Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Văn Toàn
Bài Viết Của
Gs. Trần Văn Toàn
Minh triết dân gian Việt Nam theo cái nhìn của cố Cả (Léopold Cadière)
Giáo lý về Đức Bà Maria (Trình bày đại ý cuốn sách khảo luận của Dominique Cerbelaud)
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? 2 – Nội dung của tôn giáo: Tin gì ? và dậy gì ?
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? bài 1: Tin hay là biết ?
Tôn giáo và chính-trị
Đó là lời Chúa [1]
Tình yêu có liên quan gì đến Thiên Chúa ? Câu trả lời của Feuerbach [1]
Liên quan giữa Cái chết và vấn đề Thiên Chúa theo quan niệm của Feuerbach[1]
Ludwig Feuerbach và quan-niệm vô-thần lối mới
Vấn-đề tôn-sùng Đức Bà Maria
Ý niệm « sống lại » trong tư tưởng thánh Ambrôsiô
Ý niệm « sống lại » của các vị giáo-phụ đạo Chúa Giêsu trong bốn thế kỷ đầu kỷ nguyên
Ý niệm « sống lại » trong Thánh-Kinh Cựu Ước và trong tư tưởng Do-thái vào thời đầu Tây lịch kỷ nguyên.
Đọc cuốn sách : Faire bouger l’Eglise catholique của cha Joseph MOINGT (dòng Tên)
Đối thoại giữa các tôn giáo và hòa bình trên thế giới
Nhân đọc bài : Giải quyết vấn đề tranh luận « đồng bản thể » hay « đồng bản tính » Của ĐC Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN
Giới thiệu cuốn sách viết tay: Tam giáo chư vọng (1752) Ạ
Karl Marx phê-bình tôn-giáo
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên qua những sách đọc tham-khảo về tôn-giáo.
Mấy nguyên tắc về khoa học con người
Từ môn psychologie đến khoa tâm-lý-học / Những chặng đường nghiên cứu con người
Bàn về thuyết ‘’tam phụ’’ trong đạo Thiên Chúa - Một bước đi vào văn hóa Việt Nam
Thần học sau Công-đồng Vaticano II (1963-1965)
Văn hóa và Tôn giáo
TÔN GIÁO HAY LÀ TÍN NGƯỠNG ? 2 – NỘI DUNG CỦA TÔN GIÁO: TIN GÌ ? VÀ DẬY GÌ ?

Trần Văn Toàn

             

2.0 - Mấy nhận xét tổng quát

Xét theo quan điểm khoa học thì ta biết rằng những sự kiện làm đối tượng nghiên cứu cho khoa học, nhất là khoa học con người, không phải là tất cả những sự vật có sờ sờ trước mắt, nhưng là do khoa học hạn định theo như cái khía cạnh hạn hẹp mà mình chọn, theo lối mình nhìn và phương pháp mình đồng ý với người khác để áp dụng.

Áp dụng vào tôn giáo, thì mỗi khoa học khách quan về tôn giáo – như : tâm lý học, xã hội học, ngôn ngữ học, sử học, triết học, v.v. – đều định nghĩa tôn giáo và định nghĩa sự kiện tôn giáo theo như quan điểm và phương pháp đo lường, nghiên cứu và xử lý, do người ngoài cuộc là các học giả thỏa thuận với nhau mà đặt riêng cho mỗi khoa. Như thế chưa chắc là đúng hẳn như tôn giáo của người trong cuộc là người tín hữu, người hành đạo. Thêm vào đó thì, như tôi đã có dịp bàn tới [1], cái mà ta quen gọi là chân lý khách quan chính là cái mà ta thỏa thuận với nhau theo như phương pháp quan sát, suy luận và xác nhận ; chứ làm sao mà chúng ta biết được rằng sự vật ngoài phạm vi cảm xúc và suy luận của chúng ta thì tự nó là thế nào. Nhận như thế rồi thì vẫn còn một vấn đề cần giải quyết, là : chắc gì là những quan điểm và quan niệm khác nhau như thế đều cùng nhắm về một thực tại, về cùng một đối vật ? Và cái thực tại duy nhất đó là cái gì ? Và nội dung nó ra sao ?

Đối vớI người trong cuộc thì việc hành đạo có một mục đích và có ý nghĩa. Người ngoài cuộc thì thường xét theo hai phương hướng : phía sau là nguồn gốc khách quan và duyên do chủ quan sinh ra tôn giáo, và phía trước là  mục đích hay là công dụng mà người ta gán cho tôn giáo. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì nếu không biết nó là gì, thì việc tìm nguyên nhân và mục đích cũng là vô nghĩa.

Vì thế, phải hiểu trước, phải định nghĩa trước, ít là một cách tạm thời, cái gì là tôn giáo, thì mới có thể nhận ra trong phạm vi mênh mông của tư tưởng, của tưởng tượng, của ước muốn và hành động của con người đang sống trong xã hội, cái gì là sự kiện thuộc về tôn giáo. Có thế mới biết là người ta muốn nói về cái gì. Rồi sau khi nghiên cứu theo phương pháp, mới có thể định nghĩa lại một cách xác thực hơn. Chính vì không có một lối nhìn hay một định nghĩa duy nhất về tôn giáo, cho nên có những cái mà người này cho là thuộc về phạm vi thiêng liêng của tôn giáo, thì người khác lại chỉ thấy là hoàn toàn thế tục.

Nhưng thật là khó định nghĩa : nếu liệt kê những cái mà xưa nay thiên hạ đó đây gọi là tôn giáo, rồi theo phép quy nạp (induction) mà tách ra những đặc điểm chung cho tất cả để lấy làm định nghĩa, thì khó mà tìm cho ra ; nhưng nếu chọn một định nghĩa có sẵn, căn cứ vào một vài tôn giáo mình quen biết, thì những cái khác sẽ không còn được gọi là tôn giáo nữa.

Như  đã trình bầy trong phần mở đầu, chữ «tông giáo » hay là « tôn giáo » của người Đông-Á chỉ nói lên một cách trông trống cách thức truyền bá tôn giáo, chứ không xác định tôn giáo là gì và cũng không nói đến nội dung của tôn giáo. Cho nên theo như quan niệm chưa rõ rệt như thế, thì bất cứ cái gì do ông tổ ông tông dậy, hay là do sư phụ nào đó truyền lại, đều có thể gọi là tôn(g) giáo cả.

Bên Âu châu thời Thượng cổ thì người La-tinh dùng chữ « religio », để chỉ các bổn phận phải làm đối với các thần linh được nhà nước công nhận (đạo nhà nước). Người Âu châu quen dùng từ ngữ ấy, nhưng rồi chuyển sang các thần linh nói chung. Tuy vậy cho rằng tôn giáo tất nhiên phải có liên quan đến thần linh, thì cũng không đúng hẳn, vì có những hệ thống hay là phong trào, nhất là ở Á châu, không chú ý đến thần linh, thậm chí còn khước từ thần linh, và đôi khi chỉ có mục đích là cướp chính quyền, thế mà cũng vẫn gọi là « đạo » hay là « giáo ». Lại có những lối tiếp xúc với thần linh, hoặc là không được vua quan hay nhà nước công nhận, hoặc là đã biệt lập ra ngoài phạm vi chính trị, cũng được coi là tôn giáo nữa.

Có rất nhiều định nghĩa về tôn giáo, tùy quan điểm. Như đã trình bầy trước đây, tôi xin tạm dùng cái định nghĩa của Helmut Glasenapp trong cuốn tự điển Các tôn giáo ngoài đạo Thiên Chúa [2]. Tiếp theo đó, trong cuốn sách Niềm tin và nghi lễ trong các tôn giáo lớn, chính tác giả này cũng đưa ra những nhận định về lý thuyết và thực hành như sau : « Về bản chất của tôn giáo thì các tôn giáo đều cùng có một niềm thâm tín là : thế giới vật chất hữu hình hữu sắc, không phải là tất cả thực tại, nhưng bên trên và đàng sau thế giới đó, còn có sự điều hành của những khí lực cấp trên, có liên quan đến con người, và con người có thể tiếp xúc được bằng cách này hay cách khác. Niềm tin đó là nền tảng cho đời sống đạo đức. Các tôn giáo đều nhất trí về bốn đòi hỏi chính yếu của đời sống xã hội : không giết người, không ăn trộm, không nói dối và trong hôn nhân thì không được có ngoại tình.  Tất cả đều có dậy phải cử hành những nghi lễ nhất định, dùng những dấu hiệu mà ai nấy đều trông thấy, làm môi giới để đạt được những hiệu quả tốt đẹp của sự giải thoát mà người ta không trông thấy. Tất cả đều có những hình thức tổ chức cộng đoàn, để cho những người cùng theo một tín ngưỡng làm thành một giáo hội hay là một hội đoàn. Mỗi tôn giáo đều có những cảm nghiệm và tâm trạng làm nền tảng cho vũ trụ quan riêng của mình. Và sau cùng thì tất cả đều có những phương pháp để các nhà thần học hay lý thuyết gia có thể suy luận và biện minh cho chân lý của mình » [3].

