Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
Bài Viết Của
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM - CHƯƠNG IV
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (40)
CÁM ƠN LÀ BIẾT SỐNG ĐỨC TIN
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (39)
GIÀU CÓ ĐÓNG CỔNG CON ĐƯỜNG ĐẾN CHÚA VÀ DỮNG DƯNG VỚI ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (37).
CỦA CẢI VỮNG BỀN CHO ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (36)
CHÚNG TA PHẢI ĂN MỪNG, EM CON ĐÃ CHẾT, MÀ NAY LẠI SỐNG.
“VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO TA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (34)
“AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN ”.
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (33)
“HÃY CỐ GẮNG QUA CỬA HẸP MÀ VÀO”
TÌM HIỀU PHÚC ÂM THÁNH LUCA ( 32)
NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI ĐỂ CHỌN LỰA MỤC ĐÍCH CHÍNH ĐÁNG
“BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC THÂN MẪU CHÚA TÔI ĐẾN VỚI TÔI”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (31)
PHẢI SẴN SÀNG ĐỢI CHỦ VỀ
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (30)
“HÃY LO TÌM NƯỚC THIÊN CHÚA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (29)
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XẴ HỘI CỦA GIÁO HỘI (5).
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (28)
"MARIA ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT"
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (4)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (27)
" AI THÂN CẬN VỚI NGƯỜI BỊ RƠI VÀO TAY KẺ CƯỚP ? "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HÔI (3)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (26)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (25)
" ANH HÃY THEO TA ! "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (2).
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ CỦA THIÊN CHÚA.
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (1)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (23)
NÀNG ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU, VÌ NÀNG ĐÃ THƯƠNG YÊU NHIỀU
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (22)
TA TRUYỀN CHO ANH HÃY TRỖI DẬY !
DÙ MỘT SỢI TÓC TRÊN ĐẦU ANH EM CŨNG KHÔNG BỊ MẤT ĐÂU.

 

SUY NIỆM PHÚC ÂM ( III C 54); ( 14.11.2010); ( Lc 21, 5-19)

CHÚA NHẬT XXXIII PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM C

NGUYỄN HỌC TẬP 

Với công cuộc Nhập Thể của Chúa Giêsu, sự sống đời đời cho nhân loại  đã được hiện thực, mặc dầu các biến chuyển thời gian vẫn còn tiếp tục trôi qua.

Trước hai yếu tố dường như đối nghịch nhau đó, ít ra dưới nhãn quang của con người, một vài vấn đề được đề cập đến ở chương 21 Phúc Âm Thánh Luca. 

Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Đền Thờ cho phép các người hiện diện lúc đó với Người quan sát và đánh giá động tác quảng đại, gần như đến mức tận cùng thái độ anh hùng của một bà goá phụ đã dâng hiến cho Đền Thờ " tất cả những gì bà có để nuôi sống mình " ( Lc 21, 1-4).

Lợi dụng biến cố vừa kể của bà goá phụ " đại lượng anh hùng tột đỉnh ", Chúa Giêsu muốn nói lên một đôi lời làm sáng tỏ cử chỉ của bà và giáo huấn cho những ai đang ở chung quanh Người và cả chúng ta, những ai sẽ đọc những dòng Phúc Âm về sau.

Chúng ta có thể nói phần lớn của chương 21 Phúc Âm Thánh Luca chứa đựng lời giảng dạy về " thời cánh chung ". Một vài chủ đề được lập đi lập lại, như cách viết cổ điển của Thánh Kinh, theo phương thức vòng đồng tâm, thay vì trình bày thẳng hàng trước sau theo quan niệm tường thuật quen thuôc của chúng ta.

Cách trình bày vừa kể, theo phương thức đồng tâm, nhiều khi làm cho chủ đề được đề cập bị chia phần, tách đoạn, gây khó khăn cho việc chú giải hiệp nhứt của chương.

