Chúa nhật VI TN
Lv 13, 1-2.45-46; 1 Cr 10,31-11,1, Mc 1, 40-45
Bệnh phong, còn gọi là bệnh hủi hay cùi, do vi khuẩn Hansen gây ra. Vì không có bào tử nên vi khuẩn này không lây qua vật chủ trung gian. Khi ở ngoài, nó chỉ tồn tại được 1 đến hai ngày . Đây là một bệnh nhiễm trùng, được ghi nhận từ rất lâu trong lịch sử loài người, gây huỷ hoại bề ngoài, tổn thương các dây thần kinh ngoại biên, và làm suy kiệt cơ thể bệnh nhân dần dần. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ: Bệnh phong do vi trùng Mycobacterium Leprae. Đây là bệnh rất khó lây và có thời gian ủ bệnh kéo dài, nên rất khó xác định bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở đâu và khi nào. Trẻ em thường dễ nhiễm bệnh hơn người lớn. Bệnh phong có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, nhưng có hai dạng thường gặp là: dạng Tuberculoid – phong củ và dạng Lepromatous – phong u, từ mỗi dạng này lại chia ra nhiều thể khác nhau nữa.
Da thịt người mắc bệnh thường phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn vết thương lõm vào da thịt. Lông mày rụng, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn.
Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Sau đó các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng ngón tay ngón chân rụng dần.
Thực ra bệnh chỉ lây khi tiếp xúc lâu dài với các thể phong nặng (phong hở) như phong ác tính, phong đang tiến triển, chảy nước mũi nhiều và có tổn thương lở loét ở da, ở bàn tay, bàn chân.
Những ai bị nhiễm bệnh thường chịu thành kiến sai lầm, chịu sự hắt hủi, xa lánh thậm chí bị ngược đãi (trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt).
Những thành kiến ấy có tự xưa, từ thời Môsê và Aharon : "Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế! " Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.
Thật sự ra mà nói, chẳng ai mong muốn mình rơi vào cái hoàn cảnh chẳng đặng đừng này.
Số người mắc bệnh phong hiện nay rất ít, nhưng con số bị tàn tật vì mắc bệnh cách đây vài chục năm lúc chưa có thuốc chữa thì thấy nhiều. Và họ là những người rất cần đựơc giúp đỡ vì họ rất khó khăn trong cuộc sống và sinh kế.
Nhìn chung cả thế giới, số ngừơi bệnh phong đã giảm đi rất nhiều, trước đây có khi lên đến mười mấy triệu nhưng đến cuối năm 2004 thống kê cho thấy toàn cầu chỉ còn gần 300 ngàn người mắc bệnh phong mà thôi.
Thật ra, tỷ lệ bệnh phong ở Việt Nam hiện nay cũng đã giảm xuống rất nhiều, đã đạt được tiêu chuẩn dưới 1/10 ngàn bệnh nhân do Tổ chức y tế thế giới đặt ra.
Hiện có nhiều loại thuốc điều trị rất có hiệu quả. Trong đó khi dùng thuốc Rifampicine sau 5 ngày sẽ hạn chế khả năng lây lan của vi khuẩn tới 99,9%.
Có thể nói, phong là chứng bệnh, là tổn thương của thân xác hạn chế của con người. Có thể chữa được, có thể dập tắt được sự lây lan của chứng bệnh này. Khó hơn và khó dập hơn sự lây lan của căn bệnh thể xác đó chính là căn bệnh phong trong tâm hồn.
Anh chàng mắc bệnh phong hôm nay trong Tin Mừng đã vượt qua giới hạn của con người, đã tin tưởng vào Chúa : "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Chúa Giêsu không thể nào bỏ qua được niềm tin của anh và Ngài chữa lành cho anh. Chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Quyền năng Thiên Chúa đã thực thi nơi con người yếu đuối, tật bệnh của anh.
Thật sự, theo cái nhìn tâm linh, theo cái nhìn bên trong thì bệnh tật bên ngoài như bệnh phong hủi chàng thanh niên gánh chịu hôm nay trong Tin Mừng chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện quan trọng đó là bệnh phong hủi bên trong tâm hồn. Bệnh phong hủi bên trong da thịt, bên trong tâm hồn nó phá người ta không thể tưởng tượng.
Hết sức buồn cười là những ai bị hủi ngoài da thì bị người ta khinh bỉ ra mặt còn những người hủi trong da thì được người ta tán thưởng, chúc tụng. Chỉ một mình Thiên Chúa mới biết được ai hủi trong da và hủi ngoài da mà thôi.
Hãy soi lòng mình, đặt mình trước mặt Chúa để nhận ra những tật bệnh bên trong con người của chúng ta và hãy can đảm, hãy tin chạy đến Chúa như anh chàng thanh niên bệnh hủi hôm nay.
Thánh Phaolô trong thư của Ngài gửi tín hữu Côrintô mời gọi chúng ta hết sức dễ thương : Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ. Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.
“Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô” ! Quá tuyệt vời. Bắt chước Chúa Kitô để sống cuộc đời tin tưởng, tín thác vào Thiên Chúa Cha.
Cuộc đời Thánh Phaolô cũng đã một thời bắt Chúa, một thời bách hại Chúa dẫu rằng bên ngoài vẫn là người sạch sẽ. Đâu ai ngờ cái vẻ bên ngoài sạch sẽ ấy lại chất chứa bên trong một căn bệnh quái ác là đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Thế nhưng mà trên con đường Đamát Thiên Chúa đã cho Phaolô nhận ra thân phận thật của mình. Thánh Phaolô đã đến với Chúa và để Chúa chữa lành cho Ngài. Với ơn của Chúa, thánh Phaolô đã sạch sẽ lòng khỏi những gì là xấu xa, là ác độc bách hại Chúa.
Kinh nghiệm chữa lành của Phaolô, của những con người yếu đuối, của anh chàng phong hủi vẫn là bằng chứng sống ơn chữa lành của Thiên Chúa dành cho những con người đau yếu bệnh tật.
Chúng ta có tin tưởng, phó thác chạy đến xin Chúa chữa lành như anh chàng phong hủi hay không đó chính là sự tự do, lựa chọn của chúng ta.