Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Fr. Huynhquảng
Bài Viết Của
Fr. Huynhquảng
Tiết độ
Hang Động Sợ Hãi
Chú Báo Đêm
Chuyện đời…
Nhân đức
Tự do của người nô lệ
Tự do ở xứ người
Tự do trong giới hạn
Chính mình
Miền Đất Không Ai Chết
Christopher Reeve
Tự do
Têrêsa – Bông Hồng Nhỏ
Mục tử trung tín
Tình bạn
Chiếc vĩ cầm
Khuôn mặt bên kia tường
Nông trại Koinonia
Cụ già bán rau
Tham lam - Quảng đại (bài 3)
Tham lam - Quảng đại (bài 2)
Giống nhau và khác nhau
Áo khiêm tốn
Tham lam – Quảng đại (bài 1)
Chú pha trà
Bài học của nước
Con ngựa
Chiếc cổng
Liệu pháp REBT
Phục hổ
Cứ dấu này
Thuỷ tự hạ
Chuyến xe đò
Nghĩ Khác
Rượu hay Nước
Green Latern
Ông Stephen Hawking
Góp Một Tay [i]
1. Kiêu ngạo – Khiêm nhượng
Nói ngay bây giờ
1. KIÊU NGẠO – KHIÊM NHƯỢNG

Kiêu  ngạo được cho là “ông tổ”của các loại tội. Adam và Eva phạm tội cũng chính vì kiêu  ngạo muốn bắng Chúa như lời dụ dỗ của ma quỉ. Mối đại họa của kiêu  ngạo chính là “không cần ai, không cần Chúa,” từ đó hậu quả nguy hại nhất của kiêu   ngạo là sự cô đơn và tự tách mình ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, ra khỏi sự đùm bộc của cộng đoàn và người thân.

Kiêu  ngạo – quay mặt xa Thiên Chúa 

Thánh Augustine gọi tội kiêu  ngạo là cội rễ của mọi loại tội, vì “Kiêu  ngạo làm con người xa rời Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống mà con người phải lệ thuộc thay vì tự cho mình là nguồn sống.”[1]

Theo thánh Thomas Aquinas, khi không muốn đặt mình dưới Thiên Chúa và trật tự mà Ngài đã tiền định cho mình, con người muốn tự quyết định và làm chủ lấy vận mệnh mình và nghĩ rằng tự mình có thể đạt tới viên mãn, hạnh phúc mà không cần Thiên Chúa. Như thế, Kiêu  ngạo là những ước muốn trái với trật tự do Thiên Chúa tiền định. Tóm lại, “Kiêu  ngạo chính là không muốn phục tùng thánh ý Thiên Chúa.”[2]

Lucifer đã từng là thiên thần nhưng vì chống lại Thiên Chúa; hậu quả là chúng phải xa rời Thiên Chúa, không tin vào Thiên Chúa, và mất đời sống siêu nhiên vĩnh viễn. Do mất hẵn đời sống siêu nhiên, Lucifer lấy mình làm trung tâm để phục vụ cho “tôi, tôi, và tôi.” Từ đó, Lucifer đã đặt kế hoạch riêng của mình lên trên kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa; nên không lạ gì, Lucifer đã quay mặt xa Thiên Chúa vĩnh viễn. Nơi Lucifer không có tình yêu, chỉ có đau khổ, cô đơn, hận thù triền miên muôn kiếp. Thiên Chúa, Đấng luôn trao ban và phục vụ, yêu thương và hiến thân cho tình yêu; ngược lại, Lucifer, kẻ chỉ lo gom góp và tích lũy, ích kỷ, cô đơn và ghen tị.

Thay vì là tham dự và chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa như Ngài đã tiền định, Ađam và Eva bất tuân Thiên Chúa khi họ muốn bằng như Thiên Chúa. Như thế, tổ tông con người phạm tội là vì chọn mình, phục vụ mình, và tôn thờ mình thay vì là chọn Chúa, phục vụ Chúa, và tôn thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng mời gọi con người chia sẻ vinh quang với Ngài qua việc phụng sự Ngài; ngược lại, con người, kẻ  khước từ lời mời của Thiên Chúa và chỉ ham muốn dành lấy vinh quang để phục vụ cho cá nhân mình.

