Trần Mỹ Duyệt
Suy niệm ngày
Chúa về trời, thánh Augustine đã nói: “Hôm nay Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta về
trời, chúng ta hãy hướng tâm hồn lên trời với Ngài.” Giáo Hội đã dùng tư tưởng
này để khuyến khích các tín hữu cầu xin với Người trong ngắm thứ Hai mùa Mừng:
“Đức Chúa
Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời.”
Theo Eusebius,
lễ Chúa Lên Trời được mừng kính từ thế kỷ thứ 4. Thánh Augustine cũng cho rằng,
nguyên thủy lễ Chúa về trời bắt nguồn từ thời các Tông Đồ, và sự kính nhớ này
mang tính hoàn vũ. Lễ được thánh Gioan Chrysostom, thánh Gregory Nyssa, và
trong Constitution of the Apostles ghi lại. Theo Cuộc Hành
Hương của Aetheria (the Pilgrimage of Aetheria), đêm canh thức và thánh lễ được
cử hành tại thánh đường xây trùm hang Bethlehem, nơi Chúa Giêsu đã sinh ra. Các
bài thánh ca về lễ này cũng được tìm thấy trong Georgian Chantbook of
Jerusalem, với những sáng tác thuộc thế kỷ thứ 5.
Ascensio hay Ascensa trong
tiếng Latin có nghĩa là Đức Kitô đã được đưa lên trời bằng quyền năng của chính
Ngài. Trong trích đoạn Tông Đồ Công Vụ nói về biến cố Chúa Giêsu lên trời, một
câu trong đó có thể làm chúng ta phải suy nghĩ: “Hỡi những người Galilê, sao
còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên
trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (1:11).
Sao còn đứng đó nhìn trời? Câu hỏi này đã nhắc tôi
nhớ lại hình ảnh mà tôi đã có đối với thầy tôi lúc chúng tôi từ giã nhau trước
khi tôi về lại Hoa Kỳ năm 1996. Lần họp mặt ấy cũng là lần cuối sau 21 năm cha
con xa cách do biến cố Tháng Tư năm 1975. Trong hơn một tuần lễ cha con bên
nhau biết bao niềm vui, nỗi buồn, và kỷ niệm. Mẹ và các em tôi đều thấy thầy
tôi thời gian ấy tuy đang đau yếu và mệt mã nhưng khi tôi về thăm, ông đã khỏe
trở lại ăn uống bình thường và tươi cười vui vẻ. Nhưng trước ngày tôi từ giã
ông, tình trạng sức khỏe của ông bắt đầu thay đổi. Trong lúc cha con chia tay,
tôi đã ôm hôn ông, và nhìn vào cặp mắt u buồn của ông. Ông không khóc, nhưng
tôi thấy có những dòng lệ trong khóe mắt của ông. Và khi nhìn vào đôi mắt ấy,
linh tính báo cho tôi biết đây là lần cuốn cha con tôi gặp nhau trên dương thế.
Tôi đã mang tâm sự này về lại Hoa Kỳ, và chỉ sau đó ít tháng ông đã từ giã cõi
đời!
Giây phút chia
ly thì ai mà chả buồn? Hình ảnh chia ly của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài
cũng không khác. Trước đó, thầy trò cũng có những lời như trăn trối, căn dặn và
hứa hẹn. Khi Thầy được cất lên trời trong tư thế từ biệt, các ông đã bịn rịn,
quyến luyến nhìn theo. Thánh Kinh ghi lại: “Nói xong, Người được cất lên ngay
trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy
Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì
bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói : “Hỡi những người
Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời?” (Tông Đồ Công Vụ 1:9-11).
Tuy Thánh Kinh
không nói rõ phản ứng của các môn đệ trong giây phút Thầy trò từ biệt ấy, nhưng
đã cho biết các ông làm gì khi bóng Thầy khuất xa khỏi tầm nhìn: “Bấy giờ các
ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Trở về nhà, các ông lên lầu trên,
là nơi các ông trú ngụ. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu
nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh
em của Đức Giêsu” (x. 1:12-14). Tâm trạng ngổn ngang có pha chút sợ hãi người
Do Thái. Thực
tế, tất cả các ông đều đã trốn chạy sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh (Gioan
20:19), chính vì vậy, trong 40 ngày sau khi phục sinh, Ngài đã chứng tỏ cho các
ông biết Ngài đã sống lại, thêm sức mạnh, hứa ban Chúa Thánh Thần, và khích lệ
các ông về sứ mạng được ủy thác. Theo Tiến Sĩ Corine Williams, “Sau khi sống
lại, Chúa Giêsu có thể hiện ra với vài người ngay trong ngày hôm đó rồi trở về
với Chúa Cha. Tuy nhiên, Ngài đã không làm như vậy… Tình yêu của Chúa Giêsu
dành cho chúng ta, cho Giáo Hội của Ngài là lý do quyết định của Ngài ở lại 40
ngày sau khi phục sinh.” Có
ít nhất ba lý được tìm thấy trong Tông Đồ Công Vụ 1:3.
1.Dạy dỗ các
môn đệ:
Trong thời gian này, Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ và hướng dẫn các môn đệ về Nước
Trời và sứ mạng mà các ông sẽ đảm trách.
2.Trao phó
sứ mạng cho các môn đệ: Chúa Giêsu lệnh truyền cho các môn đệ hãy đi và rao truyền Tin
Mừng khắp thế giới, rửa tội muôn dân trong danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần: “Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai
tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”
(Marcô 16: 15-16).
3.Chuẩn bị
tinh thần các ông: Chúa Giêsu dùng thời gian để chuẩn bị các Tông Đồ để sẵn sàng
được sai đi, khích lệ họ tiếp tục tin và mong chờ Chúa Thánh Thần đến: “Các con
sẽ nhận lấy sức mạnh Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên các con, để các con trở nên
nhân chứng của Thầy ở Giêrusalem, ở Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng bờ cõi
trái đất” (Gioan 14: 26; 16:12-13).
Ngoài ra, một lý
do nữa đó là Chúa Giêsu muốn dành tình yêu cho Phêrô kẻ đã chối bỏ Ngài. Đối
với Phêrô, Ngài biết ông sau khi chối Ngài đã ăn năn, thống hối. Do đó, Ngài
muốn dành thời gian này để củng cố niềm tin của ông, cho ông biết Ngài đã tha
tội cho ông. Hơn thế nữa, Ngài còn muốn đặt ông làm thủ lãnh các Tông Đồ: “Hãy
chăn dắt các chiên Thầy” (Gioan 21:15-19). Và sau cùng là tình yêu Ngài dành
cho chúng ta và Giáo Hội của Ngài.
“Sao còn đứng
đó nhìn trời?” (Tông Đồ Công Vụ 1:11)
Chúa không muốn
chúng ta bày tỏ tình cảm với Ngài bằng cái nhìn tiêu cực, nhưng Ngài muốn qua
việc Ngài về trời như một động lực thúc đẩy chúng ta hướng về trời, ao ước nước
trời bằng một lòng mến thiết tha, và bằng tinh thần tông đồ. Thiên đàng không phải là
bầu trời trên đầu ta. Nhưng bầu trời cao vút, bao la, thăm thẳm là một hình ảnh
gợi mở về thiên đàng. Trái đất còn bề bộn bao việc phải làm. Sống tận tình cho
trái đất mà vẫn hướng lòng lên trời cao. Hãy tìm những giây phút ngước nhìn
lên… ngắm bầu trời để giúp ta biết sống như thế nào trên mặt đất.