Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Phêrô Phạm Văn Trung
Bài Viết Của
Phêrô Phạm Văn Trung
CHÚA KITÔ LUÔN HIỆN DIỆN BÊN CHÚNG TA
THÁNG NĂM, THÁNG HOA DÀNH CHO MẸ MARIA
Cốt tủy của cuộc đời Kitô hữu
Gắn kết với Chúa Giêsu như cành nho với cây nho
Mục Tử Nhân Lành đến để chúng ta được sống
“Anh em đến mà ăn!” (Làm sáng tỏ mầu nhiệm của thức ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu)
Một cuộc viếng thăm bất ngờ tuyệt vời
Phục Sinh và Ý Nghĩa Cuộc Đời (Chi tiết từ “Sự phục sinh” (1715) của Sebastiano Ricci.)
Cái chết không chiến thắng
Tin vào Chúa Phục Sinh đòi hỏi một thái độ xác tín
Chúa Kitô trút bỏ mọi vinh quang bằng lòng chịu chết vì yêu thương
Chúng ta là một dân tộc Phục Sinh
Khao khát gặp Chúa Giêsu
Chết đi để sống tình yêu đích thực
Niềm vui trong tình xót thương của Thiên Chúa
Thiên tính hiển vinh của Chúa Giêsu.
Suy niệm và sống Mùa Chay Thánh
Kẻ thù ngày nay và Nước Trời ngày mai
Trở lại cuộc đời thanh sạch
Tin cậy và phó dâng mọi sự cho Chúa
Cầu nguyện suy niệm dành cho những người dễ bị phân tâm
Hơn cả sự chữa lành
Bài học về thẩm quyền
Chúng ta tìm thấy Chúa ở đâu?
CHÚA QUAN TÂM TÔI LÀ AI, NGÀI KHÔNG QUAN TÂM TÔI CÓ GÌ.
VIỆC CHIÊM NIỆM CÓ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI KHÔNG?
MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH
Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu
Hãy chọn Chúa Kitô và bước đi theo Ngài
Hãy thờ phượng Đức Vua
Đón Chúa theo gương mẫu của Mẹ Maria
Niềm vui được ánh sáng Chúa Kitô chiếu rọi
Cảm nghiệm niềm vui trong Chúa Kitô
Sám hối, thú tội và thanh tẩy đời sống để đón Chúa đến
Hãy canh chừng, hãy thức tỉnh
VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU CỦA VUA NHÂN LÀNH
ĐỜI SỐNG ĐẠO HẠNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT THA NHÂN
TẨY TRẮNG ÁO MÌNH TRONG MÁU CON CHIÊN
LÀM CHO NHỮNG YẾN BẠC SINH LỢI GẤP ĐÔI
TẠI SAO CHÚNG TA LẠI CHẾT?
YÊU THƯƠNG LÀ LUẬT CAO TRỌNG NHẤT


Trong Luật Do Thái, còn gọi là luật Môsê, có 613 giới luật, gồm 365 luật cấm làm và 248 luật buộc làm. Chính vì thế những người Do thái vốn quan tâm đến việc tuân giữ lề luật Môsê thường hỏi điều luật nào được ưu tiên hơn những điều luật khác. Thực ra, ngay trong thời Cựu ước, dân Thiên Chúa đã biết rằng phải: “yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” Đây là điều luật mà họ gọi là Kinh Shema, là bản tóm tắt Lề Luật Môsê và là lời tuyên xưng đức tin của Do Thái giáo vào một Thiên Chúa Duy Nhất. Lời tuyên xưng đó được cụ thể hóa trong đời sống tôn giáo. Người giữ luật Môsê cặn kẽ đọc câu Kinh Shema này nhiều lần mỗi ngày, nhất là những người Pharisêu còn đeo trước trán của họ một chiếc hộp nhỏ đựng lời kinh này như dấu chỉ cho thấy họ đang tuân giữ lề luật cách chu đáo. Tuy nhiên, vì có quá nhiều điều khoản chi tiết hóa Luật Môsê nên người ta không còn biết được điều răn nào là quan trọng nhất, là trung tâm cho mọi điều răn khác. Hẳn các luật sĩ, vốn hiểu rất cặn kẽ về những điều luật này, cũng không đồng ý với nhau về điều luật nào đáng được coi là quan trọng nhất. Chẳng ai có thể đi đến một kết luận đồng nhất và đồng thuận. 

