Trần Mỹ Duyệt
“Tình trạng tự tử ở
thanh thiếu niên 15 - 24 tuổi đã tăng hơn 40% trong 10 năm qua. Tại Việt Nam,
thực trạng tự tử ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng, trên thực tế con số
có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê. [1]
Trên đây là tài liệu
trích dẫn và được phổ biến trên báo điện tử Tuổi Trẻ, ngày 4 tháng 5 năm 2022.
Ngoài ra, cũng theo những tài liệu được phổ biến của báo điện tử Kinh Tế &
Đô Thị, ngày 27 tháng 3 năm 2022 thì:
Theo số liệu của điều
tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên ở Việt Nam lần thứ 2 (do Bộ Y Tế,
Tổng Cục Thống Kê, WHO tổ chức năm 2000) trên 10.000 thanh thiếu niên, thực
hiện tại 63 tỉnh thành có tới 409 người (4,1%) có ý định tự tử. Thống kê
khác của Trung Tâm Phòng Chống Khủng Hoảng Tâm Lý (PCP), ở Việt Nam thanh thiếu
niên thuộc độ tuổi từ 15 – 24 là nhóm tuổi có ý định tự sát cao hơn cả, và tỷ
lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp hai lần so với nam giới.
So sánh với thống kê
toàn thế giới, báo này viết: Theo báo cáo của Quĩ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc
(UNICEF), hàng năm, trên thế giới có trên 800.000 người chết vì tự tử, và con
số toan tự tử còn cao hơn thế. Các nước thu nhập thấp và trung bình (LMICS) đặc
biệt có nguy cơ về tự tử chiếm 75% số vụ tự tử trên toàn cầu năm 2012, trong đó
các nước thu nhập thấp và trung bình ở khu vực Đông Nam Á chiếm tỷ lệ cao nhất,
gần 40% tổng số vụ tự tử (WHO, 2016). Tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai
đối với nhóm tuổi từ 15 đến 29 trên thế giới trong năm 2012 (sau tai nạn giao
thông). Trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên
thế giới. [2]
Phổ biến trên Vietnamnet global ngày 19 tháng 2 năm
2018, Unicef (United Nations Children’s Fund) cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc đáp
ứng việc phát triển nhân quyền và giúp đỡ mở mang trẻ em trên toàn thế giới,
sau cuộc khảo cứu các thanh thiếu niên Việt Nam tuổi từ 11-14 tại bốn thành phố/tỉnh
là Hànội, HCMC, Điện Biên và Hà Giang, đã cho biết 8-29% các thanh thiếu niên
có những vấn đề về sức khỏe tâm thần, từ nhẹ đến trầm trọng. 2-3% đã tự tử. Xác
suất này tuy thấp so với trung bình toàn thế giới là 9%. Tuy nhiên, con số này
đang tăng. [3]
NGUYÊN NHÂN
Lý do Tâm thần
Trầm cảm được cho là
nguyên nhân chính đưa đến những cái chết của giới trẻ. Theo số liệu của một vài
nghiên cứu tại Việt Nam gần đây, tỷ lệ bị trầm cảm là 26,3%, có suy nghĩ về cái
chết là 6,3%, lập kế hoạch tự tử là 4,6% và cố gắng tự tử là 5,8%. Ngoài trầm
cảm, những hội chứng tâm thần khác như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, ảo
tưởng cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử của giới trẻ. [4]
Ảnh hưởng gia đình
Vẫn theo báo điện tử
Kinh Tế & Đô Thị, song song với những ảnh hưởng về tâm sinh lý là ảnh hưởng
tiêu cực về gia đình như gia đình bất an, xào xáo, cha mẹ ly hôn, cờ bạc, rượu
chè, nghiện hút, thiếu trách nhiệm hoặc bỏ bê con cái. Thiếu sự quan tâm, săn
sóc và giao tiếp giữa con cái và cha mẹ. Những đối xử bất công, thiếu nhân văn
và nhân bản giữa con ông, con tôi, con chúng ta. Bị lạm dụng, xúc phạm, hành hạ
về tinh thần, thể xác, và tâm lý. Bị cha mẹ bỏ rơi, coi thường, mắng chửi. Bị
đối xử bất công, phân biệt giữa con trai, con gái, anh, chị, em với nhau. Bị
cha mẹ cưỡng bức về tình cảm, ép hôn hoặc ngăn cản tình cảm..
