷ ban Giới trẻ, HĐGMVN
Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2009 của Giáo phận Hải Phòng
SỨ ĐIỆP CỦA NGÔI MỘ ĐÁ
ƠN GỌI NÊN THÁNH
BÀI GIẢNG LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC TẠI BẮC NINH 07-10-2008
Thư Hiệp Thông của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM. Hải Phòng
LỜI SỰ SỐNG

(Suy tư Tuần Thánh 2006 – Năm sống Lời Chúa) 

Sự sống quanh ta thật âm thầm mà kỳ diệu: sau một cơn mưa, những chiếc nấm nằm sâu trong lòng đất, ngái ngủ sau một cơn mơ dài, chỗi dậy và lớn nhanh phi thường. Sự sống của muôn loài cỏ cây và của con người thật là mạnh mẽ, can đảm vươn lên trước giông tố của cuộc đời.  Không ai nhìn thấy sự sống, nhưng cũng không ai có thể phủ nhận sự hiện hữu của sự sống. Bởi vì chính sự sống đang hiện diện và từng giây từng phút giúp ta lớn lên trong cuộc đời.

Sự sống của muôn vật cỏ cây nhắc ta liên tưởng đến sự sống con người. Trong bất cứ nền văn hóa nào, sự sống cũng được coi là thiêng liêng, là ân ban của Đấng Cao Cả. Con người vẫn tin vào sự tồn tại của sự sống ở thế giới bên kia, tức là sau khi chết. Dù hoàn cảnh khó khăn, dù đau khổ chán chường, con người vẫn muốn vươn lên để sống. Trong những lúc bức xúc cùng cực, có người đã tự tìm đến cái chết như một phương pháp giải thoát, nhưng thường là những lúc quẫn trí, chứ nếu có thời gian bình tâm suy nghĩ thì họ sẽ không đủ cam đảm quyết định tự kết liễu đời mình.

Sự sống thật thiêng liêng và kỳ diệu. Con người có thể thích hợp mọi hoàn cảnh của cuộc sống để tồn tại. Thánh Kinh dạy chúng ta, chính Thiên Chúa là nguyên lý và là nguồn mạch của sự sống. Chính Ngài là sự sống và thông ban cho chúng ta sự sống thiên linh. Qua Thánh Kinh là LỜI SỰ SỐNG, người tín hữu Kitô tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống nơi Thiên Chúa và nhờ đó họ xác tín hướng đi của mình.           

1- Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người

Dựa trên quan niệm Đông phương thời cổ cho rằng con người được nặn bằng đất sét, tác giả Sáng thế dùng lối so sánh  con người được Thiên Chúa nắn cho nên hình nên dạng  cũng như  chiếc bình gốm được nặn ra bởi người thợ gốm. Như  người thợ gốm tự do nặn ra những sản phẩm theo trí tưởng tượng của mình, Thiên Chúa cũng tự do sáng tạo và nắn nên hình hài con người như vậy. Con người là một sản phẩm của Đấng Sáng Tạo, tên gọi “A-đam”, nguyên tự Do Thái có nghĩa là “người”, là tên người đàn ông đầu tiên, có cách phát âm gần với “A-đa-ma” có nghĩa là “Đất” phù hợp với quan niệm “con người bởi đất mà ra”.

Tuy vậy, con người được nắn cho nên hình nên dạng này còn có cái gì cao siêu hơn chiếc bình gốm, vì Thiên Chúa, sau khi nắn thành hình con người từ bụi đất, đã “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Con người trở nên một sinh vật, một vật sống, một hình ảnh của Thiên Chúa, mặc dầu xuất xứ từ bụi đất thấp hèn. Sinh khí được Thiên Chúa thở vào, chính là sự sống làm cho con người khác với chiếc bình gốm, mặc dù còn mang bản tính mỏng giòn. Và, sinh khí ấy tồn tại nơi con người,là động lực thúc đẩy mọi hành động thể lý và tinh thần của con người. Sinh khí ấy là sự sống.

