.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I: Linh Mục Đắc Lộ, vị sáng lập chữ quốc ngữ và xây dựng Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam

Chương II: Phương Pháp Suy Luận Đông Tây

Chương III: Nhân Tính

Chương IV: Cứu Độ

Chương V: Tình Ái

Chương VI: Quan Niệm Về Một Nguyên Lý Siêu Việt

Chương VII: Niềm Tin Vào Một Ngôi Vị Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời

Chú thích và sách tham khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo
Tác giả: Lm. Jos Cao Phương Kỷ
CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP SUY LUẬN ĐÔNG TÂY

Trước khi trình bày triết học và đạo học của Đông Phương và Tây Phương, ta nên tìm hiểu phương pháp suy luận của mỗi bên như thế nào. Không hiểu biết cách thức lập luận của các thần học gia, nho gia, thiền sư, ta có thể hiểu lầm, và gán cho họ những quan niệm mà họ không có. Trong khi đàm đạo, đối thoại, nhiều khi chỉ khác nhau về cách dùng từ ngữ, nhưng kỳ thực cùng chung một nội dung, một ý nghĩa. Những thành ngữ mang sắc thái mâu thuẫn, nghịch lý, huyền bí như: “Vạn Vật Nhất Thể”, “Tam Tài”,” Thái Cực”, “Vô”, “Chân Không Diệu Hữu”, v.v. hoặc những ý niệm về “Bản Vị”, “Ngôi Vị (person), hay ý niệm về “Loại Tỷ, Tương Tự” (analogy), đôi lúc đã gây trở ngại, hiểu lầm trong việc đối thoại. Chẳng hạn, Đông phương thích dùng danh từ “Vô”, “Không”, để diễn tả tính chất tuyệt đối của Thực Tại Tuyệt Đối, theo phương pháp “via negativa” (đường lối phủ định), thì có người cắt nghĩa “Vô”, là “không có gì hết”, là vô thần, Mặt khác, khi thần học Thiên Chúa Giáo dùng các phẩm tính (attributes) để gán cho Thiên Chúa như Chúa là”Đấng phép tắc vô cùng”, theo phương pháp Loại Tỷ, thì bị hiểu lầm là hạ giá Chúa xuống hàng nhân loại, phàm tục, thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism). Ngày nay, một số nhà Phật học vẫn phủ nhận quan niệm về nhân vị, bản vị, hay ngôi vị.

Chân lý là Một. Trong vũ trụ này, chỉ có Một Chân Lý Tuyệt Đối. Nhưng, vì trí khôn hạn hẹp của nhân loại, nên cần dùng nhiều cách thức, nhiều phương pháp lý luận để đạt tới Chân Lý. Khoa Tri Thức Luận (Epistemology) cho thấy: ta biết được Chân Lý nhờ Trực giác, nghĩa là hiểu biết không cần phải lý luận, như các Chân lý về toán học: 1+1= 2 hoặc Trực giác về sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa, dựng nên vũ trụ. Ta cũng có thể đạt tới Chân Lý nhờ Lý Luận, như các chân lý thuộc Khoa Học Thực Nghiệm, nhờ phương pháp Suy Diễn, và Qui Nạp. Ngoài hai cách thức trên, ta cũng biết được Chân lý, nhất là những Chân lý cao siêu, nhờ Thiên Chúa Mặc Khải (Revelation) trong các sách Kinh Thánh.

Nói tổng quát, có hai cách lập luận chính: 1) Tây Phương thiên về lý luận theo Phương Pháp Biện Biệt(distinction), Phân tích, Suy Diễn (deduction), Qui Nạp (induction); 2)  Đông Phương thiên về Trực Giác, về cảm quan Nhất Quán, Nhất Nguyên, Tổng hợp(những mâu thuẫn). Ngoài ra, cả hai đều dùng “Thần học Phủ định” (negative theology), nhưng đó là môn sở trường của Đông Phương. Tây Phương còn dùng thêm phương thức “Tương Tự”, hay “Loại Tỷ” (analogy), cũng gọi là phương thức Siêu Tuyệt (via eminentiae, way of eminence), để tìm cách đi từ hữu hạn vươn lên vô hạn. Đặc biệt, Tây Phương xây dựng nền tảng Triết lý và Thần học Siêu hình trên ý niệm” Bản Vị”, “Ngôi Vị” hay” Nhân Vị” (Person), sẽ bàn luận sau đây (7).

ĐOẠN I.    LÝ LUẬN BIỆN BIỆT CỦA TÂY PHƯƠNG

Tây Phương, theo truyền thống triết học từ thời Socrates (c. 470-399 BC), Plato (c. 428-c.348 BC), đến thời Kant (1724-1804), Hegel (1770-1831), đều dùng lối lý luận Biện chứng (dialectic), Biện biệt (distinction), nghĩa là phân tách, phân loại, phân chia các tư tưởng và sự vật để tìm hiểu được rõ ràng hơn. Dĩ nhiên, phân chia ra các thành phần rồi lại tổng hợp lại, đó là hai hoạt động đi liền nhau của trí khôn. Óc Biện Biệt, Phân Tách đó áp dụng đặc biệt vào Luật Mâu Thuẫn.

A.    LUẬT MÂU THUẪN

Phương Pháp lý luận chia sự vật ra hai phần biệt lập, chống đối, triệt tiêu lẫn nhau như: thiện-ác, trắng-đen, tốt-xấu, lành-dữ, hồn-xác, tinh thần-vật chất, tĩnh-động, âm-dương, chủ quan-khách quan, v.v. Theo nguyên lý về luật mâu thuẫn (principle of contradiction), thì A là A, B là B. A không thể vừa là A, đồng thời vừa không phải là A được. Một vật hoặc là trắng hoặc là đen, chứ không thể vừa trắng lại vừa đen, vì trắng-đen được coi là cặp mâu thuẫn đối nghịch triệt tiêu nhau. Đó là lập luận: hoặc là có hoặc là không (either-or). Chỉ nên chấp nhận một bên và từ bỏ bên kia .

Theo óc biện biệt (distinction) Tây Phương hay dùng cách Phân Loại để chia các môn học như: siêu hình học, tâm lý học, toán học, vạn vật học, vật lý học, v.v. Mỗi triết thuyết là một hệ thống tư tưởng riêng biệt, chặt chẽ, có tôn chỉ, phương pháp, mục đích riêng, chống đối với các hệ thống triết lý khác. “Duy Vật”, chống “Duy Tâm”, chống “Duy Lý”. Duy Vật là “chỉ” (duy=ism) chấp nhận vật chất như nguồn gốc của sự vật'. Do đó, tất cả các triết thuyết khác đều là “Duy Tâm”, cần phải đả phá. Theo kiểu nói: Duy ngã độc tôn, (chỉ mình là hơn hết) thì ta phải quyết định chọn một trong hai. Nếu chọn A, thì bỏ B; nếu A đúng thì B sai; không thể có lập trường thứ ba chấp nhận vừa A vừa không A được. Theo luật mâu thuẫn phải loại bỏ lập trường thứ ba đi, gọi là Triệt Tam (Tiers exclu). Luật mâu thuẫn đó, nhà hiền triết Aristotle định nghĩa như sau: “Cùng một đặc điểm, không thể cùng một lúc, vừa thuộc về vừa không thuộc về cùng một chủ thể và trong cùng một hoàn cảnh”. (Metaphysics 1005 b 19-20). Rõ ràng hơn: “Không thể chấp nhận một sự vật vừa có lại vừa không (có). (Metaphysics 1006 a 1 ) (8).

B.   TAM ĐOẠN LUẬN: SUY DIỄN

Tây Phương, theo truyền thống triết học Hy lạp, đã dùng phương pháp suy luận gọi là Tam Đoạn Luận (syllogism). Đây là luận lý học hình thức, tuy có vẻ khô khan cứng cỏi, nhưng giúp trí khôn phán đoán và phô bày chân lý một cách rõ ràng chắc chắn. Tam Đoạn Luận gồm hai tiền đề và một câu kết luận. Câu Kết luận được rút ra từ hai Tiền đề. Đây là ví dụ cổ điển của triết gia Aristotle về Tam Đoạn Luận:

-Đại Tiền đề: Mọi Người phải Chết.

-Tiểu Tiền đề: Anh Bính là Người,

-Kết đề: Nên, Anh Bính phải Chết.

Đặt theo công thức toán sau đây: A=C; mà B=A; nên, B=C. Luận lý hình thức Tam Đoạn Luận, dựa vào nguyên tắc về Suy Diễn (deduction), nghĩa là nếu hai Tiền đề đúng và công thức hay cơ cấu của Tam Đọan Luận là “xác thực” (valid), thì Kết luận rút ra cũng phải đúng. Công thức xác thực căn cứ vào vị trí của ba hạng từ (terms): Đại từ (major term), Trung từ (middle term), và Tiểu từ (minor term). Trong 256 công thức khác nhau của Tam Đọan Luận như Bamalip, Baralipton, Barbara, Barbari, v.v., chỉ có 19 công thức mang tính chất Xác thực (validity), còn các công thức khác đều là ngụy biện (9).

C.   PHƯƠNG PHÁP QUI NẠP: KHOA HỌC THỰC NGHIỆM

Luận lý gọi là Qui Nạp (induction), vì đi từ những dự kiện, những trường hợp cá biệt, cụ thể do quan sát hoặc thí nghiệm, để gồm lại thành một định luật chung cho cả loại. Chẳng hạn, sau khi đã quan sát tại nhiều nơi, nhiều thời gian, nhiều lần khác nhau, mà mỗi lần đều thấy con quạ có mầu đen, thì ta kết luận một cách tổng quát là: con quạ= mầu đen.

Theo lối luận lý Qui nạp, giữa dự kiện quan sát và câu kết luận tổng quát, bao giờ cũng bấp bênh, không có gì bảo đảm hoàn toàn đúng chân lý 100%. Số dự kiện quan sát càng nhiều lần, nhiều nơi, nhiều lúc khác nhau thì câu kết luận tổng quát càng gần chân lý bấy nhiêu. Trái lại, nếu các dự kiện riêng rẽ ít được quan sát, kiểm chứng, thì định luật đó kém giá trị. Do đó, câu kết luận của Qui nạp chỉ là một giả thiết (hypothesis), cần phải đem ra thí nghiệm. Nếu đem áp dụng giả thiết đó cho nhiều trường hợp khác nhau mà vẫn đúng, thì giả thiết đó trở nên chắc chắn hơn. Một giả thiết cần được sửa đổi, thí nghiệm luôn mãi, để mỗi ngày thêm tiến bộ. Lý luận theo Qui nạp cũng là óc khoa học, kỹ thuật của Tây Phương: chú trọng về lượng, tiến bộ, và về kiểm chứng (test).

Nhờ óc tìm kiếm, quan sát, phân tách các dự kiện, các nhà khoa học đặt ra các giả thiết để cắt nghĩa các dự kiện rời rạc, riêng rẽ, rồi gom góp chúng, “qui nạp” chúng vào cùng một định luật chung. Nhiều dự kiện khác nhau mà cùng chung một đặc tính, sẽ củng cố thêm giá trị của giả thiết. Ngược lại, giả thiết có giá trị phổ quát, cũng giúp soi sáng ý nghĩa cho các dự kiện. Tóm lại, các kết luận trong Qui nạp chỉ là những giả thiết cần được trắc nghiệm, kiểm chứng thì mới có giá trị khoa học. Vả lại, trước một hoàn cảnh, một dự kiện, ta có thể đặt ra nhiều giả thiết để tìm cách giải thích. Cuối cùng, ta chấp nhận giả thiết nào có khả năng nhất để cắt nghĩa truờng hợp đó, và loại bỏ các giả thiết khác. (coi hình vẽ) (10).

