Trần Mỹ Duyệt
Ba nhà chiêm tinh hoặc đạo sỹ
(magi). Các ngài là Caspar hay Caspas, Jaspas, Gathaspa. Melchior hay
Melichior. Và Balthasar hay Balthazar, Balthassar hoặc Bithisarea. Các ngài đã
lận lội đường xa đến thờ lạy Đức Kitô vừa giáng sinh. “Chúng tôi đã thấy ngôi
sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt
2:2). Ngôi sao dẫn đường cho các ngài theo truyền thống được gọi là Ngôi Sao
Belem.
Chữ magi là số nhiều của chữ
magus trong tiếng Latin xuất phát từ tiếng Hy Lạp magos chỉ về những người khôn
ngoan, thông thái và những vị vua. Họ cũng được cho là những tư tế Ba Tư, và
rất thông thạo thiên văn. Magi cũng là từ chỉ những vị “vua”, nhưng không có
chỗ nào trong Phúc Âm nói các ngài là các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, truyền thống
giáo hội Tây Phương cho rằng Balthasar đại diện như một vị vua của Arabia, đôi
khi là Ethiopia. Melchior là vua của Persia, và Gaspar là của Ấn Độ. Thật ra,
việc gọi các ngài là vua, đúng hơn vì có liên quan đến những lời ngôn sứ mà Cựu
Ước đã nói về Đấng Thiên Sai: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua
chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60:3).
Thánh Mátthêu (2:1-12) đã viết
rằng các ngài đến từ “đông phương” để thờ lạy vua người Do Thái: “Khi Đức Giêsu
ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ
phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở
đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng
tôi đến bái lạy Người” (2:1-2). Không ai biết rõ số các ngài là bao
nhiêu, nhưng theo truyền thống Kitô Giáo Tây Phương đã ghi nhận con số các vị
là ba dựa vào những lễ vật mà ngài đã dâng tiến. Những lễ vật ấy gồm: vàng, nhũ
hương, và mộc dược. Vàng tượng trưng cho Chúa Giêsu là “vua người Do Thái”, nhũ
hương chỉ về nhân tính và thần tính của Ngài là Con Thiên Chúa, và mộc dược để
chỉ về cái chết của Ngài.
Tin Mừng không nói rõ về thời
gian viếng thăm của các ngài, nhưng theo các nhà chú giải Thánh Kinh thì đó là
vào khoảng từ 25 tháng 12 đến 6 tháng 1. Thời gian này vẫn còn trong mùa đông.
Sau này nhiều giải thích khác lại cho rằng các ngài đến vào 2 mùa đông sau ngày
Chúa Giêsu ra đời, căn cứ vào câu Thánh Kinh: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với
thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (2:11). Trong Phúc Âm Thánh
Luca viết về lễ thanh tẩy đối với phụ nữ bốn mươi ngày sau khi sinh con theo
luật Maisen cũng đã ghi: “Khi Giuse và Maria đã hoàn tất mọi điều do Lề Luật,
họ trở về Galilee và tới thành của mình là Nazareth” (Luca 2:39). Và khi tường
trình về cái chết của các thánh anh hài, chính Thánh Mátthêu cũng đã viết: “Bấy
giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi
giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Belem và toàn vùng lân cận, từ
hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh”
(2:16).
Từ ngữ “từ đông phương” (apo
anatolon) trong văn chương có nghĩa là “từ nơi mặt trời mọc”, và đó là tài liệu
duy nhất Thánh Mátthêu nói về xuất xứ của các ngài.
Cử chỉ của các ngài được Thánh Ký
diễn tả là “qùi gối” “cúi đầu” và “sấp mình” thờ lạy Chúa Giêsu (Mt 2:11). Hành
động này khiến chúng ta phải suy nghĩ với câu hỏi: “Các ngài đã thấy và làm gì
khi đứng trước một hài nhi?” Thánh Kinh trả lời: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với
thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy
vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (2:11). Như vậy, Chúa đã tỏ mình ra
và được đón nhận dưới ánh sáng đức tin của các đạo sỹ. Đức tin đã hướng dẫn sự
khôn ngoan và tài năng của các ngài để các ngài nhìn ra Thiên Chúa qua một con
trẻ, rồi cung kính thờ lạy. Hành động tuyên xưng đức tin ấy thể hiện qua những
lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược được các ngài dâng lên Hài Đồng Giêsu.
