Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài Viết Của
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Đêm Hồng Phúc
Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới
Bật gốc
Đẽo chân theo giày
Mong manh
Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Ngôi mộ trống
Thông báo của Uỷ ban Giới trẻ, HĐGMVN
Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2009 của Giáo phận Hải Phòng
SỨ ĐIỆP CỦA NGÔI MỘ ĐÁ
ƠN GỌI NÊN THÁNH
BÀI GIẢNG LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC TẠI BẮC NINH 07-10-2008
Thư Hiệp Thông của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM. Hải Phòng
ƠN GỌI NÊN THÁNH

(Suy niệm nhân dịp Lễ Các Thánh 2008) 

Chúng ta thường có thói quen phân biệt “cõi thiêng” và “cõi tục”, “thiên đàng” với “trần thế”, các “thần minh cao cả” với “người trần mắt thịt”. Chính vì vậy, khi nói đến khái niệm “thánh” là chúng ta liên tưởng tới một thế giới xa vời, chỉ có ở đời sau. Đối với nhiều người trong chúng ta, “thánh” là danh từ chỉ các Đấng đã được tôn phong, được đưa lên bàn thờ để mọi người tôn kính. 

Trong thời Cựu Ước, quan niệm về sự thánh thiêng theo kiểu nêu trên  rất phổ biến. Khi nhìn thấy Thiên Chúa, Isaia đã chẳng thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất ! vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh” (Is 6,5) đó sao? 

Đức Giêsu đã muốn điều chỉnh quan niệm thánh thiêng theo kiểu xa xưa đó. Khi Người kêu gọi: “Hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng Trọn lành” (Mt 5,48), chắc chắn Người không mời gọi những người đang nghe Người hãy nên thánh sau khi chết, hoặc hãy nên thánh ở đời sau. Khi nói điều đó, Người kêu gọi họ hãy nên thánh ngay trên cõi đời này, trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Đức Giêsu  đã lặp lại mệnh lệnh nên thánh của Cựu ước: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,45). Hãy nên trọn lành, theo Đức Giêsu,  là hãy đón nhận chân lý Nước Trời. Hãy làm cho hạt giống Tin Mừng nảy nở sinh hoa kết trái trong cuộc đời. 

Cũng trong chiều hướng đó, Thánh Phao-lô đã gọi các tín hữu là “các thánh”. Ngài đã mở đầu thư gửi giáo đoàn Cô-lô-xê như sau: “Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu, và anh Ti-mô-thê là người anh em, kính gửi các thánh tại Cô-lô-xê, là những người anh em tín hữu trong Đức Kitô” (Cl 1,2- bản dịch của nhóm CGKPV,1993). Nơi khác, trong phần mở đầu thư gửi giáo đoàn Cô-rinh-tô, Ngài gọi các tín hữu là “những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được gọi là thánh” (1 Cr 1,2).

Như vậy, khái niệm “thánh” được dùng cả cho những con người trần mắt thịt, những người đang phấn đấu mỗi ngày, mặc dù còn nhiều yếu đuối và khuyết điểm, để hướng về ánh sáng chân lý. Họ đang cố gắng từng bước để vươn lên khỏi vũng lầy tội lỗi, sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. 

Gọi những con người đang sống trên trần gian  là thánh phải chăng là điều phạm thượng, vì chỉ có mình Thiên Chúa là Đấng Thánh ? 

Quả vậy, chỉ có Chúa là Đấng Thánh. Ngài là nguồn mạch của sự thánh thiện. Vì là Ngài là nguồn mạch, nên Ngài muốn thông ban sự thánh thiện ấy cho con người. Ngay khi sáng tạo con người và tạo vật, Ngài đã có ý định thông ban sự thánh thiện, chia sẻ ánh vinh quang, gợi mở niềm hạnh phúc. Đó chính là mục đích của công trình sáng tạo. Ngài không dựng nên vũ trụ vạn vật vì Ngài, nhưng vì yêu con người. Vậy nên thánh cụ thể là gì ? 