D.   BIỆN CHỨNG PHÁP

Phương pháp suy luận của Tây Phương đặt nền tảng trên luận lý hình thức như Suy diễn trong Tam Đoạn Luận, và Qui nạp được dùng trong khoa học thực nghiệm. Ngoài ra, Biện Chứng Pháp (dialectic, dialegein, đối thoại, tranh biện), đặc biệt của Hegel, cũng đã giúp cho tư tưởng và văn minh Tây Phương luôn tiến bộ. Một cách đơn giản, theo Biện Chứng Pháp, thì có ba mệnh đề được đặt ra: một là Hiện Đề (thesis),  hai là Phản Đề (anti-thesis), ba là Hợp Đề (synthesis). (Coi họa đồ) (11).

Hiện Đề là một hiện trạng của một thực tại, chẳng hạn như Thực thể về tinh thần, hiện tượng của xã hội, kinh tế, chính trị, v.v. Trong mỗi “Hiện Đề” đã chứa chất mầm mống mâu thuẫn, đối chọi với chính nó. Nhờ sự đối kháng này mới phát sinh tiến bộ. Sức đối kháng này được gọi là “Phản Đề”. Có thể nói bất cứ một Hiện Đề nào, tự nó đều là thiếu sót, bất toàn. Do đó, cần có một Phản Đề để bổ túc cho nó. Chính Phản Đề, tự nó cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vậy, cần liên kết Hiện Đề và Phản Đề lại với nhau, làm thành một Hợp Đề (Aufhebung, nâng cao lên, thăng hóa). Hợp Đề chính là kết quả của sự thanh lọc những cái dở, và chỉ giữ lại những điều tốt ở trong Hiện Đề và Phản Đề.

Trong quá trình tiến triển của tư tuởng để tìm ra chân lý, trí khôn con người vẫn còn phải áp dụng phương pháp Biện chứng luôn mãi. Do đó, Hợp Đề tự nó lại trở thành một Hiện Đề mới, rồi mâu thuẫn với chính mình để phát hiện ra Phản Đề mới. Hai bên dung hòa với nhau để tạo thành Hợp Đề mới. Như thế, Biện Chứng Pháp tam đề (triad) cứ lập đi lập lại mãi mãi.

Áp dụng trong đời sống tinh thần, văn học, kinh tế, chính trị, Biện Chứng Pháp chính là óc tiến bộ, dân chủ của Âu-Mỹ, luôn cầu tiến, đổi mới, phê bình, đối lập, tranh luận, để tìm cách dung hòa các lập trường khác biệt, và tiến dần đến sự hoàn thiện, hoàn hảo.

E.   PHÂN LOẠI, PHÂN TÍCH ĐỂ HỢP NHẤT

Óc Phân Loại (classification), Phân Tích (analysis) tỉ mỉ, óc Biện Biệt (distinction), giúp trí khôn đi từ tổng quát đến những chi tiết. Việc Phân Loại khiến các ngành kiến thức phát triển trong một cương vị, phạm vi nhất định, với mục tiêu và phương pháp riêng biệt như: siêu hình học, tâm lý học, luận lý học, sinh vật học, thực vật học, hóa học, vật lý học, v.v. Mỗi ngành, mỗi bộ môn, lại chia ra nhiều môn khác như trong siêu hình học bao gồm các đề mục: Hiện Hữu của Thiên Chúa, Kiến thức luận (epistemology), Hữu thể học (ontology), v.v. Mỗi đề mục lại có thể chia ra nhiều bộ môn, trường phái khác nhau như Kiến thức luận bao gồm Chủ Quan thuyết (subjectivism), Khách Quan Thuyết (objectivism), Thực tiễn thuyết (realism), v.v.

Sự nhận thức của trí khôn con người luôn khiếm diện, tương tự như việc chụp ảnh. Muốn có một chân dung đầy đủ về một người, cần phải chụp nhiều kiểu: phía trước, sau, nghiêng. Do đó, muốn có một chân lý toàn vẹn, ta phải nhìn vấn đề dưới nhiều phương diện, khía cạnh, để nhận định các chi tiết rõ hơn. Nhưng phân tích không có nghĩa là chia cắt ra thành những mảnh vụn rời rạc. Phân tích ra để tổng hợp lại, vì chỉ có một chân lý, nhưng cần xem xét về nhiều khía cạnh thì mới hy vọng hiểu biết một cách thấu triệt và đầy đủ về chân lý đó (12).

F.   THẦN HỌC PHỦ ĐỊNH (THEOLOGIA NEGATIVA)

Phương thức Phủ định, hay Thần Học Phủ định chủ chương rằng: vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, nên ta không thể dùng bất cứ ngôn từ nào để đặt tên hay diễn tả. Phương pháp phủ định “Via negativa” cho rằng những hình ảnh, danh xưng, thuộc tính (attributes), mà ta gán cho Thiên Chúa, đều rút ra từ kinh nghiệm về loài người mà thôi: đó là kiểu nói “thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism)! Loài thụ tạo thuộc thế giới tương đối không thể hiểu biết, và diễn tả về thế giới siêu việt được. Do đó, ta không thể đặt tên, mà chỉ nên tạm gọi Nguyên Lý Tuyệt Đối đó là “VÔ”, hay “Vô Danh”. Gọi như thế không phải là không tin có Nguyên Lý đó, nhưng để bày tỏ tính chất Tuyệt Đối, Siêu Việt mà thôi.

Để bảo vệ tính cách Siêu Việt Tuyệt Đối của Thiên Chúa, các nhà thần học, thần bí (mystic), triết học đã dùng kiểu diễn tả phủ định khi phát biểu ý kiến về các phẩm tính của Thiên Chúa. Ngàì là Đấng Tuyệt Đối, nghĩa là ở một cấp bậc siêu đẳng khác hẳn loài thụ tạo, tương đối, hữu hạn, thì làm sao ta có thể dùng những danh xưng, danh hiệu thuộc về sự vật của thế giới tương đối mà áp dụng cho Thiên Chúa, một cách cân xứng được?

Thánh Tôma Aquinas cũng cho rằng: trí khôn nhân loại không thể nào hiểu biết được chính bản thể của Thiên Chúa Tuyệt Đối là gì cả. Do đó, ta không thể biết Thiên Chúa là gì (một cách tích cực), nhưng ta chỉ biết được Thiên Chúa “không phải là” (nghĩa là một cách tiêu cực, hay phủ định). Cách thức biết Thiên Chúa một cách tiêu cực đó gọi là “via negativa” hay “via remotionis”, tức là “theologia negativa”. Ví dụ: Thiên Chúa là bất-khả-ngôn (ineffability of God), bất-khả ngôn, vô hình, vô tượng, vô danh... Các nhà thần bí (mystic) như Dionysius the pseudo-Areopagite (c.500 AD), Meister Eckhart (1328) cũng dùng kiểu nói phủ định trong Thần học Thần bí (theologia mystica). Dĩ nhiên, khi dùng kiểu diễn tả phủ định, thì không có nghĩa là từ chối Thiên Chúa, nhưng chỉ để nhấn mạnh tính chất Siêu Việt Tuyệt Đối của Chúa mà thôi. Qua cách nói phủ định, ta nhận thấy có một sự quả quyết mạnh mẽ về sự hiện hữu của Chúa. Cũng nên chú ý: Khoa thần học, triết học Tây Phương ít khi dùng Via negativa; trái lại, các đạo học gia Đông Phương luôn dùng “Đường lối Phủ định”, như sẽ chứng minh trong đoạn sau(13).

G.   LOẠI TỶ (ANALOGIA, ANALOGIA ENTIS)

Theo lịch sử, trong khoa Thần học Thiên Chúa Giáo, đặc biệt các nhà thần bí, cũng dùng”via negativa” (phủ định), nhưng còn chuyển sang một phương thức tích cực, mà họ gọi là “via eminentiae” (way of eminence, phương thức siêu tuyệt). Giữa Đấng Tạo hóa và loài thụ sinh có một sự khác biệt vô cùng tận, nhưng không phải không liên quan (relation, connection) với nhau. Thiên Chúa không phải là loài người, nhưng những gì là tốt đẹp, thiện hảo nhất trần gian này như: hiện hữu (being), sự vật (thing), hợp nhất (unity), đặc điểm (distinction), chân thật (true), thiện hảo (good), thì ta có thể áp dụng, một”cách siêu tuyệt” cho Thiên Chúa. William Paley (1743-1805), đưa ra một thí dụ thời danh về “ Loại Tỷ, Tương Tự” (analogy) như sau:

Giữa bác thợ tài ba chế ra chiếc đồng hồ, và sự Thượng Trí của Hóa Công sáng tạo ra vũ trụ càn khôn, ta nhận thấy có một sự tương quan nào đó: chính là công trình kiến tạo (design) của một trí khôn thông minh, mặc dầu ta phải ngưỡng mộ Tài Trí Vô Biên của Hóa Công đã xếp đặt một cách tinh vi các bộ phận trong con mắt để ta có thể nhìn thấy được! Vì lý do đó, ta không phải im lặng hoàn toàn, “không được phép nói gì hết” về Thiên Chúa, nhưng ta có thể dùng những danh từ của loài người để áp dụng cho Thiên Chúa, dầu chỉ là một cách “tuơng tự”, và bất tương xứng. Theo Dionysius, và Thánh Tôma (de Nominibus Dei De Potentia q.7, a.5 và 2), có thể dùng chữ “khôn ngoan” để áp dụng cho Thiên Chúa, bằng ba cách: a) Cách tích cực: Chúa là “khôn ngoan”. b) Cách phủ định: Chúa là không “khôn ngoan” (như ta nghĩ tưởng). c) Cách siêu tuyệt: Chúa còn “khôn ngoan” hơn thế nữa! (trổi vượt hơn mọi khả năng diễn tả của loài người). Theo các nhà ngữ học cận đại, thì mỗi từ ngữ được phân biệt ra hai phần: nội dung ý nghĩa (res significata), và cách thức diễn tả (modus significandi). Áp dụng ở đây, từ ngữ “khôn ngoan”, xét về nội dung thì vô cùng khác biệt, vì một bên là Tạo Hóa, một phía là loài thụ sinh, tuy cùng dùng một danh từ “khôn ngoan” để diễn tả.

Tương Tự là gì?

