.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

GIỚI THIỆU

Phần I: NHỮNG CUỘC GẶP GỠ

Chương 1: “Chúng Tôi Đã Gặp Ngài”

Chương 2: Nước Hóa Thành Rượu

Chương 3: Cuộc Sinh Hạ Mới

Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới (tt)

Chương 5: Nước Hằng Sống

Chương 6: Bánh Sự Sống

Chương 7: Ánh Sáng Sự Sống

Chương 8: Sự Phục Sinh và Sự Sống

Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống

Phần II: PHẦN ĐÀO SÂU

Chương 1: Sự Sống Này Là Gì?

Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi

Kết luận: “Lúc Khởi Đầu”

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Thầy Dạy Khát Khao
Tác giả: Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Chuyển ngữ
GIỚI THIỆU

     Con người muốn sống. Con người được tạo dựng để sống. Không chỉ tự nhiên tìm cách bảo tồn sự sống, nhưng chúng ta còn muốn phát triển nó, làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc hơn, tươi đẹp hơn, thanh cao hơn, mạnh mẽ hơn; tắt một lời, sống động hơn. “Vì chưng, gánh nặng nặng nề nhất là tồn tại mà không sống” (Victor Hugo). Sống có ý nghĩa gì nếu không có niềm vui sống? 

Đấng Tạo Thành đã đặt trong chúng ta khát vọng sống mãnh liệt này. Thánh Irênê thành Lyon viết, “Vinh quang Thiên Chúa, chính là con người sống”. Thiên Chúa chúng ta không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống. Sứ điệp Tin Mừng nhất thiết phải là một sứ điệp sự sống. Đấng Phục Sinh mở cho chúng ta hành trình của một cuộc sống không suy tàn, một cuộc sống chiến thắng mọi quyền lực sự chết.  

Trong bốn sách Tin Mừng, Tin Mừng Gioan hẳn là cuốn sách nói với chúng ta nhiều nhất về sự sống sung mãn Đức Giêsu mang đến cho trần gian. Vì thế, không thể đọc Tin Mừng này nếu ở mỗi trang, chúng ta không ý thức đặt mình dứt khoát trước sự hiện diện của một sức sống tuôn tràn, toàn vẹn, rạng rỡ được trao ban một cách hào phóng vô hạn. Về sức sống này, thánh Gioan so sánh nó với cảnh mặt trời mọc. Dường như ngay khi lần đầu trào tuôn, khi sự sống đó vừa bộc lộ thì những con mắt trần gian phải nhoà đi. Dường như khi cốt lõi sự sống vừa hé mở và để lộ bí mật cho vị tông đồ trẻ thì tận đáy lòng Gioan đã dậy lên một niềm thôi thúc, một năng lực sáng tạo, một năng lực của những khởi đầu vĩ đại. Bức thư thứ nhất của Gioan đã làm vang vọng sự phấn chấn của tác giả Tin Mừng thứ tư, “Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi” (1Ga 1, 2). 

Việc tỏ hiện này không đơn thuần được thực hiện theo một hình thức soi sáng bên trong dành cho những tâm hồn ưu tuyển và hiểu biết. Sự sống này đã nằm ở trung tâm lịch sử nhân loại, dính trết nhân tính của chúng ta, ở đó xảy ra những trận chiến gay gắt của những con người. Sự sống đó được gắn liền với sự rạng ngời của một ngôi vị đặc biệt khác: Đức Giêsu thành Nazareth. Thật tuyệt vời, chính nhờ một Giêsu bằng xương bằng thịt chịu thương chịu khó như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, mà sự sống được tỏ hiện theo một cách thức không thể so sánh.

