Trần
Mỹ Duyệt
Lời kêu gọi của
tiên tri Joel là lời được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi mùa Chay về: “Hãy xé
lòng, đừng xé áo” (2:13). Mỗi người hiểu và cắt nghĩa một cách, nhưng phần đông
đều chú tâm đến việc “xé lòng”. Vậy thế nào là xé lòng, và thế nào là xé áo?
Hai hành động này có liên quan gì đến chay tịnh?
Trong lịch sử
dân Israel, để tỏ lòng thống hối họ thường cắt (xé) áo của mình để chứng tỏ họ
thật lòng thống hối như thế nào. Ngoài ra, bên ngoài họ còn làm bộ mặt rầu rĩ
(x. Mt 6: 16-17). Thực ra việc xé lòng thì chẳng ai kiểm chứng được, và cũng
chẳng ai tự cắt (xé) ruột gan mình bao giờ. Nhưng nếu xé áo, cắt áo thì mọi
người chung quanh đều biết, dù áo đẹp hay áo xấu, áo mới hay áo cũ. Do đó, việc
làm này thường mang tính cách hình thức, giả dối, bôi bác. Thiên Chúa không hài
lòng về hành động này, nên Ngài đã bảo họ hãy xé lòng mình hơn là xé áo. Tại
sao?
Để hiểu được ý
nghĩa của hành động xé lòng. Chúng ta phải lui vào sa mạc nội tâm để chiêm
niệm, theo gương Chúa Giêsu trong thời gian 40 đêm ngày Ngài chay tịnh trong
hoang địa.
“Xé lòng” là
một lời mời gọi rất tâm lý, và cũng rất thực tế mà Thiên Chúa muốn mọi người
khi bước vào chay tịnh thực hiện. Đó là một việc làm kín đáo giữa ta và Ngài,
và chỉ có Ngài biết. “Lòng” hay tâm đây cũng là nơi mà tất cả những ý nghĩ xấu,
những tư tưởng xấu, những tham vọng bất chính được ấp ủ và phát xuất: “Vì tự
lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm,
trộm cắp, làm chứng gian và vu khống” (Mt 15:19). Do đó, chay tịnh thật lòng,
phải bắt đầu từ trong tâm, một “tấm lòng tan nát khiêm cung,” muốn thực hiện
việc làm tốt, sửa sang lại, đổi mới con người và cách sống. Đây là
hình thức ăn chay mà Thiên Chúa mong muốn:
“6 Cách
ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo
gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?
7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những
người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không
ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”(Is : 58: 6-7).
Nhưng những
việc làm trên chỉ những ai có tâm hồn thiện tâm và ngay lành mới có thể thực
hiện dễ dàng được. Nó mang ý nghĩa của việc cắt xén, điều chỉnh lại cõi lòng
con người. Nó đòi hỏi phải có sự quyết tâm và ý hướng sửa đổi.
Song song với
việc xé lòng là xé áo. Việc nhịn ăn một ngày, kiêng ăn thịt một ngày là những
dấu chỉ của hành động chay tịnh mang tính hình thức. Nó như tấm áo bên ngoài
nhưng thật sự cũng rất khó để xé bỏ, cắt xén.
Con người ai
cũng coi trọng mặt mũi, chức quyền, địa vị và danh tiếng. Cái áo họ mặc nói lên
vai trò, địa vị và chỗ đứng của mỗi người: “Hơn nhau tấm áo manh quần”. Người
ta được tôn trọng cũng nhờ ở những bộ diện bên ngoài này. Chúng không chỉ nói
lên giá trị của người mặc, nó còn tượng trưng cho bộ mặt và cái tôi của mỗi
người. Chính vì cái tôi của mỗi người rất lớn, rất ngạo nghễ nên rất khó lòng
triệt hạ. Trong thực hành, có những người cả đời chỉ có một bộ áo quần che
thân, nhưng trong thâm tâm, ngay cả những lúc không đủ ăn, đủ mặc cũng ngổn
ngang những ước muốn, những tham vọng và ham mê muốn được nổi nang, trọng vọng.
Do đó, chay tịnh đúng nghĩa đòi hỏi phải vừa xé lòng và cũng vừa xé áo. Khi
việc xé lòng được thực hiện kèm theo hành động xé áo tức là loại bỏ những khoe
khoang, hào nhoáng bên ngoài, lúc đó, chúng ta mới thực sự ăn chay. Và chay
tịnh trong tinh thần này là chay tịnh mà Chúa mong muốn.
Ngoài ra ý
nghĩa của chay tịnh còn dẫn ta đến hành động thực hành đức bác ái, một phần
không thể thiếu của chay tịnh. Trong dụ ngôn về ngày phán xét sau cùng, thánh
Mátthêu đã ghi lại:
“35 Vì xưa Ta đói, các
ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã
tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu,
các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”(Mt 25: 35-36). Những việc mà Chúa Kitô
coi như làm cho Ngài: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế
cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho
chính Ta vậy.” (Mt 25: 40)
Trong đời sống
thường ngày, nhịn nhục một người xúc phạm đến ta, tha thứ cho một người làm hại
ta, kiềm chế một đam mê bất chính, nhường cơm xẻ áo, chia xẻ tình thương, vỗ về
an ủi một người đang gặp đau khổ chính là cắt bỏ, là cắt xén phần thuộc về
mình, khiến cho mình bị thiệt thòi, bị đau đớn. Nhưng đó là chia xẻ, là xé lòng
và xé áo. Một hình thức tâm linh mang ý nghĩa chay
tịnh.
Kết hiệp với
Chúa Kitô trong kinh nguyện, sửa lại con người của mình, và thực thi bác ái. Đó
là tất cả ý nghĩa của hành động xé lòng cũng như xé áo trong chay tịnh.