.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Tri Ân

Phần I: Khung Cảnh Tổng Quát, Chương I: Từ Thiên Nhiên Đến Con Người

Chương II: Lý Tưởng và Mục Tiêu Giáo Dục

Phần II: Lịch Sử Thành Lập, Chương III: Điều Kiện Hợp Pháp Đến Hoạt Động Thực Tiễn

Chương IV: Hội Đại Học Đà Lạt

Chương V: Quá Trình Thành Lập Viện Đại Học

Chương VI: Khối Hành Chánh

Chương VII: Khối Tâm Linh

Chương VIII: Khối Phục Vụ Chuyên Biệt

Chương IX: Khối Học Thuật

Chương Mười: Một Số Dự Án của Viện Đại Học Đà Lạt

Phần III: Khối Học Vụ: Các Phân Khoa; Chương XI: Trường Sư Phạm

Chương XII: Trường Văn Khoa

Chương XIII: Trường Khoa Học

Chương XIV: Trường Chánh Trị Kinh Doanh

Chương XV: Trường Thần Học

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Viện Đại Học Đà Lạt Giữa Lòng Dân Tộc Việt Nam 1957-1975
Tác giả: Gs. Đỗ Hữu Nghiêm
CHƯƠNG IX: KHỐI HỌC THUẬT

1. Giá Trị Văn Bằng của Viện Đại Học Đà Lạt.

            Ngoài uy tín chất lượng của các giáo sư và toàn bộ nhân viên của một Viện Đại Học, giá trị văn bằng của các trường trong Viện Đại Học còn tùy thuộc tính cách pháp lý. Các văn bằng ấy cần được các cơ quan nhà nước và các trường đại học quốc nội hay quốc tế khác công nhận

            Ngày 28/3/196, Trường Sư Phạm Ban Triết học tổ chức lớp tốt nghiệp đầu tiên trong Viện. Theo luật pháp quốc gia, nhiều cơ quan tuyển dụng đặt vấn đề giá trị văn bằng do Viện Đại Học Đà Lạt cấp phát. Vì thế, theo yêu cầu của VĐHĐL, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đã cho VĐHĐL, do Hội Đại Học Đà Lạt thành lập, được cấp phát văn bằng đại học theo sắc lệnh số 199/GD, ký ngày 28/8/1961[63].

Sắc lệnh đó, tuy do Tổng Thống ban hành, vẫn cần được hợp thức và chi tiết hóa bằng Nghi Định của cơ quan chức năng được phân nhiệm trong chính phủ là Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Bộ này đã chính thức xác định cho Viện Đại Học được cấp văn bằng đại học thực thụ theo nghị định số 206/GD/PC/NĐ, được Bộ Trưởng Trần Hữu Thế ký ngày 4/9/1961

            Về phía quốc tế, một số cơ sở đại học Mỹ và Pháp cũng có tiếng nói đầu tiên đối với giá trị văn bằng của Viện Đại Học, chẳng hạn:         

Trường Đại Học Sorbonne, Paris ở địa chỉ số 12 Place Panthéon, Paris 75005, France đã công nhận các chứng chỉ từ Dự Bị đến Văn Bằng Cử Nhân Văn Chương Pháp.

Trường Đại Học Công Giáo George Mason University (4400 University Drive, Fairfax, VA 22030) bảo trợ không những về tài chánh mà còn về học thuật.

Các cơ quan tài trợ cho Viện Đại Học cũng gián tiếp ủng hộ giá trị đào tạo và văn bằng của cơ quan này. Về sau, tùy từng thời điểm phát triển của các trường trong Viện, văn bằng Cử Nhân hay Cao Học đều có văn kiện chính thức công nhận.

Sau cùng lời chúc lành của Vatican cho tập thể Viện Đại Học Đà Lạt nhân kỷ niệm mười năm xây dựng (1959-1969) là một cử chỉ làm tăng uy tín và khích lệ sứ mệnh trồng người của Viện này. 

