.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I: Linh Mục Đắc Lộ, vị sáng lập chữ quốc ngữ và xây dựng Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam

Chương II: Phương Pháp Suy Luận Đông Tây

Chương III: Nhân Tính

Chương IV: Cứu Độ

Chương V: Tình Ái

Chương VI: Quan Niệm Về Một Nguyên Lý Siêu Việt

Chương VII: Niềm Tin Vào Một Ngôi Vị Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời

Chú thích và sách tham khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo
Tác giả: Lm. Jos Cao Phương Kỷ
CHƯƠNG IV: CỨU ĐỘ

Cứu Độ là Nguyện Vọng, là Niềm Hy Vọng lớn lao sâu xa nhất của nhân loại. Hình như có cái gì bất ổn, trục trặc, lo âu, dày vò tâm trí con người. Sánh với vũ trụ bao la, con người chỉ là hạt cát nhỏ bé; tuy là cây sậy yếu ớt, nhưng lại là “cây sậy biết suy nghĩ”. Suy nghĩ về nguồn gốc, dĩ vãng, về thế giới hiện tại đang sinh sống, và về tương lai vô định. Thế giới này, nhân loại đây, cho dầu xinh tươi tốt đẹp, nhưng vẫn còn đầy khuyết điểm, bất toàn cần sửa đổi, sửa chữa. Nhất là tội ác vẫn còn tràn lan, hoành hành dữ dội. Do đó, muốn sống an vui, con người cảm thấy cần phải được cứu thoát khỏi cảnh lầm than, khổ cực này. Vì khó có thể cứu lấy mình, nên con người đã chạy đến tìm nương ẩn nơi các tôn giáo, để được hướng dẫn trên con đường giải thoát, cứu độ. Trong ĐOẠN I, ta đặt câu hỏi: Tại sao cần cứu độ ? Và các tôn giáo đã đưa ra những giải pháp cứu độ như thế nào ?

ĐOẠN I.   TẠI SAO CẦN CỨU ĐỘ?

    Mọi người chúng ta cần được cứu độ, vì sống thiếu hạnh phước về tinh thần và thể xác. Các vị được mệnh danh là “Cứu nhân Độ thế”, các vị Tiên tri, các nhà đạo đức mô tả tình trạng hẩm hiu, bất hạnh của kiếp người như sau: Con người ngụp lặn trong Đau khổ. Có bệnh mới cần chữa trị. Do đó, Đau Khổ và Cứu Độ đi đôi với nhau. Căn bịnh tinh thần sinh ra đau khổ, chính là: Tội lỗi! Cho nên muốn được giải thoát khỏi đau khổ thì phải Tỉnh ngộ. Với một niềm Tin mãnh liệt, ta hy vọng sẽ có thể biến đổi cuộc đời và kiếp người thành tốt đẹp hơn.

A.    ĐỜI LÀ BỂ KHỔ

    Đau Khổ là sự thật khách quan do thiên nhiên tạo ra, hoặc do chính con người gây ra. Bệnh tật, già nua, chết,... bão lụt, cuồng phong, động đất, cháy, v.v. là những thiên tai, khó có thể chế ngự, hay tránh được. Nhưng vẫn không nhiều và ghê gớm cho bằng những tai nạn và đau khổ do con người làm cho chính mình và cho tha nhân như: chiến tranh, loạn lạc, tù đầy, vi phạm nhân quyền, ly dị, phá thai, bóc lột, trộm cướp, chết đói, v.v. Đôi khi ta đã nông cạn và bất công qui tội cho “ÔngTrời”, cho số kiếp đã gây ra những đau khổ trên. Cuộc chết đói rùng rợn do hạn hán một phần nhỏ, nhưng do nội loạn, cướp bóc của băng đảng một phần lớn. Chiến tranh, thánh chiến giữa các giáo phái, phá thai, li dị v.v phần lớn do tính ích kỉ kiêu ngạo của con người gây ra. Ngay cả đau khổ do thiên tai cũng có thể xoa dịu, giảm bớt đi một phần nào, nhờ lòng bác ái trợ giúp, an ủi của những vị hảo tâm, khắp thế giới.

    Đau Khổ đi liền với Cứu Độ. Trong cảnh nô lệ, tù đày, dân chúng mong mỏi một vị cứu tinh xuất hiện để giải phóng quốc gia, dành lại nền độc lập tự do. Hàng ngàn hàng vạn người lớn trẻ em, “xương bọc da”, ruồi bâu đầy mặt mũi, nằm co quặp chờ chết đói, chết khát..., khát vọng mong đợi lòng thương xót của nhân loại ra tay cấp cứu.

    Kinh nghiệm về Đau Khổ, nhất là những đau khổ tinh thần, không làm ta bi quan, thất vọng. Trái lại, nó khiến ta phải nhìn nhận sự thật phũ phàng về sự bất toàn của thế giới này, và về sự hư hỏng, đồi bại của kiếp làm người cần được sửa chữa, cứu nguy. Muốn bớt khổ, ta phải hoàn thiện bản thân và thay đổi nếp sống. Chính Đau Khổ kêu gào giải phóng nhân lọai khỏi kiếp lầm than. Đau Khổ tạo niềm Tin: vì tin tưởng mãnh liệt rằng: “Sau cơn mưa, trời lại nắng”. Kinh nghiệm Đau Khổ không làm ta nhụt nhuệ khí, nhưng thôi thúc ta, nếu muốn sinh tồn, thì phải vươn lên. Ta không tự cứu được, thì nhờ người khác giúp. Nếu là công việc vượt quá khả năng nhân loại, ta cần cầu xin Ơn Trên phù hộ. Bởi đó, ý nghĩa chân thật của Đau Khổ không làm con người nản lòng, chìm đắm, nhưng giúp ta vươn tới niềm Tin Siêu Việt (66).

B.   Ý THỨC VỀ TỘI LỖI

    Có biết Khổ, mới cần Cứu Khổ. Có biết bịnh, mới cần chữa trị. Thường Đau Khổ là ác quả, ác nghiệp bởi tội lỗi sinh ra. Cho nên, muốn đem lại an vui, hạnh phúc thì phải giải thoát con người khỏi vòng nô lệ, xiềng xích của tội lỗi. Thiếu ý thức về tội ác thì không thể cứu độ được. Ngày nay một số người, nhất là giới trẻ, đã mất ý thức về tội lỗi, không còn biết phân biệt điều phải điều trái, cho nên tội ác tràn lan gây đau khổ, tang tóc khắp nơi.

    Có tội ác mới cần cứu độ. Tội Ác là một thực tại hiện hữu trong con người và ở chung quanh ta. Ta phải chứng kiến mỗi ngày, từng giây từng phút trong đời sống. Chỉ cần theo dõi tin tức trên báo chí, trên đài truyền thanh, truyền hình, cũng đủ thấy biết bao thảm cảnh do tội ác gây ra. Tin vui thì ít, nhưng “tin buồn” như li dị, phá thai, chửa hoang, du đãng, nghiện hút, đánh nhau, thù hận, kì thị... thì “rất dồi dào”! Tội ác là một huyền nhiệm khó hiểu, khó giải thích. Các tôn giáo, các triết lý đã đưa ra nhiều cách thức cắt nghĩa về bản tính hư hỏng của nhân loại như: Tội nguyên tổ (Thiên Chúa giáo), Mê lầm, Dục vọng (Phật giáo ), v.v. Trong mỗi người chúng ta như có sự giằng co, căng thẳng liên miên giữa tốt và xấu, thiện và ác. Ta làm điều thiện thì thấy khó khăn cần cố gắng, nhưng thích hướng chiều làm điều ác hơn. Kinh nghiệm cho thấy: “ăn vụng”, cảm thấy “khoái khẩu” hơn! (miễn là không bị bắt quả tang). Nhiều khi ta biết đó là điều xấu, vì lương tâm ngăn cản, ta không làm, nhưng rồi ta lại cứ làm; khi khác, ta biết việc đó là tốt, ta muốn làm, nhưng sau đó ta không làm nữa!

    Nói đến tội ác là phải đề cập vấn đề cá nhân Tự Do quyết định và hiểu biết như khi biết là điều xấu, nhưng cứ làm. Tội ác còn được phân loại: tội nhẹ và tội nặng, tội riêng cá nhân phạm và tội của tập thể đồng phạm như tội của cả gia đình, tội của cả nước, tội chung của cả nhân loại. Vì tội ác là một thực tại gắn liền với bản tính nhân loại, nên các tôn giáo cứu độ đều giảng dạy về Hỏa ngục, Âm phủ, nơi giam cầm các tội nhân cùng với Quỉ Vương Satan, chuyên Lừa đảo và Cám dỗ nhân loại vào con đường tội lỗi diệt vong. Các tôn giáo cứu độ cũng đặt ra lễ nghi Sám hối, Đền tội để giúp cá nhân hay tập thể hối hận về những lỗi lầm đã phạm và đền bù những thiệt hại đã gây ra; cũng lập ra nghi thức Xưng tội và Tha tội để tội nhân khiêm nhượng và thành tâm nhìn nhận lỗi lầm của mình và xin ơn Tha thứ. Một vài phong trào đạo đức, đôi khi vì quá bi quan về bản tính đồi trụy hư đốn của nhân loại, nên đã phác họa những bức tranh ghê gớm rùng rợn về tội lỗi và hình phạt khiến ta phải sợ mà đừng phạm tội nữa. Nhưng thiết nghĩ đối với sự yếu đuối, dễ sa ngã của con người, ta nên tỏ thái độ thương xót, khoan dung, tha thứ và cứu vớt hơn là chê ghét, kết án, hất hủi. Nên tránh hai thái độ cực đoan: một là, lương tâm bối rối, sợ tội quá đáng, khiến tâm thần bấn loạn, tuyệt vọng; hai là, mất ý thức về tội, sống hoàn toàn buông thả theo dục vọng, thú tính. Bởi vậy, muốn được cứu độ, giải phóng khỏi xiềng xích của tội ác, ta phải có lương tâm ngay lành, biết phân biệt điều phải, điều trái và cố gắng làm điều thiện, tránh điều ác (67).

C.   TỈNH NGỘ, HỐI CẢI, CANH TÂN

    Không nhận lỗi hoặc biết có tội nhưng ngoan cố không chịu sửa đổi, thì không thể có tha thứ, cứu độ được. Đấng Tạo Hóa không cần “hỏi ý kiến” khi dựng nên ta. Nhưng nếu muốn cứu độ ta thì cần sự tự do đáp ứng của ta. Do đó, hối cải là điều kiện cần thiết để lĩnh ơn Cứu Độ. Đây là giai đoạn gây cấn nhất trong đời sống, đòi buộc ta phải “lột xác”, từ bỏ con “người cũ” hư hỏng để trở thành con người mới. Theo gương các nhà đạo đức, các vị thánh nhân, ta như phải “chết” cho “cái Tôi” ích kỉ, cho cái “Giả Ngã” đắm chìm trong dục vọng, để như sống lại với con người đổi mới hoàn toàn, với cái “Chân Ngã” tinh tuyền. Trong phương pháp tu đức, nhờ chuyên chú vào việc suy niệm, tĩnh tọa, tĩnh tâm... ta có thể tiến tới trạng thái xúc cảm mãnh liệt có sức mạnh thiêng liêng hoán cải hoàn toàn (Metanoia ) tâm hồn, giúp ta nhìn thấy rõ Chân Lý của cuộc đời .

    Con người đã được đổi mới, dã được giác ngộ, từ nay sống đời sống mới. Tuy bề ngoài, cách sinh hoạt vẫn giống như mọi người khác, nhưng ý nghĩa đối với cuộc đời, hoàn toàn khác xưa. Tình tư dục lăng loàn, cái tôi tham lam ích kỉ đã bị tiêu diệt, nhường chỗ cho mối thiện tâm tự do phát triển. Từ nay, con người đã được tỉnh ngộ, hoàn toàn sống cho lý tưởng mới. Do đó, nếu không thật sự đổi mới, thì không thể lĩnh ơn Cứu Độ được. Nếu hột lúa gieo xuống đất không mục nát đi thì nó không thể sống lại, nẩy nở thành cây lúa mới, trổ thêm nhiều hột lúa mới. Đời sống con người cũng vậy, cần phải “chết” đi cho dĩ vãng đen tối, để “sống lại”, hiên ngang, tự do trong đời sống mới, đạo đức, thánh thiện.

D.   NIỀM TIN SIÊU THOÁT

    Kinh nghiệm “Đời là bể khổ”, và “bản thể hư hỏng” của con người, không phải là quan niệm bi quan, chán đời, tuyệt vọng. Trái lại, vì đau khổ nên con người mới vùng lên để được giải thoát khỏi kiếp lầm than. Tự thâm tâm, con người ý thức được số phận của mình, nên tin tưởng mãnh liệt rằng sự Cứu Độ có thể thực hiện được. Bởi vì, mọi sự vật trên vũ trụ này, cuối cùng, đều có một chủ đích và được nâng đỡ để lĩnh ơn Cứu Độ. Có Khổ mới cần cứu giúp cho hết khổ. Đau Khổ chỉ là phương tiện, Cứu Độ mới thực sự là cùng đích của cuộc đời. Con người phải vượt trên mọi phương tiện, trên Đau Khổ để tiến tới Giải Thoát, Cứu Độ Con người đau khổ, tự đáy tâm hồn, luôn ước vọng siêu thoát vào nơi cực lạc như Toà Sen, Niết bàn, Thiên đàng... Con người luôn vượt “cái Tôi” hạn hẹp nhỏ bé, để siêu thoát và đặt niềm tin vào một Quyền Lực Siêu Việt ra tay phù giúp, cứu độ. Bởi đó, chính sự Đau Khổ và lòng ước vọng giải thoát đã tạo nên niềm tin vào một Đấng Siêu Việt, cứu nhân độ thế, thi ân giáng phúc. Lòng mong đợi một Đấng Cứu Thế, một Vương Quốc Thái Bình thịnh trị, một miền Tây Cực Lạc, một Thiên Đàng Vĩnh Phúc, vẫn là những giấc mơ, những ước vọng lớn lao của nhân loại xưa nay (68).

ĐOẠN II.   CỨU ĐỘ TRONG PHẬT GIÁO

    Phật Thích Ca đã căn cứ vào kinh nghiệm hiện hữu để tìm ra con đường Cứu nhân Độ thế. Ngài vốn là con vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích ca (Sakya), nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), miền trung Ấn Độ. Ngài sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, cưới vợ đẹp, chung quanh toàn là những bậc quý tộc giầu sang. Nhưng một hôm, ra ngoài hoàng thành dạo chơi miền thôn dã, Ngài đã phải kinh ngạc vì nhìn thấy tận mắt những cảnh tượng rùng rợn phơi bầy ra khắp lề đường: nào người chết, già nua, bệnh tật, kẻ hành khất đói khát. Thực tại phũ phàng đó khiến Ngài rất cảm động, buồn sầu, và suy tư. Mặc dầu bị vua cha ngăn cản, Ngài quyết từ bỏ cảnh giầu sang giả dối nơi cung điện để tìm con đường cứu giúp người đau khổ. Lang thang khắp mọi nơi, tìm kiếm các vị tu khổ hạnh để thụ giáo, nhưng Ngài vẫn chưa tìm ra ánh sáng Chân lý! Một hôm đến bờ sông Ni Liên Thuyền (Nackayaur), được nàng mục nữ đem sữa dâng cúng. Ngài dùng xong, thấy thân thể khỏe mạnh, xuống sông tắm, rồi lên ngồi dưới gốc cây đại thụ Bồ đề (Bodhi) để nhập định. Một đêm, bỗng hốt nhiên tỉnh ngộ, thành Phật (Buddha). Do đó, chữ “Phật” không phải là “tên riêng”của một người, nhưng là danh từ chung chỉ người được giác ngộ. Bất cứ ai cũng có thể “thành Phật” được, nếu được giác ngộ! Vì thế, danh từ Phật có nghĩa là Tỉnh Ngộ. Sau khi hoàn toàn giác ngộ, thành Phật, thành Đạo, đắc Đạo nghĩa là đã tìm ra cái chân tướng của cuộc đời, Ngài đi chu du khắp miền sông Hằng (Gange) để thuyết pháp. (69).

    Cái Chân lý sâu thẳm Ngài tìm thấy khi tỉnh ngộ, thành Phật, chính là: đời là Khổ. Đó là một kinh nghiệm thực tại không thể chối cãi được! Nhưng không chịu bó tay! Chính vì đời là Khổ, nên phải ra tay Cứu khổ, Diệt khổ, và phải cố gắng tìm ra nguyên nhân phát sinh ra Khổ. Hy vọng sẽ được giải thoát khỏi Khổ, nếu theo con đường tu luyện dẫn đến Niết bàn.

    Trong Đoạn II này, ta sẽ đề cập đến giáo lý căn bản nhất của Phật Thích Ca về Cứu Độ là: “Tứ Diệu Đế”, tức là bốn Chân lý nền tảng của Phật Giáo. Trong mỗi đoạn, ta sẽ giải thích từng Chân lý như: Khổ Đế là gì? Tập Đế đã dùng những lý thuyết về Nghiệp Báo, Luân Hồi, Thập Nhị Nhân Duyên, để giải nghĩa như thế nào? Diệt Đế hay Niết Bàn là gì? Sau cùng, Đạo Đế, tức Bát Chính Đạo là con đường dẫn tới Giải Thoát.

    Chữ “Đế” có nghĩa là Chân lý. “Tứ Diệu Đế” là bốn chân lý huyền diệu mà Phật Thích Ca cảm nghiệm được khi tỉnh ngộ. Đây là những chân lý nền tảng, là tinh hoa và đặc điểm của Phật giáo. Tứ Diệu Đế là một lý luận đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, và thực tế về một chương trình tu luyện trung dung, để giúp giải phóng con người thoát khỏi cảnh lầm than đau khổ, nhất là chữa bệnh tinh thần cho nhân loại. Kế hoạch Cứu độ này gọi là “Trung Đạo”, vì tránh hai thái cực: một là thái độ ăn chơi phóng đãng trụy lạc của người đời, hai là đời sống tu trì quá khắc khổ, hành hạ thân xác của giới đạo sĩ thời bấy giơ. (70).

