VÔ TÂM, VÔ TÌNH HAY ÍCH KỶ, VÔ TRÁCH NHIỆM?
Trần Mỹ Duyệt
“Trọng kính Thầy,
Thưa Thầy, em gửi Thầy
công hy sinh học tập của ba anh em trong gia đình nghèo của bé TBT, mà Thầy vẫn
quan tâm.
Nếu có thể được xin Thầy
cầu nguyện gia đình này, xin Chúa thương...
vì bố nghiện sike đã bỏ
ba mẹ con đi bốn năm rồi.
Cám ơn Thầy.”
Nhận và đọc những dòng
chữ trên, kèm theo tấm hình bốn mẹ con cùng với những tấm bảng khen của nhà
trường, tôi vô cùng xúc động. Hình ảnh và câu chuyện được thuật lại phần nào
phản ảnh hiện trạng các gia đình mà ở đó người vợ bị bạc đãi, bỏ rơi, hoặc bị chồng
đối xử một cách hững hờ, vô cảm.
Vài năm trước tôi về
Việt Nam thăm gia đình, trong bữa ăn thân mật được tổ chức giữa các người thân,
một người cháu họ đã khiến tôi hết sức xúc động. Hắn bị vợ bỏ, một mình phải
nuôi hai đứa con gái mà đứa lớn nhất cũng chỉ mới 8 tuổi. Hắn lúc này gà trống
nuôi con, không nghề nghiệp vững chắc, làm ăn ba cọc, ba đồng, mà phần lớn là
đi làm phụ hồ, còn lại đi cất trái cây rồi bằng chiếc xe đạp đi bán lẻ. Thoạt
nghe câu chuyện, tôi bị cám dỗ suy nghĩ tiêu cực và kết tội người vợ của hắn
sao nỡ bỏ hắn, bỏ hai đứa con? Nhưng khi nghe người nhà kể lại mới biết chính
lỗi của hắn đã gây ra nông nỗi! Lười biếng, nhậu nhẹt, đá gà, chơi số đề, và bỏ
bê vợ con. Vợ chồng cãi vã, đánh nhau suốt ngày vì những thói xấu của hắn. Sức
người có hạn, gặp được người khác khá hơn, đem lại cho vợ hắn cơ hội đổi đời,
nên không chỉ trách kẻ bạc tình.
Khó khăn về tài chính.
Khó khăn về cuộc sống, hay bất cứ đau khổ, thử thách nào xảy ra cho một gia
đình là điều tuy không ai muốn, nhưng cũng là điều thường tình. Để vượt qua
những thử thách này, đòi hỏi vợ chồng phải cùng nhau nắm tay, chung sức vượt qua.
Rũ áo ra đi để mặc những khó khăn, thử thách cho người ở lại không chỉ là một
hành động vô tâm, vô tình, mà còn là một thái độ ích kỷ và vô trách
nhiệm!
Theo Tự Điển Tiếng Việt,
vô tâm có nghĩa là không để ý đến việc gì. Có tính hay quên. Thí dụ: Con người
vô tâm. Và vô tâm vô tính là có tính hay lơ đãng, hay lãng quên, không để tâm,
chuyên chú vào công việc. Thí dụ: ông ấy kể vậy, nhưng mà vô tâm vô tính lắm
kia. Vietnamese-English Dictionary của Nguyễn Đình Hòa, Đại Học Saigon dịch chữ
vô tâm là to be absent-minded. Và chữ vô tình là to be indifferent;
to be unintentional. Và theo Penguin Dictionary of Psychology thì indifference
có nghĩa là a rough synonym of neutrality. An indifferent
stimulus is one that does not elicit a response. A state
of indifference is when one has no preferences between alternative
choices or courses of action. An indifference point is the
value on some continuum or dimension that represents neutrality. Tóm lại, vô
tâm hay vô tình đều mang một ý nghĩa chung là lơ là, không quan tâm hoặc để ý
đến những người chung quanh, hoặc những gì đang xảy ra quanh mình. Một người
chồng vô tâm có nghĩa là một người chồng không quan tâm, không để ý và không
săn sóc vợ. Không để ý đến những cảm tình vui buồn, hoặc những suy tư của vợ.
Người đó như người bàng quan, như khách qua đường mà không để tâm, lo lắng hoặc
chú ý đến người vợ đang sống bên cạnh mình. Thông thường người đời gọi họ là
những người có suy nghĩ và lối sống ấu trĩ. Loại người tâm lý bất bình thường
về tình yêu, hôn nhân và gia đình.
Hôn nhân đúng nghĩa phải
được xây trên tình yêu, mà tình yêu đòi phải có sự hy sinh. Vợ chồng chấp nhận
và hy sinh lẫn cho nhau khi vui cũng như khi buồn, khỏe mạnh cũng như ốm đau,
giầu cũng như nghèo, sung sướng, hạnh phúc và gian nan, thử thách. Nhậu nhẹt,
say xỉn, cờ bạc, nghiện ngập, ngoại tình, lười biếng, hành hung gia đình thì dù
là đàn ông hay đàn bà, chồng hay vợ những hành động như vậy đều không phát xuất
từ tình yêu.
Câu chuyện người cha bỏ
rơi vợ con, cũng như câu chuyện người vợ bỏ chồng và các con trên thật ra không
thể nhìn vào một phía và kết án một chiều. Mỗi câu chuyện có một hoàn cảnh
riêng, một tình huống riêng. Phải đi sâu vào từng trường hợp và phải nghe cả
hai phía mới có lời giải đáp thích hợp. Để để giải quyết những khủng hoảng ấy,
phương pháp tốt nhất là vợ chồng cần biết lắng nghe và chia sẻ: “Thuận vợ,
thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.
Cách thức chia sẻ thông
thường là bằng ngôn từ. Không ai chui vào đầu mình để hiểu được những gì mình
đang nghĩ, dù là ý nghĩ yêu thương. Sự im lặng, câm nín là một khuyết điểm lớn
nhất trong hôn nhân. Nó có thể dẫn đến hiểu lầm nhau, nghi kỵ nhau và làm lạnh
nhạt tình yêu của nhau. Ngoài ra, người ta còn có thể lắng nghe và nói với nhau
bằng ngôn ngữ cơ thể. Thí dụ, một nụ cười, một liếc mắt đưa tình, một cái vuốt
ve hay một nụ hôn. Và sau cùng là ngôn ngữ hành động: quan tâm, và để ý đến
những nhu cầu, những ưu tư của nhau. Tóm lại, vợ chồng phải có giờ ngồi lại,
dành thời gian cho nhau, chia sẻ và lắng nghe nhau. Đòi hỏi này cần thiết để
duy trì sinh hoạt tình yêu, giải quyết những khó khăn trong gia
đình.
Hôn nhân là một cuộc
sống hạnh phúc. Tuy nhiên, để có hạnh phúc này, ngoài những tình cảm lúc ban
đầu, vợ chồng cần học biết cách chia sẻ, cảm thông và tôn trọng nhau. Nếu không
quan tâm, lo lắng, chia sẻ và chấp nhận hy sinh vì một ai đó thì tình yêu của
ta chỉ là thứ tình yêu chót lưỡi, đầu môi, dả dối và ích kỷ. Tốt hơn, ta không
nên nói lời yêu thương và kết hôn với người đó. Hãy thật lòng với mình và với
người khác. Và khi đã thực tình yêu ai đó, hãy nói với người ấy bằng ngôn ngữ
tình yêu, ngôn ngữ hành động, và ngôn ngữ bằng
lời.
Tác giả:
Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
|