2. Các Tòa Nhà và Giảng Đường Đại Học

Một đặc điểm rất Á Đông là cách đặt tên Hán Việt từ các cổ thư như Tứ Thư Ngũ Kinh cho các kiến trúc và giảng đường đại học theo truyền thống văn hóa châu lục. Cách đặt tên không khô khan giống như con số giảng đường ở các đại học thường thấy bên phương Tây. Các tòa nhà hay giảng đường cũng được xây dựng xoáy trôn ốc theo dốc đồi lần lượt từ trên các cao độ khác nhau và được liên kết với nhau bằng những bậc đá lên xuống hay cầu bằng gỗ xinh xinh, những lối đi có trang điểm len lỏi quanh co giữa những khóm hoa ôn đới duyên dáng đủ loại màu sắc như mimosa, hồng, anh đào, thược dược, tầm xuân, huệ trắng, glaïeul… . Các tỏa nhà hay giảng đường ấy lại được đan xen thơ mộng, như ngẫu nhiên bên cạnh, chen giữa hay khuất dưới, đàng sau những lùm cây tươi mát thiên nhiên.

        Những nam thanh nữ tú đã Đôn Hóa, Minh Thành, Thụ Nhân trong chốn giảng đường Spellman, giải trí lành mạnh ở Trung Tâm Sinh Viên, miệt mài ở đại học theo guơng Trương Vĩnh Ký, biết sống tiết trực Thượng Hiền, Hòa Lạc, Năng Tĩnh, Cư Dị, Dị An,Tri Nhất, Kiêm Ái, thì cuộc đời sẽ trông thấy Bình Minh và Rạng Đông lâu dài như không bao giờ kết thúc.

Trong thời đại ngày nay giáo hội Công giáo muốn nhập thể vào cộng đồng dân tộc Việt Nam trên nền tảng văn hóa Á Đông. Từ ban đầu, như một truyền thống qua cách đăt tên các tỏa nhà và giảng đường, Viện Đại Học Đà Lạt đã đề cao ý tưởng Tin Mừng bàng bạc trong triết học phương Đông. Nhiều tư tưởng Tin Mừng Công Giáo được diễn dịch trong các sách Kinh Thánh theo cảm quan phương Tây cũng được chứa đựng Kho tàng Tứ Thư Ngũ Kinh phương Đông. Vì thế Cổ Thư phương Đông không thiếu những tư tưởng thâm thúy, làm phương châm cho lý tưởng Thụ Nhân, tuy kho tàng ấy không phải là tất cả chân lý Tin Mừng

Nói cách khác, trong trào lưu hội nhập văn hóa của Giáo Hội Công Giáo ngày nay, có thể nói rằng Tứ Thư Ngũ Kinh cũng là một thứ Kinh Thánh với ý nghĩa nào đó theo khẩu vị truyền thống văn hóa phương Đông. Theo nhãn quan đó, có thể giải thích ý nghĩa của từng Tòa Nhà hay giảng đường Đại Học chốn Cao Nguyên thơ mộng, khó quên này.

Từ khi hoạt động trong Viện Đại Học Đà Lạt, người viết không mấy chú ý đọc hay nghe ai giải thích chính thức về lý tưởng Thụ Nhân và các ý nghĩa ẩn ngụ trong tên gọi các tòa nhà và giảng đường thuộc Viện. Nhưng một số thành viên của Thụ Nhân, như cựu sinh viên Tạ Duy Phong KD1, hay Phạm Văn Bân KD7, đã nêu ra cách lý giải một số từ ngữ của gia đình Thụ Nhân. Người viết cho đây là những nỗ lực giải đáp khá lý thú về một số từ ngữ phương châm ấy, mặc dù trong Chỉ Nam Sinh Viên của VĐHĐL có dẫn giải một phần những nét chính yếu[64]. Chính cộng đồng Thụ Nhân dần dần chủ động góp phần làm cho truyền thống trở nên phong phú và bền vững vậy.

Nguồn gốc các tên gọi kia đều hàm chứa ý nghĩa giáo dục thâm thúy. Dưới đây là một số ý nghĩa cơ bản mà người viết tìm kiếm đúc kết được một phần nhờ chính những truy tầm của các “hậu sinh khả úy” trong Viện.         

