Chẳng biết đổ lỗi cho ai : cho chiến tranh ? cho thời cuộc ? cho hoàn cảnh ? để rồi sau mấy chục năm trời xa cách tôi mới nhận ra một gia đình ở Huế là bà con gần của mình. Thoạt đầu, khi nói chuyện với bà cố thì tưởng chừng bà có 1 người con tận hiến cho Chúa hiện đang giúp một giáo xứ ở Mỹ thôi thế nhưng sau khi hỏi kỹ mới biết bà còn 1 người con đang giúp 1 xứ nghèo ngoại ô Thành phố Huế và 1 nữ tu đang đi học bên Tây. Gia đình có 1 người con tận hiến người ta thường bảo là có phúc rồi vậy mà bà có đến 3 người con tận hiến và 1 cô gái cưng đi học bên Tây những đến 6 năm !
Vừa rồi, nhân dịp ra Huế dự lễ kỷ niệm 10 năm linh mục của các linh mục lớp cha anh, tôi tranh thủ ghé thăm bà cố. Lần này, thật ngạc nhiên khi thấy bà sơ con của bà cố cùng dùng cơm tối chung. Sơ cho biết là đã hoàn tất chương trình và giờ đây về lại Việt nam chờ bài sai của Nhà Dòng.
Vì thời gian có hạn nên giờ cơm cũng là giờ chị em tâm sự với nhau về đời tu, về việc học và nhất là việc mà chị được Nhà Dòng gửi sang trời Tây để bổ sung kiến thức.
Chị chẳng ngại gì để nói rằng khi đi qua bên đó và khi được học mình mới càng nhận ra là mình ngu ?! Chị nói rằng chỉ khi nào qua đó mới thấy được biển học là bao la. Người Việt của chúng ta vẫn quen lối học từ chương nên khi qua đó phải cố gắng lắm mới có thể chống chõi được với cách học nặng phần tự lập và nghiên cứu.
Xa quê hương, xa Hội Dòng, xa gia đình nên chuyện nhớ nhà là một chuyện luôn ám ảnh của các sinh viên khi đi học. Có những lúc nhớ nhà chỉ còn biết khóc mà thôi. Với những ai còn mẹ như chị thì nỗi niềm thương nhớ ấy còn da diết gấp bội khi nghĩ về tuổi già của mẹ phải đối diện với đau yếu bệnh tật. Chị cũng đã tâm sự rằng có những lúc đã viết thư gửi về cho Bề Trên ở Việt Nam để xin đi về chứ không thể nào chịu nỗi với những khó khăn đang gặp phải. Chẳng hiểu sao mỗi lần viết xong tính gửi về thì lại xé vì sợ các chị ở nhà tưởng chừng như “được gửi đi học rồi làm nư !”.
Sau những năm tháng cố gắng, giờ đây chị hoàn thành chương trình học của mình, chị tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã ban cho chị trong những năm “du học”.
Về thăm mẹ già, thăm gia đình, chị vào chào Cha nguyên chánh xứ. Sau khi chào xong chị bị “sốc” vì câu nói của Cha già mến yêu : “Đi du học về phải làm lớn cho xứng với học vị tiến sĩ chứ !”. Thật ra chị không buồn Cha già nhưng chị thấy quan điểm của Cha già vẫn còn cổ hũ làm sao ấy ! Chị nói với tôi rằng tiến sĩ không phải làm lớn nhưng làm cái gì cũng được. Thậm chí những việc nho nhỏ trong nhà dòng như quét rác, làm cỏ cũng được vì thật sự học vị tiến sĩ chẳng là gì cả vì càng học mình càng thấy ngu.
Chị nói là ngày nay việc du học quá dễ dàng để rồi được đi thì chẳng là gì cả. Thế nhưng có một dòng nọ người ta đang đua nhau để lấy học vị tiến sĩ. Tưởng chị nói đùa nhưng chị minh chứng cho tôi đó là một sự thật đang diễn ra trong một dòng tu nọ.
Tôi tin là chị không nói dối vì lẽ chị được may mắn ra nước ngoài học thì chị có cái nhìn rộng rãi hơn, thông thoáng hơn.
Người chị họ vừa du học về mà tôi được gặp gỡ, tiếp xúc không phải là một tu sĩ du học đầu tiên mà tôi được gặp. Chị đi học, chị đi Tây về nhưng mà lối sống, lối suy nghĩ của chị đơn sơ và khiêm hạ.
Thật ra thì quan niệm sau khi đi học bên Tây về của chị cũng là quan niệm của phần đông tu sĩ, linh mục được gửi đi học về. Thế nhưng, đáng tiếc thay trong phần đông đấy lại có lợn cợn vài “người tu” mà chẳng tu gì cả. Phải đau đớn khi mà nói như vậy khi nhìn lại hành trình đời tu của những người ấy. Họ không biết tận dụng trí thông minh, tài hiểu biết của Chúa ban cho họ để họ đầu tư kiến thức về Thiên Chúa, về lòng tin, về mạc khải của Thiên Chúa. Họ đã quá kiêu ngạo để tỏ mình cho mọi người biết ta đây là người “ăn trên ngồi chốc”, là người được đi Tây đi U.