Theo truyền thống Thánh Kinh, sự sống không chỉ là nguyên lý cho sự hiện hữu thể lý của con người, nhưng còn là khả năng hành động. Khả năng hành động này  là yếu tố để phân biệt người còn sống với người đã chết. Nhưng trên hết, sự sống luôn được khẳng định như một ân ban của Thiên Chúa cho con người. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống. Ngài thông ban sự sống của Ngài cho các tạo vật, để chúng được hiện hữu, tức là được sống. Ngài là nguyên lý hoạt động  của mọi loài. Thiên Chúa như một mô-tơ khổng lồ làm cho vũ trụ chuyển động và đang dần dần đạt tới đích điểm tối hậu là sự giải thoát. “Thiên Chúa Hằng Sống”, đó là điều kiện căn bản để con người đặt để nơi Ngài sự phó thác và cậy trông. Vì con người mang trong mình bản tính phải chết, chỉ có Thiên Chúa là vĩnh cửu, tồn tại muôn đời.

Trong Thánh Kinh, sự sống thường được diễn tả qua “hơi thở” (x St 35,18; Gr 15,19). Đôi khi sự sống chính là máu trong cơ thể (x St 9,4; Lv 17,14). Vì lẽ đó người Do Thái không được ăn máu súc vật, vì máu chính là sự sống.  Sự sống dài hay ngắn phụ thuộc vào tình trạng thuần khiết của sống đời sống luân lý. Tác giả Sách Sáng thế trình bày với chúng ta sự suy giảm dần về tuổi thọ con người vì lý do tội lỗi xuất hiện và hoành hành trên trái đất.

Ý tưởng về sự sống lại sau khi chết hay sự sống vĩnh hằng xuất hiện khá muộn trong truyền thống Thánh Kinh. Sách Tiên tri Đa-ni-el (được viết vào khoảng thế kỷ thứ II trước Chúa Giêsu) được coi nhưng có những diễn đạt đầu tiên về sự sống lại: “Trong số nhưng kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh,  kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Dn 12,2).

Tuy vậy, trước đó người Do thái vẫn tin vào sự tồn tại của con người sau khi đã “nhắm mắt xuôi tay”. Vì “âm phủ-Sheol ” là nơi cư ngụ của những ai đã kết thúc hành trình trần thế này. Tuy vậy, con người trong nơi âm phủ không còn ca tụng Chúa, không còn làm những việc phúc đức như khi còn sống trên trần gian “vì ở nơi cõi chết, chẳng ai nhớ đến Ngài, ở Sheol, ai người ca tụng Chúa?” (Tv 6,6).  Chỉ có người sống mới có thể ca tụng và thực thi những hành vi tôn thờ Thiên Chúa.            

2- Đức Kitô: sự sống của Thiên Chúa

Các Ngôn sứ trong Cựu ước luôn giáo huấn Dân Chúa hướng về sự sống mới, sự sống do chính Đức Chúa thông ban. Sự sống ấy không phải như quan niệm thường ngày,  nhưng là sự sống vượt lên trên sự chết. Trình thuật về những bộ xương khô trong Ngôn sứ Edêkien cho thấy hoạt động của Thần khí Thiên Chúa thật kỳ diệu: từ những bộ xương khô rải rác trong thung lũng, Thiên Chúa đã làm cho chúng hồi sinh trở thành một đạo quân đông vô kể. Thiên Chúa quyền năng sẽ mở huyệt cho Israel và làm cho họ được sống (x Ed 37,1-4).