Thụ Nhân (Giảng Đường) được coi là danh hiệu lý tưởng soi đường cho tôn chỉ Đại Học Đà Lạt. Tư tưởng Thụ Nhân, theo tìm kiếm nhận thức chủ quan của người viết, bắt nguồn từ các nỗ lực sự nghiệp và kế hoạch trồng người ở trong câu nói của cổ thư phương Đông “Kế Hoạch Một Năm, Không Gì Bằng Trồng Lúa, Kế Hoạch Mười Năm, Không Gì Bằng Trồng Cây, Kế Hoạch Trăm Năm, Không Gì Bằng Trồng Người” (Nhất Niên Chi Kế, Mạc Nhi Thụ Cốc, Thập Niên Chi Kế Mạc Nhi Thụ Mộc, Bách Niên Chi Kế Mạc Nhi Thụ Nhân.)[65] 

Nhưng người viết đồng ý với tác giả họ Phạm là nguồn gốc ý tưởng Thụ Nhân có thể từ trong sách Quản Tử, rồi vì tam sao thất bản qua con đường lưu truyền từ đời này đến đời khác. Dù từ ngữ trong câu nói có thể thay đổi, nhưng ý tưởng cơ bản vẫn không thay đổi như câu này:

“Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân. Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã; nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã; nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã.” (Kế một năm, không gì bằng trồng lúa; kế mười năm, không gì bằng trồng cây; kế trọn đời, không gì bằng trồng người. Cái gì trồng một cho kết quả một, tức là trồng lúa; cái gì trồng một cho kết quả mười, tức là trồng cây; cái gì trồng một cho kết quả một trăm, tức là trồng người)[66].  

Năng Tĩnh (Nhà nguyện) là con đường trọng đại, để tìm thấy chính mình trong cõi thiêng liêng sau những giờ phút miệt mài học tập mệt mỏi căng thẳng. Tu dưỡng tâm tính bằng tĩnh lặng là cách thức ưa thích của nhà Nho. Chính Thiên Chúa hay bày tỏ mình cho con người trong cõi lòng tĩnh lặng: "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện. Trí chỉ, nhiên hậu hữu định. Định, nhiên hậu năng tĩnh. Tĩnh, nhiên hậu năng an. An, nhiên hậu năng lự. Lự, nhiên hậu năng đắc." (Con đường học lớn của người làm sáng thêm cái đức sáng suốt, ở gần dân, trụ hẳn vào nơi chí thiện. Đạt được trí, sau đó mới định được. Có định, sau đó mới có thể tĩnh. Có tĩnh, sau đó mới có thể an. Có an, sau đó mới có thể lo nghĩ. Có lo nghĩ, sau đó mới có thể thành tựu)[67]. 

Cư Dị (Giảng đường) là tinh hoa trong tư tưởng "Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân. Cố quân tử cư dị dĩ sĩ mệnh. Tiểu nhân hành hiểm dĩ kiêu hãnh." (Trên không trách trời, dưới không trách người. Do vậy, người quân tử ăn ở dễ dàng, qua đó mà chờ mệnh trời. Kẻ tiểu nhân làm điều nguy hiểm, qua đó mà cầu may)[68].  

Dĩ lễ (Cư xá giáo sư): Sống theo lễ giáo. Luận ngữ có câu: “Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sĩ thả cách” (Lấy đức dẫn đạo, lấy lễ mà làm cho tề theo, người ta sẽ biết hổ thẹn mà trớ về đường ngay nẻo chính vậy). 

Dị An (Giảng đường): dễ ở. Đào Tiềm (Đào Uyên Minh, 372-427) trong “Qui Khứ Lai Từ” có nói về chốn ở ẩn của mình là: “Thảm dung bất nhi Dị an” (Chỗ đó tuy nhỏ hep, nhưng dễ yên hàn hơn)  

Dương Thiện (Đại học xá): Biểu lộ cái tốt ra. Sách Trung Dung có ghi lại lời Khổng Tử tán dương vua Thuấn. Ở đó Khổng Tử ca tụng vua Thuấn là biết che dấu cái xấu của người khác mà biểu dương cái tốt đẹp của người khác như sau: “Ẩn ác nhi dương thiện”[69]  

Đạt Nhân (Phòng thí nghiệm): Tới đức Nhân, tức là đi tới nhân cách viên mãn. 

Đôn Hóa (Văn phòng). Đôn đốc, phổ cập sinh hoá theo chiếu hướng tốt đẹp. Đạo Trởi Đất là con đường vạn vạt sinh sống hài hòa mà không hại lẫn nhau. “Tiểu đức xuyên lưu . Đại đức đôn hóa” (Đức nhỏ như sông ngòi chảy khắp, đức lớn như phổ cập sinh hóa)[70].        