Do cách trình bày trên, ta có thể định nghĩa về phương thức Tương Tự, (Loại Tỷ) như sau: cùng một danh xưng, nhưng ý nghĩa thay đổi tùy theo việc áp dụng vào các sự vật khác nhau, nghĩa là cùng một danh từ “khôn ngoan”, nhưng khi áp dụng cho Tạo Hóa, thì phải hiểu theo nghĩa khác, cao xa hơn, đối với loài thụ sinh. Do đó, ý niệm Tương Tự (analogical concept) là một ý niệm vừa giống lại vừa khác, vừa chung lại vừa riêng biệt. Danh từ Tương Tự không “đồng nghĩa” (univocal), cũng không “dị nghĩa” (equivocal). Ví dụ: Ông A=người, Bà B= người: chữ “người”=đồng nghĩa. Bò=con bò, Bò=bò lê, bò la: chữ “bò”=dị nghĩa.  Mặt=tươi cười,  Hoa=tươi cười: chữ, “tươi cười”=tương tự, vì giữa nét mặt và bông hoa có cái gì "tương tự"giống nhau, nhưng cũng khác nhau. Trong văn chương, có câu: Đời là “Bể Khổ”. Chữ “bể”, theo nghĩa tương tự (analogical), vì giữa “bể” và “khổ” có một tỷ lệ tượng tự giống nhau: Khổ,= “rất nhiều, vô vàn”; Bể,= “mênh mông, bao la”. Cả hai đều có chung một điểm “tương tự” là “nhiều vô kể”. Chữ “Khổ” là trừu tượng, khó hình dung, còn chữ “Bể” là cụ thể, gợi hình gợi ảnh. Dùng phương pháp Tương Tự, ta so sánh trong trí khôn và ghép “hình ảnh mênh mông bát ngát”của chữ “Bể” cụ thể,  vào chữ “Khổ” trừu tượng, thành ra”Bể Khổ”, tạo nên hình ảnh linh động về nỗi đau khổ tràn ngập, lai láng của cuộc đời.

Do đó, chữ “bể”, ở đây dùng theo nghĩa Tương Tự, ám chỉ sự rộng lớn bao la. Nếu ta chỉ than: “Khổ” quá đi thôi! “khổ” vô vàn! thì câu thở than vừa tầm thường, vừa quá “trừu tượng”, không cảm thấy sự Đau Khổ (trừu tượng) nhiều như thế nào. Nhưng vì cả hai chữ cùng có một điểm “tương tự” chung là”nhiều vô kể”, nên mới ghép sự Đau Khổ (trừu tượng) vào hình ảnh của chữ “Bể” (cụ thể ), để có được kiểu nói gợi hình, gợi ảnh và “siêu hình”. Theo phuơng pháp Tương Tự này, ta có thể cắt nghĩa được rất nhiều kiểu nói “ám tỷ”, trong văn chương như: mình đồng, da sắt, tóc mây, da cóc, má đào, tuổi xuân, đời phù vân ,v.v.Ta cũng có thể sáng tác, hoặc cắt nghĩa các dụ ngôn, ngụ ngôn, truyện cổ tích...có ý nghĩa biểu tượng  (symbolism). 

Vấn đề căn bản và trọng đại nhất trong triết học, thần học, siêu hình là “Sự TỒN HỮU, HIỆN HỮU” của Thiên Chúa. Câu hỏi được đặt ra: ta biết được gì về sự “CÓ” Thiên Chúa? Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, mà nhân loại là loài tương đối. Khi nói: “có” Thiên Chúa, và tôi “có”, thì nội dung ý nghĩa chữ “có”, giống nhau và khác nhau ở chỗ nào? Ta có được phép dùng chữ “có” để áp dụng cho Thiên Chúa không? Để trả lời câu hỏi trên, các nhà thần học Thiên Chúa Giáo, như Thánh Tôma đã dùng phương pháp Loại Tỷ, gọi là” Loại Tỷ Tồn Hữu” (analogia entis) để so sánh hai loại Tồn Hữu, vừa giống lại vừa khác nhau. Để giúp hiểu thêm về Loại Tỷ, các nhà thần học còn chia ra hai thứ Loại Tỷ, (hay Tương Tự) như sau:

1. Tương tự Ý Qui gồm có Tương tự Ý Qui nội tại, và Tương Tự Ý Qui ngoại lai.

2. Tương tự Tỷ lệ.

1.  Tương Tự Ý Qui (analogy of attribution)

Tương Tự Ý Qui gồm hai yếu tố: nội dung tương tự chung của danh từ, và chủ thể mang nội dung tương tự chung đó. Chủ thể là mọi loài mọi vật, kể cả Đấng Tạo Hóa, đều mang một nội dung tương tự chung, đó là “Tồn Hữu” (Có). Nhưng chỉ Hóa Công là chủ thể Nguyên Thủy, nên “Tồn Hữu” (Có) là “Tự Hữu”, còn các loài khác đều tùy thuộc vào chủ thể Nguyên Thủy mà “Có”, mà tồn tại. Do đó, giữa Hóa Công và loài thụ sinh có một “Tương Tự Ý Qui nội tại (intrinsic attribution), vì cùng có chung nội dung tương tự là “tồn hữu”, nhưng lại vô cùng khác, vì Hóa Công hoàn toàn tự hữu, còn loài thụ sinh thì tuyệt đối lệ thuộc vào Hóa Công mà tồn tại. Sau đây là ví dụ về “Tương Tự Ý Qui ngoại lai (extrinsic attribution). Câu nói: Thân thể “lành mạnh”' đồ ăn “lành mạnh”, nét mặt, hay làn da “lành mạnh”. Ý niệm của chữ “lành mạnh” áp dụng cho chữ đầu tiên là thân thể: giữa ý niệm “lành mạnh” và thân thể có “Tương Tự Ý Qui nội tại”, vì “lành mạnh” và thân thể đi liền với nhau. Sau đó, ý niệm “lành mạnh” mới chuyển sang dùng cho các thứ danh từ khác, như đồ ăn, nước da. Do đó, ý niệm “lành mạnh” đối với da, đồ ăn, chỉ có “Tương Tự Ý Qui ngoại lai” (extrinsic attribution), vì làn da hay đồ ăn là dấu hiệu, hoặc căn cớ của sự lành mạnh và da và đồ ăn lệ thuộc vào mối liên hệ với thân thể lành mạnh. Sau đây, ta sẽ tìm hiểu một “Tương Tự” khác.

2.  Tương Tự Tỷ Lệ (Analogy of proportiality)

Theo nguyên tự Hy lạp, chữ analogia aná-logon có nghĩa là “tỷ lệ”. Ta có những hình thức tỷ lệ như: 1/2, 3/6 (tỷ lệ toán học), Thiên Chúa/Có, Nhân loại/Có, Mặt/Cười, Hoa/Cười. Nếu ta so sánh hai tỷ lệ, Thiên Chúa/ Có và Nhân loại/Có, ta sẽ thấy mối tương quan giữa hai tỷ lệ đó chỉ là “Tương Tự”, vì vừa giống lại vừa khác nhau. Thiên Chúa là Tạo Hóa, nên Ngài thật “Có” (Tồn Hữu); nhân loại và loài thụ tạo cũng “có” (tồn hữu), nhưng một đàng, Hóa Công là “Tự Hữu”, “Tự Tại”, còn sự tồn hữu, tồn tại của loài thụ sinh chỉ là “bất tất hữu” (contingent), hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự “Tồn Hữu” tất nhiên (Necessary) của Thiên Chúa. Trong tỷ lệ Mặt/Cười và Hoa/Cười, ta thấy mối tương quan giữa nét Mặt và Cười là thật, xứng hợp, nhưng giữa bông Hoa và Cười là “cách nói siêu hình” (a metaphysical way of speaking), vì chữ “cười” ở đây có nghĩa là giúp ta vui lên. Do đó, hai tỷ lệ chỉ là “Tương Tự”, vì nó vừa giống, lại vừa khác nhau. Tương quan Mặt/Cười là tất nhiên, nhưng tương quan Hoa/Cười, chỉ là nghĩa bóng (metaphorical). Trong sách Giáo lý có câu: “Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành vô cùng”. Nếu ta gặp được sự tốt lành ở loài người, và nơi vạn vật, thì tất nhiên trên bình diện siêu nhiên, nơi Thiên Chúa phải có sự Tuyệt Hảo Vô Biên. Nếu biết dùng phương pháp Tương Tự Tỷ Lệ một cách xứng hợp, thì sẽ giúp ta trong việc suy luận về thế giới siêu nhiên.

3.  Tương Tự Tồn Hữu

Những ý niệm về Tương Tự vừa diễn giảng ở trên, cốt yếu để giải thích tư tưởng căn bản về “Tương Tự Tồn Hữu”, (hay Loại Tỷ Tồn Hữu, Loại Tỷ Thật Thể, analogia entis, analogy of Being). Vấn đề đặt ra là: qua vật hữu hạn, hữu hình ta có thể vươn lên thế giới vô hạn vô hình được không? Giữa Hóa Công Tuyệt Đối, và loài thụ sinh, có một mối tương quan nào không?

Phương thức “Tương tự Tồn Hữu”, là một giải pháp giúp ta trả lời câu hỏi trên. Thật vậy, giữa Hóa Công và loài thụ sinh có liên hệ về hữu thể (ontological relation). Hóa Công “Có” (Tồn Hữu), thì vạn vật cũng “có” (tồn hữu). Nhưng thứ bậc về “có” thì khác nhau, vì Tạo Hóa là hoàn toàn, còn tạo vật thì bất toàn! Nếu Tạo Hóa và tạo vật “có” như nhau (univocal), thì rơi vào thuyết “nhất nguyên phiếm thần” (monism pantheistic).

Nếu hoàn toàn khác, ta không thể nói gì về Thiên Chúa, thì lại sa vào thuyết “bất khả tri” (agnosticism). Sự Tồn Hữu của Thiên Chúa là Tự Hữu, còn vạn vật phải nhờ Thiên Chúa mà “có”. Tồn Hữu của Thiên Chúa là tự Bản thể: Thiên Chúa không thể không “Có”, nhưng vạn vật “có” là nhờ Thiên Chúa. Tồn Hữu của Thiên Chúa là Tự Hữu (aseity), Hiển Thể Thuần Nhiên (actus purus, pure act), nghĩa là đơn thuần, hoàn toàn, bất biến, vô biên, vĩnh cửu, hằng hữu (totum simul). Câu nói: con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, nghĩa là gì? Hình ảnh nghĩa là cũng “giống”, nhưng không phải người “thật”. Loài người không hoàn toàn như Thiên Chúa, nhưng một phần nào “tương tự”, “giống” Chúa vì được chia sẻ, tham gia vào sự tồn hữu, sự sống, và trí thông hiểu. Cần lưu ý: những danh từ, hình dung từ chỉ phẩm tính (attributes) của Thiên Chúa như: Chúa là Đấng phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, công bằng vô cùng, ở khắp mọi nơi, v.v., đều theo nghĩa “Tương Tự “. Khi dùng Phương pháp Tương Tự để phát biểu ý kiến về Thiên Chúa Tuyệt Đối, Thánh Tôma khuyên ta luôn thêm vào câu “et magis”, có nghĩa là “còn hơn thế nữa”. Quả quyết rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng phép tắc vô cùng”, thì chưa đủ mà phải hiểu thêm là “còn hơn thế nữa”. Bởi vì lời phát biểu trên kia, vốn là tư tưởng, ngôn ngữ của loài người suy luận “về” Bản Thể Tuyệt Đối của Thiên Chúa; kỳ thực, Bản Thể đó vượt trên sự hiểu biết, diễn tả của trí khôn nhân loại rất xa!

Nói tóm lại, nhờ quan niệm Tương Tự, ta không hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới Siêu việt, và tránh được hai thái độ cực đoan: Thiên Chúa và vạn vật là một (pantheistic identification) hoặc ta không thể biết gì về Thiên Chúa (bất khả tri thuyết). Quan niệm Tương tự khuyến khích ta cố gắng luôn ngưỡng mộ đi tìm Chúa, và những kỳ công của Chúa, tuy sự hiểu biết của con người vô cùng giới hạn! Cần lưu ý: Phương Pháp Loại Tỷ không phải là “mưu mẹo”, hay một “thuật”, để con người có thể hiểu biết được bản thể của Thiên Chúa. Trái lại, ta luôn phải quả quyết rằng: giữa Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối và nhân loại là loài thụ tạo, tương đối, bao giờ cũng có sự khác biệt lớn lao (coi Công Đồng Lateran thứ bốn, D.806).