Nhân cơ hội nhóm Sa đốc bị Chúa Giêsu làm bẽ mặt về việc kẻ chết sống lại, là chuyện họ không tin, thì “Những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Chúa Giêsu để thử Ngài rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22: 35). Câu hỏi này được Chúa Giêsu trả lời trọn vẹn: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi…Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22: 37,39). Chúa Giêsu gắn kết hai giới răn từ sách Đệ nhị luật: “Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (6:5) và sách Lêvi: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (19:18). Người Do thái coi hai điều răn này như thể tách rời nhau; họ đặt điều răn thứ nhất vào việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng nhiều khi chỉ là các nghi lễ tế tự và rất nhiều quy định chi tiết phải tuân giữ bên ngoài, đến độ chỉ còn là hình thức mà quên đi tinh thần cốt lõi trong tâm hồn. Có lần Chúa Giêsu lấy lời tiên tri Isaia: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Is 29: 13) để nói với họ: “Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15: 7-8). Đối với Chúa Giêsu, hai điều răn đó gắn kết mật thiết với nhau đến nỗi yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương người khác thì chưa giữ trọn Luật Chúa, và ngược lại. Chúa Giêsu dạy về việc dâng lễ: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24). Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây rằng việc làm hòa với người anh em phải ưu tiên hơn việc dâng lễ vật trên bàn thờ.

Chúa Giêsu kết hợp tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận thành một, trong đó điều răn yêu mến Thiên Chúa là nền tảng được cụ thể hóa trong điều răn yêu mến người lân cận. Như vậy, tất cả các quy định của Lề Luật, đều được đặt trong mối liên hệ với điều răn duy nhất này: yêu thương. Toàn bộ Lề Luật tìm thấy ý nghĩa và nền tảng của chúng trong điều răn yêu thương. Chúa Giêsu đơn giản hóa tất cả các giới luật: bất cứ ai thực hành tình yêu thương thì không chỉ tuân theo luật pháp mà cả các tiên tri nữa: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22: 40). Tính mới mẻ của câu trả lời nằm ở việc thực hiện mọi sự trong cuộc sống hướng về Thiên Chúa và tha nhân trong tình yêu thương. Chúa Giêsu cho thấy khi con người yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân thì cuộc sống của họ mới có nền tảng vững chắc. Điều đó có nghĩa là, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận giúp con người luôn sống trong sự hiệp thông gắn kết với Thiên Chúa và với người khác. 

Yêu người anh em lân cận như chính mình là thể hiện một cách cụ thể tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Chỉ khi như thế thì mọi điều khác, như việc đạo đức của chúng ta, thánh lễ hàng ngày, đọc sách thánh và lần chuỗi Mân Côi, mới có ý nghĩa hiệp thông đích thực với Thiên Chúa và mọi người. 

Cả hai điều răn đều đầy thách thức. Tuy nhiên, trong thực tế, việc yêu thương người lân cận như yêu chính mình có thể khó khăn hơn điều răn thứ nhất! Điều răn thứ hai này thường khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Chúng ta không phải lúc nào cũng thích người hàng xóm của mình. Hàng xóm của chúng ta có thể là một cá nhân đã làm tổn thương chúng ta, xúc phạm chúng ta hoặc phớt lờ chúng ta. Và cảm xúc mà chúng ta cảm thấy đối với người này rất có thể không phải là yêu thương. 