Sự sống mới trong ân sủng của Thiên Chúa được Đức Kitô đem đến trần gian. Chính ngài là sự sống của Thiên Chúa. Ngày đã long trọng tuyên bố: “ Ta là Đường, là Sự thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Cũng như thuở bình minh của công trình sáng tạo, Lời Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự, đến thời sau hết, Lời ấy đến để làm cho thế gian được sống và được sống dồi dào (Ga 10,10). Trọn cuộc đời của Đức Giêsu nhằm đem sự sống đến cho trần gian, cho con người. 

a- Đức Giêsu đến để thông ban sự sống Thiên linh cho con người:

Con Thiên Chúa đã đến trần gian. Những ai đón tiếp Người, Người sẽ cho họ nên giống như Người, tức là được quyền trở nên con Thiên Chúa. Nhờ Đức Giêsu, chúng ta tuy là tạo vật thấp hèn, được nâng lên hàng danh dự  vinh quang và được trở nên con Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu, chúng ta trở nên những dưỡng tử của Thiên Chúa, được thông ban sự sống từ nơi Ba Ngôi. Nhờ Đức Giêsu, chúng ta được hoà quyện vào dòng chảy tình yêu nơi cung lòng thâm sâu của Thiên Chúa, được kết hợp và chiêm ngắm Ngài ngay khi chúng ta còn sống ở đời này. Mối thân tình ấy chính là sự sống siêu nhiên mà chúng ta được tham dự nhờ Đức Giêsu nhập thể. Với việc Đức Giêsu đến trần gian, phẩm giá con người được thăng hoa, cuộc sống con người có ý nghĩa đặc biệt. Vì Thiên Chúa đã mang lấy hình hài của con người như chúng ta, nên con người không phải được dựng nên rồi phó mặc cho sự hư mất, nhưng có một đích điểm cần đạt tới, đó là để sống muôn đời trong vinh quang của Thiên Chúa.           

b- Đức Giêsu đến để giao hòa con người với Thiên Chúa:

Nhân loại tội lỗi đi trong tối tăm và sự chết. Những kinh nghiệm đau đớn của cuộc sống đời thường đã chứng minh cho chúng ta thấy bản chất yếu hèn của con người. Đức Giêsu đã đến để đem sự sống cho trần gian. Ngài làm cho con người phục hồi tình trạng nguyên thuỷ mà họ đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng. Do sự bất tuân của Adam, nhân loại đã phải nhuốm màu đen tối của tội. Do sự tuân phục của Đức Giêsu, con người được giải phóng khỏi bản án nguyên tội. Dòng chảy của ơn tha thứ bắt nguồn từ thập giá Đức Kitô đã lan toả đến với con người mọi nơi mọi thời và đem lại cho họ niềm vui của sự sống. Phúc âm diễn tả cho chúng ta thấy niềm vui của người phụ nữ goá bụa thành Na-im khi thấy con trai duy nhất đã chết được sống lại (Lc 7,12); niềm vui của Mađalêna, cô gái điếm đã được hồi phục do lời tuyên bố của Con Thiên Chúa (Lc 7,36-50); niềm vui của gia đình Bà Mattha và Maria cùng dân thành Bêthania khi được chứng kiến Lazarô đã chết được sống lại (x Ga 11). Khi Đức Giêsu đem lại niềm vui cho những tội nhân bị ràng buộc bởi kỳ thị, bởi mặc cảm, bởi tội lỗi, bởi bệnh tật là Người đem lại cho họ sự sống. Không những chỉ đem lại cho họ niềm vui tái sinh, Người còn làm cho họ hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, chấm dứt tình trạng sống trong cô lập thành kiến.

c- Đức Giêsu Phục sinh là bảo đảm sự sống lại vĩnh cửu cho chúng ta:

Đức Giêsu sánh vì mình như người Mục Tử tốt lành. Trong truyền thống Thánh Kinh, “người Mục tử tốt lành” bao gồm rất nhiều đặc tính: hy sinh, quả cảm, nhân từ, nhẫn nại, hiếu hòa, thánh thiện. Qua hình ảnh Người Mục Tử tốt lành, Đức Giêsu đã loan báo về cuộc khổ nạn của Người. Đó là sự hy sinh vì đoàn chiên. Người chịu chết để cho đàn chiên được sống (x Ga10,1-10), để đem cho chúng sự an toàn và hạnh phúc. Lễ nghi của Tuần Thánh mỗi năm nhắc chúng ta tình thương cao cả của Người Mục Tử tốt lành này. Thập giá là lời tuyên bố hùng hồn và là chứng từ mãnh liệt về tình thương của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình vì nhân loại. Sự sống tự hiến của Người không dẫn Ngài đến chỗ chấm hết, nhưng mở ra một cuộc sống mới, đó là cuộc phục sinh vinh hiển, khi Người từ cõi chết sống lại. Sự Phục sinh của Đức Giêsu chính là bảo đảm và nguồn hy vọng cho chúng ta. Như thế, trong cuộc sống còn ám ảnh và nặng trĩu bóng dáng của thập giá này, chúng ta vững tin vào tình thương Thiên Chúa, đồng thời xác tín lý tưởng cuộc đời mình nơi Đấng đã chiến thắng tử thần và đã sống lại vinh quang. 

3- Sự sống lại: niềm hy vọng của chúng ta

Con người được dựng nên cả xác và hồn. Khái niệm “con người” diễn tả trọn vẹn thực tại này. Trong kinh Tin kính các tông đồ, chúng ta tuyên xưng: “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen”. Những điều này nhiều khi làm chúng ta lầm tưởng là sự sống lại chỉ dành cho phần xác, hoặc do sự chết, xác và hồn phải lìa nhau mãi mãi.

Có sự khác biệt giữa quan niệm của người Hy lạp và quan niệm Thánh Kinh trong vấn đề này:

            - Theo quan niệm Hy lạp, xác và hồn là hai thực tại độc lập được liên kết với nhau nơi một con người. Xác thì nặng nề, hồn thì lanh lẹ. Xác như nhà tù giam cầm linh hồn. Khi chết là hồn được giải phóng khỏi xác. Hai thực tại này vẫn tồn tại nhưng là tách rời nhau. Hồn bất tử, xác bị tan rã và biến đổi thành một hình thái hiện hữu khác nhau.

            -Trong quan niệm Thánh Kinh, khái niệm bất tử diễn tả sự sống lại. Sự bất tử này không chỉ dành cho linh hồn, mà là cho cả con người trọn vẹn. Bởi con người được định nghĩa là có xác và hồn.  Ngay cả khi Thánh Kinh tuyên bố: mọi xác phàm sẽ được nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, thì chữ “xác phàm” cũng bao hàm con người trọn vẹn có hồn-và-xác. Hạnh phúc vĩnh cửu dành cho con người là hạnh phúc cho cả hồn  lẫn xác: “Sau khi da tôi đây bị thiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (Sách Gióp 19,26). Như vậy,  ơn cứu rỗi chính là sự sống lại của con người, chứ không phải chỉ thân xác mà thôi.

Kinh Tin kính Công đồng Nicêa được đọc trong Phụng vụ Chúa nhật và lễ trọng có nội dung rõ ràng hơn: “ Tôi trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau. Amen”. Với lời tuyên tín này, quan niệm về con người theo nhãn quan Kitô giáo được trọn vẹn hơn, vì chúng ta không chỉ trông chờ “xác” sống lại, mà là “kẻ chết”, tức là con người.  Đức Tin vào sự phục sinh của Đức Kitô là nền tảng cho sự phục sinh của thân xác loài người. Vì Đức Giêsu mang lấy một thân xác nhân loại. Thân xác ấy đã phục sinh từ giữa những kẻ chết và đang ngự trong vinh quang bên hữu Chúa Cha.            

