.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I: Linh Mục Đắc Lộ, vị sáng lập chữ quốc ngữ và xây dựng Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam

Chương II: Phương Pháp Suy Luận Đông Tây

Chương III: Nhân Tính

Chương IV: Cứu Độ

Chương V: Tình Ái

Chương VI: Quan Niệm Về Một Nguyên Lý Siêu Việt

Chương VII: Niềm Tin Vào Một Ngôi Vị Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời

Chú thích và sách tham khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo
Tác giả: Lm. Jos Cao Phương Kỷ
CHƯƠNG III: NHÂN TÍNH

Tìm hiểu Nhân Tính, hay Bản Tính của Nhân Loại, xưa nay vẫn là một mối quan tâm lớn lao! Bởi vì, trước tiên, phải hiểu biết bản tính và ước vọng tự nhiên của con người, rồi mới có thể vươn lên cõi Siêu Nhiên được. Cổ nhân nói: “ Biết được “tính “ Người, thì cũng hiểu được Ý Trời”. Những câu thắc mắc căn bản được đặt ra như: Bản tính con người là gì? “Tính” con người tốt hay xấu? Con người tự bản tính có hướng về Siêu Việt không? Nhưng hiểu biết và định nghĩa được bản tính con người, là một vấn đề khó khăn, phức tạp, đã gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong lịch sử triết lý và tôn giáo Đông-Tây.

    Trong Chương Ba này, ta lần lượt tìm hiểu quan niệm về Nhân Tính của các Đạo giáo như Nho giáo, và Phật giáo. Sau đó, ta sẽ bàn về quan niệm Nhân Tính của Thiên Chúa Giáo. Sau cùng, thử so sánh, đối chiếu các quan điểm trên giúp ta nhận thức được những tương đồng và dị biệt về con người, để tìm cách dung hòa, hầu đi đến một tổng hợp đầy đủ hơn về Nhân Tính.

ĐOẠN I.   NHÂN TÍNH TRONG NHO GIÁO

Truyền thống Nho học vẫn đặt con người vào trọng tâm của Triết lý. Ta thử nêu tên mấy nho gia thời danh như Mạnh tử, Tuân tử, Đổng Trọng Thư, rồi trào lưu Đạo học thời Trình Di, và Vương Dương Minh. Những nho gia đó đã đề cao chủ nghĩa Nhân Bản và đã ảnh hưởng rất lớn đối với nền giáo dục về “ Đạo làm Người” của nhiều thế hệ tại miền Á Đông.

A.   NHÂN TÍNH THEO MẠNH TỬ (371-289)

    Đối với Nho Học, chữ “Tính” nghĩa là gì? Theo nguyên tự chữ hán “Tính” (     ) gồm hai bộ ghép lại: bộ Tâm (   ) chỉ tâm tình, tâm trí, và bộ sinh (   ) chỉ sự sống, và nòi giống. Do đó, có thể định nghĩa chữ Tính là: bản thể, yếu tính của con Người lĩnh nhận sự sống và các tài năng bởi Trời ban cho .Người cao quý hơn loài cầm thú, thảo mộc, “nhân linh ư vạn vật”, vì biết điều nhân nghĩa, và có ý chí, tự do. Mọi người đều bình đẳng với nhau, vì cùng chung một “Tính” người.: Tứ hải giai huynh đệ”(27).

    Một câu hỏi: Khi người sinh ra, thì “Tính” tốt hay xấu? “Tính” người khuynh hướng về điều Thiện hay về điều Ác? Theo Mạnh Tử:” Nhân chi sơ, Tính bản thiện”, nghĩa là bản tính sơ khai, nguyên thuỷ nơi con người hướng về điều Thiện. Ngay khi mới sinh đã bẩm thụ được bốn nhân đức sơ thuỷ: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Nhân là lòng thương người, nhân ái, chính là đạo Nhân trong Nho Giáo. Nghĩa là đầu mối phát sinh sự biết hổ thẹn, biết chê ghét điều xấu. Lễ là tâm tình đầu tiên về sự nhún nhường, nhu mì, đơn giản. Trí là sự khôn ngoan biết phân biệt Phải, Trái.(28)“Cái lòng thương xót người ta đều có, cái lòng thẹn ghét người ta đều có, cái lòng cung kính người ta đều có, cái lòng phải trái người ta đều có. Lòng thương xót là Nhân, lòng thẹn ghét là Nghĩa, lòng cung kính là Lễ, lòng phải trái là Trí. Các điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí đều không phải từ bề ngoài nung đúc vào ta, nhưng hẳn đã có rồi mà mình chẳng nghĩ tới đấy thôi. Cho nên nói rằng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, hễ cầu thì được, bỏ thì mất, được hay mất sẽ có kết quả về công việc làm ra là Thiện hay bất Thiện, cách xa nhau đến gấp hai gấp năm lần, không biết đâu mà kể, như thế là vì không biết khuếch sung cho hết cái tài chất của bản tính vậy”(29) . Mạnh Tử và các đạo gia thích lấy thí dụ về câu chuyện: “Một đứa bé sắp sửa rớt xuống giếng nước”, để minh chứng lòng trắc ẩn, thương người bộc phát tự bản tính hướng thiện của con người, vì không ai nhẫn tâm, dửng dưng đến nỗi khi chợt thấy một em bé đang sắp sửa lăn xuống giếng nước, mà lại không vội vã chạy ngay lại cứu nó! Sự hoảng hốt lo sợ để cứu vớt đứa bé, đó là do “Tính” tự nhiên của con người có lòng Nhân Ái vậy. Vì cho Nhân Tính là tốt tự trong bản thể, nên Mạnh Tử quả quyết rằng: mọi người không phân biệt chủng tộc, giầu nghèo, học thức hay vô học, ai cũng có thể trở thành Hiền Nhân Quân Tử được.

B.   NHÂN TÍNH THEO TUÂN TỬ (298-238)

    Tuân Tử cũng đồng ý với Mạnh Tử là: mọi người có thể trở nên Hiền Nhân Quân Tử được, nếu người đó muốn. Nhưng cách giải thích về bản tính của con người thì khác với Mạnh Tử.

    Theo Tuân Tử, “Tính” của con người là xấu. Bốn nhân đức trên kia, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí không phải do bẩm sinh mà có. Trái lại, “Tính” tự nhiên của con người là ham lợi, tham lam, nhục dục. Do đó, Tuân Tử nhận định rằng: người ta có thể trở nên tốt, nhờ trí khôn thông minh hơn loài cầm thú, lại có ý chí theo đuổi việc tu luyện. Bởi vì, nếu để tự do thả lỏng, lêu lổng, thì một đứa trẻ sẽ không khi nào trở thành người tốt được! Do đó, con người hóa nên tốt, hữu dụng là nhờ sự giáo hóa, giáo dục, nhờ hấp thụ một nền văn minh, văn hóa tốt.

    Chính nền giáo dục của Nho Giáo đã đào luyện con người xấu có thể hóa nên tốt được. Những mối tương quan trong xã hội như: Quân-Thần (Vua-Tôi), Phụ-Tử (Cha-Con), Phu-Phụ (Vợ-Chồng), Huynh-Đệ (Anh-Em), Bằng-Hữu (Bạn bè), và năm đức hạnh đi kèm theo là: Thân, Nghĩa, Biệt, Tự, Tín, cần phải được thực hành để giữ cho các tuơng quan đó thêm bền vững và hòa hợp: “ Phụ-Tử hữu Thân, Quân-Thần hữu Nghĩa, Phu-Phụ hữu Biệt, Huynh-Đệ hữu Tự, Bằng -Hữu hữu Tín”, nghĩa là: giữa cha mẹ và con cái phải liên kết với nhau bằng tình thương, thân ái. Giữa vua và dân hay giữa chính quyền và dân chúng cần phải theo đúng sự công bằng, chiếu theo nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân như hiến pháp, và luật lệ quốc gia qui định. Nếu muốn chung sống lâu dài, hòa hợp, vợ chồng cần phải tôn trọng, tín nhiệm nhau, mỗi người đảm nhận và chu toàn các phận vụ riêng biệt dành cho vợ, cho chồng, trong gia đình, đừng dẫm chân lên nhau. Giữa anh chị em, cần có trên kính dưới nhường, tôn ti trật tự, chị bảo em nghe. Trong khi giao du, trong nghề nghiệp làm ăn buôn bán, bằng hữu bạn bè cần tín nhiệm, tin cẩn lẫn nhau.

    Nói tóm lại, theo Tuân Tử, mọi qui tắc luân lý, các luật lệ do xã hội lập ra, cốt để giáo hóa con người sống hòa hợp với người khác. Ngoài ra, nghệ thuật như âm nhạc cũng được dùng để cảm hóa con người. Bởi vì, âm nhạc thanh cao sẽ gợi nên tâm tình cao thượng, an vui, còn âm nhạc ẻo lả, hay náo loạn, sẽ khuấy động nhục dục trong tâm hồn(30). Cũng nên biết: Tuân Tử không tin có Thần Thánh, không tin có hồn thiêng bất tử của ông bà đã chết, nhưng ông vẫn cho việc lễ bái là hữu ích. Ông không tin người đã chết có thể tiếp nhận lễ vật hay lời cầu kinh dâng lên, nhưng ông giải thích rằng: việc gia đình, xã hội tổ chức giỗ ky, ma chay sẽ giúp huấn luyện các đức tính tốt như lòng nhớ ơn tổ tiên, tình nghĩa gia tộc cho con cháu còn đang sống!

C.   NHÂN TÍNH THEO ĐỔNG TRỌNG THƯ  (179-104)

    Hai phái “Tính Thiện” do Mạnh Tử chủ trương và”Tính Ác” do Tuân Tử khởi xướng, đã kéo dài cuộc tranh luận giữa các nho gia gần hai thế kỷ. Đến đời Đổng Trọng Thư, một

nho gia lỗi lạc đời Hán, đã đặt lại vấn đề “Nhân Tính”, và tìm giải pháp dung hòa, chiết trung cho hai lập trường đối nghịch trên.

    Theo họ Đổng, ông không thể đồng ý với Mạnh Tử mà công nhận lập tức rằng:” Tính Người là Thiện”! Nhưng cần phải biện biệt cho rõ ràng hơn. Ông viết:” Cho nên Tính ví như cây lúa, Thiện ví như hột gạo. Hột gạo ở trong cây lúa, mà cây lúa vẫn chưa toàn là hột gạo. (Cũng vậy) Thiện ở trong cái Tính, mà Tính chưa toàn là Thiện. Thiện và gạo là của người nối Trời mà thành ra ở ngoài, chứ không phải ở trong cái của Trời làm ra. Cái của Trời làm ra có chỗ đến mà thôi. Cái thôi ở trong, gọi là thiên tính, cái thôi ở ngoài, gọi là nhân sự...Nay cái Tính của vạn dân có cái chất mà chưa có cái biết rõ, ví như mắt nhắm tối mờ, chờ tỉnh ra rồi có dạy thì sau mới Thiện. Còn lúc chưa tỉnh, thì không thể gọi là Thiện được. So với mắt lúc nhắm mờ mịt và lúc tỉnh biết, cùng là một lệ. Ta tĩnh tâm và thong thả mà xét, thì hiểu rõ điều đó.."(31)). Như vậy, theo ý kiền của Đổng Trọng Thư thì con người mới chỉ có “mầm mống” hướng về sự Thiện do Trời phú bẩm cho, nhưng chưa được bộc lộ ra bên ngoài thành sự thiện hảo thật, vì con người còn cần cố gắng tu luyện nữa! Do đó, mới có Tính Thiện chưa đủ mà còn phải có giáo dục thì con người mới phát triển đến bậc thiện toàn. Họ Đổng nhấn mạnh đến chữ”giáo”,(32) nghĩa là giáo huấn, giáo dục, tôn giáo, đạo giáo . Con người có nhiệm vụ cao quí là hợp tác với Trời để phát huy mầm mống Chân-Thiện-Mỹ tiềm ẩn trong tâm khảm mỗi người. Hơn nữa, Đổng Trọng Thư đã dung hòa được hai lập luận trái ngược về Tính Thiện và Tính Ác. Lập trường của ông vừa giống, nhưng cũng khác với quan điểm của Mạnh Tử. Khi nói:”Nhân chi sơ, tính bản thiện”, thì Mạnh Tử quyết đoán là: Người ta “đã” tốt rồi! Còn Đổng Trọng Thư dè dặt hơn: Người ta “chưa” tốt hẳn đâu! Nhưng còn cần sự giáo hóa nữa thì mới khiến con người thật sự trở nên tốt! Do đó, khi nhấn mạnh đến việc giáo hóa, giáo dục thì ông cũng đã chấp nhận lập trường văn hóa của Tuân Tử. Nhưng đồng thời, ông cũng bất đồng ý kiến với Tuân Tử về vấn đề “Tính Ác” của con người. Bởi vì, nếu từ trong căn bản, con người đã hoàn toàn hư hỏng, hoàn toàn “Ác”: “ Nhân chi sơ tính bản ác”, thì làm sao có thể vun trồng cái ác để thành cái tốt được?(33). 

    Nói tóm lại, lập luận dung hòa của Đổng Trọng Thư đã giải quyết được sự mâu thuẫn của hai lập trường cực đoan. Ngoài ra, vì chú trọng đến việc giáo hóa, nên Đổng Trọng Thư đã có công thiết lập hệ thống khoa cử để tuyển chọn các bậc nhân tài ra làm việc nước. Nền giáo dục và hệ thống khoa cử này, tại Trung Hoa, đã kéo dài hàng ngàn năm mãi cho tới thời Cách mạng Trung Hoa Dân Quốc. Ngày xưa, Việt Nam và các nước như Nhật, Đại Hàn cũng rập theo khuôn mẫu của hệ thống giáo dục và khoa cử của Trung Hoa.

D.   NHÂN TÍNH THEO CHU HI (1130-1200)

    Tại Trung Quốc vào thời Trung cổ, các Đạo học gia trong trào lưu triết lý gọi là Đạo Học (Đạo=Chân lý), đã phục hưng triết lý của Mạnh Tử, chủ trương thuyết “ Tính Thiện” của con người. Nhưng các đạo gia cũng khám phá ra nhiều khía cạnh mới, và lý thuyết mới. Hai Môn phái triết học được thành lập: Môn phái “Lý Học”, gồm có hai anh em là Trình Hạo (1032-1085), và Trình Di (1033-1108). Môn phái “Tâm Học” do Lục Cửu Uyên (1139-1193) và Vương Thủ Nhân, tức Vương Dương Minh (1472-1528).

    1.  Quan Niệm về LÝ và KHÍ

    Theo Chu Hi, “Tính” người gồm hai yếu tố: LÝ và KHÍ. Lý là gì? Bất cứ vật gì trong vũ trụ đều có cái “Lý” của nó. Chính cái “Lý” của một vật làm cho vật đó khác với các vật khác. Do đó, cái “Lý” chính là cái làm nên bản tính của vật ấy, thiên nhiên hay nhân tạo. Bởi vậy, ta có thể nói: cái “Lý” của loài người là cái làm cho con người khác con vật. Cũng vậy, cái “Lý” của loài cá là cái làm cho con cá khác với con chim. Cái “Lý” của cái bàn là cái làm cho cái bàn khác cái ghế, v.v. Phái Lý Học còn đi xa hơn nữa và cho rằng: cái”Lý” của mỗi sự vật đã có trước khi sự vật ấy thành hình thể, thành đồ vật cụ thể. “Hỏi rằng: Trước khi chưa có trời đất, hết thảy chỉ có Lý, có phải không? _ Rằng: Trước khi chưa có trời đất hết thảy chỉ có Lý. Có Lý ấy, mới có trời đất ấy”(34). Mỗi vật hiện hữu, thiên tạo hay nhân tạo đều có cái “Lý” của nó. Và tất cả vũ trụ này được coi như một khối toàn thể cũng có cái “LÝ” của nó, tức cái “LÝ” Tột Đỉnh bao gồm hết thảy các cái “Lý” khác trong vạn vật. Cái “Cùng LÝ” tối thượng đó, các Đạo Học gia đặt tên là “LÝ THÁI CỰC”.

    KHÍ là gì? Chẳng những mỗi người, mỗi vật đều có cái “Lý”của nó, nhưng cũng còn có “Khí” nữa! Nhà Lý học Chu Hi viết:” Vậy Lý là phần thuộc Hình-nhi-thượng (siêu hình), còn Khí là phần thuộc Hình-nhi-hạ (hữu hình), nghĩa là Lý thì vô hình, mà Khí thì có hình, nhưng cái nọ lẫn cái kia, chứ không bao giờ có cái nọ mà không có cái kia được(35). Lý là vô hình, vô tượng, tinh ròng, nhưng không sinh hóa được. Còn Khí là phần vật chất, có thể hội tụ, co giãn, sinh nở, nên đã kết thành sự vật cụ thể. Do đó, trong bất cứ sự vật nào, lúc phần Khí bắt đầu hội tụ, thành hình để cấu tạo nên vật đó, thì đồng thời cũng cần phần Lý hiện diện ở bên trong nó.

    Xét về cái “Lý”của mỗi người thuộc nhân loại với nhau, thì ai cũng giống như ai, vì cùng chung một “Tính” người cả. Nhưng xét về cái” Khí “, thì mỗi người lại khác nhau, vì khí chất phân ra: khí thanh và khí trọc, hậu và bạc, tốt và xấu. Do đó, người thông minh hay người ngu dại đều mang trong mình cái “Lý” nhân loại như nhau. Nhưng người thông minh thì bẩm thụ cái “Khí” thanh, tức khí chất sáng suốt, minh mẫn, còn người ngu dại bị cái “Khí” ô trọc làm mờ ám trí khôn nên hóa ra đần độn, dốt nát.