Theo Phương Pháp Loại Tỷ, ta có thể dùng kinh nghiệm của nhân loại để nói về Thiên Chúa, nhưng chỉ được hiểu là một cách “Tương Tự” mà thôi. Thiên Chúa là Siêu Việt Tuyệt Đối “KHÁC” với hết mọi loài thụ tạo thuộc thế giới tương đối. Do đó, tất cả những ý tưởng, hình ảnh, ngôn ngữ được dùng để diễn tả những sự vật thuộc thế giới tương đối, thì không thể hoàn toàn xứng hợp để biểu lộ hay bàn luận về cõi Siêu Nhiên.

Tuy nhìn nhận là bất xứng, nhưng các nhà thần học, triết học vẫn cho Phương Pháp Tương Tự là chính đáng hợp với trình độ kiến thức của trí khôn nhân loại và giúp ta hiểu biết một phần nào (một cách bất toàn) về bản tính Siêu Việt của Đấng Tuyệt Đối. Ngay trong triết học và văn chương, nhất là thi ca, các thi nhân thường dùng lối diễn tả bóng bảy như tượng trưng, dụ ngôn, ám tỷ, những câu truyện thần tiên, huyền thoại... để ngụ ý biểu lộ một tư tưởng siêu hình, hay một niềm tin thiêng liêng(14).

H.   Ý NIỆM VỀ NGÔI VỊ, BẢN VỊ, HỮU NGÃ

Quan niệm” Ngôi Vị Thiên Chúa” (Personal God) là một đặc thù của Thiên Chúa Giáo bắt nguồn từ Do Thái Giáo, như sẽ diễn giảng một cách rộng rãi, đầy đủ, trong Chương VII, Đoạn I. THIÊN CHÚA NGÔI VỊ. Nhờ vậy, ta biết được ý niệm Ngôi Vị, Nhân Vị là nền tảng cho tư tưởng triết lý của Tây phương, đã bắt nguồn từ Kinh Thánh do sự Mặc khải của Thiên Chúa. Ta cũng giải quyết được vấn nạn: ý niệm Ngôi Vị không xung khắc với Bản Thể Siêu Việt, không giảm giá trị của Đấng Tạo Hóa. Nhưng Ngôi Vị của Thiên Chúa “KHÁC” với Nhân vị của mỗi người. Sau đây, chỉ xin chứng minh: sự Tồn Hữu (Being) và Ngôi Vị, hay Nhân vị (Personal) liên quan mật thiết với nhau (15).

Hiện Hữu Như Một Nhân Vị

Theo triết học về Nhân Vị (personalism), quan niệm về hữu thể, hiện hữu hay tồn hữu (being), trong căn bản phải đi đôi với quan niệm về ngôi vị, bản vị, hay nhân vị (personal). Bởi vì “có” thì phải “có” “cái gì”, hoặc “cái gì” “có”. Không thể “có” vu vơ, trống không được! Do đó, hữu thể, tồn hữu phải là ngôi vị. Nền tảng sâu xa của hữu thể chính là ngôi vị. Theo nghĩa này, thì nhân loại mới có hữu thể đầy đủ, vì có nhân vị thật, còn các sự vật khác như động vật, thảo mộc, khoáng vật, ... chỉ tham gia nhiều ít vào sư hiện hữu, ở một cấp bậc kém hơn. Bởi vậy, “nhân vị” là nguyên tố và là mục đích của thực tại! Do cảm nghiệm bản thân, con người nhận thấy mình có một bản lãnh, một bản vị “Nhân linh ư vạn vật”. Nhưng con người vẫn cảm thấy mình là vật bé nhỏ, hữu hạn đối với vũ trụ bao la. Do đó, tâm trí con người mới vươn lên cõi Siêu Nhiên, đến Một Tôn Hữu Tuyệt Đối, cũng là Một Ngôi Vị Siêu Tuyệt. Tuy thân phận là một nhân vị hữu hạn, nhưng con người cũng đã được tham dự, chia phần vào Tồn Hữu Tuyệt Đối.

Nói tóm lại, ý niệm về ngôi vị, bản vị, nhân vị, chủ trương Thiên Chúa vừa Siêu Việt trên vạn sự vạn vật, vừa Nội Tại trong vạn sự vạn vật. Lý thuyết về ngôi vị liên quan đến hữu thể học (ontology), vì chỉ có ngôi vị, mới thực sự “có” đầy đủ mà thôi. Mặt khác, tuy cùng trong một ý niệm về ngôi vị, nhưng Ngôi Vị Thiên Chúa hoàn toàn “KHÁC” với nhân vị của loài người. Tuy rằng Siêu Việt (transcendence) và Nội Tại (immanence) luôn đi liền với nhau, nhưng Thiên Chúa Giáo nhấn mạnh đến tính chất Siêu Việt của Bản Tính Thiên Chúa hơn là tính chất Nội Tại của Thiên Chúa hiện hữu nơi vạn sự vạn vật (coi Chương VII, Đoạn II.Thiên Chúa Siêu Việt và Nội Tại)

TOÁT LƯỢC CÁC ĐẶC ĐIỂM:

Ta có thể toát lược các đặc điểm của cách thức Suy Luận của Tây phương, thiên về dùng LÝ TRÍ (Reason) để tìm Chân lý. Sau đây là mấy điều chính yếu:

1. Phân tích, phân loại, phận biệt các sự kiện để giúp trí khôn nhận định rõ ràng, trước khi tổng hợp các yếu tố lại thành kết luận, kết đề.

2. Phân chia các lập trường dứt khoát: hoặc là “chấp nhận” hoặc là “chống đối” (either...or...), như Luật Mâu Thuẫn.

3. Óc Khoa Học Thực Nghiệm, đi từ quan sát, thí nghiệm, giả thiết, đến định luật, định lý. Các Giả thiết cần được chứng nghiệm (test) nhiều lần mới đi đến kết luận hay định lý.

4. Biện Chứng Pháp tìm cách thanh lọc, "đấu tranh" giữa hai lập trường đối lập để tạm "thỏa hiệp" tiến tới kết luận trung hòa, nhưng luôn tạo ra "mâu thuẫn" để đổi mới, tiến bộ không ngừng. Biện Chứng là động lực thúc đấy sự tiến bộ của đời sống dân chủ, chính trị, xã hội, văn hóa của Âu-Mỹ.

5. Ít khi Tây Phương dùng “Thần Học Phủ Định”, trừ ra trong khoa Thần Học Thần Bí (Theologia Mystica).

6. Nhưng Tây Phương sở trường về Phương Pháp Khẳng Định, Loại Tỷ. Do đó, những tư tưởng về triết lý, siêu hình rất phong phú, nhờ đi từ vật hữu hình vươn lên cõi vô hình.

7. Đặc biệt nhấn mạnh về quan niệm Ngôi Vị trong Thần Học, Triết Học và Lịch Sử. Quan niệm Ngôi Vị luôn đi đôi với ý niệm về Hiện Hữu hay Tồn Hữu (being), bởi vì “có” thì phải “ai” “ có”, hoặc “cái gì” “ có”. Ý niệm Ngôi Vị cũng liên hệ với Lịch Sử, đặc biệt là Lịch Sử Cứu Độ, được hiển hiện nơi Ngôi Vị của Đấng Cứu Thế lịch sử.

ĐOẠN II.   TRỰC GIÁC “NHẤT QUÁN” CỦA ĐÔNG PHƯƠNG

Chân Lý Tuyệt Đối là Một, nhưng có nhiều cách nhận thức và diễn tả khác nhau. Vì Chân Lý là Siêu Việt còn trí khôn nhân loại là hữu hạn, tương đối, nên ngôn ngữ loài người không thể biểu lộ Chân Lý một cách thấu triệt, toàn diện ngay được. Bởi vậy, con người chỉ có thể lãnh hội được Chân Lý từng phương diện, từng phần một, rồi gom góp lại, và bổ túc cho nhau để có một cái nhìn toàn diện hơn, nhờ quan sát sự vật, nhờ trực giác, nhờ lý trí, hoặc nhờ Mặc Khải (revelation). Nhưng cũng nên khiêm nhượng mà nhìn nhận rằng: không ai có thể nắm trọn được Chân Lý Toàn Diện, mà phải cố gắng cùng nhau đi tìm Chân Lý suốt đời. Do đó, không lạ gì cùng một chân lý mà cách thức suy luận và diễn tả của Tây Phương và Đông Phương khác nhau. Tuy nhiều con đường đi khác nhau, nhiều nhãn quang khác biệt nhưng cùng đều dẫn về cùng một chủ đích mà thôi. Nhà hiền triết Khổng Phu Tử viết: “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” (Nhiều đường, nhưng cùng dẫn về một chốn; lo nghĩ trăm điều, nhưng đều cùng về một mối). Ngạn ngữ Tây Phương có câu: “Tout chemin conduit à Rome” (mọi con đường đều dẫn về La Mã).

Như vừa trình bày ở trên: Phương Thức lý luận của Tây Phương căn cứ vào Lý Trí biện biệt như: thiện-ác, tối-sáng, trắng-đen, tốt-xấu, ... và hai bên đối nghịch để tiêu diệt lẫn nhau. Hoặc là chấp nhận bên này, thì phải bỏ bên kia. Con đường tiến tới Chân Lý Tuyệt Đối của Đông Phương thì không thích biện biệt, nhưng luôn nhìn vào lẽ Nhất Quán, tức cái toàn thể duy nhất của vũ trụ. Hơn nữa, theo tư tưởng Đông Phương, hai sự vật mâu thuẫn, đối nghịch, không tiêu diệt nhau, nhưng có thể đồng hành, và bổ khuyết cho nhau, để luôn giữ một sự Hòa Hợp, Trung Hòa, và Quân bình. Nhờ Trực giác, Đông Phương đi thẳng vào lẽ Nhất Quán của vạn sự vạn vật, coi vũ trụ là một khối hợp nhất, do Một Nguyên Lý phát sinh ra. Vì thế, có người cho rằng Đông Phương chủ trương triết thuyết “Nhất Nguyên”. Quan niệm “Vạn Vật Nhất Thể”, hay “Tam Tài”, cũng do ý niệm Nhất Nguyên mà ra. Sau đây, ta sẽ bàn luận về ý niệm “Dịch”, tức là sự vận chuyển, thay đổi của vũ trụ, nhưng lúc nào cũng giữ mức “Trung Hòa”, Trung Độ, cốt sao duy trì được tinh thần hòa hợp, tránh cạnh tranh, nhưng chuộng khoan dung, du di, uyển chuyển,” tùy cơ ứng biến”. Vì chú trọng vào lẽ Nhất Quán, vào Nguyên Lý Tối Thượng của vũ trụ, nên các triết gia, đạo sĩ Đông Phương ưa thích dùng “đường lối phủ định” (via negativa), để suy niệm và chiêm ngưỡng Nguyên Lý đó(16).

