.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở đầu

Chương Một : Đoái thương nhìn cuộc đời

Chương hai: Nhìn Đời với Trăm Con Mắt

Chương Ba: Lắng nghe tiếng kêu trầm thống của nội tâm

Chương bốn: Lắng nghe với trăm lỗ tai

Chương Năm: Học làm người trong từng giây phút của cuộc sống

Chương Sáu: Quan hệ hài hòa, đồng cảm

Chương Bảy: Tuyên dương và Khen thưởng những bước đi làm người

Thay lời cuối: Ông Đồ Sộ

Phụ Trương Một: Khổ đau và hạnh phúc

Phụ Trương Hai: Khi chúng ta tiếp xúc và trao đổi

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đồng Cảm Để Đồng Hành
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG HAI: NHÌN ĐỜI VỚI TRĂM CON MẮT

Để đồng cảm với người anh chị em, theo tác giả G.G. JAMPOLSKY, thái độ và lối nhìn chủ yếu của chúng ta là Yêu Thương và Tha Thứ. Từng phút, từng giây, quyết định và chọn lựa lại lối nhìn của mình về người khác, để hóa giải bao nhiêu xu thế tố cáo và phê phán trong thái độ, tác phong và ngôn ngữ của chúng ta. Đối với M.R. ROSENBERG, trình bày nhu cầu của mình và tìm đến gặp gỡ nhu cầu của kẻ khác là bí quyết trong mọi cố gắng phát huy quan hệ đồng cảm, bất bạo động giữa người với người.

Trong nền văn hóa Việt Nam, tổ tiên chúng ta đã sử dụng lối nói hình tượng "Nhìn Đời với Trăm Con Mắt", mỗi lần trình bày nếp sống và quan hệ đồng cảm. Không giải thích dài dòng, không đề xuất những động tác cụ thể cần thực thi hằng ngày, cha ông chúng ta chọn lựa cách giáo dục của các Thiền sư : đưa ra những công án. Chính đồ đệ, con cháu tự mình dấn bước lên đường tìm kiếm, để thành thân và lập thân.

Mọi công án luôn luôn khởi đầu với một tình huống nghịch lý. Đương khi sinh ra làm người, chúng ta chỉ có tối đa hai con mắt. Để đồng cảm, trái lại, chúng ta phải "nhìn với trăm con mắt". Làm sao giải trừ con đường nghịch lý, tiến thối lưỡng nan ấy, để từ từ dấn bước trên con đường hiểu biết và tình thương ?

*  *  *

1.- Sáng suốt và can đảm nhìn nhận những giới hạn tất yếu : "Tôi chỉ có hai con mắt".

Để lý giải hay tháo mở công án "nhìn với trăm con mắt", chúng ta bắt đầu ở điểm khởi đầu, thay vì loay hoay, vọng đọng tưởng mình có phù phép toàn năng, khởi đầu bất cứ nơi đâu.

Chúng ta chỉ có hai con mắt cùng nhìn một hướng, khác với con ruồi chẳng hạn, có con mắt nhiều mặt, nhìn được nhiều hướng trong cùng một lúc.

Trong điều kiện làm người, khi nhìn lên, tôi không thấy ở dưới. Khi nhìn qua mặt, tôi không thể ghi nhận những gì nằm phía trái của tôi. Sống bên Đông, tôi không thể có một lối nhìn của người phương Tây, nếu tôi không học hay là không ai dạy cho tôi.

ý thức rõ rệt về lối nhìn luôn luôn phiến diện như vậy, tôi đã bắt đầu tu thân, không phê phán, kết án, hạ bệ những gì không có mặt trong lối nhìn của tôi. Phương Tây chưa hẳn là vô đạo, đồi trụy. Phương Đông có thể không phải và không còn là nơi mặt trời mọc lên, trong giây phút "ở đây và bây giờ".

Không những chỉ phiến diện, lối nhìn của tôi thay đổi không ngừng, vì đó là một tiến trình tùy thuộc yếu tố thời gian. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây phút hiện tại là có thực. Nhưng cái thực ấy rất phù phiếm. Giây phút nầy đóa hoa đang phơi phới. Giây phút sau, một ngọn gió từ đâu thổi tới ồ ạt : Đóa hoa đã "nửa chừng thoắt gãy cành thiên hương". Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật, được tụng niệm trong các Thiền viện, dạy chúng ta :"không nhơ không sạch, không thêm không bớt" ... Sống được giây phút hiện tại như vậy, chúng ta không còn sợ hãi, khổ đau, vọng tưởng. Chúng ta "Vượt qua" bến bờ bên kia.

2.- Nhìn nhiều lần, Nhìn nhiều nơi, Nhìn từ nhiều phương hướng.

Khi sáng suốt nhận ra mình chỉ có hai con mắt, tôi sẽ không dừng lại ở một nhãn hiệu. Lối nhìn của tôi không thấu triệt thực tại toàn diện của một người đang được tôi nhìn. Qua nhiều ngày tháng suy tư,  ngẫm nghĩ, chàng trai Augustinô - sau nầy sẽ trở thành một nhà tư tưởng có tầm cỡ trong nền văn hóa Âu Tây - nhân một hôm dạo chơi trên bờ biển, khám phá được mình chỉ là "lỗ cát nho nhỏ". Làm sao tát cạn đại dương bao la, hùng vĩ, bằng cách gồng mình đổ hết nước của biển khơi vào trong tư duy mong manh, hạn hẹp ? Cho nên, để lý giải câu hỏi "làm sao" ấy, cha ông chúng ta đã nêu lên hình tượng Quan Thế Âm "Nhìn thế nhân với trăm con mắt" : nhìn nhiều lần, nhìn nhiều khía cạnh hay là phương diện khác nhau, thay đổi chỗ đứng nhìn, để có thể nhìn từ nhiều phương hướng, tọa độ. Mặc dù vậy, con người của tha nhân, trong mọi quan hệ tiếp xúc, vẫn còn là một thực tại bao la, muôn hình muôn dạng với màu sắc biến hiện không cùng.