Hòa Lạc (Toà Viện trưởng) lấy ý từ câu: “Huynh đệ ký hấp, Hoà Lạc Thả Thầm” (Anh em xum họp, Hòa Vui biết mấy)[71]  

Hội Hữu (Giảng đường) gợi lên ý tưởng đi tìm một phương cách học tập hữu hiệu nhất. Nếu chọn bạn mà chơi, thì cũng phải biết chọn bạn mà học. Cách thế học tập có kết quả nhất là hội hữu, một bí quyết thành công của đại học chi đạo: "Tăng Tử viết: Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân." (Tăng Tử nói: người quân tử lấy văn chương mà họp bạn, lấy bạn mà giúp nhau giữ lòng nhân)[72].  

Kiêm Ái (Đại học xá sinh viên): Mặc Tử, triết nhân đời Xuân Thu, chủ trưong kiêm ái, tức là yêu thương mọi người như nhau, không phân biệt kẻ thân người sơ, lâu mau.

Lạc Thiện (Đại học xá): Vui với điều tốt lành. 

Minh Thành (Giảng đường, Phòng Thí Nghiệm) bộc lộ một ý chí chân thành trong sáng. Đạt được một nhân cách minh thành, đấy là mục tiêu của giáo dục vậy: "Tự thành minh, vị chi tính. Tự minh thành, vị chi giáo. Thành tắc minh hĩ. Minh tắc thành hĩ." (Vì có lòng thành thật mà sáng suốt, đó là do tính. Vì sáng suốt mà có lòng thành thật, đó là do giáo dục. Vậy nên ai có lòng thành thật thì sáng suốt. Ai sáng suốt thì có lòng thành thật)[73]. 

Spellman (Đại giàng đường ): Hồng Y Francis Joseph Spellman, (4/5/1889– 2/12/1967) là vị giám mục thứ chín và Tổng GM thứ sáu của Giáo Phận Công Giáo Nữu Ước[74]. Đối với Việt nam, ngài đến VN lần đầu tiên năm 1955. Đang cử hành Thánh lễ tại Nhà Thờ Đức Mẹ La vang  tại Quảng trị, ngài vừa khóc vừa giảng: “Tôi cầu nguyện, tôi tin chắc Đức Mẹ La vang sẽ thắng, và sẽ sớm mang lại Hòa Bình cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” [75]. Hai lần kế tiếp năm 1964 và 1965, nhân dịp Lễ Giáng Sinh hằng năm ngài sang với tư cách Tổng Tuyên Úy đến thăm viếng và úy lạo nhiều đơn vị Quân Đội Hoa Kỳ đồn trú ở Việt Nam. Ngài từ trần ngày 2/12/1967 tại New York trong giáo phận của ngài.          

Thượng Chí (Giảng đường): Nêu cao chí hướng sống theo nhân nghĩa. Sách Mạnh Tử kể lại rằng ông Điếm, con vua Tề hỏi: “Kẻ sĩ làm gì? Mạnh Tử trả lời: “Thương Chí!” (nâng cao chí hướng lên. Ông đã giải thích “Thượng Chí” như sau: “Chẳng qua là làm điều nhân nghĩa đó thôi. Giết một người vô tội là bất nhân. Chẳng phải của mình mà dành lấy là phi nghĩa. Kẻ sĩ là ở nơi nào? Ở đức nhân. Kẻ sĩ đi đường nào? Ở đức nhân. Noi theo đức nghĩa, sự nghiệp của đại nhân như vậy là đã đầy đủ rồi vậy. 

Thượng Hiền (Giàng đường): Quan niệm chính trị của người xưa là biết quí trong người hiền đức. 

Tri Nhất biểu lộ cảm nghĩ bể học của thánh hiền thì vô tận và con người phải toàn tâm toàn ý mới tới gần vị tri thức độc nhất vô cùng phong phú đó: "Hoặc sinh nhi tri chi; hoặc học nhi tri chi; hoặc khốn nhi tri chi. Cập kỳ tri chi nhất dã." (Có người hoặc sinh ra đã biết; hoặc học mới biết; hoặc khốn khó mới biết. Khi đạt thì cái biết chỉ có một)[76].  

