Ngôn ngữ là phương tiện chuyển tải tư tưởng của con người. Nhờ ngôn ngữ mà mọi người có thể đối thoại và hiểu nhau. Họ bày tỏ với nhau tình thương mến, tình hiếu thảo. Qua ngôn ngữ, họ trao đổi với nhau những điều thiện ích cho cuộc sống hằng ngày.
Con người ưu việt hơn con vật vì họ biết suy tư và biết thể hiện suy tư ấy qua ngôn ngữ.
Chính Thiên Chúa, khi thể hiện tình yêu của Ngài đối với con người và vạn vật, đã thể hiện bằng LỜI YÊU THƯƠNG. Công trình sáng tạo được thực hiện bằng LỜI: Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng...”; Thiên Chúa phán: “Đất hãy sinh thảo mộc xanh tươi...” (xem Sáng Thế, chưong 1).
Nếu lịch sử Cứu độ là một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và nhân loại thì Đức Giêsu chính là LỜI thầm thì tâm sự của mối tình ấy. LỜI đã có tự thuở ban sơ, ở gần Thiên Chúa và LỜI chính là Thiên Chúa (xem Ga,1,1...). Đức Giêsu Kitô, LỜI của buổi bình minh sáng tạo đã hóa thân làm người để kể lại cho chúng ta về câu chuyện tình muôn thuở giữa Thiên Chúa và con người. Qua LỜI này, chúng ta có thể tiếp cận Chúa Cha, chúng ta có thể chiêm ngưỡng Ngài. Qua Đức Giêsu, con người có thể mạnh dạn thân thưa với Chúa Cha: “Abba – Cha ơi”.
NGÔI LỜI ĐÃ HÓA THÀNH XÁC THỊT. Lời Thiên Chúa đã làm người để nói với chúng ta VỀ THIÊN CHÚA với NGÔN NGỮ CỦA ĐỜI THƯỜNG, của NỀN VĂN HÓA NHÂN LOẠI. Đức Giêsu đã khởi đi từ những câu ca dao ngạn ngữ, từ những quan niệm dân gian, từ những gì đang xảy ra trong cuộc sống để nói về Chúa Cha. Người muốn qua đó mời gọi chúng ta hãy nhận ra gương mặt của Chúa Cha, Đấng nhân hậu, yêu thương hết mọi người.
Như thế, ai đón nhận Đức Giêsu là đón nhận chính LỜI CHÚA trong cuộc đời mình. Là LỜI NHẬP THỂ, Lời ấy đã và đang âm vang trong những biến cố xảy đến trong cuộc đời. Lời ấy hòa quyện vào nỗi đau của nhân thế cũng như niềm vui của con người. Lời đang thực sự là ánh sáng soi đường cho chúng ta đi.
Trong năm 2006 sắp tới, các Chủ chăn của Giáo hội Việt nam muốn cho Lời Thiên Chúa vang lên trong cuộc đời người tín hữu công giáo. Phải chăng chúng ta chưa thực hiện sống Lời Chúa nên đời sống chúng ta trở nên khô khan. Phải chăng ngôn ngữ mà chúng ta dùng thường ngày chưa phản ánh đựơc Lời Chúa nên không cải hóa được môi trường chúng ta đang sống? Nói cách khác, chúng ta mời chỉ biết nói lời của con người mà chưa biết nói LỜI CỦA THIÊN CHÚA.
Thư Mục vụ 2005 đã nêu ra những đề nghị cụ thể: chúng ta hãy có cuốn Kinh Thánh trong gia đình, không phải để trang hoàng cho đẹp, nhưng để đọc. Chúng ta thường có thói quen đọc một mạch 2, 3 trang Kinh Thánh liền, đọc bài nọ nối tiếp bài kia mà không dành một khoảng thinh lặng nhường chỗ cho Lời Chúa âm vang lắng đọng trong tâm hồn chúng ta. Mỗi ngày chỉ đọc một đoạn Tân ước, thậm chí chỉ cần một câu, và sống nội dung câu đó như kim chỉ nam, như ánh sáng soi đường chúng ta trong suốt một ngày.
Để giới thiệu Lời Chúa cho mọi người, chúng ta hãy bắt chước Vị Tiên Tri của Thành Nazareth: không bóng bẩy cầu kỳ, không cao siêu hoa mỹ, nhưng khởi đi từ những chuyện vui buồn thường ngày, từ cây đa bến nước, từ những trăn trở của cuộc đời. Như thế, Lời Chúa không cao xa lạ lẫm mà gần gũi đối với con người, nhằm trả lời cho họ về những vấn nạn đang được đặt ra trong cuộc sống cụ thể.
Ngày xưa ông bà chúng ta có nhiều người không biết chữ mà thuộc lòng cả cuốn Truyện Kiều. Họ đã coi Truyện Kiều như một “Sách Thánh”, “một “sách thiêng liêng” nơi đó họ tìm được mọi lý giải cho những biến cố xảy đến . Đối với người tín hữu công giáo chúng ta, có lẽ nào chúng ta lại không tìm được trong chính Kinh Thánh LỜI CỦA THIÊN CHÚA, LỜI YÊU THƯƠNG đang chỉ đường dẫn lối cho chúng ta?
Không những chỉ đọc Kinh Thánh, mỗi người tín hữu Kitô được mời gọi HÃY VIẾT TIẾP KINH THÁNH bằng chính cuộc đời. Tức là xuyên qua con người và cuộc sống của người công giáo, những người khác “đọc” được TIN MỪNG CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ, không những chỉ là “theo Thánh Matthêu, theo Thánh Gioan...” nhưng còn là “Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô theo như tín hữu của xứ A, xứ B đã sống và thể hiện”.
+ Giuse Vũ văn Thiên, Giám mục Hải phòng