 

Các Tin Mừng nhất lãm cho thấy Đức Giêsu như một con người mà từ Ngài, một năng lực sống tràn đầy và sáng tạo phát ra. Hành vi cử chỉ cũng như lời của Ngài mang lại một nguồn sinh khí đầy sức sống. Mọi nơi Ngài đi qua, Đức Giêsu không ngừng thi ân giáng phúc, an ủi, chữa lành, nuôi sống và làm cho chỗi dậy. Tắt một lời, Ngài làm cho sống, “Một năng  lực  tự  nơi  Ngài  phát  ra  chữa lành  hết  mọi người” (Lc 6,19). Đó là một năng lực ban sự sống. Cách nào đó, người ta có thể hiểu như mình muốn, trình thuật các phép lạ đầy ắp Tin Mừng nhất lãm. Ở đây, một điều không thể chối cãi: cách hiển nhiên, các trình thuật cho thấy từ Đức Giêsu, một năng lực đem lại sự sống phát ra, kéo con người ra khỏi bóng tối, khỏi sự huỷ hoại thể chất và luân lý đồng thời mở ra cho họ ánh sáng và niềm vui đầy sức sống. Người mù xem thấy, kẻ điếc được nghe, người câm cất tiếng, kẻ bất toại bước đi, người chết sống lại. Những ai bị giày vò bởi quyền lực của đêm tối nay được giải thoát; những người tội lỗi rành rành được thứ tha, được hoà giải. Cả một đoàn lũ dân chúng rã rời nay chỗi dậy và lên đường. 

Đức Giêsu đã nói, “Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Phúc cho ai đã đến. Thấy được Ngài, nghe tiếng Ngài, đám đông nghèo hèn tuyệt vọng đã tìm được niềm vui sống. Như những chiếc tàu rã rời trên biển cả, khi sóng triều dâng cao, vùi dập với sóng cồn, sóng cả…; gặp Ngài, họ thấm nhuần một sức mạnh tươi trẻ và trường cửu. 

Các Tin Mừng nhất lãm cho thấy từng đoàn người đi theo Đức Giêsu. Những con người chân trần này đi theo Ngài là những thính giả đầu tiên của tuyên ngôn Nước Trời tại Galilê. Nhận được làn sinh khí và một niềm hy vọng mang tính thiên sai toát ra từ con người Ngài, nhân loại già nua nay tìm được sự tươi trẻ và ý nghĩa của một cuộc vận hành tiến về phía trước. 

Những ai ra sức chống đối Ngài, đưa Ngài đến cái chết đều biết những gì họ làm; họ chẳng lầm tưởng điều đó: con người này không là một ý tưởng đơn thuần hay một ảo mộng; đó là một con người sống động mà sự năng động và quyền lực trên sự sống của Ngài có sức lay động và giục giã quần chúng. 

Nhiệm vụ của Tin Mừng thứ tư là chiếu sáng rạng ngời trên bí mật của sự sống phi thường này. Các Tin Mừng nhất lãm giới thiệu rượu mới, nhưng chính Gioan mới chỉ cho chúng ta dòng chảy của trào lưu. Tin Mừng Gioan đích thực là Tin Mừng của sự sống, “Nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho thế gian…”. Hãy đọc lại lời tựa Tin Mừng Gioan, công bố mở đầu loan báo chủ đề toàn bộ cuốn Tin Mừng và điều đó cũng đã làm cớ cho những công kích.   

Công bố đó cũng gây ngạc nhiên. Bởi lẽ, sự sống chúng ta đang trải nghiệm là một sự sống với bao nhiễu nhương, xung năng, đam mê và những ước muốn mờ ám về quyền lực và sự hưởng thụ của nó… vốn còn lâu mới trở nên một nguồn suối tinh tuyền, một ánh sáng thuần khiết. Có lẽ đúng hơn khi xem nó như một dòng thác xáo động cuốn đi cả cái tốt nhất cũng như cái xấu nhất. Khổ nỗi, nó thường kết thúc với điều tệ hại nhất mà nó mang theo. Cuộc sống luôn là một chiến trận, một ước muốn chinh phục. Ai mà không mơ ước sẽ có những ngày huy hoàng? Ai lại không muốn thưởng thức cuộc sống như thưởng thức vị ngọt của một trái cây chín mọng? Và nhiều lúc đã phải trả giá! Kẻ yếu đuối nhất thì luôn luôn bị loại trừ. Lịch sử cho thấy bao điều kinh khủng quái dị có thể điều khiển những năng lực cuộc sống khi chúng bứt tung xiềng xích.

