.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

GIỚI THIỆU

Phần I: NHỮNG CUỘC GẶP GỠ

Chương 1: “Chúng Tôi Đã Gặp Ngài”

Chương 2: Nước Hóa Thành Rượu

Chương 3: Cuộc Sinh Hạ Mới

Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới (tt)

Chương 5: Nước Hằng Sống

Chương 6: Bánh Sự Sống

Chương 7: Ánh Sáng Sự Sống

Chương 8: Sự Phục Sinh và Sự Sống

Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống

Phần II: PHẦN ĐÀO SÂU

Chương 1: Sự Sống Này Là Gì?

Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi

Kết luận: “Lúc Khởi Đầu”

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Thầy Dạy Khát Khao
Tác giả: Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Chuyển ngữ
CHƯƠNG 6: BÁNH SỰ SỐNG

(Ga 6, 26-66) 

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu không chỉ gặp các cá nhân như Nicôđêmô hay người phụ nữ Samaria, Ngài còn gặp cả đám đông. Ngài cũng tỏ mình cho họ như Đấng mang sự sống cho trần gian, sự sống đích thực, sự sống sung mãn. Như thường lệ, Ngài khởi đi từ khát vọng sống tận thâm tâm con người; thậm chí Ngài còn gợi lên khát vọng đó bằng cách ban cho con người những khả năng ngoài mong đợi. Vì sự sống Ngài nói đến là một sự sống còn mãi, sự sống kéo con người ra khỏi phù du và làm cho nó dự phần vào niềm vui sống sự sống thần linh. 

Bằng việc hoá bánh ra nhiều, Đức Giêsu nuôi dưỡng đám đông trong sa mạc. Phấn chấn trước phép lạ mang tính kinh tế này, dân chúng muốn tôn Ngài làm vua, Đức Giêsu lẫn tránh. Nhưng hôm sau, đám đông lại nối đuôi nhau tìm gặp Ngài trên một bờ hồ khác. Thấy những người này đến với mình, Đức Giêsu bảo, “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6, 26-27). 

Chúng ta xét thấy Lời Đức Giêsu nói ở đây và những gì Ngài ngỏ với người phụ nữ Samaria có đôi nét tương tự về cách diễn thuyết cũng như lối biện chứng, nếu có thể nói như vậy. Với người phụ nữ đến kín nước, Đức Giêsu tỏ cho bà biết, Ngài có bí mật về nước hằng sống, loại nước không chỉ thoả cơn khát nhưng còn trở nên trong bà, người hưởng nước đó, một nguồn suối vọt lên sự sống đời đời. Như thế, Ngài đón trước khát vọng của người phụ nữ, làm cho nó lớn lên và đáp ứng nó trọn vẹn hơn cả chờ mong. Với đám đông, Ngài cũng hành động tương tự. Những người này đi tìm Ngài vì đã được ăn bánh thoả thuê, họ muốn thấy Ngài làm lại phép lạ ấy. Vì cơn đói tạm thời được thoả mãn lại nảy sinh, và với nó, là khát vọng. Khát vọng sống. 

Nhưng sống là gì? Phải chăng con người bị buộc phải chỉ sống nhờ bánh? Đức Giêsu mời gọi những con người này nâng khát vọng sống của họ lên một chiều kích cao hơn. Bánh Ngài sẽ ban cho họ là dấu chỉ một lương thực bền bỉ hơn, bổ dưỡng hơn và đáng ao ước hơn: lương thực đời đời. Nếu Ngài hoá bánh ra nhiều, thì không nhằm mục đích để họ khoái chí thoả mãn chúng và dừng lại đó, nhưng để họ trăn trở về một cơn đói khác, đồng thời mở rộng trương độ khát khao của mình. 

