Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Văn Toàn
Bài Viết Của
Gs. Trần Văn Toàn
Minh triết dân gian Việt Nam theo cái nhìn của cố Cả (Léopold Cadière)
Giáo lý về Đức Bà Maria (Trình bày đại ý cuốn sách khảo luận của Dominique Cerbelaud)
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? 2 – Nội dung của tôn giáo: Tin gì ? và dậy gì ?
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? bài 1: Tin hay là biết ?
Tôn giáo và chính-trị
Đó là lời Chúa [1]
Tình yêu có liên quan gì đến Thiên Chúa ? Câu trả lời của Feuerbach [1]
Liên quan giữa Cái chết và vấn đề Thiên Chúa theo quan niệm của Feuerbach[1]
Ludwig Feuerbach và quan-niệm vô-thần lối mới
Vấn-đề tôn-sùng Đức Bà Maria
Ý niệm « sống lại » trong tư tưởng thánh Ambrôsiô
Ý niệm « sống lại » của các vị giáo-phụ đạo Chúa Giêsu trong bốn thế kỷ đầu kỷ nguyên
Ý niệm « sống lại » trong Thánh-Kinh Cựu Ước và trong tư tưởng Do-thái vào thời đầu Tây lịch kỷ nguyên.
Đọc cuốn sách : Faire bouger l’Eglise catholique của cha Joseph MOINGT (dòng Tên)
Đối thoại giữa các tôn giáo và hòa bình trên thế giới
Nhân đọc bài : Giải quyết vấn đề tranh luận « đồng bản thể » hay « đồng bản tính » Của ĐC Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN
Giới thiệu cuốn sách viết tay: Tam giáo chư vọng (1752) Ạ
Karl Marx phê-bình tôn-giáo
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên qua những sách đọc tham-khảo về tôn-giáo.
Mấy nguyên tắc về khoa học con người
Từ môn psychologie đến khoa tâm-lý-học / Những chặng đường nghiên cứu con người
Bàn về thuyết ‘’tam phụ’’ trong đạo Thiên Chúa - Một bước đi vào văn hóa Việt Nam
Thần học sau Công-đồng Vaticano II (1963-1965)
Văn hóa và Tôn giáo
VẤN-ĐỀ TÔN-SÙNG ĐỨC BÀ MARIA

 

An-tôn Trần Văn Toàn

Ở khắp nơi giáo-hội công-giáo tôn-sùng Đức Bà Maria một cách thật là sầm-uất. Địa-phận nào mà không có nhiều nhà thờ, đền thờ, bàn thờ Đức Bà. Giáo-hội đã lập ra nhiều lễ, nhiều cuộc rước kiệu, nhiều buổi dâng hoa, nhất là trong tháng năm, tháng Đức Bà. Có nhiều kinh, kinh cầu, nhiều bài thơ bài vãn, bài hát kính Đức Bà. Đó đây lại có những nơi hành hương, nơi Đức Bà hiện ra khuyên-nhủ và ban phát ơn lành, và ngườì ta tấp-nập đi như trẩy hội, có khi hơn cả đi nhà thờ kính Chúa. Đối với những giáo-dân không đi hành-hương được, thì người ta thường xây bên cạnh nhà thờ các xứ một cái núi nhỏ có hang, gọi là núi Lộ-đức. Tôi còn nhớ trước đây đúng một nửa thế-kỷ, đã được xem cuộc rước tượng Đức Bà Fatima vào thủ-đô Hà-nội. Sau đó thì tượng được rước về các nơi khác, như Phát-diệm, v.v. Ngoài ra lại còn có nhiều hội-đoàn, nhiều hội dòng tu hay dòng truyền-giáo chọn Đức Bà làm bổn mạng. Riêng dòng Chúa Cứu Thế thì như là chuyên-môn khuyến-khích và phổ-biến phong trào tôn-sùng Đức Bà hằng cứu giúp.

Người ngoài quan-sát một cách nông cạn thì có thể nghĩ rằng điểm dị-biệt giữa hai tông-phái Công-giáo và Tin-lành là ở chỗ bên Tin-lành không tôn-sùng Đức Bà và không chấp-nhận uy-quyền tối cao của vị giáo-tông ở Rôma. Nói cho đúng thì bên Tin-lành không phải là không biết đến vai trò đặc biệt của Đức Bà trong chương-trình cứu-độ, nhưng vì họ thường đọc Thánh-kinh nhiều, cho nên rất cẩn-thận và dè-dặt đối với những lối tôn-sùng bộc-phát nơi đại-chúng, vì nó tựa vào Thánh-kinh thì it, mà rập theo tôn-giáo cổ-truyền trong dân-gian thì nhiều. Vẫn biết đó là một lối hội-nhập văn-hóa của đạo Chúa, nhưng trên con đường đi tới mối đại-kết với anh em Tin-lành, thiết-tưởng cần phải xét lại và giải-thích sao cho hợp với Thánh-kinh. Xét lại như thế không những không phải là vô ích, mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về giáo-lý.

Nếu ta tạm gác vấn-đề đại-kết ra một bên, thì ngay trong giới công-giáo cũng có những sự-kiện gây ra thắc-mắc chung quanh vấn-đề tôn-sùng Đức Bà. Trước đây 40 năm, tức là năm 1962, khi tuần-báo Sống Đạo ra đời tại Sài-gòn, bỉ nhân đã có ý chọn lúc các vị giám-mục của chúng ta đang sửa soạn đi tham-dự Công-đồng Vaticanô II, để đưa lên mặt báo mấy điều xét là cần phải sửa lại. Trong số đó có vấn-đề lễ-nghi phụng-vụ bằng tiếng La-tinh và một vài luận-điệu về Đức Bà, tuy là do lòng thành-kính mà ra, nhưng khi giảng ra cho giáo-dân có ăn học một chút thì nghe nó thế nào ấy. Ví-dụ : để khuyến-khích giáo-dân phó-dâng mọi sự cho Đức Bà, thì có vị đã nói rằng : nếu ta mất Chúa mà còn Mẹ Maria thì  không đến nỗi sợ mất linh-hồn. Để giải-thích Đức Bà đồng công cứu-chuộc là làm sao, thì có vị khác đã giảng rằng : Chúa Giê-su đã chịu chết chuộc tội cho thiên-hạ, nhưng nếu quân dữ không giết Đức Chúa Giê-su thì Đức Bà là người đồng công cứu chuộc cũng rất dám ... để làm trọn việc chuộc tội. Người được nghe giảng, không những thấy nó làm sao ấy, mà còn thấy rằng giảng như thế nghe không được.