A.   KHỔ ĐẾ

    Có thể nói: Khổ là cái gì hiển nhiên, quá thông thường nên hầu như người ta chẳng thèm để ý tới nữa. Nhưng nếu suy nghĩ một chút, ta sẽ thấy con người đau khổ về nhiều phương diện. Như Phật Thích Ca nhận định: sinh, bệnh, lão, tử là Khổ. Có những đau khổ do thiên tai gây nên như bão, lụt, hỏa hoạn, v.v., nhưng phần lớn những đau khổ là do chính con người gây ra như: chiến tranh, trộm cướp, giết người, v.v., những đau đớn về vật chất, thể xác như: đói khát, bịnh tật, v.v. Nhưng sự đau khổ về tinh thần mới thật lớn lao như: cái ta ưa thích thì không được, điều ta ghét bỏ thì phải hứng chịu. Ta đau khổ trong tâm hồn, vì cuộc đời bấp bênh, trôi nổi, lúc tan lúc hợp, biến chuyển không ngừng, không có gì là bền vững trên thế giới này như văn chương Việt nam có câu:

“Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương!” (Cung oán)

    Nói tóm lại, Khổ mà Phật Thích Ca nói đây là cái Khổ tâm lý, là những xúc động, cảm động tâm lý khiến tạo những tình cảm như yêu thích, ghét bỏ, lo lắng, ưu phiền, sợ hãi. Phật không thể “giải thoát” ta khỏi: sinh, bịnh, lão, tử, theo nghĩa vật chất, thể lý được vì chính Phật cũng phải chịu những cảnh đó. Nhưng Phật chỉ đề ra những phương thế giúp ta thoát khỏi những phiền não, ưu tư trong tâm lý mà thôi. Nhân loại đau khổ do tình cảm Yêu/Ghét gây ra nhiều hơn là đau đớn về bịnh tật, chiến tranh, đói khát. Thương yêu một người mà không lấy được người ấy, ghét cay ghét đắng mà phải chung sống suốt đời! Thật là khổ sở! Đời người “già” đi là chuyện thường tình. Nhưng sao lại quá lo lắng để “dấu tuổi”? Thân xác béo tốt phương phi, nhưng tâm hồn thì khô héo, lo âu vì tội lỗi! Giầu, nghèo, ai cũng mang những nỗi khổ riêng trong tâm hồn. Vì cái Khổ tâm lý do tình cảm Yêu/ Ghét gây ra đã gắn liền với bản tính nhân loại, cho nên ta phải kết luận rằng: loài người đau khổ vì bản tính đã ra hư hỏng, cần có thuốc chữa trị! (71).

B.   TẬP ĐẾ

    Muốn chữa bịnh cho thân thể, y sĩ cần tìm ra nguyên nhân đã gây ra căn bịnh như các con vi trùng, vi khuẩn, v.v. Chữa bịnh về tâm lý, tâm thần cũng vậy. Phật Thích Ca cho rằng những sự Khổ não trong tâm hồn con người đều do một căn nguyên mà phát sinh ra, đó là Dục Vọng, tức là lòng ham muốn của nhân loại. Ba thứ ham muốn làm ta phải đau khổ: một là, ham muốn về giác quan, nhục dục như ăn uống và tính dục (sex). Hai là, ham sống. Chữ “sống” ở đây không có nghĩa đời sống thường, nhưng là đời sống tình cảm, là những cảm xúc do tình cảm yêu, ghét tạo ra trong tâm hồn, làm ta mất sự bình an. Ba là, ham muốn tích trữ của cải giầu sang. Phật Thích Ca đã dùng những quan niệm như: Karma (Nghiệp), Samsara (Luân hồi), luật Nhân-Quả, Thập Nhị Nhân Duyên, để giải nghĩa thêm quan niệm: Dục Tình, Dục Vọng hay lòng Ham Muốn là nguyên nhân sinh ra Khổ.

    1. NGHIỆP (Karma)

    Ta nên biết rằng những lý thuyết như Karma, Samsara, luật Nhân-Quả là những quan niệm đã có lâu đời trong tư tưởng triết lý và tôn giáo của Ấn Độ, trước khi Phật ra đời. Do dó, Phật không sáng tác, nhưng đã mượn những lý thuyết của người đương thời để biện minh cho học thuyết của mình.

    Theo triết lý Ấn Độ, Karma, dịch là Nghiệp, có nghĩa gì? Karma ít nhất có ba ý nghĩa thông dụng:

     a.  KARMA, NGHIỆP là gì?

    Theo nguyên tự, KARMA, nghĩa là một hành động, hành vi thông thường như: ăn, ngủ, đi lại, v.v. Nhưng trong tôn giáo luân lý, chữ Karma chỉ một hành vi có giá trị luân lý tốt hay xấu. Ví dụ: hành vi xấu thuộc ngũ giới như: Sát sinh, đạo tặc, tà dâm, vọng ngữ, tửu, đều có Karma. Những hành động tốt như làm phúc bố thí gây nên thiện nghiệp. Không chỉ hành vi sinh ra Nghiệp, mà cả ý nghĩ (ý nghiệp), và lời nói (ngữ nghiệp) cũng tạo ra Karma.(72).

     b.  Luật Nghiệp-Báo

    Theo nghĩa luân lý, Karma, Nghiệp, trở thành một Luật: đó là Luật Nghiệp-Báo, nghĩa là bất cứ hành vi luân lý nào, tốt hay xấu đều có báo ứng, có thưởng hay phạt. Theo triết lý Ấn Độ, Luật Nghiệp-Báo là Luật phổ biến, bất di bất dịch của vũ trụ như Luật Trọng lực (gravity). Vì bị Luật Nghiệp-Báo chi phối, nên hiện giờ ta phải trả giá cho những việc đã làm trong quá khứ và ta sẽ phải trả giá trong tương lai cho những việc ta đang làm bây giờ. Những việc xấu gọi là “ác nghiệp”, việc tốt là “thiện nghiệp”, việc đã làm là “túc nghiệp”, việc đang làm là “hiện nghiệp”. Nghiệp còn chia: “tự nghiệp” nghĩa là tự mình tạo ra nghiệp cho mình, và ảnh hưởng đến người khác, “cộng nghiệp” là nghiệp chung của cả xã hội cộng lại, và ảnh hưởng trên cá nhân như câu ca dao: “Anh hùng tạo thời thế”, hoặc “thời thế tạo anh hùng”. Nghiệp không bị thời gian hay không gian hạn chế, không phải chỉ riêng cho mỗi cá nhân, nhưng có Nghiệp của cả gia đình, và Nghiệp chung cho cả nước nữa. Tóm lại, Luật Nghiệp-Báo là Luật luân lý phổ biến chi phối mỗi cá vật và toàn thể vũ trụ nữa. Tất cả sáu môn phái triết lý Ấn Độ, kể cả môn phái của Phật Thích Ca và Jainas, cũng đều công nhận Luật Nghiệp-Báo. Luật Nghiệp-Báo là tự động, tự trị hay do Đâng Tối Cao (Tạo Hóa) chỉ huy, kiểm soát? Những môn phái triết lý như: Jaina, Sankhya, Mimamsa, và Phật Thích Ca cho rằng Luật này có tích cách tự trị. (73).

    c.  Ai bị Luật Nghiệp-Báo chi phối?

    Theo triết lý Ấn Độ, những người chưa được Giải thoát khỏi Dục vọng, lòng Ham muốn thì vẫn bị Luật Nghiệp-Báo điều khiển, vì họ vẫn còn nghĩ, làm, nói chiều theo những xúc động tình cảm yêu/ghét gây ra. Họ có thể làm điều tốt như bố thí, nhưng do lòng vị kỷ, óc tư lợi, tình yêu thích mà ra. Họ đã tạo nên “thiện nghiệp” để khi “tái sinh” thì được thưởng công, được làm “thần thánh”, nhưng ngay cả bậc “thần thánh”, theo niềm tin bình dân, cũng chưa hoàn toàn được giải thoát khỏi Dục vọng. Do đó, chỉ có một hạng người được thoát khỏi Luật Nghiệp-Báo chi phối là những ai đã được Tỉnh ngộ, đã hoàn toàn Diệt Dục, nghĩa là công việc họ làm hoàn toàn vô tư, không hy vọng thưởng hay phạt, có công hay không có. Nếu có chăng, đó là sự bình an trong tâm hồn, vì đã làm điều nghĩa! Những hành vi vô vị lợi, nghĩa là đã vượt trên Dục Tình ích kỷ Yêu/Ghét, giống như cái hột đã khô héo, không còn đủ sức sinh ra hoa quả mới nữa!

     2.  LUÂN HỒI (Samsara).

    Theo triết lý Ân Độ, chữ Samsara có nghĩa là trôi nổi, linh đinh, vô định như “cánh bèo trên dòng nước”, như “hoa trôi man mác biết là về đâu” (Kiều). Con người xiêu bạt vô định không phải do tự động, nhưng vì bị lôi cuốn, bị hấp dẫn bởi những đối tượng của giác quan, bởi Dục vọng tham lam những khoái lạc do sự vật bên ngoài gây nên. Sự trôi nổi liên miên từ đời nọ sang đời kia, gọi là “Luân Hồi”, Samsara. Do đó, có chữ “Tái sinh” (rebirth), vì chết không phải là hết, là chấm dứt đời người! Nhưng đời sống hiện tại (hiện nghiệp) vừa là kết quả của đời sống quá khứ (túc nghiệp), vừa là nguyên nhân cho kiếp sau. Đời sau này, vừa là kết quả của đời hiện tại, vừa là nguyên nhân cho đời kế tiếp, cứ như vậy chạy quanh không ngừng. Bánh xe Luân Hồi, sinh, tử, tái sinh vận chuyển luôn mãi! Đó cũng gọi là chuỗi Nhân-Quả dài vô tận! (74).

     Tái sinh là gì? Tại sao có lý thuyết Tái sinh? Trong triết lý Ấn Độ, con người có nhiều kiếp sống khác nhau, ở quá khứ xa xăm, ở hiện tại, và còn rất nhiều trong tương lai. Đó là quan niệm “đầu thai, lộn kiếp” (reincarnation). Ngoài đời sống hiện tại, một người có thể đầu thai trở thành nhiều kiếp sống khác như làm thần thánh, người khác, quỉ, làm súc vật như câu: “làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” (Kiều) (nghĩa là, vì nợ tình đối với người yêu, nếu đời này chưa đền  được thì nguyện kiếp sau chịu phạt  làm súc vật để trả nghĩa lại). Lý thuyết tái sinh giúp giải đáp ba thắc mắc của người bình dân Ấn như: Tại sao có sự chênh lệch, không công bằng trên đời này, như kẻ giầu, người nghèo, kẻ đau khổ, bịnh tật hơn nguời khác? Thưa, kiếp hiện tại là kết qủa của kiếp trước. Nếu kiếp này khổ là vì kiếp trước đã có ác nghiệt, nên báo ứng ở kiếp này. Tại sao phải lánh dữ, làm lành ở đời này? Có luân lý hay không? Tại sao người làm ác thì giầu sang, kẻ hiền đức thì đói khổ?  Thưa, kiếp sau sẽ biết: kẻ lành được thưởng, người dữ bị phạt! Có thể trở thành thánh nhân, hoàn toàn thánh thiện ở đời này không? Thưa, khi chết, không ai dám tự phụ coi mình đã vẹn toàn, nhưng còn cần lập nhiều công phúc ở những kiếp khác nữa!

    Ngoài ý nghĩa trên, Tái sinh ở nhiều kiếp sống khác nhau, Tái sinh còn nghĩa tâm lý nữa! Theo triết lý Ấn Độ, thì các hiện tuợng trong vũ trụ, đặc biệt của con người, đều là những biểu hiện của cái TÂM mà ra. Cái Tâm đầy Dục vọng nên phát hiện ra bên ngoài những ý nghĩ, lời nói, việc làm xấu. Trái lại, cái Tâm tốt, sẽ biểu lộ ra bằng ý nghĩ, lời nói, việc lám tốt. Có thể nói: cái Tâm là nơi chất chứa các ký ức tốt xấu, ác nghiệp, thiện nghiệp mà danh từ triết lý gọi là Tâm Thức, Tiềm Thức, Tạng Thức, Bát Thức, Nghiệp Thức hay A-lai-da Thức (Alaya-Vijnana). Thức này Tập họp tất cả các Nghiệp của vạn vật (vạn pháp) và của ta. Đó là nơi kết Tập lại các Nghiệp quá khứ, hiên tại, tương lai. Do đó, muốn sửa đổi, muốn thanh luyện cái Tâm, thì không cần phải “tái sinh, lộn kiếp”, nhưng có thể thực hiên ngay ở kiếp hiện tại. Chữ “Tái sinh”này có nghĩa tâm lý, vì là thay đổi tâm trạng con người thoát khỏi vương vấn, trói buộc của Dục tình .

    Phật Thích Ca, khi mượn triết thuyết Ân Độ để áp dụng cho triết lý riêng, Ngài đã theo ý nghĩa tâm lý đối với chữ Karma và Tái sinh, vì chỉ có nghĩa tâm lý này mới thích hợp với ý nghĩa của “Tứ Diệu Đế” mà thôi. Ngài không muốn bàn luận gì về đời trước hay đời sau, nhưng chỉ chú trọng vào việc giải thoát con người ở đời này, và bây giờ. Không cần đầu thai kiếp sau làm con heo! “Con heo” ở đây theo nghĩa bóng là “lợn lòng” (không phải "lòng lợn", "lòng heo"), là một Tâm trạng, đó là lòng ham mê nhục dục, cần phải thanh tẩy khỏi Tâm Trí ngay bây giờ, nếu muốn được an vui trong Tâm thần, khỏi dâm dục ám ảnh, quấy nhiễu(75).

    Nhưng tại sao trong Kinh Điển đã ghi chép những lời Phật Thích Ca giảng dạy, và Ngài đã kể những truyện cho dân chúng nghe về việc Tái sinh từ đời này sang đời kia? Tại sao Phật giáo bình dân vẫn tin ở viêc luân hồi lộn kiếp, và còn cho rằng Phật đã có 550 tiền kiếp? Tại sao Ngài không cấm đoán? Có phải Phật giáo bình dân khác với Phật giáo chính thống không? Để giải đáp thắc mắc đó, các nhà nghiên cứu Phật học cho rằng Phật đã dùng phương pháp Upaya, nghĩa là tuỳ cơ ứng biến, tuỳ bịnh cho thuốc, “tuỳ căn cơ mà thuyết pháp”. Mục đích là giải thoát con người khỏi Dục vọng. Là một nhà giáo dục, Ngài hiểu biết tâm lý của đám bình dân, và muốn dùng những giá trị cổ truyền để trình bày một học thuyết mới. Ngài chỉ giảng dạy giáo thuyết chính thống cho những ai sẵn sàng lĩnh hội được mà thôi! Đối với người bình dân, trình độ hiểu biết còn thấp thì Ngài dùng lối cắt nghĩa thông thường, miễn là giúp họ đạt được cứu cánh là sự giải thoát khỏi vòng Luân hồi, Nghiệp-Báo! (76).

     3.  LUẬT NHÂN-QUẢ. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN.

    Trong đoạn này, ta sẽ bàn luận về mối quan hệ giữa các Karma, Nghiệp với nhau như thế nào, để làm nên Chuỗi Nhân-Quả. Tại sao Vô minh là nguyên nhân đầu tiên sinh ra đau khổ?

     a.  Danh từ: Nhân, Quả, Duyên.

    Nhân là hột giống có năng lực sinh ra Quả. Ở đây, chữ Nhân, Quả theo nghĩa bóng chỉ những sự vật làm nguyên Nhân để tạo điều kiện sinh ra một sự vật khác như kết Quả. Duyên là gì? Duyên là sự vật hỗ trợ giúp cho Nhân sinh ra Quả. Như hột lúa là Nhân sinh ra cây lúa là Quả, thì đất, nước, phân bón... trợ giúp cho hột lúa thành cây lúa, gọi là Duyên. Chỉ có Nhân mà không có Duyên, thì không sinh ra Quả được. Cho nên khi nói đến Nhân, phải hiểu ngầm có cả Duyên đi kèm. (77).

     b.  Thập Nhị Nhân Duyên

    Thập Nhị Nhân Duyên là một Chuỗi 12 vòng xích Nhân-Quả, liên quan lệ thuộc lẫn nhau, cái này là Nhân của cái kia là Quả, đồng thời cái Quả lại là Nhân của cái kế tiếp là Quả của nó. Chuỗi Nhân-Quả luân chuyển không ngừng giống như bánh xe quay! Đó là Thuyết Nguyên Do Tương Thuộc (Theory of Dependent Origination). Tại sao có thuyết này? Nguyên Nhân đầu là gì?

    Vạn sự vạn vật trong vũ trụ, kể cả con người, không vật nào có bản tính riêng biệt, nhưng bất cứ vật nào cũng phải lệ thuộc vào vật khác như điều kiện để phát sinh ra nó. Bất cứ hiện tượng nào xẩy ra cũng phải có nguyên lai gây nên. Các nhà Phật học đã áp dụng thuyết đó để tìm duyên do của sự đau khổ như sau: Kinh nghiệm thực tại cho thấy, già nua, bịnh tật, lo lắng, cô đơn, thất vọng, thất tình, chết là Khổ (Jara-marana). Vậy Khổ bởi đâu mà ra, phải có duyên do, nguyên Nhân. Có Khổ (12), là vì có Sinh (11). Khổ là Quả, mà Sinh là Nhân. Nếu ta đã không sinh ra, thì làm sao còn thấy Khổ được! Sinh (jati) lại dựa vào điều kiện phát sinh ra nó. Có Sinh, vì có Hữu (bhava) (10), là khuynh hướng muốn trở nên một cái gì. Sinh lại là Quả của Hữu là Nhân. Có Hữu, vì có Thủ (upadana) (9), là bám bíu vào các sự vật ở đời này, khiến ta ham muốn sống. Có Thủ, vì có Ái (trsna) (8), là khát vọng hưởng thụ các sự vật,tai nghe, mắt thấy. Có Ái, vì có Thụ (vedana) (7), là những cảm giác khoái lạc do ngũ quan gây nên, làm ta khao khát. Có Thụ, vì có Xúc (sparsa) (6), là sự tiếp xúc với các đồ vật. Có Xúc, vì có Lục nhập (sada-yatana) (5), là năm ngũ quan và manas (ý thức) hay là nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, va chạm với cảnh vật. Có Lục nhập, vì có Danh Sắc (nama-rupa) (4), là Tâm thức (nama) và thân thể, giác quan (rupa) giúp con người nhân thức được sự vật. Có Danh sắc, vì có Thức (vijnana) (3), là ý thức. Thức ở đây là Alai-a Thức, là Tâm Thức, Tiềm Thức, nơi tập họp, chứa chấp các “Nhân”, các hột chủng tử để sinh ra ta và vạn vật. Nhưng Thức đầu thai trong lòng mẹ chỉ là Quả của Hành (samskara) (2), là tình trạng sau cùng của đời dĩ vãng, tập họp tất cả các Quả của quá khứ để tạo điều kiện cho đời hiện tại sắp sửa xuất hiện. Có Hành, vì Vô Minh (avidya) (1), là ngu dốt không biết được chân lý về bản thân ta và về vũ trụ. Chính Vô Minh, sự Mê Lầm đã la nguyên Nhân, là động cơ đầu tiên tạo nên Tái sinh, Luân hồi. (78).

     c.  Vô Minh Là Gì?

    Theo triết lý Ấn Độ, ý niệm Avidya, được dịch nghĩa là Vô Minh. Vô Minh là không biết rõ ràng, thông suốt, là Mê Lầm về bản thể của ta và của vũ trụ. Vô Minh là chưa Tỉnh Ngộ. Hết Lầm lạc, được hoàn toàn Tỉnh Ngộ thì gọi là Bodhi, Bồ đề. (Vì thế, Gautama Tỉnh Ngộ thành Phật ở dưới gốc cây, nên mới gọi cây ấy là cây Bồ đề). Vì Mê Lầm mà sinh ra Tái sinh, Luân hồi, Nghiệp Báo, đau Khổ. Tỉnh Ngộ, Giác Ngộ, hay Giải thoát (Mukti, Moksa), là chặn lại Bánh xe Luân hồi. Giải thoát là trạng thái hoàn hảo, hạnh phúc, hết mọi lo lắng ưu phiền. Đối với một số nhà tư tưởng Ấn Độ như Jainas, Sankhyas, Advaita Vedantins và Phật Thích Ca, thì Giác Ngộ, Giải Thoát có thể thực hiện được, ngay bây giờ và ở đời này (hic et nunc).