Vì thế, Ngài yêu cầu họ làm việc “không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. Công việc này là gì? Những người này biết công việc của một người lao động, người gieo giống, người thợ gặt, chủ cối xay, người bán bánh… nhưng đó không phải là công việc Đức Giêsu nói đến. Có “một công việc khác”. Đó là công việc ước ao có được một niềm khát vọng. Khát vọng sống này không dừng lại ở một thoả mãn vật chất, dẫu luôn chóng qua. Nó phải đi đến cùng tận, mở lòng ra trước sự sống sung mãn. Khát vọng này phải trở thành nỗi khát khao sự sống đời đời. 

Thế rồi những người này hỏi Đức Giêsu, “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”, “Việc của Thiên Chúa!”, thành ngữ này có ý nghĩa gì trong tâm trí của những con người đó? Đối với người Do Thái, ý muốn của Thiên Chúa trước hết là Lề Luật, những gì liên quan đến Lề Luật, những công việc thường được coi là hợp pháp. Thế mà Đức Giêsu đáp lại họ với một ý nghĩa bất ngờ. Ngài nói với họ, không phải về “những công việc” của Thiên Chúa, nhưng về “công việc của Thiên Chúa”. “Công việc của Thiên Chúa”, thì hoàn toàn khác với việc giữ điều này điều kia của Lề Luật. Đó là dự định lớn lao của Ngài cho thế gian. Dự định này là sự sống và thông ban sự sống. Để hoàn tất dự định này, Thiên Chúa đã sai đến thế gian “Đấng mà Người đã đóng ấn”. Thế rồi, Đức Giêsu nói với đám đông, “Việc Thiên Chúa muốn các ông làm, là tin vào Đấng Người sai đến”. Tin, đây là hoạt động cao nhất của con người, qua đó, con người cộng tác vào công việc của Thiên Chúa và sinh ra trong sự sống thần linh. 

“Công việc của Thiên Chúa”, mà toàn bộ công trình sáng tạo của Người hướng đến, là con người được sống. Sống bằng sự sống của chính Thiên Chúa. Sự sống thần linh này là một quà tặng, quà tặng tuyệt hảo, một quà tặng chỉ có thể đón nhận trong niềm tin.

 Nhưng dù siêu việt và cho không, quà tặng này không được trao cho con người như một cái gì thêm vào, có cũng được, không cũng được khiến con người có thể dễ dàng bỏ qua. Bởi chưng, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã định cho nó tham dự vào sự sống riêng của Người trong Con yêu dấu, Người muốn con người đạt đến cùng đích này, vì niềm hạnh phúc này. Cho nên, chính trong hữu thể mình, con người đã có một động lực, một đà vươn tới vô cùng, một khả năng đón nhận vô biên được biểu lộ bằng một niềm khát khao, một khát vọng sống vốn không thể thoả mãn với những gì là hữu hạn; đó chỉ là những gì biến con người thành một hữu thể bị giày vò, bất an khi “công việc của Thiên Chúa” trong nó chưa hoàn tất.

 

Công việc này là sự sống và niềm vui sống. Không hề dập tắt khát vọng sống trong tâm hồn con người, công việc này nhen lên cho nó mọi ngọn lửa, giữ cho nó khỏi ngã quỵ, bỏ cuộc hay tan bay. Công việc này muốn làm cho con người nên vĩnh cửu bằng cách liên kết nó với chính sự sống của Thiên Chúa và với niềm vui của Người. 

Từ mọi thời, con người ước mơ sự bất tử, nhất là vào thời đại hoàng kim khi con người sống lâu hơn, được giải thoát khỏi mọi sợ hãi và sự dữ vốn đè nặng cuộc sống của mình, một thứ thiên đàng trần gian. Nhưng đó không phải là sự sống vĩnh cửu Đức Giêsu nói đến, cũng không chỉ là một sự sống bên kia thế giới. Đó là một sự sống được trao ban hôm nay và ngay trong hiện tại, là sự thông hiệp mật thiết với sự sống dâng tràn của Thiên Chúa, sự sống mà từ đó “Đấng được Chúa Cha sai đến bốc cháy”.  