Bất cần, quay mặt xa Thiên Chúa có thể được diễn đạt qua hình ảnh nguồn điện sáng và con người chúng ta. Khi chúng ta quay lưng lại với nguồn sáng ấy, chúng ta chỉ thấy cái bóng của chúng ta. Khốn thay cái bóng ấy có thể làm mờ lộ trình của chúng ta mà chúng ta không biết; cái bóng ấy cũng có thể làm mờ đi những người chúng ta gặp trên con đường. Cái bóng càng lớn, thì sự mờ tối và tầm lan rộng bóng đen càng rộng trong lộ trình ấy. Như thế, cái bóng ấy không những làm cho lộ trình của ta tối tăm, mà tệ hại hơn còn gieo sự tối tăm ấy cho người khác nữa. Đã rõ, cái tôi càng lớn, bóng đen càng dày đặc và rộng trong đời sống của ta. Vậy đó, tưởng mình là nguồn sáng, hóa ra mình chỉ là cái bóng. Vì thế, khi quay lưng lại với Thiên Chúa là Nguồn Sáng, ta chỉ thấy cái bóng đen của ta, cái tôi ích kỷ của ta; ngược lại, khi đối diện với Thiên Chúa, quay trở lại với Nguồn Sáng, ta không thấy bóng đen của ta nữa, cũng không thấy cái tôi của ta nữa, mà là sống trong Nguồn Sáng. 

Theo thánh Ignatius, tội cũng đồng nghĩa với việc thiếu khả năng nhận thức ân huệ mà Thiên Chúa ban tặng cho ta. Vì thế, “Chúng ta phạm tội là vì chúng ta không nhận thức đủ về tất cả những gì Chúa đã ban cho ta.”[3]  

Thực ra, Thiên Chúa yêu và tạo dựng chúng ta và muốn chúng ta chia sẻ đời sống hạnh phúc với Ngài mãi mãi. “Tất cả tạo vật là quà tặng.”[4] Chính vì vậy, đời sống Kitô hữu nên là một đời sống thoãi mái, vui tươi và phó thác vì chúng ta được tạo dựng theo ý định yêu thương của Thiên Chúa. Niềm vui và sự tự tại này là quà tặng Chúa ban cho chúng ta. Bao lâu ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thì bấy lâu sự bình an và vui tươi vẫn còn hiện diện trong ta. Khi ta không đặt niềm tin vào Thiên Chúa, mà là chính mình, ta chuốc lấy sự lo âu, muộn phiền. Như thế, kiêu  ngạo là khi ta chỉ tin vào ta, mà không tin vào Thiên Chúa. Khi con người lấy mình làm trung tâm, thay vì vào Thiên Chúa, con người không còn nhận thức đủ về sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Khi không cần Thiên Chúa và tự nhận lấy trách nhiệm và vận mạng đời mình, con người chỉ tập trung vào những dự phóng toan tính của mình, con người gặp rắc rối. Vì “là tạo vật, con người không thể là cùng đích của chính mình được; cùng đích con người ở ngoài con người…Nhưng thử hỏi có kẻ nào, có cái gì cao cả quí trọng bằng Thiên Chúa đâu, bởi ngoài Ngài, tất cả đều là tạo vật do Ngài tạo dựng nên, kém thấp thua Ngài vô cùng?”[5] 

Kiêu  ngạo – khép lòng với tha nhân  

Trong trang đầu của sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã tạo dựng hai người để họ sống chung như một cộng đoàn. “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2:18). Như thế, ý định của Thiên Chúa là con người sống chung và cùng cộng tác với nhau để giúp nhau trong việc làm chủ vũ trụ. Nhưng vì kiêu  ngạo, con người làm một cuộc hành trình hướng về chính mình, lấy mình làm trung tâm, và muốn mọi người khác, mọi sự khác phải đáp ứng nhu cầu của mình.

