.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Đức tin công giáo, Dấu-chỉ và lời nói

Chương I : Về con người

Chương I : tiếp theo

Chương II : Những vấn-đề của giáo-hội Công giáo

Chương II : tiếp theo

Chương III : Trước thềm thời-đại mới

Chương III : tiếp theo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Muối Cho Đời
Tác giả: Joseph Ratzinger - Biển Đức XVI
Phạm Hồng Lam - Trần Hoành, dịch
CHƯƠNG III : TRƯỚC THỀM THỜI-ĐẠI MỚI

Hai ngàn năm lịch-sử ơn cứu-độ -

và vẫn chưa được cứu rỗi? 

Giáo-lí ơn cứu-độ đã được loan-truyền từ hai ngàn năm và từ hai ngàn năm nay có một Giáo-hội bước theo đức Ki-tô dấn-thân cho hòa-bình, công-lí và tình yêu. Nhưng vào thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ thứ hai sau Kitô, kết-quả tổng-kê xem ra nghèo-nàn như chưa từng có. Thậm chí một nhà văn Mỹ, ông Louis Begley, gọi thế-kỷ 20 là "một tang lễ ma-quái". Đó là một hoả-ngục gây nên bởi tội-ác giết người, thảm-sát tập-thể và bạo-lực, nghĩa là một tổng-hợp gói trọn mọi thứ kinh-hoàng.

Trong thế-kỷ 20 số người bị giết cao trội như chưa từng thấy. Đây là thời-điểm xẩy ra cuộc tận diệt người Do-thái và sự phát-triển bom hạt nhân. Người ta những tưởng, sau đệ nhị thế chiến sẽ mở màn một kỷ-nguyên thanh-bình. Hẳn người ta phải biết, với bài học tàn-sát Do-thái, nạn kỳ-thị chủng-tộc cuối cùng sẽ đưa ta về đâu. Nhưng tiếp nối năm 1945 lại là một khoảng thời-gian rách-nát vì chiến-tranh như chưa từng thấy. Trong thập niên 90 chúng ta trải qua tại Âu châu bao cuộc chiến và xung-đột tôn-giáo; khắp nơi trên thế-giới gia-tăng nạn đói, xua-đuổi cư dân, kì-thị chủng-tộc và tội-phạm, sự ác chiếm thế thượng-phong. Dĩ-nhiên thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ cũng ghi-nhận những biến-đổi tốt-đẹp: chính-sách toàn-trị trong trong các nhà-nước cộng-sản cáo-chung, bức màn sắt ở Trung Âu đã sụp-đổ, những vùng có tranh-chấp sẵn-sàng đối-thoại và các nước Trung Đông rục-rịch xích lại gần nhau.

Suy-tư về những gì Thiên Chúa và nhân loại thực-hiện, nhiều người hoài-nghi tự hỏi: Có thực thế-gian được cứu rỗi? Có thể gọi những năm sau đức Ki-tô là những năm của ơn cứu-độ? 

Đây quả là một chuỗi nhận-xét và vấn-nạn. Câu hỏi căn-bản ở đây thật ra là có phải Ki-tô giáo đã mang đến ơn cứu-độ, phải chăng Ki-tô giáo đã mang lại ơn cứu-rỗi hay Ki-tô giáo thật ra vô hiệu? Phải chăng Ki-tô giáo ngày nay đã mất sức sống?

Về vấn-đề này tôi thiết nghĩ trước hết phải nói ngay, ơn cứu-độ, một ơn đến từ Thiên-chúa, không phải là một thực-thể có định lượng và vì thế không thể tính-toán đo-lường thêm bớt. Nhìn theo kiến-thức kỹ-thuật, sự phát-triển trong nhân loại có lẽ đôi khi bị khựng lại, nhưng tựu trung vẫn có sự tiếp-tục tăng-trưởng. Những gì thuần-tuý là lượng-số, hẳn nhiên ta có thể cân đo được và có thể nhận ra những tăng giảm của chúng. Nhưng sự thiện nơi con người không phát-triển theo quy-tắc định-lượng đó, vì mỗi người là một cá-thể mới và vì thế với mỗi người lại bắt đầu một lịch-sử mới trên một bình-diện nào đó.

Sự phân-biệt trên đây rất hệ-trọng. Cái thiện nơi con người không thể tính bằng lượng. Bởi thế không thể cho rằng Ki-tô giáo vào năm khởi-thủy bắt đầu như một hạt cải, và cuối cùng sẽ phải sừng-sững như một đại thụ và ai cũng có thể thấy nó phát-triển tốt-tươi hơn từ thế-kỷ này sang thế-kỷ khác. Trái lại nó luôn có thể bị nghiêng đổ hay vấp ngã, vì ơn cứu-rỗi gắn chặt với tự-do của con người và Thiên Chúa  không bao giờ muốn lấy đi tự-do này.

 

Vào thời Ánh-sáng đã nảy ra tư-tưởng cho rằng tiến-trình văn-minh gần như bắt-buộc phải đưa nhân loại liên-tục tiến lên trên con đường chân, thiện, mỹ, và vì thế trong tương-lai không thể có những hành-động man-rợ nữa.

 

Ơn cứu-rỗi luôn gắn liền với tự-do, có thể nói đó chính là cơ-cấu mạo-hiểm của ơn cứu rỗi. Bởi thế nó không bao giờ đơn thuần được áp đặt từ ngoài hoặc được xây-dựng kiên-cố với một cơ-cấu vững-chắc, nhưng nó được đặt vào một chiếc bình dễ vỡ là tự-do con người. Nếu cho rằng con người đã vươn tới một độ cao, thì cũng phải coi chừng nó có thể rơi xuống và tan-vỡ. Tôi thiết nghĩ đó chính là cuộc tranh-luận khi đức Ki-tô bị cám-dỗ: Phải chăng ơn cứu-rỗi phải như một cái gì kiên-định trên dương-gian, có thể tính-toán được theo nghĩa: mọi người đều có cuả ăn, từ nay không đâu bị đói nữa? Hay ơn cứu-rỗi là cái gì khác hẳn? Vì nó gắn chặt với tự-do, vì nó không bị áp-đặt cho con người trong những cơ-cấu có sẵn, mà trái lại luôn nhịp bước với tự-do của con người, cho nên trong một mức-độ nhất-định nó vẫn có thể bị tan-vỡ.

Ta cũng phải nhìn-nhận rằng Ki-tô giáo đã luôn toả ra một tình nhân-ái dạt-dào. Những gì Ki-tô giáo đã mang vào lịch-sử thật đáng kể. Goethe* từng thốt lên: Những gì đã xẩy ra quanh tôi làm tôi phải cúi đầu. Đúng thế, chỉ qua Ki-tô giáo mà hệ-thống chăm-sóc bệnh nhân, cưu-mang người yếu kém và cả một hệ-thống tổ chức từ-thiện đã hình thành. Cũng nhờ Ki-tô giáo mới phát-sinh sự tôn-trọng con người trong mọi hoàn-cảnh. Một sự kiện lịch-sử đáng ghi nhận: Sau khi chấp-nhận Ki-tô giáo, việc đầu tiên hoàng-đế Constantinus thấy phải thi-hành là cải-tổ luật-lệ, để chủ-nhật thành ngày nghỉ cho mọi người và cho người nô-lệ được hưởng một số quyền-lợi.

Tôi cũng có thể đan-cử trường-hợp Athanasius, vị giám-mục lỗi-lạc thành Alexandria trong thế-kỷ thứ tư. Qua kinh-nghiệm bản-thân ngài tả lại cảnh khắp nơi các bộ-lạc cứ nhăm-nhe dao búa kình-chống nhau, mãi tới khi trở thành ki-tô-hữu, họ mới biết chung sống hoà-bình. Nhưng đó là những đặc-tính không do cơ-cấu của một thể-chế chính-trị tự tạo nên. Chúng cũng có thể bị sụp-đổ, như ta ngày nay vẫn thấy.

Ở đâu con người xa rời đức tin, ở đó những tệ-nạn khủng-khiếp thời ngẫu-tượng sẽ ồ-ạt trở lại. Tôi tin rằng, ta có thể nhận thấy rõ Thiên Chúa  đi vào lịch-sử một cách nói được là mong-manh hơn chúng ta mong-muốn. Nhưng đó lại là câu trả lời cuả Ngài đáp lại tự-do của ta. Một khi ta muốn và chấp-nhận Thiên Chúa  tôn-trọng tự-do của ta, ta cũng phải học tôn-trọng và quí-chuộng tính-cách mong-manh của hành-động Ngài.

 

Ki-tô giáo ngày nay đã bành-trướng rộng-rãi trên khắp thế-giới như chưa bao giờ từng thấy. Nhưng ơn cứu-độ cho thế-gian đã không đương-nhiên đồng-bộ với nhịp tiến đó.

 

Đúng vậy, sự lan rộng tính được bằng con số tín-hữu ki-tô không đương-nhiên dẫn đến sự cải-thiện thế-gian, vì không phải tất-cả những ai mang tên ki-tô-hữu đều thực-sự là ki-tô-hữu. Ki-tô giáo chỉ ảnh-hưởng gián-tiếp lên khuôn mặt trần-gian qua con người, qua tự-do của họ. Sự dữ cũng không đương-nhiên bị khai-trừ khi ta thành-lập một hệ-thống chính-trị hay xã-hội mới.

 

Sự hiện-hữu của sự dữ mang ý-nghĩa gì đối với ơn cứu-rỗi hay không có ơn cứu-rỗi?

 

Sự dữ có thế-lực qua ngã tác-động lên tự-do con người và tạo nên những cơ-cấu riêng của nó. Rõ-ràng có những cơ-cấu của sự dữ. Chúng đè-nén con người, chúng có thể ngăn-chặn tự-do và như vậy tạo nên bức tường cản bước Thiên Chúa  đi vào trần-gian. Qua đức Kitô, Thiên Chúa  thắng sự dữ. Điều này không có nghĩa là từ nay tự-do con người hết bị sự dữ thử-thách, nhưng có nghĩa là Chúa sẵn-sàng đưa tay cho ta nắm và dẫn ta đi, song Ngài không ép-buộc ta.

 

Như thế có nghĩa là Thiên Chúa có quá ít quyền-lực trên dương-thế?