 

Làm sao chúng ta có thể nói “sự sống là ánh sáng cho con người?”. Đó có phải là sự sống rạng ngời ánh sáng trong Đức Giêsu Nazareth? Phải chăng ánh sáng này vẫn tự tỏ mình ngay cả giữa những địa ngục trần gian của chúng ta? Bởi lẽ không phải trong một thế giới mộng mơ mà Gioan nhìn thấy sự sống bừng sáng; nhưng đúng hơn, giữa những bóng tối u minh đầy bạo lực nhất, “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1, 5). 

Chẳng nghi ngờ gì nữa, tác giả Tin Mừng thứ tư có một trải nghiệm duy nhất và triệt để về sự sống đó trong khi ngài tiếp cận với ngôi vị rạng ngời của Đức Giêsu. Gioan đã viết Tin Mừng của mình một cách chính xác hầu chia sẻ kinh nghiệm này cho chúng ta. Gioan viết, “Để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Ngài” (Ga 20, 31b). 

Ở đây, chúng ta khám phá nét độc đáo trong tác phẩm của Gioan. Trong khi giới thiệu Tin Mừng của mình như một mặc khải về sự sống, Gioan đặt sứ điệp của Đức Giêsu trong mối quan hệ trực tiếp với khát vọng sâu xa nhất của con người, một khát vọng khẩn thiết nhất và cũng là khát vọng chung nhất cho mọi người không trừ ai: khát vọng sống, và sống dồi dào. Vì thế, Tin Mừng này nói đến con người sống nhiều hơn nói đến một con người bình thường: một con người sống không hài lòng vì chỉ có sự sống, nhưng tự nơi sâu thẳm nhất của hữu thể mình, nó còn khát khao một cuộc sống tràn đầy hơn, cao cả hơn và viên mãn hơn. Một cuộc sống vừa mạnh mẽ vừa hạnh phúc và không suy tàn. 

J. Zumstein nhận định, “Trong Tin Mừng Gioan, những người gặp Đức Giêsu là những người đi tìm sự sống, hơn cả sự sống. Lão trượng minh triết Nicôđêmô chán chê với những gì được phú bẩm, những gì làm ngất ngây với những hiểu biết… đã tìm cách tiếp cận Đức Giêsu vì ông bị thôi thúc bởi những diệu cảm của một cuộc sống trổi vượt hơn. Bên bờ giếng, thiếu phụ Samaria khao khát một cuộc sống không còn phải vùi dập bởi một công việc đơn điệu và nhàm chán. Bà chỉ yêu cầu được giải thoát khỏi gánh nặng mỗi ngày. Năm ngàn người đàn ông được Đức Giêsu thết đãi cứ khăng khăng đi theo người đã cho họ bánh ăn no nê. Những người chị của Lazarô nổi giận vì sự nghiệt ngã của cái chết vốn cắt đứt mọi tình cảm và họ trách Đức Giêsu đã không bảo vệ mạng sống cho Lazarô, bạn Ngài[1]”. Tất cả những con người này khao khát một cuộc sống tràn đầy, tự do, vui tươi và yêu thương. 

