Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Phêrô Phạm Văn Trung
Bài Viết Của
Phêrô Phạm Văn Trung
Mục Tử Nhân Lành đến để chúng ta được sống
“Anh em đến mà ăn!” (Làm sáng tỏ mầu nhiệm của thức ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu)
Một cuộc viếng thăm bất ngờ tuyệt vời
Phục Sinh và Ý Nghĩa Cuộc Đời (Chi tiết từ “Sự phục sinh” (1715) của Sebastiano Ricci.)
Cái chết không chiến thắng
Tin vào Chúa Phục Sinh đòi hỏi một thái độ xác tín
Chúa Kitô trút bỏ mọi vinh quang bằng lòng chịu chết vì yêu thương
Chúng ta là một dân tộc Phục Sinh
Khao khát gặp Chúa Giêsu
Chết đi để sống tình yêu đích thực
Niềm vui trong tình xót thương của Thiên Chúa
Thiên tính hiển vinh của Chúa Giêsu.
Suy niệm và sống Mùa Chay Thánh
Kẻ thù ngày nay và Nước Trời ngày mai
Trở lại cuộc đời thanh sạch
Tin cậy và phó dâng mọi sự cho Chúa
Cầu nguyện suy niệm dành cho những người dễ bị phân tâm
Hơn cả sự chữa lành
Bài học về thẩm quyền
Chúng ta tìm thấy Chúa ở đâu?
CHÚA QUAN TÂM TÔI LÀ AI, NGÀI KHÔNG QUAN TÂM TÔI CÓ GÌ.
VIỆC CHIÊM NIỆM CÓ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI KHÔNG?
MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH
Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu
Hãy chọn Chúa Kitô và bước đi theo Ngài
Hãy thờ phượng Đức Vua
Đón Chúa theo gương mẫu của Mẹ Maria
Niềm vui được ánh sáng Chúa Kitô chiếu rọi
Cảm nghiệm niềm vui trong Chúa Kitô
Sám hối, thú tội và thanh tẩy đời sống để đón Chúa đến
Hãy canh chừng, hãy thức tỉnh
VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU CỦA VUA NHÂN LÀNH
ĐỜI SỐNG ĐẠO HẠNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT THA NHÂN
TẨY TRẮNG ÁO MÌNH TRONG MÁU CON CHIÊN
LÀM CHO NHỮNG YẾN BẠC SINH LỢI GẤP ĐÔI
TẠI SAO CHÚNG TA LẠI CHẾT?
NGỌN ĐÈN HẾT DẦU VÀ CƠN BUỒN NGỦ
PHỤC VỤ TRONG KHIÊM NHƯỜNG
KINH THÁNH CÓ ĐỀ CẬP DẾN LUYỆN NGỤC KHÔNG?
SỰ HIỆP THÔNG CỦA CÁC THÁNH
ĐỨC TIN VÀO SỰ PHỤC SINH ĐI TRƯỚC MỌI HIỂU BIẾT THỰC NGHIỆM

 

Tôma, người môn đệ đầy yêu thương và can đảm, nhưng có tính cách bi quan và đa nghi, Tôma đã không có mặt khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ khác trên nhà tiệc ly: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Chúa Giêsu đến” (Ga 20:24). Ông sẽ không tin vào chuyện Thầy Giêsu đã trỗi dậy, ra khỏi mộ và vẫn đang sống nếu ông không thể đặt ngón tay của mình vào dấu đinh và bàn tay của mình vào cạnh sườn bị đâm: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có tin” (Ga 20: 25).  Những điều ít ỏi mà chúng ta biết về Tôma mô tả ông là một người hay nghi ngờ, u sầu, một kẻ chủ bại. Khi Chúa Giêsu báo tin cho các môn đồ về cái chết của Ladarô, Tôma kêu lên: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16). Nói cách khác, khi cuộc sống không còn hy vọng gì nữa, thì chuyện gì đến thì cứ để nó đến! Khi Chúa Giêsu từ giã các môn đệ và nói với họ: “Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14: 4), Tôma không ngại ngùng đáp ngay: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” ( Ga 14,5).

Trong bóng tối bao trùm nơi Núi Sọ, đức tin của ông đã ra tối tăm. Bất chấp những lời cảnh báo, ông chưa bao giờ hình dung ra cái chết của Chúa Giêsu lại như thế này. Trên đỉnh điểm của sự ô nhục, Thầy của ông đã để mình bị dắt đi với sự thụ động của một con cừu không có sức mạnh; và suy nghĩ này khiến ông đau khổ hơn cả sự mất mát người mình yêu thương. Việc đổ vỡ mọi hy vọng này đã khiến ông bị xúc phạm giống như ông phát hiện ra mình bị lừa bịp và sự tiêu tan này để lại trong ông cả một cảm giác bị bỏ rơi trong sỉ nhục.