3. Cơ Quan Nghiên Cứu Đại Học.  

Cơ quan tu thư được thành lập rất muộn màng sau này vào ngày 2/6/1973. Ban Tu Thư chịu trách nhiệm cho ra đời tập san Tri Thức và nội san Thụ Nhân. Tập san Tri Thức vừa là tài liệu nghiên cứu, dịch thuật, trao đổi chuyên môn thuộc các lãnh vực khoa học khác nhau của các giáo sư, đồng thời là tài liệu học tập cho sinh viên, ấn loát các loại tài liệu giáo trình, hành chánh cho toàn Viện. LM Mai Văn Hùng OP, Tiến Sĩ Triết học, điều hành báo chí và Tập San Tri Thức từ năm học 1973-1974

Nội san Thụ Nhân cũng được phát hành định kỳ như một thông tin sinh hoạt của Viện. Viện cũng phát hành những Chỉ Nam Sinh Viên hằng năm để giới thiệu cho các khách thăm, để hướng dẫn sinh viên tiếp xúc làm quen với môi trường Viện Đại Học Đà Lạt và chọn lựa các ngành học tập. LM Trần Thiện Cẩm OP, Tiến sĩ Triết học, giám đốc và chủ nhiệm nội san Thụ Nhân (1973-75) 

4. Phòng Ấn Loát (Ấn Quán SIVIDA).  

Dường như từ khi thành lập trường CTKD, hoạt động của Phòng Ấn Loát mới nhộn nhịp, và có Linh Mục Ngô Duy Linh, Phú Tá Viện Trưởng kiêm Giám Đốc Đại Học Xá Nam Sinh Viên, đã góp sức tích cực. Ông Trần Văn Ngọ là một trong những người phụ trách về kỹ thuật (tiếp nhận các giáo trình cần in, in, đóng sách, sửa chữa trục trặc máy móc, giấy mục, …) Về sau, sinh viên nắm giữ việc ấn loát, chủ yếu là các giáo trình của chính sinh viên

Về sau dưới thời Linh Mục Viện Trưởng Lê Văn Lý thì ấn quán được trao cho Lm Trần Thiện Cẩm, OP, phụ trách. LM Trần Thiện Cẩm đảm nhiệm điều hành toàn thể họat động ấn loát (1974-1975), tổ chức lại bộ phận ấn loát đặt một danh hiệu mới là Ấn Quán Sinh Viên Đại Học Đà Lạt, viết tắt thành SIVIDA. Ấn quán này lo việc ấn hành tài liệu học tập, nghiên cứu, giáo trình của các Giáo sư và các ấn chỉ giấy tờ văn thư báo chí của các bộ phận trong Viện, nhất là các giáo trình của Trường CTKD. 

5. Thư Viện Viện Đại Học Đà Lạt  

Sư Huynh Théophane Nguyễn Văn Kế[77] làm giám đốc từ khoảng cuối năm 1968, thay thế bà Trần Long xin về Sàigòn.

Thư viện mang tên Hồng Y Agagianian do chính ngài khánh thành năm 1959, nhân cuộc thăm viếng Việt Nam với tư cách Sứ Thần của Đức Phaolô VI tham dự Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc năm 1959. Vào tháng 6/1965, theo yêu cầu của Bà Ánh Nguyệt (Bà Trần Long), một số chuyên gia thư viện học là các ông Pirrel, Zerrold Orne, Trần Ngọc Hải và cô Võ Thị Hồng đã góp phần tổ chức lại các tài liệu sách báo thư viện theo hệ thống phân loại Dewey.

Các vị sau đây lần lượt nắm giữ nhiệm vụ điều khiển thư viện với tư cách giám đốc: LM De Roeck (1957-1965), Bà Ánh Nguyệt (1965-1968) và Sư Huynh Théophane Nguyễn Văn Kế, Licentia in Religiosis Scientiis, từ 1970 đến 1975

Tính đến năm 1975, nhờ nhiều cơ quan văn hóa yểm trợ, như Trung Tâm Học Liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Trung Tâm Văn Hóa Mỹ, Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Cơ Quan Văn Hóa Á Châu,… Thư viện tích lũy được khoảng gần 30.000 cuốn sách đủ loại, với 348 thứ tạp chí Anh, Pháp, Mỹ, Hàn, Đức, Nhật, Hoa... Trung bình lượng sinh viên đến học tập và tham khảo tài liệu tại thư viện là 326 lượt người/ngày.

