(Suy
niệm Tin mừng theo Thánh Marcô 3: 20-21)
Trần
Mỹ Duyệt
Qua
hai câu Thánh Kinh ngắn gọn, Thánh Ký Marcô đã vẽ ra hai khuôn mặt trái ngược
nhau về Chúa Giêsu: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người
và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi
bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” (3:20-21)
Tại
sao lại có những nhận xét nặng nề, coi thường và khinh miệt Chúa Giêsu như vậy?
Đây là một xúc phạm rất lớn đối với Ngài. Đây là những lời Thánh Kinh đã được
ghi lại:
“Thân
nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí”
(3:21). [1]
“Nghe
được, những kẻ thân thuộc Ngài ra đi để bắt Ngài, vì họ bảo: “Ngài đã mất trí”.
(3:21). [2]
“When
his family heard of this they came to take charge of him, saying, “He is out of
his mind” (3:21). [3]
Theo
cái nhìn tâm lý trị liệu, mất trí, out of His mind có cùng một nghĩa tương tự
liên quan như: Insane, crazy, mad, psychotic, mental, psycho… Tất cả đều được
dùng để diễn tả tình trạng trí khôn bị ngăn trở trong nhận thức, hành vị thông
thường, hoặc những tương quan xã hội. Tóm lại gọi một người là crazay có nghĩa
là người này bị xếp vào loại điên khùng, rồ rại, gàn dở, và ngang bướng. Hoặc
gọi một ai đó là insane, tức là điên, mất trí. Như vậy trong trường hợp Chúa
Giêsu, cũng đồng nghĩa xếp Ngài vào loại người điên loạn, khùng hay mất
trí.
Nhưng
điều mà khiến chúng ta phải dừng lại để suy niệm ở đây, vì nó ảnh hưởng đến đức
tin và đời sống đạo của mỗi người chúng ta. Nó nằm ở câu 20 mà trong cả ba cách
dịch đều mang ý nghĩa tương tự: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt
Người”, “Nghe được, những kẻ thân thuộc Ngài ra đi để bắt Ngài”, hoặc, “When
his family heard of this they came to take charge of him.”
Vậy
những người thân quen, những thân nhân của Ngài ở đây là những ai? Tại sao họ
lại nghĩ về Ngài và nhục mạ Ngài như vậy. Thái độ này hoàn toàn khác
với những tội nhân, những người ốm đau, bệnh tật, và tội lỗi mà cũng chính
Marcô đã viết trước đó:
“Đức
Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilê, người
ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng
bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt
đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. Người đã bảo các môn đệ dành
sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. Quả thế,
Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ
vào Người.Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và
kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” (3:7-11).
Như
vậy, không ai khác ngoài những kẻ được cho là người nhà, thân nhân đã nghĩ rằng
Ngài bị điên, khùng, và đã xấu hổ về Ngài. Chẳng bảo sao khi có người thưa với
Ngài về Mẹ và anh chị em Ngài ở bên ngoài muốn gặp Ngài, thì Ngài thản nhiên
trả lời: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi
chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của
Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (3:33-35).
Qua
những suy nghĩ và cách đón nhận khác nhau về Ngài, Thánh Kinh đã mở ra một suy
tư thần học, về ý nghĩa hành động đức tin trong việc nhận ra Chúa Giêsu. Những
điều này cũng chính là những gì chúng ta phải suy niệm và thực hành trên con
đường làm môn đệ Chúa.