    Nói tóm lại, theo Chu Hi, Lý và Khí lúc nào cũng đi đôi với nhau, nhưng ông vẫn cho Lý là phần ưu tiên, có trước, và là gốc. Ông cũng nhấn mạnh thêm: chẳng những mỗi sự vật có cái Lý riêng biệt thuộc về loại của nó như ông Giáp, bà Ất đều cùng có cái Lý thuộc nhân loại, mà lại trong mỗi người, mỗi sự vật cũng còn tiềm ẩn chứa đựng Lý Thái Cực nữa. Mỗi người, mỗi sự vật tiếp nhận trọn vẹn Thái Cực trong nó, mà Thái Cực không bị phân chia, chẳng khác nào một mặt trăng lừng lững trên trời phản chiếu xuống muôn ngàn sông, hồ...đâu đâu người ta cũng thấy hình mặt trăng trọn vẹn, mà mặt trăng vẫn không bị chia cắt(36). Lại nữa, theo Chu Hi và phái Lý Học, thì cái Lý của mỗi người, hay của mỗi sự vật, và cái LÝ của THÁI CỰC thì bao giờ cũng là Thiện. Còn Khí thì có thể là thanh, tốt hoặc là trọc, xấu. Khí chất của con người, hoặc là do Thiên Mệnh phú bẩm cho, hoặc do hoàn cảnh ảnh hưởng đến. Một vấn nạn: Tại sao khi sinh ra, có người thụ lãnh Khí chất tốt, mà có người lại hứng chịu Khí chất xấu? Điều thắc mắc này không được các đạo học gia trả lời rõ ràng. Nhưng mỗi người, nhờ ý chí tự do, vẫn có thể dùng nhân lực và dùng giáo dục mà tu thân tích đức để trở nên người tốt lành, hoàn toàn hơn, như sẽ bàn ở đoạn kế tiếp.

     2.  Quan niệm Giáo dục của Chu Hi

    Như trên đã nhận thấy, theo Chu Hi, Thái Cực chẳng những là tổng hợp tột đỉnh của tất cả các Lý của vũ trụ được coi như một toàn thể, mà đồng thời Thái Cực cũng tự tại ở các cá thể của mọi phạm trù sự vật. Nói cách khác, mỗi vật riêng có cái Lý thuộc về loài của nó, đồng thời Thái Cực, trong toàn thể, là tổng hợp của mọi LÝ, cũng tồn tại trong nó nữa. Do đó, theo các đạo học gia và Chu Hi, Thái Cực ở trong mỗi người, nhưng không được phát hiện sáng láng, vì phần Khí chất của con người che dấu mất, chẳng khác nào viên ngọc quí bị đất bùn bám vào làm dơ bẩn(37). Bởi vậy, nhiệm vụ và công phu của việc tu thân, giáo dục là cố gắng mài dũa cho “viên ngọc” được sáng chói! Vì lý lẽ đó, Chu Hi đã mượn câu văn của sách Đại Học để thuyết giảng về phương pháp giáo dục và tu dưỡng tính tình. Phương pháp giáo dục này là “khuôn vàng thước ngọc” cho nền học vấn của Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, trong nhiều thế hệ. Phương châm giáo dục đó gồm tóm vào bản văn rút ra từ sách Đại Học, như hai nguyên tắc giáo dục căn bản: a/ “Trí Tri tại Cách Vật' b/ “Thành, và Kính”.

     a.  Trí tri tại Cách Vật là gì ?

    Câu này trích trong sách Đại Học, nguyên văn như sau: “...Dục tu kì thân giả, tiên chính kì Tâm, dục chính kì Tâm giả, tiên Thành kì Ý, dục Thành kì Ý giả, tiên Trí kì Tri, Trí Tri, tại Cách Vật.. (Đại Học, tiết 4). Chu Hi và các đạo gia phái Lý học giải thích câu: “Trí Tri, tại Cách Vật” như sau: Trước hết, câu này là phương châm để dạy các học sinh cách thức học hành, mở mang trí thức. Mục đích của việc học là gì? Thưa: là muốn đạt đến (Trí=đến) sự hiểu biết (Tri=biết) sâu xa Cùng Cực, Cùng Lý, tức là cái biết về Thái Cực và do đó, về bản tình của con người. Vì Thái Cực (và cái “Lý” của bản tính con người)ví như viên ngọc đã bị phần Khí chất làm vẩn đục, mờ ám, nên trong việc học hành, tu luyện, phải cố gắng hết sức mài dũa cho viên ngọc quí kia được sáng chói. Ca dao có câu khuyến học:

       “ Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài

      Cũng thành vô dụng cũng hoài Ngọc đi!”

    Có người thắc mắc về phương pháp này: Làm sao không suy xét thấu đáo (Cách=suy xét cho cùng) về “LÝ” để đạt tới Cùng LÝ, tức Thái Cực, mà lại khởi đầu bằng cách tìm tòi nghiên cứu về các sự Vật,”tại Cách Vật”? Chu Hi trả lời: Sách Đại Học dạy ta, trước tiên, điều tra về các sự vật cụ thể, là vì “Lý” là trừu tượng, rất khó nắm vững được. Do đó, học sinh khi mới bắt đầu đi học, cần quan sát các sự vật hữu hinh, rồi sau mới có thể rút ra những nguyên lý trừu tượng. Nói theo kiểu nhà nho: phải đi từ Hình-nhi-hạ tiến tới Hình-nhi-thượng. Bởi vậy, nhờ tại nghiên cứu về cái cụ thể, mà ta hiểu biết thấu đáo được cái trừu tượng.

    Nói tóm lại, càng học hành, nghiên cứu, đọc sách, thí nghiệm, điều tra các sự vật (gọi là Cách Trí= Cách Vật Trí Tri), thì hy vọng ta sẽ khám phá ra cái Cùng Lý, cái Chân Lý, là cái “LÝ” vẫn tiềm ẩn trong ta. Hiểu được cái “Lý” của vạn vật, là ta hiểu được bản tính của ta nữa! (38).

     b.  Chữ “KÍNH”

    Tại sao trong việc tu dưỡng, cần vun trồng đức “Kính”? Kính là gì? Kính là Kính cẩn, nghiêm trang, thận trọng, lo lắng để hết tâm trí, chuyên chú vào việc truy tầm Nguyên Lý của sự vật, tức là cố gắng phát hiện cái Lý Thái Cực như hạt châu báu vẫn ẩn dấu trong thâm tâm ta. Việc dùi mài kinh sử, không phải chỉ để mở mang một mớ kiến thức về khoa học mà thôi, nhưng ta phải nghiêm chỉnh, kính cẩn, chuyên cần đem hết nghị lực ra tìm tòi nguồn gốc của vạn vật. Không phải chỉ học cho được nhiều thứ, nhưng học để đạt tới Chân Lý của vũ trụ, và để tu dưỡng phần đạo đức siêu việt của con người.

    Ngoài ra, trong việc tồn tâm dưỡng tính, Chu Hi và các đạo gia cũng đề nghị một phương thức tu luyện gọi là “Tĩnh Tọa”. Tĩnh tọa là ngồi yên, lấy sự kính cẩn mà giữ cái tâm cho sáng suốt để đối phó với các sự vật cho hợp lý”. Chu Hi cũng phân biệt phương pháp Tĩnh Tọa của nho gia khác với “Thiền Tọa” của Phật giáo. “ Bên Phật, tọa thiền nhập định là cốt để thu thập cái tâm không cho tản mác ra mọi sự vật, cứ ngồi im lặng không nghĩ ngợi gì cả”...Hai bên (Thiền sư và Nho gia) cùng đồng ý hoán tỉnh cái tâm, nhưng cái” đạo” (đường lối) thì khác. Phật thì hoán tỉnh cái tâm để thành không-không, mà Nho thì hoán tỉnh cái tâm để khiến nó soi sáng đến các sự lý(39).

    Nói tóm lại, nếu ta kính cẩn, nghiêm chỉnh, chuyên chú suy niệm để truy tầm Đạo Lý, thì thể nào cũng có lúc, ta sẽ đạt tới Chân Lý, ta sẽ đắc ngộ, nghĩa là được “Bất thần Giác Ngộ” (Sudden Enlightenment), tâm trí khỏi còn u mê tối tăm, để viên Ngọc trong ta sẽ sáng chói.

    3.  Chu Hi đối với Học Thuyết của Mạnh Tử, Tuân Tử

    Như đã trình bày ở trên, Đổng Trọng Thư đã có công tìm cách dung hòa hai lập trường đối chọi nhau: “Tính Thiện” của Mạnh Tử, và “Tính Ác” của Tuân Tử. Học thuyết của Chu Hi cũng góp phần vào cách giải quyết mâu thuẫn đó, nhưng dưới những khía cạnh và lập luận khác. Trước hết, Chu Hi phân biệt có Lý và Khí ở trong mỗi sự vật, mỗi người. Lý chính là Tính theo Mạnh Tử, vì Lý luôn luôn là Thiện. Nếu có cái gì Ác, đó là thuộc phần Khí, chứ không thuộc Lý được! Bởi vậy, căn nguyên của Ác là do phần Khí mà ra. Vì Mạnh tử chỉ nói đến “Tính bản Thiện” của con người, tức phần Lý, mà không nói tới phần Khí, nên quan niệm của ông về nhân loại còn thiếu sót.

    Chu Hi và môn phái Lý Học đã tiến một bước xa, khi phân biệt nơi con người có hai trạng thái: trạng thái “yếu tính” (essential nature) và trạng thái “hiện hữu” (existential nature). Trạng thái yếu tính, tức là Tính nguyên tuyền, là Lý tưởng, là “Lý”, là “Tính”, thì bao giờ cũng tốt đẹp. Nhưng “Lý” và “Tính” là trừu tượng, thiêng liêng, nên cần phải “đầu thai” (endowment) vào vật chất, vật thể thì mới hiện hữu như ta nhìn thấy được. Do đó, con người chỉ có “Lý” là con người “lý tưởng”, không có thật. Con người hiện hữu, như ta thấy đang sống bây giờ, là con người thật gồm có “Lý” hay “Tính” đã nhập thể với “Khí” (Khí chất), để tạo nên con người cụ thể. Bởi vậy, con người xét theo bản tính (Lý hay Tính) thì Tốt, nhưng xét theo hiện hữu thì vì có ý chí tự do, nên có thể trở thành tốt hay xấu được! Khi Chu Hi và các nhà Lý Học phân biệt được hai trạng thái của con người: con người lý tưởng và con người hiện hữu, thì Triết Lý Trung Hoa đã tiến một bước lớn vậy!(40).

E.   NHÂN TÍNH THEO VƯƠNG DƯƠNG MINH (1472-1528)

    Theo Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, như trên đã trình bày, Chu Hi và phái Lý Học chủ trương: Thực tại gồm hai thế giới (giống như triết học của Plato), một thế giới trừu tượng, lý tưởng, và một thế giới cụ thể. Nhưng Lục Cửu Uyên (1139-1192), cho rằng chỉ có một thế giới mà thôi: đó là “TÂM”. Do đó, ông lập ra Môn phái gọi là Tâm Học. Sau này, lý thuyết Tâm Học đã được phát huy thành hệ thống, nhờ có nhà đại nho, văn võ kiêm toàn, đời nhà Minh, là Vương Thủ Nhân, tức Vương Dương Minh (1472-1528). Sau đây, lần lượt, ta sẽ tìm hiểu: ý nghĩa của chữ Tâm là gì? Quan niệm của Ông về Nhân Tính thế nào? Và Ông đã cắt nghĩa Sách Đại Học để áp dụng vào việc tu dưỡng làm sao?

    1.  Quan Niệm về TÂM

    Đối với phái Tâm Học và Vương Dương Minh, thì chỉ có Một Thế Giới là “TÂM” mà thôi! Vậy Tâm là gì? Trong con người, cái gì gọi là Tâm? Vương Dương Minh định nghĩa chữ Tâm:” Tâm không phải là một khối huyết nhục. Phàm chỗ tri giác là Tâm. Như tai mắt biết nghe biết trông, tay chân biết đau biết mỏi. Cái tri giác đó là Tâm vậy (Ngữ lục, III). Cái Tâm của người ta thiêng liêng sáng suốt, vạn lý vạn sự đều căn bản ở đó cả”(41). Do đó, ý nghĩa chữ Tâm ở đây không có nghĩa vật chất, và thường được dịch sang Anh ngữ là”Mind”, tức là Tâm Thần, Tâm Linh (Spirituality), hay Tâm Thức (Consciousness).”Từ cái” Tâm” của con người, ta biết được rằng trong Trời và Đất chỉ có Một Tâm Linh hay Tâm Thức. Vì phần thân xác, mà con người đã tự gián cách khỏi cái toàn thể. Tâm Linh hay Tâm Thức của tôi làm chủ Trời và Đất, quỉ thần, vạn vật..Nều Trời, Đất, quỉ thần và vạn vật tách khỏi Tâm Linh hay Tâm Thức của tôi, thì không còn Trời Đất, quỉ thần, vạn vật nữa. Và nếu Tâm Linh hay Tâm Thức của tôi mà gián cách khỏi Trời Đất, quỉ thần, vạn vật, thì nó cũng không còn nữa! Bởi vậy, hiện thực, tất cả là một thân thể, không thể tách rời khỏi nhau được”(42).

    Tất cả vũ trụ này là một Toàn thể Tâm linh, trong đó chỉ có một thế giới, đó là thế giới cụ thể hiện hữu mà chúng ta đang cảm nghiệm thấy. Ngoài ra, không còn có chỗ nào dành cho thế giới trừu tượng, lý tưởng, “Lý” kia mà Chu Hi vẫn thường nói tới. Do đó, theo Vương Dương Minh, “Tâm” là “Lý” mà “Lý” là “Tính”, tất cả chỉ là Một. “ Tâm tức là Đạo, Đạo tức là Trời, biết Tâm thì biết Đạo và biết Trời”. Nói tóm lại,” Vương Dương Minh thuỷ chung theo cái thuyết “Thiên Địa Nhất Thể” và lấy cái nghĩa “Nhất dĩ Quán chi” của Khổng tử làm căn bản cho sự học của mình”(43).

     2.  Phương Pháp Tu Dưỡng

    Vương Dương Minh chủ trương sự nhất thể của Trời Đất, và muôn vật luôn có sự thông cảm với nhau, vì đã là người thì tự nhiên động lòng thương xót khi thấy người khác, hay một con vật, hoa cỏ, ngay cả biển khơi, sông núi ...bị ô nhiễm, phóng xạ tàn phá (phong trào bảo vệ môi sinh). Do đó, mục đích của việc tu dưỡng là để bảo toàn sự nhất thể nguyên thuỷ của Trời Đất và vạn vật. Để đạt được cứu cánh trên, Vương Dương Minh đa đề xướng thuyết:”Trí Lương Tri” (Intuitive Knowledge).

    Cũng như Chu Hi, Ông đã mượn những câu đầu của Sách Đại Học để giải thích và áp dụng vào chủ thuyết của Ông. Dĩ nhiên, cách diễn giải của ông có điều giống nhưng cũng có điều khác với phái Lý Học. Sách Đại Học, tiết 1 viết :” Đại Học chi Đạo, tại minh Minh Đức, tại Thân Dân, tại Chỉ ư Chí Thiện”, nghĩa là: đường lối tu dưỡng của Sách Đại Học dạy ta (ba cương lãnh), thứ nhất là làm sáng lên cái Đức Sáng, thứ hai là Thân thiện, yêu thương mọi người, thứ ba là dừng lại ở nơi điều Thiện Tuyệt Hảo. Ta sẽ lần lượt giải thích từng cương lãnh.

    a.   “Tại Minh Minh Đức” là gì?

    Minh Đức là cái Đức Sáng Láng, chính là viên Ngọc Trân Châu, tiềm ẩn trong ta, cần được mài dũa cho lóng lánh, rực rỡ. Theo Vương Dương Minh, Minh Đức đây cũng là Trí Lương Tri, hay Lương Tâm, Luơng Năng của con người trong tình trạng nguyên thuỷ, hoàn toàn tốt đẹp, không bị vẩn đục bởi tình tư dục. Vì Bản Tâm vẫn còn tinh tuyền, lương thiện, nên tự nhiên ta dễ phân biệt được đâu là điều Thiện, đâu là điều Ác! Nhưng Lương Tâm chính trực, nguyên tuyền đó có thể ra tối tăm mờ ám bởi tính ích kỉ và lòng tham lam. Do đó, trong việc tu dưỡng, ta phải tẩy trừ lòng vụ lợi, tính toán, keo kiệt, để cho Lương Tâm, Lương Tri bộc phát một cách hồn nhiên. Bởi vậy, phương pháp tu luyện của họ Vương cốt yếu giúp ta trở lại tình trạng nguyên tuyền của Lương Tâm, Lương Tri, của Bản Tâm trong sáng, tức là cái “Minh Đức”, viên “Trân Châu” nơi con người vậy.

    b.  “Thân Dân” là gì?

    Khi Lương Tâm không bị mờ ám bởi tư lợi, khi Lương Tri trong sáng như mặt gương phản chiếu, phân biệt rõ ràng điều Thiện, điều Ác, lúc đó con người mới hòa hợp, hợp nhất và cảm thông với Trời Đất, vạn vật. Nếu đã trở về cái Bản Tâm nguyên tuyền hiệp nhất đó, thì tất nhiên, ta phải thân thiện, yêu thương tha nhân để chứng tỏ rằng: nhân loại và vạn vật chỉlà một. Tình yêu bắt đầu từ yêu mến cha mẹ, anh chị em ruột thịt trong gia đình, nhưng cũng phải lan rộng ra người ngoài, rồi bao bọc, ôm ấp tất cả vũ trụ, động vật, cỏ cây, sông núi...

    c.  “Chỉ ư Chí Thiện” là gì?

    Câu trên có nghĩa: dừng lại nơi điều Thiện tuyệt hảo. Tại sao? Vì ta lấy sự Thiện cao siêu nhất làm mục tiêu, và làm tiêu chuẩn, mẫu mực cho Minh Đức và Thân Dân. Do đó, Lương Tâm, Lương Tri, Lương Năng phải đạt tới chỗ Thiện Hảo nhất, không để cho một chút tư lợi nhỏ nhen nào làm mờ ám. Thân Dân, tức yêu tha nhân cũng phải vươn tới chỗ tuyệt vời nhất, không để cho dục vọng, ích kỉ, thiên vị chen lấn vào. Vì Bản Tâm, Bản Tính của con người là toàn thiện, nên ta phải lấy tiêu chuẩn “chí Thiện” mà đối xử với tha nhân, vạn vật, và chỉ dùng mẫu mực “chí Thiện” để đo lường, suy đoán mà thôi! Nếu ta thêm hoặc bớt điều gì vào tiêu chuẩn “chí Thiện”, thì đó là những tình ngang, ý trái, tư lợi. “ Chí Thiện đã phát ra, thì phải là phải, trái là trái, khinh, trọng, hậu, bạc...đều tuỳ cảm, tuỳ ứng biến động tuỳ hoàn cảnh, nhưng lúc nào cũng giữ được cái trung thiên nhiên. Đó là cái mực cùng tột của các hành động của người và của muôn vật (dân di vật tắc). Nếu có thêm bớt chút gì, đó là cái ý riêng, cái trí nhỏ, mà không phải là “chí Thiện” (toàn thiện)(44).