Tin Mừng Gioan đề cập đến khát vọng này, một khát vọng nằm ở tâm điểm cuộc phiêu lưu của con người. Người ta thừa nhận rằng, điểm xuất phát này có một âm vang rất phù hợp với thời đại hôm nay. Phải chăng tính hiện đại này trước hết là sự chú ý tới chủ thể con người như điểm quy chiếu của mọi sự thật và mọi giá trị? Vào thế kỷ Ánh Sáng, chủ thể con người được nhìn nhận với chính ý thức hay đúng hơn là lý trí. Đó là một chủ thể suy tư. Nhưng vào thế kỷ 19, đặc biệt với Nietzsche, ông đã dấy lên một cuộc cách mạng mang tính quyết định trong ý niệm hiện đại về chủ thể. Chủ thể ở đây không chỉ là ý thức, lý trí hoặc hiểu biết. Chủ thể trước hết là con người sống. Con người sống với thân xác của nó, với những xung năng, đam mê, khát khao sống của nó… Ý thức, lý trí, tư duy không phải là một cái gì tách biệt, đứng trên cuộc sống. Chúng trầm mình trong dòng chảy sự sống và được nuôi dưỡng từ nguồn mạch này. Tắt một lời, chủ thể hiện đại chính là sự chối từ tất cả tính lưỡng diện. Sẽ không còn một bên là lý trí thuần tuý, và bên kia, một con người sống với những xung năng của nó. Chính toàn bộ con người cùng lúc, sống và suy tư.

 

Trong con người, một con người sống động với những cội rễ của nó, tự chúng, là những xung năng khát khao ánh sáng. Claudel viết, “Bóng tối của chúng ta còn thiếu những vì sao”. Khi suy tư, phán đoán, quyết định, là khi con người làm những điều đó với cả thân xác ham muốn cùng tất cả những gì sống động nơi nó. Cuộc sống tự nó nói lên trong sự chọn lựa các giá trị. Nó không luôn luôn cho thấy điều đó nhưng có mặt ở đó để định lượng, đánh giá, đề nghị và một đôi khi áp đặt. Mọi xung năng, mọi tình cảm kêu gào một chân lý mà không sớm thì muộn phải được bắt lấy. Cũng vậy, khát vọng sống vốn nằm ở tâm điểm con người cũng là niềm khát khao chân lý và ánh sáng; thế nhưng, cùng lúc ấy, niềm khát khao chân lý và ánh sáng ấy chính là khát khao sống và sống tràn đầy.  

Từ đó, chúng ta hiểu rằng, trước khi bám vào một giáo điều, con người hiện đại ước ao chứng tỏ giá trị của mình đối với cuộc sống. Như nhận xét của M. Zundel, “Một cách thiết yếu, mọi thị kiến, mọi cuộc hiện ra, mọi sách thánh đều nêu lên vấn đề tiên quyết: liệu cuộc sống sẽ được tiến triển, biến đổi và giải thoát nhờ những cái đó không? Nếu cuộc sống chẳng nhận được chút ánh sáng nào hoặc chẳng chút cải thiện nào từ những điều đó thì đâu là ý nghĩa của những phép lạ, những mặc khải, những thị kiến và những cuốn sách thánh? Đó là chiều cao của sự sống thể hiện thực tiễn tiêu chí này[2]”. Chiều cao của sự sống có nghĩa là việc nâng con người lên, điều mà Nietzsche gọi là “việc nâng cao phẩm giá con người”. 

Thông điệp cao cả nhất sẽ không bao giờ lôi kéo được con người và sẽ không gợi lên nơi nó bất cứ một khát khao sâu xa nào nếu con người không tỏ ra có trách nhiệm đối với cuộc sống, sống một cuộc sống mạnh mẽ hơn, thanh cao hơn. Một chân lý không đi xuống tận lò lửa nội tâm con người, không kết hôn với niềm khát khao sống cao cả này, sẽ không bao giờ chiếm được con người sống động đích thực. Với nó, chân lý sẽ luôn ở bên ngoài và mãi mãi trừu tượng. 

Ngôi Lời Thiên Chúa, tự mình Ngài, chỉ có thể làm cho con người biết Ngài một cách chân thật bằng cách tỏ mình và làm cho họ khát khao Ngài như nguồn sung mãn của sự sống. Thánh Gioan đã viết trong lời tựa của mình, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Ngôi Lời đã sống, sống đời sống của chúng ta để mặc khải cho chúng ta sức sống trong sự tràn đầy của Ngài. 