Thiết tưởng cũng nên nhận xét thêm rằng trong khá nhiều trường hợp, nhất là trong dân gian, tôn giáo thường chỉ hạn hẹp vào việc thi hành một số tập tục hay nghi lễ bề ngoài, tham dự các thứ lễ hội có tính cách công cộng, khách quan, mà không đòi hỏi phải tuyên xưng ra là trong thâm tâm chủ quan mình tin tưởng những gì và như thế nào, ví dụ như trong « kinh Tin kính » của đạo Giê-su Ki-tô. Cho nên cái nội dung của tôn giáo, nhất là về lòng tin tưởng, ước muốn, cũng có thiên hình vạn trạng, như ta thấy trong nhận xét của Glasenapp. Ngày nay trong những quốc gia tuyên bố có quốc giáo, thì thực ra có hai lý do : một là vì trong dân chúng cũng ít ai có tư tưởng tự lập, hiểu biết về vận mệnh con người, và lựa chọn lấy cho mình, hai là vì nhà cầm quyền nhiều khi cũng đã khéo chọn lấy tôn giáo và định đoạt nội dung của tôn giáo cho họ, thấy những nước tân tiến đặt ra hiến pháp thế tục, thì mình cũng tuyên bố lấy tôn giáo làm hiến pháp – ví dụ như trong nhiều nước theo Hồi giáo – và dùng tôn giáo làm phương tiện trị dân, ai không theo thì bị trừng trị như là phản dân tộc vậy, ai cải giáo thì bị xử tử vì tội bỏ đạo. 

Tuy vậy không thể căn cứ vào những lễ nghi hay lối tổ chức có sẵn trong xã hội, mà các tôn giáo có thể làm theo nhau hay là vay mượn lẫn nhau, lại cũng không thể tựa vào giới luật đạo đức thuộc về phạm vi nhân đạo chung cho người ta, mà cho rằng các tôn giáo đều như nhau cả, vì lẽ tất cả những yếu tố giống nhau ấy vẫn có thể có những ý nghĩa rất khác nhau, tùy theo ý hướng riêng của mỗi tôn giáo.

Theo như nhận xét trên đây thì nếu người ta chỉ nhìn nhận những cái vật chất, tai nghe mắt thấy, là có thật mà thôi, thì cũng khó mà tìm ra chỗ cho tôn giáo ăn rễ.

Cũng theo như thế thì tôn giáo vừa có rất nhiều loại khác nhau, lại vừa có một số đặc điểm giống nhau.  Dù sao, định nghĩa như thế này hay thế khác, thì đều là những định nghĩa mà bây giờ người ta ai nấy tùy quan điểm của mình mà tạm dùng để xếp đặt cho có thứ tự mạch lạc các sự kiện trong đời người.

Chứ thực ra, như sẽ trình bầy sau đây, chính cái ý niệm « tôn giáo », như vừa nói trên đây, cũng là mới thành hình, sau khi người ta dần dần thanh lọc từ cái « tông giáo », nghĩa là từ tất cả những cái do ông tổ ông tông dậy cho, và tách rời ra một ít yếu tố đặc biệt có liên quan đến vận mệnh con người – và cũng thường liên quan đến thần linh – rồi gọi đó là « tôn giáo ». Vì lẽ rằng : định nghĩa (définition) tức là xác định giới hạn (fin / finis), nhận cái này thì phải bỏ cái kia. Cho nên khi định ranh giới cho các môn học khác nhau, thì cũng là xác định ranh giới một cách gián tiếp và tiêu cực cho tôn giáo vậy.

Nay nếu ta ghép lại với nhau hai câu hỏi « Tin gì ? » và « Dậy gì ? », thì ta đặt câu hỏi về nội dung của tôn giáo, dậy tín cẩn vào ai, phải tin gì và làm gì. Không có tôn giáo lù lù ra đó như một đồ vật khách quan, có sẵn đó, và tự nó có tiềm lực tác động lên người ta, nhưng phải có người tin, có người dậy, thì mới nói được đến nội dung niềm tin của người ta. Có thể nói : nội dung của tôn giáo là phần khách quan, còn « tin » và « dậy » là phần chủ quan. Hai phần đó không hoàn toàn ăn khít với nhau, nhưng không phải là không có tương quan mật thiết. Thực vậy, người dậy cũng như người tin, thường không chú trọng vào tất cả nội dung của tôn giáo, mà chỉ tùy tình trạng văn hóa và trường hợp cá nhân mà thâu nhận và đề cao những yếu tố hợp với kinh nghiệm riêng, với sở ước, với nguyện vọng hay tham vọng của mình. Vì thế khi đạo giáo được truyền bá, thì bao giờ cũng phải qua môi giới những con người sống động, muốn tin và muốn dậy lại những gì. Và nếu không có ai, không có cơ quan nào có ý thức và chú trọng đến việc duy trì cái căn bản, xác định những điều phải dậy (giáo điều), thì sẽ không sao tránh được cái hiệu quả là « tam sao thất bản », là tùy nghi thêm thắt vào, và rồi nếu không mất gốc thì cũng thường chia ra năm bè bẩy mối, cho đến nỗi nhiều khi tôn giáo chỉ còn có cái tên trống rỗng, dùng làm cờ hiệu hay chiêu bài mà thôi. Có một điều rất đáng ngạc nhiên là đứng trước tình trạng rối ren vô định như thế, thì có người lại không ngần ngại cao tuyên rằng tôn giáo của mình không có tính cách « giáo điều ». Cũng đúng : vì như thế có nghĩa là « chẳng có điều gì để dậy » cả ! Sau đây ta sẽ bàn tiếp.

Thoạt nhìn thì vấn đề nội dung của tôn giáo rất dễ giải quyết. Vì hiện nay có rất nhiều sách viết về các thứ tôn giáo. Riêng về những tôn giáo lớn trên thế giới thì đã có khá  nhiều bộ tự điển bách khoa, gồm hàng mấy chục cuốn, khổ lớn, mỗi cuốn dầy hàng dăm sáu trăm trang. Ngoài ra kinh điển của các tôn giáo lớn cũng là như « Hằng hà sa số ». Nắm được trong tay những bộ tự điển và những kinh điển như thế, người ta rất dám tự đắc mà nghĩ rằng về mỗi tôn giáo thì mình biết được thực chất của nó và hết tất cả những gì người đời tin theo và dậy bảo nhau, những lễ nghi phải cử hành, những giới luật phải noi theo, những tổ chức gắn bó người đồng đạo lại với nhau.

Nhưng cho dù có như thế, thì chính cái tính cách phiền tạp và nhiều khi mâu thuẫn trong đó lại là cả một vấn đề cần phải giải quyết.   

 

2.1 – Vấn đề nội dung phiền tạp

Cái cảm giác đầu tiên của người đi vào một tủ sách hay là chỉ đọc tự điển mà thôi, là thấy trong cùng một tôn giáo thường có khá nhiều điều, cả lý thuyết lẫn thực hành, hoặc là rời rạc không ăn nhằm gì với nhau, hoặc là mâu thuẫn nhau. Đi vào đó, ai không được hướng dẫn thì có cảm giác như đi vào một “trận đồ bát quái“, một cái “mê hồn trận“, không tìm được lối ra. Có người lại nghĩ rằng như thế mới là huyền nhiệm, nhiệm mầu, cao siêu, như thế mới là phong phú, là không giáo điều. Nhưng ta có thể nghi ngờ rằng chính những học giả soạn tự điển như đã nói trên đây, tuy rằng uyên bác có thừa, biết thật quá nhiều, nhưng xem chừng nếu không ngộ chữ thì cũng chỉ là biết vậy thôi, vì cái biết đó có vẻ như là một trò chơi tinh thần của người hoài cổ, hiếu cổ, khảo cổ, để trong lúc trà dư tửu hậu khoe với nhau ai biết ít hay nhiều chữ, chứ có lẽ những cái biết đó không liên quan gì đến nếp sống thường nhật của họ [4]; có chăng thì họ tin một vài điều, làm một vài cử chỉ, chứ chẳng lẽ họ lại tin và làm tất cả những điều mâu thuẫn nhau do các giáo phái dậy ; và hơn nữa, biết đâu họ lại chỉ là người học giả đứng ngoài cuộc, chẳng tin gì hết. Ấy là không nói đến những người lợi dụng tôn giáo của quần chúng vì nhiều mục đích thế tục khác. Ấy là chưa nói đến sự kiện khá thông thường, là : đó đây xưa nay vẫn cứ có người đứng ra lập tôn giáo mới, bằng cách chắp nối một cách hỗn dung một vài tôn giáo hay học thuyết mà mình biết được qua loa, rồi cho rằng đó là tổng hợp tôn giáo của nhân loại. Có điều lạ khó hiểu là vẫn có người nghe theo.