     3.  Phương Châm Giáo Dục

    Ngoài ba “cương lãnh” trên, Vương Dương Minh cũng đề cập đến”tám điều mục”, tức là tám bực thang cần phải bước lên trên con đường giáo dục. Ông cũng dùng những câu đầu của Sách Đại Học, cắt nghĩa và áp dụng vào thuyết Trí Lương Tri.

    Sách Đại Học, tiết 4 viết:” Cổ chi dục minh Minh Đức ư thiên hạ giả, tiên Trị kỳ Quốc, dục Trị kỳ Quốc giả, tiên Trị kỳ Gia, dục Trị kỳ Gia giả, tiên Tu kỳ Thân, dục Tu kỳ Thân giả, tiên Chính kỳ Tâm, dục Chính kỳ Tâm giả, tiên Thành kỳ Ý, dục Thành kỳ Ý giả, tiên Trí kỳ Tri, Trí Tri, tại Cách Vật”. Dịch ý như sau: Cổ nhân muốn làm sáng tỏ cái Đức Sáng cho cả thế giới, thì tiên vàn phải biết cai trị nước mình, người muốn cai trị nước mình, thì tiên vàn phải sửa sang việc nhà cho ổn thoả đã, ai muốn sửa sang việc nhà, thì tiên vàn phải tu sửa chính bản thân mình đã, người muốn tu thân, thì tiên vàn phải có Tâm Hồn Chính Trực, ngay thẳng, người muốn có Tâm Trí ngay lành, tiên vàn phải có Ý Chí Thành Thật, người muốn có Ý Thành Thật, tiên vàn phải đạt tới (Trí) cái Hiểu Biết (Tri) Tột Độ, có đạt tới cái cái Hiểu Biết Tột Độ đó, là nhờ tại việc điều chỉnh các sự vật cho ngay chính tốt lành. Trên đây là kiểu lý luận gọi là “liên châu luận” (sorite), các sư kiện liên hệ, ràng buộc lấy nhau, muốn có cái này thì phải có cái kia trước đã, hay cái này là điều kiện của cái kia. Và đi từ điều kiện căn bản đi lên, hay đi từ gốc lên ngọn. Trong việc giáo dục, tu đức, ta cần phải tuần tự tiến lên từng bước một, không thể “đốt giai đoạn được”. Sau đây, ta sẽ lần lượt trình bày chương trình tu dưỡng giáo dục của phái Tâm Học.

    a.  “Trí Tri” là gì?

    Đối với Vương Dương Minh, “Trí Tri” nghĩa là “Trí Lương Tri”. “Trí” là đạt tới, đi tới tận cùng. Do đó, Trí Tri là đi tới tận cùng cái Lương Tri, Luơng Tâm, Luơng Năng, cũng là cái Nguồn Gốc của sự tri giác và hành động. Cho nên, sự giáo hóa, tu dưỡng chỉ gồm có việc theo Lương Tâm, Lương Tri mà hành động, ngoài ra, không còn việc gì khác nữa.

    b.  “Cách Vật” là gì?

     Như trên ta thấy Chu Hi giải thích: “Cách Vật” là tìm hiểu sự vật. Nhưng theo họ Vương, chữ “Cách” có nghĩa là “Chính”, là làm cho ngay thẳng, tốt lành. “Vật” là “Việc”. Do đó, “Cách Vật” là chỉnh đốn “công việc” cho chính đáng, tốt. Vương Dương Minh cũng diễn giảng thêm: Lương Tri, Lương Tâm thì bao giờ cũng tốt, lại biết phân biệt điều Thiện, điều Ác, vì nó là Bản Tâm, Bản Thể của con người và của vũ trụ. Tất cả những hoạt động do Lương Tâm phát hiện ra gọi là “Ý” hay “Ý niệm”. Đối tượng của “Ý” là “Vật”, tức là “công việc” mà ta có “Ý” hướng về, hay thực hành. Tuy Lương Tri, Lương Tâm lúc nào cũng tốt, cũng ngay chính, nhưng “Ý niệm” và “ công việc” thì có thể hoặc tốt, hoặc xấu. Bởi vậy, khi Ý niệm phát sinh ra điều gì mà Lương Tri, Lương Tâm đã cho biết là điều Ác rồi, nếu ta không cấp tốc và thành thật loại bỏ ngay điều Ác đó, lại còn noi theo mà thực hiện việc đó, thì kết quả là ta đã làm cho Lương Tri, Lương Tâm ta ra mờ ám vậy. Trái lại, khi Ý niệm phát sinh ra điều gì mà Lương Tâm đã biết là điều Thiện, nếu không thực hành ngay, mà lại bỏ đi, thế là đã lầm lẫn lộn xộn, coi điều Thiện là điều Ác, và kết quả là Lương Tâm ta bị sai lạc.

    c.  “Thành Ý”, “Chính Tâm” là gì?

    Thành Ý là ý niệm, ý chí phải hết sức thành thực. Chính Tâm là lòng phải ngay thẳng. Vương Dương Minh chủ trương: ta phải lấy lòng Thành và Lương Tâm sáng suốt mà “Trí Tri”và “Cách Vật”. Không được để cho tư lợi nhỏ nhen làm mờ ám Lương Tâm, hoặc thoái thác không thành thật thi hành ngay điều mà Lương Tri đã phán quyết.

    d.  “Tu Thân” là gì?

    Tu Thân là sửa mình. Sửa mình là làm cho “ Minh Đức”, tức Lương Tri, Lương Tâm ở trong Bản Tâm ta được sáng ra, để nhìn rõ điều Phải, điều Trái. Nếu Bản Tâm, Bản Tính bị tư dục quấy phá, Tâm Tình rối loạn, không kiểm soát nổi, thì ta không thể thực hiện được các nhân đức khác. Bởi vậy, Tu Thân là căn bản, ai ai cũng phải làm trước khi tham gia vào các hoạt động cứu giúp người khác. Cổ nhân có câu:” Tự Thiên Tử, dĩ chí ư thứ dân, giai dĩ Tu Thân vi bản” (Từ vua đến người dân, mọi người đều phải lấy việc sửa mình (Tu Thân) làm gốc).

    e.  “Tề Gia”, “Trị Quốc”,” Bình Thiên Hạ” là gì?

    Câu trên có nghĩa là: Chỉnh đốn việc gia đình cho ổn thỏa, tham gia việc chính trị, kinh tế trong nước, và góp phần vào việc duy trì hòa bình thế giới. Tất cả chương trình huấn luyện đó đều phát xuất từ lòng yêu tha nhân, Thân Dân, Bác Ái, muốn cứu giúp đời. Do đó, càng hăm hở cứu nhân độ thế, càng làm sáng lạng Lương Tri, Lương Tâm, tức Minh Đức ở trong Bản Tính của con người. Nhưng trong việc tu đức, cần phải theo thứ tự hợp lí, nghĩa là (chỉ có thể cho đi cái gì mình đã có ) tiên vàn, phải tu sửa chính bản thân, tâm hồn mình cho ngay chính, thành thật, để” Minh Đức”, tức viên Trân Châu được sáng láng; sau đó, mới có thể thu xếp việc nhà cho yên ổn; nếu còn thì giờ, tài năng thì tham gia việc xã hội, cộng đồng; sau cùng, nếu là bậc anh hùng vĩ nhân, thì xây dựng hòa bình cho thế giới. Trái lại, tự bản thân, không có Lương Tri, Lương Tâm ngay lành, lại cờ bạc, nghiện hút, đàng điếm, thì làm sao có thể dạy dỗ con cái trong gia đình được!

TOÁT LƯỢC CÁC ĐẶC ĐIỂM

    Trên đây là những quan niệm triết lý về "Bản Tính và Địa Vị của Con Người" đứng trong vũ trụ, đã được các Nho gia tìm hiểu, tranh luận, trong nhiều thế hệ. Triết Lý Nhân Bản này, và phương pháp tu tâm dưỡng tính, đã đào tạo nên nhiều tâm hồn cao thượng, và nhiều vị anh hùng vĩ nhân, nhiều bậc quân tử thánh hiền cho Việt Nam, Trung Hoa. Sau đây là tóm lược mấy đặc điểm:

    1. Tất cả các Nho gia, từ Khổng Tử đến các sĩ phu đều chủ trương: nhân loại chiếm một địa vị và một Bản Tính đặc biệt hơn loài cầm thú, thảo mộc. “Nhân Linh ư Vạn Vật”. Sỡ dĩ con người là cao quí, vì có phần Tâm Linh, có Lương Tâm, Trí Khôn biết phân biệt Phải/Trái, lại có Tình thương, Tình cảm.

    2. Mạnh Tử cho rằng: Bản Tính Nhân Loại là Thiện, là Tốt. Ông lạc quan, tin tưởng vào Tình thuơng tự nhiên, hồn nhiên, bộc phát của Nhân Tính.

    3. Trái lại, ông Tuân Tử, có vẻ bi quan về Bản Tính Nhân Loại, và chủ trương “Tính Ác”. Nhưng ông cũng lạc quan, vì tin rằng, có thể dùng Văn hóa, tức Tam Cương, Ngũ Luân, Ngũ Thường, Luật Pháp để đào luyện con người trở nên tốt được.

    4. Đổng Trọng Thư đã dung hòa được hai lập trường đối nghịch trên. Theo ông, mỗi chủ trương có cái đúng, nhưng cũng có điều thiếu sót. Ông không đồng ý với Tuân Tử, vì nếu con người hoàn toàn là xấu tự trong bản Tính, thì làm sao có thể trở thành tốt được? Ông cũng không hoàn toàn đồng ý với Mạnh Tử, vì con người mới chỉ có “mầm mống” của Thiện, chứ chưa có thật. Bởi vậy, cũng cần văn hóa, lễ nghĩa, giáo dục, thì mới giúp cho con người nên hoàn hảo được.

    5. Chu Hi và phái Lý Học phân biệt: con người lý tưởng, và con người hiện thật; và trong con người, có phần “Lý” và phần”Khí”. Lý thuộc thế giới riêng biệt, và mỗi loài mỗi vật đều có cái”Lý” của nó, tức cái yếu tính. Trên hết có “LÝ THÁI CỰC”, bao trùm vũ trụ, vạn sự vạn vật. Con người mới có “Lý” thôi, là con người lý tuởng, chưa có thật. Muốn hiện thật như ta thấy bây giờ, cái “Lý” của con người cần đầu thai vào phần “Khí”. Phần “Lý” thì bao giờ cũng Tốt, nhưng phần “Khí”, là vật chất, là hoàn cảnh, môi sinh, xã hội, nên có thể tốt mà cũng có thể là xấu. Do đó, cần văn hóa, lễ nghĩa để tu luyện con người trở nên tốt, làm sáng tỏ phần “Lý”, cũng là “Lý Thái Cực”, hay viên Ngọc trong Nhân Tính.

    6. Vương Dương Minh và phái Tâm Học chủ trương thuyết”Vạn vật nhất thể”, nghĩa là tất cả vũ trụ vạn vật chỉ có một thế giới mà thôi, tức là thế giới cụ thể mà ta nhận thấy. Nhưng thế giới đó là một vũ trụ Tâm linh, Tâm Thần, Tâm Thức, bao gồm hết thảy Trời Đất, quỉ thần, con nguời, cầm thú, thảo mộc, sông núi..Nhờ giáo dục, nhờ phương pháp tu luyện như Trí Tri, Cách Vật, Tu, Tề, Trị, Bình, con người đạt tới sự Thiện Hảo Tuyệt Đối, tức là Minh Đức, là Lương Tri, Lương Tâm, biết phân biệt Phải/Trái: Phải thì làm, Trái thì bỏ. Do đó, có thể “Thân Dân”, yêu thương mọi người, mọi sự, mọi vật được!

ĐOẠN II.   QUAN NIỆM VÔ NGÃ TRONG PHẬT GIÁO

     Vấn đề con người là ai: bản tính, địa vị, và cứu cánh cuộc đời con người, là những thắc mắc căn bản mà các tôn giáo và triết học từ xưa tới nay luôn tìm cách giải thích. Phật Thích Ca đã dùng bộ ba chữ đi liền với nhau để nhận định về ý nghĩa đời sống con người. Đó là chính đạo thứ nhất trong Bát Chính Đạo, gọi là “Chính Kiến”. Đời là anicca (vô thường), dukkha (đau khổ), anatta (vô ngã). Chữ anicca gồm có đầu tự “a”, nghĩa là “vô”' và” nicca”, nghĩa là hằng có, thường có, luôn bền vững. Do đó,” anicca” là biến đổi luôn, không có gì bền vững, là “vô thường”. Luật của “vô thường” là: Sinh, Trụ, Dị, Diệt. Sinh là sinh ra, Trụ là thời gian để lớn lên, Dị là già yếu đi, Diệt là chết. Luật Vô Thường này áp dụng cho muôn vật muôn loài trong vũ trụ. Tại sao đau khổ, dukkha? Vì người đời mê muội, lầm tưởng rằng vũ trụ, và đời người là “ thường hằng bất biến”, là vững bền, nên tham lam tìm kiếm, hưởng thụ mọi khoái lạc. cho thỏa lòng dục vọng. Nhưng khi gặp rủi ro, bệnh tật, già yếu,và chết đến, bắt buộc phải để lại hết: gia đình, thân thuộc, của cải, danh vọng quyền thế.., thì đâm ra đau khổ. Trong chương này, ta sẽ đặc biệt bàn luận về chữ thứ ba, anatta, “Vô Ngã”. Chữ này cũng rất quan trọng như hai chữ trên, vì là căn bản giáo thuyết của Phật Thích Ca. Nhưng chữ “Vô Ngã” đã gây ra nhiều thắc mắc, hiều lầm đối với các phật tử, và cả với người ngoài. Do đó, cần tìm hiểu xem tại sao có những thắc mắc như vậy? Sau đó, thử nêu ra ý nghĩa mà Phật co thể đã muốn giảng dạy về chữ anatta, “Vô Ngã” như thế nào ?

A.   NHỮNG HIỂU LẦM, THẮC MẮC VỀ CHỮ “VÔ NGÔ

     _ Chữ “Vô Ngã”, dịch từ tiếng Pali là anatta, hay tiếng Sanscrit(phạn) anatman. Cả hai đều là tiếng kép gồm hai phần: phần đầu an/ và phần chính atta, hay atman. Do đó, ta thấy chữ anatta(anatman) gồm đầu tự “a”, hay” an” nghĩa là “vô”. Chữ atta(atman) có hai nghĩa : một là đại từ phản tỉnh, hay tĩnh từ, atta(atman) nghĩa là “của mình”,” tự mình”. Nên chữ anatta(anatman)là “không phải của mình”. Chữ Atta(Atman) còn dùng trong triết lý, siêu hình Ấn độ để chỉ “Thực Tại Siêu Việt”(Ultimate Reality),”Đại Ngã Siêu Việt” (Supreme Self). Chữ Atta(Atman) cũng ám chỉ phần Thần Linh(Divine element) ở trong con người, nhưng phần Thần Linh này biến dạng trở nên ý tuởng về một thực thể(entity) riêng biệt ở trong con người, tự chủ về suy nghĩ, hành động, và sau khi chết, tùy việc thiện, ác đã làm mà được thưởng hay chịu phạt. Do đó, chữ atta(atman), theo nghĩa sau này, để chỉ “Hồn” (Soul), “Ta” (Ego), “Ngã” (Self), “cá thể” (individuality), hay toàn bộ “Xác-Hồn” của một con người. Như vậy, theo tín ngưỡng thông thường của Ấn Giáo thì atta(atman),”Hồn”, “Ngã”, vẫn tồn tại, bền vững, chỉ có xác là biến đổi. Hồn vẫn có trước khi sinh, và sau khi chết, vẫn Hồn đó “luân hồi” từ xác này sang xác khác. Bởi vậy, khi Phật Thích Ca dùng chữ anatta(anatman) “ Vô Hồn”, “Vô Ngã”, thì đã gây thắc mắc, ngạc nhiên đối với một số người, vì có vẻ đi ngược lại truyền thống Ấn độ giáo thờì đó.

     _  Do đó, chữ “Vô Ngã” đã gây nên những cuộc bàn cãi, những hiểu lầm, cho tới ngày nay. Các môn phái Phật giáo, và tôn giáo khác, mỗi người giải thích khác nhau . Đó cũng là số phận chung của các vị sáng lập các tôn giáo. Vì nạn “tam sao thất bản”, vì nghĩa của từ ngữ thay đổi, nên sau một thời gian , các đồ đệ đã giải thích khác với chủ ý của nguyên bản. Danh từ cụ thể như cam, táo, bưởi, v.v., thì chữ nào, nghĩa đó, vật đó, không lẫn lộn. Tiếng bưởi là để chỉ trái bưởi. Nhưng đối với những danh từ trừu tượng như Thượng Đế, Trời, Thần, Quỉ, Ma, thiên giới, hỏa ngục, Hồn, v.v., thì nội dung ý nghĩa khác nhau, tùy theo môn phái tôn giáo, triết học, tùy thời đại thay đổi. Cũng cùng một chữ mà ý nghĩa, nội dung, cách giải thích khác nhau. Do đó, cần phải tìm hiểu xem ý nghĩa chính thực mà vị sáng lập đã muốn là ý nghĩa nào? Từ xưa tới nay đã có nhiều kiểu giải thích chữ “Vô Ngã” khác nhau. Đối với người duy vật, vì “vô hồn”, nghĩa là chết là hết, như “chó chết hết chuyện” , nên còn sống ngày nào là ăn chơi cho thỏa thích ngày đó. Môn phái (Theravada) cho rằng các bộ phận thân thể thì có thật, nhưng không có “hồn” tồn tại ở bên trong. Không có “hồn” của một người đổi từ xác này sang xác khác. Nhưng mỗi giây, phút, con người là một cá nhân khác. Hồn của con người không phải là một bản thể bền vững, không biến đổi, nhưng là một dòng những trạng thái liên tục nối tiếp nhau, trạng thái này làm nguyên nhân sinh ra trạng thái sau làm quả, theo luật Nhân-Quả. Ví như ngọn đèn đốt trong đêm tối: ta thấy cũng một ngọn đèn cháy, nhưng kỳ thực, mỗi phút mỗi có ngọn lửa khác nhau tùy từng điều kiện, và vì các ngọn lửa luôn tiếp nối nhau, nên ta có cảm giác như chỉ có một ngọn lửa mà thôi! Lại có người cho rằng Phật giáo là “vô thần”, vì không tin có “hồn thiêng bất tử”, không tin có Thượng Đế(45).

