.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I : Cuộc-đời muôn màu muôn sắc

Chương II : Chiếc cầu tre lắc lẻo

Chương III : "Tin là Yêu"

Chương IV : Con đường Đức-tin diệu vợi

Chương V : Ánh-sáng đến trong thế-gian

Chương VI : Trời mới - Đất mới

Chương VII : "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương VIII : Đức Kitô trở lại trong vinh quang

Chương IX : Chuyển hoá môi trường

Chương X : Mầu-nhiệm Thánh-giá

Chương XI : Rao giảng Tin-mừng

Chương XII : Hướng đến một nền Thần học Việt Nam

Chương XIII : "Anh em hãy vui luôn..."

Chương XIV : "Đức Kitô là tất cả"

Chương XV : Trong Đức Kitô

Chương XVI : Thiên Chúa làm "Bụi đất"

Chương XVII : "Xin đừng sợ"

Chương XVIII : Hỡi Tín-hữu, ngươi ta ai?

Chương XIX : Đức-tin và Văn-hoá

Chương XX : Thay lời kết - Hãy trao cho nhau một tấm lòng...

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Trong Đức Kitô
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG XVI : THIÊN CHÚA LÀM "BỤI ĐẤT"

   Mỗi lần ngày lễ Giáng-sinh chuẩn bị trở về, theo chu kỳ vận chuyển của tháng năm, lòng tôi rạo rực, trăn trở, bồi hồi... Không phải vì tôi đợi chờ những ngày nghỉ, những thiệp chúc mừng hay là những kiện hàng đầy quà cáp, quí hoá và dễ thương. Lòng tôi xáo trộn, bất an, khắc khoải vì tuổi đời đã vượt quá lục tuần... Sáu mươi tuổi là "lục thập nhi nhĩ thuận". Vành tai tôi đã biết xôn xao nghe ngóng, nhạy bén, đón nhận tiếng gió, tiếng mưa, tiếng trở mình gay gắt và nhức nhối của núi sông... Thế mà ý nghĩa, lý sự của ngày lễ "Thiên Chúa Làm Người" vẫn còn là một chấm hỏi khổng lồ trong bản thân và cuộc đời!

***

   Câu hỏi thứ 1: Thiên Chúa Làm người phải chăng chỉ gây ra những xáo trộn càng ngày càng lớn lao, trên quả đất nầy?

   Cách đây 2000 năm, ngày Thiên Chúa sinh ra, làm một em bé non dại, yếu ớt trong vòng tay bà mẹ của mình, theo lời tường thuật của hai tác giả Mát-thêu và Lu-ca, niemn vui và hy vọng tự nhiên toát ra trên cửa miệng của mọi người "Bình an dưới thế cho người thành tâm!".

   Nhưng trong vòng 20 thế kỷ đã qua, hỡi Bình-an, ngươi ở đâu? Bình an chưa một lần là hoa trái thực sự và lâu bền, chưa một lần là hồng ân vĩnh viễn cho nhân loại, từ Bắc xuống Nam, từ Đông qua Tây.

   Quê hương Việt Nam, từ ngày còn mang tên Vạn Xuân, Đại Việt, đã bị phương Bắc xâm lăng, đàn áp, bóc lột. Ý đồ đồng hoá ấy vẫn còn mang tính thời sự, vào đầu ngàn năm thứ ba. Mặc dù máu chảy thành biển, xương chất thành núi, dưới bước chân càn quét của quân đội viễn chinh, Thiên-triều của phương Bắc vẫn tự hào đã mang đến cho "quận Giao chỉ miền Nam" ánh sáng của Văn-minh và Nhân-nghĩa đại đồng, vượt qua mọi biên giới của bốn biển.

   Phương Tây, sau khi đã thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, cũng muốn mở rộng "Nước Chúa" đến tận mọi phương trời, chân biển... bằng súng ống, bom đạn, và thánh chiến. Ở Mỹ châu cũng như ở Á và Phi, bài học lịch sử đã cho thấy một sự cấu kết thường hằng giữa đoàn quân xâm lược chiếm đất giành dân và đoàn quân các thừa sai ngoại quốc muốn mở mang Nước Chúa và rao giảng Tin-mừng.