Bên trong chương 21, chúng ta có được đoạn Phúc Âm của Phụng Vụ hôm nay, trong đó chúng ta có thể thấy được đoạn Phúc Âm được chia làm hai phần.

   - phần đầu là phần đặt câu hỏi " khi nào và có những dấu chứng nào ? " báo cho biết thời cánh chung sắp đến ( Lc 21, 5-11);

   - phần hai là phần đề cập đến thái độ dấn thân chuyên cần nhân chứng cho Chúa Ki Tô, dầu cho bao nhiêu thử thách có thể xảy ra ( Lc 21, 12-19).

Một cách chi tiếc hơn, chúng ta có thể thấy được cấu trúc của đoạn Phúc Âm:

   - dân chúng chiêm ngắm, ngưởng mộ vẻ đẹp của Đền Thờ ( Lc 21, 5 );

   - phản ứng mạnh mẽ của Chúa Giêsu, bằng cách tuyên bố trước cơn tàn phá sắp đến đối với Đền Thờ ( Lc 12, 6);

   - trước viễn ảnh đen tối đó, dân chúng hỏi Người thời điểm và dấu chứng nào báo hiệu để có thể biết trước được ( Lc 21, 7 9);

   - Chúa Giêsu trả lời bằng hai chỉ dẫn, qua các dấu chứng sát gần và dấu chứng còn xa ( Lc 21, 8-11);

   - đồng thời Người cũng nói đến những cơn bách hại và lòng vững tin, cương quyết phải có để nhân chứng cho chân lý, cho những gì Người dạy bảo cho và cho đời sống hạnh phúc đời đời, mà Người đã đem đến cho ( Lc 21, 12-19).

Dĩ nhiên qua những gì vừa tìm hiểu, chúng ta thấy được tầm quan trọng của phần hai, đòi buộc người tín hữu Chúa Ki Tô, những người được hứa hẹn cho cuộc sống đời đời làm gia nghiệp, phải can đảm và bền vững làm nhân chứng cho đức tin mình, dầu cho bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra. 

1 - Cả lời giảng dạy của Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm hôm nay được khởi đầu bằng việc dân chúng đang chiêm ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của Đền Thờ Giêrusalem, mà người Do Thái hãnh diện như là kỳ quan của dân tộc  lúc đó:

   - " Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng " ( Lc 21, 5). 

Lòng ngưởng mộ hăm hở đối với Đền thờ  và chắc chắn cũng là niềm hiên ngang hảnh diện của dân tộc bị Chúa Giêsu làm tắt nghẽn bằng câu tiên đoán làm cho ai cũng lạnh người:

   - " Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào " ( Lc 21, 6).

Làm sao mà ai có thể tàn phá một kỳ quan như vậy được? 

Đúng vậy ! Ai là người có dịp thăm viếng Giêrusalem ngày nay, chính mình có thể nhận ra được di tich thảm đạm thực thể những gì lời Chúa Giêsu đã tiên đoán trước đó, trong đoạn Phúc Âm hôm nay, khi đến viếng thăm " bức tường than khóc ", còn thấy được một vài tảng đá làm nền tảng cho công trình xây dựng vĩ đại của Erode, mỗi tảng đá dài đến 12 thước, cao hơn 1 thước và nặng trên 40 tấn.

Cộng trình kiến trúc vĩ đại đó trước tiên bị quân Roma tàn phá bằng hoả hoạn và kế đến bị sang bình địa.  Đó là điều đã xảy ra năm 70 sau Thiên Chúa Giáng Sinh.

Cuộc tàn phá đó hiện nay chỉ còn lại chứng tích bằng một vài tảng đá, xác nhận lời tiên đoán của Chúa Giêsu.  

Bàng hoàng và đồng thời cũng hiếu kỳ trước lời nói của Chúa Giêsu, một vài người hiện diện đặt câu hỏi với Người:

   - " Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?" ( Lc 21, 7).