Niềm tin đã phản bội ông, khiến ông giận điên lên. Trong hành trình theo Chúa Giêsu, ngay khi các hành động phi thường của Ngài được biểu lộ, tâm hồn ông như được thắp sáng mỗi ngày. Ông tin vào những điều kỳ diệu bởi Lời và Hành động quyền năng của Vị Thầy. Nhưng bây giờ, thật thất vọng và não nề, sau vụ tai tiếng chấn động ở đồi Canvê, ông không còn muốn tin vào điều lạ kỳ nào nữa, tỉ như… những lời đồn đại về sự sống lại của Vị Thầy mấy ngày nay. Dường như bị xâu xé và vùi dập dưới những thực tế phũ phàng, là những biến cố vừa xảy ra tại Giêrusalem, vốn không mang một chút dáng vẻ quyền năng nào của Thầy Giêsu, tâm hồn ông bị lụi tàn, đóng băng và trở lại với bản chất tự nhiên của nó: tìm kiếm những điều có thể cảm nhận được bằng các giác quan; những gì vật chất cụ thể; Tôma mong đợi những điều an ủi mà ông cảm nhận chắc chắn qua giác quan mà thôi. Đôi mắt của ông từ chối chấp nhận những gì tay ông không thể chạm vào, những thứ vô hình.

Vào buổi tối lễ Phục sinh, đầy hoài nghi và chán nản, ông vắng mặt trong căn phòng trên lầu, nơi mười người khác đang tụ tập. Và khi các bạn đồng môn nói cho ông nghe về sự phục sinh của Chúa, ông tuyên bố: “Tôi chẳng có tin (Ga 20: 25). Sự nghi ngờ đã bén rễ trong ông đến nỗi ông trở nên cứng lòng.

Tuần sau, vào “ngày thứ nhất trong tuần”, Chúa Giêsu lại hiện đến giữa các môn đệ của Ngài, cũng là cho chính Tôma, ở cùng một nơi và trong cùng một hoàn cảnh mầu nhiệm. Chúa Giêsu, tuần trước đây đã không muốn để Maria Mađalêna chạm vào mình, thì hôm nay đề nghị Tôma chạm vào vết thương trên tay của Ngài đúng như những điều mà Tôma, người môn đệ hoài nghi, đã yêu cầu. Chúa tuôn đổ tràn đầy lòng thương xót trên người môn đệ cứng lòng này. Chúa Giêsu, vẫn như trước đây, luôn luôn đi bước trước, tìm gặp những tâm hồn khốn khổ đang cần đến Ngài, ngay cả họ chưa từng kêu xin đến Ngài.

Phản ứng đầu tiên của Tôma là sợ hãi, nhưng đó là một nỗi sợ cứu độ. Đấng khiến ông kinh ngạc trong sự nghi ngờ của mình chính là Vị Thầy. Ngài mở lòng bàn tay ra cho ông thấy những vết thương của Ngài, là dấu hiệu của lòng thương xót chứ không phải bàn tay khép lại của Ngài. 

Tôma cuối cùng đã bị thuyết phục: Chúa Kitô không chỉ biết những gì ông đã nghĩ và nói, mà giờ đây, Vị Thầy của ông đang ở đó, trước mặt ông, chiến thắng cái chết và mang trong thân thể vinh quang của Ngài những dấu vết của nhục hình. 

Bấy giờ, từ môi miệng của Tôma, khi phủ phục dưới chân Chúa Giêsu, vang lên một tiếng tôn thờ, lời tuyên xưng đức tin trọn vẹn và riêng tư nhất trong toàn bộ Tin Mừng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! (Ga 20,28). Người hoài nghi, cuối cùng đã bị thuyết phục mãi mãi, vui mừng khám phá ra vẻ huy hoàng thánh thiêng của Vị Thầy chiến thắng của mình. 

Còn lời tuyên xưng nào trong Kinh thánh của chúng ta về Chúa Giêsu rõ ràng hơn, sâu sắc hơn lời này không? Từ đó, con người Tông đồ Tôma và hành trình đức tin của ngài luôn làm say mê tín hữu của các cộng đoàn Giáo Hội Sơ Khai, từ Ai Cập, Syria cho đến Ấn Độ. Sự thiếu đức tin của Tôma là bài học cho tất cả các Kitô hữu sau này, những người chưa nhìn thấy Chúa Giêsu nhưng vẫn tin vào Ngài và sự phục sinh của Ngài. Tôma vẫn là một gương mẫu để suy niệm khi chúng ta cố gắng suy tư về mối tương quan giữa lý trí và đức tin vào sự Phục sinh của Chúa Kitô, về con người lý trí có thể tin nhận sự Phục sinh của Chúa Kitô như thế nào. 

Chính Tin Mừng của Gioan vén nhẹ góc màn cho chúng ta biết điều này. Ở ba nơi, ba thời điểm trong cuộc đời của Vị Thầy, khi đối mặt với mầu nhiệm của sự sống và cái chết, thì Tôma xuất hiện. Ông muốn biết Chúa Giêsu là ai, để hướng toàn bộ con người mình về phía Ngài và biết con đường của cuộc sống: Ngài sẽ đi đâu? Làm thế nào để đến với Ngài? 