     _ Theo Kinh Điển, và những lời vấn đáp khi thuyết giảng, Phật Thích Ca không muốn đề cập, hay trả lời những câu hỏi về siêu hình như có Thượng Đế hay không? hoặc sau khi chết, số phận các vị Bồ tát thế nào? Nhưng không phải vì “im lặng”, không nói mà cho rằng Phật từ chối sự hiện hữu của vị “Đại Ngã Siêu Việt”, hay cho rằng “chết là hết!” Theo các nhà Phật học nghiên cứu thì Phật Thích Ca luôn tôn trọng tín ngưỡng chân chính của Ấn Giáo. Do đó, có thể nói rằng Phật đã không đả động đến atta (atman), “Hồn thiêng”, niềm tin của dân Ấn, vì Ngài không muốn đề cập đến vấn đề siêu hình “bất tử” (immortal) hay “tử” (mortal). Khi dùng chữ anatta (anatman) “Vô Ngã”, có lẽ Phật cũng không muốn bàn luận về “hữu thể học” (ontology), như trong triết lý Hy lạp khi phân biệt “Xác và “Hồn” của một con người. Do đó, không thể nói rằng Phật đã từ chối “Hồn”, theo nghĩa của hữu thể học Hy lạp-Latinh. Một vấn nạn khác: khi dùng chữ “vô ngã”, có phải Phật đã từ chối “cá nhân”, “cá thể” không?_ Như mọi người khác, Phật vẫn phân biệt người này khác người kia, mỗi cá nhân chịu trách nhiệm riêng cho đời sống của mình! ” (46).

B.   Ý NGHĨA CHÍNH THỰC VỀ ANATTA (ANATMAN) VÔ NGÃ.

     _ Muốn giải tỏa các thắc mắc và hiểu lầm trên, và muốn tìm hiểu ý nghĩa chính thực của anatta (anatman) “Vô Ngã”, ta cần đặt chữ đó vào văn mạch của nó, nghĩa là phải giải nghĩa cùng với hai chữ khác là anicca, “vô thường”, và dukkha, “đau khổ”, vì bộ ba chữ này là căn bản giáo thuyết riêng biệt của Phật Thích Ca về Giải Thoát.  Đối với dân chúng Ấn Độ thời bấy giờ, thế giới chưa được Giải Thoát gọi là Samsara, Luân Hồi, và thế giới được Giải Thoát là Nibbana (Nirvana), Niết-Bàn. Phật Thích Ca đã dùng vỏn vẹn ba chữ để diễn tả Samsara: anicca, dukkha, anatta. Nên nhớ rằng đây không phải thế giới Nibbana, hoặc đời sống nào khác, nhưng là một lối sống hèn hạ, đê tiện, hẩm hiu của con người gọi là Samsara, Luân Hồi, trong đó nhân loại lặn ngụp trong nước mắt! Tại sao vậy? Vì vạn sự vạn vật đều biến hóa không ngừng, “vô thường” (anicca), nhưng con người, vì mê lầm ảo tưởng rằng đời là “thường hằng bất biến”, nên mới sinh ra “ đau khổ” (dukkha). Tại sao con người trong trạng thái Samsara, gọi là “vô ngã” (anatta)? Vì nó cũng phát sinh đau khổ!

     _Cái gọi là “ngã”, là “ta” trong trạng thái Samsara, Luân Hồi, là cái “ngã”, cái “ta” sai lầm, giả dối, giả tưởng, gây đau khổ, nên cần phải giải thoát nó! Phật Thích Ca đã dùng quan niệm “Danh-Sắc” (nama rupa) của Ấn Độ thời đó để phân tích cái “ta” giả dối, dòn mỏng, không bền vững này. Cái “ta” đó được kết hợp bởi năm yếu tố gọi là “Ngũ Uẩn”, hay “Ngũ Trọc”, như sau đây: (47).

      1. Sắc uẩn (rupa): hình thể người ta.

      2. Thụ uẩn(vedana): sự cảm giác.

      3. Tưởng uẩn(sanna): sự tưởng tượng.

      4. Hành uẩn(samkhara): hành vi.

      5. Thức uẩn(vinnana): ý thức.

     Hợp chất một là Thân (rupa). Bốn hợp chất kia gọi là Tâm (nama). Đó là Nhân-Duyên (4) “Danh sắc” trong Thập Nhị Nhân Duyên. Như vậy, cái “ta” đó gồm hai phần: Thân và Tâm.

     _ Thân, tức là thân xác, phần sinh lý của con người, là hợp chất của tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong. Địa(patavi), là gồm chất đặc như xương, thịt, thủy(apo), là gồm chất lỏng như máu, mồ hôi, nước mắt, hỏa(tejo), là gồm chất nóng như nhiệt độ, phong(vayo), là gồm chất động như hơi thở, hô hấp. Ta thấy bốn chất này thuộc vật chất, tan biến không ngừng, trong đó vạn sự vạn vật trao đổi, ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, khí trời ta hút vô là” của ta”, nhưng khi thở ra, cây cỏ hút lấy thì là “của cây cỏ”! Do đó, khó có thể phân biệt cái gì thực sự là “của ta” và cái gì thuộc ngoại cảnh được! Nếu bốn chất đó lìa nhau, thì mỗi chất trở về mỗi loại của nó. Đó là cái “sắc uẩn”, cái “ta” giả tưởng mà thôi.

     _ Tâm, hay Tâm linh “của ta”, trong thế giới Samsara, Luân Hồi là gì? Phật Thích Ca đã dùng triết lý Ấn Độ để giải thích như sau: Cái “Tâm” của con người là hỗn hợp của bốn yếu tố tâm lý: thụ, tưởng, hành, thức.

     a/ Thụ là cảm giác do ngũ quan cảm thấy khi tiếp xúc với những vật bên ngoài.

     b/ Tưởng là khi có cảm giác về một vật gì thì liền suy tưởng mà nhận ra vật đó là vật gì. Như bông hoa là bông hoa, bọ cạp là bọ cạp.

     c. Hành là tình cảm phản động, phản ứng lại. Tâm hồn con người không giống cái máy chụp ảnh, nó chỉ thu hình ảnh bên ngoài một cách khách quan mà thôi. Nhưng lại còn có những phản ứng tình cảm nữa. Như nhìn thấy hoa đẹp thì yêu, bọ cạp xấu xa thì ghét. Đó là căn cớ sinh ra Karma, Nghiệp-Báo, Luân Hồi.

     d. Thức là hiểu biết, là lò tích trữ, chứa chấp “thất tình”, như hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Do đó, sự hiểu biết, hay kinh nghiệm kiến thức của một người chỉ là một mớ ký ức về thất tình mà thôi! Theo môn phái Theravada, những kinh nghiệm về thất tình này, người ta sẽ mang theo từ kiếp này sang kiếp khác, và sẽ định đoạt số phận cao, thấp khi “tái sinh”.

C.   CẦN GIẢI THOÁT “GIẢ NGÔ, CÁI NGà GIẢ TƯỞNG.

     _ Như vừa phân tích ở trên, cái “ngã”, cái “ta”, nơi chứa chấp những phản động tình cảm, là cái “ta” biến đổi không ngừng, lúc yêu, lúc ghét, lúc giận hờn..., tuỳ theo cảnh ngộ, sở thích, thiên kiến. Nó cũng chịu luật “vô thường” chi phối, và chịu đau khổ! Đó là cái “ta” thuộc thế giới Samsara, Luân Hồi, cần được giải thoát sang cảnh giới Nirvana, Niết bàn, an lạc. Trong phép tu luyện Phật giáo, việc phá sự chấp chứa cái “ngã” tình cảm giả dối đó, gọi là phá “ngã chấp”. Tại sao lại gọi cái”ngã” tình cảm là “giả”? là cái “giả ngã”? Chữ “giả”, nghĩa là không phải không có, nhưng có mà không thật! Như khi ta nói: đồ vật “giả”, giấy bạc”giả”, thì không có ý nói đồ vật ấy không có, nhưng có mà là không thật. Về vấn đề chân (thật), giả, kinh điển Phật giáo thích dùng câu chuyện “nhìn giây thừng ra con rắn” (thị thằng nhi dĩ xà) làm ví dụ để phân biệt thế nào là chân/giả. Trong tối tăm (Vô Minh), ta thấy một đoạn giây thừng. Vì nhìn không rõ, nên tưởng tượng ra con rắn, và cho là rắn thật, nên giật mình, sợ hãi! Nhưng khi thắp đèn lên, thấy rõ đoạn giây thừng, thì cái ảo tưởng về con rắn liền tan biến. Nhìn giây thừng ra con rắn là mê lầm, ảo tưởng. Thấy giây thừng mà nhận ra đó là giây thừng, thì cái nhận định này cũng đã là sáng suốt, nhưng chưa đủ, còn cần có “Chính Kiến”, là “thấy thật” nữa. Khi ta nhìn thấy một vật dài, biết rõ là cái giây thừng, lại còn biết thêm giây thừng đó thắt bằng chỉ gai, thì cái nhận thức đó mới là hoàn toàn, “viên thành thực”. Bởi vậy, thấy giây thừng mà bảo là con rắn là sai, nhưng bảo là không có gì hết, thì cũng sai luôn: "Có" là sai, mà "Không" cũng sai, tức là cái nghĩa câu: “Có mà Không, Không mà Có”, như câu: “phi Hữu, phi Không”, là không Có, nhưng cũng không Không. Cái mà ta gọi là “ngã”, là “ta”, là không Có (Thật), nhưng mà Có (Giả). Mê, (Vô Minh) thì là “Giả Ngã”, nhưng khi Tỉnh Ngộ, thì lại là “Chân Ngã”, Chân Tính, Chân Thể.

    _ Những phân tích trên đây về cái “giả ngã”, không có gì là khó hiểu, nếu mỗi người trầm tĩnh ít giây phút để nhìn vào đáy lòng mình! Ta đau khổ phần lớn là do cái “ta” bị thất tình chi phối, thống trị mà ra. Thật vậy, cái “ta” của ta là gì? Là cái “ta” tự cao tự đại, cho mình hơn hết mọi người, không chịu nhận cái hay cái tốt của người khác. Cái “ta” ích kỷ, chỉ biết mình, sở thích mình, tư lợi, dầu hại cho kẻ khác như câu nói: “ích kỷ hại nhân”. Cái “ta” ghen tương, phen bì, khi thấy ai được điều tốt, thì nổi máu ghen, tìm cách hạ giá người ta. Cái “ta” khoe khoang, giả hình nhân nghĩa để được tiếng khen. Cái “ta” thiên vị, thiên kiến, chỉ yêu thích những người thân thuộc, bà con, bạn bè, nhưng ghét bỏ, thù hằn những người thẳng thắn, nhưng bất đồng ý kiến. Tất cả những cái “ta” do thất tình chi phối, điều khiển, là những tư cách của cái “ta” đê tiện, hèn hạ, ấu trĩ trong con người, chính là cái “giả ngã”, cần được thanh luyện để trở nên cái “ta” thật, cái “Chân Ngã”, thảnh thơi, trưởng thành, vô vị lợi, an hòa. ( 48).

    D.  TÌM VỀ CHÂN NGÃ

    Ta vừa tìm hiểu ý nghĩa của cái “ta” giả dối, cái “giả ngã”, tức cái “vô ngã”, thuộc thế giới Samsara, “vô thường”, đau khổ. Ta cũng nhận định rằng cái “vô ngã” này là căn nguyên của đau khổ, vì nó bị thất tình chi phối, không “tự chủ” được. Đó là một hình thức, một tình trạng thấp kém của kiếp sống con người. Do đó, cần giải thoát, siêu thoát con người để tìm về “Chân Tính”, “Chân Ngã” của nó, trong cõi Nirvana. Đấy cũng là chủ đích của Phật Thích Ca, khi giảng thuyết về bộ ba chữ: Vô Thường, Đau Khổ, Vô Ngã.

     _ Khi dùng chữ anatta (anatman), Vô Ngã, Phật Thích Ca chỉ có ý phân giải cái “ta thật”, và cái “ta không thật” là gì. Như kinh sử cho biết, Phật thường từ chối không trả lời những câu hỏi về siêu hình như sự hiện hữu của Vị Chúa Tể, hoặc về bản thể học như sự bất tử của atman (Hồn). Chủ trương của Phật là thực tế, nhằm chữa trị bệnh tinh thần của con người đang đau khổ, ở kiếp này, ngay bây giờ. Để minh chứng cho lập trường cố hữu của Phật Thích ca, Kinh Điển Phật Giáo thường nhắc lại câu chuyện: “người săn bắn bị thương”. Vấn đề cấp bách lúc này là cứu người ta khỏi đau khổ. Suy luận về siêu hình như linh hồn bất tử, vũ trụ bởi đâu mà có, thì cũng giống như người  thay vì tìm cách rút ra liền mũi tên độc đang cắm vô cạnh sườn người săn bắn, lại đặt ra những câu hỏi không khẩn thiết như: ai làm ra, ai bắn mũi tên, và mũi tên làm bằng chất độc gì? v.v.

     _ Nhưng cũng vì “im lặng” không trực tiếp trả lời, nên sau này các môn phái Phật Giáo tự tiện cắt nghĩa giáo thuyết của Phật theo thiên kiến riêng của mình. Vì thế, có người cho rằng Phật Giáo “phủ nhận sự trường cửu của Linh hồn”, hoặc “thuyết Thượng đế, cũng như thuyết Linh hồn bất tử do Bản Ngã tạo ra để tự phỉnh...”. Suy diễn như vậy có thể là vô bằng cứ, vì giữ thái độ im lặng, không có nghĩa là Phật từ chối niềm tin chân chính của dân chúng Ấn Độ. Cắt nghĩa theo thiên kiến là lạc mất chủ ý của Phật. Khi Phật dùng một chữ gì, câu nào, thì phải đặt nó trong văn mạch, và trong hoàn cảnh đặc biệt như dành riêng cho một lớp thính giả nào, thì mới có thể hiểu được ý nghĩa chân thực của danh từ đó (49).

     _Vậy “Chân Ngã” (True Self) là gì? Nếu “giả ngã” thuộc thế giới Samsara, thì “Chân Ngã” thuộc cảnh giới Nirvana, đã được Tỉnh Ngộ. Trong cõi Luân Hồi, Nghiệp-Báo, cái “giả ngã” bị chi phối bởi thất tình, dục vọng, thì trong cảnh giới Niết Bàn thanh tịnh, con người trưởng thành suy tư và hành động theo lý trí, theo sự khôn ngoan tuyệt vời, gọi là Trí Tuệ Bát Nhã (Prajna Paramita). Cái Chân Ngã thuộc thế giới Siêu Thoát, nên cần phải chống lại các dục tình, dục vọng đê hèn của Samsara, nhất là phải tiêu diệt cái “tôi” ích kỷ. Do đó, trong phép tu luyện, cần noi theo “Bát Chính Đạo”, để trở nên người đức hạnh. Người tìm được Chân Ngã là đạt tới cái Tâm Chân Như, Phật Tính, thực hành đức Từ Bi, yêu thương hết mọi loài, mọi người. Cái Tâm thuộc cấp Samsara, là cái “giả ngã”, vì luôn bị thất tình, va tình cảm “vị kỷ” chi phối, nên chỉ yêu người mình thích, mà ghét người mình không ưa!

     _ Bởi vậy, chủ đích của Phật Thích Ca là giúp con người Giải Thoát khỏi sự kiềm kẹp của cái Giả Ngã bị dục vọng điều khiển, để tiến tới Niết Bàn, nghĩa là tìm về cái Chân Ngã siêu thoát thanh tịnh. Muốn được thế, phải cố công tu luyện, phải tiêu diệt cái Ngã giả dối, tức “vô ngã”, phải Tỉnh Ngộ. Hành động quyết liệt để tiến tới Giác Ngộ hoàn toàn, gọi là “Đại Tử,” theo  nghĩa chết đi để sống đời sống mới (50).

TOÁT YẾU NHỮNG ĐẶC ĐIỂM.

Sau khi tìm hiểu quan niệm về “Vô Ngã”, ta có thể tóm lược một vài đặc điểm như sau:

     1. Vấn đề “Vô Ngã”, Phật Thích Ca không chỉ trích công khai niềm tin cổ truyền của dân chúng Ấn Độ về Atman, tức Linh Hồn bất tử. Ngài thường giữ thái độ “im lặng”, cũng như đối với các vấn đề siêu hình khác. Nhưng “im lặng”, thì không có nghĩa là từ chối hay chống đối.

     2. Quan niệm “vô ngã” là thuộc bộ ba: vô thường, đau khổ, vô ngã, là một lối sống đê hèn, đau khổ của Luân hồi, Nghiệp-Báo, nên cần được Giải Thoát.

     3. Chân Ngã là cái Ngã đã Tỉnh Ngộ, thuộc cảnh giới Niết Bàn, không còn bị dục vọng quấy phá, nhưng sống trong an lạc, thanh thoát do cái Tâm-Bình-Đẳng, cái Tâm Đại-Từ-Bi hướng dẫn.