A.   LUẬT PHẢN HỒI

Theo Kinh Dịch, và Lão Tử (đoạn 40), vũ trụ vật chất hữu hình hay tinh thần siêu hình đều vận chuyển, di dịch theo nguyên lý gọi là “Đạo Trung Hòa” . Tuy Đạo là vô hình, nhưng ta tạm biểu thị bằng một vòng tròn (chỉ sự trọn vẹn, “hoàn toàn”). Đạo là Tuyệt đối, Siêu việt, nơi vừa phát sinh, vừa qui tụ vạn vật. Khi ở vị thế “Động”, Đạo được biểu lộ bằng hai hành động khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Một cách gọi là Âm(Đen), và một cách gọi là Dương(Trắng). Âm-Dương tuy phân biệt, nhưng không tiêu diệt nhau, vì trong Âm đã sẵn chứa mầm mống Dương (chấm trắng), và trong Dương đã sẵn chứa mầm mống Âm (chấm đen) (coi Hình A, cũng gọi là Thái Cực )

Lực lượng tích cực biểu thị bằng +A, đối nghịch với lực lượng tiêu cực B-, nhưng hai lực lượng này không tiêu diệt nhau được vì có một lực lượng thứ ba (C), tức Nguyên Lý Siêu Việt, vô hình tạm gọi là Đạo, giữ quân bình không cho bên này lấn át bên kia. (coi Hình B). Hễ một phía tiến đến cùng cực như Dương-cực, thì nó phải bắt đầu chuyển sang Âm. Khi Âm-cực, thì bắt đầu “Phản Hồi”, quay trở lại Dương. Ví dụ, khi ta thấy ngày (Dương) lên đến cực độ (giữa trưa), thì bắt đầu chuyển xuống đêm (Âm); khi đêm (Âm) đến cực độ (nửa đêm), thì lại bắt đầu chuyển sang ngày (Dương) mới. Luật Phản Hồi của trời đất cứ xoay vần luôn thế mãi, không  một lực lượng đối lập nào bị tiêu diệt. Cái này bổ túc, nâng đỡ cho cái kia, vật này nhờ vật kia mà tồn tại: chúng kích động lẫn nhau để cùng chuyển động, và cùng biến hóa. Đó là ý nghĩa của câu: “Bĩ cực, Thái lai”, “Hết mưa, trời lại nắng”, “Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”. Những cặp mâu thuẫn này giằng co nhau mà tồn tại, không cái nào hơn, không cái nào kém.Tối là điều kiện của Sáng; Tĩnh là điều kiện của Động; Xấu là điều kiện của Đẹp. Vả lại, cái này, cái kia chỉ có giá trị tương đối, nghĩa là trên đời này không có một vật nào hoàn toàn tốt, hay hoàn toàn xấu cả(17).

B.   ĐẠO: NGUYÊN LÝ SIÊU VIỆT, VÔ HÌNH

Lực lựợng thứ ba tức là ĐẠO, là Một Nguyên Lý Siêu Việt, vô hình, thuần nhất, tuyệt đối, vượt trên hai lực lượng kia, để điều hòa, hợp nhất, và duy trì các biến chuyển luôn ở mức độ Trung Hòa, Quân Bình. Nguyên Lý vô hình này là ĐẠO của vũ trụ, nghĩa là ĐƯỜNG mà các sự vật hữu hình hay vô hình đều chuyển động theo quỹ đạo đó. Các vì tinh tú, mặt trời, mặt trăng, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ..., đều theo luật tuần hoàn thay đổi một cách nhịp nhàng. Nguyên Lý Siêu Việt hay ĐẠO của vũ trụ cũng được áp dụng trong đời sống luân lý, đạo đức để giúp ta sống điều hòa an vui, “không thái quá, chớ bất cập”.

Bởi vậy, Phương Pháp Lý Luận của Đông Phương không chấp nhận cho cặp mâu thuẫn đối chọi, tiêu diệt nhau. Lý luận Tây Phương thiên về biện biệt, phân chia hai lực lượng cho chúng đối nghịch nhau, rồi bắt phải công nhận một bên, và phi bác bên kia. Lý luận Đông Phương thiên về Trung Hòa, nghĩa là lực lượng thứ ba có thể dung hòa, điều hợp hai lực lượng kia.

Cũng có người gọi “ĐẠO” là Tam Nguyên, tức lực lượng thứ ba phối hợp hai lực lượng thành Một. Có thể nói: một là hai, hai là ba, ba là tất cả. Tam Nguyên cũng được gọi là quan niệm “Lưỡng-Nhất”. Hai mà Một; Một mà Hai, như câu: “Mình với ta tuy Hai mà Một; Ta với mình tuy Một mà Hai” (Tản Đà). Thuyết Tam Nguyên do Nhất Nguyên mà ra, vì số Ba đây là sự “trở về số Một”, trở về cái Nguyên Lý đầu tiên của vũ trụ. Ta chia tâm thức con người làm ba giai đoạn: 1) Nhất Nguyên: tâm thức cá nhân hòa đồng cùng vũ trụ vạn vật. 2) Nhị Nguyên: giai đoạn của triết học Nhị Nguyên (dualism), của Lý Trí, của Khoa học. Cá nhân chống lại thiên nhiên, vạn vật. 3) Tam Nguyên: tâm thức cá nhân vượt trên quan niệm Nhị Nguyên của Lý Trí, để trở về Nhất Nguyên, tức cái “tâm thức vô sai biệt” lúc ban đầu(18).

Luận lý Đông Phương theo nguyên tắc Trung Đạo, Trung Dung, Trung Hòa, nên chấp nhận “vừa” thế này, lại “vừa” thế kia nữa (both... and...), vì nó siêu thoát và vượt trên cách lý luận biện biệt: “hoặc” thế này,”hoặc” thế kia của Tây Phương.

Số 2 tiêu diệt lẫn nhau; còn số 1, và số 3 thì giống nhau, vì số 3 tượng trưng cho sự hợp nhất, bao dung tất cả thành số 1. Do đó, đối với Đông Phương sự phân biệt ra hai bên (nhị nguyên) là một khuyết điểm. Đạo sĩ chống lại tinh thần biện biệt (distinction, discrimination), vì cho đó là do cái Tâm-sai- biệt phân chia sự sự vật vật làm hai phần khác biệt như: Tâm-Vật, Hữu-Vô, Nội-Ngoại, Bỉ-Ngã, Tâm-Trí, Thiện-Ác, Sinh-Tử, v.v. Đông Phương cũng không chấp nhận lập truờng quá khích của chữ “duy” (chỉ=ism), hoặc “duy vật”, hoặc “duy tâm”, nhưng chủ trương Dung Hòa.

Những cặp mâu thuẫn đã được luận lý Đông Phương hợp lại như:” Tri hành hợp nhất”, “Vạn vật nhất thể”, “Tam Tài” (Thiên-Địa-Nhân). Đại-Càn-Khôn (vũ trụ), và Tiểu-Càn-Khôn (loài người) là một; Vũ trụ quan và Nhân sinh quan là một; Siêu hình và Tâm lý là một; Triết lý và Đời Sống là một; Linh hồn và Thể xác là một con người; Lý (khoa học) và Tình (tôn giáo) là một(19).

Vì nhận “ĐẠO” là Nguyên Lý bao dung, kết hợp thành Một, nên về mặt tình cảm, tính tình, lối xử của Đông Phưông thích hòa đồng, “chín bỏ làm mười”, không ưa tranh đấu. Ngay trong lãnh vực tôn giáo, Đông Phương ít khi xẩy ra “thánh chiến” tàn khốc như các nơi khác. Từ bao nhiêu đời, Tam Giáo, tức Khổng-Lão-Phật, vẫn có thể vui vẻ, đề huề sống chung trong một nước, một nhà, và ngay cả trong tâm trí của một người.

C.   ĐƯỜNG LỐI PHỦ ĐỊNH (VIA NEGATIVA)

Xưa nay, các triết gia, thần học gia thường phân biệt Tuyệt đối (Absolute), với tương đối (relative). Nhân loại và cả vũ trụ này đều thuộc thế giới tương đối, nghĩa là có thể dùng trí khôn mà hiểu biết, và dùng ngôn ngữ mà diễn tả được. Nhưng đối với Thần Linh, Siêu Hình, Tuyệt Đối (Hình nhi Thượng Học), nghĩa là vượt trên sự hiểu biết, sự suy tuởng của tâm trí nông cạn, giới hạn của loài thụ sinh, thì không thể dùng từ ngữ, hình ảnh, hay sự vật nào thuộc thế giới tương đối mà biểu lộ một cách tương xứng được. Vì nếu ta có thể hiểu thấu, và diễn tả một cách tương xứng, thì Chân lý Tuyệt Đối đó không còn đáng gọi là Tuyệt Đối nữa!

Cho nên, khi tạm mượn các danh xưng trong ngôn ngữ nhân loại để gọi Nguyên Lý Tuyệt Đối như: Ông Trời, Thiên Chúa, Thượng Đế, Đạo, hay là Vô, Vô Danh, Chân Như, v.v., thì nên biết rằng: đó là điều “bất đắc dĩ” mà thôi! Cũng vì sự bất tương xứng trong khi dùng ngôn từ thuộc giới tương đối để diễn tả Chân lý thuộc giới Tuyệt Đối, nên các nhà triết học, đặc biệt các nhà thần bí (mystics) hay dùng kiểu nói phủ định để biểu thị những cảm nghiệm về Thực Tại Tuyệt Đối. Đó là Thần Học Phủ Định (Apophatic, negative Theology). Do dó, khi các đạo gia Đông Phương dùng những từ ngữ phủ định để ám chỉ Thực Thể Tuyệt Đối như “Vô”, “Vô Danh”, “Chân Không Diệu Hữu”, thì chữ “Vô” ở đây không có nghĩa là hoàn toàn rỗng không, không có gì hết (nothing). Nhưng chữ “VÔ” chỉ để biểu lộ siêu việt tính của “Vô Tuyệt Đối” (Absolute Nothingness), nghĩa là “Không” một ngôn ngữ nào, thuộc giới “tương đối”, có thể dùng để biểu lộ tính chất Tuyệt Đối được! Nếu có thể dùng một danh từ nào trong trần thế để đặt tên cho Nguyên Lý Tuyệt Đối (như cách thế người ta đặt tên cho con cái, cỏ cây...), thì Nguyên Lý đó “không” còn là “Khác” mọi loài mọi vật được nữa! Do đó, mới gọi là”Vô Danh Thiên Địa chi thủy”. Tiếng “Đạo” hay Thượng Đế,... chẳng qua là bất đắc dĩ phải “tạm” dùng mà thôi. Kỳ thưc, không phải vậy!

Kiểu diễn tả phủ định, tiêu cực “Vô”, cũng được các nhà thần bí Tây Phương dùng. Chẳng hạn như Meister Eckhart, Dionysius, và Thánh Thomas Aquinas gọi là “đường lối Phủ định” (via negativa, via remotionis). Những thành ngữ tiêu cực thường dùng trong khoa thần học thần bí (theologia mystica) như Chúa là Đấng Vô hình, Vô tượng, Vô danh, Bất khả ngôn, Bất khả tri, v.v., không có nghĩa chối Chúa, nhưng chỉ để biểu lộ sự Siêu Việt Tuyệt Đối của Chúa mà thôi. Kiểu nói phủ định có thể còn giúp ta cảm thấy một sự quả quyết mạnh mẽ hơn về sự hiện hữu của Chúa nữa!