Điều kiện phải có để được dự phần vào sự sống này là mở lòng ra trong đức tin, một niềm tin trong đó, thể hiện nhiệt huyết của niềm khát khao. Nhưng những người đối đáp với Đức Giêsu vẫn giữ lập trường của họ, “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”. Họ nhận định với Ngài rằng, ông Môisen đã cho họ một dấu rạng ngời về sứ vụ của ông, “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”. Đức Giêsu cũng nuôi sống họ trong sa mạc bằng cách hoá bánh ra nhiều, nhưng họ không thấy dấu chỉ nào qua việc đó, họ chỉ dừng lại ở một loại thức ăn trần tục. 

Hiểu được vấn đề khi nghe đề cập Môisen, Đức Giêsu vội xua tan sự hiểu lầm, “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môisen đã cho các ông ăn bánh bởi trời, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. 

Trước những lời này, đám đông phản ứng giống hệt người phụ nữ Samaria khi Đức Giêsu nói với bà về nước hằng sống. Người phụ nữ đã lập tức kêu lên, “Xin cho tôi thứ nước ấy…”; tương tự, những người này, nóng lòng được ăn bánh từ trời, hô lên: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được mải ăn thứ bánh ấy”. 

Bấy giờ, Đức Giêsu bảo họ, “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ…”. Nhưng Ngài nói thêm, “Các ông đã thấy tôi mà không tin!”. Việc thiếu niềm tin này dẫn Ngài đến chỗ xác định rõ sứ vụ của mình. Sứ vụ này, trước hết, là công trình của Chúa Cha mà chính Ngài đang toàn tâm toàn ý cộng tác:

 

“Tất cả những người

Chúa Cha ban cho tôi

đều sẽ đến với tôi,

và ai đến với tôi,

tôi sẽ không loại ra ngoài,

vì tôi tự trời mà xuống,

không phải để làm theo ý tôi,

nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.

Mà ý của Đấng đã sai tôi

là tất cả những kẻ người đã ban cho tôi,

tôi sẽ không để mất một ai,

nhưng sẽ cho họ sống lại,

trong ngày sau hết.

Thật vậy, ý của Cha tôi

là tất cả những ai thấy người Con,

và tin vào người Con,

thì được sống muôn đời,

và tôi sẽ cho họ sống lại

trong ngày sau hết” (Ga 6, 37-40). 

Như thế, ở đây, Đức Giêsu tỏ mình một cách rõ ràng như Đấng Chúa Cha gửi đến để thông ban cho con người sự sống thần linh: một sự sống vĩnh cửu mà chính thân xác sẽ được liên kết nhờ sự phục sinh của nó vào ngày sau hết. Ý của Chúa Cha, là con người được sống, và sống toàn diện nhờ sự sống thần linh. Ý muốn này được khẳng định ở đây một cách mạnh mẽ. Đó là sứ vụ Đức Giêsu phải hoàn tất, Ngài được sai đến vì sứ vụ này. 

Tất cả những gì Đức Giêsu nói ở đây là một lời mời gọi hãy tin vào sứ vụ và con người Ngài như một năng lực của sự sống và sự phục sinh. Nói cho đúng, những lời này chỉ thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của chúng trong ánh sáng Phục Sinh, trong sự rạng ngời của khuôn mặt đã huỷ diệt sự chết. Gioan viết Tin Mừng của mình trong ánh sáng phục sinh này, ánh sáng cho phép trình bày Đức Giêsu như Đấng Chúa Cha uỷ thác chính năng lực sống và phục sinh của Ngài, “Chúa Cha làm cho kẻ chết chỗi dậy và ban cho họ sự sống thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý” (Ga 5, 21). Này, “Như Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (Ga 5, 26). 

Thính giả của Đức Giêsu không thể hiểu một loại ngôn ngữ như thế. Một quan hệ trực tiếp, duy nhất giữa Ngài và Đấng mà Ngài gọi là Cha đã hoàn toàn vượt quá tâm trí họ. Từ đó, họ bắt đầu xầm xì, “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?”. 

Họ xin Ngài một dấu. Ngài sẽ cho họ một dấu, dấu họ mong đợi. Nhưng trước đó, Ngài đã long trọng khẳng định rằng, không ai có thể đến với Ngài, tin vào Ngài nếu người đó không được Chúa Cha lôi kéo:

 

“Các ông đừng có xầm xì với nhau!

