LỄ THÁNH GIA NĂM B
Tôi rất thích bài hát “tình con cho ba” của Lm Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên. Tôi thường đệm ghi ta hát tặng khi gặp gỡ chia sẻ với giới gia trưởng, giới trẻ, giới thiếu nhi. Lời hay, nhạc êm ái như lời tri ân của người con dành cho ba của mình.
Ba thương yêu dắt con vào đời. Ba bên con giúp con học chăm.
Ba hy sinh khuya sớm nắng mưa,gió rét khó khăn ngại chi, khuyên con vững tâm học hành.
Ba ru con những đêm trăng rằm. Ba bên con từ lúc thưở hàn vi.
Con yêu ba nguyện ước có ngày, tương lai sáng tươi thành công, vinh danh người ba kiêu hùng.
Khắc ghi sâu những lời ba khuyên, lương tri trong sáng xây đời, cội nguồn lòng con ghi nhớ. Bao yêu thương kỷ niệm ngày mơ, bên ba nô đùa tuổi thơ, con vui ở bên ba hiền.
Ba khuyên con ngẫng cao yêu đời. Thương tha nhân và giúp ai người đơn côi.
Không tham lam lợi danh thế trần. Vinh danh giống dân rồng tiên, thoả lòng người ba ước mong.
Ba ơi, con xin nghe lời. Ba ơi, con nghe lời ba khuyên.
Ba ơi con yêu người. Ba ơi, con muôn đời ghi ơn.
Mùa chay vừa rồi có dịp hành hương Đất thánh, tôi đến thăm Thánh Gia tại Nagiaret, thăm xưởng mộc Thánh Giuse, tôi thấy nơi ở nơi làm việc của ngài quá đơn sơ bé nhỏ và nghèo hèn. Khi có dịp, tâm trí tôi cứ miên man nghĩ về cuộc đời và vai trò làm cha của Thánh Giuse.
Hôm nay Lễ Thánh Gia, Giáo hội hướng người tín hữu về một gia đình mẫu mực nhất. Xin gởi đến vài chia sẻ về người cha.
Vai trò người cha thật quan trọng kiến tạo hạnh phúc đầm ấm cho mỗi gia đình Công giáo. Gia đình Nadarét có Thánh Giuse làm gia trưởng. Dù Ðức Maria và Chúa Giêsu là những người cao quý hơn thánh Giuse, nhưng Thiên Chúa đã đặt hai ngài dưới quyền Thánh Giuse; khi Thiên Chúa muốn nói gì với gia đình này thì Ngài nói với Thánh Giuse; và hai ngài vâng lời Thánh Giuse như vâng lời Thiên Chúa.
Thánh kinh đã ghi nhận vai trò độc đáo của vị gia trưởng Giuse khi đương đầu với bao phong ba xảy đến cho gia đình.
Với tư cách là chủ, Thánh Giuse đã phải hết sức cực nhọc vất vả vì gia đình của mình. Từ khi nhận Maria về nhà, khó khăn cứ dồn dập xảy tới. Đang bình yên thì có lệnh phải đưa Maria đang mang thai đến thời sinh nở từ Nadarét xứ Galilê đến Bêlem xứ Giuđê theo lệnh kiểm tra dân số của Hoàng Đế Augústô (x.Lc 2,1-6). Cuộc hành trình mà theo đường chim bay đã dài tới 120km, và phải đi bằng phương tiện rất thô sơ của những người nghèo thời đó là một con lừa. Rồi một đêm đông lạnh giá giữa đồng hoang vắng, Maria sinh hạ con trẻ Giêsu trong một chuồng bò lừa. Là chủ gia đình, Giuse phải đau lòng lắm. Con trẻ mới sinh chưa được bao lâu thì lại có lệnh của thiên thần phải đưa cả hai mẹ con trốn sang Ai Cập. Chỉ thẳng đường chim bay từ Bêlem tới biên giới Ai Cập thôi đã phải là 100km. Hành trình chạy trốn lần này quá đổi gian lao. Ở nơi đất khách quê người, Giuse làm việc cật lực để nuôi sống gia đình. Khi tạm ổn định thì có lệnh đưa cả nhà về Nazareth. Tại đây, Giuse làm việc miệt mài và tận tuỵ giáo dục con trẻ Giêsu nên người.
Tất cả những khó nhọc vất vả ấy đòi hỏi Giuse phải có rất nhiều tình yêu và nhiều đức tính mới có thể vượt qua một cách tốt đẹp. Ngài thật là một người đàn ông cao cả và là một người chủ gia đình rất gương mẫu. Thiết tưởng bất kỳ người chủ gia đình nào bắt chước Giuse cũng sẽ làm cho gia đình mình yên vui hạnh phúc.