Các đạo gia Đông Phương ưa thích dùng “đường lối phủ định” để ám chỉ tính chất siêu phàm của Thực Tại Tuyệt Đối, nhất là trong Thiền học, Lão học, và Đạo học (Chu Hi, Vương Dương Minh). Ví dụ: Lão Tử tạm đặt tên cho “Thực Tại Tuyệt Đối” là “ĐẠO”, kỳ thực, không phải tên thật của ĐẠO, là ĐẠO. Nhưng ĐẠO là Vô Danh, như câu trong Đạo- Đức-Kinh: “Vô Danh Thiên Địa chi Thủy”..., (nghĩa là: “Vô Danh” là nguồn gốc của Trời đất).

Thiền sư diễn tả “Tuyệt Đối” bằng câu: “Chân Không Diệu Hữu”, (nghĩa là: Không thật mà thật Có.). “Không” ở đây không phải là không có gì hết, nhưng là “Không Chân Thật, Không Tuyệt Đối” (Absolute Nothingness), nghĩa là “không” có vật gì sự gì trong thế giới tương đối này có thể so sánh được, vì thế, “Không Chân Thật” đó lại là cái “CÓ Tuyệt Diệu nhất”.

D.   THINH LẶNG, CHIÊM NGƯỠNG

Để bảo toàn tính chất Siêu Việt, vượt không-thời gian, và trên thế giới tương đối này, các đạo gia Đông Phương thường giữ thái độ Thinh lặng để Chiêm ngưỡng Thực Thể Tuyệt Đối' hoặc dùng đường lối phủ định để xưng hô như: Vô, Vô Cực, Vô Tâm, v.v. Đối với các nhà thần bí, chỉ có cảm nghiệm cá nhân mới giúp cảm thông được với Thực Thể Tuyệt Đối. Ngoài ra không thể dùng danh từ, hình ảnh nào tương xứng để biểu lộ, ngay cả việc suy tư trong trí khôn về một Nguyên Lý Tuyệt Đối cũng không thể thực hiện được.

Các đạo gia ít khi suy luận về các Ưu Phẩm, hay Thuộc Tính (attributes) của Nguyên Lý Tuyệt Đối như trong thần học Tây Phương. Các vị thiền sư gặp nhau để hàn huyên, đàm đạo gọi là “thanh đàm” (nói truyện xuông). Khi câu truyện tới chỗ “không không-có”,”không không-không”, thì họ chỉ còn thinh lặng và hiểu ý nhau bằng một nụ cười. Các đạo gia còn thực hành “tọa vong”, nghĩa là ngồi thinh lặng cho tâm trí “quên hết mọi sự”, và quên luôn cả việc “quên hết mọi sự” nữa, để chỉ còn chiêm ngưỡng “Đạo” mà thôi! Các thiền sư dùng phương pháp “tọa thiền”, tức là ngồi thiền tại thiền đường hay “tĩnh tọa”, ngồi im lặng để tâm niệm. Ngoài ra, còn nhiều phương pháp chiêm niệm khác như Yoga. Do đó, các đạo gia, các nhà thần bí Đông Phương chủ trì việc chiêm niệm trong thinh lặng để tìm gặp, và cảm nghiệm Chân Lý Tuyệt Đối. Nhờ chiêm niệm mà tìm ra ý nghĩa đời sống, và luyện tập các nhân đức.

Chân Lý Tuyệt Đối vượt tầm mức trí khôn nhân loại (thuộc thế giới tương đối), nên các đạo gia thường giữ thái độ thinh lặng chiêm ngưỡng hơn là phát biểu bằng ngôn từ. Vì khi phát ngôn thì phải dùng danh từ, hay hình ảnh (thuộc thế giới tương đối), nên vừa không thể diễn đạt đầy đủ Chân Lý Tuyệt Đối, vừa khó thông đạt những cảm nghiệm riêng. Do đó, mới có câu: “Tri giả bất ngôn” (biết thì không nói), vì sợ nếu nói ra không hết lời, không diễn tả được hết ý. Câu khác: “Thư, bất tận ngôn; ngôn, bất tận ý” (sách, không hết lời;  nói, không hết ý). Hoặc là khi đọc thi, văn, hay ngắm bức tranh, bức họa, thì phải hiểu là: “ý tại ngôn ngoại” (ý nghĩa của bài thơ, của bức tranh “nằm” ở bên ngoài. Chỉ cần “mấy nét chấm phá”, còn để cho người thưởng ngoạn được tự do tưởng tượng mà thưởng thức. Cổ văn Trung Hoa thường viết theo cú pháp vắn gọn, nhưng cô đọng, và súc tích ý nghĩa.

Quan niệm “vô ngôn” đã tạo cho tinh thần người Đông Phương biết yêu quí những sự linh thiêng vô hình hơn thế giới vật chất hữu hình, thích “trầm tư mặc tưởng” hơn là lý luận dài dòng, khô khan(20).

E.   TINH THẦN BAO DUNG

Tư tưởng Đông Phương chú trọng tính chất Siêu Việt của Thực Thể Tuyệt Đối, nên thích dùng đường lối phủ định (via negativa), vì cho rằng mọi ngôn từ thuộc giới tuơng đối đều bất xứng, không thể diễn tả đầy đủ được Chân Lý Toàn Diện. Do đó, tất cả các hệ thống thần học, triết lý, văn chương, nghệ thuật nhằm diễn đạt những ý tưởng hay tâm tình đối với Nguyên Lý Tuyệt Đối, thì chỉ có giá trị tương đối, tạm thời mà thôi! Mỗi hệ thống triết lý cũng chỉ mô tả một khía cạnh, một phương diện nào đó của Chân Lý Toàn Diện, Nhất Quán bao trùm tất cả vạn vật. Câu truyện ngụ ngôn “Người mù sờ voi”, chứng tỏ “cái nhìn” của người đời, dầu sâu sắc tới đâu cũng vẫn là khiếm khuyết, vì không ai có “cái nhìn bao quát”, bao trùm hết mọi khía cạnh được. Nhờ ý thức sâu xa về quan niệm Nhất Quán của vạn vật, các hệ thống triết lý Đông Phương không chống đối nhau, nhưng bao dung độ lượng, chấp nhận lẫn nhau, vì cho rằng mỗi một môn phái chỉ là một “quan điểm”, cần phải kết hợp lại mới tạo ra được một hình ảnh đầy đủ hơn về Thực Tại Tuyệt Đối. Chân Lý là Một, nhưng có nhiều cách thế, nhiều con đường dẫn tới khác nhau (“thiên hạ đồng qui nhi thù đồ”!). Chẳng hạn, Lịch sử Triết Học Ấn Độ cho biết: các hệ thống gọi là “darsana” (quan điểm), tuy có những khía cạnh khác biệt về triết lý, về nhân sinh quan, nhưng luôn có sự bàn luận, trao đổi quan điểm,và nhìn nhận giá trị, để bổ túc cho nhau (21).

Đó là tinh thần phổ biến, hòa đồng, biết bao dung tất cả những gì tốt đẹp trong các hệ thống triết học khác, để tạo nên một bức thảm rực rỡ của Chân lý. Tinh thần hòa đồng của Tam Giáo là một ví dụ: Khổng, Lão, Phật giáo đều dùng chung danh xưng “ĐẠO”, để chỉ Thực Thể Tuyệt Đối. Khi mới truyền sang Trung hoa, các nhà sư Ấn Độ đã dùng những ý niệm, và danh từ của Lão giáo để phiên dịch triết lý Phật giáo của Ấn Độ. Cách thức “hội nhập” văn hóa Ấn Độ vào triết lý Trung Hoa, gọi là “cách nghĩa”. Chẳng hạn, để chuyển ý quan niệm Sunyata, (nghĩa là hư không của Ấn giáo), các vị thiền sư Ấn Độ đã dùng ngay chữ “Vô” của Lão giáo để thay thế (22).

F.   PHƯƠNG PHÁP: TUỲ CƠ ỨNG BIẾN (UPAYA)

Một trong những khó khăn có thể đưa tới chỗ bế tắc trong việc đàm đạo, thông cảm giữa Đông và Tây Phương là quan niệm về cách nhận thức, và trình bày về Chân Lý. Hình như có nhiều ý kiến mâu thuẫn, trái ngược nhau, khác nhau, trong những bài thuyết pháp của Phật Tổ, và những dị biệt giữa các môn phái như Tiểu Thừa và Đại Thừa, v.v. Chẳng hạn, sự khác biệt giữa Lý thuyết và Thực hành về Vô Ngã, và Đại Ngã, Đại Từ Bi. Phật đã giảng dạy: con người, và vũ trụ đều là Hư Vô (sunya), nhưng trong thực hành, Phật là một Đại Ngã hoạt động, và khuyến khích chúng sinh thực hành Đại Từ Bi để cứu nhân độ thế. Những dị biệt giữa hai phái Tiểu Thừa và Đại Thừa thật lớn lao, khiến ta không còn biết được đâu là Phật giáo chính thống. Một bên thì chủ trương “Tự Độ”' trái lại, Đại Thừa cho rằng: “Tự Giác nhi Giác Tha” mới đúng. Như vậy, ta giải thích làm sao về những khác biệt, mâu thuẫn đó ? (23)

Như đã trình bày ở đoạn trên, các đạo gia Đông Phương, luôn ý thức về siêu việt tính của “Vô”, “Vô Danh”. Do đó, không một ý tưởng hay ngôn từ nào, thuộc giới tương đối, có thể diễn đạt một cách tương xứng, và đầy đủ. Các hệ thống triết lý chỉ là những cái nhìn lẻ tẻ về một vài khía cạnh của Chân Lý. Hơn nữa, có nhiều phương tiện, phương thế, nhiều “đường” đi khác nhau để cùng tiến về Chân Lý (thiên hạ đồng qui nhi thù đồ).

Vì lý do đó, Phật học mới sáng chế ra quan niệm “Upaya”(Upaya-kausalya, skill in means) nghĩa là “Phương tiện”. Đây là những “phương thế thực tiễn” giúp ta tiến đến một mục tiêu thiêng liêng cao cả. Chân lý Tuyệt Đối, sự Giảc Ngộ là mục đích cần đạt tới, còn mọi cách thế khác đều là phương tiện cả. Khi đã tới chủ đích rồi, thì không cần phương tiện nữa, như câu: “Có nơm là vì cá; được cá, hãy quên nơm. Có dò là vì thỏ; được thỏ, hãy quên dò. Có lời là vì ý; được ý, hãy quên lời. Ta làm sao gặp được người biết quên lời, hầu cùng nhau đàm luận”. Vả lại, Chân lý Tuyệt Đối rất cao siêu, rất khó hiểu, rất khó giải thích. Do đó, theo phương pháp giáo dục, thì phải tùy hoàn cảnh, tùy trình độ học thức mà giảng giải, miễn là giúp người ta hiểu biết và đạt tới mục tiêu. Bởi vậy, khi thuyết pháp, Phật đã “tùy cơ ứng biến”, tùy hoàn cảnh, tùy hạng người mà giảng dạy. Cũng vì nguyên tắc “Upaya”, mới có giả thiết “Ngũ Thời Pháp”, nghĩa là Phật đã thuyết pháp làm năm thời kỳ, tùy căn cơ mà giảng dạy. Tùy hoàn cảnh, trình độ, tu theo bậc Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Tiểu Thừa, hay Đại Thừa, v.v., sao cũng được hết, miễn là đi tới Giác Ngộ. (24)

G.   NHỮNG  DỊ BIỆT

Như vừa trình bày ở trên, vì óc Nhất Quán, Nhất Nguyên trong toàn bộ hệ thống triết học Đông Phương, trọng sự Hợp Nhất, Hòa Đồng, Quân Bình... không thích Phân tách, Phân chia, Phân biệt; vả lại, Đông Phương có cái nhìn theo Trực Giác để cảm nghiệm đào sâu vào lẽ Huyền Bí của vũ trụ không dùng Lý Luận hình thức để thực nghiệm. Do đó, ta thấy các triết gia không chú trọng hoặc ít khi bàn luận về những vấn đề triết lý, siêu hình như: Quan niệm về Nhân Vị, Bản Vị, hay Nhân Vị Hữu Ngã của một cá nhân này, “Khác” với các cá nhân kia, và vũ trụ này đều qui hướng về Một Ngôi Vị Tuyệt Đối Siêu Việt trên hết mọi nhân vị, mọi cá thể thuộc loài thụ tạo. Có thể nói, lý do chính không phải các nhà hiền triết chối bỏ hay không tin có Một Nguyên Lý Siêu Việt điều khiển vũ trụ càn khôn, vượt trên loài thụ tạo, nhưng vì chủ trương trực giác “Nhất Quán, Nhất Nguyên”, coi toàn thể vũ trụ là một khối, nên không thích phân chia, phân biệt như: cá nhân này khác cá nhân kia, hoặc Đấng Thượng Đế có một Ngôi Vị biệt lập, tuy vẫn bao trùm vạn sự vận vật. Hơn nữa, các đạo gia còn cho việc phân chia, phân tách là một điều “xấu”, cần phải tránh.

