Chúa nhật XXVIII TN năm C
2 V 5, 14-17; 2 Tm 2, 8-13; Lc 17, 11-19
Câu chuyện ông Naaman trong sách các vua quyển thứ hai mà ta đọc được là một câu chuyện khá hấp dẫn.
Ông Naaman là một vị tướng chỉ huy quân đội của vua Aram. Chính vì Đức Chúa đã dùng ông mà ban chiến thắng cho Aram nên ông là người có thần thế và uy tín trước mặt chúa thượng của ông. Thế nhưng nghiệt một nỗi là ông bị mắc bệnh phung hủi.
Bỗng nhiên, có cô bé người Israel bị bắt mang về giúp việc cho vợ ông và cô bé đó "mách nước" cho ông rằng phải chi ông chủ được giáp mặt vị ngôn sứ ở Samari, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phung hủi!
Nghe thế, vua Aram bảo ông Naaman hãy tìm đến với vua Israel để nhờ ông chữa cho bệnh phung hủi. Nghe lời vua, ông Naaman tìm đến vua Israel, sau khi đọc thư của vua Aram, vua Israel giận lắm và nói "Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi? Các ngươi phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta."
Sau đó, ông Êlisa, người của Thiên Chúa, nghe biết là vua Isralen đã xé áo mình ra, thì sai người đến nói chuyện với vua. Và khi gặp ông Naaman, Êlisa chỉ cách cho ông Naaman là Naaman hãy đi tắm bảy lần trong sông Giođan thì da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch."
Nghe như vậy ông Naaman nổi giận bỏ đi. Thế nhưng các tôi tớ của ông Naaman đến gần và nói: "Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm? Phương chi ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch! "
Và rồi ông Naaman xuống dìm mình bảy lần trong sông Giođan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.
Khi sạch bệnh, Naaman đã nài ép ngôn sứ Êlisa quà như nói lên lòng biết ơn dù Êlisa từ chối không nhận.
May mắn đã đến với ông Naaman vì ông đã sạch bệnh.
Thật ra mà nói, trong cuộc đời, chẳng ai mong mình phải vướng vào bệnh hoạn tật nguyền cả. Và khi vướng phải bệnh thì đi tìm thầy tìm thuốc để chữa.
Vào thời Chúa Giêsu, có câu tục ngữ nói rằng: “Có bốn hạng người có thể được coi như người chết, dù vẫn sống, đó là những người nghèo, người phong cùi, người mù và người không có con”. Những chứng đó mà người nào mắc phải đều bị coi như hình phạt của Thiên Chúa để trừng phạt tội lỗi của người đó. Đặc biệt, chứng bệnh phong cùi được coi như là chính biểu tượng của tội. Người Do Thái nghĩ rằng Thiên Chúa dùng bênh phong cùi để trừng phạt kẻ ghen tị, kiêu căng, quân trộm cướp, giết người, thề gian và loạn luân.
Hôm nay, Chúa Giêsu gặp mười người phong cùi. Thân phận bi đát của người bị phong hủi lấy đi sự tự do hành động của con người, buộc con người phải sống một kiểu sống rất giới hạn. Ai mắc bệnh phong là rơi vào tình trạng đó. Người ấy bị dứt khoát loại khỏi gia đình và làng quê và phải sống bên lề cộng đồng nhân loại. Người ấy chỉ được sống chung với những người cũng mắc chứng bệnh đó. Vì sợ bị lây nhiễm, xã hội bắt họ phải la to hoặc rung chuông mà báo cho biết là họ đang đến; họ sống nhờ xin bố thí, nhưng luôn phải ở cách những vùng dân cư; họ được vào một làng, nhưng không được vào một thành có tường lũy bao quanh.
Như thế, vì chứng bệnh này, họ phải sống một kiếp sống thê thảm bên lề xã hội. “Mười” có thể có nghĩa là “toàn vẹn”. Như thế, “mười người phong” tượng trưng cho tình trạng tội lỗi, là biểu tượng của tội, của tình trạng bần khốn của con người, của tình trạng xa lìa Thiên Chúa và người thân cận. Chúa Giêsu đã gặp mười người đúng với hoàn cảnh của họ: họ đứng đàng xa và kêu lớn tiếng xin Đức Giêsu giúp đỡ. Đáng ghi nhận là nhóm này gồm cả người Do-thái lẫn người Samari. Hẳn là bệnh tật và sự bần khốn đã giúp xóa đi những tị hiềm giữa Do-thái và Samari (x. Lc 9,53; Ga 4,4-9). Sự bất hạnh đã đưa họ lại với nhau và làm cho họ thành bạn bè. Mười người phong cùi này không tách riêng nhau ra mà xin giúp đỡ từng người một; họ cùng đi với nhau mà gặp Đức Giêsu. Lời cầu xin của họ là lời thỉnh cầu của cộng đoàn: “Lạy thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi!” (c. 13).
