Chưa hẳn là già nhưng cũng đã "có tí tuổi". Thường người già hay nhớ lại chuyện ngày xưa. Chuyện ngày xưa đã đưa người già về với ký ức của tuổi thơ, của tuổi học trò.
Ngày còn nhỏ, ngày ngày cắp sách đến trường. Ký ức còn sót lại khó quên đó là chuyện thi đua phong trào kế hoạch nhỏ. Kế hoạch nhỏ thời đó là gom giấy vụn để đến kỳ đem đi nộp.
Đi học thời bao cấp như chúng tôi chắc có lẽ khó tìm được giấy vụn bởi lẽ có đủ tập vở để mà viết đâu để mà hoang phí và gom góp. Tất cả các môn đều phải dùng giấy ngà, chỉ có môn Văn và môn Toán được dùng vở trắng mà thôi.
Nhà nghèo lấy gì có giấy vụn để mà nộp cho đủ số lượng. Để đạt thành tích là sau giờ học phải chạy vạy từ nhà này sang nhà kia trong xóm nhỏ để nộp cho đủ. Con nít như chúng tôi, nghe tới phong trào thì lại càng sôi nổi để đi xin. Không cần biết, cứ cố gắng xin càng nhiều càng tốt để không chỉ đủ tiêu chuẩn mà còn đạt được thành tích.
Thành tích gì chứ cái thành tích mà phải chạy vạy như thế này khi lớn lên tôi mới hiểu rằng nó như thế nào đó khi đưa vào chương trình giáo dục. Mục tiêu của phong trào kế hoạch nhỏ là cho các em nhỏ biết tiết kiệm, bảo vệ môi trường và yêu thương bạn bè. Thế nhưng, kỳ thực bên dưới của chuyện kế hoạch nhỏ đó là chuyện không thật.
Dần dần chợt nhận ra rằng đằng sau cái phong trào, cái danh hiệu đó không còn mang tính chất tiết kiệm nữa mà nó chỉ mang cái vỏ bọc bên ngoài. Thực chất bên trong vẫn là cái gí đó không thật với tính tiết kiệm bởi lẽ hoàn toàn không tiết kiệm tí nào cả, chỉ có việc là hơn nhau trong chuyện đi xin giấy mang về nộp cho đủ số đủ lượng.
Trước đây, phong trào kế hoạch nhỏ trong các trường học luôn được nhớ tới việc làm tận thu giấy vụn, phế thải của học sinh. Tuy nhiên, việc làm này cũng dẫn tới việc các phụ huynh học sinh, nhà trường chạy đua thành tích thi xem ai nộp được nhiều giấy vụn hơn, mang về cờ thi đua cho nhà trường khiến nhiều em học sinh nộp hàng chục cân giấy, có em có điều kiện thì lên đến cả trăm cân, bố mẹ lấy cả ô tô mang chở nộp tới nhà trường.
Bản chất của việc nộp giấy vụn đó là giáo dục cho các em học sinh đức tính tiết kiệm, cũng như quý trọng những sản phẩm do con người làm ra, tránh lãng phí và sử dụng sai mục đích. Thực tế thì hoàn toàn khác với bản chất người ta đưa ra.
Không hiểu là những người đưa ra chương trình và làm chương trình sẽ xử lý chương trình như thế nào. Nếu cứ để như tình trạng này sẽ làm hoen ố đầu óc của tuổi thơ.
Chỉ vì cờ, chỉ vì thành tích, chỉ vì "kiện tướng kế hoạch nhỏ" mà các em đang theo đuổi đó lại là động lực để các em đối phó với cuộc sống sau này. Và, nếu cứ mãi chạy theo thành tích như thế này không hiểu tương lai các em sẽ ra sao.
Xã hội đã phải trả giá thật đắt, phải học những bài học thật lớn về chuyện chạy theo phong trào, chạy theo thành tích. Xã hội cũng đã quá đau khổ khi con người ta sống không thật với nhau, chỉ chạy đua theo cái kiểu bên ngoài nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
"Kế hoạch nhỏ" là một trong nhiều chuyện cần phải xem lại khi gợi lên phong trào cho các em. Không cẩn thận sẽ dần dần nuôi trong đầu các em nhỏ sự ganh đua, sự giành giật giải thưởng không mang tính nhân văn của con người.
Anmai, CSsR