Câu hỏi trên tạo ra những gì kế đến trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu, chỉ trả lời một phần, bởi vì mục đích của Chúa Giêsu là khơi đậm dậy nơi họ trách nhiệm hơn là đáp ứng tính hiếu kỳ vô bổ.

Câu hỏi " khi nào " vẫn còn bị bao phủ trong bí nhiệm, chỉ có " phải chuẩn bị như thế nào " và " hành động những gì " là điều cần thiết phải hành động " cho biến cố quan trọng sẽ xảy đến.   

Trong cuộc sống, nhiều hoàn cảnh tối tăm và các đại họa của lịch sử, nhiều khi làm cho con người mất định hướng. Lý tưởng bị suy yếu đi, các hướng đi và định điểm để quy chiếu cho suy tư và động tác cũng không còn được nhận thức sáng suốt, chúng ta mất đi khả năng có được tự do suy tư và quyết định. Đó cũng là lúc dễ xuất hiện các nhà chiêm tinh, bói toán, phỏng đoán " tình duyên, vận mạng, tương lai " để thuyết phục và khuyến dụ.

Và vì mất định hướng, nên chúng ta khó lòng má phán đoán được thực hư và trực chỉ theo đâu là chân lý.

Đó chính là điều Chúa Giêsu cảnh tỉnh những ai nghe Người lúc đó, và dĩ nhiên kể cả chúng ta:

   - " Anh hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: " Chính Ta đây " và " Thời kỳ đã đến "; anh em chớ có theo họ " ( Lc 21, 8).

Nỗi nguy hiểm đó rất khủng khiếp và có thể làm cho con người hư mất. Bởi đó Chúa Giêsu đã cảnh cáo trước đó, khi Người nói về ngày của Con Người:

   - " Người ta sẽ bảo anh em: " Người ở kia kìa ! " hay " Người ở đây nầy ! " Anh em đừng đi, đừng chạy theo " ( Lc 17, 23).

Mất định hướng là vì chúng ta mất liên lạc với Chúa Ki Tô. 

Để ra khỏi mối nguy hiểm vừa kể, cộng đồng Ki Tô giáo biết rằng chính mình phải góp phần vào việc giải quyết vấn đề, ngay cả cần phải hy sinh, đau khổ cũng đừng thối lui.

Ngôn từ Chúa Giêsu dùng để diễn tả tình thế là những ngôn từ có tính cách như là ngày tận thế (apocalyptique), nhưng trên thực tế không phải như vậy. Các câu xác quyết:

   - " Dân nầy sẽ nổi lên chống dân kia, nước nầy chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện " ( Lc 21, 10-11), không phải là để diễn tả cảnh ngày tận thế cho bằng nói lên sẽ có những cuộc cách mạng, đảo chánh, tiên đoán trước những cuộc canh tân toàn diện, cuộc cách mạng Pháp Quốc 1789, cuộc quân đồng mình đánh sập chế độ độc tài của Hitler và Mussolini trong thế chiến II chẳng hạn.

Tư tưởng phát biểu qua các biến cố ngày tận thế không có khả năng suy đoán khuyên bào chúng ta cuộc tái sinh hay canh tân ôn hoà phát  xuất tự nội lực, hay trước tiên phải đạp đổ, phá vở rồi sau đó mới kiến tạo lại, điều đó thuộc lãnh vực trần thế, lãnh vực của người tín hữu giáo dân và những người thành tâm thiện chí, biết dùng trí óc của mình.

Những ngôn từ lừa đảo, lường gạt và các cuộc nổi dậy là những tiên báo cho cuộc kết thúc lịch sử, nhưng chưa phải là đoạn cuối cùng.  

2 - Bên cạnh những lời cảnh báo về các dấu chỉ tiên báo nhiều loại đại hoạ sắp đến, Chúa Giêsu cũng cho biết cộng đồng các môn đệ Người phải trả đắc giá trong các biến cố đó:

   - " Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy " ( Lc 21, 12 ).