Thế nhưng chưa hết. Ngoài những truyện cổ-tích có tính-cách hùng-biện, đến nỗi ăn nói quá lời như thế, ta vẫn còn thấy trong số khá nhiều tước-hiệu dành cho Đức Bà (đa số là ở trong kinh cầu Đức Bà) có một vài cái có thể làm cho người ta thắc mắc. Ví-dụ trong cuốn sách nhan đề là Camino, có nghĩa là Đường đi, của vị sáng-lập ra hội Opus Dei (Việc Chúa), chân-phước Josemaría Escrivá de Balaguer, ta thấy trong thiên Trinh nữ thánh mẫu, số 496, có lời nguyện như sau :’’Kính mừng Maria là con Đức Chúa Cha, kính mừng Maria là mẹ Đức Chúa Con, kính mừng Maria là bạn Đức Chúa Thánh Thần’’. Riêng câu kính mừng thứ ba thì bản dịch Hán văn, do La Quang tổng chủ giáo (tổng giám mục) Đài-Bắc đề tựa và cho phép in tại Manila năm 1971), dịch là :’’Vạn phúc Ma-lợi-á Thánh Thần đích tịnh phối’’ (tr 80), nghĩa là bạn thanh sạch ĐCTT. Bản dịch tiếng Pháp là :’’épouse du Saint Esprit’’, còn chính văn tiếng Y-pha-nho là :’’esposa de Dios Espiritu Santo’’. Người công-giáo chúng ta đã nghe như thế nhiều lần, quen quá rồi, nhưng ta thường nghe rời từng tước-hiệu và ta biết là phải hiểu theo nghĩa bóng mới được. Thế nhưng khi nghe đọc liên-tiếp ba câu ấy, nếu có suy nghĩ một chút, người giáo-dân không khỏi giật mình và đặt câu hỏi về ... liên-hệ gia-đình. Mầu-nhiệm Chúa Ba Ngôi đã khó hiểu rồi, mà nay đưa thêm Đức Bà vào, lại càng khó hiểu hơn nữa. Nếu đem tín-điều ‘’Đức Bà là mẹ ĐCT’’ mà thêm vào đó nữa, thì thật là cực kỳ khó hiểu. Vẫn biết đó là ngôn-từ, và ngôn-từ có tính-cách tương-đối và bất-cập, nhưng cũng cần phải xét lại và giải-thích lại cho có lý-sự mạch lạc, để tránh tất cả những cái hiểu lầm. Cho nên muốn gọi cho ‘’chính danh’’, thì nay cần phải ‘’chỉnh danh’’.

Vẫn chưa hết. Cũng cần nói thêm rằng người công-giáo thường có thói quen đi hành-hương như trong các tôn-giáo khác, và thường chạy đi viếng những nơi có tiếng là nơi Đức Bà đã hiện ra. Có những nơi mà các vị hữu trách trong giáo-quyền cho là không lấy gì làm chắc, và vì thế đã không công-nhận, thế mà vẫn có người tổ-chức đi hành-hương tấp-nập, ví-dụ như Medjugorie (Croatia). Thánh-kinh chép lại lời Chúa thì không mấy khi để ý, rồi chạy theo những mặc-khải riêng tư cho bà thánh nọ, chị nữ-tu kia. Lối hành-đạo như thế rất dễ đi trệch ra ngoài trung-tâm giáo-lý. Có lẽ phần lớn là vì trong nhiều thế-kỷ, Thánh-kinh không được phiên-dịch và không tới tay giáo-dân, cho nên những người thật có lòng đạo chỉ có một cách sùng đạo như thế.

 

1-     Mấy điều đáng suy-nghĩ 

Có nhiều điều đáng suy nghĩ, đáng xét lại. Nhưng nay chỉ xin hạn hẹp vào ba sự-kiện gần đây. 

11- Vụ linh-mục Tissa Balasuriya bị rút phép thông-công lầm

a) Ngày 2-1-1997, giáo-tông toà  tại Vaticanô tuyên-bố linh-mục Tissa Balasuriya bị rút phép thông-công vì trong cuốn sách của ông, nhan đề là ĐB Maria và cuộc giải-phóng con người (Mary and Human Liberation, Colombo, Sri-Lanka, 1990. Bản dịch Pháp văn là Marie ou la libération humaine, Villeurbanne, 1997) có nhiều điều sai lạc giáo lý về tội nguyên-tổ, về Chúa Cứu thế và về những tín-điều có liên-quan đến ĐB Maria.

Dĩ-nhiên là LM  TB chống án và phi-bác tất cả các điểm tố-cáo ông là rối đạo, và ông tuyên-bố là mình hoàn-toàn tuân theo đức tin công-giáo, theo như bản tuyên-xưng đức tin của giáo-tông Phao-lô đệ lục. Giới công giáo sôi nổi vì giáo-tông toà đã kết án mà không nghe người bị cáo giải-thích cho rõ. Thế rồi kẻ nói đi, người nói lại, rút cục thì một năm sau, vào ngày 15-1-1998, Thánh-bộ Tín-lý đã cho phép hủy bỏ cái án ấy. Như thế chứng tỏ Thánh-bộ đã làm ăn hấp-tấp và thiếu công-bằng, cho nên đã phải sửa sai

b) Vậy TB là ai ? Ông là người công-giáo đảo Tích-lan (Sri-Lanka), năm nay 75 tuổi. Ông đi tu năm 1945 và thụ-phong linh-mục trong hội dòng truyền giáo dâng mình cho ĐB Maria vô-nhiễm nguyên-tội (O.M.I., Oblats de Marie Immaculée). Đủ biết là ông am tường về lịch-sử các học-thuyết về ĐB và về cách thức tôn-sùng ĐB. Cho nên viết ra như thế tức là ông đã có suy nghĩ. Năm 1954 ông thành-lập học-viện cao-đẳng Aquinas ở Colombo và làm viện-trưởng từ 1964 đến 1971. Năm 1971 lại thành-lập và làm giám-đốc trung-tâm nghiên-cứu xã-hội và tôn-giáo tại Colombo. Cũng năm 1971 thành-lập và là thành-viên của phong-trào bảo-vệ nhân-quyền tại Sri-Lanka. Năm 1976, là thành-viên sáng lập ra hiệp-hội đại-kết các nhà thần-học ở Đệ-tam thế-giới (EATWOT).

c) Trong cuốn sách dẫn trên có gì đáng chú ý ?

