Trần Mỹ Duyệt
-Bà thánh
Monica đã mất mấy năm để cầu nguyện cho sự trở lại của con bà là Thánh
Augustine?
-Mười bảy năm.
-Sai. Em nghe
một cha giảng là phải mất 21 năm.
-Hồi còn bé,
anh cũng nghe một cha giảng là 18 năm.
-Vậy thì ai
đúng? Ai sai? Không lẽ “cha” mà cũng sai sao. Như vậy giảng giải ai mà nghe
nữa!
-Cha hay bất cứ
ai cũng có những lúc sai: nói sai, nhớ sai, và làm sai. Điều này thuộc về bản
tính bất toàn của con người. Miễn là khi giảng giải, các linh mục đừng nói,
đừng giảng những gì phản lại tín lý, đức tin và luân lý là được. Mấy chi tiết
về lịch sử, nhân vật, địa lý, không gian hay thời gian là những chuyện nhỏ
không cần thiết phải để tâm suy nghĩ.
Trên đây là mẩu
đối thoại giữa người viết và người rất thân của người viết. Nhưng dường như
người ấy “khẩu phục mà tâm không phục.” Lý do duy nhất, “cha là phải đúng.” Vì
vậy thì chỉ còn cách là “nói có sách, mách có chứng.”
Câu chuyện trở
lại của Augustine xảy ra tại Milan, Ý sau 17 năm cầu nguyện của người mẹ là
Monica. Nhờ cuộc trở lại này, tình cảm giữa hai mẹ con được gia tăng, và với sự
nối kết tinh thần chặt chẽ, họ đã trở nên gắn bó mật thiết với nhau hơn. Mặc dù
sau đó không lâu Monica qua đời, nhưng bà đã sinh vào đời sống vĩnh cửu.
[1]
Monica kết hôn
qua một cuộc hôn nhân dàn xếp ở tuổi rất nhỏ với Patricius, một người đã lớn
tuổi, và phục vụ như một viên chức của chính quyền Roma. Ông là người ngoại
đạo. Cuộc hôn nhân đem lại ba người con 2 trai và 1 gái: Augustine (332-387
A.D.), Nagivius, và Perpetua. Hai trong ba người con ấy sau này đã trở thành
những người rất đáng ngưỡng mội, kính phục vì sự thánh thiện và đời sống đặc
biệt của họ. Đó là Augustine và người em gái út của ông, Perpetua. Augustine
trở thành vị giáo phụ lừng lẫy của Giáo Hội, và Perpetua trở thành Mẹ Bề Trên
của một đan viện ở Hippo.
Ban đầu, cha mẹ
không đồng nhất với nhau về việc giáo dục con cái. Là người Công Giáo, Monica
muốn cho các con được rửa tội, nhưng chồng bà không cho phép. Patricius tính
tình nóng nảy, tuy nhiên ông không có những hành động bạo lực đối với gia đình.
Mặc dù đời sống hôn nhân gặp rất nhiều khó khăn đối với Monica, bà luôn giữ một
thái độ vui vẻ, hòa nhã và hằng cầu nguyện cho sự trở lại của người chồng ngoại
đạo, cũng như các con của bà. Lời cầu của Monica, đời sống chứng nhân, và những
hoạt động tông đồ của bà như giúp đỡ những người vợ gặp những khó khăn giống
hoàn cảnh của bà trong gia đình, đã được Chúa nhận lời. Với thời gian, những
lời cầu của Monica đã trổ sinh hoa trái. Chồng bà đã được rửa tội trước khi qua
đời vào năm 371.
Tuy nhiên với
Augustine, người con trai cả của bà thì nước mắt và lời cầu của bà vẫn còn tiếp
tục…
Sau khi chồng
qua đời, Monica bây giờ là người mẹ góa, đã dồn hết tâm sức vào việc giáo dục
các con của bà. Ở tuổi 15, Augustine đã sớm biểu lộ thái độ tự lập của mình, và
đã trở nên tâm điểm của lời cầu của Monica. Mới bước vào tuổi thanh thiếu niên,
Augustine đã trở thành cha của đứa con trai tên là Adeodatus, và điều này
khiến cho Monica cảm thấy rất đau lòng. Ngoài ra, Augustine còn gia nhập giáo
phái Manichaeism đối nghịch với tôn giáo của Monica. Phản ứng đầu tiên của bà
là chịu đựng người con của mình. Giống như Thánh Giuse đã phải đối diện với
trường hợp khó giải quyết về Đức Maria, trong một giấc mơ, Monica cũng được an
ủi rằng con của bà sẽ trở về với đức tin. Sau thời gian đi hoang, Augustine được
bà cho phép trở lại nhà, và Monica tiếp tục sốt sắng cầu xin ơn trở lại cho con
mình.