Chẳng ai đến với tôi được,

nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi,

không lôi kéo người ấy,

và tôi, tôi sẽ cho người ấy

sống lại trong ngày sau hết.

Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ:

Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ.

Và phàm ai nghe

và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha

thì sẽ đến với tôi…” (Ga 6, 43-45). 

“Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Chúng ta sẽ ghi nhận chiều kích phổ quát của huấn từ này. Đã có một mặc khải từ ban đầu ở trong mọi người. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được định liệu cho một cuộc sống thần linh, mọi người có thể nghe trong từng nhịp tim của mình, trong sự trống rỗng của khát vọng sống một lời mời gọi sâu xa thúc đẩy con người sống tràn đầy. Con người phải lắng nghe niềm khát khao sự sống này. Chính nhờ niềm khát khao này, khát khao sống một cuộc sống không tổn thương bởi bất cứ gì, không hoen rỉ bởi thời gian, không vô vị bởi tháng ngày… mà Chúa Cha lôi kéo con người. Không ai có thể đến với Đức Giêsu, nếu người ấy không được thôi thúc bên trong bởi niềm đam mê sống một cuộc sống tràn đầy trong niềm thông hiệp với chính nguồn mạch sự sống.  

Như vậy, diễn từ khá dài của Đức Giêsu về bánh hằng sống sẽ không được đọc với quan điểm coi khinh thể xác, hay như thể đó là một lời mời gọi chúng ta hãy tránh xa những gì thuộc về xác thịt để thoả thuê với một thứ lương thực từ trời xa lạ và hoàn toàn ở bên ngoài mình. Bởi lẽ, điều đó sẽ dẫn đến việc quên bẵng tính hiện thực của việc nhập thể mà Gioan rất nhấn mạnh trong lời tựa của mình, ngài viết, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Việc nhập thể của Con Thiên Chúa thực hiện đến mức mang lấy phận người cho đến tận cùng gốc rễ xác thịt. Khi mặc lấy xác phàm, Ngôi Lời vĩnh cửu đã kết ước với nhiệt huyết của sự sống, tính hăng nhiệt của niềm khát khao. Từ đó “chính Đấng siêu nhiên mang lấy xác phàm”, theo lời của Péguy. Siêu nhiên và xác phàm từ nay không thể phân ly, cái này không thể tồn tại nếu không có cái kia: 

“Cây ân sủng đâm rễ sâu,

đâm xuống đất và chạm đến đáy…” (Péguy, Ève). 

Khát vọng của con người, khát vọng sống sâu xa của nó là nơi gặp gỡ của siêu phàm và xác phàm, của hơi thở Thần Khí và nhiệt huyết sống. Không gì trần tục và xác thịt hơn khát vọng sống này; nhưng cũng không gì siêu nhiên hơn khả năng mở ra đón nhận cảm hứng từ trên cao, mở ra cho sự sống thần linh đích thực.

Vì thế, diễn từ bánh hằng sống của Đức Giêsu chỉ mang đủ ý nghĩa và sức mạnh của nó trong ánh sáng nhập thể này. Phải đặt diễn từ ấy trong mối quan hệ với khát vọng xác thịt lớn lao trong tâm hồn con người, trong mối quan hệ với khát vọng sống sâu xa, với cuộc đấu tranh cho một cuộc sống tốt hơn và xứng đáng hơn của nó. 

Dĩ nhiên, không dễ gì con người tự sức lắng nghe dòng thác sự sống đang gầm lên trong mình để khám phá Chúa Cha. Đức Giêsu đã nói rõ điều đó. Như các ngôn sứ, Ngài khẳng định, “Tất cả mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”, nhưng ngay sau đó, Ngài nói thêm:

 

“Không phải là

đã có ai thấy Chúa Cha đâu,

nhưng chỉ có Đấng

từ nơi Thiên Chúa mà đến,

chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.