Nhìn với trăm con mắt như Quan Thế Âm còn có nghĩa là cẩn trọng lối nhìn của Tổ Tiên, Cha Ông qua các thế kỷ, từ đời các Vua Hùng, nhất là trong những thời kỳ phấn đấu với ngoại xâm.

Nhìn với trăm con mắt của cháu chắt và các thế hệ tương lai, trong hai mươi năm, năm chục năm hay là một thế kỷ sắp tới, để tiên liệu những vụ mùa lúa chín và đề phòng những ngày mưa bão, lụt lội. Nhìn với trăm con mắt bao nhiêu giai đoạn hưng thịnh của Đất Nước, để đánh sáng niềm tin vào khả năng yêu nước của anh chị em đồng bào, và chuẩn bị tiền đồ xán lạn cho Quê Hương.

Nhìn với trăm con mắt những chuỗi ngày ảm đạm và tang thương, để rút ra nhừng bài học. Đất Nước nào biết nhìn quá khứ và lịch sử như một bài học vô tận, đất nước ấy có khả năng sáng tạo những con đường đi ra vùng ánh sáng. Trái lại, đất nước nào cứ  ngày ngày trở lui với những con đường mòn thiên kiến, hận thù, chia rẽ, bạo động, đất nước ấy đang đi vào con đường bế tắc, hoại diệt, vong bản và vong thân. Khi thấy mình là nạn nhân, Đất Nước ấy biến mình thành nạn nhân.

Tất cả những điều tôi đề cập có liên hệ đến vận mệnh của Đất Nước, nhưng cũng có thể ứng dụng cho từng cá nhân của mỗi người.

3.- Những hiểm họa trong lối nhìn :

-         Nhìn mà không thấy vì chúng ta đã "quá đầy",

-         Lối nhìn độc lộ

-         Lối nhìn nhị nguyên

Nhìn với trăm con mắt còn có nghĩa là sở hữu hóa, nhận làm của mình lối nhìn của anh chị em, trên tất cả mọi nẻo đường của Đất Nước. Không ai, cho dù có mọi quyền năng phù phép đến đâu, có thể khinh mạn lối nhìn của người khác. Bằng mọi phương tiện hoặc đại lộ thông tin, ngày hôm nay, chúng ta hãy thực hiện trong tâm hồn và cuộc đời của mình một "hội nghị Diên Hồng". Vì cận thị và già nua chúng ta mất khả năng nhìn thấu tận chân trời của Núi Non hùng vĩ. Hãy khiêm cung mời anh chị em lên ngồi trên vai mình và nói cho mình biết nhu cầu và nguyện vọng của đoàn lũ quần chúng tay lấm chân bùn, đang ngày ngày lam lũ trên những cánh đồng của Núi Sông. Họ đang ở ngoài tầm nhìn của chúng ta.

Đôi mắt của trẻ thơ có thể nhìn thấy những con nước đang luân chuyển ở dưới những tầng đất lớp đá. Chúng ta hãy mời các cháu giúp chúng ta đào lên những giếng nước trong lòng cuộc đời.

Dưới đời Lý và Trần, những ông già bà lão làm nghề chài lưới đã dạy cho Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo biết đóng chông ở những khúc sông nào để đánh chìm thuyền bè của quân xâm lược Tống và Nguyên.

Trong tinh thần và ý hướng được khai vạch như vậy, Bồ Tát Quan Thế Âm không phải là ai xa lạ, ngoài chúng ta. Với anh chị em đồng bào, chúng ta làm nên một Quan Thế Âm duy nhất, từ đời nầy qua đời nọ, để nhìn thấy được gió mưa trong lòng Đất Nước, để khám phá nhu cầu của Núi Sông chạy dài, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.

* * *

Hiểm họa đang giết chết hoặc làm tê liệt nhiều thế hệ Quan Thế Âm là tinh thần tự mãn. Như một tách trà tràn đầy nước nguội  lạnh, không còn hương vị thơm và ngon, chúng ta khước từ mọi đóng góp, kêu mời mới lạ và trẻ trung từ các thế hệ mầm non chưa bị những thành kiến vùi dập. Vì quá quen, chúng ta không còn khả năng thấy. Vì đã quá thấy, chúng ta đánh mất niềm tin vào cuộc sống đang đổi mới từng ngày từng giờ. Chúng ta trở nên "lạc hậu", nghĩa là rớt lại đằng sau, không theo kịp thời cuộc.

Hiểm họa thứ hai là lối nhìn "độc lộ", tư duy một chiều. Một khi đã bị một nhãn hiệu khống chế, chúng ta bị che mắt, không còn đọc được những nhãn hiệu khác. Chúng ta chỉ lặp lại như keo vẹt và cảm thấy an toàn, sung mãn. Mọi đổi thay nho nhỏ, mọi khác lạ từ ngoài sẽ tạo ra khủng hoảng ở bên trong nội tâm. Phản ứng của chúng ta lúc bấy giờ là tự vệ : xóa bỏ, đàn áp mọi cơ phận được ghép vào từ ngoài, cho dù phổi cũ của chúng ta đã rách nát. Tim cũ đã tê liệt. Thận cũ đã teo tóp. Đại trường trở nên một đại lộ kinh hoàng đầy chết chóc và tang thương.