     4. Muốn đạt tới cái Chân Ngã, cần khổ công tu luyện, theo “Bát Chính Đạo”, và một đời sống luân lý tốt.

ĐOẠN III.   NHÂN TÍNH TRONG THIÊN CHÚA GIÁO

Trong vũ trụ vạn vật thuộc loài thụ tạo, chỉ có con người là đặc biệt, vì có thể “tự-ý-thức” về chính mình, nghĩa là vừa làm chủ thể (subject) đứng ra học hỏi, vừa là đối tượng (object) của việc tìm hiểu về mình, vì chính ta lại tự đặt ra những thắc mắc về ta, vì chỉ có nguời mới học hỏi về đời sống con người. Khi nghiên cứu các khoa học khác, thì phân biệt giữa ta là người hiểu biết và sự vật là đối tượng để ta tìm hiểu một cách khách quan. Nhưng khi suy nghĩ về chính mình thì khác, vì ta không thể tách khỏi mình, rồi tìm một “vị trí” đứng từ đàng xa, để nhìn lại rõ ràng chính mình, như một đối tượng khách quan. Do đó, những giải đáp luôn thiếu sót, không tương xứng. Những vấn nạn mới về con người luôn được đặt ra, và cần những giải đáp mới.

Theo lịch sử, đã có nhiều lý thuyết, triết học nghiên cứu về con người, như đã trình bày ở đoạn trên, nhưng gần đây, nhờ các khoa học vật lý, nhân văn, xã hội, nên khoa Nhân Loại Học (Anthropology) đã phát triển thành hệ thống. Như tựa vào khoa học tự nhiên, C. Darwin cho rằng đời sống con người, về sinh lý, cũng giống như mọi sinh vật khác do luật tiến hóa và thích ứng vào môi sinh, chi phối. S. Freud tựa vào khoa tâm lý, cho rằng con người không phải chỉ biết (intellect), rồi quyết định làm điều mình muốn (Will), nhưng chính lực lượng “Tiềm Thức” (Unconscious drives) ảnh hưởng, điều khiển. K. Marx tựa vào khoa xã hội, chủ trương xã hội, đời sống tập thể đào tạo nên đời sống con người. Ngoài ra, khoa học nhân văn, văn chương và triết thuyết như Hiện Sinh, Hiện Tượng Luận... đều có chung điểm tương đồng: nhấn mạnh đến con người là một chủ thể có tự do, chịu trách nhiệm về đời sống riêng, cá biệt, luôn thay đổi, biến chuyển, thực tiễn, chống lại cái gì bất biến, trừu tượng, phổ quát, khách quan.

Trong bối cảnh lịch sử đó, Thiên Chúa Giáo đã xây dựng khoa Thần Học về Nhân Loại Học (theological anthropology), để tìm cách giải đáp những câu hỏi căn bản về đời sống con người như: Con Người là Ai? Tại sao Sống? Tại sao biết mình phải Chết? Chết là hết, hay còn gì nữa? Tại sao có sự Ác, Đau Khổ? Đời sống con người có Giá Trị gì không? Nếu ta công nhận: “Đời Đáng Sống”, thì tất nhiên, ta cũng phải thừa nhận, xác tín về những vấn đề căn bản làm nền tảng cho đời sống như: Hiện Hữu của Thiên Chúa, vì ngay khi ta ý thức về ta, ta đã cảm nghiệm rằng: mọi sự ta có như ý thức, trí khôn, thân xác, đều do Thiên Chúa đã ban cho, đã phú bẩm cho ta. Do đó, vấn đề "ta" và "Chúa" tuy khác biệt, nhưng liên quan với nhau như hai mặt của một đồng tiền. Chính Thiên Chúa là Nguyên Lý cho đời sống con người. Nguyên Lý Nền Tảng đó đã hiển hiện một cách cụ thể, lịch sử, nơi Nhân Vị của Đấng Thiên Sai, Chúa Cứu Thế, để cứu nhân độ thế, giải phóng nhân loại khỏi vòng cương tỏa của tội ác, chỉ giáo cho con người những nguyên tắc về Luân Lý để sống thánh thiện, đạt được Hạnh Phúc và Trường Sinh Bất Tử.

     Sau đây, ta sẽ lần lượt suy nghĩ:

    A.  Ý nghĩa của Nhân Sinh (đời sống con người) và Nhân vị (địa vị của người đứng trong vũ tru).

    B.  Nhân Tính, hay Bản Tính tự nhiên.

    C.  Thiên Ân, con người hướng về Siêu Nhiên.

    D.  Liên hệ giữa Bản Tính và Thiên Ân.

    E.  Sau cùng là vấn đề Tội Ác, tình Tư Dục.

A.   NHÂN SINH, NHÂN VỊ, ĐỊA VỊ CON NGƯỜI

Quan điểm về Nhân Sinh, tức ý nghĩa của Đời Sống con người, và Nhân Vị (human Person), tức con người có một Bản Vị, một Bản Thể riêng biệt, một Địa vị, tức “chỗ đứng” đặc biệt trong vạn vật, theo Thần Học Công Giáo, có thể toát lược vào mấy điểm cốt yếu như sau:

1.  Vũ Trụ Càn Khôn, và Nhân Sinh có Giá Trị gì?

Niềm Tin và Lý Trí của nhân loại minh chứng rõ cho ta biết: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, đã sáng tạo vũ trụ càn khôn, muôn vật muôn loài, tinh thần và vật chất. Thiên Chúa vẫn Hiện Diện, để Quan Phòng và bảo toàn vạn sự vạn vật. Do đó, hết mọi loài thụ tạo, vật chất, cỏ cây, sông núi... đều Tốt, đều có Giá trị, vì tất cả do bàn tay sáng tạo của Chúa. Nhưng trong các loài thụ tạo, thì con người là cao quí hơn.

2.  Tại Sao Nhân Vị, Địa Vị Con Người là Cao Quí?

Con Người là một Nhân Vị (Human Person), chiếm một Địa Vị cao quí trong vũ trụ, vì con người được dựng nên giống “Hình Ảnh Chúa”, nghĩa là có thể hướng về Siêu Việt (Transcendental), tức là biết Chúa và yêu mến, sống thân tình với Chúa. Ngoài ra, con người cũng được Chúa cho trí khôn, tài năng để cộng tác vào việc quản trị, khai thác, phát triển vũ trụ, để làm hiển danh Thiên Chúa.

Trong loài thụ tạo, chỉ có con người là có ý thức, tự do, và trách nhiệm về những hành động của mình, như một chủ thể, một Nhân vị (person), vì có thế đối diện, đối thoại với Đấng Toàn Năng. Chỉ có con người mới biết tự-phản-tỉnh, nghĩa là: biết được rằng mình biết. Chỉ có người mới có Lương Tâm, biết phân biệt điều Phải/Trái: nơi thâm cung, bất khả xâm phạm đó, con người có thể lắng nghe tiếng của Thiên Chúa.

3.  Câu nói: “Không ai là một hòn đảo”, có nghĩa gì?

Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ, có “âm-dương”. Do đó, đời sống con người là đời sống có tính cách hướng về tha nhân, về chung sống (co-existence), về “lứa-đôi” (sexual relationship)(51). Con người có thân xác, nên luôn tiếp xúc với người và vật chung quanh như ăn các thứ thực phẩm rau, cá, thịt... uống nước mưa, nuớc suối... Khí trời ta thở ra thì người khác hít vào... Nhưng trên hết, con người qui hướng về Thiên Chúa, lệ thuộc vào Chúa để hiện hữu, đồng thời cũng liện hệ, trách nhiệm mọi hành vi cử chỉ đối với tha nhân. Do đó, theo Kinh Thánh, các giới răn đều gồm tóm trong mệnh lệnh duy nhất: “Mến Chúa, Yêu Người”(52). Đối với Chúa Cứu Thế, đời sống con người là “chung sống để phục vụ” (co-existence of service), đặc biệt giúp đỡ những người nghèo khó, đau khổ. Tình Bác Ái vô vị lợi đó, chẳng những đối với người thân thích, bằng hữu, nhưng còn đối với người thù nghịch nữa! (53).

4.  Ý Nghĩa Câu: “Nhân Vô Thập Toàn”

Theo kinh nghiệm hằng ngày ta nhận thấy: tuy đời sống con người có giá trị, có phẩm tính cao quí, nhưng vì con người có ý chí tự do, và trách nhiệm, vì sự bất toàn, yếu đuối, nên con người có thể sa ngã và phạm rất nhiều Tội Ác(54). Con người biết mình đã “li gián, li cách” (alienation) khỏi chính mình, vì không làm điều Tốt mà Lương Tâm bảo làm, nhưng đã làm điều Xấu mà Luật của Chúa cấm. Bởi vậy, con người đã li gián với Chúa và với tha nhân! Do đó, con người cảm thấy sự căng thẳng, xâu xé,và nỗi lo âu, xao xuyến về số phận, định mệnh dày vò tâm trí luôn mãi! Hơn nữa, theo Kinh Thánh, và theo kinh nghiệm bản thân, đời sống con người luôn bị đe dọa bởi nhiều bất trắc rủi ro, ngoài ý muốn, như bênh tật, già yếu, tai nạn, và chết. Sách GiảngViên (Ecclesiast), Sách ThánhVịnh (Psalms), và Phúc Âm luôn cảnh giác, nhắc nhở về đời sống quá vắn vỏi, và kiếp sống con người đầy lầm than, khổ sở.

Mặc dầu Tội Ác, và Đau Khổ tràn ngập thế giới này, nhưng con người sống trong hy vọng sẽ được Ơn Cứu Độ, vì Tin vào lòng Từ Bi của Chúa sẽ thể hiện nơi Đấng Cứu Thế. Nhờ Ân Huệ của Chúa ban, và sự quyết tâm cải tà qui chính, đời sống con người sẽ được hoàn toàn đổi mới, và hy vọng “Thân Xác được Phục Sinh,” để hưởng Hạnh Phúc Bất Diệt. (55).

B.   BẢN TÍNH TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI

Để giải thích một cách sâu xa về Nhân Sinh, và NhânVị, như đã nhận định ở trên, Khoa Thần Học Công Giáo đã dùng hai ý niệm: Bản Tính Tự Nhiên (Nature), và Thiên Ân (Grace, còn dịch là : Thánh Sủng, Ân Sủng, Ân Huệ, Ân Điển, Sủng Ái, Hồng Ân, Nhân Từ, Từ Bi). Đây là hai ý niệm thuộc khoa Thần Học, khác với các ý niệm Triết lý, Vật lý, hay Xã hội học về bản tính của con người. Hai ý niệm này liên hệ đến nhau, dầu khác biệt. Ta sẽ lần lượt phân tách ý niệm về Bản Tính Tự Nhiên, sau đó sẽ đề cập đến ý niệm về Thiên Ân, và sau cùng, sự tương quan giữa hai ý niệm đó. Để tìm hiểu Bản tính Tự Nhiên là gì, các nhà thần học đặt ra hai câu hỏi: 1) Theo giả thiết, có thể có một bản tính thuần túy tự nhiên ( pure nature ) không? nghĩa là một bản tính tự nhiên của nhân loại mà không có Thiên Ân? 2) Nhưng theo lịch sử, và trong thực tế, bản tính tự nhiên của nhân loại “đã” lãnh nhận Thiên Ân rồi (graced nature).

1.  Theo Giả Thiết, Có Thể Có Bản Tính Thuần Tuý Tự Nhiên không?

Theo giả thiết, bản tính thuần tuý tự nhiên (pure nature) có cùng đích tự nhiên riêng của nó, nghĩa là nó không có Thiên Ân, không được Chúa ưu đãi đặc cách ban nhưng không, cũng không có việc Nhập Thể Cứu Độ của Đấng Cứu Thế. Tại sao đặt ra giả thiết này? Theo cách giải thích của một số nhà thần học, thì mỗi loài thụ tạo, thụ sinh đều có “cùng đích tự nhiên” (natural end) của nó: nếu hột lúa có điều kiện thuận lợi thì thành cây lúa, đâm bông, kết hột. Con người cũng là loài thụ sinh, tương đối, tuy “cao quí hơn vạn vật”, nhưng không có quyền đòi hỏi những quyền lợi siêu việt như được “Hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa” (Beatific Vision), được ơn làm “nghĩa tử” của Chúa, vì đó là những Ân Huệ vượt quá sức tự nhiên của loài tương đối. Cùng lắm, khi chết rồi, con người có thể sống trong cảnh “hoan lạc tự nhiên”, tựa như “Lâm bô” (Limbo), hay “Bồng Lai Tiên Cảnh” nào đó!

Nhưng trên đây chỉ là một giả dụ, nói theo lý thuyết mà thôi, vì trong thực tế, và theo lịch sử, đã không xẩy ra. Sở dĩ các nhà thần học đặt ra giả thiết này, vì chủ ý nhấn mạnh: Thiên Ân là Ân Sủng do Thiên Chúa hoàn toàn tự do, tự ý ban nhưng không (gratuitous), bản tính tự nhiên của nhân loại là loài tương đối, không có quyền đòi hỏi, (như sẽ bàn ở đoạn sau).

2. Theo Lịch Sử, có Bản Tính Thuần Tuý Tự Nhiên không?

Theo Lịch sử, và thực tế, bản tính thuần tuý tự nhiên (pure nature) đã không có thật, vì Thiên Ân đã thấm nhuần, đã xâm nhập, và đã biến đổi bản tính tự nhiên của nhân loại, nhờ Công Nghiệp của Đấng Cứu Thế, để nhân loại được Chúa ban Thánh Sủng là được kết nghĩa, hiệp thông với Thiên Chúa. Vì lý do đó, các Giáo Phụ như Irenaeus, Augustine dùng tiếng nhân loại được “Thần Hóa”. Sau đây, ta thử tìm cách định nghĩa Bản Tính Tự Nhiên của con người.

3.  Bản Tính Tự Nhiên Hướng về Siêu Việt.

Theo Kinh Thánh, Cựu Ước, Sách Sáng Thế Ký 2:7, Thiên Chúa dựng nên “người” (đàn ông, đàn bà); “người”, chữ Do thái là “adam”' và chữ đất sét là “adamah”. Xét theo nguyên tự này, Kinh Thánh coi mỗi cá nhân là một toàn thể duy nhất gồm vừa xác vừa hồn, tức một “thân xác có linh hồn” (an animated body). Kinh Thánh không chia con người ra hai phần biệt lập như triết lý Hy Lạp (linh hồn có trước, riêng biệt, rồi mới “đầu thai”, kết hợp với thân xác). Do đó, chữ Linh Hồn trong Kinh Thánh chỉ Nguyên Lý Tinh Thần, linh thiêng, cao quí nhất của toàn thể con người. Linh Hồn trực tiếp do Chúa tạo nên, không do “huyết nhục” của cha mẹ; Linh Hồn bất tử, nghĩa là không bị tiêu tan sau khi chết, nhưng sẽ được kết hợp lại với thân xác (“mới”), ngày toàn thể nhân loại phục sinh (ngày tận thế) (56).

Khi suy nghĩ về Địa vị con người trong vũ trụ, ta nhận thấy con người không phải chỉ là một trong vạn sự vạn vật khác, theo thuyết duy vật, duy tâm hay “vạn vật nhất thể”. Các loài khác như cầm thú, cỏ cây... kém xa con người, vì bản tính của chúng bị hạn chế vào hoàn cảnh nhất định: con cá nó sống vì nước! Chúng không có ý thức về chính mình, và chỉ biết, hay tìm một số đối tượng hạn định để sinh sống, lớn lên: chim biết làm tổ, sư tử cái săn mồi nuôi con. Nhưng theo Thần học Thiên Chúa Giáo, con người là một tạo vật rất đặc biệt được Thiên Chúa ưu đãi, vì con nguời “tự ý thức” về mình, nghĩa là vừa là chủ thể hiểu biết vừa là đối tuợng của các hành vi mình làm. Do đó, con người chiếm một Địa vị, một “chỗ đứng” riêng biệt như một Nhân Vị, tự do, làm chủ vận mệnh mình, và làm chủ vạn vật, do quyền năng Chúa ban cho. Con người là chủ thể, chẳng những biết bàn luận, thẩm định giá trị, và cân nhắc lựa chọn, mà còn thực hành những quyết định, để mở mang thế giới.

Để giải thích tính chất “Siêu Việt” của Bản Tính con người, nhà thần học công giáo Karl Rahner đã đề xướng thuyết “Nhân Loại Học Siêu Việt (transcendental Anthro-pology). Danh từ “Siêu Việt” có nghĩa là vượt lên trên cái hữu hình, cảm giác. Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, vì vượt lên trên hết vạn sự vạn vật, vì mọi loài mọi vật đều qui hướng về như Đỉnh Cao Tuyệt Đối. Do đó, khoa Nhân loại Học Siêu Việt chủ trương con người không phải chỉ là một mớ hỗn hợp những yếu tố sinh lý, tâm lý, nhưng là một chủ thể mà ý nghĩa, và ước vọng của đời sống vượt lên trên những thỏa mãn về nhu cầu thể xác, tâm lý, kinh tế, chính trị. Con người là Siêu Việt vì có khả năng vượt được chính mình, để vươn tới Thiên Chúa là Nguồn Mạch, là yếu tố cấu thành bản tính con người. Thiên Chúa là Tác giả, là Đấng Độ Trì, và là Định Mệnh của đời sống con người. Do đó, bàn luận về con người, thì đồng thời cũng suy nghĩ về Chúa. Học thuyết thần học này cũng đồng quan điểm với Thánh Tôma, nên cũng gọi là “Học Thuyết Tôma Siêu Việt” (Transcendental Thomism).

Theo suy luận thần học của học thuyết trên, thì Bản Tính Nhân Loại luôn “khai phóng”, nghĩa là “cởi mở” (open), qui hướng về Siêu Việt, Siêu Nhiên, vì Thiên Chúa đã phú ban cho bản tính nhân loại “Tiềm Năng Phục Tùng” (Potentia Obedientialis, obediential potency) để lãnh nhận Thiên Ân, nghĩa là được Ân Huệ tham dự vào sự Sống của Thiên Chúa, đã thực hiện nơi Đấng Cứu Thế. Gọi là “Tiềm năng”, vì con người không có quyền đòi hỏi Chúa thông truyền Thiên Ân, nhưng “Phục Tùng”, nghĩa là vâng theo ý Chúa muốn như vậy.