Thật, tôi bảo thật các ông,

Ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6, 46-47). 

Chỉ có niềm tin vào Đấng Chúa Cha sai đến mới mở được tâm hồn con người trước quà tặng sự sống thần linh. Sau những lời giải thích này, Đức Giêsu có thể khẳng quyết lại một cách uy quyền:

 

“Tôi là bánh trường sinh.

Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc

nhưng đã chết.

Còn bánh này là bánh từ trời xuống,

để ai ăn thì khỏi phải chết.

Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống,

ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.

Và bánh tôi sẽ ban tặng,

chính là thịt tôi đây,

để cho thế gian được sống” (Ga 6, 48-51). 

“Thịt tôi (trao nộp) cho thế gian được sống”: đó là dấu chỉ, dấu chỉ đích thực duy nhất, một dấu chỉ ngang tầm với sứ vụ của Ngài. Sự sống bị giao nộp, sự sống được trao ban, không còn dấu chỉ nào khác. Khi hiến dâng mạng sống mình và không giữ lại gì hết, Đức Giêsu mặc khải cho thế gian quà tặng của Thiên Chúa. Cuộc sống nhân loại trao ban hoàn toàn của Ngài trở nên dấu chỉ sự sống thần linh thông ban cho con người. Trong quà tặng hữu hình của xác thể Ngài có quà tặng vô hình của sự sống thần linh, một sự sống được biểu thị và thực hiện. Xác thịt được trao ban của Ngài sẽ là nguồn mạch từ đó, đời sống thần linh sẽ vọt ra cho thế gian với một sức mạnh yêu thương mà không gì có thể ngăn cản. 

Cho đến đây, trong diễn từ của Đức Giêsu, chỉ còn vấn đề bánh từ trời, điều này khá phù hợp với lời nuôi sống của Thiên Chúa. Nhưng ở đây, thành ngữ “thịt tôi đây để cho thế gian được sống” nói đến một chiều kích mới mẻ khiến tâm trí người nghe phải xáo động. Giờ đây, diễn từ của Đức Giêsu đụng phải một bức tường của sự không thể hiểu, Gioan viết, “Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói, “Làm sao ông này lại có thể cho chúng ta ăn thịt ông được?”. 

Thế nhưng, không tìm cách xua tan sự khó chịu, Đức Giêsu còn đi xa hơn và mạnh mẽ xác quyết:

 

“Thật, tôi bảo thật các ông:

nếu các ông không ăn thịt

và uống máu Con Người,

các ông không có sự sống nơi mình.

Ai ăn thịt và uống máu tôi,

thì được sống muôn đời,

và tôi sẽ cho người ấy sống lại

vào ngày sau hết.

Vì thịt tôi thật là của ăn,

và máu tôi thật là của uống…” (Ga 6, 53-55). 

“Ăn thịt tôi”, “uống máu tôi” là những thành ngữ mạnh. Chúng gây ấn tượng không chỉ bởi mới mẻ, nhưng còn bởi sự hiện thực của chúng. Chúng gợi lên một động thái vật chất nhất, thể lý nhất. Với những đầu óc chưa được chuẩn bị, cách nào đó chúng vừa chướng tai lại vừa khiêu khích. Càng nhấn mạnh, Đức Giêsu càng bị cám dỗ nói như thể Ngài nghi ngại một kiểu giải nghĩa loại suy nào đó về những lời của mình; đến nỗi từ đó, nhiều người trong các môn đệ đi đến chỗ thốt lên, “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”. 

Và phải đợi đến hồi kết của cuộc chuyện trò, khi rối rắm tạm lắng xuống, Đức Giêsu mới nói, “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. 