 

Dù sao Ngài cũng không muốn sử-dụng quyền-lực theo cách như ta tưởng. Đó chính là vấn-nạn mà ông đã gợi lên lúc đầu và tôi cũng muốn đặt ra cho cái gọi là "tinh-thần thế-gian": Tại sao Thiên Chúa bất lực như vậy? Tại sao Ngài chỉ cai-trị một cách yếu-ớt lạ-lùng như một kẻ bị đóng đinh trên thập-giá, như một kẻ thất-bại? Nhưng rõ ràng đó là cách Ngài muốn cai-trị và xử-dụng quyền-lực. Còn như dùng quyền-lực qua cưỡng-bức, áp-đặt và bạo-lực lại không phải là cách cuả Ngài.

 

Xin trở lại câu hỏi lúc đầu: Tình-trạng thế-giới, diễn-tả qua cách nói "một tang lễ ma-quái" của thế-kỷ 20, không nhất-thiết làm ta hoảng-sợ sao?

 

Là tín-hữu Ki-tô chúng ta biết trần-gian luôn nằm trong bàn tay Thiên-chúa. Ngay cả khi con người tháo bỏ dây liên-kết với Ngài và lao vào huỷ-diệt, trong tình-trạng thế-giới đổ-nát đó Chúa sẽ ra tay làm lại một khởi đầu mới. Phần chúng ta, trong niềm tin vào Ngài, chúng ta hành-động để con người không xa lià Ngài và gắng làm hết sức để thế-gian có thể tồn-tại như kỳ-công và con người như thụ-tạo của Ngài.

Tuy nhiên một viễn-tượng hết sức bi-quan vẫn có thể xẩy ra, trong đó sự vắng bóng Thiên Chúa – Metz gọi đó là "cuộc khủng-hoảng Thiên Chúa" – trở nên trầm-trọng đến nỗi khiến con người rơi vào vực thẳm luân-lí và thế-giới rơi vào vực thẳm đổ-nát, đứng trước bờ tận-thế. Nguy-nan đó chúng ta phải tính tới. Nhưng cho dù viễn-tượng tận-thế kia có xẩy ra, thì Thiên Chúa vẫn còn đó để bảo-vệ những ai tìm Ngài; kết-cục tình yêu vẫn mạnh hơn hận-thù.

 

Gio-an Phao-lô  II có nhận-xét: "Vào cuối thiên niên-kỷ thứ hai Giáo-hội lại trở thành Giáo-hội của các vị tử-đạo". Thưa hồng-y, chính ngài cũng làm một bản thống-kê tương-tự: "Nếu chúng ta không tìm lại cái phần làm nên căn-tính ki-tô giáo của mình, chúng ta sẽ không đứng vững trước những thử-thách của thời-đại".

 

Chúng ta đã trao-đổi về đề-tài này : Giáo-hội sẽ mặc lấy những hình-thức khác, Giáo-hội sẽ bớt phần đồng-hóa với những cộng-đồng lớn, sẽ mặc lấy hình-thái Giáo-hội của thiểu-số, sẽ sinh-động qua những nhóm nhỏ với xác-tín vững-mạnh, sống và hành-động theo niềm tin. Chính qua cung-cách này, nói theo Thánh-kinh, Giáo-hội sẽ là "muối cho đời". Trong tình-thế xáo-trộn này tính-chất bền-bỉ - nghĩa là cái cốt-lõi không thể bị tiêu-diệt nơi con người – lại trở nên quan-trọng hơn và những nguồn sức mạnh nâng-đỡ con người lại càng cần-thiết hơn bao giờ hết.

Bởi thế, một đàng Giáo-hội cần có sự uyển-chuyển để có thể chấp-nhận những tư-tưởng và trật-tự biến-đổi trong xã-hội cũng như cởi bỏ những liên-hệ ràng-buộc trước đây. Đàng khác, Giáo-hội chính vì thế cần có sự trung-kiên để duy-trì cái cốt-lõi làm nên con người, cái làm cho con người sống-còn, cái bảo-vệ phẩm-giá con người. Giáo-hội cần giữ vững điểm này và mở đường cho con người hướng lên cao, hướng vể Thiên Chúa, vì sức mạnh hòa-bình trên dương-thế chỉ đến từ nơi cao đó.

 

Ngày nay nhiều người cho rằng, trải qua bao thế-kỷ Giáo-hội đã hành-động không đúng với mạc-khải. Giáo-chủ đã nêu lên sự bất tương-dung nhân danh tôn-giáo và sự đồng-loã trong tội ác phạm đến nhân-quyền như thí-dụ  điển-hình cho "vực thẳm tội-lỗi" của 2000 năm lịch-sử Ki-tô giáo. Ngày nay Giáo-hội hay nói đến lầm-lỗi của mình đối với người Do-thái cũng như đối với phụ-nữ. Trước đây những thú-nhận như thế bị coi là làm giảm uy-quyền. Liệu Giáo-hội có phải lên tiếng bằng sự cởi-mở không che đậy hơn nữa về những lỗi-lầm ngay trong lòng Giáo-hội qua dòng lịch-sử?

 

Tôi thiết-nghĩ sự thành-thực luôn là một nhân-đức nền-tảng, bởi cũng vì nhờ nó chúng ta nhận biết rõ hơn đâu là Giáo-hội và đâu không phải là Giáo-hội. Trong ý-nghĩa này sự thẳng-thắn mới đây - nếu muốn dùng kiểu nói này - một sự thắng-thắn thú-nhận không che đậy những khía-cạnh đen-tối của lịch-sử Giáo-hội, là một hành-động quan-trọng để chứng-tỏ sự thành-tâm và trung-thực của mình. Nếu sám-hối, xét mình, nhận ra và lãnh lấy chính tội-lỗi mình là cái cốt-lõi của một ki-tô-hữu, bởi chỉ qua đó tôi mới thành-thực với chính tôi và trở nên công chính, thì Giáo-hội như một tác-nhân tập-thể cũng không thể tránh-né việc mổ-xẻ, nhìn ra và nhận lãnh lỗi-lầm mình. Một "thánh-vịnh sám-hối" của Giáo-hội quả thực cần-thiết để Giáo-hội chứng-tỏ mình thành-thực trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người.

Nhưng một điểm khác cũng quan-trọng không nên bỏ qua. Đó là không nên quên rằng, mặc cho lỗi-lầm và yếu-đuối, lời Chúa vẫn luôn được loan-truyền và các bí-tích vẫn tiếp-tục được ban-phát, và nhờ vậy sức mạnh ơn cứu-độ vẫn tác-động chặn đứng sự dữ. Chính vào lúc Ki-tô giáo như cục than hồng tàn-lụi và biến thành tro bụi thì thần-lực Thiên Chúa lại dấy lên những bừng-khởi đạo-đức mới. Chẳng hạn vào thế-kỷ 10, khi các giáo-triều sa-sút thê-thảm và người ta những tưởng Ki-tô giáo tại Rôma tới thời mạt-vận, thì chính vào thời đó tinh-thần dòng tu lại bừng lên và một động-lực hoàn-toàn mới của niềm tin nảy sinh. Quả thực có sự sa-sút trong lòng Giáo-hội hôm nay, Ki-tô giáo còn đó trên hình thức, nhưng chẳng được mấy ai sống thực niềm tin đó. Tuy nhiên, sự hiện-diện của đức Ki-tô vẫn âm-thầm tác-động để đem lại sự đổi mới vào một lúc không chờ không đợi.

 

Xem ra gánh lịch-sử đè nặng trên vai Giáo-hội. Thí-dụ vào dịp kỷ-niệm 500 năm Cô-lôm-bô khám-phá Mỹ châu người ta có dịp chứng-kiến những giao-động tình-cảm chống lại cuộc truyền đạo Ki-tô sôi-sục đến độ có thể tưởng như vấn-đề mới xẩy ra hôm qua.

 

Vấn-đề này xảy ra một phần do phán-đoán vơ đũa cả nắm, không có chứng-cớ lịch-sử, nhưng chỉ do những giao-động tình-cảm tức-thời. Đã có những lầm-lỗi xẩy ra, kể cả những lỗi-lầm trầm-trọng, điều đó tôi không chối-cãi. Nhưng, về lãnh-vực này, mới đây đã có những nghiên-cứu lịch-sử cho thấy đức tin và giáo-hội Công giáo cũng đã là nhân-tố chống lại sự chà-đạp thô-bạo lên văn-hóa và con người bản-xứ do những kẻ thực-dân đầy lòng tham gây nên. Phao-lô  III và những vị giáo-chủ kế tiếp đã mạnh-mẽ bảo-vệ quyền-lợi dân bản-xứ và đã ban-hành những luật-lệ tương-ứng. Vương-triều Tây-ban-nha, đặc-biệt là hoàng-đế Ca-rô-lô V, cũng ban-hành những khoản luật - mặc dầu một phần không được thực-thi - làm vẻ-vang danh-dự triều-đình, vì những luật này đề cao quyền-lợi dân bản-xứ, công-nhiên coi họ là đồng loại và như vậy có đầy-đủ nhân-quyền. Trong thế-kỷ huy-hoàng này của Tây-ban-nha các nhà thần-học và chuyên-gia giáo-luật đã khởi-xướng lên ý-niệm nhân-quyền. Về sau nhiều người lấy lại ý-niệm này, nhưng vương-triều Victoria của Tây-ban-nha đi tiên-phong tinh-luyện ý-niệm đó.

Những nhà truyền giáo lỗi-lạc thuộc dòng Phan-sinh và Đa-minh thực-sự chứng-tỏ là những trạng-sư bênh-vực con người. Không phải chỉ có Bartholomé de las Casas*, nhưng còn nhiều nhân-vật không tên tuổi khác nữa. Người ta mới khám-phá ra một khía-cạnh hi-hữu của lịch-sử truyền giáo. Những nhà truyền giáo dòng Phan-sinh tiên-khởi tại Mễ-tây-cơ - còn nặng ảnh-hưởng thần-học thần-linh của thế-kỷ XIII - đã rao truyền một hình-thức Ki-tô giáo đơn-sơ, nhẹ phần định-chế và đi thẳng vào lòng người. Không thể có những loạt người uà theo Ki-tô giáo như ta thấy ở Mễ-tây-cơ, nếu họ không cảm-nhận được đức tin như một sức mạnh giải-thoát; kể cả giải-thoát khỏi những tục thờ kính trước đó. Vì dân bản-xứ bị đàn-áp, muốn thoát gông-cùm, ngả theo Tây-ban-nha, nên Mễ-tây-cơ mới bị chinh-phục. Nhìn tổng-quát mới thấy đó là cả một bức tranh không đơn-giản, trong đó có những lỗi-lầm ta không được phép bỏ qua. Nếu lúc đó không có một thế-lực bênh-vực và giải-thoát để những nhóm dân bản-xứ còn tồn-tại như ngày nay tại Trung và Nam Mỹ , thì có lẽ lịch-sử đã xoay-chuyển khác hẳn.