* * *

Chuyện kể rằng, một người đàn ông được dẫn vào một nơi: một bên là Địa Ngục và bên kia là Thiêng Đàng. Ông bước vào phòng Địa Ngục và thấy một nhóm người ngồi xung quanh với những khuôn mặt nhăn nhó, buồn thảm, và đói ăn. Ở giữa vòng tròn ấy có một nồi súp thơm phức, và trên tay mỗi người đều có mội cái muỗng dài đủ cho họ với tới nồi súp đó. Tuy nhiên, vì muỗng súp dài quá cỡ, họ không thể đưa súp vào miệng mình được. Điều đó làm họ bực mình, nhăn nhó vì họ không thấy hạnh phúc bên nồi súp. Nồi súp được dọn cho mọi người, nhưng vì mãi lo nghĩ cho mình, về mình, nên họ quên mất khả năng cùng giúp nhau thưởng thức nồi súp. Khi chỉ nghĩ đến chính mình, con người sống trong sợ sệt, bất an, tranh giành, và bế tắc như đang sống trong tình trạng địa ngục.

Rời phòng Địa Ngục, người đàn ông được thiên thần dẫn qua phòng Thiên Đàng. Tại đây, ông cũng thấy điều kiện căn phòng này cũng như phòng kia, họ cũng có nồi súp ở giữa, có muỗng dài trên tay, nhưng họ ca hát và rất vui vẻ; họ không phải nhọc mệt trong việc tìm cách đưa muỗng súp và miệng mình, vì họ dùng muỗng súp dài của mình để đút cho người khác. Như thế, khi nghĩ đến người khác, con người học biết chia sẻ, cảm thông, và như được sống trong Thiên Đàng.

Câu chuyện trên cho ta thấy rằng, sống trong Địa Ngục hay Thiên Đàng là tùy thuộc vào mức độ ta nghĩ đến mình và người khác. Như thế, kiêu  ngạo không chỉ là muốn bằng hoặc hơn người khác, nhưng kiêu  ngạo còn được hiểu là khi con người lo nghĩ đến chính mình quá mức và lấy mình làm trung tâm. Nạn đói diễn ra ngay trong thế giới này hôm nay là hậu quả của việc chỉ nghĩ về mình quá mức mà quên đi những người xung quanh. Không tìm được bình an và khả năng làm hòa là cũng vì lấy mình làm trung tâm mà thiếu khả năng cảm thông những nỗi đau của anh em mình. Vậy đó, kiêu   ngạo dẫn đời sống chúng ta vào một vòng xoáy tìm mọi cách để thỏa mãn cái tôi, nhưng khốn thay càng tìm kiếm, chúng ta càng bị cuốn vào vòng xoáy ấy; càng bị cuốn vào vòng xoáy ấy, chúng ta trở nên độc hành và không bạn hữu người thân. Như thế, kiêu  ngạo dẫn con người vào một hành trình cô đơn buồn tẻ trong cuộc đời. Đúng như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng. “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai liều ghét sự sống mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời” (Jn 12:25). Càng kiếm tìm những giá trị phù du của gian trần, tâm hồn con người không những không gặp được chúng mà còn bị cuốn vào dòng chảy dấn chìm mình xuống sâu trong cô đơn và tuyệt vọng. Chỉ đến khi không kiếm tìm cho mình bất cứ điều gì nữa, không lấy mình làm trung tâm nữa, thì lúc ấy, con người trở về căn nguyên thật của mình và gặp được bình an tự tại.

Theo Jeff Cook, dụ ngôn Người cha nhân hậu (Lk 15:11-32) diễn tả đôi nét về tội kiêu  ngạo của hai người con. Cả hai người con đều chỉ lo nghĩ đến mình, đến dự phóng và toan tính của mình. Người con trưởng dù sống gần bên cha, nhưng anh ta hằng ngày chỉ lo nghĩ những kế hoạch của đời mình. Vì mãi lo nghĩ đến tài sản giàu có của cha, vì hậm hực đứa em đã lấy tài sản phung phá, vì ghen ghét cách tiêu xài của người em, anh ta không yêu thương và chăm sóc người cha cho đúng bổn phận của người con. Anh không tin vào tình phụ tử mà người cha dành cho anh; anh nghi ngờ rằng anh sẽ không được hưởng tài sản thừa kế. Khi không tín thác đủ vào tình phụ tử, khi không hiểu nổi lòng quặn đau của người cha, khi chỉ nghĩ đến mình mà không phải là người cha, anh đã phản ứng và hạ thấp mình thành vai trò của người đầy tớ, “Cha coi, bao năm con đã hầu hạ cha.” Vì kiêu  ngạo nên chỉ quan tâm đến kế hoạch dự phóng của mình, anh không thấy thú vị và niềm vui khi ở trong nhà của Cha. Kiêu  ngạo dẫn anh đến đơn độc và buồn tẻ trong căn nhà ấm cúng của người cha. Kiêu  ngạo làm tấm lòng anh khép lại trước tình yêu tiền định của người cha.