Nếu là một tôn giáo có lập trường hẳn hoi, có giáo điều, nghĩa là có điều để dậy, thì sao lại có thể có mâu thuẫn ? Nếu bảo rằng như thế là có tinh thần cởi mở, khai phóng, không giáo điều, nghĩa là không có điều gì để dậy, không có lập trường gì rõ rệt, thì có mâu thuẫn cũng không quan hệ là bao, nhưng thế sao lại bảo đó cùng là một tôn giáo ? Thực ra, những người cho rằng tôn giáo của mình không giáo điều, thì thường họ chỉ có ý nói lên rằng mình có cao, kiến không chấp nhận những điều người khác dậy, cho đó là ngu xuẩn hay là vô minh.

Ví dụ : khi nói về Ấn giáo, người ta có thể nghĩ đó là một tôn giáo, nhưng thực ra thì tôn giáo Ấn độ thật có nhiều loại : nhất thần, đa thần, đều có cả và lẫn lộn với ma thuật phù chú; rồi có những vị thần mang tên khác nhau tùy địa phương, nhưng lại có những đặc tính tương tự như nhau ; về lối hành đạo lại cũng có nhiều đường lối rất khác nhau. Đã thế người ta còn hô hào bài ngoại nữa.

Có nhiều nguyên nhân làm cho có nhiều tôn giáo. Nhưng để giải quyết tình trạng có vẻ rối ren và mâu thuẫn trong mỗi tôn giáo, thiết tưởng nên theo mấy nguyên tắc sau đây : một là về kinh điển thì phân biệt các thể văn, hai là về tiến trình lịch sử thì xét nguồn gốc các môn phái, ba là về nội dung thì phân biệt tôn giáo với các phạm vi thế tục.

a)    Phân biệt các thể văn

Trong đời sống thường nhật, ai cũng biết rằng những câu ta nói lên không phải bao giờ cũng phải hiểu theo nghĩa đen. Vì nội dung của câu nói còn tùy vào ý ta muốn nói thật, nói chơi, nói đùa, nói mánh, nói khóe hay nói dối. Ngoài nghĩa đen thì còn có nghĩa bóng. Còn về mục đích thì không phải cái gì cũng có ý là để mô tả hay là để bá cáo, thông báo một sự việc đã có ; vì lẽ ta có thể nói lên để báo trước một dự định chưa thực hiện. Người ta còn có thể nói lên để ảnh hưởng tới người khác, để khích động, để lôi cuốn, hứa hẹn, dọa nạt, răn đe, v.v., mà nhiều khi không cần hay không muốn nói lên đúng sự thật.

Trong phạm vi tôn giáo cũng thế. Trong đạo Do thái thì người ta phân biệt Đạo Luật đã viết thành văn (Torah écrite) và Đạo Luật truyền khẩu (Torah orale) gồm tất cả những lời giải thích và áp dụng trong hai nghìn năm. Riêng trong Đạo Luật đã thành văn thì cũng có đủ mọi loại thể văn : văn kể truyện, văn viết lịch sử, lời giáo huấn răn đe, lời ca tụng cầu khấn, lời chú giải lề luật, lời thi ca, v.v. Đặc biệt nhất là Thánh Kinh hay là kinh điển của đạo Do-thái không phải là những lời từ trên trời đem xuống để cho người ta thi nhau học thuộc lòng, nhồi sọ, một cách ấu trĩ, nhưng là để người ta dùng lý trí mà suy xét cho ra lẽ, nghiền ngẫm trong ký ức, dùng tình cảm mà thưởng thức, rồi tùy hoàn cảnh mà thực hành. Sau này đạo Ki-tô cũng theo truyền thống như thế và dùng triết lý của người Hi-lạp để suy luận thành ra khoa thần học hay là Thiên-Chúa-học (Théologie). Nhà Nho bên ta cũng phân biệt ngũ kinh với tứ thư, phân biệt kinh với truyện. Bên Phật giáo, người ta phân loại sách vở ra làm Kinh tạng, Luận tạng và Luật tạng, để phân biệt những điều được coi là do chính Đức Phật dậy, với những điều mà các đệ tử từ thế hệ này sang thế hệ khác đã suy luận ra, và với những luật đặt ra cho người tu trì hành đạo. Ngoài ra cũng còn nhiều câu truyện sáng tác ra để giáo huấn. Các đạo khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Và những ai hiểu đạo thì đều biết đâu là cái cốt yếu, đâu là những cái tùy tùng.

Theo lý thuyết thì rõ ràng là như thế. Nhưng nhiều khi chính những đệ tử giải thích lời của vị giáo tổ cũng nghĩ rằng lời của giáo tổ nói lên trong hoàn cảnh xa xôi quá, cho nên nếu mình không giải thích thì người thường sẽ hiểu không ra. Và vì thế cho rằng lời bàn giải của mình cũng quan trọng không kém lời của giáo tổ, thành ra người theo đạo còn thiếu học thì lẫn lộn hết, cho rằng tất cả sách vở về tôn giáo đều có tầm quan trọng như nhau. Hình như trong đạo nào cũng có như thế. Ví dụ như trong đạo Giê-su Ki-tô, ai cũng biết rằng Thánh Kinh thì khác, mà lời giảng giải suy luận thì khác, nhưng nhiều khi người ta cũng lẫn lộn và cho như là tất cả đều có giá trị như nhau.  Ở Việt Nam, ai tinh mắt một chút đều nhận ra là có nhiều sách nhà Phật do các thầy tăng soạn ra nhiều thế kỷ sau khi Phật vào Niết bàn, có cái gọi đúng tên là “luận“, nhưng cũng có nhiều cái vẫn cứ được gọi là “kinh“, như thể tất cả đều đúng là lời Phật dậy [5], và rồi để giải thích vì sao có nhiều cái khác nhau thì người ta bảo rằng đó là vì Đức Phật muốn thích nghi với trình độ hiểu biết khác nhau của người nghe ở mọi nơi mọi đời. Ngoài ra cũng có người còn cho rằng các “kinh“ như thế tự nó có sức mạnh, chỉ cần tụng lên, chỉ cần đọc ra tiếng, như thần chú, mà không cần hiểu, thì  tất nhiên là kiến hiệu, muốn gì được nấy.

Tóm lại là nếu biết phân biệt các thể văn trong sách vở các tôn giáo, thì ta sẽ thấy bớt đi được nhiều mâu thuẫn, ta sẽ phân biệt ra những lời vàng ngọc chính tông của giáo tổ, với những câu giải nghĩa thích nghi với thời đại, với những câu ca tụng hào hứng không tiếc lời của đệ tử, và những câu nói “quá lời“ của người giảng thuyết, nhằm để thuyết phục và lôi cuốn người nghe.

b)    Phân biệt các môn phái 

Lịch sử tôn giáo là lịch sử truyền bá tôn giáo. Không phải như cái bia đá vô tri, cứ lù lù ra đó qua nhiều thế hệ, nhưng tôn giáo truyền từ người này sang người kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một yếu tố văn hóa sống động. Khi thâu nhận thì người ta thâu nhận theo phương thức của mình, nghĩa là tùy theo sức hiểu biết và những điều sở đắc, sở ước và sở vọng  của mình, và khi dậy lại cho người khác thì người ta thường chú trọng vào những yếu tố mà mình cho là quan trọng đáng lưu lại cho hậu thế. Cho nên khi truyền bá vào một môi trường mới, trong một văn hóa mới, hay là khi văn hóa có đổi mới, thì thường phải phiên dịch. Mà phiên dịch thì lắm lúc rất khó tìm ra từ ngữ dịch sát ý, cho nên thế nào cũng có biến chuyển ít hay nhiều [6] mà không tránh được.