    Khi mượn ý niệm Avidya, Vô Minh của triết lý Ấn Độ để áp dụng vào việc giải thích nguyên nhân sự đau khổ, Phật đã tiến xa hơn chân lý trong Tứ Diệu Đế. Thật thế, đời là Khổ. Nhưng tại sao Khổ? Vì Dục Tình, Dục vọng, Ham muốn! Tại sao Ham muốn? Vì Vô Minh, Mê Lầm không hiểu rõ về bản thể chân thật của ta và của vũ trụ. Do đó, nguyên nhân sâu thẳm của đau khổ, chính là Vô Minh. Thế nào là Mê Lầm về bản thể thật của ta và của vũ trụ? Mọi sự trong vũ trụ là tan hợp hợp tan thay đổi liên miên, là Vô Thường, nghĩa là không có gì là”thường hằng bất biến”. Cả con người cũng vậy! Chẳng có Bản Ngã, chẳng có cái “Tôi”, nhưng là “Vô Ngã”. Ta Khổ, vì Ngộ nhận Lầm lạc! Đáng lẽ ra phải coi đời là Vô Thường, thì lại cho đời là Thường Trụ (không thay đổi); đáng lý phải nhìn nhận tâm thân ta là sự tập họp của Nhân-Quả, nên biến chuyển luôn luôn, Vô Ngã, thì ta lại bám bíu vào cái “Tôi” bất biến, Chấp Ngã! Vì Chấp Ngã, nên phân biệt Tôi khác với Tha Nhân, Bạn-Thù, Yêu-Ghét, Đó là cái “Tâm-sai-biệt”, Óc kỳ thị (discriminatory), Thức Nhị Nguyên (dualist conscience). (79).

     d.  Bản Tóm Lược 12 Nhân Duyên

    Các nhà nghiên cứu về Phật học cho rằng: thứ tự và số 12 Nhân Duyên thay đổi trong các bài giảng của Phật. Có thể là vì “tam sao thất bản” chăng? Giả thiết là các Nhân Duyên phải tương thuộc lẫn nhau, nhưng sự liên hệ từ vòng này sang vòng kia không rõ ràng nhất thiết phải xẩy ra như vậy. Khi giảng thuyết, Phật Thích Ca thường trình bày học thuyết một cách đơn sơ dễ hiểu cho người bình dân. Do đó, người ta nghi ngờ không biết Phật Thích Ca có thật sự dùng hình thức rắc rối khó hiểu của Thập Nhị Nhân Duyên để truyền đạt tư tưởng không? Lại nữa, căn cứ vào cách nối kết giữa các vòng Nhân-Quả, người ta có thể chia 12 Nhân Duyên ra: đời quá khứ, vòng 1, 2; đời hiên tại, vòng 3 tới 10; đời tương lai, vòng 11, 12. Nhưng như đã nhận định ở trên, Phật Thích Ca không ám chỉ sự Tái sinh ở các đời trước hay sau khi chết, nhưng 12 Nhân Duyên là những Tâm trạng, Tâm Tình khác nhau trong một đời người ở thế giới này, có thể xẩy ra ngay bây giờ.

(1) Vô Minh (Avidya)

(2) Hành (samskara): Đời Quá Khứ

(3) Thức (vijnana)

(4) Danh-Sắc (nama-rupa)

(5) Lục-Nhập (sadayatana)

(6) Xúc (sparsa)

(7) Thụ (vedana)

(8) Ái (trsna)

(9) Hữu (Upadana)

(10) Thủ (bhava): Đời Hiện Tại

(11) Sinh (jati)

(12) Lão,Tử (jara-marana): Đời Vị Lai

C.   DIỆT ĐẾ: NIẾT BÀN

    Đây là điểm quan trọng nhất trong Tứ Diệu Đế, vì cả ba chân lý, Khổ Đế, Tập Đế, Đạo Đế, đều có một mục đích là dẫn đến sự Giải Thoát, Tỉnh Ngộ tức là diệt được đau khổ, diệt hết Nhân-Quả, Nghiệp-Báo, để nhập Niết Bàn. Ta sẽ bàn rộng ý nghĩa siêu hình của Niết bàn ở đoạn sau. Bây giờ ta thử định nghĩa Niết Bàn là gì? Niết Bàn theo phái Tiểu thừa và phái Đại thừa khác nhau thế nào? (80).

     Niết Bàn, âm ra bởi tiếng Phạn (sanscrit) là Nirvana,hay tiếng Pali, là Nibbana. Niết Bàn là danh từ phổ thông chỉ sự Giải thoát khỏi đau khổ. Theo nguyên tự, Nirvana có nghĩa là tiêu diệt, vắng lặng, bình an, “nguội đi”. Ở đây, hiểu nghĩa là các Dục vọng, Dục tình nóng hổi, thiêu đốt tâm can, phải nguội đi để tâm hồn được phẳng lặng bình an không bị khấy động.

    Niết Bàn không nên hiểu theo nghĩa thụ động, tiêu cực, bi quan. Nhập Niết Bàn không phải là vào cõi hoàn toàn hư vô, là tiêu diệt sự sống! Chỉ diệt đời sống Dục Vọng nung nấu thôi, còn con người đã được Tỉnh ngộ vẫn tồn tại.

    Trong Phật học, ta lại gặp thấy ý niệm về Nirvana gồm hai nghĩa như khi tìm hiểu chữ Samsara, Luân-hồi, Tái sinh. Theo phái Tiểu Thừa và người Phật tử bình dân, thì Niết Bàn là một cõi sống hoan lạc sau khi chết. Do đó, mới có quan niệm “xuất thế”, xa lánh cuộc đời phồn hoa quyến rũ, để vào nơi tịch mịch thanh vắng mà tu hành, tu Định (Thiền Định). Khi tu Định, nghĩa là dập tắt được lửa Dục vọng, thì nhập Niết Bàn “tương đối, tạm thời” ở đời này. Chỉ sau khi chết, khi ngũ căn, lục thức bị tận diệt, thì mới vào được Niết Bàn vĩnh viễn, tuyệt đối. (tục lệ tự thiêu hay thiêu thân là để trừ diệt căn thân, nguồn gốc của mê vọng, không cho hóa kiếp nữa!

    Vì Phật Thích Ca luôn giữ thái độ “im lặng” không bàn đến những gì sẽ xẩy ra ngoài đời sống hiện tại, nên phái Đại Thừa cho rằng Niết Bàn có thể thực hiện ngay ở đời này, không “xuất thế”, nhưng cần “nhập thế”. Niết Bàn chỉ là Tâm trạng thanh lọc hết những Dục Vọng vương vấn để Tâm Hồn hoàn toàn tự do, an bình, phẳng lặng. Đó là Tâm trạng viên mãn, trưởng thành của các vị đã được Tỉnh Ngộ, thành La hán (Arhat). Từ Tình trạng Samsara, Luân Hồi đổi sang Niết bàn, xẩy ra ngay ở đời hiện tại trong Tâm Trí mỗi cá nhân. Đấy là sự biến đổi về trình độ Ý thức Giác Ngộ, từ hiện tượng Mê Lầm hoàn toàn bị Dục Vọng quấy phá, đột ngột biến sang Tỉnh Ngộ do Trí Tuệ Bát Nhã (Prajna) thông hiểu chân lý của cuộc đời.

    Nhưng cũng có nhà Phật Học giải thích rằng: Phật không đề cập đến số kiếp sau khi chết, thì không có nghĩa Phật cho rằng “chết là hết”, là hoàn toàn hư vô, trống rỗng, không còn gì nữa! Nhưng, khi chết rồi, các vị đã được Tỉnh Ngộ vẫn còn tồn tại cách nào đó mà ta không biết được rõ ràng, vì kinh nghiệm Niết Bàn là kinh nghiệm riêng, không thể truyền đạt, diễn tả dược, nhưng chỉ ai đã kinh nghiệm mới cảm thấy mà thôi.

    Cũng có nhà nguyên cứu Phật học cho rằng: trong thâm tâm, có thể Phật không tin linh hồn sẽ tồn tại sau khi chết. Nhưng vì chúng sinh rất sợ sự hư vô trống rỗng, nên Phật đã tránh, không trả lời thẳng câu hỏi của đồ đệ về số phận các vị La hán (đã được Tỉnh Ngộ), sau khi chết. Nếu nói thẳng ra sự hiểu biết của mình, sợ rằng chúng sinh sẽ thất vọng mà không muốn thực hành Đạo của Ngài nữa. Và như thế, là “ giết chết” người ta. (81).

    Giả thiết Phật Thích Ca  không muốn bàn luận  về số kiếp tương lai của những ai đã được Tỉnh Ngộ sau khi chết, thử hỏi việc nhập Niết Bàn ở đời này có ích lợi gì không? Nếu bao đau khổ trên đời này là do Dục vọng và Mê lầm về bản tính con người và vũ trụ gây nên, thì việc Diệt Dục, phá Tái sinh, Luân hồi để nhập Niết bàn sẽ đem lại Tâm trạng thư thái, bình an, vui tươi thản nhiên cho tâm hồn, sẽ tạo cho kẻ được Tỉnh ngộ một nhân cách thanh cao, hoàn toàn vô vị lợi, trưởng thành. Nếu có kiếp sau, thì kiếp này vẫn phải tu tỉnh, tiêu diệt các Dục vọng  xấu xa, mới mong được Hạnh Phúc viên mãn ở đời sau. Do đó mới có câu: “Tu là cội Phúc, Tình là giây Oan” (Kiều). (Chữ “tu”, nghĩa là”sửa” như “tu thân”, sửa mình; nếu theo Tiểu Thừa, thì Tu là “xuất gia tu hành” (xuất thế); còn theo Đại Thừa, Tu chỉ là sửa đổi lại Tâm cho trong sạch, không để cho Tình tư dục quấy phá, ở bất cứ chỗ nào, ngay bây giờ (nhập thế)(82) .

D.   ĐẠO ĐẾ: BÁT CHÍNH ĐẠO

    Nếu Giải thoát con người khỏi đau khổ là chủ đích, thì Bát Chính Đạo là tám phương thế, tám “Đường” (Đạo) dẫn đến Tỉnh Ngộ. Theo truyền thống Ấn Độ, các triết gia đều cho rằng triết lý xuông hay chỉ có lý thuyết không đủ, nhưng còn cần phải thực hành nữa! Do đó, từ cõi Samsara tiến vào Nirvana là một con đường gian khổ, công phu tu luyện. Không phải một sớm một chiều mà Đắc Đạo được! Cũng theo truyền thống Ấn Độ, các phái triết lý đều chú trọng đặc biệt đến việc suy niệm liên lỉ, gọi là tu Định (sammasamadhi) làm phương tiện tiến đến Giải thoát. Việc quan trọng thứ hai là luôn luôn kiểm soát Tình tư dục không cho nó lăng loàn và bắt nó phải theo lý trí điều khiển. Sau đây là tám con đường chân chính, gọi là Trung Đạo, giúp dẫn đến Giải thoát. Ai muốn nhập Niết Bàn thì tự mình theo con đường ấy. Phải tự cứu lấy mình, không ai có thể cứu giúp được! Sau đây là tóm lược thứ tự “Bát Chính Đạo”(83).

1. Chính Kiến: thành thực tu Đạo

2. Chính Tư Duy: thành thực suy xét

3. Chính ngữ: thành thực nói năng

4. Chính Nghiệp: thành thực mà làm việc

5. Chính Mệnh: thành thực mà mưu sinh

6. Chính Tinh Tiến: thành thực mà mong tới

7. Chính Niệm: thành thực mà tưởng nhớ

8. Chính Định: thành thực mà ngẫm nghĩ

TOÁT LƯỢC CÁC ĐẶC ĐIỂM:

    Trên đây là cố gắng trình bày một cách trung thực tư tưởng của Phật Giáo về Cứu Độ. Nhưng, vì Phật Thích Ca đã từ chối không muốn bàn luận về các vấn đề siêu hình như Đấng Tạo Hóa, số phận con người sau khi chết..., nên sau ngày Phật nhập diệt, Giáo lý Nhà Phật liền chia ra nhiều tông phái như Tiểu Thừa, Đại thừa..., với nhiều ý kiến khác nhau, nhiều cách giải thích đối chọi nhau. Vả lại, Phật Thích Ca đã coi việc thuyết pháp là “phương tiện” (Upaya), nghĩa là phải tùy trình độ trí thức mà giảng dạy, “tuỳ bệnh mà cho thuốc”, “tuỳ căn cơ mà thuyết pháp”, miễn sao tín đồ đạt được mục đích là an tâm học đạo. (84).

    Cho nên hiểu biết được một cách chính xác thế nào là tư tuởng chính thực do Phật Thích Ca muốn, không phải là điều dễ dàng! Hơn nữa, trong lịch sử Phật Giáo, các nhà nghiên cứu thường thấy xẩy ra sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành. Trong thực tế, cũng tương tự như tín đồ của các tôn giáo khác, người ta thấy các Phật tử bình dân tin tưởng như: có kiếp sau, linh hồn bất tử (“chết là thể phách, còn là Tinh Anh”), có thưởng (Tòa Sen ), có phạt (Âm phủ ), coi Phật Thích Ca như một Vị Thần có thể ban ơn giáng phúc, v.v. Nhưng trên bình diện lý thuyết của Phật Học, ta lại thấy những môn phái chủ trương Phật giáo là vô thần, Phật không thể cứu ai được, mọi người phải “tự giác”, “tự độ”, Niết bàn chỉ có bây giờ và đời này, “vô ngã”, tức không có linh hồn bất tử, chết là hết(85)v.v.

    Sau đây thử toát lược một số Đặc Điểm mà đa số các Môn Phái, và tín đồ phật tử có thể công nhận:

    1. Chú trọng vào nội Tâm, vì cho rằng vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều phát xuất tự Tâm: “Tâm sinh Vật”. Do đó, về phương diện thực hành, phải lo dùng Lý Trí Hiểu Biết để kiểm soát và thanh luyện Tâm Hồn khỏi Tình Tư Dục quấy phá, vì mọi sự đau khổ đều do Tâm Trí sai lầm mà ra. Cũng vì một lý do đó, Phật giáo đặt nặng việc suy niệm (meditation), để tìm hiểu căn do những khổ não ở đời. Nhờ sự hiểu biết sự thật về bản tính con người và về vũ trụ mà được Giải thoát. Đó là phương pháp Cứu Độ nhờ Giác Ngộ (Hiểu Biết), “Tự Giác”, để đánh tan Mê Lầm, “Vô Minh”. (86).

    2. Do đó, không đặt ra vấn đề “Lịch Sử Cứu Độ”, cũng không coi Phật Thích Ca là một biến cố Lịch Sử độc nhất. Nhưng chủ chương “Tự Giác”, “Tự Độ” (self-salvation): mỗi người phải tự cứu lấy mình. Phật Thích Ca hay bất cứ vị Thánh nào (Bồ Tát), chỉ làm “gương sáng” cho ta bắt chước để noi theo, chứ không hề thi ân giáng phúc cho ai. Vả lại, khi còn sống, Phật Thích Ca không tự xưng là đã lĩnh sứ mệnh bởi một Quyền Lực Linh Thiêng Tối Thượng nào. Theo lịch sử Phật giáo, mãi sau này, vì lòng mộ mến, các đệ tử đã “thần thánh hóa” Ngài. (87).

    3. Cần Giải thoát ở đời này, ngay bây giờ. Chỗ nào, lúc nào có đau khổ là tìm cách chữa trị liền. Không đặt vấn đề số phận tương lai của các vị đã được Tỉnh ngộ, sau khi chết. Phật Thích Ca giữ thái độ “im lặng”, không bàn luận, không trả lời những câu hỏi như: Người đã đạt được chân lý (Tathagata) có còn sống nữa, sau khi chết không? Thế giới này vĩnh cửu hay không vĩnh cửu? Hồn và Xác như nhau hay khác nhau?(88) v.v.

    4. Do đó, “Tứ Diệu Đế” là một thang thuốc cấp cứu chữa bệnh tinh thần cho nhân loại, nhằm phát triển nhân cách từ ấu trĩ dốt nát ngu muội tiến đến trưởng thành, khôn ngoan. Muốn được vậy, cần “Tu Tâm Luyện Tính”, “Cải Tà Qui Chính”. Đặc biệt chú trọng đến “Thiền” (Dhyana, Zen), như Tọa Thiền. Nhập Niết Bàn có nghĩa là vẫn sống cuộc đời trần gian này, nhưng Tâm Tính và Ý Nghĩa cuộc đời thì đổi mới. (89).

    5. Những quan niệm như:” Karma” Nghiệp, Nghiệp-Báo, “Samsara” Luân Hồi, Nirvana Niết Bàn... là những tư tưởng đã có sẵn trong Triết Lý của Ấn Độ. Các Môn Phái Triết Học khác như Yoga, Sankhya, Vedanta, Carvaka... đều dùng chung những ý niệm trên. Phật Thích Ca cũng dùng những lý thuyết đương thời, nhưng diễn giải cho thích hợp với chủ thuyết riêng(90).

    6. Tuy là giới hạn vào cuộc đời hiện tại, và chỉ trông cậy vào sức của con người, nhưng các nhà nghiên cứu về Phật Giáo đã nhận thấy rằng: con đường Giải thoát của Phật Giáo là một cố gắng vĩ đại của sức lực con người để tìm cách tự cứu lấy mình. Do đó, mặc dầu Phật Thích Ca “im lặng”, tránh không trực tiếp bàn luận những vấn đề thuộc siêu hình, nhưng những tư tưởng trong Giáo Thuyết của Phật Giáo đã có những hệ luận về siêu hình, vì tự chúng đã hướng về một cái gì Cao Cả, và Siêu Việt, Siêu Thoát (Transcendance), vượt trên thế giới vật chất này. (91).(coi:Ý thức Siêu Thoát trong Phật Giáo, trang 318, ở dưới).

ĐOẠN III.   CỨU ĐỘ TRONG THIÊN CHÚA GIÁO

    Nếu ta đặt câu hỏi với dân chúng : Tôn giáo là gì ? Đạo là gì? Ta sẽ được những câu trả lời khác nhau. Chẳng hạn, Đạo dạy tôn thờ “Ông Trời”, Thượng Đế, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, hay các vị Thần Thánh. Người khác cho rằng Đạo là những lễ nghi cúng tế, tụng kinh, rước kiệu, hoặc Đạo là một giáo hội gồm các chức sắc như Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ hay Thượng tọa, Đại đức , Nicô,  hoặc một uy quyền do dân chúng uỷ thác để bảo vệ những giá trị luân lý cho xã hội, hoặc Đạo là một thế lực bán-chính trị để củng cố sự thống nhất của cộng đồng hay quốc gia, v.v.