Bạn bè và Xã hội
Truyền thông hiện nay
tràn ngập những phương tiện như YouTube, facebook, truyền thanh, truyền hình,
internet, các báo điện tử và những ứng dụng trí khôn nhân tạo đang cung cấp,
phổ biến các thông tin sai lạc về những tệ trạng xã hội như tự tử, chết êm dịu,
hoặc hướng dẫn tìm những cảm giác mạnh… Từ đó dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc
về cái chết.
Cùng với sức ép của xã
hội là ảnh hưởng và sức ép của bạn bè, của việc tham gia các nhóm kín trên
mạng, và sử dụng chất nghiện như rượu hoặc ma túy.
Áp lực học đường
Tại Việt Nam, áp lực học
đường cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra các vụ tử vong của
giới trẻ. Chương trình học tại trường, học kèm đã chiếm hầu hết thời gian làm
cho trẻ cảm thấy luôn căng thẳng, mệt mỏi, tự ty, mặc cảm trước những thất bại
trong học tập, thi cử. Ngoài ra tệ nạn bắt nạt ở trường, bị trêu chọc hoặc bị
cô lập.
Tình trạng bị bắt nạt
tại các trường ở Việt Nam tăng trong thập niên vừa qua đã được báo cáo qua
đường dây nóng cho Bộ Săn Sóc và Bảo Vệ Trẻ Em (the Department of Child Care
and Protection). Kết quả khảo cứu ở hai trường tại Hải Phòng cũng cho thấy gần
57% học sinh được tham khảo đã bị bắt nạt. [5]
Hiện nay, trên thực tế ở
Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tại các
trường chưa được quan tâm, chú trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, ở Việt
Nam tư vấn học đường vẫn còn thiếu các cơ sở tư vấn tâm lý. Hệ thống này không
có tại các trường học hoặc ở từng khu vực, cộng đồng dân cư. Các chương
trình tư vấn trực tuyến với mục đích ngăn ngừa tự sát cho trẻ vị thành niên
người trẻ cũng còn thiếu. [6]
Cá nhân
Nguyên nhân của việc
hình thành ý nghĩ tự tử và hành vi tự tử, vẫn theo tài liệu trích dẫn từ báo
điện tử Kinh Tế & Đô Thị, chủ yếu ảnh hưởng đến các em gái, bao gồm: thất
bại trong chuyện tình cảm, thất tình, tình phụ, thường là bị bạn trai bỏ rơi.
Đối với các em trai,
nguyên nhân cũng bao gồm thất bại trong việc đáp ứng những kỳ vọng của xã hội
về vai trò và hành vi chuẩn mực của một người nam giới, chẳng hạn sự thành đạt
và địa vị tương lai, trong đó có khả năng làm người trụ cột trong một gia đình.
Tóm lại, những lý do cá
nhân dễ đưa đến tự tử của tuổi trẻ chính là khó khăn về sức khỏe thể lý, tâm
lý, tâm thần, khả năng trí tuệ, những thất bại trong tình yêu, thua kém trong
việc học hành, thiếu quan hệ bạn bè, hoặc bị lạm dụng tình dục...
NHỮNG DẤU HIỆU
NIH (National Institute
of Mental Health) cho hay những dấu hiệu báo trước của những người đang có tư
tưởng hoặc ý định tự tử, đó là: Tự rút lui hay cô lập, tách biệt khỏi bạn bè.
Nói những lời tạ từ, tạm biệt, chào biệt. Cho đi những kỷ vật, vật dụng quý và
quan trọng. Hoặc có những lời trăn trối, di chúc. Ngoài ra còn có những dấu
hiệu khác mang tính cách nguy hiểm như lái xe bạt mạng. Thay đổi đột ngột về
thái độ và lối sống. Ăn uống hoặc ngủ nghỉ bất thường, thí dụ, ăn nhiều, ngủ
nhiều, hoặc ăn ít hay ngủ ít… [7]
HÌNH THỨC TỰ TỬ
Phương tiện phổ biến
nhất được trẻ em dưới 15 tại Việt Nam là nhảy từ các tòa nhà cao tầng, lao vào
dòng xe cộ, cắt cổ tay, hoặc treo cổ. [8] Tương tự như kết quả khảo cứu của NIH
là những cách mà tuổi trẻ dùng để tự tử đó là treo cổ, nhẩy lầu, lao ra đường
rầy xe lửa (cả hai phái), dùng thuốc (nữ), và dùng súng (nam). So sánh với
người lớn, lao ra đường rầy xe lửa được cả hai phái trẻ nam và nữ dùng nhiều.