Người con thứ biểu rõ thái độ “không cần cha” khi muốn ra đi theo dự phóng riêng của mình. Cũng như Eva, người con thứ tưởng rằng với chừng ấy tiền trong tay, anh có thể làm “chủ” cuộc đời mình. Khi cắn trái cấm, Eva mới biết vị cay đắng của nó và mới học biết ai mới là Chúa của mình. Cũng vậy, có tiền trong tay, người con thứ mới thấu chạm sự thất bại và hiểu được ai mới là chủ của đời mình. Tuổi trẻ tài cao, sức khỏe tiền bạc được cho như là những thứ bảo đảm cho an toàn, hạnh phúc và làm chủ vận mạng đời mình. Nhưng anh không hề biết rằng, sự sống và những phương tiện ấy đều là quà tặng mà cha anh đã trao ban cho anh một cách nhưng không. Những khả năng ấy anh không thể tự mình mà có được, nhưng là ân huệ của người cha trao tặng.

Kiêu  ngạo tự nhận mình có quyền sở hữu mạng sống, tài năng, của cải chắc chắn sẽ dẫn đến đại họa, chuốc lây cô đơn. Vì lo mải mê toan tính và thực hiện kế hoạch của mình, người con thứ không còn thiết nghĩ đến người cha và người anh của mình. Ngày đêm trong đầu của anh chỉ nghĩ làm cách nào để anh ta tìm thú vui, tìm an nhàn, và tìm thỏa mãn cho chính anh ta. Như thế, sự kiếm tìm và đề cao cái “tôi, tôi, và tôi” của người con thứ đã trỗi dậy rõ nét. Người cha và người anh trở thành phương tiện để giúp anh đạt được mục đích: thỏa mãn chính mình. Khi đã đạt được mục đích, anh đi riêng và không cần và cũng không bận tâm đến họ. Tóm lại, do kiêu  ngạo muốn thực hiện kế hoạch riêng đời mình, người con thứ đã đánh mất căn tính, phẩm giá, và chuốc lấy cô đơn đại bại trong hành trình của mình. Như thế, kiêu  ngạo dẫn con người vào hành trình một mình cô đơn, lẻ bóng, buồn tẻ trong cuộc đời.  

Kiêu  ngạo – đánh mất căn tính chính mình  

Tin Mừng thuật lại cho chúng ta thấy hai môn đệ của Chúa Giêsu, Phêrô và Giuđa, cả hai cũng phạm tội. Phêrô hăng hái khẳng định mình đứng vững và không bao giờ phản bội Thầy; còn Giuđa âm thầm phản bội Thầy. Cuối cùng, cả hai cũng phản bội, tuy nhiên chỉ có Phêrô xám hối trở về; còn Giuđa không xám hối mà tự tìm hướng giải quyết. Có thể nói rằng, do kiêu  ngạo mà Giuđa chỉ nghĩ đến mình và tự tìm hướng giải quyết nên đã đánh mất căn tính của mình là con Thiên Chúa.

Mối nguy hiểm của kiêu  ngạo chính là tự cho mình có quyền làm chủ cuộc đời mình không những khi con người vươn lên đỉnh cao của thành công, nhưng còn nguy hiểm hơn, chính là khi họ rơi vào thất bại, phạm tội. Khi phạm tội, tức là khi con người đang sống trong bóng đen của sự dữ, cộng với sự kiêu  ngạo, bóng đen ấy càng làm che khuất đi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì lẽ đó, kiêu  ngạo dễ dàng dẫn con người tới khả năng tự quyết trong việc chọn lấy hướng đi của đời mình. Càng nguy hiểm hơn khi quyết định này diễn ra trong lúc cuộc đời của mình đang gặp nguy khốn. Những trường hợp tìm cách “giải quyết” đời mình trong tuyệt vọng thường rơi vào trong hoàn cảnh này.