Vậy thì đâu là ý nghĩa của những thành ngữ “ăn thịt tôi”, “uống máu tôi”? Không chút nghi ngờ, khi sử dụng chúng, Đức Giêsu muốn nói lên một điều gì đó thật mạnh mẽ. Chúng gợi lên một niềm thông hiệp mật thiết nhất. Không chỉ là sự thông hiệp của trật tự tri thức như thông hiệp có thể có giữa một môn đệ và tư tưởng của thầy mình, nhưng là thông hiệp của một trật tự sống. Những lời này không chỉ là “thần khí”, nhưng còn là “sự sống”. Chúng biểu lộ việc tham dự vào cùng một sự sống, chính xác hơn, vào sự sống được trao ban trong của ăn: Con người sống là con người được làm cho sống động hoàn toàn nhờ Đấng ban sự sống, Đức Kitô. Ở đây, thông hiệp đến nỗi tạo ra một tính cách nội tại hỗ tương, “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người đó”. Để diễn tả chiều sâu hiệp thông sống động này, Đức Giêsu không ngần ngại so sánh nó với sự hiệp thông tồn tại giữa Chúa Cha và Ngài, “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 57).

Để hiểu rõ những thành ngữ “ăn thịt tôi”, “uống máu tôi”, cần phải lắng nghe chúng dưới ánh sáng lời công bố của Đức Giêsu về cái chết của Ngài. Trong khi gợi lên “thịt trao nộp cho thế gian được sống”, Đức Giêsu không chỉ công bố cái chết của mình, nhưng còn khẳng định chính ý nghĩa Ngài muốn mặc cho nó. Cái chết của Ngài, Ngài không chịu đựng nó như một sự kiện ập xuống bản thân từ bên ngoài. Ngài sẽ trải nghiệm nó không như một số phận đơn thuần, nhưng như một mầu nhiệm: một sự sống hiến dâng. Như vậy, “ăn thịt tôi”, “uống máu tôi” là đón nhận trong niềm tin chính sự sống được trao ban dưới dấu chỉ thịt bị nộp và máu đổ ra. Đó là mở lòng đón nhận một đà sống, một năng lực không giữ lại cho mình; và trong sự chết, tạo nên sức mạnh phục sinh. Đó chính là đi vào mầu nhiệm sự chết và sự sống. 

Thực ra, toàn bộ diễn từ là một lời mời gọi hãy tin; hơn thế nữa, hiệp thông với nguồn lực sống đang chiếu sáng con người Đức Giêsu qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Cách tuyệt vời, đó là một diễn từ phục sinh. “Đức Giêsu thúc giục thính giả của mình tin vào Con Người, Đấng đã hiến thân ngang qua sự chết để họ được sống. Bản văn đạt đến cao trào trong lời khẳng định rằng, hoa trái của niềm tin này - sự sống đời đời - là nơi sống chung của Người Con và những kẻ tin”. 

Cộng đoàn Kitô hữu có thể thấy lời công bố về Thánh Thể của Đức Giêsu trong phần hai của diễn từ (Ga 6, 53-57). Dưới hình bánh rượu, Bí Tích Mình và Máu Đức Kitô xuất hiện như một “nơi” ưu tiên thực hiện mầu nhiệm sự sống, một mầu nhiệm được Đức Giêsu dành trọn cả diễn từ để nói đến. Việc thông hiệp với bí tích này vì thế, đưa người tín hữu đến chỗ chiếm hữu sự sống được trao ban.  

Tuy nhiên, việc đọc bản văn này theo nghĩa bí tích không nên làm lu mờ ý nghĩa linh hứng ban đầu. Linh hứng ban đầu thật căn bản. Nó vượt quá ý nghĩa đặc thù thánh thể; từ đó, cho thấy sức bật mạnh mẽ của một sự sống vốn qua chính cái chết, đạt tới con người, nắm lấy con người toàn diện từ những cội rễ sống động của nó; đồng thời, mở lòng nó đón nhận sự sống thần linh sung mãn. Với những môn đệ dị ứng trước lời của Thầy mình, Ngài tuyên bố, “Điều đó làm cho anh em khó chịu sao? Vậy khi anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước đây thì sao?”. 

Toàn bộ Tin Mừng Gioan là một lời mời gọi mãnh liệt hãy sống và sống dồi dào. Chính bên trong lời mời này, diễn từ bánh sự sống mang trọn ý nghĩa của nó. 