Cũng nên nhắc lại là khi bàn về lịch sử tôn giáo thì nhà học giả thường nói về óc phê bình và tài sáng tạo của các nhân vật then chốt, mà ít khi nhắc đến hoàn cảnh văn hóa xã hội đã đưa ra tư tưởng mới. Những cái biến chuyển có thể làm giầu thêm cho tư tưởng, nhưng nếu không ý tứ thì cũng có thể làm sai lạc đi ít nhiều. Ví dụ khi đạo Giê-su Ki-tô truyền từ văn hóa Do-thái sang văn hóa Hi-lạp, thì người Hi-lạp dùng những khái niệm triết học và lý luận của mình mà diễn tả nội dung của tôn giáo mới, mà thành lập môn thần học. Khi đạo Phật truyền bá vào giới thức giả, thì họ cũng suy luận như thế mà viết ra Luận tạng. Khi truyền bá vào dân gian đang quen thờ vô số thần thánh tiên, hay là có lễ nghi hiếu thảo với tổ tiên, thì một là người ta cũng giới thiệu Phật như là một vị thần mới, có nhiều phép thần thông, hay là vị thần tối cao, phổ biến, cho nên thờ Phật, cầu khấn Phật thêm vào nữa, và gọi chung tất cả các vị đáng thờ là Thần Phật Tiên Thánh ; hai là người ta cho rằng Phật tất nhiên cũng dậy đạo làm người, hiếu thảo với cha mẹ nữa, cho nên lễ Vu lan để báo hiếu cha mẹ càng rất được thịnh hành.

Có những tôn giáo sinh ra nhiều môn phái, nhưng đến lúc không còn đồng ý về những điểm then chốt, thì tuy vẫn còn tranh chấp cùng một tên gọi, nhưng thực ra không cùng là một tôn giáo nữa. Ví dụ đạo “Nhân chứng Giê-hô-va“ và đạo của mục sư Moon (người gốc Đại Hàn) là hai đạo mới sáng lập, hay đúng ra là mới chế biến, tuy cùng tự xưng là dùng Thánh Kinh của đạo Do thái và đạo Giê-su Ki-tô, nhưng thật là khác nhau, và người theo hai đạo này vốn đã có truyền thống liên tục lâu đời đều tẩy chay cả ; ngược lại, những người chế biến ra hai đạo mới đó lại cho rằng mình mới là chính hiệu, mới hiểu đúng Thánh Kinh – hiểu như là bản văn từ trời đem xuống ! – còn thì họ cho rằng từ hai mươi thế kỷ nay, hai đạo có truyền thống lâu dài đó đều là sai lạc hết tất cả ! Cũng thế, trong lãnh vực các tôn giáo nhất thần, thì đạo Islam, mà ta quen gọi là Hồi giáo, tuy phát xuất vào thế kỷ VII, sau đạo Do-thái hơn một nghìn năm, sau đạo Giê-su Ki-tô hơn sáu trăm năm, tuy nói rằng có nhìn nhận hai đạo nhất thần đó – mà thực ra họ chỉ biết qua loa, chứ cũng không am tường kinh điển và giáo lý – và đôi khi có nhắc đến tên một số nhân vật trong đó, nhưng lại cho rằng phải bỏ hết tất cả sách thánh và kinh điển, mà hai đạo đó đã soạn ra qua kinh nghiệm tôn giáo tích trữ trong hàng nghìn năm, viện lẽ rằng hai đạo đó ngay từ đầu đã làm sai lạc đạo giáo nguyên thủy, mà Thiên Chúa Allah, hơn một nghìn năm sau này mới đọc lại hết vào thế kỷ VII, và đọc lại riêng cho ... giáo tổ Mohammed nghe tất cả, rồi cho sao chép lại trong một kinh Coran mà thôi !

Nói chung thì khi hoàn cảnh văn hóa và lịch sử thay đổi, người nghe giảng thuyết không còn hiểu lời dậy đúng hẳn như trước nữa, nhưng lại hiểu theo niềm tin mình đang sẵn có, theo như nhu cầu và ước vọng riêng của mình, theo như những dự định mà tập đoàn của mình đang theo đuổi. Sách vở viết ra trong những thời điểm khác nhau, thường là để trả lời cho những thắc mắc về những vấn đề nhân sinh khác nhau. Cứ truyền như thế từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì dần dần tôn giáo sẽ ra khác đi, như đã nói trên đây : tam sao thất bản, nhất là trong trường hợp không có ai ý thức hay là có uy tín về một đạo lý mà mình có trách nhiệm hay là uy quyền để truyền đạt sao cho trung thành. Do đó mà các giáo phái nảy nở ra vô số, như ở Hoa Kỳ ngày nay, và có thể biến thành truyền thống tôn giáo mới.

Tóm lại là mỗi khi tiếp nhận một tôn giáo mới, người ta thường lấy ít nhiều điều trong đó mà thêm vào cái vốn liếng tư tưởng, lễ nghi và hành động mà mình đã có sẵn, mà ít khi để ý đến những cái mâu thuẫn giữa hai truyền thống. Như ta đã biết, có người cho như thế là tổng hợp, là hòa hợp, là có tinh thần khoan dung, là thích nghi, làm giầu cho tôn giáo, nhưng kỳ thực đó thường chỉ là hỗn dung. Hỗn dung, vì đó là do những cá nhân rời rạc, ai nấy tùy tiện chọn cái này, bỏ cái kia, tùy hoàn cảnh chốc lát, vá víu lại mà không có cái nhìn tổng quát về tất cả các yếu  tố đang thông dụng chung quanh mình. Dĩ nhiên là trong tình trạng đó không bao giờ có cái gọi là giáo điều cả, vì có dậy điều gì đâu. Giáo điều chỉ phát sinh ra khi người trong một cộng đoàn tôn giáo có một truyền thống chung, muốn trung thành với điều giáo tổ dậy, rồi thỏa thuận với nhau về điều mình cùng tin và định hình cho những điều mình muốn truyền đạt. Tuy vậy những điều dậy căn bản cũng phải thích nghi với hoàn cảnh văn hóa mới.

c)    Xác định nội dung cho tôn giáo 

Lý do thứ ba làm cho nội dung các tôn giáo phiền tạp là vì khi chưa phân biệt phạm vi thế tục với phạm vi linh thiêng, thì văn hóa làm thành một khối mà người ta truyền lại, dậy lại cho nhau : đó là “tông giáo“. Trong khối đó thần linh và các vật linh thiêng, cũng như các vật hữu hình hữu sắc, được quan niệm như là nhưng khí lực tự nhiên ảnh hưởng lẫn nhau. Cái gì cũng vừa là tự nhiên, vừa là linh thiêng cả. Vì thế mà bên cạnh những tác động có tính cách kỹ thuật, người ta còn dùng đến pháp thuật phù thủy nữa. Dần dần theo như lập trường đạo Do-thái người ta đi đến chỗ tục hóa vũ trụ, biệt lập được phạm vi thế tục, lúc đó tôn giáo cũng xác định nội dung rõ rệt hơn và tách rời được ra khỏi phạm vi khoa học và kỹ thuật, và đồng thời những quan niệm về phép thần thông, ma thuật, phù thủy, cũng dần dần ra khỏi phạm vi tôn giáo của họ.

Trong việc xác định nội dung của tôn giáo cũng còn cần phải phân biệt đâu là những điểm cốt yếu, không thể bỏ đi được, và đâu là những điểm tùy thuộc vào các văn hóa khác nhau, hoặc giúp cho người ta dễ hiểu giáo lý hay đạo pháp, hoặc để thích nghi trong lối hành đạo. Nhưng đây không phải là việc dễ, cho nên phải rất thận trọng. Vì lẽ rằng ý hướng tôn giáo bao giờ cũng phải được thực hiện trong những yếu tố văn hóa, thành ra không thể tách rời những yếu tố văn hóa có tính cách tương đối, để tìm ra cái hạt nhân cốt yếu của tôn giáo : làm như thế cũng như là muốn bóc nõn củ hành để tìm cho ra hạt nhân !