Đối với con người, không có con đường nào khác thấu tới ánh sáng hơn trái tim bằng thịt của nó với một khát vọng sống mãnh liệt. Thánh Gioan thấy điều đó rất rõ. Tin Mừng Gioan được trình bày như một chuỗi những cuộc gặp gỡ khi những người nam, người nữ, những người lao nhọc… day dứt bởi khát vọng được sống dồi dào và phong phú hơn tìm đến với Đức Giêsu. Chính Ngài tự mặc khải cho mỗi người trong họ như một Đấng thông ban sức sống dư đầy, một sức sống vốn cũng là ánh sáng. 

Ở những cuộc gặp gỡ khác nhau này, Đức Giêsu tỏ ra Ngài là một thầy dạy khát khao tuyệt hảo. Ngài gợi lên khát khao này, đưa nó ra khỏi tính chất cổ hủ vốn cột buộc nó với u mê, với những hẹp hòi, những tăm tối để cuối cùng, dẫn nó đến với ánh sáng bằng cách cho nó vươn đến vô cùng. Tuy nhiên, Ngài không bao giờ xem thường tính vật chất của nó, nhưng nhấn mạnh đến sự tăng trưởng khát khao thực sự, một niềm khát khao vốn biến đổi nó và tích luỹ thành một khát khao chính ân huệ của Thiên Chúa.

 

Ngôn ngữ của sự chuyển hoá những khát vọng này không phải là ngôn ngữ của những khái niệm, nhưng là của những hình ảnh và những biểu tượng. Nước, lửa, ánh sáng, gió, hơi thở, ngày, đêm… luôn là những hình ảnh của khát khao, biểu tượng của sự sống, khát khao sống dưới mọi hình thức, từ những hình thức cổ xưa nhất đến thanh cao nhất. Những hình ảnh biểu tượng này thể hiện sức mạnh mà chúng ta mang trong mình nhưng đó cũng là sức mạnh mà chúng ta không làm chủ được. Một ngọn lửa nội tâm làm chúng ta sống, nhưng cũng có thể làm chúng ta chết. Theo lời Bachelard, “Chúng luôn minh hoạ một sự siêu việt”. 

Tin Mừng Gioan chứa đầy những hình ảnh biểu tượng lớn lao này. Cụ thể, bởi đó là Tin Mừng của sự sống, vì sự sống; và những hình ảnh biểu tượng đó là ngôn ngữ của sự sống. Phần lớn những hình ảnh biểu tượng này được Gioan mượn từ sách Xuất Hành, trong đó, chúng diễn tả kinh nghiệm phi thường về sự sống và cũng trong đó, chúng đóng vai trò biến đổi niềm khát khao. Thực tế, chúng minh hoạ hành trình dân Thiên Chúa tiến về Đất Hứa xuyên qua sa mạc. Không chỉ là việc tiến bước thể lý nhưng đồng thời còn là một dịch chuyển thiêng liêng: từ chỗ bám víu vào các ngẫu tượng đến chỗ gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống. Sa mạc tự nó không phải là hình ảnh của khát vọng tìm kiếm sự sống sao? Ngang qua những hình ảnh này, chúng ta thấy những sức mạnh chưa mấy rõ ràng của niềm khát khao tiến đến sự sống thần linh và chính chúng trở nên sự sống đó.  