Không thấy Thánh Kinh nói gì sau
khi các ngài đã về lại quê hương mình. Nhưng có hai truyền thống cho rằng, các
ngài đã rất vui mừng được gặp Chúa Giêsu, và các ngài đã trở nên những Kitô hữu
đầu tiên để sau này trở thành những Tông Đồ của Chúa. Và với niềm tin mãnh
liệt, các ngài đã vui lòng chịu chết vì danh Chúa. [1]
Lễ Ba Vua còn được gọi là Lễ Chúa
Tỏ Mình Ra hay Lễ Hiển Linh (Epiphany). Epiphany cũng được biết đến như
“Theophany” trong truyền thống Kitô Giáo Đông Phương. Nhưng Chúa tỏ mình ra với
ai? Và Ngài hiển linh như thế nào?
Thiên Chúa qua Lời Nhập Thể đã tỏ
mình ra cho ba nhà đạo sỹ, hay còn được gọi là ba nhà chiêm tinh, hoặc ba vua.
Trước đó, Ngài cũng đã tỏ mình ra cho các mục đồng trong đêm giáng sinh: “Thiên
sứ nói với các mục đồng: Đừng sợ. Đây ta mang đến cho các ngươi một tin vui lớn
lao và cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các
ngươi trong thành Đavít, Ngài là Đấng Kitô, Đức Chúa” (Luca 2:10-11). Cả các
mục đồng lẫn ba vua đều vui mừng vì nhận ra Ngài. Thần tính và nhân tính của Ngài
được hiển linh qua hình hài một trẻ sơ sinh để con người có thể nhận ra và thờ
lạy.
Là những nhà thông thái, những
đạo sỹ. Các ngài đã gối qùi, bái kính Hài Nhi Giêsu. Hành động này chứng tỏ các
ngài không nhầm lẫn, không mơ hồ, hoặc tin tưởng hão huyền. Đức tin đã giúp các
ngài nhìn ra Thiên Chúa, Đấng đang hiển linh trong Chúa Hài Nhi Giêsu. Thiên
Chúa giáng trần ở với nhân loại. Ngài là Emmanuel. Nếu Thiên Chúa tỏ mình ra
dưới hình thức khác uy nghi, sáng láng, cao cả hơn chắc chắn đức tin của các
ngài không tinh tuyền, trong sáng, và sự nhận biết Ngôi Hai Thiên Chúa giáng
trần của các ngài không còn mang ý nghĩa của niềm tin và sự cậy trông. Việc các
ngài quì gối, bái lạy một Hài Nhi mang rất nhiều ý nghĩa. Nó nói lên Hài Nhi đó
là ai? Và Ngài như thế nào trước đức tin của các ngài cũng như đức tin của
chúng ta.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong
bài giảng Thánh Lễ Nửa Đêm 2006, đã dạy rằng: “Thiên Chúa đã làm Lời ngài rõ
ràng”. Ngôi Lời mà Thiên Chúa nói với chúng ta trong Sách Thánh đã trở thành xa
xôi trong dòng chảy của các thế kỷ. Nó trở nên xa lạ và phức tạp, không chỉ đối
với những người đơn sơ và dốt nát. Nhưng hơn thế nữa, những câu được trích dẫn
trong Sách Thánh, ngay cả đối với những nhà chuyên môn, những người này một
nghĩa nào đó, cũng bị vướng mắc vào những chi tiết và trong những vấn nạn dẫn
tới việc hầu như làm mất đi toàn bộ viễn cảnh.” [2]
“Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã khiến
ngôi sao chỉ đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa. Phần chúng
con đã nhận biết Chúa nhờ đức tin dẫn lối đưa đường, xin dủ lòng thương đưa
chúng con về chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển.” [3]
___________
Tham khảo:
1. https://en.wikipedia.org/wiki/Biblical_Magi
2. https://giadinhnazareth.org/ton-giao/thien-chua-da-hoa-than-thanh-tre-tho-de-chung-ta-co-the-hieu-duoc-ngai-bai-giang-cua-dtc-benedicto-xvi-trong-thanh-le-nua-dem-2006/
3. Lời nguyện nhập lễ. Chúa Nhật
Lễ Hiển Linh.