Sau đây xin trình bầy con đường chuyển từ “tông giáo“ sang “tôn giáo“

 

2.2  – Từ “tông giáo“ đến “tôn giáo“ 

Như vừa nói trước đây, con người ta sống trong xã hội thì học lấy của tiền nhân một nền văn hóa – một “tông giáo“, do ông tổ ông tông dậy cho – bao gồm từ những kỹ thuật để tìm ra đồ ăn thức uống, may áo làm nhà, và những gì cần cho sức khỏe, cho đến đường lối tư tưởng, quan niệm về vũ trụ, cách thức cư xử với người khác và với các khí lực hay các thần linh vô hình. Như thế là trong văn hóa cũng đã chứa sẵn những vật liệu của tín ngưỡng. Nhưng tất cả còn trộn lẫn cả với nhau như là một khối, không phân biệt đâu là tôn giáo, đâu là phạm vi thế tục. Cũng phải lâu lắm người ta mới dần dần, từ cái khối “tông giáo“ duy nhất đó, mà phân biệt ra làm nhiều phạm vi tương đối biệt lập. Và có lẽ sau khi người ta đã định giới hạn rõ rệt cho các phạm vi khác, thì “tôn giáo“ là phạm vi còn lại, cũng mới dần dần được xác định và được tách rời ra khỏi những yếu tố khác. Những yếu tố này lúc đó mới làm thành phạm vi thế tục.

Một ví dụ : khi đọc bộ sách Thánh Kinh của đạo Do thái, người ta thấy kể truyện dân Do thái, qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, lúc lên lúc xuống, đã quan niệm về Thiên Chúa từ những hình ảnh thô sơ, đôi khi dã man, theo như hình ảnh con người chưa văn minh lắm, cho đến hình ảnh thanh cao, khác xa hình ảnh mà, theo phương pháp “suy bụng ta ra bụng người“, mình gán cho Thiên Chúa. Thế nhưng cũng chính trong sách thánh, bên cạnh lịch sử tôn giáo đó, ta còn thấy có nhiều yếu tố khác liên quan đến cách thức làm ăn, nấu nướng, cách thức tổ chức đời sống chung, tổ chức tự vệ, thậm chí còn có cả những phương thức vệ sinh công cộng nữa [7]

Các dân tộc khác cũng ở trong tình trạng tương tự, nghĩa là họ duy trì tất cả những điều tổ tông dậy phải làm, tức là “tông giáo“, cho đó là quốc hồn quốc túy, là dân tộc tính, quan trọng như nhau cả, mà thường không phân biệt đâu là cái chính đâu là cái tùy, và đâu là cái thần thiêng đâu là cái hoàn toàn thế tục. Ai không chấp nhận tất cả như thế thì cho là phản dân tộc, phản tôn giáo. Có lẽ chính vì tất cả còn lẫn lộn như thế, cho nên nhiều khi những tư tưởng cao siêu vẫn đi đôi với những hành động pháp thuật hay ma thuật, phù chú. Thành ra có những nhà nghiên cứu cho rằng tôn giáo thanh cao mấy cũng chỉ là một biến thể của pháp thuật !

Khi tiếp xúc với dân tộc khác, người ta dần dần tương đối hóa một ít tập tục của mình. Nhưng người ta đi được một bước tiến vô cùng quan trọng là khi nảy ra ý định tục hóa vũ trụ. Nếu vũ trụ hữu hình không phải là phạm vi thần thiêng nữa, thì những cái thần thiêng phải biệt lập ra trong phạm vi khác. Từ đó người ta có thể đụng chạm vào các lực lượng thiên nhiên mà không sợ trời đánh thánh vật nữa. Trong văn minh Âu châu có hai yếu tố giao thoa trong việc tục hóa thiên nhiên, đó là quan niệm tôn giáo của người Do thái chủ trương có một Thiên Chúa siêu việt, và quan niệm thế tục duy lý của người Hi-lạp. 

Trong Sách Sáng thế của đạo Do thái, chương 1, thấy kể truyện Thiên Chúa sáng tạo ra trời đất. Thoạt nhìn thì có vẻ lạ lùng, huyền bí, khó hiểu, nhưng nhìn kỹ thì thấy nói lên rõ ràng là tất cả những vật mà các dân tộc khác có thói quen coi là thần thiêng, như : trời, đất, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, các cây cối, các loài vật trên trời, dưới nước cũng như trên cạn, thậm chí con người ta, kể cả những người tai to mặt lớn, vốn tự coi mình như là thiên tử, được thờ phụng như thần thánh, thí đạo Do thái cho rằng tất cả cũng chỉ là vật thụ tạo mà thôi, chứ không phải là thần thánh gì cả. Vì thế chỉ có vị nào khác hẳn, đã làm được cho có tất cả, mới được chấp nhận là “thiên địa chân chủ“, gọi tắt là „Thiên Chúa“ mà thôi.

Quan niệm duy lý của người Hi lạp bắt đầu phát triển vào khoảng thế kỷ XII trước CN, vào lúc triều đại nhà vua Mykênai (Mycènes) sụp đổ. Trước đó thì vương quyền và thần quyền đều nằm trong tay một nhà vua, cung đình thâm nghiêm của nhà vua là trung tâm đời sống xã hội và tôn giáo. Sau khi triều vua sụp đổ, không còn là thần thiêng nữa, thì người ta lập nên chế độ thị xã (polis) : từ nay chính trị là hoạt động hoàn toàn công cộng mà trung tâm là ở nơi công trường (agora), nơi mà các công dân tự do thảo luận, lấy lời nói (logos) và lấy cái lý (cũng một từ ngữ logos) mà thuyết phục nhau [8], chứ không còn lấy võ lực để uy hiếp hay là lấy uy quyền thần linh mà bắt người ta tùng phục.  Đưa cái lý vào để suy xét về đời sống con người một cách có qui củ, có mạch lạc, đó là cái công không nhỏ của người Hi lạp thời Thượng cổ.

Phạm vi thứ nhất được nghiên cứu như thế là phạm vi chính trị, và kết quả của nó là quan niệm dân chủ, bình đẳng. Sau đó thì người Hi lạp suy tư trên bình diện lý trí, tìm hiểu thiên nhiên, tìm hiểu chỗ đứng của con người trong vũ trụ, tìm hiểu lập trường đạo đức giữa người ta với nhau (luân lý), mà không căn cứ vào lời thần dậy thánh phán như người xưa quen làm. Cái di sản đó, người Âu châu đã tiếp thu và thể hiện ra trong triết học và khoa học của họ.

Riêng đạo Ki-tô thì đã xuất thân từ đạo Do-thái, với chủ trương tục hóa vũ trụ, và đã được truyền bá trong khu vực văn hóa duy lý của Hi-lạp, cho nên đã thừa tự được hai đặc điểm đó. Tuy vậy, khi tôn giáo cổ truyền trong đế quốc Rô-ma dần dần tan rã vì hai yếu tố trên đây, thì nhà nước lại thấy cần phải có một tôn(g) giáo chung, để dễ thống nhất quốc gia, và đó là một trong nhiều lý do làm cho các hoàng đế, từ Constantinô (306-337) trở đi, đã nâng đạo Ki-tô lên làm quốc giáo. Đạo và đời lại giao thoa với nhau, với khuynh hướng là trở về cái khối “tông giáo“ như xưa. Kết quả là : nhà cầm quyền chính trị thì cho rằng mình cũng có quyền về mặt tôn giáo như trước đó mấy thế kỷ – cũng như trong văn hóa Trung quốc vậy – nhưng các nhà hữu trách trong tôn giáo lại không chịu, vì vốn có chủ trương và truyền thống tách rời giáo quyền ra ngoài chính quyền. Từ đó mới có truyện giằng co giữa đôi bên cho đến ngày nay. Tuy nhiên về mặt tư tưởng thì ở Âu châu cho đến hết thời Trung cổ, tôn giáo có phần thắng thế. Lý do là vì sau khi các dân tộc kém văn minh tràn vào phá vỡ đế quốc Rô-ma thì các vương tướng của họ thiếu học, cho nên phải nhờ các nhà lãnh đạo tôn giáo dậy cho biết đọc biết viết, biết tiếng la-tinh và văn hóa Hi-lạp và Rô-ma [9].