Cũng trong chủ trương “Nhất Nguyên” đó, ý niệm về “Lịch Sử tạo dựng vũ trụ,” hay “Lịch Sử Cứu Độ” không được đề cập, bàn luận. Vì quan niệm “Nhất Quán”, nên Triết Học Đông Phương nhấn mạnh vào tính chất “Nội Tại Tiềm Ẩn” của Nguyên Lý Siêu Việt trong vũ trụ và nhân loại, hơn là “Tính Chất Siêu Việt, Khác Biệt” của Nguyên Lý đó.       

                                   

TOÁT LƯỢC CÁC ĐẶC ĐIỂM :

Sau đây, ta có thể tạm thời toát lược mấy đặc điểm trong cách Suy Luận Đông Phương, thiên về Trực Giác (Intuition) như :

1. Nhận định sự vật bằng cái nhìn Tổng Hợp (synthetic), hơn là Óc Phân tích (analytic). Do đó, ý thức sâu xa về lẽ Nhất Quán, “Nhất Nguyên” (monism), và Hợp Nhất (unity) của vũ trụ.

2. Không ưa chống đối, mâu thuẫn, quá khích, nhưng chú trọng đến lập trường Dung Hòa, Quân bình, và Trung Hòa.Cũng vì thế, theo văn học sử, thì khoa Luận Lý Học như Qui Nạp, Suy Diễn, Biện Chứng, Khoa học Thực Nghiệm..., không được phát triển mạnh tại Đông Phương.

    3. Chú trọng vào sự biến chuyển, lẽ Tuần Hoàn, và quan niệm “Dịch” của vũ trụ. Do đó, kiên nhẫn chịu đựng mọi bất trắc của cuộc đời. Nhưng sự Biến Chuyển, Tuần Hoàn có tính cách “Phản Hồi”, nghĩa là lập đi lập lại theo vòng tròn, chứ không theo đường thẳng tiến bộ, luôn đổi mới.

4. Không đóng khung, hay “hệ thống hóa một triết lý nào, vì coi mọi trào lưu tư tưởng chỉ có giá trị tương đối. Do đó, có tinh thần khai phóng, bao dung, hòa đồng, chấp nhận các ý thức hệ khác. Vả lại, cùng một Chân Lý, nhưng tùy lúc, tùy nơi, tùy trình độ hiểu biết của người lãnh hội mà diễn giảng cho thích hợp. Đó là “Upaya”.

5. Ý thức mạnh mẽ về Siêu Việt Tính của ĐẠO, của Chân Lý Tuyệt Đối, nên ưa thích dùng kiểu diễn tả Đường Lối Phủ Định (via negativa). Do đó, có đạo gia cho kiểu nói “tích cực”, theo Loại Tự, Tương Tự là bất tương xứng, là “thần-nhân-đồng-hình”.

6. Vì triết lý Nhất Nguyên chủ trương “Vạn vật nhất thể”, nên một số đạo gia không chấp nhận ý niệm về “Nhân vị, Ngôi vị, hay Bản vị (Person), vì ảnh hưởng của nền văn hóa đề cao sự hợp nhất, nên coi trọng tập thể, tập đoàn, xã hội hơn là cá nhân, cá thể. Cá nhân không đáng kể, vì là dấu hiệu của chia rẽ, phân tán.

7. Chú tâm vào chiêm niệm, thinh lặng, để hòa mình vào Thiên Nhiên, sống theo luật Tự Nhiên. Do đó, đề cao việc tập luyện các nhân đức, tôn trọng Đạo Lý của Thánh hiền,và chăm lo việc Tôn Giáo, nhất là ưa dùng phương pháp tụng niệm như tọa thiền, tọa vong, tĩnh tọa, v.v., để đạt tới Chân Lý.

 

ĐÀM ĐẠO: THỬ TỔNG HỢP DUNG HÒA CÁCH SUY LUẬN ĐÔNG-TÂY

Như đã trình bày trong Lời mở đầu về cách thức Đàm Đạo giữa các Tôn giáo: nếu muốn đi tới sự thông cảm, giao hảo, thì nên thành thật và khách quan tìm hiểu giáo thuyết của đôi bên. Không nên cắt nghĩa theo quan điểm riêng của mình, hoặc”gán” cho bên kia những điều họ không nghĩ tới. Trong các buổi hội họp, ta nên trình bày một cách trung thực những quan điểm tuơng đồng và dị biệt của đôi bên. Nếu đã gần nhau, giống nhau một phàn nào, thì cùng nhau chấp nhận, trao đổi, học hỏi. Nếu còn xa nhau, khác biệt, cũng nên tôn trọng quan điểm của nhau, và tìm hiểu lý do tại sao có sự dị biệt đó, để tìm cách thông cảm những khó khăn, và xích lại gần nhau hơn. Trong tinh thần hòa hợp, kính cẩn đó, ta thử Đàm Đạo, chia sẻ về một số điểm tương đồng dị biệt giữa Giáo Lý của Đạo Thiên Chúa và Tam Giáo như sau:

1. Nên dung hoà hai Phương Pháp Lý Luận Đông Phương và Tây Phương như thế nào? Tây Phương nhấn mạnh về Lý Trí, nên ưa chuộng sự Phân tích, hệ thống hóa tư tưởng cho rõ ràng, dứt khoát, và thứ tự. Do đó, đường lối lý luận là: hoặc thế này..hoặc thế kia.. (either...or). Đông Phương theo Trực giác, lẽ Nhất Quán, nên thích hợp nhất, hòa hợp, hòa đồng. Do đó, theo lý luận: vừa thế này.. vừa thế kia.. (both...and...; non solum...sed etiam..). Dĩ nhiên, không phương pháp lý luận nào là hoàn hảo cả. Do đó, cần bổ túc cho nhau.

Trong nền lịch sử triết học thế giới, người ta nhận thấy, từ bao nhiêu đời, Đông Phương đã không tiến triển về khoa Luận Lý (logic). Đo đó, Đông Phương cần học hỏi Tây Phương về phương pháp Khoa học Thực nghiệm. Khi bắt đầu đi học, các học sinh cần dùng phương pháp Qui nạp, hay Suy diễn, để phân tích và trình bày các môn học cho rõ ràng, khúc triết, và hệ thống. Nhưng cách luận lý theo Lý Trí cũng có giới hạn. Khi đề cập đến những vấn đề Siêu Hình, nhất là Thần bí (Mysticism), thì Trực Giác (intuition), và phương pháp phủ định (via negativa), mới giúp tâm trí đào sâu vào tiềm thức bí nhiệm, để cảm nghiệm, cảm thông với Thực Thể Tuyệt Đối. Chính Thực Thể Tuyệt Đối này, là động lực thống nhất muôn người, muôn vật về một Căn Nguyên. Do đó, khó có thể dùng Lý Trí, lý luận hình thức để phân tích mà đạt tới Chân Lý Tuyệt Đối, Siêu Việt được, nhưng cần Cảm nghiệm, và Niềm Tin(25) .

2. Điểm tương đồng nào quan trọng nhất ta gặp được giữa Đạo Thiên Chúa và Tam Giáo?

Một điểm hệ trọng bậc nhất và căn bản: đó là niềm Tin vào Một Chân Lý Tuyệt Đối, vượt lên trên thế giới vật chất này. Chân Lý Tuyệt Đối Thuần Thần đó là Căn Nguyên phát sinh vạn sự vạn vật, kể cả các thần thánh, và nhân loại. Đó là điểm tương đồng căn bản giữa Đạo Thiên Chúa và Tam Giáo. Ta thử hỏi: có một Phật tử Viêt Nam nào mà lại không Tin có “Ông Trời”, như câu ca dao: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”? Dĩ nhiên, có những cách hiểu biết, biểu lộ, diễn tả, danh xưng khác nhau, nhưng cốt yếu, mọi tín đồ đều cùng tin tưởng vào Đấng Bề Trên cầm quyền sinh tử, và là Nguồn Gốc của vũ trụ càn khôn. Chỉ cần một điểm tương đồng căn bản đó, cũng đủ cho ta hợp tác với nhau để chống lại thế giới duy vật, tục hóa ngày nay.

Ngoài ra, nhiều nhà thần học, và tu đức của Tây Phương đã nghiên cứu phương pháp chiêm niệm Đông Phương như Yoga, Thiền (Zen), để áp dụng vào đướng lối suy niệm của Thiên Chúa Giáo.(26)

Trong những cuộc gặp gỡ, đàm đạo, và trao đổi những quan điểm giữa các triết lý, tôn giáo, ta nên làm sáng tỏ một vài lập trường dị biệt để thông cảm những khó khăn, hoặc để chia sẻ những kinh nghiệm riêng của nhau:

3. Đông Phương hiểu lẽ Tuần Hoàn như thế nào? Khác với Biện Chứng Pháp ở điểm nào?

“Dịch”, nghĩa là động, di chuyển, tuần hoàn, nhưng đi theo đường nào? Vì quá chú trọng vào việc giữ thế quân bình, nên chuyển động theo đường vòng tròn, đi rồi trở lại! Do đó, đời sống được an nhàn, lạc quan, nhẫn nại, nhưng không tiến bộ, canh tân một cách mạnh mẽ. Trái lại, Tây Phương, theo biện chứng, nên chấp nhận đối lập, và tìm cách để dung hòa, đổi mới luôn. Do đó, tuy đời là cuộc tranh đấu không ngừng, nhưng tiến bộ, nhất là về khoa học, kỹ thuật. Đó là chuyển động theo đường thẳng!

4. Ý niệm “Nhất Nguyên” (Monism) và “Nhị Nguyên (Dualism) nên giải nghĩa thế nào?