Thái độ dấn thân can đảm của người tín hữu Chúa Ki Tô để tiên liệu và nếu cần minh chứng đức tin của mình , " vì danh Thầy ", Chúa Giêsu cũng không thiếu tiên báo cho chúng ta.

Chúa Giêsu giúp chúng ta sống ngày hôm nay, chúng ta hãy sống hiện tại của mình, thay vì mườn tưọng đến những tình trạng nguy hiểm,  vô ích và lẫn trốn vào tương lai.

Các môn đệ của Người sẽ phải chịu đau khổ như Vị Thầy Chí Thánh của mình, nhưng họ cũng được thúc đẩy như Người, bởi một tình yêu cao cả, " vì danh Thầy ".  

Trước những khó khăn thiết thực và đầy đe dọa, Chúa Giêsu không quên nói lên cho các môn đệ Người những phương thức cần thiết để đối phó và vượt thắng.

Trước tiên được nhìn dưới nhãn quang tích cực của nó, bởi vì khó khăn làm cho chúng ta có cơ hội nhân chứng đức tin của chúng ta, nhân chứng Chúa Giêsu trước mặt người khác. Thật là một hình thức bất thường, nhưng là phương thức hữu hiệu để rao giảng đức tin:

   - " Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy " ( Lc 21, 13). 

Thật vậy lịch sử đã minh chứng, các cuộc bắt bớ, bách hại thay vì chận đứng việc rao giảng Nước Thiên Chúa, lại là những biến cố làm cho Nước Chúa đưọc bành trướng vững mạnh mạnh và mau lẹ hơn.

117 Thánh Tử Đạo Việt Nam đã nằm xuống, đã làm cho mọc lên trên 7.000.000 người Công Giáo Việt Nam hiện nay: 

   - " Họ gọi hai ông vào và cấm tuyệt đối không được lên tiếng giảng dạy về danh Chúa Giêsu nữa. Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: " Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xem. Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra ". Sau khi ngăm đe nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa về việc đã xảy ra " ( Act 4, 18-21).   

   - " Đầy lòng ghen tức, họ bắt các tông đồ, nhốt vào nhà tù công cộng. Nhưng ban đêm thiên sứ của Chúa mở cửa ngục, đưa các ông ra mà nói: " Các ông hãy đi, vào trong Đền Thờ mà nói cho dân những lời ban sự sống. Nghe thế, các ông vào Đền Thờ ngay từ lúc rạng đông và bắt đầu giảng dạy " ( Act 5, 19-21). 

   - " Ông truyền xe dừng lại. Ông Philippe và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Philippe làm phép rửa cho ông quan. Khi lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem ông Philippe đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. Còn ông Philippe người ta gặp được ở ở Azoto. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Cesarès " ( Act 8, 38-40).  

Ngoài ra cộng đồng tín hữu Chúa Ki Tô còn được Người trang bị cho từ nội tâm để đối phó với các cơn khó khăn. Người bảo đảm cho các Ki Tô hữu, các môn đệ của Người " một miệng lưỡi (  Hy Lạp,  metonimia ) " có nghĩa là lời ăn tiếng nói và " sự khôn ngoan " ( sapientia ), vượt trên kiến thức con người, khiến họ có thể trả lời và biện minh đối với bất cứ ai về tác động và đời sống của mình, , biện minh cho đức tin của mình:

   - " Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật không ngoan ( một miệng lưỡi, metonimia ), khiến tất cả các địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được " ( Lc 21, 15).

   - " Chúa Ki Tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em " ( 1 Pt 4, 15).

Được trang bị như vậy, người tín hữu Chúa Ki Tô có các phương tiện và bảo chứng đầy đủ để vững vàng và bền tâm cho đến cùng trong thái độ trung thành với Phúc Âm. 