Hiểm họa thứ ba là não trạng nhị nguyên. Những gì không thuộc về tôi, đều là thù địch của tôi. Những gì không theo đúng lý của tôi đều là phi lý, cần phải loại trừ, xóa bỏ. Chính vì lý do nầy, thay vì nhìn đời với hai loại kính đen trắng phản nghịch và khai trừ nhau, tác giả E. DE BONO đề nghị chúng ta hãy tạo cho đời mình một lối nhìn có sáu màu khác nhau như trắng, đen, vàng, đỏ, xanh da trời và xanh lá cây. Lối nhìn sáu màu nầy, còn có thể mang tên là lối nhìn của Quan Thế Âm. Lối nhìn nầy đã có mặt trên Quê Hương từ đời Lạc Long Quân. Tâm hồn Ngài bao la bát ngát như Đại Dương, dung nạp mọi con nước và dòng chảy phát xuất từ bốn phương thiên hạ.

4.- Ba nội dung của lối nhìn

Nhằm cụ thể hóa lối nhìn với trăm con mắt của Bồ Tát Quan Thế Âm, trong mỗi quan hệ tiếp xúc và trao đổi thường ngày, tôi muốn bàn đến nội dung của những câu chuyện qua lại giữa chúng ta hay là giữa người nầy với người khác.

Dù biến hình, biến dạng, câu chuyện trao đổi giữa hai hay nhiều người, chỉ xoay vần lui tới, chung quanh ba chủ đề then chốt :

Một - Thực tại trong lối nhìn của tôi có trùng hợp với thực tại trong lối nhìn của bạn hay không ?

Hai -  Bản sắc hay là căn cước của tôi có được đánh giá một cách tích cực trong lối nhìn của bạn không ?

Ba -  Xúc động và tình cảm của tôi như sợ, lo, buồn, khổ có đáng được diễn tả ra ngoài, để bạn nhìn nhận đúng tầm quan trọng hay không?

Trong mỗi loại chủ đề, với cách ăn nói nào, tôi "xích lại gần" phong độ của Quán Thế Âm, nhìn người với trăm con mắt xuyên thấu và đồng cảm ?

Những cạm bẫy nào, trái lại, trói buộc tôi vào vòng xung đột và nhận chìm tôi xuống đáy ngục khổ đau ?

Như tôi đã nhấn mạnh lui tới nhiều lần, một cách cố ý cố tình, trong chương một, người quyết định làm Bồ Tát Quán Thế Âm là chính tôi. Người chọn lựa sa đọa trong đáy vực khổ đau cũng là tôi. Tôi là tác nhân nắm vững mọi chủ quyền trên bản thân và toàn thể cuộc đời của tôi. Không ai có thể làm thay, làm thế cho tôi. Tôi cũng không làm nạn nhân cho một ai, nếu tôi không ủy quyền, cho phép kẻ khác hành hung, đàn áp, bốc lột tôi. Người khác chỉ có thể trói tay, buộc chân tôi, ném tôi vào tù, hay là dùng khí giới sát hại tấm thân da bọc xương của tôi. Nhưng không một ai, trên trời hoặc dưới đất, có thể quyết định về số phận hạnh phúc hay bất hạnh của tôi, ngoài ý muốn và ý định của tôi. Con người tôi vượt ra ngoài khuôn khổ hạn hẹp của xác thân. Con người với những chiều kích được xác định như vậy, sẽ không có một ai hay một quyền bính nào có năng lực tiêu trừ. Con người ấy "đã vượt qua bờ bên kia". Con người ấy là một "Thần Linh".

 

* * *

Chủ đề thứ nhất : Thực tại

Thực tại được bàn đến ở đây không phải là thực tại lạnh lùng khô khan như hai cọng với hai thành bốn. Thực tại trong câu chuyện có dính líu đến hai người. Thực tại nầy đang là chủ đề và vấn đề trong quan hệ tiếp xúc, trao đổi giữa hai hay nhiều người. Nó đang có mặt dưới ba câu hỏi cụ thể :

Câu hỏi số một : Thực tại và sự thật

Trong hai người, giữa tôi và anh ai đúng ai sai ? Ai có lý, ai vô lý ? Ai nói sự thật, ai nói dối ?

Câu hỏi số hai : Thực tại và ý định

Ý anh muốn làm hại tôi phải không?

Câu hỏi số ba : Thực tại và trách nhiệm

Một công việc của chúng ta không thành tựu, ai có lỗi ?

Lúc câu chuyện mới bắt đầu, lối xưng hô còn nhã nhặn, êm đềm : Anh và tôi, bạn và tôi... Đến hồi gây cấn, xung đột, lối xưng hô trở thành mày và tao. Lúc ban đầu của câu chuyện thể chế của thành viên trong quan hệ trao đổi là con người. Khi xung đột đã bùng nổ, con người bị hạ bệ và trở nên đồ vật :

"Đồ nói dối, đồ gian lận, đồ bất tài bất tướng. Đồ phản bội".

 

* *  *

Về câu hỏi thứ nhất có liên hệ đến thực tại và sự thật, nhằm nuôi dưỡng quan hệ đồng cảm với tha nhân, chúng ta cần ý thức sáng suốt rằng : Thực tại và sự thật được nói tới ở đây là thực tại và sự thật ĐANG ĐƯỢC NHÌN VỚI HAI CON MẮT.