    Trên đây là thẩm định giá trị về một số đặc tính của Đạo. Nhưng có một định nghĩa quan trọng, đụng chạm tới yếu tính của tôn giáo, đó là: Đạo giúp giải phóng con người khỏi kiếp lầm than khổ hải, phần hồn, phần xác, đời này và đời sau. Khía cạnh này cũng quan trọng ngang bằng hoặc đi đôi với nhận định: Đạo là mối liên hệ, là niềm tin nơi Vị Chủ Tể vũ trụ càn khôn. Đạo chính là ĐƯỜNG Cứu độ và Giải thoát nhân loại khỏi cảnh u mê tối tăm, tội lỗi và dẫn dắt con người tiến tới kết hiệp với Đấng Siêu Việt, trong tự do, hạnh phúc, vinh hiển. Do đó, tôn giáo có nhiệm vụ cải hóa, giáo dục và thức tỉnh con người mê man trong tội ác. Đạo cũng lo chữa trị bệnh tâm thần, để giúp phát triển nhân phẩm cao quý của con người lên bậc thiện toàn, “nhân linh ư vạn vật “(92) .

    Trong Đoạn III này, sẽ tìm hiểu xem Thiên Chúa Giáo quan niệm thế nào về Cứu Độ như: Ý niệm về Cứu Độ là gì? Tại sao đặt trọng tâm vào vấn đề “Lịch Sử Cứu Độ”, hơn các tôn giáo khác? Vì lý do nào Chúa Cứu Thế, tự bản tính là Thần Linh, đã tự nguyện xuống thế làm Người, để chịu chết chuộc tội cho nhân loại? Nếu muốn lãnh nhận Thiên Ân Cứu Độ của Chúa Cứu Thế, thì cần những điều kiện gì?

A.   Ý NIỆM VỀ CỨU ĐỘ

     Suốt dòng lịch sử Thiên Chúa Giáo, trong Thánh Kinh Cựu Ứơc, Tân Ước, trong lễ nghi phụng vụ, đặc biệt trong Mùa Giáng Thế (Advent), tức thời gian chuẩn bị cho ngày Chúa Cứu Thế Giáng Sinh, ta thường được nghe những bài “Sấm Ký” của các vị Tiên Tri thời Cựu Ước tiên đoán về ngày Chúa Cứu Thế sẽ ra đời. Cảnh trang hoàng từ trong Thánh Đường ra các đường phố, trung tâm thương mại, những bài thánh ca quen thuộc, những hang đá với đèn sao, những cây thông lấp lánh... tất cả đều bộc lộ niềm khát vọng, chờ đón Thiên Ân Cứu Độ cho toàn thể nhân loại!

    Vì trọng tâm của Đạo Thiên Chúa nhằm mặc khải, biểu lộ Tình Thương vô hạn của Đấng Tạo Hóa, đã tạo dựng và muốn cứu độ con người tội lỗi, đau khổ, nên Kinh Thánh và khoa thần học đã dùng nhiều danh từ để diễn tả ý niệm về Cứu Độ .

    a) Chữ CỨU ĐỘ, dịch nghĩa của chữ “Salvation”, tiếng Hy lạp là “Soter” chỉ người chữa bịnh, người cứu giúp. Cứu Độ bao hàm ý nghĩa một tình trạng suy đồi, nay được sửa lại nguyên vẹn như xưa, nhờ sự giúp đỡ, cứu vớt của một vị Cứu Tinh, ra tay “cứu nhân độ thế”. Theo quan niệm Cứu Độ trên, thì con người không thể tự cứu lấy mình được, cần phải nhờ một Đấng Cứu Thế giúp đỡ. Chữ “Đấng Cứu Thế”, dịch nghĩa bởi chữ “Salvator” (Latinh) và chữ này dịch ý từ chữ Do thái là “Yehoshua, Joshua”, hay “Josue”. Chữ Yehoshua có nghĩa là: “Thiên Chúa (Yahweh) là Cứu Độ”. Do chữ Yehoshua mà phiên âm ra là “Jesus”, hay GIÊSU (tiếng Việt). Do đó, chữ “Giêsu” có nghĩa là: “Thiên Chúa là sự Cứu Độ”, hay “Giêsu” chính là Chúa Cứu Thế. Dùng chữ “Giêsu”, hay chữ “Chúa Cứu Thế”, cũng cùng một nghĩa. Có hai cách phiên dịch các bản văn ngoại quốc sang Việt Ngữ: một là cách phiên âm, như trường hợp ở đây, từ Yehoshua, Jesus, âm sang Việt ngữ là “Giêsu”; cách thứ hai là dịch theo ý nghĩa của nguyên tự, như “Yehoshua” (Do thái) có nghĩa là “Cứu Độ”, nên chuyển ý nghĩa đó sang Việt Ngữ là “Chúa Cứu Thế”. Cách thứ hai này, xưa gọi là “cách nghĩa”, vì dùng ý nghĩa, ý niệm của từ ngữ Việt để diễn đạt ý tuởng của danh từ ngoại quốc.( Nên tránh kiểu phiên âm các “tên riêng” từ chữ Hán sang tiếng Việt, vì kiểu này vừa khác xa âm của tiếng ngoại quốc, lại mặt chữ có vẻ “kỳ cục”, vô nghĩa, chẳng hạn, chữ “Jêsus”, âm từ chữ Hán sang tiếng Việt đọc là “Gia tô”!).

    Ta quen gọi “Chúa Cứu Thế” là “CHÚA GIÊSU KITÔ”. Vậy chữ “KITÔ” bởi đâu mà ra? Chữ “Kitô” được phiên âm từ tiếng Latinh, “Christus” và Hilạp, “Christos”. Chữ này dịch ý từ chữ Do thái “Mashiah”, có nghĩa là “kẻ được xức dầu”. Theo tập tục thời Cựu Ước, các vị vua được xức dầu, khi phong vương và các vị thượng tế, khi phong chức. Dân Do Thái vẫn mong đợi một vị anh quân đã được Thiên Chúa hứa ban, nhất là trong thời kỳ bị người Lamã đô hộ. Họ hy vọng vị đó sẽ được Xức dầu phong vương để giải phóng dân khỏi ách nô lệ và thiết lập một vương quốc độc lập tự do (coi Lc 24:21, Acts 1:6) Sau này, thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu ưa thích dùng danh hiệu “GIÊSU KITÔ” (Acts 2:33-36). Các danh hiệu khác cũng được dùng như: “Con vua David” (Mt1:1, Lk1:32,69) hay “vị tiên tri” (Acts 3:22, 7:37). Dĩ nhiên, ý nghĩa của chữ Mashiah (Messiah) đã được thanh lọc để mặc một nội dung thiêng liêng, không theo nghĩa trần tục. Chính Chúa Giêsu tự nhận Ngài là Mashiah (Messiah) (Mark 14:60...) mà thiên hạ mong đợi. Ngài là Vị Cứu Thế giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, là Hoàng Tử hòa bình, đem lại an vui hạnh phúc và thiết lập một Vương Quốc trường tồn vĩnh cửu: đó là “Nước của Thiên Chúa” (basileia tou theou); những người công chính, đã được giác ngộ, cải tà qui chính, sẽ ở trong Nước do lề luật Chúa cai trị. Theo Thánh sử Luca thuật lại, (Lc 1:30-34), việc đặt tên là Yehoshua, Joshua, Josue (Yahweh là Cứu Độ) đã được loan báo trước: “Thiên thần thưa với Trinh nữ Maria : Maria cứ an tâm,  vì Maria đẹp lòng Thiên Chúa. Maria sẽ thụ thai và sinh một con trai, và sẽ đặt tên cho trẻ ấy là Yehoshua . Hài nhi đó sẽ nên cao trọng, sẽ được gọi là Con của Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho ngôi báu Đavít, tổ phụ, sẽ trị vì nhà Giacóp mãi mãi, và Nước của Ngài sẽ tồn tại muôn đời”.  Thánh Luca viết tiếp, (Lc 2:21): “Đến ngày thứ tám, người ta làm phép cắt bì cho con trẻ và đặt tên là Yehoshua (Giêsu), tên đã được Thiên thần chỉ bảo trước khi thụ thai”.

    Danh xưng “Chúa Cứu Thế”, hay “Chúa Giêsu Kitô” cũng cùng chỉ một Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm Người để chuộc tội cho nhân loại. Chữ “CHÚA”, bởi đâu mà ra, và có ý nghĩa gì? Chữ “CHÚA”, trong danh xưng “Chúa Giêsu Kitô”, có nghĩa là THIÊN CHÚA, chỉ Thần Tính của “Chúa Cứu Thế”. Chữ “Chúa”, dịch nghĩa từ Latinh “Dominus”, và từ Hilạp “KYRIOS”, có nghĩa là “Thiên Chúa” (Lord, Ruler). Trong thời kỳ Cựu Ước, các dịch giả Kinh Thánh dùng chữ “Kyrios”, để dịch ý và thay cho chữ Do thái “Yahweh” (danh xưng của Thiên Chúa, nhưng cấm không được đọc tên đó, vì lòng tôn kính). Trong thời Tân Ước, Giáo Hội sơ khai dùng danh xưng “KYRIOS” để tôn vinh, ca tụng “GIÊSU KITÔ”, có ý tuyên xưng “Chúa Cứu Thế” là Thiên Chúa. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẩn, thì ta mới biết mà tin tưởng như vậy(1 Cor 12:3,  1 Cor 16:22). Bởi vậy, khoa thần học và Thánh Truyền mới dùng danh hiệu “CHÚA GIÊSU KITÔ”, để nhấn mạnh Thần Tính của Ngài, mặc dầu một số người trong Giáo Hội, trong Hội Đường (Synagogue), và hoàng đế phản đối.

    Cũng nên nhận định thêm về cách xưng hô trong Việt ngữ như danh xưng: “Đức Chúa Giêsu Kitô”, “Đức Chúa Trời”,... Chữ “Đức” ý nghĩa là gì, và có ý nghĩa tôn giáo không? Theo cuốn “Việt Nam Tự Điển”( Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, 1931), chữ “Đức” được định nghĩa như sau: “Tiếng gọi tôn các bậc vua chúa thần thánh: Đức vua, đức Thánh, đức Phật, đức ông , đức bà”. (trang 197). Do đó, chữ “Đức”, không có ý nghĩa đặc biệt về tôn giáo, thần học, vì áp dụng cho mọi người đáng được tôn kính, cả trong đạo và ngoài đời. Chữ “Đức” không ám chỉ hay biểu lộ tính chất thần linh. Bởi vậy, theo ý nghĩa thần học của Công Giáo, thiết tưởng ta chỉ được phép dùng danh xưng như: “Đức Chúa Giêsu Kitô”, hay “Chúa Giêsu Kitô”, hoặc “Chúa Kitô”, “Chúa Giêsu”, nghĩa là luôn phải kèm theo chữ “CHÚA”. Những kiểu xưng hô đã được “rút ngắn”, như: “Đức Giêsu Kitô”, “Đức Kitô”... có thể vô tình đã bỏ quên yếu tố “Thiên Tính” (CHÚA) như Đức Tin và Thần Học dạy, và có thể đặt “CHÚA GIÊSU” vào hàng các bậc vĩ nhân, anh hùng, nhưng cũng chỉ thuộc loài thụ tạo chăng? (93).

    b) Thần học Thiên Chúa Giáo còn dùng danh từ CỨU CHUỘC, ( Redemption). Chữ Cứu Chuộc bao hàm ý nghĩa lỗi lầm (tội nguyên tổ và tội cá nhân phạm). Nhưng vì loài người không thể tự chuộc lại tội lỗi lớn lao, đã cả dám từ chối lòng yêu thương vô hạn của Chúa, nên cần Chúa tự ý ra tay cứu chuộc, nhờ Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô. Lòng thương xót vô hạn của Chúa luôn muốn cứu độ nhân loại, đã được thể hiện trong lịch sử nhờ biến cố Giáng thế làm người và chịu nạn chịu chết của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. (94).

    c) Danh từ GIẢI THOÁT, hay Giải Phóng, (Liberation, dịch bởi chữ Latinh liberare, liber, nghĩa là làm cho tự do). Theo nguyên tự, chữ này chỉ việc cứu vớt những người nô lệ và tù nhân khỏi cảnh giam cầm để hưởng tự do. Theo nghĩa rộng, nghĩa bóng, Giải phóng, Giải thoát, là từ một tình trạng bị áp bức đè nén, con người được vùng lên, bẻ gẫy mọi xiềng xích trói buộc, cản trở để tiến tới tự do phát triển. Trong xã hội hiện đại, chữ Giải phóng áp dụng vào việc mở mang kinh tế, xây dựng nền độc lập quốc gia, chống bệnh tật nghèo đói, v.v. Theo nghĩa tôn giáo, Giải thoát, Giải phóng, chính là cứu vớt nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, ma quỷ, hỏa ngục... để giúp tâm trí con người tìm ra ánh sáng Chân Lý, và phát triển nhân phẩm đến bậc thiện toàn(95).

B.   SỰ QUAN TRỌNG CỦA “LỊCH SỬ CỨU ĐỘ”

     Đối với Thiên Chúa Giáo, tính chất “lịch sử” rất quan trọng, vì Kế Hoạch Cứu Độ nhân loại được tuần tự diễn ra trong thời gian, từ nguyên nhân khởi thuỷ, qua các biến cố, các nhân vật lịch sử và cuối cùng được kết thúc nơi biến cố duy nhất là việc Con Thiên Chúa giáng thế làm Người để cứu chuộc thiên hạ.

     1.  Ý Niệm về Lịch Sử :

     Thiên Chúa giáo tin vào Vị Chúa Tể vũ trụ càn khôn xếp đặt và điều khiển mọi vật mọi loài theo một trật tự và một hướng đi để tiến đến cùng đích của chúng. Từ bình diện thiên nhiên như tinh tú, địa cầu, thời tiết, cỏ cây, cầm thú, nhân loại, vươn lên bình diện siêu nhiên: tất cả mọi loài thụ tạo đều do một Bàn Tay Chúa Quan Phòng an bài. Các diễn biến lịch sử đều nhằm vào một cùng đích (telos): Vị Chúa Tể vũ trụ vừa là Nguyên thủy (ALPHA) và Cứu Cánh (OMEGA) của mọi loài. Ngài đã an bài xếp đặt mọi biến cố của Lịch Sử Cứu Độ, trong tôn giáo cũng như ngoài thế tục, để được kết thúc nơi Con Người-Chúa Cứu Thế, khi thời gian đã được viên mãn. Chúa Cứu Thế là biến cố lịch sử duy nhất của vũ trụ, và của nhân loại. Bởi vậy, theo Thiên Chúa Giáo, Lịch Sử Cứu Độ cũng giống như tấn tuồng mà Thiên Chúa là Tác Giả: nguyên nhân mở màn, các biến cố, các diễn viên, và cuối cùng kết thúc nơi Chúa Cứu Thế.

    Hơn nữa, ý niệm về Lịch sử liên quan với ý niệm về Bản vị, Ngôi vị, Nhân vị. Hai quan niệm này đi liền với nhau. Thần học Thiên Chúa giáo nhấn mạnh ý niệm Ngôi Vị của Thiên Chúa, nên cũng diễn giảng sâu rộng về việc Thiên Chúa can dự vào các biến cố của dòng lịch sử nhân loại. Vũ trụ càn khôn , kể cả nhân loại, không phải do một thế lực hay một luật lệ khắc nghiệt, vô-bản vị điều động một cách tiền định, nhưng do một Thiên Chúa, như một người Cha đầy tình thương dẫn dắt nhân loại tiến đến một cùng đích là được lĩnh Ơn Cứu Độ, và Giải Thoát khỏi cảnh hư nát, diệt vong.

    Theo Kinh Thánh và Thần học Thiên Chúa Giáo thì Thiên Chúa, vì Tình Thương vô hạn, vô vị lợi, đã hoàn toàn tự ý muốn cứu độ hết mọi người, không trừ một ai (coi 1 Tim 2:1-6 và Mt 26:28, Mk 10:45, Rom 11:31, Mat 23:27, Lk 19:41). Kinh Tin Kính có câu : “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người (Chúa Giêsu Kitô ) đã từ trời xuống thế...”. Do đó, chẳng những Chúa Kitô chịu chết để chuộc tội cho các tín hữu, cho những ai đã được Ân Huệ nhận biết Chúa, nhưng cho hết mọi người ngoại giáo, lạc giáo, vô thần, tất cả những ai đứng ngoài Hội Thánh cũng được Thiên Ân đủ để lĩnh Ơn Cứu Độ. (96).

    Tại sao ý niệm “lịch sử” được nhấn mạnh trong chương trình Cứu Độ ? Vì Chúa muốn cứu độ mọi người và Ân Huệ Cứu Độ của Chúa phải được thực hiện một cách cụ thể trong Lịch Sử của nhân loại. Lịch sử Cứu Độ, theo nghĩa tổng quát, bao gồm tất cả những kinh nghiệm về Cứu Độ, Giải Thoát của nhân loại từ xưa tới nay, từ thời trước Chúa Cứu Thế ra đời, và những kinh nghiệm của các tôn giáo ngoài Thiên Chúa Giáo. Những kinh nghiệm tôn giáo đó như chuẩn bị cho một biến cố độc nhất, vĩ đại nhất là sự xuất hiện của Chúa Cứu Thế trong lịch sử nhân loại. Do đó, loài người hi vọng đón nhận Hồng Ân Cứu Độ trong lịch sử, và Ân Huệ Cứu Độ đó mang tính chất lịch sử vì được ban xuống khi thời gian đã viên mãn. Có thể nói một cách tổng quát, toàn thể lịch sử, tôn giáo cũng như thế tục của nhân loại đều được sửa soạn để đón nhận Thiên Ân Cứu Độ. Bởi đó, Lịch Sử là Thiên Ân, Thiên Ân là Lịch Sử! Thật vậy, ta nhận thấy biết bao Ân Huệ mà Đấng Tạo Hóa ban cho thế giới này. Chẳng hạn, sự duy nhất của giống người, dầu khác mầu da chủng tộc. Theo triết gia và nhà cổ sinh vật học Teilhard de Chardin, mỗi người có “cái khiếu về hiện hữu” (le gout de l'être, the taste for being). Năng khiếu này là một Ân Huệ Chúa ban để giúp ta cảm nghiệm được sự hiện hữu, hiện diện của Chúa trong các sự vật. Thần Linh không ở ngoài lãnh vực nhân sinh, nhân sự, nhưng ở khắp mọi nơi. Nhờ năng khiếu biết cảm nghiệm sự Linh Thiêng, con người có thể nhìn thấy ánh sáng Thần Linh chiếu qua các vật hiện hữu. Bởi đó, nhiều sử gia đã nhận thấy sự trùng hợp kỳ diệu của các nền triết học, tôn giáo đông -tây xuất hiện đồng thời vào thế kỉ thứ 6 thứ 5 trước khi Chúa Cứu Thế mở đầu một kỉ nguyên mới. Bên tây phương, ở Hilạp, có Héraclite (535-475), Pythagore (570-496), Plato (428-348), Socrates (470-399), Aristotle (384-322); bên đông phương, vào thời Xuân thu (772-481) có Khổng Tử (khoảng 552 và 479) và Lão Tử (khoảng 570 và 490); bên Ấn độ, có Siddhartha Gautama tức Phật Thích Ca (khoảng thế kỉ 6). Các nền văn minh cổ thuộc miền Cận đông, Tiểu Á, Ai cập, các đế quốc Hi lạp, La mã kế tiếp nhau... tất cả như để chuẩn bị cho ngày quang lâm, giáng thế của Chúa Cứu Thế. Ngài đến để hiệp nhất  các nền văn hóa, văn minh, và triệu tập toàn thể nhân loại vào một mối (coi Chú thích: Bản lược đồ: Lịch sử đạo đời đồng qui về Chúa Cứu Thế).