3 - Nhân chứng là việc phục vụ qúy giá mà cộng đồng Ki Tô giáo được mời gọi để thực hiện trước mọi người và mọi hoàn cảnh.

Nhưng để cho chúng ta khỏi có ảo tưởng là mọi chuyện đều dễ dàng và êm đẹp trước các khó khăn luôn luôn hiện diện và cũng không để cho người tín hữu Chúa Ki Tô " điềm nhiên toạ thị " trong trạng thái bất động chờ đợi, lời giảng dạy của Chúa Giêsu còn được nói lên trong phần kết thúc bằng những âm điệu xác tín chắc chắn.

Trước khi mọi chuyện đều kết thúc, tức là ngày tận thế, cần phải xác tín rằng Cùng Điểm mà người tín hữu Chúa Ki Tô đang nhằm đến, Chúa Giêsu không đưa ra câu trả lời nào khác hơn là " hãy tỉnh thức chờ đợi " ( Lc 21, 34-36, không được Phụng Vụ trích dẫn trong đoạn Phúc Âm Thánh Lễ hôm nay):

   - " Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấp sẽ ụp xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người " (  Lc 21, 34-36). 

Lòng mong đợi phải được đâm rễ vào thời gian và thực hiện bằng nhân chứng Chúa Ki Tô qua cuộc sống của mình.

Ngay cả ngày hôm nay, người tín hữu Chúa Ki Tô cũng có phận sự nhân chứng về Người. 

Lời giảng dạy của Phúc Âm nói lên lòng can cường, bền chí chớ không phải là không tưởng ảo vọng.

Thánh Luca viết cho chúng ta những dòng nầy, khi các nhân chứng của Stephano, Giacobe, Phêrô, Phaolồ và của bao nhiêu người khác nhân chứng cho Chúa Giêsu đã là những biến cố lịch sử, đã trở thành lịch sử của Giáo Hội.

Nếu thế hệ Ki Tô giáo đầu tiên đã chứng tỏ lòng trung thành của mình với Chúa, bằng cách bước theo " con đường thập giá " của Người để đến được đời sống vinh quang, thì cũng vậy đó là mẫu gương cho chúng ta noi theo, những kẻ đọc các dòng Phúc Âm nầy.

Điều đó nói lên, đó là con đường mà chúng ta có thể thực hiện được, mặc dầu là con đường đòi hỏi công sức.

Bởi đó không phải vô tình mà danh từ " nhân chứng " ( Lc 21, 13 ) được dịch từ nguyên ngữ Hy lạp "martýrion ", mà chúng ta cũng có thể hiểu là "tử đạo ", để nói lên " nhân chứng " tuyệt đỉnh cho Phúc Âm, đôi khi đòi buộc cũng phải được viết lên bằng máu. 

Nỗi sợ hải đối với tương lai đen tối, đối với những gì mình không thấy được có thể làm cho con người mất tin tưởng.

Nỗi lo sợ cho tương lai không chắc chắn nhiều khi được nhuộm bằng những màu thảm đạm. Bởi đó nhiều khi chúng ta nghe thốt lên những tiếng thở dài ngao ngán:

   - " Nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ đi về đâu ? ".

   - " Trước kia đâu có đến nỗi như vậy ", " Thời của tôi khác xa bây giờ ".

Những cách diễn tả đó cho thấy nhiều lúc chúng ta lo lắng cho hiện tại đầy khó khăn và tương lai mờ mịt, bất định.

Người tín hữu Chúa Ki Tô cũng không vượt ra khỏi tâm trạng thường tình vừa kể, bởi đó họ cần được giúp đỡ để biết được và hy vọng được, trước hiện tại và tương lai nhiều khi đen tối, bất định.

Bởi đó lời Chúa Giêsu được thốt lên để đem lại ánh sáng cho tâm hồn, thiết định lại trật tự cho các sự việc hổn độn nhiều khi xảy ra Lời Chúa trở thành hệ thống để trấn an và hâm nóng lại tâm hồn, để có khả năng đối đầu với tương lai, mà mình biết là đã được chương trình Thiên Chúa sắp đặt:

   - "Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đi đâu " ( Lc 21, 18). 