 

Tại sao phải đợi bao thế-kỷ Galilêi* mới được phục-hồi danh-dự?

 

Tôi thiết nghĩ trong trường-hợp này người ta đã hành-động theo nguyên-tắc cứ để mọi chuyện tự trôi theo dòng thời-gian. Không ai thấy cần lên tiếng công-khai phục-hồi danh-dự. Chỉ vào thời Ánh-sáng vụ Galilêi mới được làm nổi cộm lên như một thí-dụ điển-hình cho những tranh-chấp giữa Giáo-hội và khoa-học. Cuộc tranh-chấp mang nặng ý-nghĩa lịch-sử, nhưng thoạt đầu không gây-cấn, giật-gân gần như một huyền-thoại. Thời Ánh-sáng cố trình-bầy sự-kiện như một triệu-chứng bệnh-hoạn về phong-cách Giáo-hội đối-xử với khoa-học. Do đó vụ Galilêi được đánh bóng như tiêu-biểu cho thái-độ bài khoa-học và cổ-lỗ của Giáo-hội. Dần hồi người ta nhận ra đây không chỉ đơn-thuần là câu chuyện của thời xa-xưa, nhưng là vấn-đề đang day-dứt lương-tâm hôm nay, vì thế cần phải giải-quyết một lần cho minh-bạch.

 

Lịch-sử đã xoay-chuyển ra sao nếu không có Giáo-hội, câu hỏi này không ai có thể trả lời được. Trong khi đó có thể dễ-dàng nhận ra đức tin Ki-tô giáo đã giải-thoát và làm cho thế-giới trở nên văn-minh qua sự phát-triển nhân-quyền, nghệ-thuật, giáo-dục thuần-phong mỹ-tục. Không thể hình-dung ra Âu châu nếu không có những tiến-bộ này. Nhà báo Do-thái Franz Oppenheimer viết: "Những nền dân-chủ đã nảy sinh trong thế-giới Do-thái - Ki-tô giáo tây phương. Lịch-sử phát-triển của những nền dân-chủ này là điều-kiện nền-tảng cho thế-giới đa-nguyên chúng ta. Nhờ lịch-sử này chúng ta có những tiêu-chuẩn để đo lường, phê-phán và sửa sai những nền dân-chủ của ta". Và chính ngài cũng lưu-ý rằng, sự tồn-tại những nền dân-chủ có phần liên-quan tới sự tồn-tại những giá-trị ki-tô giáo.

 

Tôi chỉ có thể thừa-nhận câu nói của Oppenheimer. Ngày nay ta biết rằng mẫu-mực dân-chủ đã nảy sinh từ nội-qui dòng tu với những khoản luật dòng và việc bầu-cử nội-bộ của họ. Thể-chế chính-trị đã rút ra từ đó ý-niệm luật-pháp áp-dụng đồng-đều cho mọi công-dân. Phải công-nhận trước đó đã có khuôn-mẫu quan-trọng của nền dân-chủ Hy-lạp, nhưng nó đã sụp-đổ với thần-minh và phải mất công xây-dựng lại. Hiển nhiên là hai nền dân-chủ tiên-phong ở Mỹ và Anh đều dựa trên sự chấp-nhận những giá-trị Ki-tô giáo và chúng chỉ có thể vận-hành trên căn-bản đồng-thuận về những giá-trị. Không có sự đồng-thuận về giá-trị này, chúng sẽ tan-rã và sụp-đổ. Như vậy, trên bình-diện lịch-sử, ta có thể làm được bản thống-kê tích-cực về Ki-tô giáo, vì nó đã làm nẩy sinh một mối liên-hệ mới giữa người với người cũng như đã kiến-tạo nên một nền nhân-bản mới. Nền dân-chủ cổ Hy-lạp dựa vào sự bảo-hộ linh-thiêng của thần-linh. Nền dân-chủ ki-tô của Thời-mới dựa vào tính-chất linh-thiêng của những giá-trị được bảo-đảm từ đức tin Ki-tô giáo, những giá-trị triệt-tiêu tính-cách độc-tài của đa-số. Những gì trước đây ông nói về bản thống-kê của thế-kỷ 20 cũng cho thấy rằng  nếu như ta vứt bỏ Ki-tô giáo ra khỏi thế-giới này, thì những thế-lực cổ-xưa của sự dữ - đã từng bị Ki-tô giáo khai-trừ - sẽ đột-nhập thế-giới trở lại. Dưới cái nhìn thuần lịch-sử ta có thể khẳng-định: Nếu không có nền-tảng tôn-giáo, nền-tảng „linh-thiêng“, thì không có dân-chủ.

 

Newmann, vị hồng-y người Anh, có lần nhận-xét về sứ-mạng truyền giáo của Giáo-hội: "Chỉ nhờ có ki-tô-hữu, nhờ màng lưới cộng-đoàn rải-rác khắp năm châu, nên thế-giới chưa bị huỷ-diệt. Sự tồn-tại của thế-giới gắn chặt với sự tồn-tại của Giáo-hội. Nếu Giáo-hội ngã bệnh, thế-giới sẽ than khóc thân-phận mình."

 

Có thể người ta cho nhận-xét trên là quá đáng, nhưng tôi nghĩ chính lịch-sử những thể-chế độc-tài vô thần lớn trong thế-kỷ chúng ta như chế-độ Đức quốc-xã và chế-độ cộng-sản, đã minh-chứng cho thấy là sự sụp đổ của Giáo-hội, sự phá-sản và vắng bóng đức tin như lực thúc-đẩy quan-trọng đưa đến hành-động, quả thực đã kéo theo thế-giới xuống vực thẳm. Trước kia thế-giới hỗn thần dù sao cũng còn đôi nét cao-đẹp, và nối-kết với thần-minh-cũng có nghĩa thừa-nhận những giá-trị uyên-nguyên, giúp con người kìm-hãm được cái dữ, chứ ngày nay, một khi kháng-lực chống lại cái dữ không còn nữa, thì sự sụp-đổ hẳn phải vô cùng bi-đát.

Qua hiểu-biết dựa trên kinh-nghiệm ta có thể quả-quyết, khi con người bỗng-nhiên bị lột hết sức mạnh luân-lí như được trình-bầy trong giáo-lí Ki-tô giáo, con người sẽ chao-đảo như con tầu va vào băng-sơn, và sự sống-còn của con người lúc đó thật mong-manh.

 

 

Thanh-tẩy - Buổi giao-thời

và những đe-doạ rạn-nứt

 

 

Vào cuối thiên niên-kỷ thời-gian có vẻ qua mau hơn, như do một lực liên-kết huyền-bí nào đó gây nên. Giống như những hạt cát rơi qua lỗ hở với vận-tốc cao nhất, lúc chiếc đồng hồ cát sắp cạn và sắp được dựng ngược lại. Nhiều người xác-tín rằng chúng ta đang ở vào thời-điểm khai-sinh một cộng-đồng thế-giới mới, khác hẳn từ nền-tảng với thế-giới trước đây, cũng giống như thế-giới sau thời cách-mạng kỹ-nghệ khác xa với thế-giới nông-nghiệp lâu đời trước đó.

Đó là cái mà những nhà xã-hội học gọi là biến-cố chia dòng nước, lúc dòng nước đổi hướng chảy ngược chiều, theo biến-cố đó thì chỉ còn vài giá-trị cao-quí rơi-rớt lại cho thời-đại mới. Đó là thời-điểm nói đúng ra là không có hôm nay, nhưng chỉ có cái không-còn-hôm qua và cái chưa-có-ngày mai. Liệu chúng ta có phải sẵn-sàng chờ-đợi một cuộc biến-đổi tận gốc-rễ chăng?

 

Tôi cũng nhận thấy lịch-sử đang qua mau. Có những phát-minh một khi được thực-hiện, thì tất-cả những gì còn lại sẽ tiếp-nối qua nhanh với vận-tốc chóng mặt. Khi ngẫm-nghĩ 30 năm qua thế-giới biến-đổi ra sao, tôi thấy như sờ thấy lịch-sử đang qua mau cũng như những thay-đổi xẩy ra trong đó đang qua mau. Thế-giới biến-đổi đã thấm vào hiện-tại của ta, và với một mức độ nào đó nó đã có mặt trong đó rồi. Ta thấy rõ tiến-trình đang diễn ra, nhưng chưa có thể nhìn bao-quát được hướng tiến và những gì từ đó sẽ phát-sinh.

Rõ nét nhất là những tập-thể càng ngày càng bành trướng. Nào là Liên-hiệp Âu châu, Liên-hiệp thế-giới Hồi giáo, nào là những nỗ-lực xây-dựng cái gọi là ý-thức thế-giới qua những hội-nghị của Liên-hiệp-quốc. Đồng thời ta quan-sát thấy cá-nhân đặt nặng cái tôi hơn và trở nên cố-chấp hơn. Kết-hợp và phân-ly trói-buộc nhau. Hai sự kiện đối-nghịch: con người kèn-cựa nhau ngày càng mạnh trong lúc nhu-cầu hợp-đoàn ngày càng lớn. Từ đó sẽ nảy sinh ra những loại hình nào, chưa ai tiên-đoán được. Tôi tin rằng trong hoàn-cảnh biến-chuyển mau-chóng và bất khả tiên-đoán của thế-giới này, ta lại càng phải giữ chắc cái cốt-lõi nhân-tính của ta.