   Thiên Chúa đã đến trong lòng nhân loại, với hình hài và tâm hồn của một em bé non nớt, mong manh cần tình thương bao bọc của bà con xóm làng. Em bé ấy bị vua chúa lùng bắt để sát hại - đã lên đường đi tị nạn.

   Ai đã vũ trang em bé Thiên Chúa ấy? Ai đã biến em bé ấy thành tên lính viễn chinh đi càn quét các xứ sở "man di, mọi rợ".

   Vào cuối thế kỷ 20, mọi ý đồ thực dân kiểu cũ và kiểu mới đều bị tan rã khắp mọi nơi. Không còn mãnh đất dụng võ để thao lược bạo động, tranh giành ảnh hưởng và quyền lực... những dân tộc có truyền thống Kitô giáo lâu đời như U-gan-đa, Ái-nhĩ-lan, miền đất trước đây mang tên là Nam Tư (Yougoslavie) lại trở nên những địa bàn sôi bỏng của thảm hoạ kỳ thị và thanh lọc chủng tộc, tàn sát lẫn nhau.

   Hỡi tinh thần Kitô giáo, ngươi ở đâu? Những bài giáo lý về tình anh em, những trang Phúc-âm về người xứ Xa-ma-ry phúc hậu, kinh "Bất-hạnh" được lặp đi lặp lại trong các bài giảng...đã được tiêu hoá, hội nhập đến mức độ nào?

   Hôm nay, vào thời điểm năm 2.000, Đức Kitô vẫn còn nói được với những ai mang danh Ngài: Dân nầy chỉ bi bô công lý, hoà bình, bác ái, tha thứ ở đầu môi chót lưỡi. Lòng dạ họ còn xa cách Ngài bao nhiêu dặm đường? Cho đến bao giờ Tin-mừng của Thiên Chúa mới biến thành hành động cụ thể trong mỗi người?

   

***

   Câu hỏi thứ 2:  Phúc cho người nghèo đói!

   Có thật như vậy không?

   Trong vòng 2000 năm, "con chim có tổ, con chồn có hang...con người không nơi tựa đầu!" Con người ấy cho dù ở thành phố Hà Nội, Sài-gòn, Abidjan (Côte-d'Ivoire), Paris..., đều là Đức Kitô. Trước khi xây cho Ngài những ngôi nha thờ chính toà đồ sộ, bằng xi-măng cốt sắt... để rồi một mai kia bị tịch thu làm kho vật tư hay là bảo tàng viện, những "bạn bè thân tín mang tên Ngài" có hiểu được rằng: Ngài đang cần những tấm lòng chân thành, một hơi ấm tình người, một liếc nhìn cảm thông, một nắm tay bắt bình đẳng, một lời hỏi han? Hơn là một lâu đài lạnh lẽo và vắng lặng với những bức tượng Chúa - Mẹ trị giá hơn 2000 Mỹ kim.

   Và ở đâu có người đang ngửa tay đi ăn xin, ở đó Thiên Chúa là người ăn mày!

   Ở đâu còn có người đang ngã lưng trên vệ đường, để qua đêm... Thiên Chúa là người vô gia cư!

   Ở đâu có tình trạng người bóc lột người, người ăn hối lộ người, người tàn sát người và vùi lấp trong các hố tập thể...ở đó Thiên Chúa đang còn bị xua đuổi, loại trừ. Ngài đang là thành phần vô sản chính hiệu, nguyên chất.

   Cách đây gần 30 năm, các giám mục Á-châu đã họp hội đồng ở Manila. Họ từ chối không chấp nhận biến Hội-thánh thành một cô đảo trù phú, vinh thăng, háo thắng đầy quyền lực ở giữa một đại dương nghèo đói, bần cùng, bị ức hiếp...

   Lời tuyên bố còn mang tính thời sự ấy phải chăng đã trở thành một mớ giấy lộn? Một hồ sơ thuộc bảo tàng viện, không bao giờ có khả năng thấy ánh sáng?