Thường thì hạnh phúc và sự êm ấm trong gia đình tùy thuộc vào người chồng nhiều hơn. Thánh Phaolô khuyên rằng: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng”. Muốn vợ phục tùng, người chồng cần phải đối xử độ lượng, không cay nghiệt với vợ, biết thông cảm, hy sinh, thường xuyên giúp đỡ vợ trong mọi việc, nỗ lực bao bọc che chở vợ mình trong mọi hoàn cảnh. Người vợ có cảm thấy được chồng yêu thương, có cảm phục chồng vì tính quảng đại, cao thượng, bỏ qua mọi lầm lỗi nhỏ nhặt, thì mới dễ dàng phục tùng chồng. Tâm lý chung của mọi phụ nữ là dễ yêu thương những người mà mình nể phục. Nhưng làm sao người phụ nữ có thể yêu thương một người mà mình khinh thường vì thấy không có gì đáng nể phục? Do đó, để gia đình hạnh phúc, yếu tố rất quan trọng là người chủ gia đình phải có là lòng độ lượng, bao dung, và tình yêu hy sinh.Có thể nói bản lĩnh, cách hành xử cao thượng, và sự quảng đại trong yêu thương của người đàn ông là nền tảng và là yếu tố đầu tiên cần thiết cho hạnh phúc của cả gia đình. Thiếu nó, gia đình khó có hạnh phúc. Gia đình thánh gia rất dễ có hạnh phúc, một phần rất lớn là vì Giuse, người chủ gia đình, có rất nhiều đức tính đáng để Maria kính phục. (trích bài NCK).
Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình. Đức Giêsu có thể sinh ra như một nhân vật thần kỳ nào đó trong các huyền thoại hay được giáng trần như Thánh Gióng, Tiên Nga… Nhưng Đức Giêsu không muốn làm thế. Ngài muốn có một tổ ấm, một mái gia đình, có cha có mẹ. Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình.
Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. 30 năm sông dưới mái nhà Nazareth, Đức Giêsu đã thành một người chính chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó. Thánh Giuse đã dắt trẻ Giêsu vào đời, hy sinh khuya sớm nắng mưa, ru trẻ Giêsu những đêm trăng rằm, dạy những bài học yêu thương tha nhân giúp người đơn côi. Đức Giêsu đã học nơi Thánh Giuse tinh thần lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành thánh ý Thiên Chúa, lòng nhiệt thành chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Đức Giêsu học nơi Đức Mẹ nét đẹp hiền lành đơn sơ, tế nhị, tận tuỵ phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Các nhà tâm lý học cho biết rằng : đứa trẻ cần đến sự nâng đỡ của người cha cũng như người người mẹ. Người cha tạo cho con cái hùng, cái nghiêm trang mực thước.Người mẹ ảnh hưởng trên cảm tình con cái về sự tế nhị, dịu dàng, bao dung. Vì thế đứa trẻ mồ côi cha thường sống uỷ mỵ, nhát đảm thiếu cương quyết và nghị lực. Đứa trẻ mồ côi mẹ thường mang tính cứng cỏi, cộc cằn, dể u buồn, thiếu tế nhị vui tươi. Trẻ thơ cần được giáo dục về đời sống tình cảm và lý trí. Tình cảm dễ ảnh hưởng nơi người mẹ. Lý trí thường nhờ cậy người cha.Do đó người Ý có lý khi nhận xét : Người mẹ yêu thương dịu dàng, người cha yêu thương khôn ngoan. Người Anh nhận xét chí lý : Khi còn thơ con cái bú mẹ, lúc lớn khôn chúng lại bú cha. Tục ngữ Việt nam có câu : Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng.