 

Những dữ-kiện về sự tồn-tại của địa-cầu ngày càng tồi-tệ. Từ giữa thập niên 80 con số và mức-độ những đại họa tiếp-tục tăng lên khắp thế-giới. Càng ngày càng rõ không phải thiên-nhiên, nhưng chính con người gây nên hầu hết những đại họa. Hoặc vì con người can-thiệp vào hệ-thống thiên-nhiên, hoặc vì con người không kiểm-soát nổi chính mình. Nhiều người cho đó là cơn thịnh-nộ của Thiên-chúa. Biết đâu đây cũng là cuộc thanh-tẩy. Có thể phải phá-huỷ hết cái cũ, để cái mới xuất-hiện? Phải chăng cần phải liều-lĩnh đùa-dỡn với hiểm-nguy, cần đập vỡ hết cái cũ trước khi bước vào đời hôn-nhân*, cần cuồng-loạn lồng-lộn và sôi men vào giờ chót, lúc lịch-sử thế-giới sang trang, để ta có thể làm cuộc khởi đầu mới? Phải chăng đó thực-sự là sứ-điệp của sách Khải-huyền ?

 

Khó mà nói được. Dù sao ta cũng phải cố-gắng để cuộc khởi đầu mới có thể thành hình  nhờ sức mạnh của công-cuộc sáng-tạo vũ-trụ và của ơn cứu-chuộc. Để những thế-lực dạy con người biết tự chế được tự-do tác-động. Bởi vì ngày nay quả đã rõ vấn-đề là ở tại điểm này. Nghĩa là con người không nên làm tất-cả những gì nó có thể làm - bởi nó có thể huỷ-diệt chính mình và thế-giới -, nhưng phải biết cân-nhắc giữa cái có thể với cái nên làm và được phép làm. Nghĩa là con người phải hiểu rằng, ngoài những cái không thể làm được về mặt thể-lí còn có những điều không được phép làm về mặt luân-lí. Vấn-đề then-chốt là dậy con người biết cưỡng lại được cám-dỗ hái trái cấm.

Giáo-hội phải nỗ-lực giúp con người trưởng-thành, nghĩa là để con người biết cân-nhắc giữa cái có thể luân-lí với cái có thể thể-lí. Ta biết sự cân-nhắc đó không phải chỉ dựa trên tính luân-lí suông, song nó bắt nguồn từ nền-tảng kết-hiệp thâm-sâu với Thiên Chúa hằng-sống. Chỉ khi nào Chúa thật-sự là nguồn lực trong cuộc sống của ta, khi đó luân-lí mới có sức mạnh. Nền luân-lí chỉ dựa trên những tính-toán suông của con người là một nền luân-lí què-quặt.

 

Tình-trạng địa-cầu xem ra hết thuốc chữa từ bên ngoài, nhưng chỉ có thể cứu-vãn từ bên trong, nghĩa là từ một sự thay-đổi ý-thức, một ý-thức không dựa trên cái Tôi. Ngài vừa lưu-ý điều đó: Khi nhắc-nhở ta xa tránh con đường xấu, Kinh thánh có lẽ muốn nói với ta rằng: Chính tình-trạng tinh-thần của ta ảnh-hưởng lên thiên-nhiên.

 

Phải, tôi cho rằng chính con người gây ra nguy-cơ làm thiên-nhiên mất sức sống. Và sự ô-nhiễm môi-sinh bên ngoài mà ta đang gánh chịu là một phản-ảnh và là sự trào ra của ô- nhiễm môi-sinh bên trong, một thứ ô-nhiễm  ta ít để ý tới. Tôi nghĩ đó cũng là điểm bất-cập của các phong-trào bảo-vệ môi-sinh. Họ đứng lên tranh-đấu với sự hăng-say dễ hiểu và chính-đáng chống lại ô-nhiễm môi-sinh. Nhưng sự ô-nhiễm của chính tâm-hồn con người mình thì họ lại coi đó là một trong những quyền tự-do của con người. Bất quân-bình là ở đó. Chúng ta muốn loại bỏ những thứ ô-nhiễm có thể định-lượng được, nhưng lại không để ý tới thứ ô-nhiễm tinh-thần của con người cũng như tính-chất tạo-vật nơi con người, những thứ cần-thiết để con người sống được ra người. Trái lại, ta bảo-vệ, bằng một ý-niệm tự-do hoàn-toàn lệch-lạc, tất-cả những gì do cái tùy-tiện con người tạo nên.

Bao lâu ta còn giữ bức biếm-hoạ về tự-do, nghĩa là tự-do phá huỷ nội-tâm, bấy lâu ảnh-hưởng của nó tác-động lên thế-giới bên ngoài không thay-đổi. Tôi nghĩ chúng ta nên lưu-ý điểm này. Không phải chỉ thiên-nhiên có những trật-tự riêng, những sinh-vật ta cần tôn-trọng, nếu ta muốn sống nhờ thiên-nhiên và trong thiên-nhiên. Nhưng con người, trong sâu thẳm tâm-hồn, cũng là một loài thụ-tạo và có những trật-tự thụ-tạo của nó. Nó không thể tùy-tiện muốn làm gì thì làm. Để có thể sống được từ nội-tâm, con người phải chấp-nhận thân-phận thụ-tạo của mình và phải lưu-ý rằng, cần có sự trong-sạch tâm-hồn, một môi-sinh tinh-thần, nếu muốn dùng kiểu nói này. Nếu không hiểu được yếu-tố môi-sinh căn-bản này, tất-cả những vấn-đề khác sẽ tiếp-tục xấu mãi.

Thánh Phao-lô  nói rõ điểm này trong thư gửi giáo-đoàn Rôma, chương 8. Ngài viết : Adam - nghĩa là một con người với tâm-hồn ô-nhiễm - coi tạo-vật-như nô-lệ, chà-đạp chúng, khiến chúng rên-xiết dưới bàn chân con người. Ngày nay ta nghe tiếng than của tạo-vật thảm-thiết như chưa từng có. Phao-lô  viết thêm rằng tạo-vật đang mong-đợi ngày con Thiên Chúa đến và sẽ chỉ thở phào, khi con người mang ánh-sáng Thiên Chúa xuất-hiện, và chỉ khi đó chính con người mới lại có thể hít thở được.

 

Chúng ta hiển-nhiên đang đứng trước một chấn-động mới trong tương-lai ; ta sẽ phải có phản-ứng mãnh-liệt, vì ta sẽ không thể thích-nghi mà không bị mất-mát trước những biến-đổi lạ-lùng, đa dạng và triệt-để trên thế-giới. Câu hỏi đặt ra là, liệu ngày nay, với những hiểu-biết cơ-bản lãnh-hội được từ Ki-tô giáo, ta có thể có câu trả lời thích-đáng cho những biến-đổi và thách-thức mới này cũng như cho những vấn-đề chưa sáng-tỏ không?

 

Dĩ-nhiên phải xử-dụng những hiểu-biết nền-tảng đó vào những lãnh-vực khác nhau. Điều này ta không thể thực-hiện được, nếu ta không cùng tranh-đấu, học-hỏi, chịu-đựng và trao-đổi kinh-nghiệm. Tuy-nhiên những quan-điểm nền-tảng trong Ki-tô giáo đã vạch ra những hướng giải-đáp rồi, chúng chỉ cần được cụ-thể-hóa qua nhào-nặn với kinh-nghiệm thực-tế. Như vậy Ki-tô giáo là một nghĩa-vụ liên-tục trong suy-tư và trong cuộc sống. Nó không phải là toa thuốc cắt sẵn chỉ việc cầm lấy mà dùng, song trái lại nó cống-hiến cho tôi hướng đi và ánh-sáng nền tảng giúp tôi biết nhìn và hành-động, biết nhận ra và tìm được giải-đáp. Nếu tôi hiểu rằng con người là hình-ảnh của Thiên Chúa và nhận ra những trật-tự nền-tảng trong mười giới-răn, tôi sẽ có những hướng-dẫn căn-bản, và tôi phải cụ-thể-hoá chúng cho thích-hợp trong từng lãnh-vực khác nhau. Muốn được thế cần có nhiều người cộng-tác và chung sức tìm ra cách sử-dụng đúng-đắn nhất và ít sai-lầm nhất. 

 

 

 

Một "mùa xuân mới của tinh-thần

con người" cho thiên niên-kỷ thứ ba

 

 

Vào cuối thiên niên-kỷ này chúng ta chứng-kiến sự sụp-đổ của nhiều học-thuyết xã-hội đã một thời đầy hứa-hẹn. Nào là chủ-nghĩa Mác (Marx: "Tôn-giáo là thuốc phiện cho dân" ), nào là phân-tâm học (Freud: "Tôn-giáo là chứng thác-loạn thần-kinh của nhân-loại" ), nào là nền đạo-đức của các nhà xã-hội học và ý-tưỏng cho rằng có thể có một nền luân-lí ngoài định-chế. Thêm vào đó là những khảo-luận bàn về sự đổi mới toàn diện mối liên-hệ phái tính cũng như những quan-niệm hiện-đại về mô-hình giáo-dục phản quyền-bính. Cách đây mười năm chính ngài đã táo-bạo tiên-lượng: "Cái mới đã tới". Theo ngài, cái mới đó hình-thù ra sao? Khi tuyên-bố như thế phải chăng ngài muốn nói rằng nền văn-hóa hậu hiện-đại đã tới thời tàn-lụi, một nền văn-hoá mà ngài đã có lần gọi là "văn-hóa tự xa-lìa kí-ức nguyên-thuỷ của con người, tức kí-ức về Thiên Chúa » ?