Chúa Giêsu đã đến gần và thương xót cứu giúp con bà goá thành Nain (7,11-17) và người phụ nữ còng lưng (13,10-17). Trong trường hợp những người phong này, Chúa Giêsu lại nghĩ ra cách để cho họ có sáng kiến, họ cầu khẩn Ngài. Chúa Giêsu không đến gần họ, mà lại bảo họ đi xa Ngài như thể Ngài muốn tránh né họ. Ngài phái họ đến gặp các tư tế mà bề ngoài chưa hề làm gì để chữa họ cả. Theo quy định của Cựu Ước (Lv 13–14), các tư tế có thẩm quyền tuyên bố về các chứng bệnh này. Các vị phải xác nhận rằng một người phong đã thật sự khỏi bệnh. Nhờ phán quyết này mà một người đã hết bệnh được tái nhập xã hội. Mười người phong này cần được chữa lành trước đã rồi việc họ đi trình diện các tư tế mới có ý nghĩa. Chúa Giêsu lại bảo họ cứ việc đi, vì Ngài đòi hỏi họ có lòng tin để hiểu rằng việc ra đi do Ngài truyền lệnh có một ý nghĩa và đưa đến một cùng đích. Trong khi đi đường, họ đã được khỏi bệnh.
Chúa Giêsu đã chiếu cố đến cả mười ngươi phong cùi, dù họ là người Do-thái hay là người Samari. Tuy nhiên cách Ngài chữa lành đòi hỏi sự cộng tác nghiêm túc của con người. Trước tiên, các bệnh nhân phải đi trình diện với các tư tế, y như thể họ đã lành: họ phải chứng tỏ đức tin bằng cách vâng lời Người mà đi đến với các vị lãnh đạo có quyền cho họ được tái tháp nhập vào trong cộng đồng.
Sau đó, điều mà Chúa Giêsu chờ đợi chứ không truyền lệnh: họ phải chứng tỏ đức tin vào Ngài bằng cách nói lên tâm tình biết ơn. Chỉ có một người bị coi là bội giáo, coi như kẻ ngoại, là người Samari, đã quay trở lại mà cám ơn, tức là nhìn nhận rằng điều tốt lành mình có được là do một Đấng khác. Chỉ khi thực hiện được cả hai điều này, vâng lời và cám ơn Thiên Chúa, người ta mới thực sự được lành mạnh trọn vẹn. Đức tin phát sinh từ việc nhận biết ân huệ Thiên Chúa ban và được diễn tả ra bằng một tiếng “cám ơn” không ngừng. Khi nhìn nhận người Samari đã được đức tin chữa lành, Chúa Giêsu đã công nhận chỉ có anh này mới được chữa lành hoàn toàn.
Vấn đề ở chỗ là niêm tin đã cho nhữn người này được lành cũng như được ơn giải thoát khỏi sự xa cách của thế gian, của tội lỗi. Nếu như không có niềm tin và cộng tác vào lời của Chúa thì ắt hẳn những người này sẽ chẳng bao giờ lành bệnh như ông Naaman.
Cuộc đời của mỗi người chúng ta, có ai can đảm nhận mình là người lành sạch từ thể lý đến tâm hồn. Mới đây, hết sức ngạc nhiên trong phần phỏng vấn hỏi về Đức Thánh Cha. Ngài nói : “Pope: I am a sinner” (Đức Giáo Hoàng: Tôi là kẻ tội lỗi) là đầu đề của Cnn.com trong một tường trình dẫn đầu về đời sống bản thân của Đức Phanxicô và viễn kiến của ngài về Giáo Hội. Tường trình mô tả chủ trương của Đức Giáo Hoàng cho rằng “Giáo Hội có quyền phát biểu ý kiến nhưng không ‘can thiệp thiêng liêng’ vào đời sống người đồng tính”, coi đây là “những nhận định mạnh mẽ có tính nổ bùng”.
“Tôi là kẻ tội lỗi. Đây là định nghĩa chính xác nhất. Không phải là văn vẻ hoa mỹ, văn chương thi phú. Tôi là kẻ tội lỗi”. Nền linh đạo Inhã thường dạy ngài phải coi mình là “kẻ tội lỗi được yêu thương”, “kẻ tội lỗi được Chúa Kitô cứu chuộc”. Ở đây, nguyên tuyền chỉ là “kẻ tội lỗi”, chẳng chút thêm thắt, bọc đường. Dĩ nhiên, ngài biết mình được Chúa Kitô cứu chuộc. Nhưng tự xương tự thịt, ngài biết mình thực sự bất toàn, mắc lầm lỗi và đang phải chiến đấu. Tất cả chúng ta cũng vậy. Có lẽ đó là điều khiến ngài được yêu thương và những muốn yêu thương người khác.
Và như thế, dĩ nhiên Đức Thánh Cha cũng cần đến lòng thương xót, ơn chữa lành đến từ Thiên Chúa.
Nếu chúng ta ý thức mình là người tội lỗi thì cũng hãy đặt niềm tin vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót để ta cũng được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là cha của chúng ta.