Trong phần dẫn-nhập, tác-giả nhận-định là theo cái nhìn của anh em Tin-lành thì người công-giáo chúng ta coi ĐB Maria như có một vị-trí cao gần bằng Thiên-Chúa. (Người Việt-nam ta trước đây mấy thế-kỷ gọi là ‘’Đức Chúa Bà’’, như thế chắc cũng vì lý-do như thế). Vì thế ông muốn xét lại căn-bản của thần-học cổ-truyền về ĐB. Căn-bản đó ông thấy là đã được xây-dựng trên bốn điểm : một là lối giải-thích Thánh-kinh theo nghĩa đen về mấy chương đầu của sách Sáng-thế-ký, hai là giả-thuyết về tình-trạng nguyên-thủy của loài người và về tội nguyên-tổ, ba là lối suy-luận thiên về tưởng-tượng của các nhà thần-học, bốn là ý-thức-hệ trọng nam khinh nữ.

Trên căn-bản đó người ta đặt ĐB vào một vị-trí ngoại lệ : không vướng mắc tội lỗi gì, không biết gì là cám dỗ. Tác-giả nhận-xét là nội-dung của các sứ-điệp mà ĐB hiện ra dạy bảo thì thường là tùy-thuộc vào cái nhìn của giáo-dân của mỗi thời-đại về đời sống tôn-giáo. Ví dụ ở Lộ-đức thì ĐB hiện ra xưng mình là vô nhiễm nguyên tội, nhưng lại không có một lời về giai-cấp công-nhân đang bị áp-bức kịch-liệt vào giữa thế-kỷ XIX. ĐB Fatima thì nói về cộng-sản bên Nga Xô-viết, mà không nói gì đến chế-độ thực-dân đang đàn-áp biết bao nhiêu là dân-tộc. Nói tóm lại : những lối tôn-sùng ĐB như thế chỉ nhấn mạnh vào lòng đạo có tính-cách cá-nhân chủ-nghĩa, chứ không khuyến-khích giáo-dân tranh-đấu cho công-lý. Ông viết :’’Nếu chúng tôi khuyến-khích cho người ta đặt lại vấn-đề ĐB Maria, thì là vì có ý làm sao cho việc tôn-sùng ĐB không còn phải là phương-tiện đàn-áp con người, nhưng là lợi-khí đem lại cho mọi người nam nữ trên thế-giới này một cuộc sống hoàn-hảo hơn về mọi mặt’’ (Bản dịch Pháp văn, tr 13).

Thiết tưởng đây không phải là chỗ đi vào chi-tiết của lập-trường và lập-luận của tác-giả. Cho nên chỉ xin nhấn mạnh vào hai điểm quan-trọng.

Điểm thứ nhất : ‘’Tất cả những điều giảng dạy trong tôn-giáo không phải là những điều phải tin một loạt như nhau’’ (tr 132). Nói thế khác : các chân-lý trong đạo không có một tầm quan-trọng như nhau cả. Có chân lý là then chốt, có chân-lý ở trọng-tâm và có chân lý chỉ là tùy-phụ mà thôi. Đó là điều Công-đồng Vaticano II đã nhắc lại rõ-ràng. Chúa Ba Ngôi và Chúa Cứu thế mới là những chân lý then chốt.

Điểm thứ hai : tác-giả nhận xét rằng vì phải bàn luận về những điều vừa không có nói đến trong Thánh-kinh, lại vừa không dễ hiểu gì, cho nên khi thần-học giảng về ĐB Maria, thì thường bày ra nhiều giả-thuyết. Vì thế khi chúng ta nói lại thật đúng những câu Hội thánh dạy, thì chưa chắc đã hiểu được cho thông, đã quan-niệm được cho rõ, lại càng không thể hình-dung ra làm sao cả. Ví-dụ ĐB linh hồn và xác lên trời, ta nói thì dễ nói, nhưng phải hiểu ra làm sao, vì ai cũng biết trời là thiên-đàng, chứ không phải là một chỗ trong không-gian, thế mà xác thì lại ở trong không-gian ; nếu bảo rằng cái xác sống lại đã biến-thể mà không còn ở trong không-gian, thì sao gọi được là xác, để rồi cứ phải giải thích loanh-quanh. Đại khái các tín điều khác về ĐB, ví dụ như ĐB trọn đời đồng trinh, cũng khó hiểu như thế cả, và vì thế cần giải thích lại cho rõ ý.

Nhưng vẫn chưa hết vấn-đề. Tác-giả nhận thấy rằng các điều suy-luận của thần-học về ĐB tựu chung đều tựa vào một giả-thuyết về tình-trạng nguyên-thủy của loài người ta khi chưa sa ngã phạm tội. Thế rồi từ cái phỏng đoán đó mới suy-diễn thêm ra như sau : Đức Giê-su không ở dưới ách quỉ Sa-tan, vì không mắc tội nguyên-tổ, cho nên người không có cha về phần xác. Mẹ người đồng trinh, nhưng nếu mắc tội nguyên-tổ thì tất sẽ truyền tội ấy cho người, cho nên phải luận ra rằng mẹ người vô nhiễm nguyên tội : đó là tín-điều công-bố năm 1854. Thế có nghĩa là mẹ người không có dục-vọng, không có khuynh-hướng tội lỗi, và hoàn-toàn thánh-thiện. Do đó thân xác ĐB Maria không  thể bị hư nát, vì đó là hậu-quả của tội lỗi. cho nên phải luận thêm ra rằng  mẹ người linh-hồn và xác lên trời : và đây là tín-điều công-bố năm 1950.

Có lẽ không cần phải nhắc lại rằng hai tông-phái Chính-thống và Tin-lành không công-nhận tín-điều ĐB vô nhiễm nguyên tội, vì không thấy có chứng cớ gì trong Thánh-kinh. Tựu chung, càng nâng cao ĐB lên, thì càng đưa người ra ngoài nhân-loại, càng hạ thấp nhân-loại xuống, nhất là hạ thấp phụ-nữ. Đặt vấn-đề như thế không phải là có ý hạ thấp ĐB. Trái lại, tác-giả, cũng như anh em Tin-lành đều công-nhận là ĐB có đức tin tuyệt vời, có lòng khiêm-nhượng đáng làm gương mẫu cho mọi người.