Vì tự mình xây nên một tháp ngà, đặc biệt lúc thành công, danh tiếng, mạnh khỏe, và hưởng sự khoái cảm thành công ấy trong tháp ngà của mình; con người nghĩ là tự mình có thể sở hữu được tất cả những điều ấy mà không cần Thiên Chúa. Hay nói cách khác, khi không nhìn nhận tất cả khả năng và thành đạt của đời mình là quà tặng của Thiên Chúa, nên khi thành công đôi chút, con người cứ mãi say mê với chiến thắng ấy, mà quên đi rằng, những hào quang ấy chỉ là cái bóng phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa cho mình mà thôi. Vì thế, khi thất bại, phạm tội, con người khi sống trong kiêu  ngạo, cũng không nghĩ đến Thiên Chúa là Đấng có thể giải thoát ta ra khỏi bóng đen của những tội lỗi ấy. “Do tự tôi tạo nên cơ nghiệp, danh tiếng, nên tự tôi cũng có thể sửa đổi và tìm lại danh tiếng; do tự tôi chọn lựa và tạo sự bình an cho tôi, nay cũng tự tôi có thế phục hồi sự bình an ấy.” Như thế, kiêu  ngạo làm cho con người loay hoay khổ sở kiếm tìm sự bình an và lòng tha thứ trong cái tôi ích kỷ hẹp hòi của mình; mà thực chất, sức con người không bao giờ tìm thấy được.

Kiêu  ngạo cũng thường làm cho chúng ta đeo những mặt nạ để che giấu sự cô đơn, bất an khó tả ẩn sâu trong nỗi lòng mà nhiều khi chủ thể cũng không nhận thức được. Hậu quả là, kiêu  ngạo làm ta nghĩ rằng ta không nên để lộ những lầm lỗi, thất bại của ta cho người khác biết vì khi họ biết lỗi của ta, ta sẽ không còn được tôn trọng nữa. Kiêu  ngạo làm ta không thể nói lên lời xin lỗi, vì khi xin lỗi là cách gián tiếp ta thừa nhận ta sai lỗi và yếu đuối. Kiêu  ngạo làm ta cũng không chấp nhận lời xin lỗi từ người khác, vì khi chấp nhận lời xin lỗi của người khác ta phải hạ mình xuống một bậc trong mối tương giao này, (mà người đó không xứng đáng để ta giữ mối thân tình bằng hữu). Như thế, do kiêu  ngạo mà căn tính cao quí của ta bị đánh mất, hay ít nhất ũng bị bóp méo biến dạng vì ta không còn sự sáng suốt nguyên thủy để nhận ra hình ảnh trung thực của ta đối với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình.

Căn tính mà con người được phú tặng từ nguyên thủy chính là được tạo dựng để được Thiên Chúa yêu thương và chia sẻ tình yêu ấy với Ngài và với tha nhân. Vì được yêu thương, nên dù khi có lầm lỗi, phạm tội, con người vẫn được yêu thương. “Ðức Kitô đã chết vì ta, ngay lúc ta còn là tội nhân” (Roma 5:8). Nên trong tình yêu hoàn hảo ấy, sự thất bại sa ngã của kiếp người cũng trở thành cơ hội để đến gần Thiên Chúa hơn và cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa hơn. Vì thế, khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn yếu đuối và để cho Chúa yêu mình, chữa lành vết thương của mình là cách bảo đảm nhất trong quá trình trở về tìm lại sự bình an trong tâm hồn. Nếu chúng ta ý thức những khả năng và thành công của ta là quà tặng từ Thiên Chúa ban tặng, thì dù ta mắc phải những lầm lỗi yếu đuối, Thiên Chúa vẫn có thể ban tặng phương thuốc chữa trị khi chúng ta phơi lòng mình cho Ngài. Vậy đó, nhờ nhận ra căn tính thật của mình, ta sẽ can đảm và tin tưởng để Thiên Chúa yêu thương và mau mắn để giải hòa với tha nhân; làm như thế, ta tìm lại chính mình trong kế hoạch yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa, và căn tính thật của ta được bảo đảm.   

