Trần Mỹ Duyệt
Trong phụng vụ của Thứ Năm Tuần Thánh, nghi thức gây được nhiều
ấn tượng, đó là việc chủ tế khiêm tốn rửa chân cho một số người. Hành động này
phản ảnh việc chính Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã rửa chân cho 12 môn đệ của
Ngài. Ý nghĩa việc làm này của Chúa đã được chính Ngài giải thích: “Thầy
đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Gioan
13: 15)
“Bắt chước và làm như vậy”. Đây là một hành động không chỉ mang
tính cách biểu tượng, nhưng là một lệnh truyền. Chúa muốn các môn đệ của Ngài
“phải rửa chân cho nhau” (13: 14). Tại sao? Vì đó là dấu chỉ của tình huynh đệ,
của tình yêu thương. Nếu không có dấu chỉ này, người ngoài sẽ không nhận ra
người môn đệ của Chúa: “Người ta sẽ cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của
Thầy.” (Gioan 13:35)
Nhưng làm sao để tôi có thể rửa chân cho anh chị em tôi? Nếu
hiểu lệnh truyền này theo một nghĩa đen, chắc chắn chúng ta sẽ có ít cơ hội,
hoặc không có cơ hội để rửa chân cho người khác. Như vậy, chúng ta chỉ có thể
hiểu ý nghĩa lệnh truyền này theo nghĩa “bác ái”, nghĩa “người môn đệ của
Chúa”. Và chỉ trong ý nghĩa này chúng ta mới biết mình phải làm gì để giữ được
lệnh truyền của Thầy.
Rửa chân thể lý cho nhau thông thường chúng ta ít khi thực hiện,
nhưng rửa chân tinh thần, rửa chân tâm lý là việc chúng ta phải làm thường
xuyên cho nhau. Nó mang ý nghĩa của sự nhịn nhục, chấp nhận và tha thứ, những
việc làm thể hiện tình yêu, đức bác ái. Cách rửa chân của người môn đệ Chúa.
Thánh Gioan nói: “Nếu anh em ta là người ta thấy mà không thương
yêu, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng ta không thấy?” (1 Gioan 4:20) Ngài
kết luận, trong những trường hợp ấy nếu nói mình yêu mến Thiên Chúa là nói dối.
Nói không thật với lòng mình.
Yêu nhau mà không chấp nhận nhau, không chịu đựng và tha thứ cho
nhau thì làm sao nói được là yêu. Cái gì người khác cũng làm cho mình vui, cho
mình hạnh phúc thì tình yêu mà ta dành cho họ là một cách đáp trả những cái tốt
đẹp mà người ấy đã dành cho mình. Trong trường hợp này không đáp trả bằng tấm
lòng tử tế, biết ơn thì có nghĩa là vô ơn, là lợi dụng, là ích kỷ. Nhưng nếu có
điều gì người khác làm cho mình phải khó chịu, phải thiệt thòi và đôi khi phải
đau khổ mà mình chấp nhận để thông cảm, tha thứ, và yêu thương thì lúc đó tình
yêu của ta mới chứng tỏ được đó là tình yêu thật. Theo Thánh Tôma Aquinas, tình
yêu đòi hỏi phải có hy sinh. Ngài đưa ra nhận xét này vì theo gương Chúa Giêsu,
Đấng đã ra một mẫu mực đo lường tình yêu, đó là: “Không ai có tình yêu lớn hơn
người thí mạng vì bạn hữu mình.” (Gioan 15:13) Chúa nói và Chúa làm. Không chỉ
rửa chân cho các môn đệ, Ngài còn chết cho các ông và cho chúng ta nữa. Và đó
là tình yêu đích thực, tình yêu lớn lao.
Trong phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, có hai lần Chúa “truyền” cho
các môn đệ phải làm điều Chúa muốn. Lần đầu là Ngài truyền cho các ông “làm
việc này mà nhớ đến Ta.” (Luca 22:19, và lần thứ hai “hãy rửa chân cho nhau.”
(Gioan 13:14) Điều truyền trước Ngài nói đến Bí Tích Thánh Thể, điều truyền
sau, Ngài nói về Đức Ái. Thật sự nếu không thương nhau, không đón nhận, chịu
đựng và tha thứ cho nhau như Chúa đã làm, chúng ta sẽ không có được cặp mắt đức
tin để nhìn thấy Ngài qua Bí Tích Thánh Thể.
Do đó, việc tế lễ, tham dự thánh lễ, và rước Thánh Thể hàng ngày
mà thiếu đức ái thì cũng như một việc làm bôi bác, hình thức, đôi khi nhàm
chán. Nhưng ngược lại, nó sẽ là niềm vui của chúng ta khi đến với Chúa qua hy
lễ và được đón rước Chúa mỗi ngày khi ra về mà trong lòng mang hình ảnh yêu
thương.
Ôi nhiệm mầu Tình yêu Chúa nuôi con suốt đời. Ôi! Nhiệm mầu Tình
yêu Chúa ru con tháng ngày.
- Những lỗi lầm ngày tháng cũ tim con u buồn thống hối. Những bước
đường mờ ám đó nay con xin nguyện chia phôi. Và, ngày ngày tháng tháng con cầu
kinh. Và, chiều chiều sáng sáng con nguyện xin.
- Cất bước tìm về với Chúa con đi trong miền nắng ấm. Áo mới tuyệt
vời Chúa khoác cho con vui tiệc hiến tế, và ngày ngày với Chúa con cùng đi. Và,
từng chiều có Chúa con ngại chi. (Ôi nhiệm mầu. Xuân Tưởng)
Hôm nay Chúa lập Bí Tích Thánh Thể và ban bố giới luật yêu
thương. Giới luật tình yêu mà Chúa tự ra cho chính mình và cho nhân loại. Ngài
tự hiến, tự ẩn thân trong Thánh Thể và ở với chúng con. Không ai có tình yêu
lớn hơn Chúa. Và cho chúng con là hãy rửa chân cho nhau, là yêu thương nhau như
Chúa đã yêu, đã thương, đã rửa chân và đã chết cho chúng con.
Chúa hiện thân trong Thánh Thể. Ngài truyền cho chúng con “nhớ
đến Ngài.
Chúa rửa chân cho các môn đệ. Ngài dạy chúng con phải “rửa chân
cho nhau”.
Qua Mầu Nhiệm Tình Yêu và cách thức bày tỏ tình yêu, chúng ta
hãy nhớ và đến với Chúa qua con đường phục vụ: đón nhận, chịu đựng, và tha thứ
cho nhau.