   Nhân trận bão lụt ở miền Trung vào cuối năm 1999, bao nhiêu người nghèo ở khắp năm châu đã gửi nhiều tỷ đồng cho "người nghèo Gia-vê" ở Việt Nam; để họ kiến dựng lại đời sống làm người. Số tiền ấy đã bốc thành hơi nước ở đâu? Hai loại người có trách nhiệm Đạo và Đời, đã nhận lãnh số tiền ấy chưa bao giờ công khai báo cáo một cách nghiêm minh cho thế giới hay biết: Họ đã quản lý làm sao? Hay là vì sợ mối mọt, cướp bóc...họ đã chôn vùi kín đáo, che dấu kỹ lưỡng ở đâu đó, chưa có dịp trao lại cho dân chúng?

   "Người nghèo của Gia-vê" được đề cập trên toà giảng, trong các lớp giáo lý hay là qua lý luận của các nhà thần học... tôi sợ rằng: họ "không còn nghèo", vì "ba vua từ năm châu bốn bể đã mang vàng, nhũ hương, mộc dược" dâng cúng cho họ. Và từ lâu, họ đã trở thành một giai cấp vua Chúa theo kiểu triều đại của Vua Constantin... Con vi khuẩn quyền lực giàu sang danh vọng đã ăn đời ở kiếp trong từng tế bào và máu xương của họ. Với nón họ đội, giày họ đi, gậy họ cầm, màu sắc họ trưng bày "toà" nhà họ ở... làm sao họ có thể đại diện Thiên Chúa sinh ra trong chuồng bò hay là đang chết khát trên cây Thập-giá? Làm sao họ có thể thành ngôn sứ cho Ngài: Tôi đói, ông bà đã cho tôi ăn. Tôi nằm tù, ông bà đã tới thăm viếng. Tôi bị bách hại, ông bà đã bênh vực tôi trước mặt quan quyền...

  

*** 

   Câu hỏi thứ 3 : Ai lớn nhất trong anh em, người ấy phải chăng làm kẻ nhỏ nhất, cúi xuống rửa chân cho anh em mình?

   Bao giờ lời nói ấy của Đức Kitô mới trở thành hiện thực cho những ai sống Đức-tin vào ngài? Và ngày ngày có sứ mệnh loan truyền Tin-mừng của Ngài?

   Thiên Chúa chỉ "nói một Lời". Chỉ mặc khải một điều: Đó là Đức Kitô sinh ra trong hang bò. Ngài chấp nhận bị cư xử là tội nhân. Bị đóng đinh và giết chết trên Thánh-giá. Ngài trở thành "sâu bọ". Ngài là người đầy "đầy tớ khổ đau".

   Thế mà, Bộ Giáo-lý và Đức-tin khuyến cáo các Giám-mục năm châu bốn bể không được dùng danh hiệu "giáo-hội chị em" (Sister Church) với các cộng đoàn Tin-lành. Cũng theo bản tuyên ngôn, "Dominus Jesus" (Chúa Giêsu), Hội-thánh Công-giáo là môi trường duy nhất nhận lãnh Mặc-khải toàn diện của Thiên Chúa. Duy Hội-thánh Công-giáo mới thực sự là Thân-thể Nhiệm-mầu, do chính Đức Kitô sáng lập.

   Ngôn ngữ - tôi chỉ ở trên bình diện nầy mà thôi - ngôn ngữ nầy là của ai? Của một người muốn tranh chấp và bảo vệ quyền lực? Hay là của Thiên Chúa đang ngày ngày sinh ra làm một em bé. Ngài mặc khải mình, qua con người của Đức Kitô, như một số không. Duy cái hư không hay là "chân không" ấy mới có khả năng mặc khải Ngài là "Diệu-hữu". Nói cách khác, duy mình Ngài mới là "Tất cả" trong tất cả mọi sự và mọi người. Duy Đức Kitô là Đầu mới có khả năng thu tóm mọi sự trong Ngài.

   Ngôn ngữ ấy không thể "duy-lý" cực đoan như hai cọng với hai thành bốn. Đó là ngôn ngữ của Đức-mến trong giáo-lý của Thánh Phaolô (1 Cor. 13, 1-10).