Khiêm nhượng - Tinh thần nghèo khó  

Theo tiếng Latin, “humilitas” nghĩa là thấp, bụi đất.  Từ “humilitas” của tiếng Latin, ta có “humility” trong tiếng Anh, nghĩa là khiêm tốn. Như thế, khiêm tốn tức là nhận ra tình trạng thật của mình; một loài thụ tạo được tạo dựng từ bùn đất. Cũng như vậy, Adam, tên gọi của tổ tiên loài người được xuất phát từ danh từ “adamah” (Gn 2:7; 3:19) nghĩa là “đất.” Nói tóm lại, con người dù có thông minh tài trí tới đâu, vốn dĩ mình cũng chỉ là cát bụi.

 “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” (Mt 5: 3). “Tinh thần nghèo khó là một điều kiện chứ không phải là sự miêu tả [về nghèo khó].”[6] Nhận thức đúng về thân phận của mình, con người biết rằng mình chỉ là thụ tạo – mình không có gì, và không có gì là của mình, mình thực sự nghèo. Như thế, tinh thần nghèo khó trong Tin Mừng là sự nghèo mà con người là, chứ không phải là sự nghèo mà con người muốn làm cho mình nghèo, hay học cách để làm mình nghèo. Tóm lại, mình vốn dĩ đã nghèo thật rồi, không cần phải “học cách” nghèo. Thực là như vậy, vì con người được tạo dựng từ bụi đất và Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào để con người sống. Vốn dĩ được dựng nên từ bụi đất, nhưng nhờ Thần Khí mà con người có sự sống, và còn được mời gọi chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa. Như thế, sự sống của con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thần Khí của Thiên Chúa – Lấy lại Thần Khí, con người trở về với cát bụi. Chấm hết.

Chúa Giêsu mời gọi ta nhận thức rõ về sự nghèo ấy, để chính khi nhận thức được như vậy, chúng ta không còn kiêu  ngạo nữa, mà thực sự mở mắt ra hiểu rằng: Chúa là tất cả, còn con chỉ là hư vô. Triết gia Socrates nhận định rằng, “Người khôn ngoan là người biết mình dại.”[7] Chính vì lẽ đó, mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu chúc phúc chính là “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” đó cũng là cửa dẫn ta vào Nước Trời.

* * *

Trong một cuộc giảng tỉnh tâm, vị linh mục giảng thuyết chia sẻ chứng từ của Chân Phước John Paul II như sau.

Trong một chuyến hành hương về Tòa Thánh, trong khi đang đi dạo trong quảng trường thánh Phêrô, tình cờ ngài gặp một người ăn xin rất quen thuộc. Sau khi trò chuyện, ngài biết được người ăn xin ấy là bạn cùng lớp linh mục. Dù ban đầu, người ăn xin nhất quyết không thừa nhận căn tính của mình, nhưng qua trò chuyện và thuyết phục, người ăn xin thừa nhận mình là linh mục và đã xuất tu.

Vài giờ sau, trong cuộc tiếp kiến chung với Đức Giáo Hoàng John Paul II, vị linh mục tranh thủ nói với ĐGH là có một linh mục đang ăn xin ngoài quảng trường. Nghe như thế, ĐGH đã đề nghị vị linh mục ấy ở lại gặp riêng ngài. Sau khi gặp riêng, ĐGH đề nghị mời linh mục và vị linh mục ăn xin ấy vào dùng bữa với ĐGH. Đối với vị linh mục, đây là một tin vui khôn tả vì mình được vinh dự dùng bửa với Đức Thánh Cha.