Cho nên lối nhìn ấy chỉ phiến diện. Tôi chỉ thấy một khía cạnh và tôi cẩn trọng khía cạnh của người anh chị em.

Thêm vào đó, lối nhìn của tôi đang ở trên một tiến trình. Và người bạn của tôi cũng đang đi, chưa tới nơi. Nếu muốn đi với nhau, chúng ta gọi nhau, chờ nhau, trao đổi, đối thoại với nhau :

"Này bạn ơi, tôi ở đây. Bạn ở đâu ? Tôi đi làm sao, chọn con đường nào, để hai chúng mình có thể gặp nhau ?".

Làm như vậy, theo lối nói hình tượng của Tổ Tiên, là xích lại gần Quan Thế Âm và giúp đỡ người anh chị em cũng trở thành Bồ Tát như chúng ta, với chúng ta, nhờ chúng ta.

 

* * *

Về câu hỏi thứ hai có liên hệ đến thực tại và ý định, để tránh bao nhiêu xung đột và hiểu lầm, tôi cần tôi luyện những cách làm cụ thể như sau :

* Duy mình tôi biết ý định của tôi.

* Nếu tôi muốn kẻ khác biết rõ ý định của tôi, tôi diễn tả ra ngoài với ngôn ngữ đơn sơ, trong sáng, ngang tầm nắm bắt của người nghe.

* Muốn chắc chắn rằng họ đã nghe, xin họ phản hồi :

- "Tôi còn phân vân,

- vì tôi không biết tôi đã trình bày ý định rõ ràng chưa.

- Vậy tôi xin bạn làm ơn nói lại ý định của tôi là gì !"

* Trường hợp tôi muốn biết ý định của người bạn, tôi yêu cầu họ nói ra cho tôi hay.

- "Bạn đến thăm, còn mang quà cho tôi một triệu đồng. Như vậy, bạn muốn tôi mua gì, làm gì cho bạn. Hay là bạn cho tôi tự do có sáng kiến ?"

* * *

* Khi người bạn cố tình úp mở, tôi có quyền phỏng đoán nhưng lập tức trình bày và tìm cách kiểm chứng.

"Bạn thấy tôi và tránh đi nơi khác, không tay bắt mặt mừng như thói thường của bạn. Tôi đoán rằng bạn có điều gì buồn về tôi và giận tôi, phải không ?

* Khi người bạn chỉ bói đoán vu vơ mà đã khẳng định chắc nịch như đinh đóng, thay vì tức giận hay là phủ nhận, tôi xin người ấy kiểm chứng, đưa ra dữ kiện dẫn khởi.

- "Bạn vừa nói tao biết mầy khinh khi tao ra mặt. Với ý nghĩ bị khinh khi, chắc hẳn bạn buồn lòng và khổ đau rất nhiều. Vậy xin bạn hãy chia sẻ, cho biết : Dựa vào đâu, bạn khẳng định về tôi như vậy ? Tôi đã nói hay làm gì, để bạn có ý kiến như thế ?"

 

* * *

Khi đón nhận "lời bói đoán" của người khác về bản thân tôi, tôi không bày tỏ thái độ đồng ý hay là phủ nhận. Tôi chỉ làm hai điều quan trọng :

Một là nhìn nhận xúc động đau buồn đang có mặt trong nội tâm của người bói đoán. Ý nghĩ của họ đang làm cho họ buồn đau. Và khi một người khổ đau, cho dù họ là ai, tôi lại gần, chia sẻ. Chia sẻ bằng thái độ nhìn nhận. Không chọn lựa đồng cảm như vậy, tôi sẽ tấn công, tố cáo ...

Hai là tìm cách kiểm chứng. Ý định là một thực tại nội tâm rất phức tạp. Ý định mang nhiều yếu tố vô thức có thể thoát khỏi tầm ý thức của tôi. Cho nên, khi tôi tìm cách kiểm chứng, tôi đánh sáng ý thức của tôi. Tôi cố gắng nhìn mình, với một con mắt thêm vào từ ngoài.

* * *

Về câu hỏi thứ ba có liên hệ đến thực tại và trách nhiệm, chúng ta cần phân biệt trách nhiệm và nguyên nhân.

Trước hết, như tôi đã trình bày trong chương một, với những minh họa cụ thể, nhân tố hay chủ thể nào phát sinh một thành quả, đó là nguyên nhân. Chẳng hạn tôi là nguyên nhân của lối nhìn. Chính tôi chọn lựa và quyết định lối nhìn và đi theo đường hướng nào. Tôi chủ động điều chỉnh, khi nhận thấy lối nhìn đi lệch ra ngoài con đường mà tôi sáng tạo, phác họa. Trong khuôn khổ của nội tâm hay tư duy, lối nhìn phát sinh và điều hướng mọi sinh hoạt tâm linh khác, như đời sống xúc động và tình cảm, hay là những quan hệ tiếp xúc, trao đổi với môi trường khách quan bên ngoài, trong đó có tha nhân.

Bao nhiêu yếu tố có mặt trong môi trường sinh hoạt, như các sự cố, hành vi và ngôn ngữ của tha nhân chỉ là DUYÊN hay là YẾU TỐ DẪN KHỞI, giới thiệu tạo điều kiện. Trong tiếng Pháp, từ thích hợp là élément délencheur, không thể lẫn lộn và đồng hóa với Cause, nguyên nhân.