 

Niềm hy-vọng đó được gói-ghém qua cách diễn-tả trên. Tôi muốn nói : ngõ cụt, mâu-thuẫn cũng như những sai-lầm nội-tại của những lí-thuyết trên sẽ có ngày được phơi ra ánh sáng. Và chuyện đó quả thực đã xẩy ra ở mức-độ lớn. Chúng ta chứng-kiến huyền-thoại của nhiều ý-thức hệ đã bị đạp đổ. Chẳng hạn lối giải-thích thế-giới thuần kinh-tế của Marx thoạt tiên nghe có vẻ hợp lí và có sức thuyết-phục, vì thế đã hấp-dẫn được nhiều người, đặc-biệt vì nó được gắn nhãn luân-lí đạo-đức. Nhưng lí-thuyết đó đã không nắm bắt được thực-tại, vì nó không giải-thích được đầy-đủ về con người và rõ-ràng tôn-giáo là một thực-tại uyên-nguyên trong con người. Những thuyết-lí khác cũng sai-lầm như thế. Chẳng hạn như lối giáo-dục phản quyền bính không phù-hợp với con người, bởi vì nhu-cầu quyền-bính là một cái gì tiềm-ẩn sẵn trong con người. Niềm hy-vọng tôi muốn diễn-tả và trước sau vẫn ấp-ủ là các ý-hệ sẽ phải tự phê-bình qua kinh-nghiệm lịch-sử. Từ đó sẽ nảy sinh những suy-tư mới, và từ chỗ các ý-hệ tự phê-bình qua kinh-nghiệm lịch-sử, người ta sẽ có được cái nhìn mới về bản-chất Ki-tô giáo và sẽ nhận-diện ra nó, bởi vì những mảnh vụn chân-lí rải-rác trong các ý-thức hệ này mở cho ta thấy một cách mới-mẻ sự phong-phú tiềm-ẩn của Ki-tô giáo.

Tuy nhiên, như chúng ta đã trao-đổi, thất-bại, sụp-đổ không nhất thiết mở lối cho một cuộc lên đường mới tốt-đẹp. Thí-dụ như trong các quốc-gia cựu cộng-sản, tình-trạng tuột dốc thê-thảm kinh-tế và chính-trị không dẫn tới sự phục-hồi chủ-nghĩa cộng-sản, cũng không tạo được một phong-trào lớn rộng đưa con người quay về với những giá-trị Ki-tô giáo. Trái lại nó làm con người thêm chán-chường, sống hời-hợt, buông xuôi và thất vọng. Những ý-hệ cũ đổ-vỡ không nhất thiết dọn đường cho Ki-tô giáo tái sinh, không nhất thiết từ đó bừng lên những phong-trào lớn rộng, sống-động, tích-cực. Thất vọng nảy sinh có thể kéo theo những sụp-đổ khác, nhưng cũng mở đường cho con người cảm-nhận sức mạnh Thiên Chúa để làm cuộc tái sinh. Nhưng, như đã nói, chúng không nhất thiết xẩy ra như định-luật tự-nhiên.

 

Hiện nay người ta thấy bộ mặt thế-giới thuần khoa-học, vật-chất - duy-lí, từng in đậm dấu lên thế-kỉ qua, đang từ-từ tàn-úa và bị đào-thải. Liệu con người của thiên niên-kỷ thứ ba có phải lại đem thần-thoại vào đời sống? Có thể sử-dụng thần-thoại - mới ngày nào bị chỉ-trích che mờ thực-tại - để nhận ra thực-tại thẳm sâu, nhận ra những liên-hệ rộng lớn? Giống như thời Trung-cổ, khi con người sống trong thế-giới đầy ắp biểu-hiệu. Thời đó không có gì hiện-hữu thực như người ta thấy bên ngoài, tất-cả tiềm-ẩn ý-nghĩa của thế-giới bên kia. Johann Huizinger, một triết- gia chuyên phê-bình lịch-sử lỗi-lạc, viết: "Con người sống trong ảo-mộng, và vì mọi thứ là ảo-mộng, nên con người hiểu được màn đêm siêu-hình".

 

Đã có nhiều cuộc tìm-kiếm thần-thoại khắp nơi, kể cả trở ngược về thời tiền Ki-tô giáo, thời thần-thoại cổ-xưa, với hy-vọng tìm lại được những mẫu-mực cuộc sống và những sức mạnh nguyên-thủy. Nhưng trong đó cũng chứa đầy tính-chất lãng-mạn. Không bao giờ ta có thể đơn-giản quay ngược dòng lịch-sử, cũng không thể đơn-giản moi lại dĩ-vãng, khi không thỏa-mãn với hiện-tại. Qua việc vực hồn thần-thoại tiền Ki-tô giáo dậy, trong khi không tìm gì nữa nơi Ki-tô giáo - một tôn-giáo có vẻ quá duy-lí và quá cằn-cỗi – người ta có thể nhận ra đó là sự tránh-né những đòi-hỏi của Ki-tô giáo và sự lợi-dụng tối-đa sức mạnh tôn-giáo, trong khi hạn-chế sự hi-sinh và dấn-thân tới mức tối-thiểu.

Tôi không chối-bỏ trong thần-thoại tiềm-ẩn nhiều giá-trị có thể xử-dụng được. Đó là những viễn-ảnh, trong đó con người thoáng thấy chân-lí và tìm ra đường đi cho cuộc đời. Nhưng nếu chúng ta chỉ lựa-chọn thần-thoại để cắt-xén cho hợp nhu-cầu riêng, chúng sẽ mất hẳn hiệu-năng. Không thể có tôn-giáo ngoài liên-hệ ràng-buộc -  từ « tôn-giáo » trong La-ngữ* nói lên ý-nghĩa này. Nếu không sẵn-sàng bước vào liên-hệ ràng-buộc, nhất là nếu không sẵn-sàng qui-phục chân-lí, thì tất-cả kết-cục chỉ là trò chơi. Ông đã từng đề-cập tới tác phẩm Glasperlenspiel (nhạc cụ thuỷ-tinh). Công-cuộc tìm-kiếm mới-mẻ này có nguy-cơ không đem lại gì đáng kể và ta không đạt được những năng-lực mới mà ta mong-đợi. Nhưng nó chỉ là một thứ mộng-mị, không thể giải-quyết được những vấn-đề trọng-đại và không thể đương-đầu được với những thế-lực lớn trong thế-giới hiện-đại, cũng không thể dẫn đưa ta vào con đường đúng-đắn. Còn đó khát-vọng tôn-giáo, còn đó nhu-cầu tìm múc sức mạnh tôn-giáo, cũng còn đó ý-thức chúng ta cần tôn-giáo và cuộc đời ta còn thiếu một cái gì. Đấy chắc-chắn là những điểm tích-cực, nhưng con người còn bị ràng-buộc bởi quá nhiều tự-tôn. Còn vắng bóng đức khiêm-cung sẵn-sàng chấp-nhận chân-lí, thứ chân-lí đòi-hỏi tôi, thứ chân-lí tôi không tự chọn-lựa.

 

Ngài có-thể nghĩ rằng con người có lẽ đang sống trong một kỷ-nguyên Ánh-sáng mới, một kỉ-nguyên mang lại những sáng-kiến tốt-đẹp, tự-do và chắp nối hai đầu của cái vòng bị đứt đoạn lại với nhau bằng cách đưa chiều-kích đức tin vào cuộc sống và tư-duy? Như thế hố An-rê* trong tâm-thức con người có thể được lấp lại, hố chia-cách giữa con người không còn nữa. Đây có thể là viễn-kiến về một cái toàn-thể mới, dĩ-nhiên toàn-thể này không thể không cần tới Thiên Chúa.

 

Người có đức tin luôn ấp-ủ hy-vọng như thế; họ hy-vọng sau thời đen-tối, mất sự toàn-vẹn, sẽ có cuộc trở về mới. Dĩ-nhiên đây là cuộc trở về hướng lên phía trước, như tôi đã trình-bầy. Ta không thể lùi lại thời xa-xưa. Ông cũng đã nói đến một sự toàn-vẹn mới, một thời Ánh-sáng mới, nghĩa là nói đến sự tìm lại cái cốt-yếu và nối-kết nó với cái mới. Nhưng theo tôi, niềm hy-vọng đó hãy còn lâu mới hiện-thực, bởi vì lực chia-rẽ tinh-thần còn quá lớn. Một đàng người ta mê-say trước viễn-tượng có thể có được cái toàn-vẹn, đàng khác người ta lại từ-khước nó. Thêm vào đó là sư sợ-hãi bị ràng-buộc bởi những cam-kết còn quá lớn. Tôi tin rằng ta sẽ còn phải chao-đảo một thời-gian khá lâu nữa. Nhưng đức Ki-tô sẽ ra tay, Ngài sẽ lướt thắng những mảng nhận-thức rời-rạc càng ngày càng làm cho cuộc sống thêm phân-tán để đem lại cho con người sự toàn-vẹn và hợp-nhất đến từ Thiên-chúa, qua đó sẽ chắp-nối lại cái vòng bị đứt đoạn. Phải cố đi tới trong chiều-hướng này, nhưng tôi không hi-vọng những chuyện đó sẽ xẩy ra trong tương-lai gần.

 

Tuy nhiên trong bài diễn-văn tại trụ-sở Liên-hiệp-quốc ở New York, năm 1995, giáo-chủ Gio-an Phao-lô  II đã nói về một trật-tự thế-giới mới, cũng như về một niềm hy-vọng mới cho thiên niên-kỷ thứ ba: "Chúng ta sẽ thấy rằng nước mắt của thế-kỷ này đã dọn đường cho một mùa xuân mới của tinh-thần nhân-loại". Ngài hiểu thế nào về "mùa xuân mới" này? Phải chăng là một bản-sắc mới của con người?

 

Đấy là một vấn-đề khác. Quả thực Giáo-chủ nuôi hi-vọng là sau thiên niên-kỷ của phân-li chúng ta sẽ bước vào thiên niên-kỉ của hiệp-nhất. Theo viễn-kiến của ngài thì ngàn năm thứ nhất sau công-nguyên là ngàn năm của hiệp-nhất Ki-tô giáo - dĩ-nhiên cũng có những phân-li, như ta biết, nhưng vẫn luôn có sự hợp-nhất Đông Tây -, ngàn năm thứ hai là ngàn năm của những phân-li lớn và giờ đây, vào thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ thứ hai, sau khi cùng nhau suy-tư cách nghiêm-túc, chúng ta có thể lại tìm lại sự hợp-nhất mới. Toàn-bộ nỗ-lực đại-kết của ngài đã được hình thành trong viễn-tượng mang tính triết-lí lịch-sử đó. Ngài xác-tín rằng công-đồng Vatican II đã đứng trong trào-lưu triết-lí lịch-sử đó, khi Công-đồng chấp-nhận và kêu-gọi thực-hiện đại-kết.