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu tuỳ nghi lấy lại những hình ảnh biểu tượng ấy để mặc khải cho con người sự sống sung mãn Ngài mang đến cho họ; nhưng cùng lúc, Ngài mở lòng họ ra hầu đón nhận sự dồi dào này. Khi đọc Tin Mừng Gioan, chúng ta phải luôn trở lại tuyên bố ban đầu của lời tựa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Ngài đã xuống tận cội rễ của niềm khát khao, không phải để phá huỷ nhưng để biến đổi và mặc cho nó mọi chiều kích của nó, biến đổi nó thành một sức mạnh nguyên tuyền hướng đến thần linh. Ở đây, những hình ảnh ý nghĩa của Xuất Hành mang lấy nhục thể và sự sống. Nước nuôi sống và nước tuôn tràn, manna, cột lửa hướng dẫn dân, con rắn đồng được giương cao trong sa mạc chữa lành vết cắn của loài bò sát là hình ảnh của chính Ngài, Ngôi Lời hoá thành nhục thể. Ngài là Môisen đích thực dẫn con người vào vùng đất của kẻ sống, bằng cách mở rộng cho họ mọi cánh cửa đưa đến sự sống thần linh. 

 

Một câu hỏi hoàn toàn tự nhiên được đặt ra: Ai là người đã sáng tác bản văn nguyên thuỷ này vào cuối thế kỷ đầu tiên của thời đại chúng ta? Vì nếu chúng ta nhận thấy những dấu vết của nhiều tác giả kế tiếp thì cuốn Tin Mừng này được trao cho chúng ta vẫn mang dấu ấn của chỉ một tác giả, được trình bày như một tác phẩm văn học và thần học có uy thế: nó là tác phẩm của một nhân vật siêu phàm. Thật là chính đáng khi tác giả Tin Mừng thứ tư được sánh ví với loài phượng hoàng “Để chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Kitô, ngài đã bay bổng lên cao” (Alain Marchadour). 

Giáo Hội cổ xưa đã đồng hóa ngài với người môn đệ Đức Giêsu thương mến, Gioan tông đồ, một trong những người con của ông Zêbêđê. Theo đó, Giáo Hội nhấn mạnh nguồn gốc tông đồ của Tin Mừng này và thiết lập thẩm quyền của nó.  

Nhưng tông đồ Gioan, con của một ngư phủ biển hồ Galilê cũng như Simon Phêrô, là một người không được dạy dỗ và học hành như sách Công Vụ Tông Đồ nhận định (Cv 4, 13); nhưng đây không phải là trường hợp của tác giả Tin Mừng thứ tư, một người được học hành, biết tiếng Hy Lạp, tiếp nhận những luồng tư tưởng Hy Lạp, thông tường hoàn hảo tư tưởng và các thể loại văn chương Thánh Kinh Do Thái[3]. 

Một điều chắc chắn: Tin Mừng thứ tư được trình bày không chỉ như một chứng cứ lịch sử, nhưng như một suy tư thần học về đời sống và giáo huấn của Đức Giêsu. Như thế, nó là hoa trái của một quá trình chiêm niệm lâu dài và sâu sắc. Nơi nguồn mạch của việc chiêm ngắm này và đồng hành với nó, còn có chứng từ của một người môn đệ cận kề Đức Giêsu, “người gìn giữ một niềm tín trung vào Thầy như thể lòng tín trung này khác biệt với lòng thành tín được diễn tả trong các Tin Mừng nhất lãm cả về văn phong lẫn giọng văn và các chọn lựa[4]”. Dường như chứng từ này đã được tác giả Tin Mừng thứ tư đón nhận và nghiền ngẫm ngay giữa một cộng đoàn.

 

Nhưng trong khi lãnh hội điều đó, chính tác giả đã trải qua một kinh nghiệm lạ lùng về sự sống và ánh sáng. Như đã nói, Tin Mừng Gioan trình bày một loạt những cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với bao thiện nam tín nữ, những người đi tìm một cuộc sống tràn đầy hơn, hạnh phúc hơn. Chúng ta có thể nghĩ rằng, ngang qua các trình thuật này, tác giả cũng đã chứng tỏ về cuộc gặp gỡ riêng tư của mình. Chính Gioan cũng đã gặp gỡ Đức Giêsu cách sâu sắc qua việc nghiền ngẫm và trải nghiệm chứng tá lịch sử của người môn đệ. Đối với tác giả, điều này quả là một cuộc sinh hạ mới: một cuộc sinh hạ trong sự sống ngập tràn ánh sáng. Kinh nghiệm quyết định này gợi hứng cho toàn bộ Tin Mừng Gioan. Kinh nghiệm đó cũng là điều mà tác giả muốn chia sẻ với chúng ta.