Khi yếu tố dẫn khởi là một con người có ý thức và đang kết dệt những quan hệ tình cảm với tôi, người ấy góp phần, tham gia ít nhiều vào tất cả những điều tôi làm, tôi nói, vào những điều lầm lỡ, sơ sót của tôi. Vì những đóng góp như vậy, người ấy đang cùng chia sẻ với tôi một phần trách nhiệm. Hai lối nói được dùng đó đây, trong môi trường văn hóa Việt Nam, là liên đới, đồng trách nhiệm. Từ thường được sử dụng trong Tâm lý Phật học là tương tức. Sở dĩ cái nầy có là nhờ có cái kia. Không có mặt trời chẳng hạn, cây cỏ, lúa, bắp làm sao có thể mọc lên ?

Khi có một lầm lỡ, hư hỏng, thất bại, trong môi trường chung sống, hoạt động như gia đình, sở làm, khu phố ... Ai sẽ là người có lỗi, bị buộc tội ? Chẳng hạn, mẹ tôi đang khổ đau, buồn phiền. Là đứa con, phải chăng tôi là nguyên nhân gây ra tai họa ấy cho mẹ tôi ?

Có người điểm mặt, chỉ tay vào tôi mà tố cáo, phê phán, kết tội, "vì mầy !", tôi sẽ có thái độ, cách phản ứng hay là trả lời làm sao ?

Tác giả M.R. ROSENBERG, sau khi quan sát hành vi, lắng nghe ngôn ngữ của nhiều người, đã ghi nhận bốn loại phản ứng thông thường như sau :

Loại Một : Tôi nhận mình là nguyên nhân gây ra tình huống đau buồn ấy. Từ đó, tôi phê phán, tố cáo chính mình. Tôi giam hãm mình trong mặc cảm tội lỗi, mỗi lần kẻ khác khổ đau, bất hạnh.

Loại Hai : Tôi tố cáo những người khác trong họ hàng, bà con, bạn bè của mẹ tôi. Tôi phủi tay, cho mình là vô tội, trắng án.

Loại Ba : Dựa vào một vài kiến thức tâm lý "sách vở", tôi biết chính mẹ tôi là nguyên nhân trực tiếp gây ra cho mình những xúc động đau buồn, trầm cảm. Phần tôi, tôi chỉ là nguyên nhân tạo ra cho tôi những gì tôi khát vọng như đời sống hạnh phúc, thoải mái. Ngoài ra, tôi bất cần, "nhẹ như khí", thảnh thơi như ngọn gió, thổi về hướng nào tùy ý tôi chọn lựa. Tôi bịt tai không nghe, nhắm mắt không thấy. Tôi chỉ mưu cầu hạnh phúc cho đời tôi mà thôi. Ai khôn thì sống. Ai bống thì chết ! Mặc kệ họ ! Thái độ bất cần như vậy có nghĩa là VÔ TRÁCH NHIỆM.

Loại Bốn :Tôi liên đới, đồng trách nhiệm với những ai sống cuộc đời làm người như tôi, bắt đầu từ người thân trong gia đình đã nuôi nấng, đùm bọc tôi, từ ngày tôi còn tấm bé.

Vì liên đới, tôi coi trọng và đáp ứng tùy điều kiện hiện hữu của tôi, tất cả những yêu cầu và nhu cầu cơ bản của họ. Đồng thời, tôi biết cách khẳng định nhu cầu trọng yếu của bản thân và cuộc đời của tôi. Tôi không héo hon mòn mỏi vì bao nhiêu lệ thuộc tình cảm đang bủa vây tôi.

Nói khác đi, tôi lắng nghe coi trọng nhu cầu của người khác có quan hệ gần và xa. Nhưng tôi cũng có khả năng khẳng quyết nhu cầu cơ bản của bản thân tôi, trước mặt họ. Tôi biết xin và không đòi hỏi, áp đặt, cưỡng chế một ai, dù người ấy là đứa con còn non dại của tôi.

Trong tinh thần và lăng kính ấy, khi có người tấn công và đổ lỗi qui chụp, gán ghép, như trước đây tôi đã đề nghị, chúng ta bình tĩnh thực thi hai điều : Nhìn nhận xúc động của người đối diện và kiểm chứng ý nhìn của họ.

"Bạn vừa khẳng quyết tôi hoàn toàn có lỗi trong vấn đề nầy. Như vậy là bạn đang lo lắng, buồn bực vì dự án của chúng ta không thành tựu mỹ mãn đúng kỳ hạn. Vậy nếu tiện, bạn làm ơn chia sẻ những nỗi lòng của bạn. Sau đó, tôi xin trình bày vài ý kiến nhận định của tôi ...".

Khi làm như vậy, tôi vừa khẳng định mình, vừa tôn trọng ý kiến chủ quan của người phát biểu. Điểm quan trọng nhất là tôi tìm cách nhìn nhận xúc động của người ấy, để giải tỏa bao nhiêu bạo động và xung đột đang nung nấu, có thể bùng nổ, gây tổn hại cho tôi và bao nhiêu người khác. Đó là trọng tâm của tinh thần liên đới, đồng trách nhiệm.

 

 * * *

Chủ đề thứ Hai : Bản sắc hay là chân tướng

Khi cuộc sống diễn biến một cách bình thường yên ổn, ít người trong chúng ta đặt ra cho mình thắc mắc :"Tôi là ai ?". Trái lại, những lúc kinh qua một giai đoạn đầy thách đố, đòi hỏi ở chúng ta những quyết định khó khăn, hình như ai ai cũng có thái độ nhìn lại mình với những câu hỏi giao thoa chằng chịt vào nhau như :

-  Tôi có ngang tầm với thời cuộc không? Tôi có thành tựu công việc đang đợi chờ tôi không ?