Theo sự suy luận ở trên, ta biết được Bản Tính Tự Nhiên của con người “đã” được Ân Sủng, như tiềm lực có sẵn để qui hướng về Chúa. Một câu hỏi: vậy sự qui hướng, sự tri thức về Chúa đó, là điều kiện “tiên nghiệm” (a priori) hay “hậu nghiệm” (a posteriori)? “Tiên nghiệm” là một sự hiểu biết tự nhiên phát sinh, trái lại,  “Hậu nghiệm” là sự nhận thức sau khi đã học hỏi, điều tra như các kiến thức về Khoa học vật lý, hoá học... Sự nhận biết Chúa của con người là một tri thức “Tiên nghiệm”, vì con người không phải dò dẫm từng giai đoạn, điều tra, lý luận, minh chứng về Chúa. Nhưng ngay khi con người “tự-ý-thức” về mình, thì cũng nhận ra lập tức đã có Chúa hiện diện trong con người như Nguyên Lý, như Động Lực Siêu Việt giúp ta có thể vượt được chính mình để vươn lên tới Chúa. Thánh Tôma gọi sự tri thức đó là “Đồng chủng” (connaturality), vì tự nhiên, và lập tức nhận ra Chúa ngự trong mình, vì con người đã được “tắm gội” trong Ân Sủng Chúa trước rồi, tựa như câu nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Chẳng những ta nhận ra Chúa ngự trong ta, mà những lời giảng dạy trong Kinh Thánh, ta cũng nhận biết ngay, “hưởng ứng” liền, vì đó là tiếng Chúa mời gọi ta, đó là những chân lý do Chúa phán truyền. Sau đây, ta sẽ tìm hiểu về ý niệm “Thiên Ân”.

C.   THIÊN ÂN

Quan niệm về Thiên Ân đã được Kinh Thánh, Cựu Ước, và Tân Ước bày tỏ đầy đủ các ý nghĩa. Ở đây, không chủ ý trình bày mọi khía cạnh, ý nghĩa của ý niệm Thiên Ân trong Sách Thánh, và các học thuyết thần học liên quan tới ý niệm này, vì quá phong phú, và quá bề bộn. Nhưng chỉ xin đề cập đến những nét đặc thù, chính yếu mà thôi. Chẳng hạn, Kinh Thánh bày tỏ ý niệm Thiên Ân như thế nào? Giáo huấn chính thức của Giáo Hội, và Thần học bàn luận về Thiên Ân làm sao?

1.  Ý Niệm Thiên Ân Trong Kinh Thánh

Danh từ Việt ngữ thông dụng, Thiên Ân, Ân Sủng, Ân Huệ, hay Ơn Chúa, hay được Nghĩa cùng Chúa, Đẹp Lòng Chúa... được dịch ra từ Do thái “hen”, Hylạp “charis”, Latinh “gratia”, (grace). Xét chung, trong Cựu Ước các danh từ đó chỉ sự “được ân nghĩa trước mặt Chúa”, nên Chúa cho"đa tử, đa tôn, đa phú quí" (Sáng Thế 33:5;33:11). Trong Tân Ước, Thánh Phao lô hay dùng chữ “charis” (grace), đi đôi với chữ “Bình an” (Romans 1:7). Ân Sủng khiến ta trở nên người công chính, đẹp lòng Chúa (Romans 3:24). Ân Sủng là “quà tặng” (gift), không được đòi hỏi (Romans 4:4). Ân Sủng là Ơn Chúa ban để phù hộ, nâng đỡ, thêm nghị lực thiêng liêng như: Thánh Têphanô, vị Tử Đạo tiên khởi đã được đầy Ơn Chúa và sức mạnh (Công Vụ Tông Đồ 6:8). Chính Phúc Âm cũng được gọi là “Tin Mừng về Ân Sủng Chúa ban cho nhân loại” (Công Vụ Tông Đồ 20:24).

2.  Ý Niệm về Thiên Ân Qua Các Thời Đại

Qua các thời đại, vì nhu cầu mục vụ, hoặc để chống lại các Lạc giáo, các lý thuyết sai lầm đối với ý niệm Ân Sủng, nên các Giáo Phụ như Irenaeus, Augustine, Thomas... đã khai triển giáo thuyết thành khoa thần thần học về Ân Sủng để phản đối các thuyết như Gnosticism (Tri Thức phái), chủ trương Ơn Chúa Cứu Độ không phổ cập cho hết mọi người, nhưng chỉ dành cho một số người có “tri thức” (gnosis) đặc biệt; hoặc chống lại thuyết Pelagianism (thế kỷ 5) cho rằng nhân loại có thể vươn tới sự cứu độ siêu việt mà không cần Ân Sủng Chúa ban; hoặc chống lại Protestantism (Thệ Phản) vì quá nhấn mạnh đến ưu thế của Ân Sủng đến nỗi làm mất sự tự do, sự hợp tác của nhân loại. Nói tóm lại, lý thuyết về Thiên Ân, Thánh Sủng luôn phát triển, nhưng tựu chung, theo truyền thống của Hội Thánh Công Giáo, được tóm tắt trong câu, trích từ “Hiến chế về Giáo Hội” của Công Đồng Vaticanô II (1964): (Thiên Ân) là “Thần Linh Thiên Chúa ngự trong Hội Thánh và trong Linh Hồn các tín hữu như đền thờ...” (số 4). Do đó, ta có thể định nghĩa Thiên Ân (Ơn Chúa, Ơn Trời) là: Sự hiện diện của Chúa nơi bản tính nhân loại, hay Chúa Thông Ban Ngài (Self-Communication) cho nhân loại, và các hậu quả, ơn ích của việc Thông Ban đó là thánh hóa, kiện toàn bản tính đó bằng cách nâng lên hàng “nghĩa tử”, và cho “hưởng Mặt Chúa”, hưởng Phúc Trường Sinh. Cần nhấn mạnh rằng: tất cả những Ân Huệ đó Chúa tự ý ban nhưng không, vì công nghiệp của Đấng Cứu Thế. Tự bản tính nhân loại thuộc bậc tự nhiên. tương đối không có quyền đòi hỏi các Ơn Siêu Nhiên đó.

D.   TƯƠNG QUAN GIỮA THIÊN ÂN VÀ BẢN TÍNH TỰ NHIÊN

Như đã trình bày ở trên, Thiên Ân là Hồng Ân do lòng Từ Bi vô biên Chúa tự ý ban cho nhân loại được thông phần sự Sống Thần Linh của Chúa, và do đó, được hưởng các hậu quả như trở nên “nghĩa tử”, được gọi Chúa là Cha (Abba) “Lạy Cha chúng con ở trên Trời...” Bởi vậy, Thiên Ân luôn luôn là Ân Huệ Chúa ban nhưng không, nhân loại không có quyền đòi buộc, vì theo lý thuyết, nhân loại vẫn tồn tại mà không có Thiên Ân, nhưng trong thực tế, lịch sử, nhân loại “đã” được Chúa tự ý ưu đãi ban cho bản tính tự nhiên của con người “Tiềm Năng Phục Tùng”, nghĩa là tâm hồn “cởi mở” để đón nhận Thiên Ân Chúa ban. Trước khi bàn đến mối tương quan giữa Thiên Ân và Bản Tính, cần phải loại bỏ mọi hình thức về “Nhị Nguyên luận”, cho rằng: có sự phân chia rõ rệt ở nơi một nhân vị thành hai ý hướng: một đàng, qui hướng về Chúa, đàng khác, hướng về việc hoàn thiện con người mà không cần tới Chúa. Cũng nên tránh sự lầm tưởng cho rằng Thiên Ân là cái gì phụ thêm vào Bản Tính. Thật ra, Nhân Sinh “đã” là cuộc sống thấm nhuần Ơn Thánh rồi: từ trong Bản tính, trong Căn nguyên, nhân loại đã qui hướng về Chúa. Sau đây, ta sẽ bàn về mối tương quan giữa Thiên Ân và Bản Tính, và sở dĩ nhân loại được Chúa tự ý ban Thiên Ân là vì công trạng của Vị Thiên Tử, tức Đấng Cứu Thế đã giáng sinh làm Người để cứu nhân độ thế.

1. Tương Quan Giữa Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên

Câu vấn nạn được đặt ra: Thiên Ân có thật sự biến đổi Bản Tính Tự Nhiên không? Nếu có, con người còn duy trì được sự tự do lựa chọn không? Làm thế nào con người có thể lãnh nhận một cách tự do sự Thông Truyền của Chúa cho ta?

Theo lịch sử Thần học Thiên Chúa Giáo, đã có ba lập trường khác biệt về vấn đề tương quan giữa Thiên Ân và Tự do của con người. Vào đầu thế kỷ 5, một tu sĩ tên Pelagius, và các đồ đệ lập ra thuyết Pelagianism, phái cực tả, cho rằng con người do Chúa tạo dựng, nhưng tự bản tính tự nhiên, có thể tự do đạt tới sự cứu độ siêu việt mà không cần Thiên Ân. Ngoài ra, thuyết này cũng phủ nhận “Tội Nguyên Tổ”, và quên mất những hậu quả của Nguyên Tội như tình tư dục, sự đau khổ và sự chết. Phái cực hữu, do Luther và các đồ đệ khởi xướng vào năm 1529 (Second Imperial Diet of Speyer), gọi là Protestantism (do chữ Protestation, Phản đối). Riêng về vấn đề tương quan, giáo phái này chủ trương chỉ cần Thiên Ân mà thôi (sola gratia), nghĩa là sự tự do cộng tác của bản tính con người không đáng kể. Con người vừa được ân nghĩa với Chúa (được công chính hóa) vừa là tội nhân (Simul justus et peccator), nghĩa là bản tính con người vẫn còn là tội lỗi, dầu đã chịu phép Thánh Tẩy, cũng không được cải hóa từ trong nội tâm.

Lập trường chính thức của Giáo Hội Công giáo đã phi bác hai chủ trương cực đoan trên, trong văn kiện của Công Đồng Orange (529), và Trent (1547). Sau đây, sẽ trình bày lập trường chiết trung, ôn hòa của thần học công giáo, đặc biệt theo sự giải thích của “Học Thuyết Tôma Siêu Việt”.

a. Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên Liên Hệ với nhau:

Thiên Ân và Bản Tính hưởng ứng với nhau, nghĩa là nếu Thiên Ân được Chúa tự ý ban xuống, thì Bản Tính cũng “đã” được Chúa ban “Tiềm Năng Phục Tùng”, để có thể lãnh nhận được Thiên Ân ấy. “Tiềm năng Phục Tùng” đó cũng được gọi là “TồnTại SiêuViệt” (supernatural existential), vì nó luôn cải biến từ nội tâm, từ bản thể con người để có thể qui hướng về Thiên Chúa của Thiên Ân và Vinh quang. Các nhà thần học còn phân biệt một cách tỉ mỉ: “Tiềm Năng Phục Tùng”, hay “Tồn Tại Siêu Việt” nơi con người, mới chỉ là sự” mời gọi” của Chúa cung cấp (offer) để con người có khả năng lãnh nhận Thiên Ân, nhưng chưa phải là chính Thiên Ân đã được cảm nghiệm! Bởi vì, dầu hết mọi người đều được Chúa ban nhưng không Tiềm Năng đó, nhưng con người có thể tự do hoặc chấp nhận, hoặc từ chối. Trong nhân loại, thật sự, đã có nhiều người đã lãnh nhận Ơn Chúa ban! Đó cũng là ý nghĩa của câu nói: Thiên Ân giả thiết có Bản Tính của Nhân Loại (Grace supposes the nature of the human person): Thiên Ân được ban ra vì giả thiết rằng Bản Tính con người có tiềm năng tiếp nhận được. Nhưng nếu Thiên Ân giả thiết có Bản Tính, thì ngược lại, cũng có thể nói: Bản tính giả dụ có Thiên Ân (nature suppose grace), vì theo truyền thống Thần học Công giáo, từ Thánh Augustine, Thánh Tôma cho đến ngày nay, nơi thâm tâm con người đã có ước vọng tự nhiên qui hướng về Chúa,vì không một loài thụ sinh nào có thể làm cho con người được mãn nguyện! Chỉ khi nào con người gặp được Chúa, thì tâm hồn mới được thỏa chí và bình an, hết âu lo xao xuyến. (57).

Tội là gì? Tội có phá huỷ Thiên Ân đã ban cho Bản Tính nhân loại không? Tội không có thực thể, nhưng phát sinh do việc sử dụng sai lầm sự tự do để chống lại mối tương quan giữa Thiên Ân và Bản Tính, nghĩa là từ chối lời mời gọi của Chúa. Do đó, tội làm cho Bản Tính ra hư hỏng, nhưng không tiêu diệt được Thiên Ân. Nơi nguời tội lỗi, từ trong căn bản, vẫn còn “tiềm năng” của Thiên Ân, để có thể trở lại cùng Chúa, và xin Ơn tha thứ. Lời kêu gọi sám hối sẽ vô ý nghĩa, nếu tự nơi bản thể tội nhân không có khả năng đáp ứng lại, hoặc lãnh nhận Hồng Ân vô lượng vô biên tha thứ của Chúa.

Nói tóm lại, theo cuốn “Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo”, số 33, viết: “Nhân Vị của con người: Cởi mở tìm kiếm Chân, Mỹ và sự Thiện Hảo về luân lý, Tự do theo tiếng Lương Tâm, ước vọng Hạnh Phúc, và Vô Biên; vì thế con người tự thắc mắc, tự vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Do đó, con người nhận ra được những dấu chỉ về Linh Hồn thiêng liêng của mình. “Linh Hồn là ‘hột nhân’ (mầm mống) về sự Vĩnh Cửu tiềm tàng ở trong người, không thể giản lược vào một vật thuần vật chất mà thôi” (Gaudium et Spes, 18,1), nhưng Linh Hồn chỉ có thể có nguồn gốc nơi Thiên Chúa”. Trình bày như trên, ta nhận thấy, quan điểm Thần Học của Công Giáo khác với phái Pelagianism, vì chủ trương Bản Tính con người cần có Thiên Ân mới được cứu độ; nhưng cũng khác với phái Thệ Phản, vì cho rằng: tội nhân vẫn có Thiên Ân để giúp cải tà qui chính: con người không “hoàn toàn hư hỏng”; vả lại, muốn được cứu độ, con người cũng cần tự do hợp tác và đáp lại lời mời gọi của Chúa nữa! Do đó, lập trường trung hòa là: vừa cần Thiên Ân, vừa cần sự tự do cộng tác của con người.

b.  Bản Tính Qui Hướng về Chúa Cứu Thế

Tại sao nhân loại được Chúa ban nhưng không Thiên Ân? Theo giả thiết, nhân loại là loài thụ sinh, tương đối, hữu hạn, không có quyền đòi hỏi, nhưng xét theo lịch sử, thật tế, thì nhân loại đã được Chúa ban Thiên Ân, vì Tình Thương vô biên, vô điều kiện, nhất là vì Hồng Ân của Đấng Cứu Thế, tức Đấng Thiên Sai, Thiên Tử giáng trần để cứu nhân độ thế. Do đó, theo các nhà thần học công giáo, thì Lịch sử của vũ trụ, của nhân loại cũng là lịch sử cứu độ, vì tất cả mọi sự hiện hữu đều do Đấng Cứu Thế mà có. Không có Đấng Cứu Thế, thì không có vũ trụ, không có lịch sử, không có nhân loại, nhân sinh. Không có Đấng Cứu Thế làm Trung Gian, thì cũng không có sự Giao Ước, Giao Hảo giữa Thiên Chúa và nhân loại. Do đó, tất cả vũ trụ đều qui hướng về Chúa Cứu Thế (Christocentric); mọi Thiên Ân đều đuợc ban ra qua “viễn tượng” Đấng Cứu Thế, và nhờ Đấng Cứu Thế nâng đỡ, phù trì, mặc khải, giảng dạy, thì nhân loại mới thật sự nhận biết Chúa một cách chắc chắn và rõ ràng hơn là tự mình dò dẫm, tìm tòi lấy. Chính nơi Chúa Cứu Thế Nhập Thể đã hợp nhất lại Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên, vì đã loại bỏ mọi hình thức “Nhị Nguyên”, phân cách đứt đoạn giữa Thiên Ân và Bản Tính(58).

Theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, đặc biệt Công Giáo, thì Lịch sử của Thế giới cũng là Lịch sử của Cứu Độ, tất cả vũ trụ này, tinh thần, vật chất đều tiến về một cứu cánh là xây dựng “Vương Quốc Thiên Chúa”, nghĩa là một triều đại của Tình Thương, Công Bằng, Tự Do, Tôn Trọng Nhân Quyền... Do đó, sự tự do của Bản Tính con người cần được Thiên Ân cải hóa, cải thiện luôn. Mặt khác, Thiên Ân luôn hoạt động để siêu việt hóa Bản Tính Tự Nhiên của con người. Một đàng,  Thiên Ân nâng đỡ phù trì; đàng khác, Bản Tính Tự Do của con người đáp ứng, cả hai cùng thăng tiến về việc xây dựng “Nước Chúa”. Do đó, các tín hữu có bổn phận chiến đấu cho công bằng, tự do, hoà bình, và nhân quyền để làm đẹp vũ trụ này, trên trái đất này (59).

E.   TỘI ÁC, TÌNH TƯ DỤC VÀ BẢN TÍNH TỰ NHIÊN

Như đã trình bày ở trên, tuy Bản Tính nhân loại có Tiềm Năng hướng về Siêu Việt để lãnh nhận Thiên Ân, nhưng con người vẫn được tự do để từ chối Thiên Ân, nghĩa là phá vỡ mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Nhân Loại, tức giữa Thiên Ân và Bản Tính. Sau đây, sẽ giải thích, theo quan điểm thần học: Tội là gì? Thế nào là “Tội Nguyên Tổ” (Original Sin)? Và Tình Tư Dục (concupiscence) là gì? Tội Nguyên Tổ và Đấng Cứu Thế ra đời để "Chuộc tội", liên hệ làm sao?

1.  Tội Ác là gì?

Theo quan niệm của thần học luân lý công giáo, sự Ác ở đây không phải là những thiên tai như bão lụt, động đất, bịnh tật, già nua, và chết. Nhưng sự Ác phải hiểu là Tội Lỗi phát xuất tự ý chí tự do của con người quyết tâm làm điều Ác, trái với Lương Tâm. Khi đã phân biệt điều Thiện phải làm, điều Ác phải bỏ, nếu ta tự do, tự ý lựa chọn điều Ác để làm, thì ta phạm Tội. Ngoài ra, ý nghĩa chữ Tội Ác chống lại Lương Tâm, cũng khác nghĩa với chữ “tội ác” (crime) đối với pháp luật (đời, quốc gia). Theo nghĩa luân lý, cho được thành tội, thì cần hai điều kiện: một là, Lương Tâm hiểu biết điều đó là điều Ác, không được làm; hai là, ý chí tự do quyết định chọn làm điều Ác. Có thể định nghĩa: Tội Ác là khi con người tự ý, tự do chống lại Chúa và các giới răn của Chúa, đồng thời cũng phản nghịch lại Lương Tâm của mình. Tội Ác biểu lộ sự giằng co, xâu xé trong thâm tâm con người: một đàng, hướng thượng, phục thiện, nhưng đàng khác, lại bị lôi cuốn để làm điều Ác. Vì thế, Thánh Phao lô viết: “Tôi không làm điều Tốt mà tôi muốn làm, nhưng điều Xấu mà tôi không muốn làm, thì tôi lại làm” (Romans 7:19,20).