Ít người sống đúng và sống tràn đầy, thậm chí phần lớn không dám sống như thế, dẫu ai ai cũng mang trong mình ngọn lửa sự sống. Mầm sống hăng nhiệt nhiệm mầu này đôi lúc toả chiếu trong sự tuôn trào cuồn cuộn của khát khao. Ở những lúc nào đó, mọi người cảm thấy những con sóng mãnh liệt của sự sống dâng lên trong mình, nhưng phải cẩn thận dừng lại bên bờ, với cả lý trí; vì lao xuống sẽ là đánh mất chính mình, bị cuốn trôi bởi những con sóng dồn dập của đam mê. Một số người liều lĩnh phóng vào vực thẳm, nơi tâm trí không còn nhận ra phương hướng của chính mình. Dục vọng xâm chiếm họ và biến họ trở nên những quái vật: những quái vật của lạc thú hay những quái vật của quyền lực vốn sẽ không lùi lại trước tội lỗi. 

Với đại đa số, con người xem ra mạnh mẽ khi phản xạ để tự vệ hơn là khi đứng trước những quan ngại luân lý. Người ta tìm cách làm dịu nỗi truân chuyên của cuộc sống để không đánh mất quyền làm chủ nó; người ta chọn lấy một cuộc sống ngăn nắp, lề lối; người ta hài lòng với những ước muốn cỏn con, những lý thú vụn vặt; người ta xây dựng cho mình một cuộc sống không mấy hăng nhiệt cũng chẳng có lấy một đam mê lớn lao… Một cuộc sống dần tàn vốn sẽ không bao giờ chắp cánh bay cao. Biết bao nhiêu người héo khô và chết đi vì cô độc, bởi lẽ họ thiếu khả năng hiệp thông thực sự với sự sống sung mãn. 

Thế mà, điều Đức Giêsu mang đến cho con người chính là sự sống sung mãn, một sự sung mãn mà chính mọi thế lực tối tăm của dục vọng và khát khao tìm thấy con đường dẫn đến ánh sáng thần linh, một sự sung mãn nơi những ai liều mất chính mình hoàn toàn sẽ gặp lại bản thân.  

“Ai thực sự sống đời nội tâm, họ sống vận mệnh mình như một mầu nhiệm” (Stefan Zweig). Người sống vận mệnh mình như một mầu nhiệm là người nhận ra từ cuộc sống ấy một ý nghĩa sâu xa hơn mọi biến cố tác động bên ngoài, là người vượt quá mọi điều tốt xấu xảy đến cho mình để thấy như thể đang có một bàn tay vô hình hướng dẫn, điều khiển vận mệnh họ.

 

Sống vận mệnh của mình như một mầu nhiệm không phải là mù quáng phó mặc cho thế giới tiềm ẩn của các dục vọng hay đánh mất chính mình trong cơn lốc điên khùng của các đam mê, đó cũng không phải là cầm mình bằng cách giữ một khoảng cách trước suối nguồn sự sống. Vì:

 

“Sẽ không thực sự là mình

khi chúng ta bưng bít,

chỉ có ánh sáng

đang phủ lấy toàn thể con người chúng ta

mới tỏ lộ thần trí cho máu huyết

và máu huyết cho thần trí” (S. Zweig). 

Thật là khó hiểu, thậm chí không thể hiểu. Ai có thể cho chúng ta sống vận mệnh mình như một mầu nhiệm nếu người đó không nắm được vận mệnh xác thể máu huyết của chúng ta hoặc người ấy đã sống chính vận mệnh đó và rồi, biến nó thành mầu nhiệm sự sống bằng cách trao nộp chính mình? Đó chính là Đấng, ngang qua thịt trao nộp và máu đổ ra của Ngài, mời gọi chúng ta tìm lại vận mệnh được biến đổi của mình vốn cũng hoàn toàn trở nên mầu nhiệm sự sống. Cần lưu ý, Đức Giêsu không chỉ nói với chúng ta, “Hãy nuôi sống mình bằng lời và thần trí của tôi”, nhưng Ngài còn nói, “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở trong người ấy”.  

Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô viết, “Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Ai sống một niềm tin như thế sẽ được nuôi sống thực sự bởi sự sống chịu trao nộp này; và này, không phải người đó sống nhưng Đức Kitô sống trong họ; người đó sống vận mệnh mình như một mầu nhiệm. Người đó mở lòng đón nhận một sự sống vốn vượt trên chính mình; đồng thời sự sống đó ban tặng chính Ngài cho họ cách sung mãn, bởi lẽ năng lực để người ấy được yêu mến và năng lực để người ấy tồn tại chỉ là một. Bấy giờ, không gì có thể đánh mất sức mạnh của chúng, vì những sức mạnh dục vọng và ham muốn được chạm đến bởi ánh sáng của một tình yêu như thế sẽ được ôm lấy và chính chúng lại trở nên những nguồn lực ánh sáng. Để diễn tả sự biến đổi này, chỉ có một từ: Phục Sinh. 

Ở đây, chúng ta thấy rất rõ diễn từ bánh hằng sống không thể tách khỏi lời tựa, “Và Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm”. Một câu ngắn ngủi lại mang một ý nghĩa vô biên. Hiếm khi chỉ một vài lời lại có thể nói lên biết bao điều như thế. Ngôi Lời vĩnh cửu sống trong cung lòng Thiên Chúa, ở đây, đã trở nên thịt và máu. Qua thịt trao nộp và máu đổ ra, Lời vĩnh cửu tỏ mình cho con người như “Ngôi Lời hằng sống”. 

Ngày nay, vì quá quen thuộc với câu nói nhỏ nhoi này, “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm”, đến nỗi chúng ta không còn ước định chiều sâu và sức mạnh đổi mới của nó. Chúng ta không còn lưu tâm đến sự biến đổi tận căn mà nó vận hành trong việc tiếp cận chân lý. Để có được một ý tưởng về sự biến chuyển mà lời này gợi lên trong tâm trí, chẳng hạn phải đọc lại điều mà Justin đã viết ở thế kỷ thứ hai về thời đại chúng ta trong tác phẩm Đối thoại với Tryphon của ông. Là một triết gia ngoại giáo, đồ đệ của Platon, Justin đi tìm chân lý với nhiệt huyết của lý trí. Ông đi tìm chân lý không phải trong những tương giao của con người và những thăng trầm của lịch sử. Ông cho rằng, mình đã tìm thấy chân lý bên kia những bóng đêm của thế giới cảm giác, trong bầu trời trinh nguyên của những ý tưởng vĩnh cửu. Chắc chắn ở đó, như người thầy Platon linh thiêng dạy ông, Ngôi Lời, Lời thần linh chiếu sáng trong mọi tia sáng của chân lý. Chỉ có thần trí được giải thoát khỏi mọi lây nhiễm của thế giới này mới có thể nắm bắt và chiêm ngắm Ngôi Lời trong vẻ đẹp bất biến của nó. 

Thế mà ở đây, Justin khám phá Ngôi Lời Thiên Chúa đã nói qua các tiên tri rằng, chính Ngài đã đi vào lịch sử của chúng ta, Ngài đã mang lấy xác phàm và tự mặc khải là “Ngôi Lời sự sống” qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Từ đó, chân lý của Ngôi Lời không còn phải được tìm kiếm hay chiêm ngắm ở bên kia thế giới cảm quan, nhưng chính trong bóng đêm trần tục, nơi Ngài giáng thế: trong lòng lịch sử nhân loại. Ở đó, Ngôi Lời tỏ mình trong thịt trao nộp và máu đổ ra của Con Người. Ngài tỏ mình như Nguồn Sống Sung Mãn: không phải một sự sống cầm lại cho mình bằng cách giữ cho mình khỏi chết; nhưng ngược lại, một sự sống tự khẳng định, mạnh mẽ và vĩ đại trong chính mình như một quà tặng.

Tác giả Lm. Minh Anh, TGP. Huế (Chuyển ngữ)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!