Phải chờ cho đến thời Phục Hưng, sau khi người Âu châu đã học được kha khá văn hóa cổ điển, đồng thời chán nản về nạn chiến tranh tôn giáo kéo dài [10],  thì phong trào tục hóa đời sống, đã manh nha trước đó mấy thế kỷ, mới lại được gây dựng lại. Bắt đầu thì vẫn là về chính trị : Hugo Grotius (1583-1645), người Hòa lan, chủ trương rằng về vấn đề nhân quyền trong chính trị thì phải làm “etsi Deus non daretur“, nghĩa là trong thực hành thì làm “như thể không có Thiên Chúa“, và trong lý thuyết thì “cho dù không có Thiên Chúa“  cũng cứ theo lý mà giải quyết các vấn đề. Các khoa học khác, như : vật lý học, thiên văn, hóa học, sinh vật học, tâm lý học, xã hội học, đạo đức học, v.v. đều theo những phương pháp duy lý, không dùng gì đến những nguyên tắc tôn giáo nữa. Vì thế nhà lãnh đạo tôn giáo không tất nhiên là  có sở trường để phán đoán về các phạm vi thế tục, và ngược lại, nhà lãnh đạo chính trị cũng không tất nhiên là có sở trường về tôn giáo.

Cuộc cạnh tranh giữa tôn giáo và chính trị chỉ có thể nảy nở trong những nền văn minh như ở Âu châu, vốn đã có nguyên tắc đòi phải tách rời đôi bên. Còn ở những địa phương không có truyền thống như thế, thì tôn giáo là một trong những yếu tố gồm trong khối “tông giáo“, chính quyền và giáo quyền lẫn lộn với nhau, lợi dụng nhau [11]. Khi hai bên “vào hùa“ với nhau như thế, thì có lợi cho đôi bên : nhà cầm quyền chính trị tự coi mình như là thần thiêng, bất khả xâm phạm, mà giáo quyền cũng lợi dụng được uy quyền và uy lực của nhà nước để mạnh tay truyền đạo. Tôn giáo đã mất hẳn tính cách phổ biến, làm của chung cho cả nhân loại, để thành một yếu tố của một nền văn hóa riêng, thành ra quốc giáo. Trong trường hợp đó, như ngày nay ta vẫn còn thấy ở nhiều nơi, không riêng gì ở miền Trung-Đông, những người khác tôn giáo, thường bị kỳ thị, dần dần bị mất đi nhiều quyền lợi và đôi khi mất cả quyền sống nữa. Mà thực vậy, hiện nay ở một vài nơi những người không muốn cải giáo để theo Hồi giáo thì đang bị dồn ép vào cái thế phải lựa chọn : một là cuốn tay nải ra đi không về, hai là đi vào quan tài cho mất hẳn tông tích !

Ngay ở Âu châu trước đây, mặc dầu có nguyên tắc phân biệt hai phạm vi, nhưng có nhiều nhà lãnh đạo cả đôi bên vẫn ngấm ngầm muốn trở về vết cũ. Tuy có cái vẻ bề ngoài là cộng tác, nhưng nói cho đúng ra thì trong trường hợp đó giáo quyền thường chỉ có uy tín đối với những ai có lòng tin mà thôi, còn chính quyền thì vì có uy lực trong tay, cho nên có thể làm áp lực, bắt người ta phải tin thế này hay là phải làm thế kia – ví dụ như cấm đạo – hay là bắt giáo quyền phải nhượng bộ về luân lý, phải làm lễ phong đế, phong vương, để biện chính cho địa vị nhà vua. Ngay cả trong trường hợp mà giáo quyền có thể truy nã những người bất đồng ý kiến, thì cũng chỉ làm được khi có bàn tay sắt của vua chúa vì lợi ích riêng (như thống nhất quốc gia) mà muốn tiếp tay mà thôi [12].

Cách Mệnh Pháp đẵ đánh đổ cái vương quyền gọi là “do Thiên Chúa ấn định“ (de droit divin) và đồng thời cũng đánh đổ cả cái thần quyền đã “trót dại“ biện chính cho vương quyền như thế. Thế nhưng sau đó, khi Napoléon dành giật được chính quyền thì đem quân cách mệnh ra nước ngoài, lật đổ các đế vương, để rồi chính mình lại tự xưng là hoàng đế, và dùng áp lực đòi giáo quyền phải thừa nhận và cử hành lễ phong đế cho mình !

Karl Marx đã ra đời sau Cách Mệnh Pháp, ông phê bình gắt gao cái chế độ chính trị ấu trĩ, tự mịnh không đứng vững, nên cứ phải lấy tôn giáo làm tay vịn mới đứng được [13].

Nếu xưa kia tất cả những điều người ta dậy bảo nhau về vũ trụ, cũng như về vận mệnh con người, từ thế hệ này sang thế hệ khác – mà tôi đã đề nghị gọi là tông giáo – đều làm thành một khối duy nhất, thì từ nay đã chia ra làm hai khối : 1) Khối thứ nhất gồm các khoa học đã tự lập, vì đã xác định phạm vi và phương pháp riêng, để biết, để quan sát, đo lường và để nhận định về vũ trụ bây giờ. Đó là phạm vi có tính cách công cộng, của lý trí, dùng minh chứng và thí nghiệm, để kiểm chứng, nhằm đi tới những chân lý khách quan về sự vật. Lại gồm cả những tập tục, những cách cư xử giữa người ta với nhau trong xã hội. 2) Còn khối thứ hai thì gồm những thành phần không đo lường được, như những niềm tin tưởng, nhất là những dự định và ước vọng về vận mệnh tương lai của con người (sống làm gì ? đi đến đâu ? có thể làm gì ? có hi vọng gì ?). Khối này làm thành một phạm vi khác, trong đó có tôn giáo. Đây là phạm vi ý nghĩa của cuộc đời, căn cứ vào quyền tự do lựa chọn của con người : tự do theo hay là không theo tôn giáo nào. Và khi muốn thuyết phục người khác thì người ta chỉ có cách là đem nếp sống của mình ra để chứng thực mà thôi – và đây là không phải là việc dễ – chứ không lấy võ lực mà bắt ép. Thiết tưởng bao lâu người ta còn lẫn lộn, chưa chịu phân biệt hai phạm vi như thế, thì nhân loại còn phải chịu nhiều tai ương.

Vì thế có thể nói là không thể định nghĩa tôn giáo một cách tiền nghiệm được, nhưng phải theo lịch sử mà định nghĩa, phải xem giới hạn của các môn các khoa khác, rồi mới có thể xác định giới hạn của tôn giáo.

Tuy vậy văn hóa của con người ta không đi theo một nhịp như nhau, cho nên vẫn còn có người chưa phân biệt được như thế. Vì thế cái nội dung của các tôn giáo rất phiền tạp, tuy cùng nhằm về vận mệnh con người, nhưng có lúc chỉ hạn hẹp vào thái độ đối với thần linh, cũng có lúc bao trùm khá nhiều yếu tố văn hóa, chính trị, v.v., cho nên khi tìm hiểu hay là phê bình tôn giáo, cần phải thận trọng, vì rất dễ hiểu sai tín ngưỡng của người khác. Không thể căn cứ vào một vài sự kiện hạn hẹp về văn hóa, rồi lên tiếng rằng tôn giáo này là hữu ích, là hoàn hảo hoàn thiện, còn tôn giáo kia thì không có tính cách khoa học, lại hoàn toàn vô nhân vô đạo, như đôi khi có người chủ trương.

Đàng khác tôn giáo không phải là chỉ là ý thức trừu tượng về ý nghĩa cuộc đời, hay là những mơ ước suông về vận mệnh con người, chính vì thế mà tôn giáo phải được thực hiện dưới một hình thức cụ thể trong đời sống. Thành ra ý thức tôn giáo cũng phải định hình cho nếp sống, cho văn hóa, mà người ta lại dậy cho nhau. Nói thế khác : “tôn giáo“ cũng lại có khuynh hướng chuyển thành “tông giáo“.

 

23 – Từ “tôn giáo“ đến “tông giáo“ 

Riêng về tôn giáo , tuy rằng cần phải phân biệt phần ý nghĩa bên trong với phần cử chỉ, lễ nghi, hành động bên ngoài. Nhưng, như vừa nói trước đây, tôn giáo nếu không hiện hình dưới những yếu tố văn hóa bên ngoài, thì cũng chỉ là một cái gì trừu tượng vô hình, có cũng như không. Cho nên không bao giờ ta có thể gặp một tôn giáo gọi là thuần túy, không có liên quan gì với thế sự, với văn hóa.