2.  Tội Nguyên Tổ là gì?

Tình trạng căng thẳng, đối chọi giữa sự lựa chọn Thiện hoặc Ác, phục tùng Chúa hay chống lại Mệnh Lệnh Chúa, đã được diễn tả một cách bóng bảy qua câu truyện Sa Ngã của hai vị Nguyên Tổ loài người là Ông Adong, Bà Evà (coi Sách Sáng Thế Ký, Genesis 2:8-3:24; 4-11; 6:12). Theo cốt truyện trong Kinh Thánh, từ đầu Chúa dựng nên con người theo “hình ảnh Chúa”, nghĩa là con người đuợc Ân Sủng của sự Thánh Thiện Nguyên Thuỷ (grace of original holiness), và rất nhiều Ân Huệ khác nữa. Do đó, đúng lý ra, con người luôn phải biết cảm tạ Chúa, lệ thuộc Chúa như một loài thụ sinh hữu hạn, tương đối, hoàn toàn nhờ Chúa mà có sự sống, lại phải biết dùng lý trí, tự do để tuân phục Mệnh Lệnh, Giới Răn Chúa truyền dạy. Nhưng vì con người có tự do, nên có thể làm điều Tốt hay điều Xấu được. Và thật sự, Ông Bà Nguyên Tổ đã lạm dụng sự tự do, và đã quyết định chống lại Giới Cấm của Chúa. Ông Bà Nguyên Tổ đã bị Ma Quỉ cám dỗ để phản nghịch lại Chúa, coi trọng cá nhân mình hơn Chúa. Bởi vậy, chính Ông Bà Nguyên Tổ, và cả dòng dõi loài người đều liên lụy, gánh chịu những ác quả sau đây:

3.  Những Ác Quả do Tội Nguyên Tổ.

Vì tự ý chống lại Chúa, nên ác quả đầu tiên là lập tức mất Ân Nghĩa, Tình Nghĩa với Chúa, nghĩa là mất Ân Sủng của sự Thánh Thiện Nguyên Thuỷ. Theo Thần Học Công Giáo, Bản Tính Tự Nhiên của con người không hoàn toàn hư hỏng, nhưng Bản tính đó đã bị thương tích, bị suy nhược trầm trọng. Trong vũ trụ này, không còn được hòa hợp, êm đềm nữa! Linh Hồn không còn điều khiển Xác Thịt tuân theo những giá trị tinh thần, luân lý. Giữa nam và nữ có sự bất bình, tranh chấp. Ngay cả thiên nhiên, đất đai, cỏ cây, súc vật.. cũng trở thành thù nghịch, cằn cỗi đối với con người. Đời sống con người trên trái đất là cuộc chém giết, bạo động, chiến tranh liên miên. Do kinh nghiệm bản thân và qua truyền thông báo chí, ta chứng kiến mỗi ngày, không kể những thiên tai, những tội ác khủng khiếp xẩy ra chung quanh như phá thai, bắn giết..., vì tội ác đã tràn ngập khắp nơi, đặc biệt tại các nước được coi là văn minh tiến bộ về vật chất. Và ác quả lớn lao nhất mà mọi ngưòi đều phải gánh chịu, là “bản án tử hình”, cái Chết đang chờ đợi, rình rập từng giây, từng phút, để kết liễu cuộc đời đau khổ!

Gọi là “Tội Nguyên Tổ” cũng gọi là “Tội Tổ Tông Truyền”, vì mọi người đều thuộc dòng dõi của Ông Bà Nguyên Tổ, vì đều thuộc một cộng đồng nhân loại với nhau. Do đó, tuy rằng ta không “phạm tội” (committed), nhưng vì tội của Nguyên Tổ đã làm hư hỏng, trụy lạc tất cả Bản Tính Nhân Loại, lại vì ta sinh ra trong tình cảnh thất sủng đó, nên tội của Nguyên Tổ đã truyền lại cho ta phải hứng chịu sự mất mát Ân Sủng của sự Thánh Thiện Nguyên Thủy. Ta không “phạm” (làm), nhưng “nhiễm phải” (contracted) cái tội đó, vì ơ trong trạng huống đó (situational).

4.  Tình Tư Dục (Concupiscentia) là gì?

Ngoài những ác quả kể trên, các nhà thần học, triết học, luân lý đạo đức còn bàn luận về một sự giằng co, xâu xé, hỗn loạn, bất ổn trong đời sống tinh thần con người. Theo Thần Học Công Giáo, Tội Nguyên Tổ không biến đổi Bản Tính Nhân Loại ra hoàn toàn hư hỏng, trụy lạc, khác với chủ trương của phái Thệ Phản cho Tội Nguyên Tổ đã huỷ hoại, từ trong căn bản, Bản Tính và Tự Do của con người. Cũng theo các nhà Thần Học Công Giáo như Thánh Augustine, và Thánh Tôma, thì ác quả của Tội Nguyên Tổ là khiến con người thích “hướng chiều” về Tội Ác, nghĩa là dễ làm điều Ác hơn là làm điều Thiện. Cái khuynh hướng về điều Ác đó, gọi là “Concupiscentia”, dịch là “Tình Tư Dục”. Tình Tư Dục làm cho Bản Tính Nguyên Tuyền của Nhân Loại bị suy nhược, thương tích, vì “nhiễm” phải Tội Nguyên Tổ, nhưng không được đồng hóa Tình Tư Dục với Tội Nguyên Tổ là một.

Tình Tư Dục tự nó chưa phải là điều Ác theo nghĩa luân lý, vì chưa có quyết định của ý chí tự do, nhưng nó là một mâu thuẫn, giằng co giữa Thiện và Ác, trong nội tâm con người. Do đó, Tình Tư Dục không thuộc về “Bản Tính của thời Nguyên Tuyền Thánh Thiện (original Holiness), mà thuộc “Bản Tính đã Sa Ngã”. Trong đời sống kinh nghiệm hàng ngày, mỗi nguời đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của Tội Nguyên Tổ, vì Tình Tư Dục đã làm suy yếu Bản Tính hướng Thiện của thời Nguyên Sơ. Do đó, việc chiến đấu chống lại khuynh huớng xấu của Tình Tư Dục, là cuộc chiến liên miên, trường kỳ, cũng như công cuộc chống lại Tội Ác, các bất công xã hội, chiến tranh, những ác quả của Tội Nguyên Tổ, là công việc lâu dài, không bao giờ chấm dứt! Sau khi chịu phép Thánh Tẩy, nhờ Hồng Ân của Chúa Cứu Thế, thì Tội Nguyên Tổ được rửa sạch để con người kết nghĩa lại với Chúa, nhưng ác quả của Tội Nguyên Tổ như sự Chết và Tình Tư Dục vẫn còn tồn tại. (60).

5.  Phúc Quả của Tội Nguyên Tổ

Theo Giáo Huấn và Truyền Thống của Hội Thánh Công Giáo, chân lý về Tội Nguyên Tổ không khiến ta tuyệt vọng, và cuộc sống đầy tràn tội ác là một điều phi lý (Absurdity) như chủ trương của thuyết Hiện Sinh vô thần. Trái lại, nhân loại có nhiều lý do để phấn khởi, hân hoan và hy vọng. Tại sao Thánh Augustine gọi Tội Nguyên Tổ là “Tội sinh Phúc” (happy fault, Felix culpa)? Vì nhờ Tội Nguyên Tổ mà Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương vô cùng đã sai Đấng Cứu Thế nhập thể để cứu nhân độ thế. Chính Ngài làm Giá Chuộc Tội cho nhân loại. Thiên Ân là gì? Thiên Ân là chính Tình Thương vô biên của Chúa tự Truyền Thông cho nhân loại vậy.

Như trên đã trình bày, sở dĩ Thiên Chúa khấng ban Thiên Ân cho Bản Tính nhân loại, chỉ vì công nghiệp, vì hướng về Đấng Cứu Thế mà thôi! Thánh Phao lô đã diễn giảng điều đó, khi đối chiếu, so sánh “Adong cũ” và “Adong mới”. Đấng Cứu Thế là “Adong mới” “đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá”, nên đã đền bù tội bất phục tùng của “Adong cũ” (1 Cor15:21,23). Ngoài ra, nhiều Thánh Giáo Phụ chú giải về cuộc chiến giữa nguời Phụ Nữ và con rắn, và cuộc toàn thắng của miêu duệ Bà, để ám chỉ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, là “Evà mới”, vì Bà là người duy nhất và trước nhất được hưởng Thiên Ân Cứu Độ của Đấng Cứu Thế, nghĩa là không mắc Tội Tổ Tông, “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và khỏi mọi tội cá nhân trong suốt cuộc đời.

TOÁT LƯỢC MẤY ĐẶC ĐIỂM

1. Theo lịch sử và thật tế, nhân loại theo Bản Tính Tự Nhiên không có quyền đòi hỏi, nhưng vì Tình Thương vô hạn của Thiên Chúa, qua Ngôi Lời Nhập Thể, tức Đấng Cứu Thế, nên Thiên Chúa đã Tự Ý Truyền Thông Bản Tính Thần Linh, tức Thiên Ân cho con người. Do đó, quan niệm về Nhân Sinh của Thiên Chúa Giáo luôn đặt con người vào “viễn tượng” qui hướng về Chúa (Theocentric) và về Đấng Cứu Thế (Christocentric).

2. Cũng theo lịch sử và thật tế, Bản Tính Tự Nhiên của con người đã dược Chúa ban cho “Tiềm Năng Phục Tùng” để có thể lãnh nhận Thiên Ân. Nhưng vì con người có tự do, nên vẫn có thể chấp nhận hay từ chối Thiên Ân.

3. Theo Kinh Thánh, Tội Nguyên Tổ có thật, và tất cả dòng dõi nhân loại đều liên luy, đều mắc tội ấy (Trừ một mình Đức Trinh Nữ Maria). Nhưng tội đó không hoàn toàn hủy hoại “mầm mống” Thiên Ân đã có nơi Bản Tính con nguời để giúp con người lãnh nhận Ơn tha tội, và trở lại cùng Chúa.

4. Khi chịu phép Thánh Tẩy thì Tội Nguyên Tổ được rửa sạch, nhưng các hậu quả của tội vẫn còn tồn tại như sự Chết và Tình Tư Dục. Do đó, mỗi người phải chiến đấu với tội ác nơi chính bản thân, và trên thế giới này, luôn mãi cho đến tận thế.

5. Thần Học Công Giáo chủ trương: muốn được cứu độ, Bản Tính Tự Nhiên của nhân loại cần Thiên Ân của Chúa tự ý ban nhưng không, nhưng cũng cần sự hợp tác tự do của con người. Đó là lập truờng dung hòa, chống lại thuyết cực tả Pelagianism, cho rằng Bản Tính Tự Nhiên của con người tự nó có thể tiến tới Cứu Độ, mà không cần Thiên Ân, cũng chống lại phái Protestantism cho rằng Bản Tính con người đã bị huỷ hoại hoàn toàn, và tự do đã mất. Do đó, muốn được cứu độ, con người phải hoàn toàn nhờ Thiên Ân mà thôi.

ĐÀM ĐẠO, CHIA SẺ, TRAO ĐỔI

Sau đây ta thử tìm xem trong công cuộc khám phá về bí mật của con người, triết lý Á Đông và thần học Thiên Chúa Giáo có những điểm tương đồng, gặp gỡ, thông cảm với nhau, đồng thời cũng nhận định những khác biệt về quan điểm, hoặc về phương pháp nghiên cứu để bổ túc cho nhau.

1.  “Thần Trung Tâm” (Theocentric) là gì?

Về vấn đề Bản Tính Nhân Loại, Thiên Chúa Giáo luôn đặt nền tảng và qui hướng con người về Thiên Chúa, và qua Đấng Cứu Thế, Vị “Thiên Tử” giáng trần. Nếu nhân loại được nâng lên địa vị cao quí hơn mọi loài, vì nhân loại được Chúa “thần thánh hóa” để trở nên “nghĩa tử” của Thiên Chúa. Do đó, hết mọi người đều bình đẳng với nhau vì mọi người, không phân biệt tôn giáo, mầu da, chủng tộc, địa vị xã hội, đều là “con cái” của Chúa:” Lạy Cha chúng con ở trên Trời...” Nhân Loại được nâng cao phẩm giá, vì Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng con người giống “hình ảnh Ngài”, nghĩa là phú bẩm cho Thiên Ân, cho tham dự vào Bản Tính Thần Linh, cho Lương Tâm biết phân biệt Tốt/ Xấu, cho trí khôn thông hiểu, và óc sáng tạo. Thiên Chúa là Chủ Tể, mọi nguời phải qui phục, lệ thuộc Chúa mới tồn tại được. Thiên Chúa ban bố các giới răn và khắc ghi các lề luật luân lý tự nhiên vào Lương Tâm con người, cũng như đã công bố trong Kinh Thánh. Sau hết, Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán Tối Cao, sẽ phán xét đời sống con người về Công/Tội để thưởng hay phạt. Do đó, các thần học gia công giáo gọi khuynh hướng nghiên cứu đó là “Thần trung tâm” (Theocentric), nghĩa là lấy Chúa làm tâm điểm mà con người phải qui tụ, và lệ thuộc. Cũng gọi là “Chúa Cứu Thế làm Trung tâm” (Christocentric), vì nhờ có Ngôi Lời Nhập Thể, và Cứu Độ, thì cả con người và vũ trụ mới được Thiên Chúa ban Thiên Ân.

Phương Pháp nghiên cứu của Á Đông thì đặt trọng tâm và đi thẳng đến "con người" làm đối tượng để quan sát và suy luận. Theo các Đạo học gia như Mạnh Tử, Chu Hi, và Vương Dương Minh, thì Lương Tri (Lương Năng, Lương Tâm) được coi như một ân huệ đi liền với sự sống. Khi sinh ra, tự nhiên ta được bẩm thụ một Lương Tâm nguyên tuyền trong trắng biết phân biệt Thiện/Ác. Ta có thể gọi đó là luật luân lý tự nhiên vì mỗi nguời bẩm sinh đều có. Do đó, các triết gia không trực tiếp nhắc đến Vị Thượng Đế, hoặc là qui hướng mọi sự về Vị Chủ Tể vũ trụ càn khôn. Ngoài ra, Đạo lý Á Đông không nhấn mạnh đến vai trò “Thẩm Phán Tối Cao” của Đấng Tạo Hóa, có quyền xét xử Lương Tâm con người, để thưởng hoặc phạt. Các Đạo học gia chỉ suy tư về ý nghĩa, và về bản tính của Lương Tâm con người, rồi đề nghị những phương thức tu dưỡng giúp phát huy nhân phẩm đến bậc thiện toàn như hiền nhân quân tử.

2.  Đạo Lý Á Đông có Chủ Trương Một Nhân Bản Vô Thần Không?

Trên thế giới ngày nay, đã hình thành nhiều hình thức nhân bản vô thần, bắt nguồn từ phong trào chống Giáo Hội, vào thế kỉ 18, mệnh danh là “Khai Minh Thời Đại” (Enlightenment). Nhân Bản vô thần (Atheist Humanism) chia hai hướng chính: một là, Nhân bản tự do, nghĩa là đặt tự do cá nhân lên trên hết, bất chấp lề luật luân lý tự nhiên, coi thường giới răn Chúa, và không công nhận có Chân lý khách quan tuyệt đối. Mỗi cá nhân làm chủ chính mình. Nhân bản tự do vô thần này chủ trương “tục hóa” xã hội, phá bỏ truyền thống tín ngưỡng cổ truyền. Chủ nghĩa này bành trướng mạnh tại các nước xưa kia chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo. Vì lấy tự do cá nhân làm nền tảng, và tiêu chuẩn cho các hành vi luân lý, chủ thuyết này chống lại luân lý cổ truyền, và chống lại thẩm quyền của các Giáo Hội trong lãnh vực liên quan đến luân lý, như vấn đề phá thai. Trào lưu thứ hai thuộc thuyết nhân bản vật chất vô thần, nghĩa là tìm giải thích bản tính, nguồn gốc của con người do vật chất “tự biến hóa”, mà ra, hoặc con người là sản phẩm của xã hội, kinh tế, tạo thành. Chủ thuyết nhân bản vô thần này, chẳng những chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, dựng nên con người và vũ trụ, mà còn chiến đấu để tiêu diệt mọi tôn giáo, mọi lề luật luân lý tự nhiên, cổ truyền, và đàn áp mọi ý thức hướng về Siêu Việt nơi con nguời.

Sau khi nhận diện được trào lưu “nhân bản vô thần” là thế nào, thì ta có thể quả quyết rằng: quan niệm của các nhà Đạo học, Phật Học về Nhân Sinh, Nhân Tính, không phải là một “nhân bản vô thần”. Tuy không nhấn mạnh, hoặc qui hướng trực tiếp về Vị Thượng Đế làm Tâm Điểm của vũ trụ như Nhân Bản Thiên Chúa Giáo, nhưng không phải các nhà Đạo học chối bỏ Nguyên Lý Tối Cao (Thái Cực) của vũ trụ, hoặc thiếu Ý Thức Siêu Việt (Transcendent )nơi con người. Bởi vậy, nếu có sự dị biệt giữa Thiên Chúa Giáo và các Đạo Lý, đó là phương pháp nghiên cứu khác nhau. Theo phương pháp của các Đạo gia, khởi đầu đi thẳng đến con người để tìm hiểu yếu tính, tài năng, đức tính, sau đó mới “thăng hóa” con người vươn lên cõi Siêu Việt, Siêu Thoát. Trong đoạn sau đây, ta sẽ thấy, ngày nay, Thần Học Thiên Chúa Giáo cũng ngả theo phương pháp nghiên cứu này.

