Trần Mỹ Duyệt
“Linh
hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần
trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận
nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời
nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa
giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa
hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ
đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa
độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.”
(Luca
1:46-56)
Khi nói về cuộc
đời cầu nguyện và sống kết hợp với Thiên Chúa của Đức Maria, Thánh Kinh
ghi: “Maria lưu giữ những sự việc ấy và suy niệm trong lòng” (Luca 2:19).
Cũng như Thánh Giuse, Đức Maria sống kín tiếng và đúng nghĩa chiêm niệm. Tuy
nhiên, trong biến cố thăm viếng người chị họ Isave, Mẹ đã phá lệ. Thay vì giữ
im lặng, Mẹ còn hân hoan ca tụng Thiên Chúa bằng một bài ca tự phát:
Magnificat.
Magnificat được đặt tên theo câu đầu trong bản tiếng
Latin “Magnificat anima mea Dominum” (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa). “Linh
hồn tôi tung hô Thiên Chúa, thần trí tôi mừng vui trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ
tôi, vì Ngài đã thương đến phận hèn nữ tỳ Ngài.” Như một Sứ Điệp Hy Vọng,
Magnificat chú trọng trên những ai đón nhận lời Thiên Chúa và tung mình vào
cánh tay quyền uy của Ngài. Tuy phản ảnh hai thi ca (hymn) trong Cựu Ước, gồm bài ca của Miriam
(Xuất Hành 15:20-27) và bài ca của Hannah (1 Samuel 2:1-10), nhưng Magnificat
không sao chép hay bắt chước những bài ca này. Nó hoàn toàn mang tính cách
riêng tư của Đức Maria, và được xướng lên trong một trường hợp đặc biệt, sau
khi Mẹ đã nghe những lời Sứ Thần truyền tin và những lời chúc tụng của Isave. Ở
điểm này chúng ta không loại bỏ sự khởi hứng của Chúa Thánh Thần.
Thánh Luca là
thánh sử duy nhất trong 4 thánh sử đã ghi lại bài ca Magnificat. Nếu ngài không
ghi lại, chúng ta đã mất đi những lời cầu xin, một khúc ca nguyện cầu và chúc
tụng Thiên Chúa. Qua những lời đối đáp giữa Đức Maria và
Isave, Giáo Hội đã có hai kinh nguyện sốt sắng cho đời sống Đức Tin của người
Kitô hữu, đó là kinh Kính Mừng và kinh Ngợi Khen (Magnificat). Ở cả hai kinh
này, hình ảnh dịu dàng và thánh đức của Đức Maria được phản chiếu một cách đầy
đủ và rõ ràng.
Trong kinh Kính Mừng, Đức Maria được chúc mừng do những
lời của bà Isave về hồng ân làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế, và Mẹ nhân
loại. Cùng với những lời chúc mừng đó, Giáo Hội thêm vào những lời cầu xin, đặc
biệt xin Người nâng đỡ, cầu bầu cho chúng ta trong giờ lâm chung.
Theo thánh sử
Luca, cử chỉ và thái độ của Đức Maria bộc phát khi đọc hay hát kinh Magnificat
nói lên tấm lòng biết ơn, gắn bó và phó thác của Mẹ nơi Thiên Chúa. Những lời
tự phát là những lời mà theo tâm lý, được chất chứa và suy nghĩ trong lòng.
Trong thực tế, người ta thường hay căn cứ vào những câu nói “lỡ lời” để biết
được suy nghĩ của một người. Những lời văn chương, gọt dũa là những lời được
cân nhắc và đắn đo, những lời đã được rào trước, đón sau. Thái độ Mẹ Maria khi
xướng lên kinh Magnificat còn cho chúng ta thấy rõ sự liên lỷ kết hợp và vâng
phục của Mẹ với Thiên Chúa. Đây cũng là phản ảnh lời “fiat” mà Mẹ đã thưa với
Thiên Sứ trong ngày Truyền Tin.