Chúa Giêsu thốt lên lời vừa kể không phải có ý cho rằng tương lai của chúng ta hoàn toàn là tương lai màu hồng, tươi thắm, cũng không phải để tạo nên ảo vọng đối với những người, mà họ phải biết rõ thực trạng những gì mình phải đối phó.

Lòng kiên trì (Hy Lạp, hypomoné )  mà câu (Lc 21, 19) nêu lên trong Tân Ước thường được dùng có liên quan đến tình trạng bị bách hại:

   - " Nhung không phải chỉ có vậy, chúng ta còn tự hào khi gặp bách hại ( gian truân), vì biết rằng: ai gặp bách hại, thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên ( hypomoné) ; ai được công nhân là người trung kiên, thì có quyền trông cậy " ( Rom 5, 3-4),

   - " Và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng ( hypomoné) , vì trông đợi Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Ki Tô " ( 1 Th 1, 3).

Chúa Giêsu huấn dạy các môn đệ Người bằng lời khuyên nồng ấm và lời dặn dò khẩn thiết. Điều đó chúng ta có thể nhận ra được bằng một loạt các động từ ở thì mệnh lệnh tính ( impératif ) trong bản văn:

   - " hãy coi chừng kẻo bị lường gạt..., anh em chớ theo họ..., đừng sợ hãi..., anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều nầy...,  đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào...".    

4 - Và rồi khuyên bảo thôi cũng chưa đủ, Chúa Giêsu còn bảo đảm cho các môn đệ những điều chắc chắn, một vài điều không lâu sau đó cũng như một vài điều khác sẽ lâu hơn trong tương lai.

Đối với những điều không lâu sau đó, Người bảo đảm cho các môn đệ mình sự bảo trợ của Thiên Chúa:

   - " Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được " ( Lc 21, 15).

Cũng như trước đó, Người đã nhắc đến động tác hiệu nghiệm của Chúa Thánh Thần cho những ai bị thử thách vì Người:

   - " ...vì ngay trong giờ đó, Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói " ( Lc 12, 12 ).  

Lời quả quyết chắc chắn trong câu ( Lc 21, 18) đối với chúng ta có vẻ hơi xa lạ, khó hiểu:

   - " Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu ".

Nhưng đó là cách diễn tả dựa theo cách nói quen thuộc của người Do Thái, để nói lên trạng thái công chính của con người trước mặt Chúa:

   - " Dân nói với vua Saul : Sao? Ông Jonathan, người đã thực hiện cuộc chiến thắng vĩ đại nầy trong Israel mà phải chết sao? Không đời nào !  Có Thiên Chúa hằng sống. Không một sợi tóc nào trên đầu Jonathan sẽ rụng xuống đất , vì hôm nay ông đã hành động cùng với Thiên Chúa". Thế là dân đã giải thoát ông Jonathan và ông không phải chết " ( 1 Sam 14, 45).

   - " Vua nói. " Có Thiên Chúa hằng sống ! Không một sợi tóc nào của con trai ngươi rơi xuống đất " ( 2 Sam 14, 11).

   - " Salomon nói: " Nếu ông ấy là người lương thiện, thì không một sợi tóc nào trên đầu ông sẽ rơi xuống đất; còn nếu người ta phát giác ông có tội, thì ông phải chết " ( 1 Re 1, 52).

Có lẽ thốt lên lời nói trên trong câu Phúc Âm, Chúa Giêsu có ý cho biết sự an toàn của cộng đồng Ki Tô gáo tiên khởi lúc đó, khi Giêrusalem bị tàn phá ( C. Tresmontant ).  