Tác-giả bị tố cáo là không tin có tội nguyên-tổ di truyền cho khắp loài người. Có điều nên nhớ, là niềm tin đó đã xuất-hiện khá muộn, và không dễ gì tìm ra bằng chứng trực-tiếp trong Thánh-kinh. Tuyên-xưng ra cho đúng khẩu-hiệu thì không khó gì, nhưng cái nội-dung của niềm tin đã được công-bố thành ra tín-điều ấy, ta không dễ gì giải-thích cho người đương thời với chúng ta hiểu rõ. Thực ra những công-thức được dùng đó đã trả lời cho những câu hỏi của người xưa, đặt ra trong trong bối-cảnh văn-hóa và tư-tưởng khác bây giờ, cho nên nếu cứ dạy lại đúng như thế, thì người thời nay có thể hiểu sai đi, hay là không hiểu gì nữa, vì văn-hóa và đường lối tư-tưởng đã đổi đi nhiều.

Vấn-đề nêu ra trên đây có vẻ là tầy trời, nhưng đó là những suy-tư thần-học, dẫu có thâm-thúy mấy đi nữa, thì cũng không trình bày được toàn-diện niềm tin, lại có tính-cách  tương-đối, vì nó tùy-thuộc vào một chặng đường phát-triển của đức tin trong một văn-hóa nhất-định. Trong đời sống tôn-giáo, nó không quan-trọng cho bằng nếp sống đạo của chúng ta, cho bằng đức tin, đức cậy, đức mến của người giáo hữu, tuy họ không có phương-tiện suy-tư những điều cao-siêu trừu-tượng như thần-học nhà nghề.

Dù sao linh-mục Tissa Balasuriya cũng đã phải một lần ... hú vía, xuýt nữa bị rút phép thông-công suốt đời. Cũng may là bề trên đã sớm nhận ra là mình lầm.

           

12- Tôn-sùng Đức Bà thế nào cho hợp với Phúc-âm ?

Đó là đề-tài do Bruno Chenu, linh-mục phụ-trách về mục tôn-giáo trong nhật-báo La Croix tại Paris, đã viết trong báo ngày 13-8-1999, nhân dịp lễ ĐB linh-hồn và xác lên trời. Bài đó nhan đề là ‘’Evangéliser la piété mariale populaire’’. Tuy chỉ là một nửa trang báo, nhưng nội-dung  của nó vừa súc-tích, lại vừa đặt vấn-đề đúng lúc.

Vấn-đề là ngày nay ta thấy có nhiều hình-thức tôn-sùng ĐB đã bộc phát trong dân-gian, bề ngoài có vẻ đích thực là công-giáo, nhưng ai tinh mắt một chút thì thấy rằng nếu cạo lớp sơn công-giáo đi, thì còn lại những hình-thức tôn-giáo cổ-sơ.

Cũng không lạ gì. Vì những hình-thức lễ-nghi công-giáo ngày xưa, vì lý-do hội nhập văn hóa, thường là lấy lại những lễ-nghi đã có sẵn trong các tôn-giáo đã có trước, thay đổi một vài chi-tiết, rồi cho nó một ý-nghĩa mới. Người bổn đạo mới có cảm-tưởng là vẫn hành-đạo như xưa, nhưng thực ra ý-nghĩa của nó đã khác hẳn khi trước. Thực thế, lễ-nghi không còn chỉ về những hiện-tượng tự-nhiên trong trời đất, nhưng nhằm tưởng-niệm những sự-kiện lịch-sử có liên-quan đến hành-động cứu-độ của Thiên-Chúa. Vì thế không phải tất cả những gì đã có trong các tôn-giáo khác, ta đều có thể lấy lại và đồng-hóa được cả. Nếu làm như thế, ta sẽ có cái nguy là đánh mất bản-sắc của đạo Chúa và rơi vào trạng-thái hỗn-độn, hổ-lốn.

Riêng về ĐB Maria tác-giả viết :’’Không phải cứ nói ‘’Maria’’ thì tự-nhiên tránh được đạo thờ mẫu (déesse-mère)’’. Đọc câu đó, người Việt-nam ta, ai không biết rằng, ngoài các đạo thờ Phật, thờ tiên, thờ thánh, thờ Đức thánh Trần, trong dân-gian, người ta thờ mẫu khá nhiều trong các cuộc lên đồng. Có mẫu Liễu-hạnh, mẫu Thiên-y-a-na, mẫu thượng-thiên, mẫu thoải (thủy), mẫu thượng-ngàn, lại còn  bà Tây-vương-mẫu, bà Thiên-hậu v.v. Vị nào thiêng thì thờ hết. Cho nên nếu thấy thánh-mẫu ĐB Maria thiêng, thì có thể thờ thêm vào cũng chẳng hại gì, mà còn có lợi là khác.

Cách đây gần 40 năm, khi chúng tôi nghiên-cứu về Thiên-tiên thánh-giáo ở miền Huế, thì hay đi xem lên đồng ở nhiều đền, nhiều am ở vùng thành phố Huế, và đi với cô giám-đốc trung-tâm văn-hóa Pháp, cô này trước đã dạy học tại Cao-mên và nghiên cứu về văn-hóa Cao-mên. Chúng tôi có hỏi xem bên Cao-mên có cái gì giông-giống như lên đồng ở Việt-nam không, cô ấy cho biết là có và còn nói thêm rằng bên đó có nơi còn có ĐB Maria đôi khi giáng đồng nữa. Chúng tôi rất thắc-mắc, vì biết rằng người công-giáo không bao giờ làm truyện đó, nhưng không có phương-tiện kiểm-chứng xem thực hư thế nào. Dù sao, với cái thói quen của người Á-châu, thấy có vị nào linh-thiêng thì thờ cả - tôi trộm nghĩ đạo Cao-đài là một trường hợp điển-hình - thì nếu việc đó có thật, cũng không khó hiểu gì.