     2.  Lịch Sử của Dân Tộc được Tuyển Chọn

     Như vừa trình bày ở trên, đó là Lịch Sử Cứu Độ theo nghĩa tổng quát. Dưới đây, ta sẽ tìm hiểu Lịch Sử Cứu Độ chính thức hay đặc biệt. Để thực hiện việc Cứu Độ nhân loại, Thiên Chúa đã đặc biệt tuyển chọn một dân tộc, là dân Do thái, để chuẩn bị kĩ càng hơn cho biến cố độc nhất vô nhị: Chúa Cứu Thế là Con Thiên Chúa giáng trần. Lịch Sử Cứu Độ đặc biệt này bắt đầu khi Thiên Chúa ký kết một Giao Ước (Covenant) với Tiên tri Maisen (Moses), vị Lãnh đạo dân Do thái. Thiên Chúa đã muốn dùng Giao Ước lịch sử, đặc biệt ký kết với dân tộc nhỏ bé, làm phương thế để đạt tới cùng đích phổ quát là kết nạp tất cả mọi người về cùng Chúa, nhờ Con Thiên Chúa giáng thế làm Người. Do dó, có thể nói, “LỊCH SỬ CỨU ĐỘ” đặc biệt này là một giai đoạn lịch sử đặc biệt xuất phát tự dòng Lịch Sử Cứu Độ phổ quát, vì trong Cựu Ước (Old Covenant, Old testament) cũng đề cập đến Nguyên nhân Cứu Độ và lòng mong đợi một Vị Cứu Tinh, chẳng những cho dân tộc được tuyển chọn để chuẩn bị là dân Do thái, mà còn cho toàn thể nhân loại nữa!

     a. Giao Ước là gì ? Tại sao gọi là Cựu Ước, Tân Ước?

     Chữ “Giao Ước” dùng trong Kinh Thánh dựa theo kiểu mẫu khế ước mà các dân tộc cổ thường kí kết giữa vị quân vương và các chư hầu. Do đó, danh từ Giao Ước( Covenant) bao hàm ý nghĩa hai bên trao đổi lẫn nhau. (Danh từ “Testament”, nghĩa là “tờ chúc thư” (last will and testament), không diễn tả yếu tính của sự Giao Ước là trao đổi giữa đôi bên). Khi Giao Ước tại núi Sinai được kí kết, thì một bên là “Yahweh” hứa sẽ yêu thương và bên kia, dân Do thái cũng phải đáp lại, bằng sự phục tùng và trung thành. Khi làm lễ ký Giao Ước, thì giết thú vật, lấy máu để tế. Đó là Giao Ước thời xưa, gọi là thời Cựu Ước ( Old Covenant, Old Testament). Từ khi Con Thiên Chúa giáng thế làm Người, thì Hồng Ân Cứu độ của Chúa cũng được gọi là một Giao Ứớc, Giao Ước Mới, Tân Ước (New Covenant, New Testament ), vì một bên là Chúa ban Hồng Ân Cứu độ, bên kia là nhân loại được cứu rỗi nhờ lòng tin vào Chúa Cứu Thế (coi Heb 7-10). Trong thời Tân Ước, không dùng máu súc vật khi giao kết, nhưng nhờ Máu Chúa Giêsu Kitô đã đổ ra trên Thập Giá để cứu chuộc (Mk 14:24, Lk 22:20, 1 Cor 11:25).

     b.  Hợp Nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước

     Toàn bộ Kinh Thánh được chia ra Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước gồm nhiều tập sách nhỏ mà nội dung là những sự kiện và những lời tiên tri, tiên đoán về sự xuất hiện của một Mashiah sẽ đến để thiết lập Vương Quốc Thiên Chúa. Các vị Tiên tri, là những Phát ngôn viên ( Prophets) được Thiên Chúa soi sáng, chỉ dẫn để rao giảng, dạy đỗ, cảnh cáo dân chúng biết trung thành tuân giữ lời Giao ước, vì Nước Thiên Chúa đang tiến lại. Tân Ước là những tập sách ghi lại những Lời rao giảng của chính Chúa Cứu Thế. Ngài là Lời Giao Ước đã dược thực hiện. Ngài chính là Lời (Verbum, Word) Thiên Chúa hóa thành Huyết Nhục, thành Người, và cư ngụ giữa chúng ta (Jn 1:14 ), vì Nước Thiên Chúa, tức là Hồng Ân Cứu độ đã kề bên. Hãy tỉnh ngộ, hối cải và tin vào Tin Mừng Cứu độ (Mk 1:15). Do đó, Cựu Ước và Tân Ước không phải không liên quan với nhau. Có thể nói, Cựu Ước và Tân Ước là một, vì Cựu Ước dọn đường, tiên đoán những điều sẽ thực hiện trong Tân Ước, khi thời gian viên mãn đến .

    c.  Cựu Ước Tiên Báo về Tân Ước

    Vì tính chất duy nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước, như vừa trình bày ở trên, và vì có bàn tay Thiên Chúa Quan Phòng điều khiển , hướng dẫn lịch sử, nên một số nhân vật và biến cố xuất hiện trong Cựu Ước, được Chúa dùng làm điềm tiên báo, làm hình bóng tượng trưng, tiên trưng (type) cho biến cố và nhân vật sẽ đến trong thời Tân Ước. Chẳng hạn, Tiên tri Maisen là “tiên trưng” cho Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu đã dùng sự tích “con rắn đồng” trong Cựu Ước để làm hình bóng, tiên trưng cho sự kiện lịch sử trong Tân Ước, là chính “cây thập giá” của Chúa Giêsu Kitô. (coi Numbers 21:4-9, Wisdom 16:5 và Jn 3:14-15).

    _ Ông Adong và Bà Evà, nguyên tổ của nhân loại, vì phạm tội bất phục tùng chống lại Thiên Chúa, gọi là Tội Nguyên Tổ, nên hết thảy dòng dõi con cháu đều mất ân nghĩa với Thiên Chúa. Do đó, nhân loại cần Hồng Ân Cứu độ để chuộc lại lỗi xưa (coi Genesis 3). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu Kitô được gọi là “Adong mới”, vì Ngài đã Chuộc tội cho nhân loại và nhờ Ngài mà nhân loại được “sinh lại” trong tình nghĩa với Thiên Chúa (coi Rm 5:12-20, Jn 8:37-59).

     _ Sau khi Adong_Evà phạm tội, bản tính nhân loại ra hư hỏng đồi bại, các thứ tội ác tràn ngập mặt đất, nên Thiên Chúa đã khiến Lụt Hồng Thuỷ tiêu diệt những kẻ gian ác, trừ gia đình ông Noe được cứu sống vì ở trong một chiếc tàu. Sau này, “chiếc tàu Noe” được coi là tiên trưng cho Hội Thánh do Chúa Cứu Thế lập ra để cứu vớt những ai đang chìm đắm trong tội lỗi.

     _ Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham đi đến một miền Đất Hứa mới lạ. Ông đã vâng phục và tin tưởng vào Chúa. Yahweh cũng đã hứa sẽ cho dòng dõi con cháu ông thành một dân lớn. Qua bao thử thách, đau khổ, ông vẫn luôn tin tưởng vào Chúa. Vì thế, Abraham được làm Tổ phụ của dân Do thái (coi Genesis 12). Thời Tân Ước, ông được tước hiệu là “Cha của những kẻ tin”, vì các tín hữu tin Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã giáng thế như lời Chúa hứa (coi Hebrew 11:8-20). Do đó, ai có đức tin là thuộc dòng dõi, không phải huyết nhục nhưng tinh thần của Ông .

     _ Khi dân Do Thái làm nô lệ ở Ai cập thì Yahweh sai Ông Maisen (Moses) làm vị lãnh đạo cuộc giải phóng. Ông đã đưa dân vượt qua Biển Đỏ, thoát ách nô lệ, tiến sang bờ tự do (coi Exodus 14:15-30). Sau dó, trong thời gian bốn mươi năm hành hương của dân Do thái tiến về Đất Hứa, Nhà Lãnh đạo Maisen đã long trọng ký kết Giao Ước với Yahweh (coi Exodus 19:3-25 )và Chúa đã ban Thập giới ( Exodus 20:1-21). Do đó, Ông Maisen, lãnh đạo dân Do thái trong công cuộc giải phóng, được coi là hình bóng tượng trưng khá rõ ràng ám chỉ Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, Thiên Chúa đã sai Con một Ngài xuống thế gian để giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi và rao giảng luật yêu thương .Nhờ máu đổ ra trên Thánh Gía, Ngài đã ký một Giao Ước mới, một Tân Ước với Thiên Chúa. Ai tin Ngài là Chúa Cứu Thế và chịu Phép Rửa tội (tiên trưng là hành động vượt qua Biển Đỏ) thì trở thành người tự do, thoát ách nô lệ tội lỗi và được làm con Thiên Chúa (coi Jn 1:17). Qua phép Bí Tích Rửa Tội, chất liệu “nước” ám chỉ “Ân Sủng” thiêng liêng Chúa ban để thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi tội khiên nhờ lòng Tin vào sự Cứu Độ của Chúa Cứu Thế.

     _ Vua Đavít sống vào khoảng một ngàn năm trước Chúa Cứu Thế. Ông đã được xức dầu phong vương (coi Samue l1 16:11-13). Lịch sử đã ghi lại nhiều chiến công oanh liệt và một vương quốc rộng lớn. Trong Tân Ưóc, Chúa Cứu Thế được gọi là “Con vua Đavít “. Theo gia phả thì Chúa Cứu Thế sẽ sinh ra bởi dòng họ vua Đavít (coi Mt 1:1, Lk 1:32, 69  và Mt 22:41-46 ).

     _ Còn khá nhiều những hình bóng tuợng trưng khác mà thời Cựu Ước dùng làm “tiên trưng” ám chỉ thời Tân Ước, hoặc chính Chúa Giêsu cắt nghĩa, hoặc do các Thánh Giáo Phụ giảng giải, để minh chứng sự duy nhất của Cựu Ước và Tân Ước. Trong Thánh Lễ Misa, phần Phụng vụ Lời Chúa, các bài đọc trích ra trong Cựu Ước thường có nội dung tương xứng với ý nghĩa của bài đọc Phúc Âm trong Tân Ước, theo nguyên tắc Cựu Ứớc dọn đường hay tiên báo cho những sự kiện xẩy ra trong thời Tân Ước. Do đó, trong những mùa Phụng Vụ quan trọng như mùa Giáng Sinh, mùa Chay, ta được nghe những bài “Sấm ký” của các vị Đại Tiên Tri thời Cựu Ước như Isaia, Ezechiel, Jeremia,... loan báo trước về sự giáng thế làm Người, về việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, về cuộc tử nạn bị đóng đinh trên thập gía và sự sống lại vinh hiển của Chúa Cứu Thế, Mashiah. Bởi vì, như lời Chúa Giêsu Kitô xác nhận, Ngài đến để thực hiện, hoàn thành những lời tiên tri đã loan báo (coi Jn 19:30): ”Mọi sự đã hoàn tất”. Trong khi giảng thuyết, suy niệm và đọc Kinh Thánh, người ta vẫn có thể khám phá ra một cách lý thú, sự tương xứng lạ lùng giữa những hình bóng trong Cựu Ước, làm “tiên trưng” và những sự kiện xẩy ra sau này trong Tân Ưóc. Nhưng khi so sánh, ta phải dựa theo nguyên tắc cắt nghĩa Kinh Thánh của Giáo Hội, và phải có thái độ thận trọng, chừng mực!

    3.  Lịch Sử Đạo và Đời đều Qui Hướng về Chúa Cứu Thế

    Đọc Kinh Thánh, ta thấy “Lịch Sử Cứu Độ” bao gồm nhiều biến cố, nhiều thánh nhân, nhiều tiên tri để dạy dỗ, truyền lệnh hay cảnh cáo dân Chúa chọn (dân Do thái). Đến thời gian viên mãn, đã ấn định, Thiên Chúa đã tự mặc khải, “tự-thông-truyền” (Self-Communication) chính Ngài nơi Chúa Cứu Thế. Đây là một biến cố lịch sử độc nhất trong lịch sử cứu độ, và lịch sử của nhân loại. Tất cả vạn sự vạn vật đều vận chuyển theo một chiều hướng là qui tụ lại nơi Chúa Cứu Thế như Tâm Điểm và Tuyệt Đỉnh của vũ trụ.

    Kinh Thánh đã ghi nhận những lời tiên tri loan báo về sứ mệnh, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Cứu Thế (coi Isaia 7:14, 35:4-7, 53:2-7, 61:1-2). Trên thập giá, sau khi đã hoàn tất sứ mệnh cứu độ nhân loại mà các tiên tri đã loan báo, Chúa Cứu Thế đã phán lời sau cùng: “Mọi sự đã hoàn tất”, nghĩa là tất cả dòng lịch sử cứu độ, lịch sử nhân loại đã tuôn chảy về một cội nguồn Cứu Độ (coi Gioan 19:30). Dòng Lịch Sử không tuôn chảy một cách “vô định”, “vô bờ bến”, nhưng phải qui hướng và hiện thực nơi Chúa Cứu Thế. Đó là ý nghĩa của ngày “Chung Thẩm” (eschatology) đã đến, thời của Cựu Ước đã hoàn thành sứ mệnh chuẩn bị và loan báo. Từ nay, Chúa Cứu Thế Phục Sinh vinh hiển khai nguyên một Giao Ước Mới, tức thời Tân Ước.

C.   THIÊN CHÚA NHẬP THỂ ĐỂ CHUỘC TỘI CHO NHÂN LOẠI

    Sau khi ngược dòng Lịch Sử Cứu Độ để tìm ra chiều hướng và mục đích của con Đường Cứu Độ là dẫn ta đến Chúa Cứu Thế, ta sẽ đi sâu vào chính mầu nhiệm Cứu Độ, đó là sự kiện lịch sử: “Vị Thiên Tử” đầu thai giáng thế làm Người, hy sinh mạng sống, chịu chết, để Chuộc Tội thay cho nhân loại. Do đó, những câu hỏi cần giải đáp như: muốn được hạnh phúc trường sinh, nhân loại có cần đền tội đã phạm không? Tại sao nhân loại không thể “tự cứu” lấy mình được? Ai sẽ thay thế để đền bù tội lỗi cho nhân loại? Muốn hưởng Hồng Ân Cứu Độ, mỗi người chúng ta có cần phải "cộng tác" với Thánh Sủng, từ bỏ tội lỗi và canh tân đời sống không?

     1.  Sự Cần Thiết của Công Cuộc Chuộc Tội

     Như đã nhận định ở trên, đời là “bể khổ”, con người sống trong khắc khoải lo âu, nên cần được cứu thoát. Nguyên nhân cúa sự đau khổ là tội lỗi! Tội Nguyên Tổ của Adong- Evà truyền lại cho con cháu, và các tội cá nhân phạm. Nếu không sạch tội thì không thể sống bình an hạnh phúc được. Nhưng TỘI là gì,”ghê gớm”thế nào, đến nỗi làm ta mất Phúc Trường Sinh?

     a.  Thập Giá Chúa Kitô

     Theo Thần học Thiên Chúa Gíáo, Tội (Tội Nguyên Tổ và tội cá nhân) là một hành vi, một quyết định tự do chống lại lề luật của Chúa, từ chối không chấp nhận Thiên Ân do Tình Thương của Chúa, hoàn toàn tự do ban cho. Đây là một trọng tội vì là một hành động quyết liệt đối nghịch với Thánh Ý Chúa. Chữ Thiên Ân (Hồng Ân, Ân Sủng, Ân Huệ...) dịch nghĩa chữ “Gratia” (Latinh) hay “Charis” (Hylạp). Theo định nghĩa, Thiên Ân là Ân Sủng siêu nhiên, cho phép nhân loại tham dự vào Thần Tính của Thiên Chúa, trở nên đồng-thừa-tự với Chúa Cứu Thế là Con Thiên Chúa, được hưởng Tôn Nhan Chúa, diện đối diện, trong cõi Phúc Trường Sinh. Gọi là Siêu Nhiên vì bản tính tự nhiên của loài thụ tạo không có quyền đòi hỏi, nhưng do Thánh Ý Chúa hoàn toàn tự do ban cho. Hồng Ân này được Chúa ban cho nhân loại ngay cả trước khi phạm tội. Thời kỳ ấy gọi là thời “Công chính nguyên thuỷ” (Original justice). Sau khi con người phạm tội, Chúa vẫn tự ý ban Hồng Ân Siêu Nhiên để siêu hóa và tha thứ cho nhân loại, hoàn toàn cậy nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa luôn luôn muốn ban Hồng Ân cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc, nhưng Ân Sủng đó phải lệ thuộc vào “biến cố lịch sử” là Chúa Giêsu Kitô Nhập Thể và vào Hội Thánh như “Nhiệm Thể Chúa Kitô” (Church as mystical Body of Christ). Do đó, chỉ nhờ đời sống, sự chết của Chúa Giêsu Kitô mà nhân loại được tha tội, được chuộc tội, và hy vọng đưọc hưởng Phúc Trường Sinh. Do đó, “Thập Giá Chúa Kitô” trước sau luôn là căn nguyên của việc Chuộc Tội cho thiên hạ, vì Thiên Chúa hằng muốn ban Hồng Ân Cứu Chuộc, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.

     b. Con Người Cần Hợp Tác với Thiên Ân Cứu Độ

     Như đã bàn luận ở trên, Hồng Ân Cứu Độ có tính chất Siêu Nhiên, nên theo bản tính tự nhiên của loài người, chúng ta không có quyền đòi hỏi, nhưng hoàn toàn do Thiên Chúa tự ý ban cho. Ta cũng nhận thấy Tội của nhân loại nặng vô cùng, vì cả dám chống lại Thánh Ý Chúa , và khước từ Ân Huệ Siêu Nhiên ấy. Do đó, nhân loại không thể tự cứu lấy mình được (“Tự độ”), vì bản tính nhân loại hữu hạn, vì tính chất và sự cần thiết của việc Cứu Độ cao sâu vô cùng. Thật vậy, Cứu Độ, Chuộc Tội là Hồng Ân Siêu Nhiên hoàn toàn do Chúa ban, vượt hẳn khả năng hữu hạn của loài thụ tạo. Vả lại, Tội là chối bỏ Tình Thương vô biên của Chúa thì làm sao loài người hèn hạ có thể yêu mến đền đáp cho cân xứng được? Có gì bảo đảm chắc chắn là ta sẽ không bao giờ phản bội lại Chúa nữa? Dĩ nhiên, muốn được lĩnh Hồng Ân Cứu Chuộc, ta phải cố gắng hợp tác với Ân Huệ của Chúa để thực hiện. Những nỗ lực để đạt tới Giải Thoát là những biểu lộ, thái độ cần thiết, nhưng không phải là yếu tính của việc Chuộc Tội, tức là làm sao có thể đền Tội cho cân xứng để được Chúa tha Tội, và cho hưởng Phúc Trường Sinh. Không hết Tội thì con người vẫn triền miên trong Đau Khổ .