Dẫu sao cũng cần phải phân biệt cho rõ. Vì lẽ rằng một ý hướng bên trong có thể được biểu lộ ra bằng nhiều cử chỉ bên ngoài, đồng thời các cử chỉ lễ nghi khách quan bên ngoài, lại có thể có những ý nghĩa rất khác nhau. Ví dụ lòng tôn kính có thể hiện hình, dưới thái độ khúm núm, cúi đầu, phủ phục, nói năng nhẹ nhàng, dâng các lễ vật, như hoa quả trà rượu, v.v.; ngược lại, những thái độ bên ngoài như thế có thể nói lên lòng chân thành, nhưng cũng có thể che dấu cái thâm ý phỉnh phờ, nịnh bợ, gian dối, hay là có mục đích chế nhạo, như trong phường chèo. Như khi quân lính Rô-ma cho đức Giê-su mặc áo long bào, tay cầm phủ việt bằng sậy, đầu đội triều thiên ghép bằng ngành gai, rồi quì gối xuống mà nói “Tâu vua Giu-đêu“.

Người Việt Nam ta dùng một từ ngữ “thờ“ – và những từ ngữ tương tự : thờ kính, thờ phụng (phượng), thờ lậy [14], tôn thờ – để nói lên thái độ đối với những vị bề trên khác nhau, như : thờ vua, thờ cha mẹ, thờ thầy, thờ chồng, thờ Phật, thờ thần, thờ tiên, thờ Thiên Chúa, thờ cá voi, thờ ngũ hổ, v.v. Dĩ nhiên là những thái độ đó, ai cũng biết là rất khác nhau tùy theo đối tượng.

Các lễ nghi bên ngoài, các hình ảnh tượng trưng, cũng như các thái độ tu thân, xử thế, trên lập trường nhân đạo chung, phần nhiều đều có thể được các tôn giáo vay mượn lẫn nhau, trong một giới hạn nhất định [15]. Bề ngoài thì có thể rất giống nhau, nhưng về ý nghĩa thì khác nhau nhiều lắm. Cho nên không thể căn cứ vào đó mà vội kết luận rằng đạo nào cũng thế hay là đạo này từ đạo kia mà ra.

Phân biệt ý hướng bên trong và lễ nghi bên ngoài như thế làm cho ta tương đối hóa những điều quan sát được về tôn giáo, nghĩa là không coi tôn giáo như là nhất định phải đồng nhất với một số tập tục lễ nghi của một văn hóa nào đó. Cho nên tôn giáo có thể có những hình thức khác nhau, có thể đào thải một số tập tục, để thích nghi với những cách xử thế và nghi lễ của văn hóa mới, mà vẫn giữ được cái căn bản, vẫn còn là một tôn giáo. Và khi thích nghi như thế, thì cái hình thức mới cũng có thể làm cho người ta khám phá thêm được những điều mới, làm cho ý hướng tôn giáo thêm rõ hơn hay là ra khác đi. 

Nay xin đan cử một ví dụ. Ví dụ này không lấy ra từ những nền văn hóa chưa có phân biệt tôn giáo với chính trị – nghĩa là còn ở trong “tông giáo“. Đó là đạo Giê-su Ki-tô, cũng quen gọi là đạo Thiên Chúa.

Đạo này đã từ đạo Do-thái mà ra, vì cùng dùng Thánh Kinh và khá nhiều lễ nghi như nhau. Nhưng có một số lễ nghi và tập tục đã bị phế bỏ. Cho nên những người đầu tiên theo đường lối của Giê-su Ki-tô, tuy vẫn đinh ninh là mình theo một trong nhiều môn phái trong đạo Do-thái, đã bị giáo quyền Do-thái trục xuất ra khỏi những giáo đường của họ, vào khoảng năm 70 sau CN. Đó là lúc họ bó buộc phải ra ngoài cái “tông giáo“ Do-thái, mà làm thành một “tôn giáo“ mới. Lại cũng chính vì trong đế quốc Rô-ma thời đó, đạo Do-thái được nhà nước công nhận và cho hoạt động, cho nên sau khi bị đuổi ra khỏi đạo Do-thái, người theo “tôn giáo“ mới này bị coi là theo tà giáo, cho nên bị chính quyền Ro-ma bách hại, phải lẩn lút trong vài thế kỷ.

Thêm vào đó : một đàng thì đạo Thiên Chúa vốn là đạo chủ trương có một Thiên Chúa chung cho cả nhân loại [16] đã được phát triển, có lẽ vì nó thích hợp với những cộng đồng rộng lớn thống nhất, hơn là những tôn giáo của các chi tộc với vô số các ông thần bà thần chỉ có tính cách chi tộc hay là địa phương. Các thần linh trong tôn giáo cổ truyền thì đã bị nhiều nhà văn và triết gia Hi-lạp phê bình, vì thường không có tính cách thanh cao, mà chỉ là phản ảnh của ước vọng hay dục vọng của con người, thậm chí hoàng đế Augustô (thế kỷ I) cũng lại đã tự tôn làm thần linh cho thần dân thờ phụng. Cũng vì thế các hoàng đế mới ra lệnh cấm đạo Thiên Chúa.

Cho đến năm 312 thì hoàng đế Constantinô thừa nhận, và năm 313 ra sắc lệnh cho tự do tôn giáo, và năm 323 thì chính mình tòng giáo. Sau đó hoàng đế Theodosiô I đưa lên làm quốc giáo. Đã đành là việc tòng giáo của hoàng đế là do niềm thâm tín, nhưng một tôn giáo vốn có chủ trương tách rời tôn giáo ra ngoài chính trị, mà nay lại đưa lên làm quốc giáo thì cũng rất có thể có ẩn ý chính trị : tôn giáo Rô-ma cổ truyền không còn dùng được để thống nhất đế quốc thì phải tìm một tôn giáo khác. Từ đó đạo Thiên Chúa dần dần định hình cho nếp sống trong đế quốc. Nhưng cái quyết định này đã có hậu quả lâu dài mà không ai lường trước được.

Có một điều đáng chú ý là hầu hết các tôn giáo lớn đã bắt đầu từ một kinh nghiệm căn bản, dần dần đã hội nhập văn hóa, nghĩa là đem thực hiện trong các yếu tố văn hóa qua nhiều thế kỷ. Thế rồi các yếu tố đó được coi như là thành phần cốt yếu của tôn giáo, không thể bỏ đi được : như thế là “tôn giáo“ lại đã phát triển thành “tông giáo“. Người làm chính trị thường căn cứ vào đó để lôi cuốn quần chúng, lấy chiêu bài là tranh đấu bảo vệ tôn(g) giáo và văn hóa dân tộc. Ví dụ ngày nay có nhiều người tự xưng là tín đồ tôn giáo nọ tôn giáo kia, nhưng họ có kinh nghiệm tôn giáo hay không, có hiểu đạo lý ít hay nhiều, thì khó mà biết được; chỉ biết rằng họ bám chặt vào mấy tập quán, mấy nghi lễ, mấy điều thực hành, như tham gia một số lễ hội, kiêng ăn thịt lợn, thỉnh thoảng ăn chay, hay là bắt phụ nữ phải lấy khăn trùm kín cả tóc, hoặc trùm kín cả đầu hay là cả thân thể, và nhất định coi đó là tôn(g)  giáo đích thực !

Hiện nay riêng trong đạo Thiên Chúa ở Âu châu người ta nhận thấy rằng các môn phái, nhất là Công giáo, từ hai nghìn năm đã phát triển ra một hệ thống đồ sộ, gồm rất nhiều lý thuyết, nghi lễ, phong tục tập quán, lề luật, rất là phong phú, nhưng cũng rất phức tạp, rất nặng nề, ít người quán xuyến nổi. Có nhiều yếu tố đã được tục hóa, mà làm thành di sản văn hóa chung. Còn những yếu tố khác, tuy rất thích hợp với các thế hệ trước đây, nhưng ngày nay rất khó hiểu đối với lớp thanh niên đang đi vào văn hóa mới, cho nên trở nên như là vô nghĩa. Cho nên đang có phong trào đi ngược qua các sản phẩm “tông giáo“ đó, để tìm về nguồn “tôn giáo“, là kinh nghiệm căn bản trình bầy trong sách Phúc âm : vì lẽ rằng nước ở nguồn thì trong hơn, và có uống nước ở trên nguồn, thì mới tìm lại được sinh khí của đạo giáo.

Thiết tưởng các tôn giáo lớn khác trên thế giới cũng ở trong tình trạng tương tự. 