Tôi lại sực nhớ đến bài hát kính ĐB ‘’Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế-gian’’ và những bài hát cùng một đề-tài như thế. Đối với dân chài sống chật-vật ở bờ biển Việt-nam, cũng như đối với dân Trung-hoa lưu-vong trên biển đông hay là phiêu dạt vào Việt-nam, thì bài hát đó, nếu họ muốn hát, có thể dùng để cầu khấn với các nữ thần ngoài biển, như bà Thiên-phi hay bà Thiên-hậu, để xin các vị phù-trì cho mình vượt biển hay vượt biên may-mắn. Người công-giáo chúng ta biết rằng ĐB Maria khác hẳn các mẫu, các bà Thiên-phi, Thiên-hậu ; nếu gọi ngài là ‘’nữ-vương’’, thì chắc là có ý nói ngài là vua bà, chứ không phải là một trong số các bà vợ lớn vợ bé của vua nào đó. Đủ biết khi hội-nhập văn-hóa, bao giờ cũng phải rất cẩn-thận kẻo lẫn.

Bây giờ xin trình-bày ra đây ba tiêu-chuẩn, do Bruno Chenu đưa ra để giữ cho việc tôn-sùng ĐB Maria được hợp với Phúc-âm :

Thứ nhất :’’Phép tôn-sùng ĐB Maria có cái khuynh-hướng rất mãnh-liệt (furieux), là thay đổi hẳn vị-trí của ĐB. Người ta không còn coi ĐB như vẫn còn đứng về phía nhân-loại đang cần được Chúa cứu-độ, nhưng là đứng về phía Thiên-Chúa, dùng phép-tắc vô-biên của Chúa để dàn xếp mọi việc cho xuôi. Vì thế phương-hướng thứ nhất phải đổi là coi ĐB thật là người con của dân Israel, là người tín-hữu và là người môn-đệ’’.

Thứ hai :’’Nếu chúng ta lắng tai nghe ĐB Maria, thì sẽ được dẫn-dắt tới con của ngài là Đức Giê-su. Vì ĐB Maria luôn luôn có mặt ở nơi cửa đưa ta vào mầu-nhiệm Chúa xuống thế làm người. Vì thế phương-hướng thứ hai phải đổi là thế này : nếu trước đây tôn-giáo bình-dân đặt ở nơi ĐB Maria tình âu-yếm, lòng từ-bi, tình thương-yêu, thì nay phải nhìn cho rõ rằng đó là đặc-tính của Chúa’’, không phải vì Chúa là Thiên-Chúa, mà là vì Chúa đã xuống thế làm người.

Thứ ba :’’Lối sùng đạo của người bình-dân thường là hoàn-toàn trông cậy vào người khác một cách phù-thủy ma-thuật. Thực ra ĐB Maria tuy hoàn-toàn vâng theo ý Chúa, nhưng không bao giờ trốn trách-nhiệm. Ngài đã chấp-nhận sứ mạng làm mẹ cho đến cùng để đi theo con đường đức tin. Và có lẽ đây là điểm trọng-yếu của lời Chúa Cứu-thế giảng dạy : chính Thiên-Chúa đứng ra yêu-cầu chúng ta, và khi thấy chúng ta, nam cũng như nữ, đứng thẳng lên được, thì Chúa coi đó là vinh-quang của ngài’’.

Chính vì cần phải sửa đổi như thế cho nên tác-giả chủ-trương không nên dùng chữ ‘’culte’’ (thờ) khi nói về ĐM Maria, mà chỉ nên dùng khi nói về Chúa Ba Ngôi mà thôi.

Đó là điều thật hiển-nhiên, nhưng cũng phải nói cho rõ, kẻo lẫn-lộn ngôi thứ. Vẫn biết là ở Việt-nam, sách giáo-lý Phép giảng tám ngày (1651) của giáo-sĩ Alexandre de Rhodes đã phân-biệt rõ-ràng ba phép thờ là : latria, dành cho Chúa, dulia, dành cho các thánh nam nữ, và hyperdulia, dành riêng cho ĐB. Nhưng trong ngôn-ngữ Việt-nam ta chỉ có một chữ thờ  được áp-dụng vào các vị bề trên : như thờ vua, thờ cha mẹ, thờ thầy (dạy), thờ mẫu, thờ thần, thờ thần-vị, v.v., rồi thờ Chúa, thờ ĐB, thờ các thánh.

Vì ngôn-ngữ hàm-hồ như thế cho nên ta nên cẩn-thận. Ví dụ kiểu nói “nhà thờ ĐB”, thì có thể hiểu là nhà thờ (Chúa) lấy tên ĐB, nhưng cũng có thể hiểu là trong nhà đó thì thờ ĐB. Còn như “bàn thờ ĐB” thì khó mà hiểu cho hợp giáo-lý. Tôi rất lấy làm khó nghĩ khi nghe nói là vị nọ vị kia được phong thánh, tức là được vinh-dự đưa lên bàn thờ .  Có lẽ vì cha ông chúng ta có nói đến nhà thờ hay bàn thờ tổ-tiên, mà các vị thừa sai trước đây đã đề-nghị phải cấm, kẻo không phân-biệt được Thiên-Chúa với các vật thụ-tạo. Lý-do là vì thế, chứ không phải là vì có đầu óc hẹp-hòi, lại càng không phải là vì không biết kính ông bà cha mẹ.

 

13- Vị Hồng-y Ratzinger và sự lạ Fatima 

Từ lâu rồi quần-chúng trong các tôn-giáo thường hay đi hành-hương, đi trẩy hội. Người công-giáo cũng thế, thích đi thăm viếng những nơi có tiếng là có mặc-khải riêng tư, hoặc là do ĐC Giê-su, hoặc là do ĐB hiện ra  dạy bảo. Sự lạ Fatima đã được dịch ra tiếng Việt, trước khi có người Việt phiên-dịch toàn-bộ Thánh-kinh. Trước đây nửa thế-kỷ, tượng ĐB Fatima đã được rước đi tuần-du trên đất Việt-nam, đem lại cho người công-giáo nhiều hi-vọng, vào lúc chiến-tranh mới bắt đầu và chỉ chấm dứt 25 năm sau. Chúng ta biết truyện ĐB Fatima, vào năm 1917, đã cho  ba trẻ chăn chiên, là Lucia, Francisco và Jacinta, ba lời nhắn-nhủ. Mấy năm sau thì  Francisco và Jacinta mất sớm, chỉ còn Lucia. Có hai lời nhắn-nhủ đã được công-bố ra. Mãi tới năm 1944, Lucia lúc đó đã thành nữ-tu, mới viết ra lời nhắn-nhủ thứ ba, nhưng bản văn không được công-bố, nhưng được tàng-trữ trong văn-khố của giáo-tông-tòa tại Roma, vì thế gọi là cái bí-mật Fatima thứ ba.