   Trong Đức-mến, không một ai, dù là Giáo chủ của Hội-thánh Công-giáo, tự cho mình cái quyền uy "ngồi bên hữu và bên tả" của Đức Kitô trên nước trời. Hay là có độc quyền về chân lý!

   Nếu không nói ngôn ngữ của Đức-mến, chúng ta còn là đồ đệ của Đức Kitô nữa không?

   Bộ Giáo-lý lo sợ con vi khuẩn "tương đối hoá quá khích" đang lây lất trong giới thần học gia, nhất là trong môi trường Á-châu hoặc Đông-phương. Hội-thánh có nguy cơ trở thành xôi đậu lộn xộn, vì các nhà thần học Á-châu có xu thế "bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia", hỗn hợp lộn xộn. Tiếng Pháp là syncrétisme. Đây lại là vấn đề ngôn ngữ chụp mũ, trước khi lắng nghe và tìm hiểu anh chị em.

   Cái bị mang tiếng là trà trộn lộn xộn ở Âu-tây, trong ngôn ngữ duy lý, còn mang một danh hiệu quý trọng là lòng Bao-dung của Thiên Chúa. Trong cõi lòng Đại-dương của Ngài, những con sông, khe suối, dòng nước chìm, nổi đều trở về thanh luyện. Nước-đà của sông Hồng, nước-đen của Phi-châu, nước-đỏ của Amazone, nước-xanh của Danube Bleu... đều trở về thành nước tinh trong, vẹn toàn, vô nhiễm trong lòng Nước Trời. Không đánh mất bản sắc bản lãnh của mình.

   Thêm vào đó, tại sao lo sợ làm động lực cho chúng ta? Giáo chủ Gioan Phaolô II, để khai nguyên triều đại, đã xin Đức Kitô thổi Thần-khí An-hoà vào lòng mọi người: "Anh chị em, đừng sợ". Đừng sợ có nghĩa là cho phép từng người diễn tả lòng yêu thương đối với Đức Kitô, theo bản sắc văn hoá của mình. Chồng không thể ép vợ phải yêu mình như cách mình chỉ huy. Cũng vậy, trong môi trường Đức-tin, chúng ta là con cái tự do. Không ai bị coi là nô lệ, sống dưới ách độc tài của người khác, dù đó là cha mẹ sinh ra mình. Một tình yêu bị lèo lái "hò rì hò tắc" từ ngoài, còn được gọi là tình yêu nữa không?

  

***

   Từ ngày sinh ra trong hang bò máng cỏ, đến lúc chết hẩm hiu trên Thập-tự, không có được một mảnh áo che thân, Đức Kitô con Thiên Chúa đã sống tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần.

   Chúa Thánh Thần đã dẫn Ngài vào hoang địa để bị cám dỗ và thử thách nặng nề.

   Ngày hôm nay, ba chiêu bài Danh-vọng, Giàu-sang, và Tiền-tài đang còn đó, muốn tấn công và đánh ngã quị Hội-thánh của Ngài trên mọi nẻo đường dương thế.

   Theo cuốn sách "Vatican mis à nu", Hội-thánh cơ cấu phải chấp nhận bị lột trần, bị tước bỏ mọi lớp y phục giống như Đức Kitô, trước khi bị đóng đinh vào Thập-giá, trên ngọn đồi Gôn-gô-tha.

   Chừng nào chúng ta cởi hết mọi chiếc áo Giàu-sang, Danh-vọng và Tiền-tài, bị đóng đinh trần trụi vào Thánh-giá, can đảm chịu chết đi con người cũ muốn ăn trên ngồi trốc, muốn hơn người, muốn chiếm độc quyền về chân lý... lúc bấy giờ chúng ta mới có khả năng sống lại và làm cho địa cầu nhân loại nầy, trở thành "Trời-mới, Đất-mới" . Phải chăng đó mới là Tin-mừng "Thiên Chúa Làm người" ở giữa chúng ta? Ngài chọn lựa làm "bụi đất" để cho bụi đất trở thành con cái Ngài.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!