Tôma xuất hiện lần đầu tiên khi Chúa Giêsu quyết định đến làng Bêtania, sau cái chết của Ladarô: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16). Tôma có linh cảm rằng biến cố sắp đến sẽ khiến Chúa Giêsu phải chết. Ông động viên các bạn đồng môn chết với Thầy! Tôma đánh liều muốn đi con đường của Chúa Giêsu bằng sức riêng mình.

Sau đó, vào giây phút của bữa ăn cuối cùng mà Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ, Vị Thầy loan báo rằng Ngài sẽ chuẩn bị chỗ ở, nơi ở của mỗi người trong số họ, để Ngài sẽ trở lại và đem họ theo với Ngài: “Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi. Ông Tôma nói với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14, 4-5). Tôma như muốn đi đến nơi mà Chúa Giêsu đang chuẩn bị cho các môn đệ của Ngài bằng sức mạnh của riêng ông! Đó cũng là kinh nghiệm của mỗi Kitô hữu chúng ta trên hành trình đức tin không? Con người liệu có thể đi đến nơi mà Thiên Chúa muốn họ đến, bằng con đường riêng của mình không? Tôma, và mỗi người chúng ta, có nghe thấy Chúa Giêsu nói rõ “Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy” không? (Ga 14:3). Chính Chúa Giêsu, chứ không phải chúng ta, đến và đem chúng ta về nơi Ngài muốn.

Cuối cùng, trong bài Tin Mừng của chúng ta hôm nay, Tôma tiến về phía Chúa Giêsu để xác minh mầu nhiệm sự sống và sự chết, bằng mắt thấy, bằng tay sờ nắn. Giống như con người xa xưa, như Ađam – Eva đầu tiên của thế giới xa xưa muốn chiếm hữu Cây Biết Lành Biết Dữ, làm bá chủ vạn vật bằng tri thức của riêng mình, Tôma chỉ tin vào những gì nằm trong khả năng tri thức thực nghiệm của mình. Nhưng chính Chúa Kitô phục sinh đã biến đổi trí hiểu và cõi lòng của Tôma. Trên thực tế, chính Chúa Kitô đến với ông, mời ông đặt những ngón tay của mình vào những dấu thánh, những lỗ đinh, những khoảng trống không, của Thân thể bị hành hạ vào ngày thứ Sáu Tuần thánh. Chính Thần khí nơi Thân thể đã được “thần hóa” của Đấng Phục sinh, mà chúng ta cần phải mong muốn “đụng chạm, tiếp xúc”, mới giúp cho không chỉ tri thức mà cả cõi lòng chúng ta nhận ra giới hạn của chúng để “vượt qua” cái tiêu chuẩn “duy nghiệm” và thực hiện một “bước nhảy siêu việt” vào quyền lực vô hạn của Đấng Phục sinh vinh quang: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20: 22). Chỉ khi đó những hành động đức tin đích thực của chúng ta mới có thể khởi phát.

Trái ngược với những gì chúng ta thường nghĩ, chính niềm tin vào Sự Phục Sinh và sự gặp gỡ Chúa Giêsu sống động đi trước hiểu biết chứ không phải điều ngược lại. Chúng ta luôn nói rằng chính hiểu biết giúp tăng trưởng đức tin vào Sự Phục Sinh, thực ra chính sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh dẫn đưa đến đức tin. Chính vì được gặp Chúa Kitô Phục Sinh mà đức tin của Tôma đã được củng cố: “Rồi Ngài bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Ngài: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20: 27-28).

Trải nghiệm của Tôma là một hành trình tri thức dài để chạm tới mầu nhiệm sự sống và cái chết. Giống như Ađam - Eva, giống như kinh nghiệm của Tôma, phần nào đó luôn là kinh nghiệm của chúng ta, chúng ta muốn biết rõ về Sự sống và Cái chết, về Thiện và Ác. Giờ đây chính Chúa Kitô, Cây Biết Lành Biết Dữ, cũng là cây ban Sự Sống Mới, vươn cành về phía chúng ta để đón nhận chúng ta về với chính Ngài. Chính Ngài cho con người thấy những ngón tay của họ không nắm giữ lại được điều gì ngoại trừ sự trống rỗng của đau khổ và chết chóc của thế giới cũ; và như vào Ngày đầu tiên tạo thành thế giới, Ngài nói với chúng ta, thổi hơi vào chúng ta, tái tạo con người chúng ta: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở,các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói:“Bình an cho anh em!” Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Ngài lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20: 19-22).

Tất cả những lần hiện ra của Đấng Phục sinh, đối với Tôma, đối với các môn đệ Emmau, đối với Maria Magdala, đều là những biến cố thuộc về một trật tự mới. Chính Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng đi tìm và tìm thấy từng người chúng ta, dẫn đến niềm hy vọng sống động là gia tài trên trời không thể hư hoại, không thể vẩn đục tàn phai: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Ngài cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Ngài đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết” (1 Pr 1:3-5), là mối phúc tuyệt vời nhất đối với tất cả các tín hữu qua mọi thế kỷ: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Tác giả: Phêrô Phạm Văn Trung

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!