 

Vì thế, người ta sẽ cắt nghĩa tuỳ thích tầm quan trọng của chủ đề Sự Sống - Ánh Sáng trong Tin Mừng Gioan. Lời giải thích cuối cùng là, chính tác giả đã trải qua một kinh nghiệm choáng ngợp, một lễ hội thực sự của ánh sáng, đang khi khám phá trong sự sống và sự chết của Đức Giêsu một mặc khải lạ thường về bữa tiệc Agapê của Thiên Chúa.

Sự tráng lệ của bữa tiệc Agapê ở chỗ ánh sáng ban sự sống mà Gioan đã nhìn thấy rạng ngời trong cuộc sống và cái chết của Thầy. Sự sống được biểu lộ trong Đức Giêsu chỉ là một với sức mạnh của tình yêu vốn mạnh mẽ hơn những bóng tối nơi chúng ta, uy dũng hơn cả cái chết và hoả ngục của chúng ta. Vì nguồn lực khải hoàn rạng sáng ngày Phục Sinh chính là sức mạnh đã dẫn Đức Giêsu đến quà tặng tuyệt hảo. Gương mặt phá hủy sự chết là gương mặt của Tình Yêu vô biên.

 

Ở đây, không chỉ là mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng chiếu sáng, nhưng còn là mầu nhiệm của thế gian và của con người. Biểu lộ như một năng lực của tình yêu, sự sống, vốn ở mức độ sung mãn nhất vẫn tôn trọng sự thôi thúc bên trong của con người, một thôi thúc phát xuất từ nguồn ngọn của nó, đó chính là năng lực sáng tạo: chính năng lực này mang mọi sự đến chỗ hoàn tất tối hậu của chúng. Gioan có thể viết, “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Ngài, thì chẳng có gì được tạo thành…” (Ga 1, 3). Chính vì thế, toàn bộ cuộc hiện sinh vốn được liên kết với điều phi lý, vô nghĩa và giới hạn với thời gian là một cái gì khác với triều sóng của những hy vọng ngập tràn. Nỗi khát khao của con người không phải là một ảo vọng vì chính sự sống sung mãn đã được trao tặng cho nó. Đó là ý nghĩa của thế gian.

 

Một chứng từ lịch sử, một suy tư thần học và một trải nghiệm hiện sinh; cả ba nguồn suối từ đó, tuôn trào Tin Mừng thánh Gioan; cũng từ đó, lộ trình đến với sự sống được thiết lập. Thật không dễ khi phải phân biệt ba dữ kiện này. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Điều thiết yếu là tìm lại con đường sự sống, qua đó, Thiên Chúa Hằng Sống mở ra cho con người và dẫn con người đến với sự sống thần linh. Đó là tham vọng của những trang sách này.

 

Việc tiếp cận của chúng ta sẽ bao gồm hai nhịp. Trước hết, chúng ta sẽ phân tích một số cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với những người nam người nữ đến với Ngài, họ là những người được Tin Mừng Gioan thuật lại. Tiếp đến, nhịp hai, chúng ta sẽ gẫm suy về sự sống mà Đức Giêsu không ngừng nói đến trong những cuộc gặp gỡ này.

 

Không thiếu những nghiên cứu lỗi lạc về Tin Mừng Gioan. Dù thú vị và cần thiết đến đâu, chúng vẫn không đủ nếu những nghiên cứu này không biết cách giúp chúng ta gặp Đấng mà trong Ngài, sự sống sung mãn được mặc khải. Ngoài ra, chúng ta cần phải để cho sự sống này đi vào công cuộc tìm kiếm của mình. Sự sống, trước tiên là khao khát, một niềm khao khát cần phải dốc toàn lực:

 

Đức Giêsu nói, “Ai khát, hãy đến với tôi mà uống…” (Ga 7, 37).