-  Tôi sắp làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, tôi là người như thế nào : bê bối, luộm thuộm, hay là tôi sẵn có những giá trị nội tại ?

- Trong những cộng đồng mà tôi đang là thành viên, như sở làm, trường học, phải chăng tôi là người được mộ mến ? Hay tôi chỉ là một phần tử "vô danh tiểu tốt", "không mợ chợ cũng đông" ?

-  Tôi xấu hay tốt ? Tôi được mọi người thương hay ai ai cũng ghét và tẩy chay tôi khỏi vòng thân tín của họ ?

Nói tóm lại, về ba câu hỏi có liên hệ đến khả năng, giá trị và quan hệ tình cảm, tôi trả lời cho tôi thế nào ? Và người khác trong số bạn bè, cha mẹ, cộng sự viên cấp trên và cấp dưới ... đang nói thế nào về tôi ?

Lối nhìn của tôi về tôi thế nào ? Lối nhìn của kẻ khác về tôi đang có những ảnh hưởng tác dụng gì trên lòng tự tin và ý thức về mình của tôi ?

 *  *  *

 

Lối nhìn của tôi về tôi

Tôi là người. Cho nên, tôi không phải là ác quỉ, cũng không phải là thần thánh, siêu nhân ...

Quên mất điều ấy, tôi sẽ ngày ngày đuổi bắt một cách vọng động một loại bản sắc cực đoan "Hoặc có hoặc không"; đương khi cuộc đời hay thực tế là một cầu vồng muôn màu muôn sắc, trắng đen vàng đỏ, tím xanh ... trộn lẫn vào nhau hay là nối đuôi nhau.

Nói một cách cụ thể, tôi không bao giờ có lý một trăm phần trăm. Đồng thời, tôi cũng không bao giờ vô lý hoàn toàn tuyệt đối. Trong quan hệ tình cảm, có người thương tôi, thậm chí khi họ khám phá nơi tôi những nút ruồi, những vết thẹo tâm linh. Trái lại, cũng có rất nhiều người bảo tôi là ăn nói vô duyên, cả những khi tôi đang "ngậm miệng mà nghe". Trong công việc, cũng vậy, chẳng bao giờ tôi có mọi kỹ năng siêu việt, tuyệt diệu, đạt mọi đỉnh cao của loài người. Nhưng tôi cũng không "vô tài, vô tướng, đụng vào đâu, hư hỏng có mặt ở đó". Tôi có thể mang đến cho đời một vài đóng góp độc đáo, quan trọng, hữu ích.

Nói đến bản sắc, tôi chọn lựa cho mình lối nhìn sau đây :

-    Những gì tôi chưa biết, tôi tìm cách học hỏi thêm.

-    Những gì tôi đã biết, tôi vẫn còn học hỏi, để bổ túc và kiện toàn.

-   Những gì tôi làm sai, tôi cũng học cho biết mình sai ở đâu, cách nào để chuyển biến điều sai lầm thành bài học và kinh nghiệm. Nhờ đó tôi không lặp lại mãi hoài một sai lầm, đến độ trở thành một nếp sống "phải sai, phải hỏng".

Chính vì những lý do ấy, khi nói đến bản sắc và lối nhìn, tổ tiên của chúng ta thường dùng cách diễn tả : Chúng ta là Bồ Tát Quan Thế Âm ĐANG thành và SẼ thành. Chúng ta đang học để trở thành. Bản sắc đã là con đường có sẵn từ ngày chúng ta sinh ra làm người độc đáo và độc bản. Nhưng con đường ấy chưa kết thúc, chưa hoàn thành mỹ mãn.

Ở Thụy Sĩ, những con đường đại lộ luôn luôn mới dưới con mắt của khách du lịch đến từ bốn phương địa cầu. Mới như vậy, không phải vì mới được xây cất. Nhưng nhờ được trùng tu, săn sóc, sửa sang, quét sạch mỗi ngày. Đó là ý nghĩa của lối nói "ĐANG thành và SẼ thành".

*  *  *

 Lối nhìn của người khác về tôi

 Khi một người đưa ra một nhận xét về tôi, thậm chí độc ác, xuyên tạc từ trắng thành đen, người ấy đang diễn tả rằng họ thực sự có quan hệ "chiếu cố", liên kết họ với tôi trên một bình diện cụ thể nào đó. Tuy nhiên, họ đang sợ, cho nên họ biến hóa nỗi sợ thành tố cáo, phê phán, xuyên tạc, hờn giận. Đàng sau vỏ cứng tự vệ ấy, họ là người cần được thương. Họ đang kêu cứu : "Hãy thương tôi. Tôi đang thiếu tình thương". Một cách trả lời đứng đắùn trong những hoàn cảnh tương tự, là đoái thương nhìn cuộc đời : bộc lộ bản sắc cơ bản và đích thực của chúng ta đang được kết dệt bằng chất liệu tình thương và tình người. Ngoài lối nhìn bao dung, cao thượng ấy, hai phản ứng hoàn toàn cực đoan có thể phát xuất từ một bản sắc hời hợt, quá nhạy cảm, lệ thuộc, thiếu tự tin.