Nói chuyện với chị, tôi nhớ đến Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên. Trong một lần nói chuyện với các tu sĩ nam nữ nhân ngày khai giảng năm học mới, Ngài chia sẻ về việc học của Ngài bên trời Tây. Sau khi cố gắng lấy cho được tấm bằng, Ngài trở về Việt Nam. Tấm bằng Ngài lấy được Ngài treo ngay đầu giường. Treo để làm gì ? Xin thưa, treo để nhắc nhớ rằng Ngài nợ biết bao nhiêu người đã cưu mang, lo lắng cho Ngài ăn học và Ngài nguyện ước sẽ cố gắng hết sức để phục vụ lại Giáo Hội trong khả năng cho phép của Ngài.
Thế đấy ! Một tâm tình đơn sơ, nhỏ bé của một Gíam mục một địa phận. Chắc ít nhiều gì ai ai cũng biết Ngài là một giám mục bình dân, đơn giản. Từ Cần Thơ về Sài Gòn có việc hay đi đâu đó ngoài tỉnh, ít khi Ngài dùng xe của Toà Giám Mục dẫu rằng đó là phương tiện cần cho Ngài. Ngài đi Sài Gòn hay đi đâu đó với một cái giỏ xách con con và nhảy phốc lên xe đò là xong chuyện. Trên những chuyến xe Cần Thơ về Sài Gòn, đâu ai biết ngồi chung xe của họ có một vị giám mục một địa phận, một người đã từng đi tu học bên trời Tây ? Không phải ca tụng, tung hô Ngài nhưng hình ảnh của một vị giám mục hiền lành, đơn sơ và khiêm hạ ấy phải chăng là bài học quá lớn cho mỗi người chúng ta ?
Có một vị linh mục nọ dám tuyên bố rằng một cách khinh tướng với bạn bè rằng : “Tao sang đó 2 năm tao lấy tiến sĩ”. Không biết khả năng, trình độ của vị ấy ra sao mà chỉ mới 1 năm sang Mỹ, linh mục ấy đã phải quay lại Việt Nam với chứng nhận “Cái đầu có vấn đề !”. Thế đấy ! Quá cao ngạo để cuối cùng phải đón nhận hậu quả của lòng kiêu căng của mình.
Cạnh trường hợp đó thì có trường hợp quá cay đắng là được Hội Dòng dốc cho không biết bao nhiêu tiền của để đi học. Chẳng hiểu sao qua đó học không xong rồi lại về. Tưởng chừng vị ấy phải xin lỗi Hội Dòng vì mình không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận nhà Dòng trao phó mà còn cao ngạo nịnh trên đạp dưới để rồi biết bao nhiêu người đau khổ với người đó. Học thì lo đi học đàng hoàng, học xong lấy bằng cấp về hẳn hoi đi chứ còn học dở dở ương ương xong về rồi lại bi ba bi bô. Bao nhiêu năm đi học rồi trở về với hai bàn tay trắng. Biết bao nhiêu tiền của, hy sinh, đóng góp của Hội Dòng cho đi học vậy mà giờ đây trở về tay không. Bi đát ở chỗ là về tay không mà không biết mình về tay không mà đi đâu cũng huyên hoang tự cao tự đắc. Chỉ có những người kém hiểu biết mới tung hô những kiểu mẫu cao ngạo như thế thôi. Còn nữa, người ấy không biết xấu hổ mà còn lu loa nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Trường hợp ấy tôi chẳng hiểu là tu kiểu nào ? Tu cách nào đây ? Chuyện này xin gửi lại trong tâm tư sâu lắng của người tu ấy với Chúa, còn tôi, tôi xin phép miễn bàn.
Còn một trường hợp quá bi đát là Hội Dòng dốc hết hầu bao cho sang Tây học mấy năm trời. Vừa đáp máy bay về Việt nam thì cộng đoàn thấy có cái gì khác khác nơi vị này. Và cái khác khác đó đã thành hiện thực khi vài tuần về thăm gia đình thì tu sĩ ấy đã đệ đơn lên Bề Trên để xin ra khỏi Dòng. Thế là bao nhiêu tiền của, bao nhiêu đầu tư, bao nhiêu hy vọng của Hội Dòng dành cho vị ấy bây giờ tan tành mây khói !
Thông minh, được Hội Dòng tín nhiệm quả là hồng ân bao la mà Thiên Chúa ban cho những người đi du học. Họ được gửi đi học thì họ quá đủ thông minh để nhận ra điều ấy nhưng cách cư xử đời thường thì ngược lại. Họ quá cao ngạo, họ quá quấy nhiễu để rồi họ trở thành gánh nặng cho người khác. Ai ai cũng biết cả nhưng vì lòng bác ái, vì tình người người ta không nói ra thôi chứ ở đó mà vênh vang !
Có vênh vang chăng ? Có tự hào chăng ? Thì hãy tự hào, hãy vênh vang trong Chúa chứ ai đâu mà vênh vang với mảnh bằng tiến sĩ cỏn con.
Tất cả đều nằm trong lòng bàn tay của Thiên Chúa vậy mà cứ mãi vênh vang trước ân huệ của Ngài chăng ?
Tiến sĩ hay không tiến sĩ, giàu hay nghèo, sang hay hèn, chức cao hay quyền thấp không quan trọng. Chuyện quan trọng, chuyện cần nhất của đời người đó là lòng khiêm hạ, sự khiêm cung trước tình yêu bao la và sự quan phòng của Thiên Chúa mà thôi.