Những lời đầu
của ca khúc Magnificat là lời Đức Maria dùng để ca tụng, vui mừng trong Thiên
Chúa, vì Ngài đã nhìn đến sự khiêm hạ của Mẹ, vì tình thương Ngài dành cho
những ai kính sợ Ngài. Thiên Chúa ban ơn phúc cho những ai biết kính sợ Ngài,
những ai tin tưởng và thành tín đối với Ngài.
Không giống như
thái độ ích kỷ hoặc tự tôn của nhiều người khi đứng trước những ân huệ hoặc tài
năng do Thiên Chúa ban. Họ thường khoe khoang hoặc không muốn chia sẻ. Nhưng
với Đức Maria, Mẹ đã quảng đại chia sẻ hồng ân với mọi người qua bà Isave.
Trong lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, Mẹ cũng không ngần ngại cho biết, hồng
ân mà Mẹ được là rất cao cả, đến nỗi mọi dân nước qua mọi thời đại “sẽ khen tôi
diễm phúc.”
Qua cách đón nhận những ơn lành đến từ Thiên Chúa, Mẹ đã
dây chúng ta thế nào là chúc tụng Chúa. Vì đứng trước những ơn vỹ đại Ngài ban,
Đức Maria đã tỏ ra khiêm tốn nhưng vững tin vào tình thương Thiên Chúa, đón
nhận, phó thác và tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Mẹ cho chúng ta biết là Thiên
Chúa giầu tình thương đối với những kẻ khiêm nhường, nghèo khó, trong sạch và biết kính sợ
Ngài. Một bài học về quan niệm và lối sống thật
với chính mình, thật với những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người.
Chúng ta cũng
học ở đây lòng yêu mến, suy ngắm và thực hành Thánh Kinh của Đức Maria: “Maria
lưu giữ những sự việc ấy và suy ngắm trong lòng” (Luca 2:19). Theo Thánh Gioan
Henry Newman thì Ngôi Lời đã hóa thân làm người trong lòng Mẹ, cung lòng hằng
luôn suy ngắm Lời Thiên Chúa trước khi Lời ấy xuống và làm con trong lòng
Người.
Với suy luận
thánh thiện, thì Magnificat cũng là bài ca mà Đức Maria đã hát ru Hài Đồng
Giêsu trong những năm thơ ấu. Những tiếng ru ngọt ngào đã đi vào lòng trẻ Giêsu
để rồi sau này chính Ngài cũng đã phản ảnh qua bài giảng Bát Phúc, một bài
giảng mở màn sứ mệnh truyền giáo của Ngài. Một bài giảng dành cho những người
được Thiên Chúa tuyển chọn, và được Ngài yêu thương, bao bọc. Họ là những người
có tâm hồn nghèo, có tấm lòng hiền lành, bị khóc lóc, khao khát sống đời đạo
hạnh, những tấm lòng biết xót thương, những tấm lòng trong sạch, những trái tim
xây dựng hòa bình, và cũng là những người mà vì danh Ngài bị bắt bớ, bị tù đày,
và phải chết (Mt 5:3-12).
Magnificat, tấm
gương phản chiếu khuôn mặt dịu hiền và cuộc đời của Đức Maria. Bài ca cho những
ai muốn bắt chước Mẹ để biết cảm tạ, sống và kết hợp với Thiên Chúa. Bài ca
giúp chúng ta biết dâng về Ngài lòng biết ơn trước những phúc lộc Ngài ban,
cũng như những khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Vì tất cả là tình yêu. Tình
yêu Thiên Chúa luôn thực hiện những điều kỳ diệu. Mà kỳ diệu nhất là giữa những
lúc bị gian truân, thử thách, những lúc đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, Ngài vẫn
hướng dẫn chúng ta một lòng tín trung với Ngài, vì biết rằng “Chúa hằng thương
xót những ai biết kính sợ Ngài”. Magnificat
anima mea Dominum.
Lễ Mẹ Thăm
Viếng
31 tháng 5 năm
2024