Sau 17 năm
trong nước mắt và kinh nguyện của Monica, Augustine đã trở về với đức tin. Mẹ
con lên đường trở về Phi Châu, và ở đó Augustine đã được thụ phong linh mục và
tấn phong giám mục. Ảnh hưởng của Ngài đã lan rộng khắp cộng đồng Kitô hữu tại
đây hàng thế kỷ sau đó.
Trên đường hồi
hương, Monica đã chia sẻ một kinh nghiệm thần bí với Augustine. Trong tác phẩm
“Tự Thú” của mình, Thánh Augustine sau này đã ghi lại những gì mà mẹ mình đã
nói với ngài: “Này con, đối với mẹ không còn hạnh phúc nào hơn trên cõi đời
này. Những hy vọng của mẹ trên thế gian này đã được Chúa chấp nhận. Mẹ không
mong muốn gì hoặc tại sao mẹ còn trên cõi đời này. Một điều duy nhất mẹ xin con
là hãy nhớ đến mẹ mỗi khi con bước lên bàn thờ tế lễ Chúa.”
Những lời cầu
nguyện của Monica đã được nhận lời, sứ mạng của người trên hành trình cuộc sống
đã kết thúc, Monica đã qua đời và bước vào một cuộc sống vĩnh cửu.
Monica và
Augustine
Trong gia đình,
Monica thường xuyên phải chịu đựng người chồng nóng nảy, và trút sự tức giận
trên đầu vợ con. Xáo trộn luôn xảy ra mọi ngày.
Khi lên 17
tuổi, Augustine đã rời gia đình để đến học tại Carthage. Trong thời gian này,
thế giới mở rộng trước mắt chàng thanh niên lãng tử và đam mê. Augustine đã
tiêu hao thời giờ vào các cuộc ăn chơi, đàng điếm, và xa hoa.
Song song với
những ăn chơi, đàng điếm, Augustine bị thu hút đi theo giáo phái Manichaeism
(Nhị Nguyên), một trong nhánh tà giáo Gnostic. Gnosticism dạy rằng có một thiên
chúa tốt và một thiên chúa xấu. Chúa tốt là chúa của mọi điều tốt
tinh thần, và chúa xấu là chúa của mọi vật chất. Do đó, tất cả vật chất, kể cả
thân xác con người đều được nhìn như sự dữ, xấu xa. Với những tư tưởng này, Augustine
thường xuyên tranh luận và chê bai Kitô giáo, đạo của một Thiên Chúa đã nhập
thể làm người.
Là người có một
trí thông minh tuyệt vời, một kiến thức uyên thâm, và một tâm hồn phiêu lưu,
mạo hiểm. Vừa bước vào tuổi trưởng thành, Augustine đã rời xa gia đình không
một lời từ giã và tới Milan nước Ý nhận một ghế giáo sư. Monica lập tức theo
con tới Milan khi nghe tin con bà đang ở đó. Lúc bấy giờ Ambrose là giám mục
của Milan, và ngài đã khuyên nhủ, an ủi bà khi nhận thấy Augustine đang từ từ
bỏ dần dị giáo Manichaeism và có chiều hướng tìm về với đức tin Công Giáo. “Sau
ba năm vật lộn với những đam mê và ngờ vực, Augustine đã đón nhận ân huệ của
Chúa, và đã được rửa tội năm
387”.
Mười bảy năm
trường! Chúng ta tự hỏi có bao giờ Monica ngừng không cầu nguyện cho con mình
không? Nếu Monica nghĩ trong đầu rằng Thiên Chúa đã quên và không nghe lời mình
sau 10 hoặc 15 năm mà ngã lòng thì kết quả sẽ như thế nào? Chúng ta làm gì có
một Thánh Augustine, Giám Mục và Tiến Sỹ Hội Thánh như hôm nay?
Mười bảy năm
trong kinh nguyện. Mười bảy năm của nước mắt. Mười bảy năm trong thinh lặng,
khiêm tốn, và âm thầm đã đem lại một trong những vị thánh vỹ đại trong lịch sử.
Thật khó mà nghĩ rằng, nếu không có sự cầu nguyện kiên trì của Monica, thế giới
sẽ không phải là nơi làm nên những sự khác biệt.
Sáu tháng sau
khi Augustine trở lại, Monica đã qua đời trong bình an, vì biết rằng con mình
giờ đây đang mạnh dạn theo Chúa.
Cầu nguyện và không nản lòng
Trong Tin Mừng
của Thánh Luca chương 18, chúng ta tìm thấy dụ ngôn người góa phụ và vị quan
tòa vô lương tâm. Tóm lược dụ ngôn này là lời cầu xin nài nỉ của bà góa này
trước một sự bất công mà bà phải chịu. Thái độ kiên trì của bà đã làm vị thẩm
phán thấy bị quấy rầy. Cuối cùng cũng khiến ông phải suy nghĩ: “Dầu rằng ta
chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này
quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức
đầu nữa chăng?” (Luca 18:4-5)
Điểm quan trọng
nhất ở dụ ngôn này là lời Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự kiên tâm, bền bỉ của việc
cầu nguyện: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên
Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với
Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng
bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt
đất nữa chăng?” (18:6-8)
Vậy kiên trì
cầu nguyện đây theo Chúa muốn nói là gì? 5 phút, 10 phút, 15 phút? Một ngày?