Thế rồi vào ngày 13-5-2000, giáo-tông Gio-an Phao-lô đệ nhị đã thân-hành đi Fatima và ở lại đó ngày chủ-nhật hôm sau để tuyên-phong cho Francisco và Jacinta làm chân-phước. Từ lâu vị giáo-tông đã vẫn đinh-ninh rằng khi mình bị mưu-sát, bị bắn trúng bụng trước nhà thờ thánh Phê-rô ngày 13-5-1981 mà thoát chết, thì đó là vì có tay ĐB Fatima che chở. Cho nên ngài thích đi hành-hương Fatima. Nhân dịp lễ tuyên-phong đó, vị Hồng-y Sodano, là bộ-trưởng bộ ngoại-giao của giáo-tông tòa, có tuyên bố là bí-mật Fatima thứ ba sắp được công-bố, và nói hở trước ra rằng ngày 13-7-1917 ĐB đã cho ba trẻ em thấy một giám-mục bận áo trắng bị bắn ngã gục xuống đất như chết vậy.

Nhắc đến các sự việc ấy, nhật-báo Le Soir (Bruxelles, ngày 15-5-2000) đặt câu hỏi : biết đâu vị giám mục bận áo trắng ấy lại chẳng phải là Oscar Romero, vị giám-mục đã bị bắn chết ngay trước nhà thờ chính-tòa tại San-Salvador năm 1980, chứ chắc gì là giáo-tông Gio-an Phao-lô đệ nhị. Trong nhật-báo Le Monde (Paris, ngày 3-5-2000, linh-mục Jean Cardonnel thuộc tu-hội thánh Đa-minh đã có phản-ứng mạnh trong một bài báo nảy lửa, nhan đề là ‘’Le faux troisième secret de Fatima’’ (Cái bí-mật Fatima thứ ba giả mạo). Ông trích-dẫn lại lời của nhà báo Enzo Bianchi viết trong tờ báo tiếng Ý, La Repubblica :’’Một vị Thiên-Chúa mà năm 1917 đã có ý cho biết trước rằng người theo đạo Chúa Cứu-thế sẽ bị bách-hại, mà không nói gì đến cái nạn Shoah và sáu triệu người Do-thái, thì vị đó không đáng tín-nhiệm’’. Vì chẳng lẽ Thiên-Chúa và ĐB lại kỳ-thị chủng-tộc đến thế : chỉ biết lo cho người công-giáo, mà hoàn-toàn bỏ rơi dân riêng của mình lúc đó đã thành ra một dân-tộc vong-quốc ? Trong phần cuối bài, ông viết ;’’ Cái bí-mật Fatima thứ ba là bí-mật giả-mạo, chứng cớ hiển-nhiên là nó không có liên-quan gì hết đến tác-phẩm duy nhất, tuyệt vời của Thánh-nữ đồng-trinh Maria, tức là bài ca Magnificat, hiến-chương của những người nổi lên cách-mạng trong khắp thế-giới’’, vì trong bài ca đó có nói rằng Đức Chúa đã lật đổ ngai vàng của những người quyền-quí, và đã đề cao những người bị khinh-dể, v.v.

Chắc hẳn những phản-ứng như thế đã làm cho các vị hữu-trách trong giáo-tông-tòa giật mình suy nghĩ. Vì thế trong buổi họp mặt các nhà báo sau khi bí mật Fatima được công-bố, thì Hồng-y Ratzinger, bộ-trưởng bộ Tín-lý, đã cố ý tránh không cho nó thành một tin giật gân, như Hồng-y Sodano đã nói hở ra trước đây, hơn nữa đã tìm cách xác-định lại vị-trí của nó cho hợp với giáo-lý, như sau :

Thứ nhất : trong cái gọi là bí-mật đó không có mặc-khải một mầu-nhiệm nào quan-trọng, lại cũng không vén màn cho ta thấy tương-lai.

Thứ hai : cái ‘’bí-mật’’ Fatima không phải là một tín-điều mà người theo đạo phải tin cho được rỗi linh-hồn, vì đó chỉ là mặc-khải riêng tư, có mục-đích là giúp cho ta hiểu và sống theo Phúc-âm trong ngày hôm nay. Cho nên không buộc phải tin như mặc-khải trong Thánh-kinh.

Thứ ba : sứ-điệp Fatima khuyên nhủ ta cầu nguyện, ăn-năn thống-hối, đồng thời nhắc lại trọng-tâm của Phúc-âm và vai trò của ĐB trong lịch-sử cứu-độ, lại nhấn mạnh vào chức-vi cao-quí của người phụ-nữ.

Thứ bốn : sứ điệp Fatima cũng nhắc đến việc các chính-thể vô thần chống lại giáo-hội và giáo-hữu. Thế-kỷ này là thế-kỷ những người chịu chết vì đạo.

Thứ năm : sau cùng thì Hồng-y Ratzinger gạt bỏ tính cách tất-định trong những lời tiên-đoán như ở Fatima. Chứng cớ là giáo-tông, vị giám-mục áo trắng, đã bị bắn nhưng không chết. Tóm lại : sứ-điệp đó là sứ-điệp lạc-quan, vì tình thương bao giờ cũng mạnh hơn lòng ghét.

 

2-     Một vài nhận xét 

Để hiểu cho rõ vấn-đề nêu ra trên đây, tôi xin đưa ra một vài nhận xét : 

21- Quan-niệm hơi lệch-lạc về Chúa Giê-su Cứu-thế 

Đây là giả-thuyết mà tôi đã trình-bày trong mấy bài viết ra gần đây. Đại khái như sau.

Theo như giáo-lý của đạo ta, thì Chúa Cứu-thế Giê-su là vị môi-giới duy nhất giữa Thiên-Chúa và loài người. Chính vì vừa là Thiên-Chúa, vừa là người thật, cho nên ngài là Thiên-Chúa hiện-thân ở giữa chúng ta. Đó là điều rất khó quan-niệm, cho nên trong lịch-sử thần-học, người ta rất dễ hướng về một trong hai cực-đoan : có lúc thì coi ngài chỉ là người, có lúc lại coi ngài chỉ là Thiên-Chúa mà thôi.