Phản ứng thứ nhất đầy tự vệ :

Tôi gồng mình chối từ, phủ nhận mọi nhận xét. Trong đó, có một vài tin tức bổ ích, có thể mang đến cho con người của tôi những bài học, những đóng góp xây dựng. Bao lâu tôi còn ở trong điều kiện làm người, những ai làm người, dù đó là một em bé sơ sinh, có thể làm vị thầy, dạy cho tôi một bài học làm người. Cha ông chúng ta thường nói :"Nhất tự vi sư". Hẳn thực, ai dạy cho tôi một từ, một chữ duy nhất, đã là thầy của tôi trong cuộc đời.

Theo cách hiểu của cá nhân tôi, ai dạy cho tôi chữ "Nhất", có nghĩa là "một" - một gạch ngang trong chữ Nho - người ấy đã làm thầy cho tôi. Tâm lý đương đại, nhất là khi bàn về quan hệ giữa trẻ em và người lớn, cũng đang chú trọng đến phương thức "học với trẻ em, để có thể dạy chúng nó". Muốn dạy, chúng ta hãy biết học. Học và dạy giao hòa, bổ túc cho nhau. Một bà mẹ có khả năng làm Mẹ, khi bà mẹ ấy biết học với đứa con do mình sinh ra:  học cho biết nó khóc có nghĩa là gì, khi nó cần ăn, cần uống, cần đi dạo, cần chơi, cần ngủ ... nó diễn tả thế nào, theo cách của nó ? Bà mẹ nào chỉ áp đặt những kiến thức lý thuyết của sách vở, đứa bé sơ sinh sẽ phản đối. Bà có học, để hiểu nó đang phản đối bẵng những cách nào không ?

Phản ứng cực đoan thứ hai là tin tất cả những điều kẻ khác nói, nhất là khi họ phê bình, chỉ trích, kết án:

Nhiều người đã vượt qua tuổi hai mươi, vẫn còn lặp đi lặp lại nhễ nhãi trong nội tâm lời nhận xét của Mẹ phát biểu, khi mình còn ở lứa tuổi thiếu thời :

"Mày vô duyên. Mày h‡n láo. Mày độc ác với em mày".

Bà mẹ có ngờ rằng : lời mình nói ra một cách không suy nghĩ chín chắn, đã trở thành lời tiên tri, hay là một câu sấm đang trở thành hiện thực trong cuộc đời của đứa con.

Và khi đứa con cứ ngày ngày độc ác với đứa em của mình, nó có ngờ rằng nó đã làm công cụ nô lệ, thay vì thành người tự do, ngày ngày sống thức tỉnh, chọn lựa lại, quyết định lại, trước mỗi cử chỉ, hành vi làm người của mình. Sống làm người, tôi không thể suốt đời "dạ dạ, vâng vâng" hay là "ngựa chạy đường cũ". Để kiến dựng bản sắc, tôi không thể chối từ con đường "kiến tha lâu đầy tổ" : học lại một lối nhìn đơn sơ, nghe lại với vành tai xôn xao như nghe lần

* * *

Một bản sắc khỏe mạnh và cường tráng.

Kiến dựng một bản sắc cường tráng, khỏe mạnh, đó là một tiến trình đầy gian khổ, liên tục, kéo dài cả đời người. Trong khuôn khổ của chương và đoạn nầy, làm sao tát cạn hết đại dương. Tôi chỉ nhấn mạnh một số điểm trọng yếu sau đây :

Điểm Một : Khi tôi ý thức một cách can trường và sáng suốt về những điều còn mong manh, khiếm khuyết, những sức nặng ù lì đang còn ngỗn ngang, tôi không gồng mình làm ra vẻ, mang mặt nạ hay là chơi trò ngụy trang ... Thay vào đó tôi thú nhận một cách thành tâm, cho bạn bè người thân, để họ giúp đỡ, đùm bọc. Theo cách nói của người xưa, làm như vậy là "BIẾT MÌNH". Và khi biết mình, "trăm trận trăm thắng".

Khi đứng trước một cử tọa và cảm thấy mình sợ, nếu chúng ta thú nhận và diễn tả nỗi sợ ấy, một cách chính thức, chúng ta đã giải quyết hơn một nửa vấn đề của mình. Chúng ta không quan trọng hóa mình một cách giả tạo, cho nên chúng ta không tìm cách che giấu, ngụy tạo, để rốt cùng "cháy nhà ra mặt chuột". Những vụ động trời "lạm dụng trẻ em" đã bùng nỗ một cách thảm hại ở Mỹ cũng như ở Âu Châu ... là một minh họa cụ thể.

Theo Phân tâm học, bao nhiêu vấn đề xảy ra trong đáy sâu của nội tâm con người, có liên hệ đến TIỀN, DANH và SẮC. Nếu những vấn đề ấy không mượn con đường ngôn ngữ diễn tả, để đi ra ngoài vùng ánh sáng, chúng nó sẽ trở thành bạo động, bạo hành trong hành vi và tác phong, hay là tâm bệnh đột phát với những triệu chứng hoang tưởng, trầm cảm, phân liệt, hưng phấn xa rời thực tế ...