3.  Đường Hướng Tìm Hiểu "Con Người" theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, ngày nay, như thế nào?

Khoa Thần Học cổ điển của Thiên Chúa Giáo thường đặt Thiên Chúa, Kinh Thánh, và những tín điều đã mặc khải làm làm đối tượng và khởi điểm để suy luận. Các sách giáo khoa thần học như bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) của Thánh Tôma, thời Trung cổ, các sách Giáo lý phổ thông như “Catechismus catholicus” của Hồng Y Gasparri, 1833... cho đến ngày nay, đều bố cục theo thứ tự như: Khởi đầu là bàn về Bản Tính, và các Phẩm tính của Thiên Chúa như câu hỏi: “Đức Chúa Trời là Đấng nào? Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?... Kế tiếp là đoạn bàn về việc “Ngôi Hai xuống thế làm người”, để cứu chuộc nhân loại; sau đó, mới bàn đến việc tạo dựng con người, Tội Tổ Tông Truyền, các Giới Răn (Luân Lý) và các phép Bí Tích; sau cùng là “tứ chung”, nghĩa là bốn sự sau hết: chết, phán xét, thiên đàng hay luyện ngục, và hỏa ngục.

Ngày nay, nhất là sau Công Đồng Vatican II, Thần Học Thiên Chúa Giáo, như thần học gia công giáo Karl Rahner, thần học gia thệ phản SM. Olden, Paul Tillich, Dietrich Bonhoffer... có chiều hướng chú trọng trước tiên vào Bản Tính, và các kinh nghiệm cá nhân của con người (61).

Ngày 11, tháng mười năm 1992, Đức Gioan Phaolô II, đã công bố Tông Hiến “Fidei depositum” về việc trước tác và xuất bản cuốn “ Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo”. Từ sau Công Đồng Trent (1545-1563) đến nay, nghĩa là hơn 400 năm, mới có cuốn Giáo Lý đầy đủ và thích ứng với thời đại. Xét chung trong cách bố cục, ta thấy trong phần Mở Đầu (Prologue), và phần một “Tuyên Xưng Đức Tin” (The Creed), nhan đề của Chương Một là “Tiềm Năng của con người hướng về Chúa” (Man's Capacity For God), rồi Chương Hai: “Chúa Đến Gặp Gỡ con người” (God Comes to Meet Man)... Cách thức bố cục như trên, ngày nay gọi là “xu hướng thần học về nhân loại” (anthropologically theological Orientation). Theo khuynh hướng này, Bản Tính hay Lương Tâm con người chính là “nơi chốn” (locus) của sự hiểu biết, kinh nghiệm,và gặp gỡ với Chúa. Con người phải tìm hiểu mình trước đã, nghĩa là suy tư về đời sống hiện hữu, cách thế ở đời, và những khát vọng thầm kín của tâm hồn. Không phải từ chối hoặc lãng quên Chúa, hay đặt con người lên trên Chúa, theo thuyết duy tâm, duy vật coi Chúa chỉ là sản phẩm do trí khôn bày vẽ ra, nhưng nhấn mạnh đến sự kiện đặc biệt này: sự Hiện Diện của Chúa, của Thiên Ân “đã” ở trong ta, trước tiên, phải do mỗi người cảm nghiệm được. Vì không phải Chúa chỉ Mặc Khải trong thiên nhiên vũ trụ, hay trong lịch sử cứu độ, nhưng cũng được tìm thấy nơi tận đáy tâm tư mỗi người. Do đó, hiểu được Bản Tính và ước vọng sâu xa của con người, cũng là hiểu biết Chúa. Nhân Đạo và Thiên Đạo không rời khỏi nhau, nhưng luôn tác động hỗ tương cho nhau. Người tín hữu, không phải chỉ thuộc về trần gian này mà thôi, nhưng cũng phải hướng về Chúa. Niềm tin vào Chúa thôi thúc, bắt buộc người tín hữu phải lăn xả vào đời để hoạt động cứu nhân độ thế. Bởi vậy, tìm hiểu Bản Tính con người để vươn lên Đấng Siêu Việt. Vì thế, niềm tin vào Chúa không còn là chuyện mơ hồ, huyền hoặc, nhưng liên hệ mật thiết gắn liền với vận mệnh của con người. Do đó, Thần Học Thiên Chúa Giáo ngày nay nhấn mạnh đến yếu tố nhân bản (Humanum) được coi như tiêu chuẩn nền tảng để phán đoán về giá trị của các tôn giáo. Tôn giáo nào là tốt, là thật, chính là Đạo đề cao phẩm giá nhân loại một cách hoàn hảo, toàn vẹn, nghĩa là một Nhân Bản đầy đủ, hoàn toàn phải bao hàm mọi khía cạnh của con người vừa trần thế vừa siêu việt(62).

4.  Nguồn Gốc của Tội Ác, bởi đâu mà có?

Như trên đã trình bày, theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, tuy Bản Tính nhân loại có tiềm năng hướng về Siêu Việt để lãnh nhận Thiên Ân, nhưng con người vẫn có tự do để từ chối Thiên Ân, nghĩa là phá vỡ mối liện hệ với Thiên Chúa. Do đó, Tội chính là chống lại Chúa, “bất phục tùng” Chúa, không tuân giữ các giới răn, mệnh lệnh Chúa dạy. Đồng thời, Tội cũng khiến con người phản lại chính Lương Tâm mình. Tội biểu lộ sự căng thẳng, chiến đấu trong nội tâm: một bên, phục thiện, hướng thượng, nhưng bên kia, lại bị lôi cuốn để làm điều Ác. (63).

Các đạo học gia đã giải thích về ý niệm, và nguồn gốc của Tội Ác, một cách khác. Đạo học gia Chu hi gán cho yếu tố “Khí”, tức “vật tặng thể chất” (physical endowment) là căn cớ sinh ra tội ác, nhưng “Lý”, tức Bản Tính thì luôn là thiện, là tốt. Do đó, người bẩm thụ “Khí” trong lành thì trở thành Thánh Nhân, nghĩa là “Tính” (Lý) của họ ví như viên “Trân Châu” nằm trong nước trong; còn kẻ bẩm thụ “Khí” dơ bẩn thì hóa ra bần tiện, ngu dốt, vì “Tính” (Lý) của họ như viên “Ngọc” dìm trong nước đục! (64).

Theo Trình Di và Chu hi, câu “Nhân chi sơ Tính bản thiện” của Mạnh Tử chưa đầy đủ ý nghĩa, vì chỉ nói đến “Tính” là Tốt, tức là mới nói đến phần “Lý”, luôn luôn Tốt mà thôi! Nhưng Chu hi còn thêm ý niệm về “Khí Chất” nữa! Do đó, khi “Lý” nhập thể vào “Khí”, thì tạo nên con người cụ thể, hiện sinh, nghĩa là con người hiện đang sống bây giờ, có “tính thể chất” (physical nature). Con người “hiện sinh”, có thật này, tuy luôn hướng về “Lý Tưởng” (Siêu Việt), nhưng vẫn ở dưới Lý Tưởng, vì con người đó đã được trộn lẫn với vật chất rồi! Phải công nhận rằng: khi phân biệt Bản Tính và Hiện Hữu, Lý Tưởng và Thực Tại, các Đạo học gia đã tiến một bước khá dài trong vấn đề tìm cách giải thích về Tội Ác nơi nhân loại. Tuy nhiên, ý niệm về “Khí” cũng cần biện minh rõ ràng hơn. Lại nữa, các Đạo học gia còn chủ trương: mỗi người bẩm thụ “vật tặng thể chất”, tức các “Khí” khác nhau, người thì hấp thụ được Khí trong lành, kẻ khác mắc phải Khí xấu, nhưng không giải thích tại sao lại có sự phân phối bất đồng đều như vậy? Và nguồn gốc của “Khí”, là cái sinh ra Tội ác, Xấu xa, bởi đâu mà có?

5.  Quan niệm về Tội Ác của Phật Giáo như thế nào?

Trong Chương Bốn, bàn về “CỨU ĐỘ”, sẽ diễn giảng rõ ràng hơn lý thuyết về nguồn gốc sự Đau khổ, Tội Ác của Phật Giáo. Có thể nói tư tưởng cốt yếu về vấn đề này đã rút ra từ những giáo thuyết của “Tứ Diệu Đế” và “Thập Nhị Nhân Duyên”. Theo Phật Thích Ca, có bốn chân lý nền tảng giải thích sự Khổ: Khổ Đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo Đế. Hai chân lý đầu, nhận định về sự hiện hữu, và nguồn gốc của đau khổ, tội ác ở trên đời này, còn hai chân lý sau đề nghị con đường giải thoát. Do đó, Tập Đế tức là chân lý nói về nguồn gốc đau khổ, tội ác bởi đâu mà có. Theo các nhà Phật Học, thì lòng ham muốn, dục vọng, hay tình tư dục (tanha), chính là cội rễ sinh ra đau khổ, tội ác. Trong mười hai nhân duyên ràng buộc nhau để gây “nghiệp báo” cho nhau, và cuối cùng sinh ra Lão, Tử, thủ phạm chính cũng là lòng tự ái, ham muốn chiếm hữu mọi sự mọi vật cho bản thân ích kỉ của mình (nhân duyên: Ái, Thủ, Hữu) (65).

Theo Thần học Thiên Chúa Giáo, như đã giảng nghĩa ở trên, thì Tội Ác là do con người dùng ý chí tự do chống lại Mệnh Lệnh và Giới Răn của Chúa, đồng thời cũng chống lại Lương Tâm của mình. Tội Ác biểu lộ sự căng thẳng, xâu xé trong thâm tâm con người giữa sự phục thiện, vâng lời Chúa dạy, và sự hướng chiều về làm điều xấu, trái Lương Tâm. Sự sa ngã theo điều Ác sinh ra đau khổ. Nhưng nguyên nhân sâu xa tạo nên tình trạng mâu thuẫn và hướng về điều xấu do đâu mà có? Theo Thiên Chúa Giáo, khuynh hướng xấu, tình tư dục, các thứ dục vọng, và các sự đau khổ như sinh, bịnh, lão, tử... đều là hậu quả, chứ không phải nguyên nhân. Nguồn gốc chính của đau khổ, tội ác, dục vọng là do “Tội Nguyên Tổ” đã làm hư hỏng Bản Tính Nguyên Tuyền của nhân loại. Khi chịu phép Thánh Tẩy, nghĩa là tin vào Đấng Cứu Thế chuộc tội cho nhân loại, thì Tội Nguyên Tổ được hết, nhưng hậu quả như tình tư dục, sự chết... vẫn còn tồn tại. Vì thế, công việc chống lại tội ác nơi bản thân, và trên đời này, không bao giờ chấm dứt, nhưng phải cố gắng chiến đấu cho đến ngày tận thế! Bao lâu con người còn sống ở trên đời này, thì không thể “Diệt Dục” được, nghĩa là tẩy sạch hoàn toàn tình tư dục gây nên sự căng thẳng, mâu thuẫn giữa phục thiện và chiều theo điều xấu. Vả lại, Tình tư dục và sự chết không phải là những gì trái ngược với Bản Tính Tự Nhiên của con người, vì trong lịch sử nhân loại, từ nguyên thuỷ vẫn có tình tư dục và sự chết. Tình tư dục gắn liền với Bản Tính con người khi sinh ra đời. Tình tư dục tự nó chưa phải là điều xấu, theo nghĩa luân lý, vì chưa có sự quyết định của ý chí tự do. Chỉ thành “Tội”, khi nào biết là điều xấu mà cứ nhất quyết chiều theo. Do đó, “Diệt Dục”, chỉ giúp giảm bớt lòng tham, sân, si, giảm bớt sự căng thẳng, sự lôi cuốn, cám dỗ làm điều tội, chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn dục vọng nơi con người được!

6. Thiên Chúa Giáo và các Đạo Giáo Gần Nhau ở những Điểm nào?

Nhận xét chung, ta thấy quan niệm về Nhân Sinh, Nhân Tính của Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo đều mang tính chất lạc quan. Tuy khởi đầu có vẻ bi quan như Thiên Chúa Giáo mặc khải cho thấy sự thật về “Tội Nguyên Tổ”, làm hư hỏng Bản Tính nhân loại, nhưng lại hy vọng vào Thiên Ân phù trợ để được Đấng Cứu Thế cứu độ. Phật giáo, bắt đầu nhận định về Khổ Đế, Tập Đế, tức những sự đau khổ đầy tràn thế giới này, nhưng lại dẫn chúng sinh đến con đường Giác Ngộ, Giải Thoát, tức là ý nghĩa của Diệt Đế và Đạo Đế. Các Đạo gia hy vọng dùng văn hóa, giáo dục, tu dưỡng tính tình, có thể cải hóa kẻ tiểu nhân thành các bậc hiền nhân quân tử. Sau đây, ta thử nêu lên một vài điểm tương đồng như ý niệm về “Luật Luân Lý Tự Nhiên”, hoặc về “mầm mống”, “cội rễ” của sự hướng Thiện, tức Thiện Căn nơi con người.

a. Luật Luân Lý Tự Nhiên và Lương Năng Lương Tâm.

Theo các đạo học gia, đặc biệt là Vương Dương Minh, Trí Lương Tri là khả năng thiên phú, tiềm ẩn trong Bản Tính con người, nền tảng của Luân Lý, vì biết phân biệt điều Tốt phải làm, điều Xấu phải tránh. Ý niệm trên rất gần với tư tưởng về Luật Luân Lý Tự Nhiên theo Lương Tâm của Thần Học Thiên Chúa Giáo, vì Luật đó đã được khắc ghi vào Tâm Hồn, vào Bản Tính của nhân loại. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa cũng đã công bố và ghi tạc Mười Giới Răn trên Bia Đá. Do đó, ta thấy nơi dân tộc Á Đông, tình hiếu thảo, yêu mến cha mẹ đã được nâng lên hàng tôn giáo, tức Đạo Hiếu, tương đương với Giới Răn Thứ Bốn dạy phải thảo kính cha mẹ.

b. “Thiện-Căn”, “Tiềm Năng Phục Tùng”, “Chân Ngã” là gì?

Khi Mạnh Tử viết: “Nhân chi sơ, Tính bản Thiện”, là Ông có ý nhấn mạnh đến Bản Tính Tự Nhiên tốt lành của con người, vì khi sinh ra, Trời đã phú bẩm cho có Thiện-Căn. Nhưng khi Tuân Tử nói: con người là Tính Ác, thì chẳng qua Ông muốn nhấn mạnh về việc tu dưỡng, giáo dục, giáo hóa, để giúp con người trở nên hoàn hảo. Thực ra cả hai Ông không có ý bàn về Hữu Thể Học (Ontology) hay Thần Học (Theology) về con người, nhưng chỉ chú trọng về văn hóa, giáo dục nhiều hơn. Đến Đổng Trọng Thư thì lập trường giáo dục càng thêm rõ rệt. Ông phân biệt một cách tài tình, tinh vi: Thiện-Căn và chính sự Thiện Toàn là hai cái khác nhau. Do đó, Ông không đồng ý với Mạnh Tử nhận luôn tự Bản Tính con người đã Tốt rồi, nhưng nơi con người, mới chỉ có Thiện-Căn, tức “mầm mống” sẽ sinh ra Thiện mà thôi, chứ “chưa” có Thiện thật, như hột lúa bởi cây lúa sinh ra, nhưng cây lúa và bông lúa, hột lúa là hai trạng thái khác nhau. Muốn cho cây lúa lớn lên, đâm chồi nẩy hột, còn cần công phu vun trồng, phân bón. Bởi vậy, Bản Tính nhân Loại “chưa” thật sự Tốt, còn cần văn hóa, giáo dục, tồn tâm dưỡng tính, thì con người mới trở thành Thiện Hảo thật. Vào thời Trung Cổ, nhà thần học trứ danh của Giáo Hội Công Giáo cũng chủ trương, nơi Bản Tính Tự Nhiên con người có “Tiềm Năng Phục Tùng” (Potentia Obedientialis), nghĩa là có Thiên Ân như lời “mời gọi” Chúa tự ý mời để con người có thể tự do đáp lại hay từ chối. Nếu con người tuân phục lãnh nhận Thiên Ân, thì Chúa sẽ “Thần Hóa” con người để trở nên nghĩa tử của Chúa, và được hạnh phúc trường cửu. Ngày nay, Học Thuyết Tôma Siêu Việt đang thịnh hành trong giới thần học, và ảnh hưởng đến giáo thuyết của Công Đồng Vatican II.

Nói tóm lại, khi phân biệt hai khía cạnh của Bản Tính Nhân Loại như: Lý và Khí, nghĩa là bản thể nguyên tuyền trong sáng và cuộc sống hiện hữu, thực tế đầu thai trong xác phàm vừa tốt, vừa xấu, hoặc Vô Ngã (Giả Ngã) và Chân Ngã, nghĩa là trong bản thể con người, có phần giả dối, mê lầm, nhưng cũng có phần Trí Huệ, trong sáng, chân thật, các Đạo học gia, và các nhà Phật học đã tiến lại gần với Thần Học Thiên Chúa Giáo, vì cũng phân biệt giữa Thiên Ân và Tự do, Bản Tính và Hiện Hữu, Tiềm Năng và Thực Tế, nghĩa là mặc dầu con người không xứng đáng, nhưng Chúa đã tự ý ban Tình Thương, Thiên Ân cho con người; trong cuộc sống hiện tại, vì có tự do, con người vẫn có thể chấp nhận hay từ chối lời mời gọi của Chúa. Bởi vậy, con người không thể sống hoàn toàn biệt lập khỏi Thiên Chúa được, vì Thiên Ân “đã” tiềm ẩn trong Bản Tính con người và luôn cải hóa nó. Nhưng Thiên Ân chỉ thực sự hoạt động một cách hiệu quả khi có sự cộng tác tự do của con người. Có thể tạm kết luận: các tôn giáo trên đã có phần lạc quan tin tưởng vào Bản Tính nhân loại, dầu tội lỗi, khuyết điểm, Bản Tính đó không hoàn toàn hư hỏng, nhưng hy vọng với Ơn Trên giúp đỡ, và sự tự do cộng tác của con người, mọi người sẽ được Cứu Độ, như sẽ bàn ở Chương sau.

Tác giả Lm. Jos Cao Phương Kỷ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!