Chính vì coi ngài là Chúa cao sang, là vua vinh-hiển, cho nên tất nhiên phải cảm thấy ngài xa chúng ta quá. Nhận-định như thế đã sinh ra nhiều hiệu-quả. Về việc xây cất nơi thờ tự về trước đây, thì nhà thờ không còn có vẻ là nơi anh em con cái trong gia-đình Chúa họp nhau ăn tiệc, nhưng là cung điện nhà vua. Bàn thờ thì để rất xa giáo-dân và được trang-trí sơn son thiếp vàng như ngai vua, để Chúa ngự. Chung quanh bàn thờ là cung thánh. Chúng ta dùng chữ ‘’cung’’ như khi nói về cung điện nhà vua ở dưới đất này, hay là khi nói về các thứ cung trên thiên-tào trong đạo Lão : Thái-thanh cung, Thiên-đế cung, Văn-xương cung v.v. Trong các nhà thờ lớn đã xây cất ở Âu-châu trước đây, nhiều khi cung thánh còn có hàng rào, không những đàn bà con gái, mà cả giáo dân thường cũng không được phép lai vãng, có chăng thì là để quét tước lau chùi. Thế rồi vào năm 1925, giáo-tông Piô XI đã đặt ra lễ Đức Chúa Giê-su làm vua, và đặt vào ngày chủ-nhật cuối cùng trong tháng mười. Đi nhà thờ tức là đi chầu Chúa, chầu Mình Thánh, không khác gì đi chầu vua, cho nên phải hết sức nghiêm trang không được nói truyện hay là quay ngang quay ngửa.

Giáo dân đã xa bàn thờ, và trước Công-đồng Vaticanô II, lễ-nghi lại phải cử-hành bằng tiếng La-tinh, cho nên không trực tiếp tham dự vào thánh-lễ được. Vì thế chỉ còn có một cách là ‘’chiêm lễ’’, là xem lễ. Muốn cầu-nguyện trong ván lễ thì chỉ biết đọc kinh lần hạt mà thôi. Phải đến sau công-đồng mới thay đổi.

Cũng chính vì Chúa Cứu-thế đã xa chúng ta quá cho nên những tâm-hồn ngoan đạo cần phải tìm ra môi-giới để tới Chúa. Người công-giáo có hai thứ môi-giới : trên trời thì có Đức Bà và các thánh cầu bầu cho chúng ta, dưới đất thì có vị giáo-tông ở Roma, quen gọi là giáo-hoàng, như một hoàng-đế phần đời, để thay mặt Chúa dạy-dỗ (người công-giáo Trung-hoa trước đây gọi là giáo-hóa-hoàng), và cai-trị Hội thánh. Cho đến nỗi có những vị thánh như Catarina người thành Sienna, đã coi giáo-hoàng như là Thiên-Chúa hay là Chúa Cứu-thế ở dưới đất này.

Ngần ấy cũng đủ thấy là chúng ta đã quên bẵng đi rằng ‘’ngôi thứ hai xuống thế làm người và ở cùng chúng tôi’’, lại đặt ra phép Thánh-thể để ‘’ở lại với loài người ta cho đến hết đời’’. Đó là cái quên tầy trời, vì chẳng có giáo-hoàng, Đức Bà, ông thánh hay bà thánh nào lập được phép Thánh-thể như thế cho chúng ta.. Theo cái đà như thế, giáo-dân quan-niệm rằng càng có nhiều ông thánh bà thánh thì ta càng có nhiều người bầu cử cho ta trước mặt ĐCT. Vì thế người ta rất hào-hứng về việc phong-thánh. Dân-tộc nào cũng muốn có người của mình được phong thánh, các tu-hội cũng vận-động cho vị sáng lập ra dòng mình được phong thánh, mà không ngại tốn công tốn của. Để đáp-ứng lại cái ước vọng đó, các vị giáo-tông, nhất là vị giáo-tông đương-kim, đã và còn sẽ ra tay phong cho rất nhiều người tôi ngay con thảo của Chúa được ‘’cái vinh-dự đưa lên bàn thờ’’. Rồi thêm vào đó, việc người ta tấp-nập đi hành-hương ở những nơi có tiếng là nơi ĐB đã hiện ra, thiết tưởng một phần lớn cũng là do quan-niệm hơi lệch-lạc đã nói trên đây mà ra vậy.

 

22- Đức Bà và đạo thờ mẫu 

Trên đây tôi đã nói qua rằng trong nước ta dân-gian đã sẵn có đạo thờ mẫu, và một khi đã quen thờ nhiều mẫu rồi thì khi đạo Chúa truyền vào và dạy kính thờ thánh-mẫu Maria, dân chúng có thêm một mẫu nữa lại càng hay. Ai bảo như thế là thiếu hội-nhập văn-hóa ?

Người ta thường nói, đạo thờ mẫu có công-dụng là làm dịu bới cái luật khắt-khe của Khổng-giáo, trọng nam khinh nữ. Phép ‘’tam tòng’’ làm cho người đàn bà như không bao giờ đến được tuổi trưởng thành. Nếu người cha là ‘’nghiêm-phụ’’ hay ‘’nghiêm-đường’’, thì người mẹ là ‘’từ-mẫu’’, có thế nếp sống gia-đình mới có thăng bằng. Cũng nên chú ý là trong Phật-giáo thì vị bồ-tát tượng trưng cho lòng từ-bi, là Avalokitesvara, thuộc về nam-giới, nhưng khi được đưa vào những nước theo văn-hóa Trung-quốc theo Khổng-giáo, thì thành ra Phật bà Quan-âm, ‘‘Đại bi Quán-thế-âm bồ-tát’’. Khi người Việt trông vào ảnh tượng ĐB  bế ĐC Con, thì có thể nghĩ đến  hình vẽ Quan-âm tống tử. Việc tôn-sùng ĐB Maria đã có ở Âu-châu trong hoàn-cảnh nói trên, khi được đưa vào Việt-nam thì đã gặp sẵn điều-kiện để hội-nhập văn-hóa và để phát-triển không kém gì Âu-châu.