Như đã giả thiết trước đây, tuy rằng tôn giáo nào cũng phải thành hình cụ thể trong văn hóa, nhưng chính vì một tôn giáo có thể thành hình trong nhiều văn hóa khác nhau, nhiều tôn giáo có thể thành hình trong cùng một văn hóa, cho nên cái nội dung của tôn giáo có thể lại dần dần được khai quang, tách rời ra khỏi một số tập tục, một số kiến thức bình dân hay tri thức khoa học và quan niệm triết học, làm cho ta hiểu rõ hơn, và xác định về mỗi tôn giáo : đâu là kinh nghiệm căn bản được lấy làm điểm tựa, đâu là vấn đề nhân sinh mà người ta muốn giải quyết, và đâu là giải pháp mà tôn giáo đề nghị ra.  Và đây là “tôn giáo“ tại nguồn, đã được nhập cuộc, triển khai trong văn hóa gốc, và được truyền bá trong khuôn khổ chung của “tông giáo“.

Có nhận ra như thế, mới có thể lại tiếp tục hội nhập văn hóa, và sống đạo trong văn hóa mới. Dù sao khi nhìn vào các yếu tố cụ thể của tôn giáo, ta thấy có nhiều yếu tố chung cho nhiều tôn giáo, vì người ta vay mượn nhau khá nhiều. Nhưng ngay trong trường hợp đó thì, như đã nói trên đây, các yếu tố đó có ý nghĩa khác nhau tùy theo ý hướng chung của mỗi tôn giáo. Cho nên cái căn bản là ở tại ý hướng tổng quát điều động tâm linh từ bên trong, chứ không phải chỉ là những cái quan sát được ở bên ngoài vậy.

Vấn đề xác định nội dung của tôn giáo như thế vẫn chưa giải quyết xong, vì cái nội dung đó không phải là sự kiện khách quan, mà người ta thấy ở thị trường tôn giáo, rồi cá nhân tùy sở thích, tùy tư lợi, mà chọn cái này, bỏ cái kia.

 

24 - Kết luận tạm thời 

Để tạm kết luận và để đặt vấn đề cho rõ ràng, thiết tưởng cần phải phân biệt ra mấy điểm sau đây :

1) quan điểm tâm lý học : khoa tâm lý học thường ra sức tìm cho ra những nguyên nhân, những lý do và những mục đích có thể thúc đẩy cho con người ta tin và hoạt động. Nhưng như thế vừa là dư thừa, lại vừa là chưa đủ. Vì lẽ rằng con người là chủ thể tự lập, tự quyết, đóng vai chủ động, cho nên thường chỉ tựa vào một vài yếu tố để quyết định lấy cho mình, chứ  không tất nhiên phải quay như một cái chong chóng, khi bất cứ có yếu tố nào đó tác động đến mình.

2) quan điểm xã hội học : niềm tin có tính cách xã hội, và người ta tin là vì có người khác dẫn đường, tin là tín cẩn vào người khác và cùng tin với người khác. Giáo lý hay đạo pháp không phải là những cuốn sách từ trời ban xuống hay những cái bia đá, hết đời này sang đời khác vẫn « trơ trơ như đá vững như đồng ». Tôn giáo chỉ tồn tại nếu nó vào được trong lòng người giáo đồ, thành ra sinh khí định hình cho nếp sống. Như thế phải có người dậy và có người được dậy bảo biết “ăn lời“ lấy cho mình. Nếu không như thế thì tôn giáo sẽ chết đi, và những bia đá, những điện thờ tráng lệ, những đống sách vở uyên thâm cũng chỉ còn là những bất động sản, những đồ vật để cho người bảo cổ, hoài cổ, hiếu cổ, tích trữ và tùy tiện giải thích, như người ngoại cuộc.

3) tính cách tượng trưng : ta tạm dùng hai chữ “tượng trưng“ để nói lên rằng hoạt động của con người ta – nhất là trong hoạt động tôn giáo – không phải là động tác vật lý học, tùy thuộc một cách tất nhiên vào những nguyên nhân (causes) vật lý học hay hóa học ngoại lai thúc đẩy, nhưng là tùy vào cái ý nghĩa (sens, signification) của các yếu tố vật chất đó đối với sở ước sở vọng của con người. Các ý nghĩa đó được diễn tả ra trong ngôn từ, trong lời nói và trong các cử chỉ hay lễ nghi, và được truyền lại cho hậu thế.

4) Sau cùng thì các tôn giáo cùng nhằm về vận mệnh con người, nhưng nội dung khác nhau, vì quan niệm về vận mệnh con người – thuộc về phạm vi tự do – cũng thường khác nhau. Mỗi tôn giáo trình bầy và đôi khi có đối thoại về vận mệnh con người, và về những những chương trình cụ thể.

 Lambersart, 24/06/2014


[1]  Xem :Trần Văn Toàn, « Mấy nguyên tắc về khoa học con người », Nghiên cứu con người (Hà-Nội), 1 (10) 2004, tr 59-71 ; và “Liên quan nhân quả trong khoa học”, Nghiên cứu con người, 2 (17) 2005, tr 53-61. 

[2]  Die nichtchristlichen Religionen, Das Fischer-Lexikon, Frankfurt am Main, 1957, tr 12.

[3]  Glaube und Ritus der Hochreligionen, Bücher des Wissens 346, Frankfurt/Main, 1960, tr 156. 

[4]  Có những tôn giáo thời Thượng cổ, nay không còn tín đồ, nhưng các học giả lại hiểu biết rất nhiều. Ngày nay người ta có thể tìm hiểu như người ngoại cuộc những tôn giáo mà mình không tin theo. Hiểu có thật đúng hay không, đó lại là vấn đề khác. 

[5]  Có nhiều sách được gọi là „kinh“, và bắt đầu bằng hai chữ “Phật thuyết ...“.

[6]  Xem : Trần Văn Toàn, “Vấn đề phiên dịch các khái niệm đạo Thiên Chúa sang tiếng Việt“, Sách tập thể Trong dòng sông Sự Sống, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hồ Chí Minh, 1996, tr 72-100. 

[7]  Xem Sách Lê-vi, nhất là các chương 11 – 15. Về Hồi giáo, thì tôi còn nhớ là sau khi nhà lãnh đạo giáo phái Si-ít, là Khomeyni, lên nắm chính quyền ở nước Iran năm 1979, thì đã cho xuất bản một cuốn sách chỉ đạo bìa mầu xanh, liệt kê tỉ mỉ những việc tín hữu phải làm, trong đời sống tôn giáo, xã hội, kể cả những tác động trong phòng vệ sinh nữa. 

[8]  Trong môi trường như thế mới nảy ra khoa tu từ, hùng biện (rhétorique). Người Pháp gọi quốc hội là chỗ thảo luận, parlement, cũng là vì thế. Xem : Jean-Pierre Vernant, Les origines de la pensée grecque (1962), Presses universitaires de France, 1983, 135 tr.  

[9]  Nước ta khi mới độc lập thì  vua chúa cũng nhờ các nhà sư có học dậy bảo như thế.

[10]  Thực ra là chiến tranh giữa các chính quyền tựa vào các giáo phái khác nhau. 

[11]  Ngày nay ở Đông-Nam Á châu lại đang có những phong trào chính trị, muốn lợi dụng lấy một tôn giáo chung cho nhân loại làm quốc giáo, làm quốc hồn quốc túy, riêng cho dân tộc, để thu hút quần chúng.

[12]  Gọi là “bàn tay thế tục“ (bras séculier).

[13]  Trong bài “Về vấn đề Do thái” (1843), Karl Marx phê bình quan niệm nhà nước Thiên Chúa giáo ở Âu châu, nhưng những lời phê bình đó cũng còn giá trị đối với tất cả các quan niệm chính trị xưa nay lấy tôn giáo làm bàn đạp, làm quốc giáo.

 [14]  Tôi đặc biệt chú ý đến chữ « lậy », viết theo chữ Nôm thật là đầy ý nghĩa, vì nó gồm có chữ « lễ» và chữ « bái » là lậy : lậy cho hợp lễ.

[15]  Ví dụ : ta không bao giờ thấy có hình ảnh thập tự giá trong các đề thờ của đạo Do-thái hay của Hồi giáo, không bao giờ thấy tượng Phật trong những nơi thờ một vị Thiên Chúa duy nhất. 

[16]  Người ta gọi là đạo nhất thần qui về đạo đức (monothéisme éthique).

Tác giả: Gs. Trần Văn Toàn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!