    2.  Chúa Nhập Thể để Chuộc Tội

    Ta đã nhận định việc tha Tội để nhân loại có thể hưởng Tôn Nhan Chúa trên cõi Phúc Trường Sinh, và cách thức để lĩnh nhận Hồng Ân Cứu Chuộc, hoàn toàn do sáng kiến của Chúa mà thôi (coi Eph 1:3-23), lại phải cậy nhờ công nghiệp của Con Thiên Chúa giáng thế làm Người, chính là Chúa Giêsu Kitô lịch sử (coi Heb 10:5-9, Phil 2:5-11).

    Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô lịch sử có phải là “kẻ xa lạ”, không liên hệ gì tới vận mệnh của nhân loại sao? Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu tạo thành vũ trụ càn khôn, nên mọi loài mọi vật đều lệ thuộc vào Ngài mà có. Thiên Chúa không “xa lạ”, nhưng rất gần với ta vì Ngài là căn nguyên của hiện hữu. Vì Tình Thương vô biên, Ngài đã dựng nên ta, lại cứu độ ta. Nhân loại phạm tội. Cũng do Tình Thương vô cùng ấy, Thiên Chúa đã sai Con Ngài giáng thế làm Người, mặc lấy xác phàm để đại diện cho nhân loại, dâng lễ hy sinh đền tội. Đó là giáo thuyết về Thiên Chúa Nhập Thể (Incarnation) để Chuộc Tội cho nhân loại (Rom 5:12-21, 1 Cor 15:45).

    a.  Nhiệm Hợp là gì? (Hypostatic Union)

     Nhân loại phạm trọng tội đáng luận phạt đời đời, lại vì bất lực, nên cần đến một vị làm Trung gian Hòa Giải giữa Thiên Chúa và loài người. Nếu vị Trung gian đó không phải là Thiên Chúa thì không thể yêu mến Thiên Chúa một cách tương xứng được; nếu vị Trung gian đó không phải là Người thật thì không thể làm đại diện cho nhân loại được. Do đó, ở trong Ngôi Vị ( Person) của Chúa Cứu Thế làm Trung Gian (Mediator) phải vừa có Thiên tính (divinity) vừa có Nhân tính (Humanity) nữa. Sự phối hợp giữa Thiên Tính và Nhân Tính đó, gọi là Nhiệm Hợp (Hypostatic Union) (coi 1 Tim 2:5).

    b.  Thiên Tính của Chúa Giêsu KiTô

    Thiên Tính của Chúa Giêsu đã được Kinh Thánh minh chứng. Thánh Sử Marcô thuật lại những phép lạ Chúa làm để tỏ ra Ngài có quyền năng như Thiên Chúa, Ngài được Thiên Chúa sai đến (coi Mk 2:1-12, 3:7-12, 12:35-37). Phúc Âm do Thánh Marcô tuờng thuật được viết trước các sách Phúc Âm khác, (năm 65-70 A.D.). Thánh sử Matthêu chép Phúc Âm để độc giả gốc đạo Do Thái nhìn nhận Chúa Giêsu mà họ đã đóng đanh trên cây thập giá, là Mashiah các Tiên tri đã loan báo. Ngài giáng sinh làm Người, thụ thai một cách lạ lùng trong lòng Trinh Nữ Maria (Mt 1:18-21). Ngài gọi Thiên Chúa là Cha và xưng mình là Con (Mt 11:25-27). Thánh sử Luca viết Phúc Âm để giới thiệu Chúa Cứu Thế cho các dân tộc khác. Ngài được mô tả như một vị Cứu Tinh nhân loại, đầy lòng nhân ái (Lk 15:11-32). Ngài là KYRIOS, là CHÚA của Vua Đavit (Lk 20:41-44). Thánh Sử Gioan viết Phúc Âm thứ bốn, đặc biệt chú trọng đến Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan gọi Ngài là “LỜI của Thiên Chúa đã trở thành huyết nhục và đã sống giữa chúng ta, và chúng ta đã thấy sự vinh quang của Người, vinh quang Người nhận bởi Chúa Cha như Con độc nhất, đầy Ân sủng và Chân lý” (Jn 1:14 ). Ngài bởi Thiên Chúa mà ra, Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài hằng có từ trước vô cùng. Nhờ Ngài mà vạn vật được hiện hữu (Jn 1:1-18). Ngài đồng bản tính với Thiên Chúa. “Ta và Cha Ta là Một (Jn 10:30). “Ai thấy Ta thì thấy Cha Ta” (Jn 14:9). Thánh Phaolô đã giải nghĩa về sự kiện lịch sử Con Thiên Chúa Nhập Thể như sau: “Dầu bản thể thuộc Thần Linh, Chúa Giêsu nghĩ chẳng cần bám lấy quyền bình đẳng với Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã tự hóa ra hư vô và chuốc lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống như mọi người. Cư xử hành động như một con người, Ngài còn hạ mình hơn nữa, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá! Bởi đó, Thiên Chúa đã vinh thăng Ngài và ban cho Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu, vạn vật trên trời, dưới đất, trong hỏa ngục, đều quì lậy, mọi ngôn ngữ đều tuyên xưng “Chúa Giêsu Kitô là CHÚA (Kyrios), vinh hiển của Thiên Chúa Cha” (Phil 2:6-11). Lạc giáo của Nestorius đã chối bỏ Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô, nên đã bị Đại Công Đồng họp tại Ephesus luận phạt năm 431.

     c.  Nhân Tính của Chúa Giêsu Kitô

     Chúng ta đã biết, Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, Tuyệt Đối, Siêu Việt, vô hình vô tượng, ta không thấy, không hiểu biết được. Chỉ khi nào Thiên Chúa mặc khải, bộc lộ bản tính Ngài ra thì ta mới biết mà thôi. Vì thế, Thánh sử Gioan đã dùng danh từ “LỜI” (LOGOS) để chỉ Chúa Giêsu Kitô khi Nhập Thể, vì Ngài chính là “Lời của Thiên Chúa” nói ra cho nhân loại được nghe biết Tình Thương vô biên và Ý định Cứu Độ của Chúa (Jn 1:18 ). Vì có Thiên Tính, Ngôi Lời Thiên Chúa hằng có từ trước vô cùng (pre-existence), nhưng khi Nhập Thể, đã kết hợp với Nhân Tính của một con người giống như chúng ta, trừ tội lỗi. Do đó, ở nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, có hai bản tính: Thiên tính và Nhân tính (coi Công Đồng Chalcedon năm 451). Không phải Ngài chỉ có bóng dáng người như “bóng ma”, nhưng là “người thật”, nghĩa là có xác hồn, ý chí và hành động tự do, ý thức về thân phận của loài thụ tạo phải tôn thờ và vâng phục Thiên Chúa. Nếu Đấng Cứu Thế không phải là “người thật”, làm sao Ngài có thể “đại diện” cho nhân loại để chuộc tội được. Ngài là “người thật” để làm gương cho ta noi theo bắt chuớc, và để thông cảm với mọi nỗi khó khăn của kiếp người (Heb 4:12-16). Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để, nhờ Thiên Tính, phá hủy tội cho nhân loại và chỉnh đốn lại con người nên giống hình ảnh Chúa .Vì thế, Thánh ÂucơTinh viết: “Con Một Thiên Chúa trở thành con người để cho con người trở nên con Chúa” (Sermon 194:3-4). Qua Lịch sử Cứu Độ, lòng khoan dung đại lượng tha thứ của Chúa đã đạt tới cực điểm nơi Chúa Giêsu Kitô và do đó, quyết định không thay đổi nữa: Thiên Chúa đã chấp thuận cứu chuộc cả vũ trụ và nhân loại như một toàn thể, mặc dầu tội lỗi bất toàn. (Heb 2:11, Rom 8:29). Vũ trụ này nhờ Ngôi Lời mà có, thì cũng nhờ Ngôi Lời Nhập Thể mà được chuộc tội. Nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Hồng Ân Hòa giải với Chúa được ban cho mọi người không trừ ai (2 Cor 5:18, Col 1:21, Jn 3:16). Lạc giáo Arius, năm 315, và lạc giáo Apollinarius, năm 360, vì không công nhận Chúa Giêsu Kitô có đầy đủ nhân tính, nên đã bị Công Đồng luận phi (coi Công Đồng Nicaea năm 325).

     d.  Ý Nghĩa cái Chết của Chúa Giêsu

     Để đền tội nhân loại, sự Công Bằng vô cùng của Chúa muốn đời sống theo bản tính nhân loại của Con Chúa phải hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa, dầu phải chấp nhận cái chết (Jn 10:17, Mk 10:45, Heb); nhờ vậy, Chúa nhìn nhận đó là một lễ hy sinh đền tội thay cho cả nhân loại cùng liên đới với nhân tính của Chúa Giêsu (Thánh Phaolô, Phil 2:5-11). Khi xưa, Thủy Tổ của nhân loại là Ông Adong và Bà Evà, đã cả dám chống lại Mệnh Lệnh của Chúa, thì muốn đền bù một cách cân xứng, chính Chúa Cứu Thế, vừa có Thần Tính, vừa có nhân tính để “đại diện” cho loài người, đã hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa, dầu phải hy sinh mạng sống.

    Tới đây, ta trở lại vấn đề then chốt: Thiên Chúa có thể dùng nhiều thể cách để cứu chuộc nhân loại, nhưng Ngài đã chọn một biến cố lịch sử độc nhất làm nguyên nhân phát sinh Hồng Ân Cứu Độ. Lịch sử nhân loại là tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận thời điểm viên mãn đó để hoàn tất việc Cứu chuộc. Nên giây phút lịch sử trọng đại độc nhất đó vừa là nguyên nhân vừa là hiệu quả của Hồng Ân Cứu Độ .

    Câu hỏi quan trọng khác: tại sao chính cái Chết và cuộc Khổ hình của Chúa Giêsu đã đền tội và chuộc tội cho thiên hạ? Ý nghĩa cái Chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá là gì? Ý nghĩa cái chết của mỗi người chúng ta là gì? Ta biết Thiên Chúa vì Tình Thương vô hạn đã tự ý muốn cứu độ ta, đó là biến cố lịch sử Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cũng cần mỗi người đáp ứng thì Hồng Ân Cứu Độ mới hoàn thành như lời Thánh ÂuCơTinh nói: Khi tạo dựng nên ta, Chúa không cần ta (ý kiến ta), nhưng khi cứu chuộc ta thì cần ta (đáp ứng). Do đó, chỉ lúc chết mới biết một cách quyết liệt và dứt khoát, ta có tin, và chấp nhận Hồng Ân Cứu Độ hay là từ chối. Chết ở đây hiểu nghĩa là một hành vi do cá nhân tự do quyết định chấp thuận. Chẳng hạn, dầu bị khổ hình tra tấn, tù tội..., cuối cùng bị chém chết, các vị Tử đạo vẫn cương quyết tuyên xưng Đức Tin. Cái Chết anh hùng đó là một hành vi tự do của sự Trung Tín! Phần Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ngài đã tự ý chấp nhận bị bắt, chịu khổ hình, và CHẾT trên thập giá để tỏ ra hoàn toàn vâng phục, yêu mến và thực thi Ý Chúa. Cho nên, nhờ cái Chết đó là một hành vi Hy Sinh cao cả, là một Lễ Vật giá trị vô cùng mà Thiên Chúa đã tha tội và Hòa Giải lại với toàn thể nhân loại và vũ trụ. Chính hành vi tự khiêm, hạ mình cùng tột như Hư Vô, Kinh thánh gọi là Kenosis (Diệt tính), để vâng phục Thánh Ý Chúa mà nhân loại được chuộc tội và được cứu độ (Phil 2:6-11).

D.   LĨNH NHẬN THIÊN ÂN CỨU ĐỘ

    Hồng Ân Cứu Độ gồm hai phương diện, khách quan và chủ quan. Khách quan là biến cố lịch sử Con Thiên Chúa giáng thế làm Người, chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Chủ quan là việc mỗi người chúng ta có tự do chấp nhận Hồng Ân đó hay từ chối. Hồng Ân Cứu Độ vẫn có sẵn, ngay cả trước khi ta nhận lĩnh. Do đó, không có vấn đề Tiền Định (Predestinationism), vì Chúa hằng muốn ban Hồng Ân ấy cho hết mọi người (coi 1 Tim 2:4, D 397, 723). Hết mọi người, nếu Tin, sẽ được cứu rỗi. Hồng Ân Cứu Độ là Ân Huệ siêu nhiên vượt khả năng của loài người. Ta không có quyền đòi hỏi. Nhưng cần ta tự do cộng tác thì Chúa mới nâng đỡ ta. Trước sau, lúc nào ta cũng cần Chúa giúp sức, vì không có Chúa, ta không thể làm gì được. Trên con đường đi tìm Chúa, dầu đã gặp được Ngài, ta vẫn còn cần Ơn Chúa phù trợ. Nếu ta thực tâm sửa đổi đời sống, tránh xa tội ác, cố gắng đi tìm Chúa thì Chúa sẽ giúp ta gặp được Ngài: “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Nói rằng: cần ta “cộng tác”, nhưng không có nghĩa là Chúa làm một nửa, ta làm một nửa, như thuyết Synergism (đồng lực) chủ trương. Thực ra, năng lực của con người cộng tác để được cứu độ và việc thúc đẩy năng lực đó thực hiện, tất cả đều là Ân Huệ Chúa ban mà thôi. Lúc nào cũng cần Chúa phù trì nâng đỡ ta, vì không có Chúa, ta không thể làm gì được. Do đó, cần Ân Huệ Chúa giúp, ta mới được Cứu Độ, nhưng ngay cả lúc ta cộng tác, đáp lại Thiên Ân Chúa ban, ta vẫn còn cần Ân Huệ của Chúa nữa!

     Sau đây là một số điều kiện cần thiết, để chuẩn bị tâm hồn đón nhận Thiên Ân Cứu Độ:

     1.  Tin Vào Chúa Và Hãy Tự Tín

     Muốn Chúa ban Ân Sủng, ta cần phải có Thiện Tâm, nghĩa là ta phải Tin tưởng vào Chúa. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên ta cho có, chắc hẳn Ngài vẫn hằng chăm sóc bảo trợ và dẫn dắt ta trên con đường đi tìm Hạnh Phúc Trường Sinh. Nhìn ngắm vũ trụ xinh đẹp, điều hòa: bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, tuyết phủ, mưa rơi, hoa trái sum suê... như tục ngữ ca dao có câu:

      “Lạy Trời mưa xuống,

      lấy nước tôi uống,

      lấy ruộng tôi cày,

       lấy bát cơm đầy,

       lấy khúc cá to”.

     “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, “Trăm sự nhờ Trời”. Những câu ca dao ngạn ngữ đó nói lên lòng tín ngưỡng của dân chúng vào sự An bài, Quan Phòng của Thiên Chúa. Bông hoa sớm nở, tối tàn mà còn được săn sóc như thế, huống chi con người cao quí hơn vạn vật vì có hồn thiêng bất tử. “Nhân linh ư vạn vật”. Nhờ niềm Tin nơi Đấng Thượng Đế mà nhân loại thêm tự tín, tin tưởng vào chính giá trị và địa vị của mình trong trời đất. Dầu lầm than khổ sở, con người vẫn cố gắng vươn lên vì tin tuởng vào sự trợ giúp của Chúa. Do dó, tinh thần tự tín của ta bắt nguồn tự niềm Tin vào vị Chủ Tể vũ trụ luôn ân cần chăm sóc ta.

     Vì Tin vào Chúa An Bài hằng muốn thi ân giáng phúc cho ta và vì hy vọng vào lượng từ bi vô biên của Chúa tha thứ, nên ta thành tâm thống hối tội lỗi để được ơn Cứu Độ. Đồng thời, ta phải can đảm, tự tín vào Ơn Chúa đã có sẵn trong ta, nên ta không tuyệt vọng nhưng khiêm nhượng nhìn nhận thân phận yếu đuối tội lỗi, để xin Chúa nâng đỡ (coi Lk 15:1-31). Bởi vậy, muốn lĩnh nhận Hồng Ân Cứu Độ, ta phải Tin vào Chúa và tự tín, luôn cậy trông vào Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng hằng muốn tha thứ, cứu vớt, chuộc tội cho ta .

     2.  Cải Tà Qui Chánh

     Hồng Ân Cứu Độ của Chúa Cứu Thế vẫn có sẵn đó, chỉ mong chờ ta đón nhận. Bởi vậy, ta phải sửa soạn tâm hồn để Ân Sủng Chúa đổ tràn xuống. Ngoài việc Tin vào Chúa và tự tín, ta phải từ bỏ các tội lỗi, vì tội lỗi luôn đối nghịch với Thiên Chúa, chống lại Thánh Ý Chúa và Tình Thương vô biên của Chúa. Ta phải bỏ con đường tội lỗi để trở về với Chúa là Nguồn Mạch Sự Sống và Hạnh Phúc. Thời Cựu Ước, các Vị Tiên tri và Thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng để dân chúng thống hối tội lỗi, hầu tránh cơn thịnh nộ Chúa, và chuẩn bị tâm hồn lĩnh nhận Hồng Ân Cứu Độ vì Nước Thiên Chúa đã gần đến (Mt 3:7, Lk 3:7, Mk 1:4).

    Việc canh tân đời sống “vì Nước Chúa đã gần đến” trong Kinh Thánh gọi là “METANOIA”, nghĩa là phải sửa đổi lại hoàn toàn tâm trí, và cách ăn ở cho ngay thẳng; phải ăn chay đền tội, xưng tội, và “chịu phép rửa thống hối” (Mk 1:4). Chúa Giêsu Kitô cũng dùng quan niệm “Metanoia”, nhưng nhấn mạnh vào lòng Tin nơi Thiên Chúa hơn là đe dọa luận phạt (Mk 1:15). “Metanoia” là một sự cải hóa biến đổi đời sống tôn giáo và luân lý của một người, để hoàn toàn theo Chúa hướng dẫn. Sự thay đổi quyết liệt đó thường được gọi là sự “Trở Lại” (conversion). Chẳng hạn, Thánh Phaolô Tông Đồ đã được “Ơn Trở Lại”, vì trước kia, theo Đạo Do Thái, Ông đã bắt bớ người theo Chúa Kitô, nhưng trên đường đi Damas, nhờ phép lạ, Ông đã hoàn toàn biến đổi, để trở lại với Chúa và trở nên vị Tông đồ nhiệt thành (coi Act 1:1-19). Danh từ “Trở lại” áp dụng cho các tân tòng mới gia nhập Đạo Chúa, cũng dùng để chỉ người bỏ Đạo hoặc bê trễ nguội lạnh bỏ xưng tội rước lễ..., nay “ăn năn trở lại” sốt sáng sống Đạo.

     3.  “Chết Cho Tội” nghĩa là gì?