 

“Ai khát, hãy đến;

ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh

mà không phải trả tiền” (Kh 22, 17b). 


 

 

[1] J. Zumstein, L’Apprentissage de la foi, Éd. Du Moulin, Suisse, 1993, p. 94. 

[2] L’Humble Présence, inédits de M. Zundel, t. 1, publiés par M. Donzé, éd. Du Tricorne, Genève, 1986, p. 15. 

[3] Prochorus (Hy Lạp), một trong 7 Phó Tế đầu tiên thời các Tông Đồ là đồ đệ của thánh Gioan, thông tường văn hoá và tư tưởng Hy Lạp, được truyền thống coi là người đã giúp thánh Gioan hoàn thành những thủ bản của mình, đặc biệt là sách Khải Huyền, (xem thêm ở: http://en.wikipedia.org/wiki/Prochorus). Ngoài ra, chúng ta không quên thánh Polycarp, Giám Mục Smyrna (Hy Lạp) là đồ đệ cuối cùng của thánh Gioan (Chú thích của người dịch).

[4] Alain Marchadour, Les Évangiles au feu de la critique, éd. Fayard-Centurion, Paris, 1995, p. 112.

---------------------------------------------------------------

Éloi Leclerc

Le Maître du désir

Thầy Dạy Khát Khao



ĐỌC TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN


Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Cùng một tác giả

Sagesse d’un Pauvre (éd. Desclée de Brouwer).

Exil et Tendresse (éd. Franciscaines).

Le Cantique des créatures ou les Symboles de l’union (éd. Desclée de Brouwer).

Le chants des sources (éd. Franciscaines).

Le Peuple de Dieu dans la nuits (éd. Franciscaines).

François d’Assisie. Le retour à L’Évangile (éd. Desclée de Brouwer).

Matthias Grünewald. La nuit est ma lumière (éd. Desclée de Brouwer).

Dieu plus grand (éd. Desclée de Brouwer).

Rencontre d’immensités. Une lecture de Pascal (éd. Desclée de Brouwer).

Chemin de contemplation (éd. Desclée de Brouwer).

Le Royaume caché (éd. Desclée de Brouwer).

Un maître à prier: François d’Assisie (éd. Franciscaines).




Nguyên tác Pháp ngữ:
Le Maître du désir

Une lecture de l’évangile de Jean


Tác giả: Éloi Leclerc
Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)


Imprimi potest
Fr. Abel Basneville
Secrétaire provincial des Franciscains
Paris, le 12 février 1997

© Desclée de Brouwer, 1997
76 bis, rue des Saints-Pères, 75007 Paris
ISBN 2-220-03917-X

“Điều gì chúng ta không biết nắm bắt trong hiện tại,
muôn đời sẽ không có nó” (Schiller).
 ----------------------------------------------------------------------------------

MỤC LỤC
 
 
 GIỚI THIỆU 9
 Phần I: NHỮNG CUỘC GẶP GỠ 24
 Chương 1: “Chúng Tôi Đã Gặp Ngài” 25
 Chương 2: Nước Hóa Thành Rượu 35
 Chương 3: Cuộc Sinh Hạ Mới 45
 Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới 59
 Chương 5: Nước Hằng Sống 69
 Chương 6: Bánh Sự Sống 89
 Chương 7: Ánh Sáng Sự Sống 108
 
 Chương 8: Sự Phục Sinh và Sự Sống 118
 Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống 131
 Phần II: PHẦN ĐÀO SÂU 139
 Chương 1: Sự Sống Này Là Gì? 140
 Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi 165
 Kết luận: “Lúc Khởi Đầu” 178

Tác giả Lm. Minh Anh, TGP. Huế (Chuyển ngữ)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!