Ngoài ra giả thuyết vừa kể, điều xác quyết long trọng được thốt lên sau đó, khi Chúa Giêsu bảo đảm rằng đời sống của các môn đệ sẽ không bị mất đi. Đó là những gì chắc chắn được bảo đảm trong tương lai lâu dài và có giá trị vĩnh viễn:

   - " Với lòng kiên trì, anh em sẽ cứu được linh hồn mình " ( Lc 21, 19).

Từ ngữ " linh hồn " trong ngôn ngữ Do Thái cũng đồng nghĩa với " mạng sống ".

Như vậy lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm hôm nay, mặc cho có nhiều chỗ tối nghĩa, khó chú giải, là " mạng sống ".

Bài giảng về ngày cánh chung làm sáng tỏ lời nói của Chúa Giêsu , như vậy chúng ta cần phải hoàn toàn đặt tin tưởng vào lời nói đó, lời nói bảo đảm sự sống.

Các môn đệ hỏi Người: " Thưa Thầy, bao giờ các điều đó sẽ xảy ra...", Chúa Giêsu đáp bằng cách vén bức  màn tương lai lên, để cho các môn đệ khỏi phải chạm tráng bất ngờ với thực tại tương lai.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ là nói với tất cả chúng ta, con cái của các môn đệ trong đức tin.  

Lời giảng dạy của Chúa Giêsu bảo đảm cho tất cả chúng ta sự hiện diện hiệu lực của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta,

  - " Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả thù địch anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được ". 

Nhưng Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta không cất đi trách nhiệm của chúng ta, mà chúng ta còn phải ra sức gắng công để sống và thi hành, được Chúa Giêsu nói lên bằng các động từ ở thì mệnh lệnh tính

   - " hãy coi chừng..., chớ nghe theo..., đừng sợ hãi..., hãy ghi lòng tạc dạ..., đừng lo nghĩ...", chúng ta vừa trích dẫn ở trên.

Trước tiên là hãy coi chừng kẻo bị lường gạt, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ một ngày kia:

   - " Nầy Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bò câu " ( Mt 10, 16).

Với thái độ vừa kể, chắc chắn người môn đệ có thể khám phá ra được những mưu đồ lường gạt, ngay cả việc những kẻ bất lương có khả năng, hành nghề phù thủy,  " làm phép lạ " để làm mờ mắt, đạt được ý định bất chính của họ, bằng động tác hay bằng cách nói quanh co, phỉnh gạt, hoặc có thái độ mất định hướng, chọn an toàn,  " điềm nhiên toạ thị " như không có giệc gì xảy ra phải lo.  

Điều  chắc chắn là những kẻ đó không có khả năng đáp ứng lại hoàn hảo và nguyên vẹn ý muốn của Thiên Chúa.

Động tác của người tín hữu Chúa Ki Tô gồm cả thái độ tỉnh thức chống lại cuồng tín lý luận thiết định ngày giờ, tháng năm của biến cố tận thế, như những nhân vật tên tuổi được dân chúng đồn thổi trong quá khứ chẳng hạn, cả hiện tại cũng không thiếu, dựa vào sự hiểu biết khoa học về các vận hành của vũ trụ để cắt nghĩa một cách lệch lạc.

Đức tin của người tín hữu Chúa Ki Tô có nền tảng vững chắc của mình nơi Người, đó là những gì Công Đồng Vatican II đã nói với chúng ta:

   - " Ánh sáng đích thực bí nhiệm về con người, con người chỉ tìm được trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể " ( Gaudium et Spes, 22).

Con người, để hiểu được chính mình và biết được tương lai của mình, hãy quy hướng mình vào Chúa Ki Tô.

Động tác của người tín hữu Chúa Ki Tô được bắt đầu bằng việc biết được Chúa Ki Tô và tiếp tục hoàn toàn tin tưởng vào Người, trong lúc chờ đợi Người trở lại.

Chúa Ki Tô là định điểm cuối cùng cuộc sống bất diệt của con người.

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!