QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Thứ Bảy Tuần XVI Thường
Niên, Năm Chẵn:
Lm. MINH ANH, TGP. HUẾ
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://bitly.li/T3j2
“Hãy để chúng cùng lớn
lên cho tới mùa gặt. Khi đó, Tôi sẽ
dặn thợ gặt: “Trước tiên hãy gom cỏ lại thành bó mà đốt đi, rồi sẽ thu lúa vào
kho cho Tôi!””. (Mt 13, 30)
“We Are the World”, “Chúng
Ta là Thế Giới”, một ca khúc Michael Jackson và Lionel Richie viết.
Một đĩa đơn “thu hút sự chú ý chưa từng có của quốc tế về châu Phi” ghi âm năm
1985 với sự góp giọng của hơn 45 siêu ca sĩ; đạt doanh số hơn 20 triệu bản, thu
hơn 75 triệu dollars quỹ giúp châu Phi. “Chúng
ta là thế giới, hãy học biết chia sẻ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nói rằng “Chúng ta là thế giới, hãy học biết
chia sẻ!”, khác nào nói, hãy ‘Ôm lấy thế giới!’. Vậy mà, Lời Chúa hôm nay cảnh báo, đó là một thế giới
‘đầy cỏ!’; một thực tế vừa xót xa vừa
đáng mừng! Tại sao? Cỏ ở khắp mọi nơi, nhưng
lòng thương xót của Thiên Chúa còn nhiều hơn cỏ; nó bao phủ cả thế giới! Quan trọng hơn, bạn và tôi được kêu gọi để ‘ôm lấy nó’ và cho phép Thiên Chúa ‘ôm nó’ qua chính
mình!
Nếu coi
lúa tốt là tất cả những gì Chúa Kitô dạy thì thế giới ngày nay có rất nhiều điều
trái nghịch Kitô giáo; nói cách khác, lắm cỏ! Cỏ thậm chí sinh sôi nhiều hơn và
dễ thấy hơn lúa. Vậy không lẽ Chủ Mùa cho phép cỏ át lúa? Không đâu! Chúa Giêsu
nói, “Cha trên trời cho mặt trời mọc trên kẻ xấu
và người tốt!”. Vì thế, khi thấy cỏ hầu như ở khắp mọi nơi, chúng ta
không nản chí; trái lại, cứ ‘ôm lấy nó’, để
Vương Quốc Chúa Kitô hiện diện trong đó, ít nữa là ‘thế giới quanh mình!’.
Cần nhớ, cỏ
luôn luôn có và nó sẽ có cho đến tận thế! Tập
trung vào lúa, đừng tập trung vào cỏ! Tập trung vào cỏ, chúng ta có
thể rơi vào phê phán hoặc rút lui khỏi những tương tác với những ai không nhìn
mọi thứ như chúng ta nhìn; và như thế, trở nên tiêu cực, đánh mất hy vọng và niềm
vui. Không! Tình yêu kêu gọi chúng ta không chỉ
thấy ‘những gì đang có’ nhưng còn mời gọi chúng ta thấy ‘những gì có thể!’.
Mẹ Têrêxa nói, “Tôi tin rằng, Thiên Chúa yêu
thương thế giới qua chúng ta!”. Vậy tôi có cho phép Thiên Chúa yêu nó qua tôi, và tôi có cùng Ngài ‘ôm lấy nó’, một thế
giới đáng thương?
Thật trùng
hợp, điều chúng ta được mời gọi cũng là điều Giêrêmia đã sống! - bài đọc một.
Giêrêmia không nguyền rủa dân, một Israel phản nghịch; trái lại, ông ôm lấy dân! Đúng hơn, Giêrêmia cho phép Thiên Chúa
qua ông, ôm lấy Israel, “Hãy cải
thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ
cho các ngươi lưu lại nơi này!”. “Nơi” của Chúa là ‘đất Hứa’, là đền thờ, là “Cung điện
khả ái” như Thánh Vịnh đáp ca
hoài niệm.
Anh Chị
em,
“Cứ để cả
hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!”. “Mùa gặt” là
‘mùa xót thương!’. Với Chủ Mùa, ‘cỏ thành lúa’ vẫn là điều có thể. Lòng
thương xót là nguồn gốc và động lực của mọi cuộc hoán cải. “Lòng thương xót là gì nếu không phải là tình yêu vô bờ của
Thiên Chúa, Đấng đã đương đầu với tội lỗi của con người, kiềm chế xung năng của
công lý nghiêm khắc, và để cho mình ‘bị lay động’ bởi sự khốn khổ của các tạo vật
vốn thúc đẩy đến toàn bộ, đến nỗi trao cả món quà của bản thân, Con Một, trên
thập giá!” - Gioan Phaolô II. Cả chúng ta, hãy ước ao thật nhiều về
một kinh nghiệm tái tạo của lòng thương xót, để
có thể cùng Chúa ‘ôm lấy nó’, một thế giới đáng thương hơn đáng ghét!
Chúng ta
có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa,
để có thể ôm lấy một thế giới ‘ít lúa, lắm cỏ’, tiên vàn, xin ân sủng Chúa hoán cải tâm hồn con; nhờ đó, nó ‘đầy
Chúa’ và ‘sạch cỏ!’”, Amen.
(lời nhắn: mọi
người đều có thể yêu cầu được nhận bài suy niệm ngắn gọn tương tự của cùng tác
giả trong mỗi ngày, xin liên lạc qua
email: minhanhhue06@gmail.com – xin
cảm ơn).
Lm. MINH ANH, TGP. HUẾ
Hẹn gặp lại