- Trước hết, nên thánh là nhận ra phẩm giá cao quý của mình. Một số  trào lưu xã hội hiện đại đang phủ nhận giá trị con người. Con người có nguy cơ trở thành một thứ hàng hóa trao đổi, một thứ sản phẩm có thể được tạo ra theo ý muốn và theo đơn đặt hàng.  Sự coi thường phẩm giá đã làm băng hoại đời sống luân lý, nhất là nơi một số bạn trẻ. Nhiều thanh niên nam nữ sống theo bản năng xác thịt mà không xét đến tiếng nói lương tâm. Họ lao vào những tệ nạn xã hội như những con thiêu thân. Họ sống không có ngày mai, không có lý tưởng và không có định hướng cho đời mình. Nên thánh là yêu cuộc sống này, mặc dù còn nhiều điều chưa đáng yêu. Chính chúng ta đang được mời gọi đóng góp phần mình để làm cho cuộc đời đáng yêu hơn, vì “thà thắp nên một ngọn nến nhỏ còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”. Nên thánh là nhận ra mình có giá trị trước mặt Chúa và được Ngài yêu thương, mặc dù còn nhiều bất toàn tội lỗi. 

- Nên thánh còn là nên giống Thiên Chúa Cha, qua Đức Giêsu: lý tưởng phấn đấu nên thánh của chúng ta không phải là một vĩ nhân trần thế, cũng không phải một minh tinh màn bạc, hay một ngôi sao bóng đá. Mẫu mực cho hành trình nên thánh là chính Chúa Cha. “Anh em hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”. Nếu Chúa Cha là Đấng vô hình, con người không thể đạt tới, thì Ngài đã cho chúng ta một mẫu mực là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Nơi Đức Giêsu, Chúa Cha hoàn toàn hài lòng. Đức Giêsu là Đấng Thánh trong ngôn từ cũng như hành động, trong mối tương quan với Chúa Cha cũng như với mọi người. Nên thánh là sống như Người đã sống, yêu thương như Người đã yêu thương, quảng đại như Người đã quảng đại.

 - Sau cùng, nên thánh là nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi anh chị em mình. Từ ban đầu, Thiên Chúa đã muốn gửi gắm hình ảnh sống động của Ngài nơi khuôn mặt con người, nên Ngài đã dựng nên  họ giống hình ảnh Ngài ( St 1,27). Qua con người, Thiên Chúa không còn phải là đấng xa vời, mà trở nên gần gũi; Thiên Chúa không còn phải là vị chủ nghiêm khắc, nhưng Ngài  mang nụ cười nhân loại; Thiên Chúa đã bước vào mối tương quan thân tình với con người. Vì con người mang hình ảnh của Thiên Chúa, nên xúc phạm con người là xúc phạm đến Thiên Chúa, giúp đỡ con người là giúp đỡ Thiên Chúa, yêu mến con người là yêu mến Thiên Chúa. Giáo huấn Thánh Kinh rất phong phú về ý tưởng này, từ Cựu ước (như sách Lê-vi, sách Đệ Nhị Luật, các Ngôn Sứ…) đến Tin Mừng (đặc biệt là Mt chương 25). Có bao giờ tôi nhìn một người hàng xóm, một người đồng nghiệp với cái nhìn này chưa? Nên thánh chính là nhìn thấy Chúa qua anh chị em mình, để yêu mến, kính trọng và nâng đỡ nhau. 

Kết luận: Trong chính  con người chúng ta có thánh thiêng và trần tục, có ánh sáng và bóng tối. Nên thánh chính là gạn đục khơi trong lời nói và hành động của mình. Chúng ta đừng bi quan nản lòng, vì có biết bao Đấng Thánh đã thành công. Họ cũng là con người như chúng ta, cũng đã đau khổ và thất bại, cũng đã bị ghen ghét và vu khống, nhưng họ lạc quan vì Thiên Chúa luôn ở với họ. Sự hiện diện của Thiên Chúa chính là nguồn hy vọng lớn nhất giúp họ nên thánh.  

+ Gm Vũ Văn Thiên

Giáo phận Hải Phòng

Tác giả: Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!