Tinh-thần đại-kết bừng lên trong công-đồng Vatican II có thể nói là dấu-chỉ ta đang tiến về sự hiệp-nhất mới. Như vậy giáo-chủ mang hoài-bão lớn rằng mỗi thiên niên-kỷ có một bộ mặt riêng; rằng tất-cả những đổ-vỡ và nước mắt của thế-kỷ này, như ngài nói, kết-cục sẽ được thu-góp lại để làm nên một cuộc khởi đầu mới. Phải tìm lại hợp-nhất nhân-loại, hợp-nhất tôn-giáo, hợp-nhất Ki-tô giáo, để thực-sự bắt đầu một thời-đại tươi-đẹp hơn. Cần có viễn-kiến. Đó là viễn-kiến tạo cảm-hứng và đẩy ta đi tới trong chiều-hướng này. Gio-an Phao-lô  II quả thực đã lên đường với một nhiệt-tình không mệt-mỏi là nhờ sức mạnh của viễn kiến. Thật bất-hạnh nếu ta để cho những tính-toán tiêu-cực chi-phối, thay vì để cho viễn-kiến tích-cực và đầy ý-nghĩa chỉ đường cho ta biết phải làm gì và giúp ta can-đảm thực-hiện. Cái viễn-kiến hợp-nhất kia có thành-tựu được hay không lại là chuyện ta phải phó-thác cho Chúa. Hiện nay tôi thấy nó còn khá xa chúng ta.  

 

Những trọng điểm phát-triển Giáo-hội

Giáo-hội, nhà-nước, xã-hội

 

Qua việc tách-rời Giáo-hội ra khỏi nhà-nước, thế-kỉ 19 đã coi đức tin là chuyện chủ-quan, vì vậy là chuyện riêng-tư của cá-nhân. Nhiều người cho rằng tiến-trình tục-hóa kéo dài sẽ đe-doạ tới sự sống-còn của đức tin và Giáo-hội. Cái thời nhà-nước áp-đặt luật-lệ trên Giáo-hội đã qua, phải chăng điều này kết cuộc là một cơ-may mới cho Giáo-hội và đức tin? Chính ngài từng nói rõ về điểm này: "Bản-chất tôn-giáo là phải tách-rời khỏi nhà-nước và nhà-nước không có quyền cưỡng-ép đức tin, đức tin đến từ xác-tín đạt được một cách tự-do ".

 

Chính nhờ Ki-tô giáo mà ý-tưởng tách rời nhà-nước và Giáo-hội nảy sinh. Trước đó hai thực-thể này hoà lẫn vào nhau. Mọi nền văn-hóa cổ đều quan-niệm nhà-nước mang bản-chất thần-thánh và là giám-hộ đích-thực và tối-cao của thế-giới thần-linh. Lịch-sử tiền Ki-tô giáo thời Cựu-ước cũng thế. Ở Do-thái thoạt đầu hai thực-thể đó nhập thành một. Mãi tới khi đức tin của Do-thái bộc-phát ra từ lòng dân để trở thành đức tin của muôn dân, lúc đó đức tin mới thoát khỏi sự đồng-hóa với chính trị và trở thành yếu-tố đứng trên những chia-cách và dị-biệt chính-trị. Đó chính là điểm xung-khắc giữa Ki-tô giáo và Đế-quốc Rôma. Nhà-nước Rôma thời đó nhân-nhượng các tôn-giáo ngoài quốc-giáo, nhưng chỉ với điều-kiện là các tôn-giáo này phải chấp-nhận tôn-thờ nhà-nước như là quyền-lực kết-hợp mọi thần-linh dưới sự che-chở của Rôma cũng như chấp-nhận quốc-giáo như vòng tay bao-che tối-thượng trên mọi tôn-giáo đó.

Ki-tô giáo không chấp-nhận điều đó. Nó lột mất tính-chất thần-thánh của nhà-nước và như vậy nó làm đảo-lộn không những cơ-cấu nền-tảng của Đế-quốc Rôma, mà cả trật-tự của toàn thế-giới thời đó. Như thế, sự tách-rời tôn-giáo và nhà-nước nói cho cùng là một di-sản có nguồn-gốc nguyên-thủy Ki-tô giáo và cũng là yếu-tố quyết-định của tự-do. Với sự tách-biệt đó nhà-nước không còn là quyền-lực thần-thánh nữa, song chỉ là một tổ-chức bị giới-hạn bởi đức tin; với đức tin này người ta không tôn-thờ nhà-nước, nhưng tôn-thờ một Thiên Chúa là đấng đối-đầu và xét-xử nhà-nước. Đó là điểm mới-mẻ. Dĩ-nhiên nó có thể mặc những hình-thái khác nhau tùy thể-chế của mỗi xã-hội. Trong ý nghĩa đó, sự phát-triển của mô-hình tách-biệt nhà-nước khỏi Giáo-hội từ thời Ánh-sáng trở đi được xem là tích-cực, nhưng đồng thời nó lại tiêu-cực ở chỗ Thời-mới đóng khung tôn-giáo vào lãnh-vực chủ-quan - như vậy lại ban cho nhà-nước quyền-bính tuyệt-đối, đó là điểm nổi bất trong tư-tưởng của Hegel.

Một đàng Ki-tô giáo, ít là vào buổi đầu, không hề muốn coi mình là quốc-giáo, mà chỉ muốn khác-biệt với nhà-nước. Ki-tô giáo sẵn-sàng cầu-nguyện cho hoàng-đế, nhưng không thờ-lậy hoàng-đế. Đàng khác Ki-tô giáo luôn công-khai nêu rõ lập-trường nó không chỉ là tình-cảm chủ-quan, - Faust* nói: "Tình-cảm là tất-cả", nhưng là chân-lí loan-truyền cho đại-chúng, cống-hiến những tiêu-chuẩn sống, và trong chừng-mực nào đó ràng-buộc cả nhà-nước và các thế-lực trên thế-giới. Như vậy tôi nghĩ rằng, Thời-mới có cái tiêu-cực là chủ-quan-hóa tôn-giáo, song đồng thời nó cũng mang khía-cạnh tích-cực là tạo cơ-may cho Giáo-hội sinh-hoạt tự-do trong nhà-nước tự-do, nếu muốn dùng kiểu diễn-tả này. Đây là cơ-may để đức tin trở nên sống-động hơn, vì nó được sống sâu-xa hơn và dưa trên xác-tín tự-do hơn ; nhưng dĩ-nhiên nó phải cố-gắng chống lại cái chủ-quan-hóa và không ngừng cố-gắng đưa tiếng nói mình vào đại-chúng.

 

Pier Paolo Pasolini* cho rằng Giáo-hội có cơ-may sống-còn khi có cái nhìn dị-biệt và giữ thế đối-lập không khoan-nhượng với trần-thế. Ông viết trong thư gửi giáo-chủ Phao-lô  VI vào muà hè 1977: "Trong khung-cảnh của một viễn-tượng cực-đoan, có lẽ ảo-tưởng hoặc hướng về tận-thế, Giáo-hội biết rõ mình phải làm gì để tránh cái chết không vinh-quang : đó là đi vào đối-lập. Trong một cuộc chiến-đấu như thế, với kinh-nghiệm truyền-thống lâu dài chống lại thế-quyền của các giáo-triều xưa, Giáo-hội có thể tập-hợp được tất-cả những thế-lực không chịu khuất-phục trước sự thống-trị mới của hưởng-thụ. Bằng cách trở về nguồn, đi vào đối-lập và phản-kháng, Giáo-hội có thể trở thành một biểu-tượng ".

 

Có nhiều cái đúng trong lời phát-biểu đó. Tính-cách không hợp thời của Giáo-hội một đàng nói lên thế yếu của mình, - Giáo-hội bi gạt ra lề – đàng khác có thể lại là thế mạnh của Giáo-hội. Có lẽ con người cảm được rằng, để chống lại hệ tư-tưởng tầm-thường đang ngự-trị trên thế-giới, cần phải có đối-lập và Giáo-hội có thể trở thành hiện-đại bằng cách không chạy theo lối sống hiện-đại, lên tiếng chống lại trào-lưu tư-tưởng chung. Giáo-hội mang sứ-mạng ngôn-sứ phản-kháng và nó phải có can-đảm đóng đúng vai-trò đó. Chính cái can-đảm nói lên sự thực là sức mạnh lớn của Giáo-hội, cho dù lúc đầu nó có vẻ tác hại, làm mất vẻ dễ mến của Giáo-hội, đẩy Giáo-hội tới chỗ cô-lập.

Tuy nhiên tôi không muốn bao-quát giới-hạn sứ-mạng Giáo-hội vào vai-trò đối-lập. Giáo-hội luôn tham-gia vào những việc xây-dựng tích-cực. Giáo-hội sẽ luôn tìm cách hành-động tích-cực, để mọi chuyện được thi-hành đúng-đắn. Nghĩa là, để bảo-vệ cái cốt-yếu của mình, Giáo-hội không được phép thu mình vào vai-trò đối-lập toàn-diện, nhưng phải biết cân-nhắc kĩ, ở đâu cần phản-kháng, ở đâu cần tiếp tay, ở đâu cần tiếp sức và chung vai sát cánh, ở đâu phải nói có và ở đâu nói không.

 

 

Đại-kết và hiệp-nhất

 

Ngài từng nói, đối với giáo-chủ Gio-an Phao-lô  II sự hợp-nhất ki-tô-hữu là một viễn-ảnh lớn của thiên niên-kỷ sắp kết-thúc. Giáo-hội Công giáo Rôma đã đi bước mở màn, tổ-chức những cuộc đối-thoại liên tôn trên bình-diện thần-học. Trong thông-điệp "Để họ nên một » về vấn-đề đại-kết, công-bố vào tháng 5.1995, Giáo-chủ bầy-tỏ hy-vọng "Trước thềm thiên niên-kỷ mới…, một thời-điểm vô cùng đặc-biệt…, ước gì tất-cả ki-tô-hữu sẽ hợp-nhất thành một cộng-đoàn chung". Bởi vì "phân-rẽ rõ-ràng là trái với ý đức Kitô, là một cái gai cho thế-giới…". Việc hợp-nhất Ki-tô giáo này có thể đạt được không? Bởi vì trong thông-điệp vừa dẫn, Giáo-chủ cũng viết, phải tuyệt-đối "tránh mọi hình-thức giảm-thiểu hay đồng ý hời-hợt".