Khi ĐB hiện ra kêu gọi phải ăn năn thống-hối, nếu không thì ĐB khó mà đỡ tay Chúa đang đè nặng, định giáng hình phạt xuống người có tội, thì cái hình ảnh người mẹ đỡ tay người cha cho con khỏi phải đòn, thật là dễ hiểu đối với người Việt-nam. Thiết tưởng nếu người công giáo Việt-nam tôn-sùng ĐB Maria một cách đặc biệt, thì cũng không có gì là khó hiểu.

Có điều cần phải nói thêm cho rõ để tránh hiểu lầm : Đức Bà Maria là mẹ Đức Giê-su, và là nhân-vật có thực trong lịch-sử. Sách Phúc-âm chú-trọng vào Đức Giê-su, cho nên nói về mẹ Ngài rất ít. Về sau này, khi thần-học suy-luận rộng ra và lòng tôn-sùng được phổ-biến, thì giáo-hội mới thêm cho Đức Bà nhiều tước-hiệu, như ta thấy trong Kinh cầu Đức Bà. Còn các mẫu trong tôn-giáo dân-gian thì là tượng-trưng cho những hiện-tượng và những mãnh-lực thiên-nhiên có ảnh-hưởng đến đời sống con người, cho nên được tôn thờ. Người ta đặt tên cho các vị đó để phân-biệt phạm-vi quyền-năng, và tuy đôi khi trong các bài văn chầu cũng có nói đến sự tích lai-lịch, nhưng đó không phải là những nhân-vật có thật trong lịch-sử, Điều có thực là các vua Việt-Nam đã ban sắc phong thần, cho phép dân được tôn thờ. Đủ biết không thể lẫn Đức Bà Maria với các mẫu trong tôn-giáo dân-gian.

 

23- Giáo-tông Gi-oan Phao-lô II trong ngày đại-hội quốc-tế thanh-niên 

Có một điều làm cho các nhà báo đều chú ý, là trái lại những lần trước đây, thì trong ngày đại-hội quốc-tế thanh-niên năm 2000 ở Roma, giáo-tông ít nói về luân-lý cá-nhân, nhưng đã nhấn mạnh vào trọng-tâm của đạo Chúa : Chúa Cứu-thế đã xuống thế làm người và ở cùng chúng ta, gần-gũi với ta. Ai cũng biết là giáo-tông rất có lòng tôn-sùng ĐB Maria, nhưng với tư-cách là chứng-nhân của Chúa Cứu-thế, ngài đã nêu cao vai trò môi-giới của Đức Giê-su. Đó là một điều quan-trọng rất đáng nêu ra, vì nó làm cho lối sống đạo của ta đi vào đúng hướng.

 

Kết luận

Trên đây tôi đã trình-bày những lý-do làm cho lối sống đạo của dân công-giáo hơi thiếu thăng bằng : một là quan-niệm thần-học có chỗ lệch-lạc, hai là vì không tham-gia được vào lễ-nghi cử-hành bằng tiếng La-tinh. Có thể nói thêm là còn vì thiếu bản dịch Thánh-kinh ra tiếng Việt, cho nên không tiếp-xúc được thẳng với lời Chúa. Và vì thế tựa theo tôn-giáo bình-dân cổ-sơ mà thờ-phượng và tôn-sùng.

Nhưng xét cho cùng thì không đúng hẳn như thế. Vì lẽ rằng giáo-lý và thần học ngày xưa không có lệch-lạc. Có chăng thì là vì người ta đã quên những điều đã học.

Thực vậy, sách bổn của chúng ta, sách bổn mà tôi đã học thuộc lòng trước đây hơn nửa thế-kỷ, sách bổn đã dậy thật gọn và thật đúng. Tôi xin trích ra đây một đoạn để làm kết-luận cho bài này :

  ‘’Hỏi : Có nên thờ phượng rất thánh Đức Bà cùng các thánh bằng Đức Chúa Lời (Trời) chăng ?  Thưa : Chẳng nên, một phải kính rất thánh Đức Bà cùng các thánh vì là đấng đã có công trọng làm tôi ngay đẹp lòng Đức Chúa Lời mà chớ. -

Hỏi : Rất thánh ĐB cùng các thánh có được ban ơn cho ta chăng ? Thưa : Chẳng được, vì có một Đức Chúa Lời là chính Đấng ban ơn cho ta mà thôi’’ (Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh-hồn, Địa phận Hà-nội, 1958, Phần thứ ba, Đoạn thứ nhất, Điều răn thứ nhất, trang 110-111).

 Lambersart, ngày 24-08-2000 

An-tôn Trần Văn Toàn

 

Tái bút :

A-    Bài này viết trước đây 20 tháng, đã tính cho in ra ở Việt-nam, nhưng lúc đó không tiện in. Nay nhân dịp giáo-tông-tòa mới cho công-bố một văn-kiện dài về các cách-thức tôn-sùng (dévotion) trong giới công-giáo, phải làm sao cho hợp giáo-lý, thì tôi trộm nghĩ trong hoàn cảnh mới, bài này còn có thể đóng góp vào việc xét lại một số tập-quán của chúng ta. Và cũng nhân dịp này tôi có thêm mấy câu vào mục 22 (Đức Bà và đạo thờ mẫu) để tránh những cái hiểu lầm có thể vô tình gây ra. (Lambersart, ngày 12-07-2002).

B-    Đã đăng trong :Triết Đạo (Journal of vietnamese Philosophy and religion), Vienna (VA, USA), năm 3 (2003), số 5, 48-66. Cũng đã in lại trong : Dấn Thân (Phong trào giáo dân, Houston), Katy (TX, USA), bộ V, số  4-5, tháng 5 năm 2003, tr 09-27. (*Dunglac.org).

C-    Đức Hồng-y Ratzinger (đã nhắc đến trên đây), thì đã được tôn làm giáo tông Biển- Đức XVI, và nay đã về hưu tại Vaticanô.

D-    Trong thư mục, ngoài cuốn sách của Tissa Balasuriya, thì nay cần phải thêm cuốn sách khá đầy đủ của Dominique Cerbelaud (dòng Đa-minh) : Marie. Un parcours dogmatique, Cogitatio fidei, số 232, Éd. Cerf, Paris, 2004.  (Lambersart, 11-12-2013).

Tác giả: Gs. Trần Văn Toàn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!