     Thánh Phaolô Tông Đồ, trong Thơ gửi tín hữu Rôma (6:1-14), đã giảng giải khá rõ rệt quan niệm về sự cải hóa thay đổi đời sống một cách quyết liễt từ căn bản. Ngài dùng những câu rất mạnh mẽ như: “Ta là những người đã chết cho tội...”, “Ta đã được thanh tẩy trong Chúa Giêsu Kitô, chính trong sự chết của Ngài mà ta được thanh tẩy. Nhờ thanh tẩy (Phép Rửa Tội), ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, để như Chúa Giêsu Kitô, nhờ bởi vinh quang Chúa Cha, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng sống trong đời sống mới. Con người cũ của ta đã cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, để thân xác tội lỗi bị hủy diệt, hầu ta hết làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Vì kẻ đã chết, thì hết tội. Nhưng, nếu ta chết với Chúa Kitô, thì ta tin rằng: ta sẽ cùng sống với Ngài, bởi biết rằng: Chúa Kitô một khi đã sống lại từ cõi chết, thì không còn chết nữa, sự chết không còn quyền hành gì trên Ngài nữa. Cái chết của Ngài là cái chết cho tội, chỉ một lần mà thôi, nhưng Ngài sống là sống cho Thiên Chúa. Tất cả anh chị em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội và đang sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Ước gì tội lỗi không còn ngự trị trong thân xác hư nát, khiến anh chị em chiều theo những ham muốn dục vọng của nó”.  Qua bản văn trên, ta thấy chữ “chết” và “sống” đều có hai nghĩa. Theo nghĩa đen, chết là gì? Chết là không còn sống đời sống thể xác, giác quan nữa. Chết là kết liễu cuộc đời trên thế gian này, nghĩa là mất đi một cái gì quí giá nhất trên đời, đó là sự sống. Trong một tại nạn khủng khiếp như bị hải tặc cướp của, hành hạ cha mẹ, vợ con..., nhưng nếu còn mạng sống thì vẫn còn chút an ủi. Chết là bỏ lại hết mọi sự: thân bằng quyến thuộc, của cải, danh vọng, chức quyền. Theo nghĩa bóng, nghĩa thiêng liêng, “chết” là từ bỏ, tiêu diệt đời sống (luân lý) cũ tội lỗi, đoạn tuyệt với dĩ vãng xấu xa, và các dục vọng đê hèn. Dầu vẫn sống về thể xác, nhưng “chết” đối với tội lỗi, nghĩa là quyết chí chừa cải, và cam kết tin theo Chúa như gương Thánh Phao lô “trở lại”. Theo nghĩa đen, sống là gì? Sống là cuộc đời ở thế giới này, nhưng đầy tội lỗi, luôn bị dục vọng bất chính lôi cuốn. Theo nghĩa bóng, “sống thật” là kết hợp mật thiết với Chúa, ngay khi còn sống ở thế gian này. “Sống thật” là đời sống trong sạch, thánh thiện. Bởi vậy, cuộc đời tội lỗi thì dầu còn "sống" về phần xác, nhưng như “chết” về phần linh hồn. “Sống thật” là, dầu bề ngoài vẫn làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi, cư xử... như mọi người, nhưng lý tưởng và ý nghĩa đời sống thì khác hẳn. Do dó, “sống thật”, theo Thánh Phaolô, là sống theo tinh thần của Chúa Giêsu Kitô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, chính Chúa Kitô Sống trong tôi” (Gal 2:20).

    Nói tóm lại, quan niệm sống, chết theo Thiên Chúa Giáo khác với ý tưởng của người đời. Sống là sống cho Chúa ngay khi còn sống ở đời này, nhất là được sống hạnh phúc vô cùng với Chúa trên Thiên Đàng. Chết là chết cho tội lỗi, là từ bỏ hoàn toàn tội lỗi, qua việc lĩnh nhận Phép Rửa tội và Tin vào Chúa Giêsu Kitô. Do đó, muốn sống thật, muốn được Cứu Độ, ta phải sống đồng hóa, hiệp nhất với Chúa Giêsu như Thánh Gioan viết: “Hãy ở lại với Thầy, như Thầy ở lại với các con” (Jn 15:4). Tình nghĩa keo sơn gắn bó đó là nguồn mạch sinh Thiên Ân Cứu Độ .

    4.  “Nước Trời”, “Nước Thiên Đàng”, “Nước Thiên Chúa” nghĩa là gì?

    Trong Kinh Thánh, ba thành ngữ: Nước Trời hay Nước Thiên Đàng (Kingdom of heaven, reign of the heavens) và Nước Chúa (Reign of God), đều cùng một ý nghĩa. Chữ “Nước” chỉ quyền thống trị và các luật lệ do Chúa xếp đặt. Thời Cựu Ước, vì sợ “húy danh”, nên người ta không dám kêu xưng chính Danh Chúa là “ Yahweh” (God), nhưng dùng kiểu nói: “Nước Trời hay Nước Thiên Đàng” để thay thế. Trong Tân Ước, các bản văn Kinh Thánh viết bằng tiếng Hylạp, dùng chữ “Basileia”, có nghĩa là “Vương Quốc”, Vương Quyền”, là “Nước” của Thiên Chúa.

    Sau đây ta sẽ tìm hiểu thế nào là “Nước Chúa” trong Nhiệm Cục Cứu Độ (Economy of Salvation)? “Nước Chúa Trị Đến” nghĩa là làm sao ?

     a) “Nước Chúa” là uy quyền thống trị và ý định muốn Cứu Độ hết mọi loài thụ tạo, đặc biệt là các thiên thần và nhân loại, vì Chúa là Đấng Tạo Hóa, cai quản và ban Ân Sủng Siêu Nhiên. Hết mọi tạo vật phải lệ thuộc và phục tùng Chúa.

      b) ”Nước Chúa” chỉ thành lập sau ngày Tận Thế, khi Chúa phán xét vũ trụ thế giới này. Đó là “Nước Chúa” ngày Chung Thẩm (an eschatological reign of God), hoặc Nước đó đã bí mật hiện hữu như một thời đại mới (aeon). Nhưng ngày nào và lúc nào xẩy đến, ai được vào Nước đó thì không ai biết được, trừ ra một mình Chúa Cha biết mà thôi (Mk 13:32).

     c) “Nước Chúa nơi trần gian” có nghĩa gì? (an earthly kingdom of God). Đó là Nước Chúa do Chúa Cứu Thế khải hoàn thành lập ở trần gian này. Nước đó là chủ đề của các bài rao giảng Tin Mừng nhằm Cứu Độ nhân loại, đặc biệt những người bất hạnh, nghèo khó, tội lỗi. Nước đó đang tới tầm tay mọi người tự do đón nhận (Mk 1:15). Việc khai sáng Nước đó thật là một Tin Mừng cho nhân loại.

    “Nước Chúa” do Đấng Cứu Thế khởi xướng, đang đến, đang hình thành, để thực hiện ý định cứu chuộc nhân loại. Vì thế cần sự cộng tác của những ai Tin vào Chúa Giêsu Kitô, để khuyếch trương Nước đó ngày càng thêm lan rộng. Các tín hữu phải hợp tác với Ơn Chúa giúp đỡ, để thực hiện lời hứa của Chúa Cứu Thế là xây dựng một Vương Quốc Hòa Bình, Công Bằng, Tự Do, Hòa Giải, đúng như lời cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: “Nước Cha Trị Đến...” (Mt 6:10). Nước Chúa phải ngày thêm lớn mạnh như Dụ ngôn về hột cải: Bắt đầu từ một hột nhỏ bé, dần dà nó đã lớn lên, đâm lá cành sum suê. Nên biết rằng: hết mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước đó, được Chúa cho thừa hưởng Nước đó (Lk 12:32, 22:29). Nhưng ta phải cầu xin để Chúa ban cho, phải cộng tác với Ơn Chúa giúp đỡ, vì không có Chúa phù trợ, ta không thể làm gì được.

      d) ”Nước Chúa” không đồng hóa với một quốc gia nào, (Mt 8:11, 21:43), vì các nước đó chỉ tồn tại một thời gian. “Nước Chúa” cũng không đồng hóa với “Hội Thánh ở thế này”, vì Hội Thánh là hội của những kẻ tin vào “Nước Chúa sẽ đến”, sẽ chấm dứt  lịch sử của thế giới. Nhưng Hội Thánh là “dấu chỉ”trước của Nước Chúa sẽ đến. Hội Thánh kêu gọi lòng Tin và sự thống hối canh tân (Metanoia) để chuẩn bị tâm hồn đón nhận Tin Mừng Cứu Độ. Hội Thánh dẫn đưa nhân loại vào Nước Chúa, vì chìa khóa “Nước Trời” được trao cho Phêrô (Mt 16:19). Hội Thánh dâng Thánh Lễ Misa như nhiệm tích tiên báo bữa tiệc “Đại Yến” trên Nước Thiên Đàng(coi: K. Rahner, Dictionary of Theology, các chữ: "Kingdom of God", "Basileia",Church..)

     5.  Tích Cực Tham Gia Các Hoạt Động Xã Hội, Khoa Học

    a) ”Ở ĐỜI NÀY VÀ LÚC NÀY” “Nước của Chúa Cứu Thế” đang lớn mạnh, đang trên đà phát triển, nên ngay “ở đời này, và lúc này” (here and now, hic et nunc), các tín hữu phải cộng tác với Ân Sủng của Chúa Giêsu Hiện Hữu (tempus presens) để thay đổi hẳn đời sống của mỗi cá nhân và của xã hội nữa. Dĩ nhiên, muốn lĩnh Hồng Ân Cứu Độ, mỗi người phải canh tân đời sống riêng của mình. Nhưng vì cá nhân sống lệ thuộc vào tha nhân, vào hoàn cảnh môi sinh, kinh tế, chính trị của xã hội. Do đó, các tín hữu có bổn phận phải “Thực Hành”, (practice), sống Đạo bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh tế, chính trị để thay đổi các cơ cấu của quốc gia và quốc tế. Nếu guồng máy, cơ chế xã hội đầy bất công, áp bức, bóc lột thì rất khó thi hành công cuộc Cứu Độ, Giải Phóng nhân loại. Đó là những quan niệm và tôn chỉ hành động của khuynh hướng “Thần Học chính trị (Political Theology).

    b) HỌC THUYẾ'T XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH “Mến Chúa, yêu người” trên lý thuyết không đủ, nhưng cần thực thi bằng những hành động cụ thể. Do đó, theo truyền thống của Hội Thánh do Chúa Cứu Thế thành lập và các Thánh Tông Đồ kế vị, công cuộc Bác Ái (Charities) như cứu trợ người nghèo đói, mở trường dạy học, mở bệnh viện, phòng phát thuốc... luôn được đặc biệt lưu tâm trong các Giáo Phận, Dòng tu, Hội đoàn. Chỉ xin đan cử một vài cơ quan Bác ái nổi tiếng quốc tế trong thời đại này như: Caritas, Viện trợ Công giáo, Dòng Chị Em các người nghèo của Mẹ Têrêsa ở Calcuta... Vì niềm Tin vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa dựng nên vũ trụ và cho con người làm chủ để khai thác mở mang, nên công cuộc thám hiểm, nghiên cứu khoa học, phát minh kỹ thuật... được tăng tiến mạnh mẽ tại các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Thiên Chúa Giáo..., vì các tín hữu tin rằng: để được Cứu Độ, được thưởng trên Thiên Đàng thì phải lập công nghiệp bằng cách làm phúc bố thí. Do đó, cần phát triển khoa học, mở mang kinh tế, kiếm được nhiều tiền để làm việc Bác Ái Từ Thiện. Ngoài công cuộc khai thác trái đất, phát minh khoa học về các ngành để làm cho nước giầu dân mạnh, ngay từ buổi sơ khai, các tín đồ đã tranh đấu cho Nhân quyền, bải bỏ chế độ nô lệ. Hội Thánh phá đổ tục lệ đa thê, để xây dựng gia đình trên nền tảng “nhất phu nhất phụ”. Ngày nay, hiến pháp, luật pháp của các quốc gia trên thế giới đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Tinh Thần Phúc Âm (coi Hiến chế Mục Vụ của Hội Thánh trong thế giới ngày nay: Vui Mừng và Hy Vọng, Gaudium et Spes) (97).

TOÁT LƯỢC NHỮNG ĐẶC ĐIỂM

    1. Thiên Chúa Giáo, là Đạo Mặc Khải, tin rằng: nhân loại tội lỗi, cần phải được Cứu Độ, mới có thể sống an vui ở đời này, và nhất là sau khi chết, được Hiệp Thông với Thiên Chúa trong Hạnh Phúc Trường Sinh Bất Tử.

    2. Nhưng con người là loài thụ sinh, tương đối, hữu hạn, và vì tội lỗi lớn lao, xúc phạm đến Chúa, nên không thể tự cứu lấy mình được. Nhờ Tình Thương vô cùng của Thiên Chúa đã hoàn toàn tự ý muốn Cứu Độ nhân loại, nên đã sai Chúa Cứu Thế Nhập Thể, giáng thế để Chuộc Tội cho loài người.

    3. Bởi vậy, Thiên Ân Cứu Độ là Ân Huệ hoàn toàn do Chúa ban nhưng không, nhân loại không có quyền đòi hỏi. Nhưng nếu muốn được Cứu Độ, mỗi người cần tự do đáp lại, hợp tác với Ơn Chúa ban. Tuy nhiên, vì không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được, nên trước sau và ngay trong lúc cộng tác với Thánh Sủng, luôn luôn ta cần Chúa nâng đỡ phù trì.

    4. “Lịch Sử Cứu Độ” là một sự kiện tối hệ trọng trong Thiên Chúa Giáo. Quả thật, từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa đã có một “Kế Hoạch Cứu Độ”, tức là khi đến thời gian đã ấn định, Thiên Chúa sẽ sai “Thánh Tử” Nhập Thể giáng thế, làm Người, để Chuộc tội cho nhân loại. Chính Chúa Giêsu KiTô, là Chúa Cứu Thế, là Ngôi Hai Thiên Chúa, cũng gọi là Ngôi Lời Nhập Thể.

    5. Các nền văn minh, văn hoá, và lịch sử của toàn thể thế giới từ nguyên thuỷ của vũ trụ đều qui hướng, chuẩn bị cho biến cố lịch sử độc nhất vô nhị là cuộc Giáng Lâm của Vị Thiên Sai Thánh Tử, Chúa Giêsu KiTô. Dân tộc Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn để chuẩn bị một cách đặc biệt: các biến cố lịch sử, các nhà lãnh đạo, các vị tiên tri, tức là các vị Phát ngôn viên của Chúa... đều nhằm vào việc loan báo sự xuất hiện của một “Messiah”, để cứu dân độ thế. Do đó, có thể nói Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước.

    6. Chúa Giêsu KiTô, Chúa Cứu Thế, chẳng những cho dân tộc Do thái, mà còn cho cả nhân loại nữa! Theo Đức tin dạy: trong Con Người Chúa Giêsu KiTô có Thiên Tính và Nhân Tính. Có Thiên Tính, nghĩa là Chúa Giêsu KiTô là Thiên Chúa thật, thì việc Chuộc Tội, đền tội mới cân xứng được, vì Tội đã phạm đến Thiên Chúa Siêu Việt, Tuyệt Hảo! Vừa có Nhân Tính, nghĩa là “làm Người thật”, để đại diện “thật” cho loài người.

    7. Biến cố lịch sử về”Thập Giá Chúa KiTô”, tức là cái Chết của Chúa Giêsu KiTô trên Thánh Giá để Chuộc Tội, đã được các vị Tiên Tri loan báo. Ý nghĩa cái Chết của Chúa KiTô là để chứng tỏ lòng tuân phục hoàn toàn Thánh Ý Chúa đã định, để nên Lễ Vật Hy Sinh đền tội cho nhân loại bất phục tùng Thiên Chúa.

    8. Thánh Ý Chúa muốn cho mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, địa vị xã hội... đều có thể lĩnh nhận Thiên Ân Cứu Độ do Chúa Cứu Thế lập công nghiệp. Ai muốn được Cứu Độ, thì cần phải tỏ Thiện Tâm, Thiện Chí như: Tin vào Tình Thương vô hạn của Thiên Chúa hằng muốn Cứu Độ mọi người. Tin vào công nghiệp của Chúa Cứu Thế. ”Cải Tà Qui Chính”, nghĩa là từ bỏ tội lỗi, và sống theo tôn chỉ của Phúc Âm.

    9. Các Tín Hữu, nghĩa là những người đã được Chúa giúp để chấp nhận Thiên Ân Cứu Độ, có bổn phận tham gia vào việc truyền bá Phúc Âm để mở mang “Nước Chúa”, ngay ở trần gian này, để mọi nguời cũng được hưởng Hồng Ân Cứu Độ.

    10. Chẳng những Chúa Giêsu KiTô Cứu Độ cho nhân loại, mà còn cho cả vũ trụ này nữa! Do đó, người tín hữu có nhiệm vụ tích cực tham gia các hoạt động trần thế như: tham gia chính trị để bảo vệ nhân quyền, sửa đổi luật pháp theo luật công bằng, bác ái của Phúc Âm, phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học, để chống nghèo đói, bệnh tật, và bảo vệ môi sinh, v.v. Mọi hoạt động trần thế, “làm đẹp” vũ trụ, để giúp vào việc thăng tiến con người, phát huy nhân phẩm, đều là cộng tác vào Công Cuộc Cứu Độ của Chúa Cứu Thế vậy.

 

ĐÀM ĐẠO, CHIA SẺ, THÔNG CẢM

    Sau đây, thử chia sẻ về ý hướng, nguyện vọng chung của nhân loại, đặc biệt của Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Nho Giáo, Lão giáo, trong vấn đề Cứu Độ. Tuy cùng chung một khát vọng, nhưng ý niệm và phương thế, tức con đường dẫn tới Cứu Độ thì mỗi tôn giáo đề nghị những giải pháp khác nhau. Do đó, muốn tìm hiểu ý niệm Cứu Độ một cách sâu xa, cần đào sâu ý nghĩa, ý niệm về “Lịch Sử Cứu Độ”, hay “Kế Hoạch Cứu Độ” cho toàn thể nhân loại. Ta thử đặt câu hỏi như: Có một “Lịch Sử Cứu Độ không? Các tôn giáo quan niệm thế nào về “Lịch Sử Cứu Độ? Nhưng trước tiên, nên tìm hiểu nguyện vọng chung của nhân loại khao khát được Hồng Ân Cứu Độ như thế nào. Hình như có một cái gì trục trặc, bất an, âu lo, xao xuyến trong đời sống con người cần phải ổn định lại. Đó là niềm thao thức lớn lao của các tôn giáo.

     1.  Ý Hướng Chung của Nhân Loại về Cứu Độ như thế nào?

     Các nhà tôn giáo học, (coi:“Das Heilige” của Rudolf Otto) đã chia tôn giáo ra làm hai loại:" tôn giáo tiên tri" (prophetic religions), là tôn giáo do một Vị Chúa Tể, Thần Linh truyền đạt cho, qua các vị tiên tri làm “phát ngôn nhân”, và những lời Mặc Khải được ghi trong Sách Thánh như Ấn Độ Giáo có sách Veda, Hồi Giáo có Tiên Tri Muhammad và Sách Thánh Qur'an, Thiên Chúa Giáo có Chúa Cứu Thế, và Sách Phúc Âm...; "các tôn giáo không-tiên tri" (non-prophetic religions), nghĩa là những tôn giáo mà vị sáng lập không do một vị Thần minh nào sai đi làm sứ giả, hay “phát ngôn nhân”, như Phật Giáo,  Khổng Giáo, Lão giáo. Phật Thích Ca đã tự mình tìm ra con đường(Đạo) để tự giác, rồi còn truyền bá giải pháp đó để cứu độ chúng sinh (tự giác nhi giác tha). Trong các tôn giáo thuộc loại thứ hai này, thì Phật Giáo là một cố gắng vĩ đại của nhân loại để tìm cách tự cứu lấy mình. Nếu xét về ý nguyện chung của hai loại tôn giáo, ta nhận thấy có những đặc điểm khá tương hợp như:

    a.  Đời là Phù Vân Giả Trá!