Vị linh mục cấp tốc chạy ra tìm bạn mình và thuật lại lời mời của ĐGH, người ăn xin nhất quyết từ chối vì nại rằng mình đã xuất tu và rất xấu hổ để gặp ĐGH với mặc cảm mình là kẻ ăn xin. Sau một hồi thuyết phục không thành công, linh mục tỏ ra giận và nói đại ý như sau: Nếu ông không vào, thì cũng hãy vì tôi mà vào, vì đây là cơ hội ngàn năm một thuở để tôi được ăn chung bàn với ĐGH. Câu nói ấy làm cho người ăn xin đổi ý. Sau khi sửa soạn và thay quần áo mới, hai người bạn được vào dùng bửa với ĐGH. Cuối bửa ăn, mọi người đứng lên để ra ngoài, riêng vị ăn xin ấy, ĐGH đề nghị ngồi lại để ngài nói chuyện. Cuộc gặp mặt diễn ra khoảng 15 phút giữa hai người. Sau khi bước ra khỏi phòng ăn, vị linh mục hỏi về cuộc gặp mặt, vị linh mục ăn xin nói: phần lớn thời gian là dành cho bí tích hòa giải; sau đó Đức Thánh Cha đề nghị tôi quay lại với đời sống linh mục. Nhưng tôi đáp rằng, tôi chỉ là đứa ăn xin nên không thể. Đức Thánh Cha trả lời rằng: Tất cả chúng ta chỉ là những người ăn mày trước mặt Chúa. Sau cuộc tiếp kiến ấy, vị linh mục “ăn xin” đã quay trở lại đời sống linh mục và hiện đang coi sóc một giáo xứ tại Ý.

* **

Tất cả chúng ta chỉ là những người ăn mày trước mặt Chúa. Đó chính là tinh thần nghèo khó mà Tin Mừng của Đức Kitô rao giảng. Vì chỉ là kẻ ăn mày ngữa tay xin xỏ, nên nhận được gì, được ban tặng điều gì, và được trao gởi đều gì là tùy vào lòng hảo tâm của chủ nhân. Được nhận ít hay nhiều, ra sao, như thế nào, và khi nào được nhận là do người chủ quyết định chứ đâu thuộc quyền kẻ ăn xin! Kẻ ăn xin đâu có quyền để đòi hỏi được điều này điều nọ; kẻ ăn xin đâu đủ tư cách để nói chuyện với chủ nhân; và kẻ ăn xin không đủ phẩm phục để đối diện với người tước vị. Đó chính là tình trạng thật của con người chúng ta. Đó chính là tinh thần nghèo khó thật của con người chúng ta. Nó là một điều kiện, chứ không phải là sự miêu tả về nghèo.

Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã mặc lấy thân phận con người. Trong khi đó, con người vốn dĩ là bụi đất, nhưng được Thiên Chúa cho làm người. Chính mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa đã dạy cho con người ý nghĩa sâu sa của bài học khiêm nhượng. Vì thế, ai sống tinh thần nghèo khó là một mối phúc cho họ vì họ nhận thức được thân phận thật của mình – bụi đất, kẻ ăn mày, nên mình luôn luôn cần Thiên Chúa. Tất cả cuộc sống, sức khỏe, khả năng, gia đình, bạn hữu, công việc…đều là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa. Không có gì là của ta, và ta cũng không có quyền sở hữu chúng mãi. Ta chỉ là những người ăn xin được nhận lãnh để phục vụ Thiên Chúa.

* * *

Nhận ra căn tính thật của mình – là bụi đất, mỏng dòn, yếu đuối, cũng giúp ta nhìn nhận đúng phẩm giá thật của tha nhân.

Nguyên nhân của sự ẩu đả, gây gổ, mất hòa khí, chiến tranh trong gia đình, cộng đoàn, xã hội phần lớn là do sự kiêu  ngạo của mỗi cá nhân. Khi mỗi cá nhân muốn “kiểm soát” người khác, muốn “lên lớp” người khác, muốn người khác phải theo ý mình, cũng chính là lúc cái “tôi, tôi, và tôi” lại trổi dậy. Vì không đáp ứng được nguyện vọng như mình mong đợi, sự bất hòa có thể sẽ xảy ra.

Phúc cho ai có tin thần nghèo khó chính là khiêm tốn thừa nhận phẩm giá của anh em mình, họ thuộc về Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới làm chủ cuộc đời của họ. Những anh em ta may mắn gặp được trong cuộc đời này là do quà tặng của Thiên Chúa, ta không có quyền ép buộc họ phục vụ ta, dù là vợ, chồng, hay con cái. Vì là quà tặng, nên có khi sẽ bị lấy lại. Cái chết của người thân, bạn hữu là lúc Thiên Chúa lấy lại quà tặng ấy. Tại sao? Chỉ để chuẩn bị cho ta nhận mòn quà tặng cao quí nhất đó chính là Con Một của Thiên Chúa, món quà không hư nát, nhưng là sống động bất biến trường tồn.