Một tuần? Hay một năm? Để hiểu điều này, bài học của Thánh Monica, người đã trở
nên mẫu gương tinh thần cho chúng ta trong đời sống cầu nguyện là một thí dụ.
Riêng đối với
Thánh Augustine sau khi đã trở lại, ngài cũng đã trở nên một gương sáng về tinh
thần cầu nguyện, đặc biệt, cầu nguyện bằng Thánh Kinh qua tác phẩm Confessions của
ngài. Là một bậc thầy về giáo lý, thánh nhân không những dạy chúng
ta về đức tin, ngài còn giúp chúng ta hiểu làm cách nào để có thể chia sẻ niềm
tin ấy với mọi người. Theo ngài, dù sự tăm tối thế nào của tội lỗi, ân sủng của
Thiên Chúa vẫn luôn luôn chiếu sáng.
Thánh Augustine
thành Hippo đã có một ảnh hưởng rất sâu đậm trong Giáo Hội, qua vai trò cầu
nguyện. Những gì Thánh Augustine có đó khiến chúng ta liên tưởng đến người mẹ
quá cố của ngài, Thánh Monica. Giáo Hội mừng lễ kính ngài ngày 27 tháng 8 hằng
năm, trước một ngày lễ kính con bà là Thánh Augustine.
Trước tất
cả, hãy trở nên một người cầu nguyện
Nhìn vào đời
sống của Thánh Augustine, chúng ta dễ nhận ra ảnh hưởng của ngài trên thế giới
và toàn Giáo Hội. Là một giám mục, ngài qua đời năm 430 A.D., Augustine còn là
Tiến Sỹ Giáo Hội, và ngài cũng được biết đến như một trong những triết gia lỗi
lạc trong lịch sử. Ngay cả Thánh Thomas Aquinas cũng đã chịu ảnh hưởng thần học
của Augustine trên nhiều lãnh vực. Hơn 1500 năm sau khi qua đời, Thánh
Augustine vẫn còn đang làm thay đổi thế giới. Trong đời sống Giáo Hội, chúng ta
nghe nói về ngài rất nhiều. Tuy nhiên, thế giới sẽ không có được những điều kỳ
diệu này, nếu thiếu vắng hình bóng của một người phụ nữ, đó là Thánh Monica.
Trở lại câu
hỏi: “Cầu nguyện liên lỷ là gì?” Trong suốt cuộc đời của bà, Monica đã cho
chúng ta biết cầu nguyện liên lỷ như thế nào: Đó là làm việc và tận hiến toàn
cuộc đời của mình.
Trước hết mọi
sự, Thiên Chúa luôn đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện. Cầu nguyện cho những
thành viên trong gia đình đã rời xa Giáo Hội. Cầu nguyện cho sự trở lại của thế
giới. Cầu nguyện cho sự thống hối của Giáo Hội. Chúng ta được mời gọi để cầu
nguyện. Trong kinh nguyện, chúng ta tin rằng lời cầu của chúng ta sẽ được Thiên
Chúa dùng để đem một ai đó về với Ngài!
Thường là chúng
ta mau chán nản, bỏ cuộc vì nghĩ rằng những điều mình cầu xin không xảy ra như
ý mình. Mệt mỏi, bất mãn và chán nản, chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa không nghe
lời cầu của chúng ta, và rằng Ngài không quan tâm đến chúng ta. Những gì Thánh
Luca ghi lại trong bản Tin Mừng của ngài nếu quả vậy là những điều dối trá.
Thật ra, Thiên Chúa luôn nghe lời những ai khiêm tốn và bền chí cầu xin. Và với
ơn sủng của Ngài, những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái.
Thánh Monica đã
trở nên một vị thánh bổn mạng của các bà mẹ. Bà đã không ngừng nghỉ cầu cho sự
trở lại của chồng và con mình. Bà đã chảy nhiều nước mắt cho sự chọn lựa và
những quyết định của người con mới bước vào tuổi dậy thì và thanh niên sau này.
Khi bà hỏi vị giám mục cách để đem một người con trở về với Chúa, ngài đã
khuyến khích bà tiếp tục cầu nguyện, và nói rằng, “không có lẽ gì mà người con
của những giọt nước mắt này lại bị hư mất.”
Bài học mà
Thánh Monica có thể dạy thế giới hôm nay của chúng ta là, những Kitô hữu cần phải
chú tâm hơn để trở nên những người kiên trì trong lời cầu nguyện.
_______
[1] 2020-08-27
Monica.pdf - cloudfront.net
https://d2y1pz2y630308.cloudfront.net ›
documents › 20...