     Thật thế, nhân loại, và vạn sự vạn vật luôn biến đổi không ngừng! Do đó, hạnh phúc chân thật, bền vững không thể tìm thấy ở trên thế giới “vô thường” này. Sức khoẻ, tiền bạc, quyền cao chức trọng có ngày phải tiêu tan. Đây là nhận định căn bản của các tôn giáo, vì thiếu ý thức này, thì tâm tình tôn giáo cũng rất hời hợt, nông cạn. Do đó, ta thường đọc thấy những tư tưởng về sự “Biến Dịch”, lẽ Tuần Hoàn, trong Nho giáo, Đạo Giáo, sự Hư Vô, Vô Thường trong Phật Giáo, và sự Phù vân Giả Trá (vanitas vanitatum) trong Thiên Chúa Giáo.

    b.  Con Người Gian Dối (homo fallax)

     Các tôn giáo cũng đều nhìn nhận là: nhân vô thập toàn. Người Phật tử có ý thức rất mạnh về Nghiệp Báo, nhất là Ác Nghiệp của con người chồng chất từ kiếp này qua kiếp khác, không làm sao thoát khỏi vòng Luân Hồi. Do đó, sự đau khổ tràn ngập thế giới! Người tín hữu xác tín rằng Tội Nguyên Tổ đã làm suy đồi bản tính nhân loại, mọi người thích hướng chiều về làm điều Ác hơn là làm điều Thiện. Tội Nguyên Tổ, và tội do cá nhân trách nhiệm vì tự do lựa chọn điều Ác, là nguồn gốc sinh ra các đau khổ tinh thần và vật chất. Ngoài ra, các vị hiền nhân quân tử trong Nho Giáo đều chú trọng về việc giáo hóa con người, như sách “Minh Tâm Bửu Giám” dạy:” Một ngày không nghĩ điều Tốt, thì các điều Xấu (trong con người) tự nổi dậy( nhất nhật bất niệm Thiện, chư Ác giai tự khởi).

     c.  Cải Tà Qui Chánh (metanoia)

     Trong Phật Giáo, vấn đề Giác Ngộ, Tự Giác rất quan trọng, để tìm ra căn nguyên của đau khổ là Tham, Sân, Si và nếu muốn Diệt Khổ, thì cũng phải Diệt Dục, nghĩa là tiêu diệt những ham muốn bất chánh trong tâm thức con người. Do dó, muốn cho tâm hồn được thanh thỏa, siêu thoát, thì cần sửa đổi đời sống, và hoàn toàn “qui y Phật Pháp”. Nho giáo cũng chú trọng đến “Tâm”, tức ý thức của con người cần được cải hóa để luôn hướng về điều Thiện như câu thơ: “Thiện Căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Do đó, cần “Chính Tâm, Thành Ý”, và tu dưỡng để cho “viên Ngọc”, tức Thiện-Căn trong ta, sáng ra. Thiên Chúa Giáo chú trọng vào việc “hối cải”, gọi là Metanoia. Phép Thánh Tẩy được coi là cuộc “tái sinh” trong cuộc sống mới, vì đã gột rửa, đã “chết” cho con người cũ, tội lỗi, để sống cuộc đời mới, thánh thiện, và bác ái. Xét chung, Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo đều lạc quan tin tưởng vào Ơn Trên phù trợ, và thiện chí của con người có thể biến đổi số phận nhân loại trở nên hoàn hảo hơn.

    2.  Quan Niệm về “Lịch Sử Cứu Độ” của các Tôn Giáo như thế nào?

    a.  Nho Giáo và “Lịch Sử Cứu Độ”

     Bàn về vấn đề Cứu Độ, ta không thể bỏ qua không suy nghĩ về “Lịch Sử Cứu Độ”, tức là cả một kế hoạch, chương trình đại qui mô, gồm công cuộc chuẩn bị, các lời “sấm ký”, tiên tri loan báo, các diễn biến theo dòng lịch sử, và các nhân vật lịch sử xuất hiện để hoàn thành sứ mệnh do Trời trao phó. Theo định nghĩa trên, thử đặt câu hỏi: Nho Giáo quan niệm như thế nào về “Lịch Sử Cứu Độ”? Từ ngàn năm, các dân tộc Á châu vẫn tin tưởng vào quyền năng vô biên của một Vị Hoá Công, cũng gọi là “Ông Trời”, hay Thượng Đế, tác thành vũ trụ, vạn vật và các kỳ quan, hiện tượng lạ lùng trong trời đất. Dân chúng cũng tin tưởng vào “Thiên Mệnh”, an bài mọi việc trên đời, qua trung gian của vị quân vương được gọi là “Thiên Tử (Con Trời). Theo truyền thuyết, đã xuất hiện năm vị vua chúa, tức Ngũ Đế vào thời thượng cổ là các vua Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn. Đôi khi cũng có các vị Thánh Hiền như Khổng Tử, Mạnh Tử..giảng dạy và truyền đạt đạo lý để giáo hóa dân chúng. Tục truyền, Trời đã ban “Hồng Phạm Cửu Trù” cho vua Đại Võ (2205-1197 B.C.). Đó là một chương trình đại qui mô gồm chín điểm, ghi chép những nguyên tắc, tôn chỉ phải tuân hành trong việc trị quốc. Ý tưởng chính yếu trong Hồng Phạm Cửu Trù là dạy người ta phải giữ Trung Đạo, Trung Hòa, để Nhân Đạo (nhân tâm) được hòa hợp với Thiên Đạo, vì Trời và Người có quan hệ với nhau, như câu: “Thiên Nhân tương dữ”. (98).

    Giá trị lịch sử của những lời sấm trong Hồng Phạm Cửu Trù đã được ghi trong “Thư Kinh Bị Chỉ” như thế nào? Có bằng chứng gì cho ta thấy những mệnh lệnh là do Trời “mặc khải”, biểu lộ cho vua Đại Võ không? Chính nhà Lý Học Chu Hi đã hoài nghi về tính chất lịch sử của thiên Hồng Phạm Cửu Trù là do Trời ban xuống. Ngoài ra, Chu Hi cho việc “mặc khải” chỉ là phụ thuộc, vì ý nghĩa của các mệnh lệnh đó mới là quan trọng(99).

    Trong các vị Thánh Hiền, kể cả Đức Khổng Phu Tử, không có vị nào tự xưng được Trời sai xuống trần gian, hoặc tự đảm nhận sứ mệnh thần thiêng, siêu việt là ban cho nhân loại hạnh phúc vĩnh cửu, và trường sinh bất tử. Do đó, có thể nói dân tộc Á Đông không chú trọng về “Lịch Sử Cứu Độ”, như đã định nghĩa ở trên, nhưng có ý thức khá mạnh về lịch sử quốc gia dân tộc. Nho Giáo chủ tâm về cách tổ chức gia đình, quốc gia xã hội, theo nguyên tắc luân lý của Tam Cương, Ngũ Thường, để dân nước bình an, trật tự, hơn là chú ý về việc tôn giáo, tâm linh, như trong Đạo Giáo (Lão Giáo), hay trong Phật Giáo. Đôi khi, trong lịch sử quốc gia, thấy xuất hiện những vị anh hùng, được dân chúng coi là “trời sai xuống” để cứu dân cứu nước chống ngoại xâm như truyện phù Đổng Thiên Vương, hay như câu truyện “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, hoặc để thức tỉnh tinh thần ái quốc chống quân Nguyên, Lý Thường Kiệt đã thảo bài thơ: “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư, Tiệt nhiên định phân tự Thiên Thư…” (100).Những dẫn chứng trên đây chỉ liên quan đến “Lịch sử thế tục”, mà dân chúng tin tưởng Trời sẽ can thiệp để cứu vớt dân nước khi bị ngoại xâm, nhưng ngoài ra, không đề cập đến “Lịch Sử Cứu Độ”.

    b.  Phật Giáo và “Lịch Sử Cứu Độ”

     Trong lịch sử Phật Học, đặc biệt trong phái Tịnh Độ theo giáo thuyết A-Di-Đà (Amitabha), và Bồ tát Quan Âm (Bodhisattva Avalokitesvara), ta thấy sứ mệnh cứu nhân độ thế được đề cập tới nhiều hơn trong Nho học, Lão học. Dĩ nhiên, “cứu nhân độ thế”, hiểu theo nghĩa tôn giáo, tức là Cứu Độ nhân loại khỏi trầm luân trong khổ hải, và đem lại siêu thoát, giác ngộ nơi Cực Lạc (Nirvana,Niết Bàn).

    Phật Thích Ca là một vị đại tu hành. Sau khi rời cung điện, từ bỏ vợ con, giầu sang, Ngài đã chu du khắp nơi, thí nghiệm nhiều phương pháp tu hành khổ hạnh để tìm ra chân lý, nhưng Ngài đã thất vọng. Vì thế, chính Ngài đã phải tự tìm lấy chân lý, và đã “Tự Giác”, (Tự Giác Ngộ), thành “Phật” (Buddha=budh=tỉnh thức, giác ngộ), dưới Cây Bồ Đề (Bodhi-Tree). Ngài đã tự mình tìm ra con đường giải thoát khỏi vòng luân hồi nghiệp báo. Sau khi “Tự Độ”, Ngài đã đi thuyết pháp cho các đệ tử. Do đó, theo sử liệu, và những bài thuyết pháp, Phật Thích Ca đã không tự xưng được Thần Linh mặc khải, hoặc đã lãnh sứ mệnh cứu độ từ một quyền lực linh thiêng nào ban cho. Ngài đã tự giác để được giải thoát. Ai muốn được giác ngộ, thì theo giáo thuyết, tôn chỉ mà Ngài đã đề ra, nhưng chính Ngài thì không thể cứu được ai hết. Mỗi người phải tự cứu lấy chính mình! Sau này, phái Tiểu Thừa (Hinayana) chủ truơng “Tự Độ, Tự Giác”, nghĩa là chỉ lo cứu lấy mình mà thôi. Nhưng phái Đại Thừa (Mahayana) lại theo tôn chỉ: “Tự Giác nhi Giác Tha”, nghĩa là khi đã tự độ, đã cứu mình ra khỏi vòng luân hồi, nghiệp báo, thì còn lo “phổ độ chúng sinh” (giác tha), tức là giúp đỡ mọi người được giác ngộ nữa! Bởi vậy, mới có câu truyện đại nguyện của một vị Bồ Tát (Bodhisattva), mà có người cho là Quan Thế Âm Bồ Tát: “Hễ nhất thiết chúng sinh mà còn một giọt nước mắt (đau khổ), thì ta nhất định không nhập Niết Bàn, không thành Phật vội”(101).

    Cũng theo sử liệu và những bài thuyết pháp, Phật Thích Ca luôn giữ thái độ im lặng, từ chối không đề cập đến những vấn đề siêu hình như sự hiện hữu của một vị Thượng Đế, cuộc sống sau khi chết.., vì Ngài chỉ chú trọng vào sự việc thực tế là chữa bệnh “đau khổ”, ngay bây giờ, tại chỗ. Do đó, lịch sử Phật Học ít chú trọng đến ý niệm, chiều hướng, các biến cố và các nhân vật diễn viên trong dòng “Lịch Sử Cứu Độ”. Phật Học cũng không nói đến ngày Chung Thẩm (eschatology), tức ngày kết liễu cuộc đời, ngày phán xét, ngày tận thế. Phật Thích Ca không phải là biến cố lịch sử độc nhất, là tâm điểm của kế hoạch, vì Phật học chú ý đến tính chất phổ quát, đại đồng, trừu tượng của việc Giác Ngộ thành “Phật”, hơn là nhấn mạnh đến chính “Đấng Cứu Thế”, hay những nhân vị được cứu độ. Như kiểu nói: Bất cứ ai cũng có thể thành “Phật”được, nghĩa là bất cứ ai cũng có “Phật Tính” (cũng có thể Giác Ngộ được). Danh từ “Phật” (Buddha, giác ngộ, tỉnh thức) là một danh từ chung chỉ tước hiệu chứ không phải danh từ riêng của một ai. Nếu người ta dùng danh hiệu đó (chữ hoa) để chỉ Phật Thích Ca, vì Ngài là người thứ nhất được thành “phật”, trong muôn vàn chúng sinh khác. Cũng có truyền thuyết cho rằng “Phật” còn đầu thai nhiều lần, ở nhiều kiếp khác nhau. Theo phái thiền Không Tông, thì ngay kinh điển cũng không cần thiết để đạt tới giác ngộ. Cho nên Nghĩa Huyền thiền sư (chết năm 866), người sáng lập nhóm thiền gia Lâm Tế nói: “Muốn hiểu sự thật thì không để nguời khác lừa. Gặp là giết, trong cũng như ngoài. Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ... Mới mong được giải thoát” (Cổ tôn tú ngữ lục, quyển 4) (102). Vì ít quan tâm về nhân vị, ngôi vị (personal), nên Phật học không đề cập đến ý niệm về lịch sử, vì ý niệm lịch sử thường đi đôi với ý niệm nhân vị. Lịch sử chính là sân khấu của cuộc đời, các diễn viên là những con người cụ thể, “bằng xương bằng thịt”, đang hành động, trình diễn. Do đó, “Thời thế tạo anh hùng”, nhưng “Anh hùng (Nhân vị) cũng có thể tạo Thời Thế” (Lịch Sử). Thay vì tin tưởng vào một Đấng Tạo Hóa (Ngôi vị), dẫn dắt nhân loại qua dòng Lịch Sử Cứu Độ, để tiến về một cùng đích, Phật Học đã mượn thuyết Luân Hồi Nghiệp Báo (Karma) của Ấn độ giáo để cắt nghĩa Luật Nhân Duyên, Nhân Quả của mọi sự việc xẩy ra trên đời này. Luật Nhân-Quả, Nghiệp-Báo (Karma), và Pháp (Dharmas) là luật phổ biến, vô bản vị (non-personal), luật tự nhiên, giống như luật Hấp Dẫn (Gravity) ,  (103).

     c.  Thiên Chúa Giáo và Lịch Sử Cứu Độ

     Thiên Chúa Giáo rất chú trọng vào Lịch Sử Cứu Độ (Đạo), và cả Lịch Sử Thế Giới (Đời) nữa. Thật vậy, toàn thể vũ trụ phải có một hướng đi, và một cùng đích. Do đó, từ bình diện nhân loại, thế tục vươn lên bình diện siêu việt, người tín hữu tin rằng Thiên Chúa Ngôi Vị, Đấng Tạo Hóa dựng nên vũ trụ càn khôn, là Nguyên Thuỷ(Alpha) và Cứu Cánh (Omega) của Lịch sử, của vạn sự vạn vật. Chính Vị Chúa Tể đó đã an bài mọi diễn tiến của Lịch Sử Đời và Đạo để dẫn đến một biến cố duy nhất kết thúc nơi “Nhân Vị của Đấng Cứu Thế”, nhập thể giáng thế, để làm Vị Trung Gian, Cứu Độ, và Hòa Giải giữa Thiên Chúa và nhân loại.

    Vì quan niệm Đấng Cứu Thế là Tâm Điểm của mọi diễn biến Lịch Sử Đời và Đạo, nên cuốn Sách Kinh Thánh chính là cuốn Sách nói về Lịch Sử Cứu Độ. Tuy chia làm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước, nhưng cũng chỉ là một cuốn Sách. Dân Do thái được Chúa đặc biệt lựa chọn để chuẩn bị cho cuộc giáng lâm của Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa đã ký Giao Ước với dân Do Thái là sẽ cho Vị Thiên Tử, Thiên Sai ra đời tự dòng tộc Đa vít để cứu nhân độ thế. Sách Cựu Ước cũng được gọi là Sách “Sấm Truyền”, vì các lời Giao Ước, các nhân vật, các biến cố lịch sử đều nhằm vào việc tiên báo, tức nói “tiên tri”, nói hình bóng ám chỉ về Đấng Cứu Thế sẽ ra đời chuộc tội cho nhân loại. Vì thế, các nhận vật của Cựu Ước là nguyên hình, điển hình, mô phạm (prototypes) của Tân Ước. Chẳng hạn, A Dong “cũ”, là ông tổ của nhân loại tội lỗi, làm điển hình cho A Dong “mới”, là Chúa Cứu Thế, Thủ Lãnh của những người đã đuợc cứu chuộc; Tiên tri MaiSen, nhà lãnh đạo, giải phóng dân Do thái khỏi kiếp nô lệ trở thành nước tự do, là điển hình cho Chúa Cứu Thế đã cứu thoát nhân loại khỏi làm nô lệ tội lỗi để trở nên con cái tự do của Chúa, qua việc chịu Phép Thánh Tẩy (như ngày xưa MaiSen dẫn dân vượt qua Biển Đỏ). Các vị Tiên Tri, hay “Phát Ngôn Viên” (prophet), được Chúa sai đến để giảng dạy dân chúng chuẩn bị cho ngày giáng lâm của Đấng Messiah (Cứu Thế): các diễn tiến lịch sử như ngày Giáng sinh, việc rao giảng Tin Mừng, cuộc Tử nạn, Phục sinh vinh hiển… nhất nhất đều được loan báo trước (104).

    Theo niên lịch và chu kỳ phụng vụ, các tín hữu vẫn diễn lại một cách sống động các biến cố lịch sử xưa, như: Mùa Giáng Thế (Advent), kỷ niệm việc chuẩn bị Con Thiên Chúa giáng trần; Mùa Giáng Sinh, mừng ngày Thánh Đản, Sinh Nhật, Mùa Chay, Mùa Tử Nạn, kỷ niệm ngày chuộc tội cho thiên hạ, Mùa Phục Sinh, Thăng Thiên, mừng Chúa Sống lại, vinh hiển, Mùa Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Pentecost), kỷ niệm biến cố Chúa thành lập Hội Thánh. Do đó, Cựu Ước và Tân Ước chỉ là Một Sách, viết về Một Biến Cố độc nhất là việc Con Thiên Chúa giáng trần, cứu nhân độ thế. Có thể nói: lịch sử của các nền văn minh, văn hóa của nhân loại cũng chuẩn bị cho biến cố duy nhất này!

    Ngoài ra, vì nhấn mạnh đến tính chất lịch sử của Kế Hoạch Cứu Độ (Economy of Salvation), nên Thần Học Công Giáo chủ trương: mọi công cuộc Cứu Độ phải do công nghiệp của Đấng Cứu Thế mới thực hiện được, nghĩa là Thiên Ân Cứu Độ phải do Chúa ban, qua Đấng Cứu Thế. Dĩ nhiên, nhân loại phải cộng tác, và tự do chấp nhận Thiên Ân thì mới được cứu rỗi. Nhưng nhân loại không thể “Tự Độ”, nghĩa là không thể tự mình cứu lấy mình được. Sau khi được Chúa cứu độ, người tín hữu cũng có nhiệm vụ, và sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân, để mọi người biết và tự do hoan hỷ đón nhận Thiên Ân Cứu Độ do Tình Thương vô hạn mà Chúa ban nhưng không cho những người thiện chí. “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân”.

      Vinh Danh Thiên Chúa trên các Tầng Trời

      Bình An dưới thế cho Người Thiện Tâm.

Tác giả Lm. Jos Cao Phương Kỷ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!