Tuy nhiên, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta yêu thương mỗi người chúng ta gặp: những người chúng ta yêu mến cũng như những người chúng ta muốn tránh xa; phải gắng yêu thương từng người chúng ta gặp gỡ, một cách có ý thức, bất kể chúng ta cảm thấy thế nào về họ. Chúng ta được mời gọi thực hiện hành động cụ thể này: yêu mến không chỉ Thiên Chúa bằng cách phó thác mọi sự trong cuộc sống chúng ta cho Ngài mà còn bằng cách yêu thương người khác, kể cả những người kém cỏi nhất và những người bị hư mất. Đây là biểu hiện rõ nét lòng mến của chúng ta đối với Thiên Chúa, như Thánh Gioan nói: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Ngài: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4: 20-21). 

Điều chúng ta phải làm là quy hướng toàn bộ con người chúng ta về Thiên Chúa, mở lòng mình ra cho Chúa và quên đi chính mình để phục vụ Thiên Chúa trong tha nhân. Chúng ta phải gạt bỏ những khao khát một cuộc sống thoải mái chỉ cho riêng mình, những chuyện danh giá hão huyền phù phiếm và kiêu hãnh của mình.

Nhiều người lao nhọc kiếm sống với ảo tưởng rằng họ sẽ hạnh phúc nhiều hơn khi sở hữu đầy đủ mọi thứ, khi đạt được sự nổi tiếng hoặc được ngưỡng mộ hơn. Họ quên rằng tất cả những gì họ cần là có trái tim yêu thương. Không có thứ “hạnh phúc” nào ở trần gian có thể lấp đầy trái tim chúng ta như tình yêu của Thiên Chúa. Trái tim của chúng ta được dựng nên là vì mục đích ấy. Mọi sự trong cuộc đời của chúng ta sẽ đạt được ý nghĩa cao quý thực sự của chúng khi chúng ta dành cho Thiên Chúa một tình yêu trên hết mọi sự.

Còn tình yêu đối với người lân cận, phải chăng chỉ là một tình cảm mơ hồ, một cảm xúc, một hành động thoáng qua hay một thực tại khẳng định toàn bộ con người chúng ta: trái tim, ý chí, trí hiểu và các mối tương quan giữa con người với nhau?

Con người được dựng nên do tình yêu và để yêu thương. Chúng ta có nhận ra rằng sự viên mãn của mình chỉ được thực hiện trong tình yêu của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, yêu Ngài bằng cả trái tim, hết linh hồn, hết trí khôn không? Một tình yêu như thế đòi hỏi một sự thể hiện lòng bác ái đối với anh chị em và hoàn cảnh sống cụ thể của họ. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa phán trong bài đọc thứ nhất: “Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút. Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ. Ngươi không được nói phạm đến Thiên Chúa, không được nguyền rủa người đầu mục trong dân” (Xh 22: 21-27).

Chúng ta có bao giờ tự hỏi, Chúa Cha thực sự mong muốn điều gì ở chúng ta không? Ở đây chúng ta có câu trả lời ngắn gọn của Ngài - yêu Chúa, yêu người khác. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không dễ làm chút nào. Trước hết, không thể yêu mến Đấng Tạo Hóa hoặc các thụ tạo một cách đúng đắn - như Thiên Chúa muốn chúng ta yêu thương - nếu không có quyền năng của Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta. Cũng không hề dễ dàng hơn khi phải yêu thương một cách đúng đắn và hết lòng những người khác, nhất là khi họ lại là những kẻ xấu nết, những kẻ bẩn tính, những kẻ đáng ghét, những kẻ hay ganh ghét, đố kỵ, chế nhạo, nhổ vào mặt hoặc đóng đinh chúng ta vào mọi thứ thập giá…Đó mới là những người mà lẽ ra chúng ta phải yêu thương, sẵn sàng, trọn vẹn, hết lòng? Chúa Giêsu có nói để đùa chơi không? Không bao giờ. Ngài đã không sống và chết vì tất cả những người như thế, trong đó có chúng ta, đó sao? Chúng ta cần sức mạnh siêu nhiên từ Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Phục sinh, trong Thánh Thần của Ngài, như lời Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai: “Khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa… và chờ đợi Con của Ngài từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Chúa Giêsu, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến” (1 Tx 5, 10).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Tác giả: Phêrô Phạm Văn Trung

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!