Ta cũng nên bàn luận, giải thích cho rõ hơn về cách dùng danh từ, và về ý nghĩa chữ Monism, Dualism, Nhất Nguyên, Nhị Nguyên, Tam Nguyên, như thế nào. Tuy danh xưng khác nhau, nhưng các tôn giáo đều tin có một Nguyên Lý Tuyệt Đối, mà ta gọi là Thiên, Trời, Thượng Đế, “Đạo”, “Thái Cực”, “Vô”, Chân Như, v.v., Vũ trụ càn khôn đều bởi Nguyên Lý Tuyệt Đối đó mà có, mà hiện hữu. Vấn nạn ở đây là: Nguyên Lý Tuyệt Đối, Siêu Việt đó, có cùng chung một bản thể, bản tính với loài thụ tạo, thuộc giới tương đối không? Thần học Thiên Chúa Giáo phân biệt hẳn hai bản thể: Đấng Tạo Hóa là Tuyệt Đối, Siêu Việt, và loài thụ tạo, gồm nhân loại, và vũ trụ. Không thể cho hai bản thể đó cùng chung một bản tính được. Những biểu ngữ trong Kinh Thánh diễn tả sự “hợp nhất” giữa linh hồn người công chính với Thiên Chúa như câu: “Chúa Sống trong Tôi” (Gal. 2:20), hay “Nếu ai yêu mến, và giữ lời Ta, thì Thiên Chúa sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến, và trú ngụ nơi người ấy” (Gioan 14:23) Trong sự “kết hợp” đó, vẫn phải phân biệt hai bản tính: thần tính và nhân tính, không thể lẫn lộn. Do đó, Thần học Thiên Chúa Giáo không công nhận thuyết Monism (Nhất Nguyên) cho rằng: tất cả vạn vật chỉ có một Thực Thể, nghĩa là loài người, vũ trụ, vạn sự vạn vật và Đấng Tạo Hóa cũng ngang hàng, đồng đẳng với nhau, không có sự khác biệt về Bản Thể, về Tuyệt Đối và tương đối, một bên là Chủ Tể vô biên, một bên là loài thụ tạo, hữu hạn. Thần học Thiên Chúa Giáo cũng phi bác thuyết “Dualism”, cho rằng: vũ trụ này chia làm hai nguyên lý đối nghịch nhau như: Thiện và Ác, luôn chống đối nhau.

5. Có bắt buộc “im lặng” hoàn toàn, không được phép nói gì về Thiên Chúa chăng?

Một điểm khác cũng nên làm sáng tỏ: Các đạo gia, thiền sư ưa thích dùng đường lối phủ định (via negativa), khi phải “nói” đến Chân Lý Tuyệt Đối, vì cho rằng ý tưởng, và ngôn từ thuộc giới tương đối không thể diễn đạt được. Nhưng không phải vì thế mà ta im lặng hoàn toàn không dám “nói” gì về Thực Thể Siêu Việt như Thiên Chúa, Chân Như, v.v. Ta đã thấy Phật Thích Ca dùng quan niệm “Upaya” (Phương Tiện), tùy bệnh mà phát thuốc, tùy căn cơ mà thuyết pháp, nghĩa là có thể dùng ngôn ngữ, hình ảnh, dụ ngôn, thuộc đời sống để thông đạt những chân lý cao siêu cho từng hạng người, tùy trình độ học thức. Tây Phương cũng đã dùng phương thế này, Thánh Thomas Aquinas gọi là “Analogia”, Tương Tự, Loại Tỷ. Theo các nhà thần học kinh viện, tuy vẫn biết là bất tương xứng, nhưng ta có thể dùng những kinh nghiệm của loài người để biểu lộ một phần nào, một cách “tương tự” những ý niệm về Thiên Chúa. Khi dùng ngôn ngữ loài người để “suy loại”, để so sánh về Thiên Chúa, ta phải hiểu rằng những danh từ, những phẩm tính ta gán cho Thiên Chúa đều bất tương xứng, vì ta là loài thụ tạo, có giới hạn. Cho nên, khi ta tuyên xưng: Thiên Chúa là Đấng “phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi”, thì Thánh Thomas khuyên ta hãy thêm liền ngay vào câu sau đây: “và còn hơn thế nữa” (et magis).

6. Quan niệm “Nhân vị (Person), hay Ngôi vị, Bản vị có phân chia, hoặc làm giảm giá trị của Thực Tại Tuyệt Đối Không?

Về điểm này, ta nên thông cảm với một số đạo gia, không công nhận quan niệm về Ngôi vị, bản vị hay Nhân vị, vì muốn bảo toàn tính chất Siêu Việt của Thực Thể Tuyệt Đối, hoặc vì chịu ảnh hưởng của văn hóa chủ trương “vạn vật nhất thể”, hoặc coi trọng tập thể, xã hội hơn các phần tử cá nhân. Nhưng, các triết gia Đông Phương cũng nên nghiên cứu sâu rộng hơn để có thể chia sẻ với tư tương Tây Phương, vì nhờ những khám phá mới nhất về Triết lý Nhân vị giúp ta nhận thấy: Ý niệm Nhân vị, hay Ngôi Vị, Bản vị, không phân chia, cũng không làm giảm tính chất duy nhất (unity) của Hữu Thể Tuyệt Đối. Trái lại, Ý niệm Nhân vị đi đôi với ý niêm về Hữu Thể, vì “có” thì phải có “ai” có, có “cái gì” có. Không lẽ “có” vu vơ, bâng khuâng, trơ trọi, và rỗng tênh!

7. Để cho tư tưởng Đông-Tây thông cảm và Hòa-Hợp với nhau, ít nhất là xích lại gần nhau, cả hai cần phải bổ túc cho nhau những tìm kiếm, và khám phá mới về Chân Lý Tuyệt Đối. Trí khôn nhân loại hữu hạn, còn Chân Lý thì vô cùng, nên không bao giờ ta có thể đạt được Chân lý toàn vẹn, hay diễn tả một cách đầy đủ, viên mãn được. Do đó, việc trao đổi kinh nghiệm, hoặc học hỏi lẫn nhau là điều hữu ích. Từ trong văn hóa, Tây Phương trong sự Phân Biệt (distinguo), nên thần học hay triết lý chủ trương về Hữu Ngã, Nhân Vị, và đề cao Siêu Việt Tính của Vị Thượng Đế. Còn văn hóa Đông Phương trọng sự Đồng Nhất, Hòa Hợp với Thiên Nhiên, nên không thích phân chia, phân tích ra nhiều phần. Tuy nhiên, khi thấy các triết gia Đông Phương ưa thích dùng những thành ngữ hay cách thức diễn tả như: “Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân), “Vạn vật nhất thể”, ... thì Tây Phương cũng chớ vội  phê phán là có “khuynh hướng phiếm thần” (pantheist), nghĩa là coi Đấng Tạo Hóa và mọi loài mọi vật đều hoàn toàn như nhau. Trừ những trường hợp thờ ngẫu tượng, hay dị đoan mê tín như: thờ Thiên Lôi, Hà Bá, Cây Đa, Bình Vôi, Cá Voi, v.v., (mà bất cứ phương trời nào, dân tộc nào trên trái đất này vẫn thấy xẩy ra, ngay tại thời đại này). Đối với các nhà Hiền Triết Đông Phương, các Vị Thánh Triết, khi dùng những kiểu nói như: Tam Tài, Lý Thái Cực, Vạn Vật Nhất Thể... không phải các nhà hiền nhân quân tử không tin có Một Nguyên Lý Tuyệt Đối vượt trên vạn sự vạn vật, còn nhân loại chỉ là loài tương đối; do đó, con người không thể đồng đẳng, ngang hàng hoàn toàn với “Trời” được. Nhưng có thể các triết gia chỉ muốn đề cao địa vị và phẩm giá của nhân loại “nhân linh ư vạn vật”, vì  Tạo Hóa đã phú bẩm cho con người những tài năng lạ lùng như thế!

Câu truyện ngụ ngôn, hài hước: “Thầy Bói sờ Voi”

Năm ông thày bói, đeo kính dâm được người ta dắt đến, vì các ông đều mù, lần lượt từng ông một, để “sờ” voi, rồi diễn tả cảm nghĩ: voi là con vật như thế nào. Sau khi mỗi ông được sờ kỹ càng một lúc lâu thì người ta dắt các ông lại “hội nghị” để cùng nhau chia sẻ, bàn luận và phát biểu cảm tưởng. Ông thứ nhất sờ vòi, thì quả quyết con voi “nó thun như con đỉa vĩ đại”; ông sờ ngà thì bảo, “nó nhẵn như đầu đòn xóc”; ông sờ tai voi, lại nói “nó phe phẩy như cái quạt”; ông sờ chân voi thì bảo “nó sừng sững như cột nha”; ông sờ đuôi voi thì bảo “nó tua tủa như chổi phủi bụi”. Ông nào cũng nói mình căn cứ vào “thực nghiệm” và nhận xét riêng của bản thân mình, cho nên mỗi ông đều quả quyết chỉ nhận định của mình, chỉ cảm nghĩ của mình mới đúng, mới là sự thật còn các nhận xét khác đều là sai lầm. Mỗi ông tự nhận mình là” đỉnh cao trí tuệ loài người”! Các ông cãi lộn một lúc lâu, không ai chịu ai cả, lại còn xỉ vả mắng nhiếc nhau thậm tệ là cố chấp, độc tài “đui mù”, “có mắt cũng như không” “ngu như bò” “dại như chó”, “dốt đặc cán mai”. Và khi tức khí đã lên cao cực độ, mặt mũi đỏ gay, thì các ông cầm gậy choảng nhau bể đầu máu chảy lai láng, khiến cho người đứng chung quanh, từ đứa trẻ con, cũng phải vừa buồn cười vừa tội nghiệp cho các ông, đã không có thể nhìn thấy cả con voi, mà chỉ mới “sờ” được có một bộ phận của con voi thật mà thôi, nên vì chủ quan quá khích, vì tự ái, nên đã gây nên nông nỗi này! Bởi vì, chỉ có Chân Lý thật mới Giải Thoát (Veritas liberat) con người khỏi chia rẽ, hận thù, ghen ghét.

Câu truyện ngụ ngôn hài hước này dạy ta một bài học quý giá! Chân lý là sự thật khách quan, không phải là cảm giác, cảm nghĩ chủ quan của mỗi người. Chân lý, nhất là Chân Lý Tuyệt Đối là cái gì cao cả, trí khôn hạn hẹp của nhân loại khó có thể đạt tới được. Muốn tới gần Chân Lý đó, ta cần nhận xét, suy tư của rất nhiều bậc tài ba lỗi lạc trong thiên hạ hợp lại, ta cũng phải có cái nhìn toàn diện, về mọi khía cạnh, cần sự góp ý, bàn luận, chia sẻ của người khác nữa. Sự dung hòa không có nghĩa là “ba phải”, “thế nào cũng được”, hoặc phải hoàn toàn từ bỏ quan điểm, niềm tin của mình, nhưng là “hòa nhi bất đồng”: chấp nhận các quan điểm dị biệt, tôn trọng và cởi mở lắng nghe lập trường của kẻ khác, khiêm nhường học hỏi những cái hay cái tốt của người khác, để giúp ta tiến lại gần Chân Lý hơn. Điều tối kị là: đừng bao giờ dùng võ lực để uy hiếp, hay áp chế bắt người khác phải theo ý kiến riêng của mình hay của bè phái mình. Ngụ ngôn “thầy bói mù sờ voi” cho ta một trận cười thật thích thú ý nhị, nhưng cũng là bài học thâm thúy về việc đi tìm sự thật toàn vẹn, vì chỉ có “Chân Lý mới GIẢI THOÁT” con người khỏi tối tăm và hận thù.

Tác giả Lm. Jos Cao Phương Kỷ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!