Kể từ khi thánh lập, quá trình tích lũy sách của thư viện đã gia tăng theo từng thời điểm. Chắc chắn không thể không xảy ra cảnh mượn sách, rồi sách mất tích luôn. Điều quan trọng chắc chắn là người Việt có yêu sách, nhưng không phải ai ai cũng thích đọc sách, một nếp văn hóa rất đẹp của nhiều người phương Tây. GS Vương Hồng Sển có nói đến thú chơi sách, nhưng ngoài việc bỏ tiền mua, còn có màn “chôm” sách, để kinh doanh. Hầu hết những người mê sách lại là những người buôn bán sách cũ, mua đi bán lại với giá cắt cổ, mà không hẳn là những người say mê kiến thức mà sách mang lại. Tri thức mà không được chia sẻ là tri thức chết!

Đối với độc giả sinh viên Đà Lạt, nhiều người nhắm đến mục tiêu thực tế là cần đến thư viện để gạo bài trong mùa thi cử. Đó cũng là một động lực thực tế, nhưng chỉ vì lý do đó thì chưa thể nâng cao dân trí một cách cơ bản. Rồi cũng từ những cuộc lui tới thư viện có những tình bạn và cả tình yêu được nhen nhúm. Và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho thư viện đông đúc người thăm viếng hơn.

Biểu Đồ 9. Số Lượng Sách ở Từng Thời Điểm, 1958-1972[78]

Thời gian

I. Số lượng sách

Chú thích

1958-64

04000

Sách ban đầu với tài trợ của Giáo Hội Đức

1964

09365

 

1965

10325

 

1966

10.925

 

1967

13.425

 

1971

16525

 

1972

22430

 

II. Các loại sách trong thư viện

Tác phẩm tổng quát

0800

 

Vấn đề triết học

2800

 

Tôn giáo

0740

 

Khoa Học Xã Hội

4000

 

Ngôn ngữ

0450

 

Khoa Học thuần túy

2100

Không rõ nghĩa

Khoa học thực nghiệm

1000

 

Kỹ thuật

0900

 

Văn học

6400

 

Sử Địa

3240

 

III. Nhịp sinh hoạt tại Thư Viện, 1971-72

Độc giả vào nghiên cứu

13181

 

Sách mượn về nhà

0382

 

Tham khảo tài liệu

1725

 

Lượt người vào thư viện

326 lượt người /ngày

 

Thường sinh viên nam nữ chen chúc rủ nhau đến học đêm qui định từ 7-10 giờ tối để bảo vệ sức khỏe .Bối cảnh êm đềm cho sinh viên cũng như mọi người tại Thư viện tao ra một thứ chu kỳ hẹn hò, vừa học vừa trao tình cảm cho nhau. Sư huynh nhân cơ hội đó cho in nhiều bài viết đối thoại và hướng dẫn sinh viên nam nữ nhận thức được con đường tính yêu họ đang đi[79].

Chắc chắn dù sư huynh Giám Đốc Thư Viện tận tụy hết sức, nhưng việc tổ chức Thư Viện, quan hệ giữa các Thư Viện trong nước và nước ngoài để có trao đổi, cung cấp, và mua bàn các tài liệu nghiên cứu học tập cho giáo sư và sinh viên vẫn chưa được cải tiến nhiều. Việc trang bị các tiện nghi học tập nghiên cứu, như tủ kệ, bàn ghế máy móc in ấn, chiếu phim, chụp ảnh, slide projector, … Đây là một trong muôn vàn thí dụ về sự thiếu thốn của thư viện trong kế hoạch đòi hỏi phải cập nhật hóa.

GS Phó Bá Long yêu cầu từng nhóm lập một thư mục tất cả các sách về quản trị học trong Thư Viện của Viện Đại Học Đà Lạt. Nhưng vì phương tiện giới hạn, danh sách các sách về quản trị chỉ vỏn vẹn hai trang giấy, mà so với thư viện một đại học nước ngoài thì không biết bao nhiêu là sách vở về “management”![80]

Tác giả Gs. Đỗ Hữu Nghiêm

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!