 

Câu hỏi về mô-hình hợp-nhất là một câu hỏi lớn và hóc-búa. Trước hết phải hỏi: Cái gì có thể? Chúng ta được phép hy-vọng gì và không nên hy-vọng gì? Câu hỏi thứ hai: Cái gì thực-sự tốt? Tôi không dám hy-vọng về một sự hợp-nhất Ki-tô giáo tuyệt-đối trong dòng lịch-sử. Chúng ta thấy đó, trong khi ngày nay đang có những cố-gắng hợp-nhất, thì lại tiếp-diễn từng mảng đổ-vỡ. Không phải chỉ có những giáo-phái mới tiếp-nối xuất-hiện, trong đó có những giáo-phái hỗn-tạp pha-trộn nhiều yếu-tố đa thần phi Ki-tô giáo, nhưng nhất là những đổ-vỡ trầm-trọng hơn ngay trong những giáo-hội Cải-cách cũng như trong các giáo-hội Chính-thống. Trong các giáo-hội Cải cách hố phân-rẽ giữa cánh nặng tinh-thần Phúc-âm và những phong-trào tân-thời ngày càng lún sâu (cả trong giáo-hội Tin-lành Đức ta thấy hai hệ-phái đang lìa xa nhau như thế nào). Giáo-hội Chính-thống, vì tính-cách độc-lập của mỗi giáo-hội quốc-gia, vốn đã ít thống-nhất, cũng có những làn sóng phân-li, cũng bị tác động bởi cùng một loại men. Ngay trong giáo-hội Công giáo cũng có những rạn-nứt sâu-xa, đến độ người ta đôi khi có cảm-tưởng hai giáo-hội hiện-diện trong một Giáo-hội.

Phải nhìn cả hai mặt, một đàng các giáo-hội Ki-tô giáo đang cố-gắng xích lại gần nhau, đàng khác những đổ-vỡ nội-bộ vẫn đồng thời xẩy ra. Nên tránh những hy-vọng hão-huyền. Quan-trọng là luôn nhắm vào cái cốt-lõi. Mỗi người cố-gắng vượt ra khỏi chính mình và dùng đức tin mà nắm lấy những gì thực-sự chủ-yếu. Nếu không bị đổ-vỡ thêm và nếu ta hiểu ra, mặc dù còn phân-li, ta vẫn có thể hợp-nhất trong nhiều điểm là ta đã đạt được nhiều rồi. Tôi không tin chúng ta sẽ mau-chóng đạt tới một "liên-hiệp tôn-giáo" lớn. Nhưng còn một chuyện quan-trọng hơn, đó là ta chấp-nhận nhau trong sự kính-trọng và yêu-thương, chấp-nhận cùng là ki-tô-hữu với nhau; và trong  những điểm cơ-bản, cố-gắng cùng nhau làm chứng cho Tin-mừng, góp phần làm đẹp bộ mặt thế-giới và trả lời cho những vấn-nạn lớn về Thiên Chúa, về nguồn-gốc xuất-phát và đích điểm của con người.

 

 

Hồi giáo

 

Sự hiểu biết lãng-mạn về Đông phương đưa đến việc đổ đồng hình-ảnh Đông phương và Hồi giáo, một hình-ảnh không luôn phù-hợp với thực-tế. Nhưng không thể không thấy Hồi giáo coi những giá-trị của mình khác hẳn từ nền tảng với những giá-trị trong xã-hội tây phương. Chỉ xét nguyên chỗ đứng cá-nhân hoặc sự bình đẳng  nam nữ đã thấy đông tây đánh-giá khác hẳn nhau. Những cuộc ném bom khủng-bố của các nhóm hồi giáo quá-khích đang làm giảm uy-tín Hồi giáo ; cả ở Âu châu càng ngày càng sợ bọn giết người cuồng-tín đó. Ai cũng biết là cần phải có nhiều nỗ-lực tìm hiểu đả-thông giữa các nền văn-hoá. Nhưng trên nền-tảng nào?

 

Câu hỏi thật khó. Tôi nghĩ trước hết phải biết Hồi giáo không phải là một thực-thể thống-nhất. Nó cũng không có thẩm-cấp thống-nhất, vì thế đối-thoại với Hồi giáo luôn là đối-thoại với những nhóm nhất-định nào đó. Không ai có thể nói thay cho toàn-thể Hồi giáo. Có thể nói Hồi giáo không có qui-luật chính-thống chung. Ngoài hai phái chính Su-nít và Si-ít* thực sự phân-li, còn có nhiều phái khác nữa. Có một Hồi giáo "cao-quí" với đại-diện điển-hình là quốc-vương nước Ma-rốc, cũng có một Hồi giáo quá-khích, khủng-bố, nhưng ta không nên đồng-hóa nó với toàn-thể Hồi giáo, vì làm như vậy thật là bất công.

Điểm quan-trọng Ông cũng đã nói tới là Hồi giáo nói chung có mô-hình tổ-chức xã hội, chính trị và tôn-giáo khác hẳn ta. Khi người phương tây ngày nay bàn về khả-năng thiết-lập các phân-khoa thần-học Hồi giáo hoặc về ý-kiến coi Hồi giáo như một pháp-nhân công-quyền, người ta giả-thiết rằng, mọi tôn-giáo đều có cơ-cấu giống nhau, đều chấp-nhận một hệ-thống dân-chủ với những qui-chế luật-pháp và những môi-trường tự-do được qui-định bởi qui-chế này. Nhưng bản-chất Hồi giáo mâu-thuẫn với điểm này. Hồi giáo tuyệt-đối không chấp-nhận việc tách rời chính-trị với tôn-giáo, như Ki-tô giáo từ đầu vẫn chủ-trương. Koran là bộ luật tôn-giáo toàn-trị, qui-định toàn-thể đời sống chính-trị và xã-hội, cũng như áp-đặt qui-luật hồi giáo lên cuộc sống cá-nhân. Luật Sharia in dấu lên xã-hội từ đầu đến cuối. Như vậy Hồi giáo có thể sử-dụng một số quyền tự-do theo như hiến-pháp của ta qui-định, nhưng cùng đích của Hồi giáo không thể là : vâng, bây giờ chúng tôi cũng là một pháp-nhân công-quyền, bây giờ chúng tôi cũng hiện-diện như những người Công giáo và Tin-lành. Đó chưa thực-sự là đích điểm của Hồi giáo, nó hãy còn xa-lạ với tôn-giáo này.

Hồi giáo có quan-niệm về toàn-thể luật-pháp khác hẳn, nó bao trùm tất-cả, luật-lệ của Hồi giáo khác hẳn ta. Nữ giới hoàn-toàn lệ-thuộc nam giới; hình-luật cũng như mọi liên-hệ trong cuộc sống đều được qui-đinh nghiêm-khắc và trái ngược với những quan-niệm trong xã-hội tân-tiến của ta. Phải thấy rõ rằng, đây không phải là một tôn-giáo có thể thu-nạp vào môi-trường tự-do của xã-hội đa nguyên. Ngày nay đôi khi chúng ta cứ nhìn Hồi giáo theo mô-hình Ki-tô giáo, chứ không theo bản-chất của đạo này. Vấn-đề đối-thoại với Hồi giáo như vậy dĩ-nhiên phức-tạp hơn nhiều so với đối-thoại với các giáo-hội Ki-tô giáo.

 

Cũng có thể hỏi ngược lại: Sự lớn mạnh toàn-cầu của Hồi giáo có ý-nghĩa gì đối với Ki-tô giáo?

 

Sự lớn mạnh này là một hiện-tượng nhiều mặt. Một mặt là khía-cạnh tài-chính. Sức mạnh tài-chính các nước Ả-rập đạt được cho phép họ dựng nguyện đường hồi giáo lớn khắp nơi, nuôi-dưỡng được những viện văn-hóa hồi giáo và những việc tương-tự khác. Nhưng đây mới chỉ là một yêu-tố. Yếu-tố thứ hai là căn-tính của Hồi giáo trở nên vững-mạnh hơn, họ đạt đươc một niềm tự-tin mới. 

Trong bối-cảnh văn-hóa thế-kỷ 19 và tiền bán thế-kỷ 20, nghĩa là tới khoảng thập niên 60, những nước Ki-tô giáo tiến-bộ vượt bậc về kỹ-nghệ, văn-hóa, chính-trị và quân-sự, khiến Hồi giáo bị đẩy xuống hàng thứ yếu, và Ki-tô giáo, hay ít ra những nền văn-hóa dựa trên nền-tảng Ki-tô giáo, hiện-diện như thế-lực chiến-thắng trong lịch-sử thế-giới. Nhưng rồi bùng-nổ cuộc khủng-hoảng luân-lí rộng-lớn trong thế-giới tây phương, vốn được coi là thế-giới Ki-tô giáo. Đứng trước những mâu-thuẫn luân-lí sâu-xa và sự mất hướng trong thế-giới tây phương, đồng thời với sức mạnh kinh-tế của các nước Ả-rập, hồn Hồi giáo bừng tỉnh: Chúng tôi đây cũng là ai, căn-tính của chúng tôi tốt hơn, tôn-giáo chúng tôi đứng vững, còn các bạn chẳng còn gì nữa.

Đó là cảm-quan của thế-giới Hồi giáo hôm nay: Các nước tây phương không có những thông-điệp luân-lí để truyền đi nữa, họ chỉ còn có thể cống-hiến cho thế-giới những hiểu-biết chuyên-môn; Ki-tô giáo đã thoái-trào, nó không tồn-tại như một tôn-giáo nữa; ki-tô-hữu chẳng còn luân-lí và niềm tin nữa, họ chỉ còn rơi-rớt đâu đây dăm-ba ý-tưởng tân-tiến của thời Ánh-sáng; nhưng Hồi giáo chúng tôi vẫn đứng vững.

Như vậy người Hồi giáo ngày nay nghĩ rằng, tôn-giáo họ kết cuộc là tôn-giáo có sức sống mạnh hơn, có nhiều điều để nói cho thế-giới và là sức mạnh tôn-giáo nền-tảng của tương-lai. Trước kia luật Scharia và những gì liên-quan đã chìm trong bóng tối, nay niềm tự hào có dịp trổi-dậy. Từ đó bừng lên một đà sống mới với cường-độ mới mà Hồi giáo muốn sống. Sức mạnh lớn của họ là đây : Chúng tôi có một thông-điệp luân-lí, nó tồn-tại liên-tục từ thời các tiên-tri và chúng tôi sẽ chỉ cho thế-giới biết phải sống ra sao. Những tín-hữu Ki-tô nhất-định không làm nổi chuyện này. Hẳn ta phải đương-đầu với sức mạnh nội-tại mới này của Hồi giáo, một sức mạnh làm mê-hoặc cả môi-trường đại-học.