Trong khi nhẩy lầu được trẻ nam dùng nhiều hơn. [9]
PHƯƠNG PHÁP ĐỀ PHÒNG
Việt Nam cũng giống như
nhiều quốc gia Á Châu, hệ thống ngăn ngừa hoặc giúp đỡ về tự tử vẫn chưa được
phổ biến, mặc dù tự tử là một trong 10 lý do dẫn đến cái chết ở Việt Nam trong
năm 2002.[10]
Theo Tạp Chí Khải Dẫn Á
Châu Thái Bình Dương (Journal of Asia Pacific Counseling) nhận định, hệ thống
khải dẫn hay tư vấn tâm lý chuyên môn hay chuyên nghiệp tại các trường ở Việt
Nam vẫn chưa có. Các trường ở đây không chú tâm đến những xung đột hoặc vấn nạn
về sức khỏe tâm thần của học sinh. [11]
Xã hội không có hệ thống
phòng ngừa và hỗ trợ. Học đường không quan tâm và cũng không có những chương
trình trợ giúp. Hệ thống tư vấn hay những dịch vụ tâm lý tư nhân tuy có nhưng
đắt đỏ và cũng chưa phổ thông hoặc thừa nhận tại Việt Nam. Như vậy, bổn phận
chính còn lại thuộc về phụ huynh và nền giáo dục gia đình.
Ngoài khả năng đưa con
đi khám hoặc chữa trị chuyên khoa ngay khi nghi ngờ trẻ có vấn đề liên quan đến
sức khỏe tâm lý hoặc tâm thần như buồn giận, cáu gắt, căng thẳng, lo lắng, hốt
hoảng, nóng nảy, mất tập trung, tự kỷ, trầm cảm, tâm thần phân liệt, ảo tưởng
hoặc ảo giác. Những hội chứng tâm bệnh lý kể cả tư tưởng tự tử phải được chữa
trị bằng cả hai phương pháp: thuốc và tâm lý.
Còn lại cha mẹ phải dành
nhiều thời giờ với con cái. Quan tâm đến những dấu hiệu tâm lý bất thường của
chúng. Lắng nghe, tìm hiểu và chia sẻ những khó khăn về mặt tâm sinh lý ở tuổi
dậy thì, thời gian tiền phát triển. Để ý đến việc học hành, bạn bè, và những
cám dỗ, tệ nạn xã hội có thể ảnh hưởng đến các con. Tình thương, nâng đỡ,
khuyến khích, an ủi và quan tâm của cha mẹ là liều thuốc hữu hiệu nhất chữa trị
những tư tưởng tiêu cực và bất mãn muốn tìm đến cái chết của con cái. Muốn được
như vậy, căn bản nhất vẫn là một bầu khí đạo đức, hạnh phúc, thương yêu và an
toàn của gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau.
___________
Tài liệu tham khảo:
1.https://tuoitre.vn/dung-chi-danh-gia-kha-nang-tu-tu-cua-nguoi-tre-20220504194520589.htm
2.https://kinhtedothi.vn/nguoi-tre-muon-tu-tu-nhung-nguyen-nhan-khong-ai-ngo-toi.html
3.https://vietnamnet.vn/en/8-29-of-youth-have-mental-health-problems-2-3-commit-suicide-report-E195614.html
4.https://kinhtedothi.vn/nguoi-tre-muon-tu-tu-nhung-nguyen-nhan-khong-ai-ngo-toi.html
5.https://www.google.com/search?client=firefox-b-1-d&q=Bulling+in+schools+in+Vietnam
6.https://kinhtedothi.vn/nguoi-tre-muon-tu-tu-nhung-nguyen-nhan-khong-ai-ngo-toi.html
7.https://www.nimh.nih.gov/health/publications/warning-signs-of-suicide
8.https://tuoitre.vn/dung-chi-danh-gia-kha-nang-tu-tu-cua-nguoi-tre-20220504194520589.htm
9.https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22130898/
10.https://academic.oup.com/book/24371/chapter-abstract/187277838?redirectedFrom=fulltext
11.http://japconline.org/journal/article.php?code=75194