Sáng nay, sau giờ cơm sáng, về phòng làm việc một chút thì một giáo dân vào thăm Cha. Trước là thăm Cha, sau là cho Cha biết một chuyện.
Chuyện người ấy cho biết là có một giáo dân kia bỏ nhà thờ mấy tháng nay rồi. Người ấy thấy người kia bỏ nhà thờ nên ghé thăm chút. Sau cuộc trò chuyện thì người bỏ nhà thờ cho biết rằng Cha đặc trách bây giờ khác qúa. Trước đây có cái gì cũng gọi vào cho và chia phần, nay chẳng biết sao không gọi vào cho quà nữa nên giận cha không đi nhà thờ nữa …
Chuyện trò xong, cha tiễn người giáo dân dẫ thương ấy ra tận cổng nhà thờ.
Về phòng, hình ảnh người giáo dân bỏ nhà thờ kia cứ miên man trong tâm trí. Đúng là khó xử cho một người phục vụ ở miền truyền giáo. Không chia sẻ thì người ta bảo là nói chứ không làm còn chia sẻ thì người ta lại bảo là dụ dỗ theo đạo.
Gạt dòng suy nghĩ ấy qua một bên để dọn bài giảng cho Thánh Lễ chiều nay. Lật tới lật lui, Tin Mừng cho Thánh Lễ thứ Hai Tuần 3 Phục Sinh hôm nay được trích trong Tin mừng theo Thánh Gioan chương 6 từ câu 22 đến câu 29.
Vớ ngay đoạn Tin mừng ấy và đọc. Đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui sao mà đoạn Tin Mừng này lại trùng khớp với chuyện người giáo dân ban sáng vào thăm Cha quá !
Đoạn Tin mừng này, Thánh Gioan thuật lại là dân chúng túa đến đi theo Chúa vì lẽ sau khi đã tận mắt chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa. Họ theo Chúa vì của ăn và Chúa biết ý của họ nên Chúa đã không ngần ngại nói thẳng với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26a).
Nghĩ cũng hay, chuyện đời mà ! Thời Chúa Giêsu người ta cũng đã có “ý tưởng” đi theo Chúa vì được của ăn xác thịt chứ người ta không đi xa hơn một chút nữa đó là “Việc Thiên Chúa muốn các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6, 29)
Mặc dù Chúa Giêsu nói như vậy nhưng nhớ lại, ta thấy Chúa đâu có dừng lại ở một lần làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nhưng Chúa đã làm đến 3 lần. 3 là số nhiều nên có thể là còn nhiều lần khác nữa nhưng không được ghi lại trong Thánh Kinh. Điểm mà ta ghi nhận là dù Chúa Giêsu nói như vậy nhưng Chúa Giêsu đâu có dừng lại ở cái chuyện Chúa nói. Chúa cảnh báo người ta về cái hành vi đi tìm của ăn hay hư nát nhưng Chúa vẫn tìm cách này hay cách khác để lo cho họ vì lẽ Chúa thấy họ “bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt”.
Thật sự ra mà nói thì đâu phải “cá mè một lứa” hay là “cào bằng” được. Trong cái đám đông dân chúng tạm gọi là theo Chúa vì của ăn ấy nhưng thật sự cũng có những người tin Chúa thật qua những lần no nê ấy. Điều kỳ diệu là quả tim nó nằm cạnh bao tử, khi nào cái bao tử nó no thì trái tim mới có thể yêu được chứ ! Làm sao trái tim nó lúc lắc được khi cái bao tử còn đói.
Nghĩ đi nghĩ lại, hoá ra là thời nào cũng có những người theo Chúa thật và cũng có những người theo Chúa vì gạo đơn cử như người giáo dân bỏ nhà thờ kia sau khi Cha quên không phát quà cho họ. Đáng tiếc là họ đã ngộ nhận chuyện cho quà là hành vi chia sẻ những lúc đói khổ, những lúc ngặt nghèo chứ không phải nhà thờ là nơi “phát chẩn”. Thôi thì ai chân thành đủ thì sẽ tìm ra Chúa và tin vào Ngài thật.
Ở đâu cũng có những người như vậy, thời nào cũng có những người như vậy.
Sau khi suy niệm trang Tin mừng hôm nay, lòng mình thấy nhẹ nhõm đi một chút vì lẽ ngày xưa Thầy của mình còn bị người ta theo vì của ăn hay hư nát ấy chứ đâu có lạ lùng gì. Chúa có cái nhìn của Chúa, con người có cái nhìn của con người. Cái nhìn của Chúa vượt hẳn trên cái nhìn của con người.
Chiều về, sau Thánh Lễ, trở về căn phòng nhỏ của giáo điểm truyền giáo nghèo, bỗng dưng lòng thấy bình an thư thái khi tâm tình thực tại lại quá gần gụi với trang tin mừng xa xưa.
Với Chúa người ta còn như vậy huống hồ gì là mình. Mình chỉ là chiếc cày nhỏ trong lòng bàn tay của Thiên Chúa. Chúa sử dụng mình như thế nào là tuỳ thuộc thánh ý Ngài. Mình chỉ còn một duy nhất là ngoan nguỳ bước theo thánh ý Ngài mà thôi.