Thực tế cho thấy khi gặp gian nan hoạn nạn, con người thấy rõ thân phận của mình hơn, mình cần nhau hơn, và thương mến nhau hơn. Tác giả Ann Shields  trong cuốn sách Tại Sao Phải Tha Thứ, nêu lên sự thật rằng: “Thảm họa và tai ương sẽ làm cho đầu gối chúng ta mềm ra và quì xuống.” Biến có 9-11, động đất tại Haiti (2010), sóng thấn tại Nhận Bản (2011) đã làm cho con người mạnh thêm hơn về khả năng chia sẻ và cảm thông. Vì thực ra trong những hoàn cảnh tan nát ấy, những cái mà một thời họ cho là “thành trì” vững chắc đã không còn nữa, mà chỉ còn con người bên nhau mới thực sự mang lại một cảm nhận an toàn, ổn định.

Cuối cùng, không một ai trong thế giới con người có thể làm mẫu mực khiêm tốn cho chúng ta noi theo như Đức Maria. Theo khẩu truyền tại làng Nazareth, biến cố truyền tin lần đầu đã diễn ra tại Giếng Đức Mẹ, nơi không xa lắm căn nhà của thân mẫu Maria. Cũng như thường lệ, buổi sáng cô Maria ra giếng lấy nước; thì tại đó, Thiên Thần xuất hiện và để nghị Cô nhận lời. Nhưng quá ngỡ ngàng khi đối diện với người lạ mặt, cô Maria sợ hãi bỏ chạy về nhà. Chỉ mấy giờ sau, Sứ Thần Chúa đến lần hai tại nhà Đức Maria với những lời để nghị tương tự, và lần này cô Maria thưa tiếng “Xin Vâng.” Lời truyền khẩu này xem như rất hợp lý với suy nghĩ và hoàn cảnh của con người. Đúng vậy, một cô gái 16 tuổi làm sao mà không ngỡ ngàng và sợ hãi trước lời đề nghị táo bạo từ một người lạ mặt? Nhưng sau lần thứ hai, Maria đã chấp nhận: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi như lời Sứ Thần truyền.” Lời “Xin Vâng” của Đức Maria biểu lộ của sự khiêm tốn vì Mẹ nhận thức thân phận “nữ tỳ” của mình. Chính khi nhận thức thân phận thật của mình, Thiên Chúa đến và cư ngụ trong cung lòng của Mẹ. Cung lòng Mẹ đẹp không phải vì những gì Mẹ có, nhưng đẹp vì Mẹ để Chúa trang điểm cho Mẹ.

Kết luận

Tóm lại, lịch sử cứu độ là những chuỗi liên tiếp của hai tiếng “Xin vâng.” Abraham xin vâng theo tiếng gọi đi về Đất hứa; Moses xin vâng để dẫn dân Israel ra khỏ Ai-Cập; Đức Maria đã xin vâng để đón nhận Ngôi Hai nhập thể; thánh Giuse đã xin vâng để đón nhận Maria; Đức Kitô đã xin vâng để uống cạn Chén đắng; và các tôi tớ Chúa trong mọi thời đại cũng xin vâng theo ý Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau. Ta có thể đúc kết mối tội thứ nhất theo ý ngắn gọn sau: Không vâng theo ý Chúa là kiêu  ngạo; vâng theo ý Chúa là khiêm tốn.  

Br. Huynhquảng

http://brhuynhquang.org/


[1] Jeff Cook, Seven the Deadly Sins and the Beatitudes, (Zondervan, 2008), Loc 413.

[2] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, ed. Timothy McDermott (IN: Christian Classics, 1989), 438.

[3] David Fleming, S.J., What is Ignatian Spirituality?, (Chicago: Loyola Press, 1996), 26.

[4] Fleming, 3.

[5] Michael Nguyễn Thế Minh, Bước Đường Linh Thao, 2007, 44

[6] Cook, Loc 593-601.

[7] Ibid, Loc 610-17.

Tác giả: Fr. Huynhquảng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!