Cách đây mấy tuần, xứ đạo bên xứ tôi có một thanh niên thắt cổ tự vẫn. Con trai út trong một gia đình có năm anh em trai, thanh niên ấy vừa tròn mười chín tuổi, hiền lành ít nói siêng năng làm rẫy làm ruộng. Vài ngày trước, bà con làng xóm thấy nó đi chơi với đám bụi đời xìke ma tuý nên nhắn nhủ người cha cần quan tâm hướng dẫn. Người cha la rầy con thế nào đó mà sau đó nó vào phòng khoá trái cửa, lấy dây thừng treo lên xà ngang thắt cổ tự tử để lại một bức thư tuyệt mệnh cho người mẹ. Bà mẹ cứ tưởng con trai bị bệnh bỏ ăn sáng ăn trưa. Xế chiều, mẹ nóng ruột đập cửa thăm con, không thấy trả lời, nhiều người phá cửa vào thì nó đã chết từ hồi nào. Đám tang đã buồn lại càng buồn thêm vì không nghi thức, không thánh lễ an táng. Người cha mang nổi đau ân hận khôn nguôi, không biết ngưới cha “ngăm một tiếng” thế nào mà con trai phải tự vẫn. Không dám xét đoán ai. Chỉ thấy buồn và thương cho gia đình bất hạnh. Tôi nhớ đến câu chuyện của Lm Munachi Ezeogu kể. Một cậu bé đón cha mình đi làm về và hỏi: “Bố ơi! bố đi làm được bao nhiêu tiền một giờ?”. Ông bố rất ngạc nhiên và bảo: “Này con, ngay cả mẹ của con cũng chẳng biết, đừng quấy rầy bố vì bố đang mệt.” Cậu bé lại hỏi: “Bố cứ cho con biết, lương của bố mỗi giờ được bao nhiêu tiền?” Cuối cùng thì ông bố bảo rằng: “Mỗi giờ bố được hai mươi đồng”. Cậu bé liền hỏi: “Vậy bố cho con mượn mười đồng”. Ông bố tỏ vẻ giận và mắng con: “Thì ra đấy là lý do con muốn biết tiền lương của bố? Bây giờ đi ngủ đi và đừng quấy rầy bố nữa”. Đêm hôm ấy, ông bố nghĩ lại những điều đã nói với con mình và cảm thấy hối hận. Ông cho rằng có thể con mình đang cần tiền để mua món gì mà nó đang cần. Ông sang phòng của con mình và hỏi: “Con đã ngủ chưa?” Con ông đáp: “Con chưa ngủ”. Ông bố đưa tiền và bảo: “Đây là tiền con hỏi xin lúc nãy” Nó vui vẻ cám ơn bố, rồi lấy thêm tiền trong gối ra và nói: “ Con đã có đủ rồi! hai mươi đồng. Bây giờ bố bán cho con một giờ của bố.”.
Nền tảng cho việc đào tạo lý trí và tình cảm của một con người là đạo đức. Trên nền móng đạo đức vững chắc, xây một ngôi nhà gia đình hạnh phúc. Nếp sống đạo đức của Thánh gia đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi Thánh Giuse và Đức Mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình,sự chuyên chăm làm việc, sự ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.
Gia đình thật quan trọng. Cha mẹ không chỉ nuôi con bằng cơm bánh vật chất, nhưng còn dạy dỗ, làm gương sáng cho con, còn người con đáp trả bằng tình hiếu thảo và vâng phục. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và ân cần chăm sóc. Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời. Một năm Chúa Giêsu giảng đạo thì mười năm Người ở với gia đình. Chúa ưu tiên và đề cao tầm quan trọng của gia đình biết bao.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hằng nhắc nhở về sự thánh thiêng của gia đình khi Ngài gọi gia đình là nền tảng của Giáo hội. Đức Thánh Cha Phaolô VI gọi gia đình là cung thánh của Giáo hội, là trường học đầu tiên của con cái mà cha mẹ là thầy cô.
Một gia đình mà cha mẹ, con cái siêng năng tham dự Thánh lễ, chuyên chăm kinh nguyện tại gia, biết dùng lời Chúa làm ánh sáng soi đường chỉ lối, luôn sống hoà thuận yêu thương nhau thì đó chính là gia đình gương mẫu theo Thánh Gia. Từ gia đình tốt này sẽ trao tặng những người con hữu ích cho xã hội và giáo hội.
Đức Thánh Cha Piô XI trong Thông Điệp Về Giáo Dục Kitô Giáo đã dạy rằng:Nền giáo dục bền bỉ nhất và hữu hiệu nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có quy cũ khuôn phép. Gương lành cha mẹ càng chiếu tỏ kết quả giáo dục càng lớn lao.
Đức Thánh Cha Gioan XXIII, trong một lá thư gởi cha mẹ nhân ngày mừng ngũ tuần của mình có đoạn “Thưa Ba Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức tước trong Hôi thánh, được đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không có trường học nào dạy dỗ và làm ích cho con bằng hồi con được ngồi trên chân ba mẹ”.
Đức Hồng y F X Nguyễn Văn Thuận cũng từng viết :”Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình Công giáo. Không vị giám đốc tài ba nào, hay chuyên môn đến đâu có thể làm thay cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội thánh và xã hội cũng rung rinh sụp đổ”.
Thánh Gia là một gia đính lý tưởng, đạo đức, yêu thương, hạnh phúc ngập tràn.
Nguyện xin Thánh Gia luôn nâng đỡ và gìn giữ gia đình chúng con.
Lm. GIUSE NGUYỄN HỮU AN