Để
hiểu hơn thế nào về thái độ và cái nhìn của những người đương thời đối với Chúa
Giêsu, chúng ta phải xác định rằng, trước hết về thân thế và sự nghiệp, Ngài
xuất thân từ một gia đình nghèo, thân phụ làm nghề thợ mộc. Chính Ngài cũng
sống bằng nghề này cho đến khi ra rao giảng Tin Mừng. Một anh thợ mộc nghèo, mồ
côi cha, vô danh tiểu tốt, nay bỗng dưng làm được những phép lạ: cho kẻ chết
sống lại, mù thấy, què đi, câm nói, điếc nghe, cùi hủi được sạch. Hơn nữa còn
trừ được cả quỉ. Vậy thử hỏi những việc làm ấy, quyền lực ấy ở đâu ra? Từ trời
cao, từ con người hay từ ma quỉ? Theo họ, thì chỉ từ Beelzebud (Belzabút) hoặc
quyền lực, tà ma mà thôi! Quan điểm này rất hợp với lý luật của họ, đặc biệt
trong hoàn cảnh Ngài lại được nhìn thấy sống quanh những người thu thuế, tội
lỗi và đĩ điếm. Như vậy nếu không phải là bị quỉ nhập, thì cũng là khùng điên
và mất trí.
Những
người khác nghĩ sao về Chúa không làm chúng ta phải suy nghĩ, nếu không phải họ
là những người thân, người nhà của Ngài. Liệu trong số những người tự cho mình
là bạn thân, là người nhà của Ngài có chúng ta trong đó hay không? Chúng ta đã
chẳng được Chúa mời gọi làm con cái Thiên Chúa, trở thành bạn hữu với Ngài:
“Thầy không gọi anh em là tôi tới, nhưng là bạn hữu” (Gioan 15:15) sao? Bạn
hữu, con cái, anh chị em trong nhà, nhưng tự trong thâm tâm mình, trong niềm
tin của mình, chúng ta có nhận ra Ngài là ai? Và đối với chúng ta Ngài là gì
không?
Không
phải xưa mà ngay ngày hôm nay, rất nhiều người vẫn quan niệm về Ngài và nhìn
Ngài như một anh khùng trước cái chết của Ngài, việc Ngài hiện diện trong Thánh
Thể. Có tới 70% tín hữu Công Giáo không tin có chuyện này. Không tin Ngài có
mặt trong phép Thánh Thể. Ngoài ra những biến đổi đầy xáo trộn và rối ren trong
Giáo Hội của Ngài cũng đang khiến cho rất nhiều người hoang mang không những về
Ngài mà còn cả tôn giáo mà Ngài đã sáng lập, và về giáo lý mà Ngài đã truyền
dạy. Nhiều hồng y, giám mục, linh mục và tu sỹ đang làm gì trước những thử
thách khi chính các vị cũng đang gặp lung lay, sụp ngã? Sự thánh thiện của niềm
tin vào: “Giáo Hội công giáo, thánh thiện, tông truyền” có thực sự thu hút được
ngay chính những phần tử trong Giáo Hội hay không?
Vậy
thì Chúa Giêsu có khùng không? Thật ra, Ngài rất khùng và mất trí đối với người
không tin tưởng, hoặc đánh mất niềm tin ở nơi Ngài. Nhưng đối với những ai tin
Ngài, Ngài vẫn là một Thiên Chúa yêu thương, quyền năng, và luôn luôn đồng hành
với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống. Ngài đã phán: “Ta là đường, là sự
thật, và là sự sống” (Gioan 14:6).
Cám
ơn Thánh Marcô đã cho chúng ta có dịp nhìn ra khuôn mặt thật của Chúa Giêsu qua
các anh chị em của Ngài, nhờ đó chúng ta có thể hiểu và nhận ra Ngài là ai qua
Thánh Kinh, qua các bí tích và sự sống hiệp nhất với Ngài trong mọi thánh giá
của cuộc đời.
Chúa
của chúng ta như vậy đó. Ngài đã bị cho là khùng, điên, và quỉ ám vì yêu
thương, vì muốn cứu độ và vì muốn cho chúng ta được sự sống vĩnh cửu. Vậy liệu
chúng ta có dám khùng, điên để tin nhận, yêu mến, và bước theo Ngài hay không?!
______
Nguồn
tài liệu:
1.Kinh
Thánh Toàn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, 1998.
2. KINH
THÁNH, Lm. Nguyễn Thế Thuấn – Dòng Chúa Cứu Thế. Dòng Chúa Cứu Thế, 1976.
3.Saint
Joseph Edition of THE NEW AMERICAN BIBLE. Catholic Book Publishing Co. New
York.