 

 

Do-thái giáo

 

Ta hãy đi vào điểm có lẽ quan-trọng nhất trong bảng liệt-kê thứ-tự này. Suốt một thời-gian dài người ta cho rằng tranh-chấp giữa Do-thái giáo và Ki-tô giáo đã tiềm-ẩn sẵn trong chỗ sâu-xa nhất của tôn-giáo. Ngày nay vị trưởng Bộ đức tin Công giáo lại xác-nhận: "Ngôi sao chỉ về hướng Giê-ru-sa-lem. Nó lặn đi và tái xuất-hiện trong lời Chúa, trong Thánh-kinh Do-thái."  Thế nghĩa là gì?  Phải chăng là một quan-hệ hoàn-toàn mới đối với Do-thái giáo?

 

Chúng ta chắc-chắn phải sống và suy-tư về mối liên-hệ với Do-thái giáo một cách hoàn-toàn mới, và chuyện đó đang xẩy ra. Sự khác-biệt giữa hai tôn-giáo sẽ không vì thế mà chấm dứt, nhưng có thể chúng ta còn cảm-nhận nó một cách nào đó thấm-thía hơn. Nhưng chúng ta phải sống sự khác-biệt này trên căn bản tương-kính và tương-thân. Chúng ta đang trên đường hướng tới đích này. Tôi muốn nói, qua Thánh-kinh Cựu-ước, vốn là một phần Thánh-kinh Ki-tô giáo, luôn-luôn có mối quan-hệ thân-tộc giữa Ki-tô giáo và Do-thái giáo. Nhưng chính cái sở-hữu chung này lại là đầu mối chia-rẽ, vì người Do-thái có cảm-tưởng rằng chúng ta lấy cắp Thánh-kinh và không sống theo Thánh-kinh. Họ mới là sở-hữu chủ thực-sự. Ngược lại, một đàng phía Ki-tô giáo có cảm-tưởng người Do-thái đọc sai Thánh-kinh Cựu-ước; người ta chỉ đọc nó đúng trong cái nhìn mở ra hướng về đức Kitô. Có thể nói người Do-thái tự đóng kín nên đi lạc hướng. Hiểu như thế thì việc sở-hữu Thánh-kinh Cựu-ước mở đường cho Ki-tô giáo chống Do-thái, đi đến chỗ phát-biểu: Quí vị có Thánh-kinh, nhưng quí vị dùng nó không đúng, quí vị phải xét lại.

Đàng khác, từ thế-kỷ thứ hai, trong Ki-tô giáo luôn có phong-trào muốn loại Thánh-kinh Cựu-ước hay ít ra giảm thiểu ý-nghĩa của nó. Tuy ý-hướng này chưa bao giờ trở thành giáo-huấn chính-thức của Giáo-hội, nhưng đó đây trong Ki-tô giáo có phần coi nhẹ giá trị Thánh-kinh Cựu-ước. Dĩ-nhiên nếu chỉ đọc riêng-rẽ vài khoản luật hoặc những câu chuyện tàn-ác, người ta có thể nẩy ra ý-nghĩ Thánh-kinh của ta không thể là những thứ sách như vậy được; và từ đó sinh ra thái-độ bài Do-thái nơi Ki-tô giáo. Vào Thời-mới, khi Ki-tô giáo bỏ lối chú-giải bóng-gió, lối mà các giáo-phụ đã dùng để « Ki-tô giáo hoá » Thánh-kinh Cựu-ước, thì một thái-độ lãnh-đạm mới đối với bộ sách  lại nẩy sinh; chúng ta phải học lại cách đọc nó cho đúng.

Ta phải sống cách mới-mẻ cái tương-quan thân-thuộc qua lịch-sử chung Abraham, nó vừa là đầu mối chia-cách, vừa là nguồn quan-hệ tương-thân. Phải kính-trọng chấp-nhận người Do-thái không đọc Thánh-kinh Cựu-ước với cái nhìn hướng về đức Ki-tô như ta, nhưng hướng về một vị sẽ tới mà họ chưa biết là ai, như vậy niềm tin của ta và họ đều chung một hướng. Ngược lại ta hy-vọng người Do-thái hiểu cho rằng, mặc dầu ta nhìn Thánh-kinh Cựu-ước dưới ánh sáng khác, nhưng ta cũng cố-gắng cùng với họ sống niềm tin của Abraham và như thế có thể sống với tâm-tình hướng về nhau.

 

Tại sao Vatican chờ-đợi rất lâu trước khi công-nhận quốc-gia Do-thái?

 

Sự thành-lập quốc-gia Do-thái sau đệ nhị thế-chiến phù-hợp với một nghị-quyết của Liên-hiệp-quốc và với quyền của người Do-thái có một quốc-gia riêng, trên một phần đất riêng. Nhưng việc ấn-định biên-giới lại gây tranh-chấp về mặt quyền-lợi các dân-tộc. Như ta biết, một làn sóng dân Ả-rập phải rời khỏi quốc-gia mới thành-lập và có thể nói họ phải sống xen kẽ giữa nhiều quốc-gia trong hoàn-cảnh hết sức khó-khăn và khó xử. Trong những trường-hợp như thế Vatican thường chờ cho tới khi mọi khúc-mắc pháp-lí được sáng-tỏ. Trường-hợp Đông Đức cũng thế. Vatican chỉ thiết-lập ở đó các giáo-phận mới, sau khi thủ-tướng Brandt với chính-sách đông-âu của ông đã giải-quyết ổn-thoả những tranh-chấp giữa Ba-lan và Đức. Ai cũng biết Vatican chưa bao giờ đặt quan-hệ ngoại-giao với Đông Đức. Ở Do-thái còn có thêm vấn-đề Giê-ru-sa-lem: Có thể chấp-nhận một thành-phố linh-thiêng của ba tôn-giáo nay trở thành thủ-đô riêng của một quốc-gia vốn nghiêng về một tôn-giáo hay không là vấn-đề không sáng-tỏ. Ở đây Vatican cũng đã phải chờ tới khi mọi chuyện được giải quyết. Sau hết cũng cần phải có một qui-chế rõ-ràng về vị-trí pháp-lí cuả ki-tô-hữu và những cơ-sở Ki-tô giáo trên phần đất quốc-gia mới. 

 

Ngày nay cả trong Giáo-hội cũng chấp-nhận đức Ki-tô là người Do-thái. Vậy thay vì nói "Thiên Chúa đã làm người", ta có thể nói "Thiên Chúa đã làm người Do-thái" được không? Phải chăng cuối cùng rồi đạo Ki-tô cũng phải chấp-nhận Do-thái giáo trong sứ-mạng lịch-sử của nó?

 

Điểm quan-trọng trước hết là phải ý-thức rõ rằng, đức Ki-tô là người Do-thái. Tuy nhiên tôi muốn nói thêm điều này. Tôi cắp sách đến trường dưới thời Đức quốc-xã và hồi đó tôi thấy nơi những "ki-tô-hữu Đức" khuynh-hướng muốn biến đức Ki-tô thành "người Arier"*. Họ cho rằng đức Giê-su là người Galilêa, nên rõ ràng chẳng phải là người Do-thái. Để chống lại khuynh-hướng đó, trong giờ giáo-lí cũng như trong các bài giảng có những tiếng nói cương-quyết: Đấy là nguỵ-tạo, Đức Ki-tô là con Abraham, con Đa-vít, là ngưòi Do-thái; đó là lời hứa cuả Thiên-chuá và là điều chúng ta tin.

Đấy là điểm quan-trọng nối-kết những người Ki-tô và Do-thái với nhau. Vì thề câu nói « Thiên Chúa đã làm người » rất quan-trọng và đúng. Tân-ước cho chúng ta hai gia-phả về đức Giêsu, một chi-tiết cần lưu-ý. Gia-phả theo Mát-thêu tìm về tới Abraham và cho biết Giê-su là con Abraham, con Đa-vít và, như vậy, lời hứa với dân Do-thái đã được thực-hiện. Gia-phả theo Lu-ca trở về tận Adam và diễn-tả Giê-su như một con người thuần-tuý. Đây là điểm hết sức hệ- trọng: Đức Giê-su là người và cuộc sống cũng như cái chết của Ngài có giá-trị cho mọi người. Chính di-sản đức tin Abraham biến di-sản lời hứa thành di-sản chung cho toàn-thể nhân-loại. Vì thế câu nói đơn-sơ, nhưng nền-tảng "Thiên Chúa đã làm người" trước sau rất quan-trọng. Sau hết phải thêm điểm thứ ba: Đức Giêsu, một người Do-thái trung-thành giữ luật, cũng đã vượt ra khỏi khuôn-khổ Do-thái giáo và muốn giải-thích lại toàn-bộ di-sản bằng cách lồng chúng vào một sự trung-tín mới, rộng-lớn hơn. Đây lại là điểm gây tranh-chấp. Nhưng cũng là đề-tài của nhiều cuộc đối-thoại bổ-ích. Đặc-biệt tôi muốn nhắc tới cuốn sách rất hay của Jakob Neusner, một giáo-sĩ do-thái người Mỹ, người đã mở một cuộc đối-thoại đứng-đắn với đề-tài bài giảng trên núi. Ông thẳng-thừng vạch ra những điểm đối-chọi, nhưng nói ra với tình yêu đại-độ và cuối cùng qui về điểm tương-đồng là cùng nhau hướng về Thiên Chúa hằng-sống. Vì thế, không nên che-đậy những điểm bất đồng. Làm như vậy là sai, bởi vì con đường vòng-vo né tránh chân-lí không bao giờ là con đường dẫn đến hòa-bình. Những xung-khắc vẫn còn đó. Điều ta phải học là tìm ra tình yêu và hòa-bình ngay chính trong những điểm xung-khắc.

Tác giả: Joseph Ratzinger - Biển Đức XVI (Phạm Hồng Lam - Trần Hoành, dịch)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!