4- Dân tộc được tái sinh

Phụng vụ Phép Thanh Tẩy của Đêm Vọng Phục Sinh nhằm nhắc lại cho chúng ta biến cố nền tảng của đời sống Kitô hữu: hết thảy chúng ta được tái sinh trong sự chết của Đức Giêsu. Cuộc vượt qua của Người trong lịch sử, đi từ cõi chết đến cõi sống đã giúp chúng ta vượt qua con người cũ để mặc  lấy con người mới, tức là từ bỏ con người cũ để sống trong ánh sáng của Đấng Phục Sinh. Lời tuyên thệ của ngày được thanh tẩy nhắm đến việc từ bỏ ma quỷ, từ bỏ tội lỗi và những ma lực lôi kéo chúng ta trong cuộc tranh đấu đầy cam go này,  giờ đây được long trọng tái xác lập, như điều dốc quyết và khơi lại sự nhiệt tâm theo Chúa.

Chính nhờ Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được gia nhập Dân Tư Tế,  Dân được tái sinh, Dân được mời gọi để đi từ tối tăm đến với ánh sáng (x 1 Pr 2,9-10).  Trong dân này, không còn giai cấp, không còn phân biệt địa vị xã hội, ngôn ngữ và chủng tộc, nhưng hết thảy đều là con của Cha trên trời và đang được mời gọi cố gắng đạt tới sự thánh thiện. Dân này có sứ mạng loan truyền tình thương của Chúa và giới thiệu Ngài cho tha nhân. Qua Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được mời gọi dấn thân để chết cho tội và sống cho Thiên Chúa.  Tông đồ Phaolô đã quảng diễn chi tiết chân lý này: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người (Đức Kitô), chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4 tt). Đêm Vọng Phục Sinh đưa chúng ta hướng về một tiến trình can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Từ những giao ước ký kết với Israel, những biến cố kỳ diệu vượt qua Biển đỏ, chúng ta thấy mình được hòa vào trong chuỗi dài những sự kiện đó, để hôm nay chúng ta tiếp tục bước đi, với niềm tự hào là hậu duệ của Israel mới, dân lữ hành trong đức tin được thừa hưởng mọi lời hứa Thiên Chúa đã cam kết với Dân Ngài.

Lễ Phục sinh mời gọi chúng ta ý thức về sự sống, sự sống đời này và sự sống đời sau.  Nếu xác tín sự sống là ân ban của Thiên Chúa, thì chúng ta có bổn phận làm tăng trưởng và phát huy ý nghĩa cao cả của sự sống. Sự sống con người, sự sống của muôn loài đang bị nguy cơ đe dọa trước phong trào hưởng thụ và tục hóa. Sự sống đã trở thành một món hàng để khai thác, thành một sản phẩm của phòng thí nghiệm. Phẩm giá con người bị đe dọa khi sự sống không được tôn trọng. Đã có nhiều nỗ lực phong trào bảo vệ sự sống trong Giáo hội và trên Đất nước Việt nam chúng ta như chống phá thai, an táng các thai nhi bị sát hại, thông tin tuyên truyền chống HIV và SIDA, nuôi dưỡng thăm viếng trẻ cô nhi và người tàng tật, lên án những hình thức buôn bán  phụ nữ và trẻ em, buôn bán ma tuý. Những hoạt động này cần được nhiều người cộng tác và hưởng ứng.

Kết luận: Sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa là Cha (x Ga 17,1-3). Con người mang trong mình sự sống của Thiên Chúa, Đấng yêu thương họ và mời gọi họ từ hư vô đến hiện hữu. Đức Kitô là LỜI SỰ SỐNG đã xuất hiện trên trần gian để đem lại cho chúng ta sự sống thật, để rồi khi đón nhận và tuân giữ  Lời Người, chúng ta thực sự trở nên hiện thân của Đức Kitô nơi cuộc đời này như Thánh Phaolô Tông đồ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Cuộc sống với Đức Kitô và trong Đức Kitô đã được thực hiện ngay từ bây giờ, trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, nếu chúng ta quảng đại để cho LỜI SỰ SỐNG sinh hoa kết trái nơi chúng ta.           

+ GM Giuse Vũ Văn Thiên, Hải phòng - Thứ Năm Tuần Thánh 2006

Tác giả: Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!