Điểm Hai : Vấn đề bản sắc làm người và vấn đề tiếp xúc, trao đổi giao thoa chằng chịt và chồng chéo lên nhau. Tuy nhiên, như trong đoạn trước tôi có nói tới, quan hệ là một thách đố lớn lao. Bao nhiêu bài học cao quí xuất phát từ địa hạt quan hệ. Cạm bẫy ngặt nghèo có thể bẽ gãy khả năng tự tin và tự lập, cũng nằm ở đây. Nhưng chính cạm bẫy cũng là bài học cao quí khả dĩ nâng cao chất lượng làm người của chúng ta. Theo lời dạy của Tổ tiên, trong nền văn hóa Việt Nam, chúng ta hãy có gan đi vào vùng bão tố. Nhờ bão tố, chúng ta tìm ra con đường hóa giải bão tố. Hẳn thực, khi mỗi người Việt Nam thấy mình mang tên hoặc Sơn Tinh, hoặc Thủy Tinh, đã góp phần gieo tai họa lụt lội, mất mùa, đói khổ cho quê hương đất nước, họa may khi ấy họ mới giật mình, dừng lại. Bao lâu chưa có ý thức về mình như vậy, họ còn đưa tay chỉ phía bên kia để tố cáo, kết án, đổ lỗi. Cách thấy vấn đề như vậy càng gây ra vấn đề, gia trọng vấn đề, kéo dài vấn đề. Và chúng ta sẽ chẳng bao giờ có cơ may và khả năng chuyển hóa bản sắc của chúng ta.

Điểm Ba : Để kiến dựng hay là chuyển hóa bản sắc của mình, chúng ta phải học, muốn học.

Ở đây tôi chỉ nói đến những bài học, trong địa hạt quan hệ qua lại giữa người với người. St. COVEY, tác giả người Mỹ, với lời lẽ vắn gọn, thực tiễn, đề nghị những bài học quan trọng sau đây :

1.- Nhắm cùng đích : luôn luôn cưu mang cùng đích trong nội tâm, khi hành động. Trước khi trao đổi và tiếp xúc, chẳng hạn, chúng ta tự hỏi mình : tôi trao đổi để hơn thua, chỉ trích, tố cáo ? Hay là để tạo quan hệ hài hòa, tôn trọng lẫn nhau ? Mục đích của quan hệ là gì ?

2.- Người thắng, tôi thắng

Thế nào là quan hệ hài hòa ?

St. COVEY đã trả lời : Người thắng, tôi thắng. Và chúng ta chỉ thắng, khi bạn cùng tôi, cả hai chúng ta "tương sinh, tương thành", chấp nhận khác nhau, nhưng bổ túc và kiện toàn cho nhau. Khi cùng nhau làm việc, chúng ta không phải cọng lại thành hai người. Chúng ta nhân nhau lên thành triệu triệu bộ óc, để giải quyết mọi vấn đề của chúng ta. Chúng ta sẽ đánh bại giặc nghèo, giặc đói, giặc chia rẽ và hận thù ... Đó mới là cuộc thắng lợi vĩ đại nhất trong cuộc sống làm người.

3.- Lắng nghe để tìm hiểu

Và câu hỏi thứ ba : "Học là gì ?". Tác giả đã trả lời :"lắng nghe để hiểu người", thay vì nói và tìm cách áp đặt ý kiến của mình.

Khi lắng nghe, tôi biết thêm một điều mới. Khi áp đặt ý kiến của mình, tôi làm cho kẻ khác bịt tai lại, không muốn bị tôi nuốt sống, "thực dân".

4.- Tinh thần trách nhiệm

Để chuyển hóa cuộc đời và mang lại những thành quả hòa bình giữa người với người, trong lòng nhân loại, tôi phải bắt đầu từ đâu ? Thay vì đòi hỏi một ai khác thay đổi, chính tôi là người có trách nhiệm phải bắt đầu với bản thân mình. Thay vì đứng hô hào một cuộc cách mạng toàn diện cho những người khác, tôi đốt một que diêm, xóa tan bóng đêm trong tâm hồn của tôi.

Với một ngôn ngữ chính xác, khoa học, St. COVEY đã tháo mở một phần nào công án "nhìn với trăm con mắt".

* * *

Để kết luận toàn bộ chương hai này mang chủ đề : Nhìn với trăm con mắt như Quan Thế Âm, tôi xin chọn làm của mình hai thái độ, hai nếp sống được các nhà tâm lý thường nhắc lui nhắc tới cho các sinh viên, để họ có thể "hội nhập" một cách nhuần nhuyễn trong suốt cuộc đời hành nghề sau nầy :

Thái độ thứ nhất là Hiếu Kỳ :

Nhìn đời như một trẻ thơ, chưa mang vào mình bất kỳ thành kiến nào. Đón nhận như mảnh đất trinh nguyên nhiều tin tức, từ nhiều xuất xứ khác nhau.

Thái độ thứ hai là Bao Dung : 

Hẳn thực tôi có một lối nhìn, tôi khẳng định mình. Nhưng bạn cũng có một khung gian, một vị trí, một tiếng nói. Bạn khẳng định chính mình bạn.

Tôi có một câu chuyện của riêng tôi. Bạn có một câu chuyện của riêng bạn.

Nhưng hai chúng ta, tôi và bạn, dù phát xuất từ đâu, chúng ta cùng tiến đến một câu chuyện của chúng ta. Câu chuyện thứ ba nầy là câu chuyện của Bố Tát QuánThế Âm, mà chúng ta ĐANG THÀNH và SẼ THÀNH với nhau. Nhờ nhau. Và Cho nhau.

Nói tóm lại, thái độ bao dung là thái độ "vừa có bạn vừa có tôi". Chúng ta đồng hành cưu mang, sinh thành nhau. Không làm như vậy, chúng ta sẽ sa vào cạm bẫy :"Hoặc bạn, hoặc tôi". Lúc bấy giờ tai họa sẽ giáng xuống trên cuộc đời. Tôi trở thành địa ngục cho bạn. Bạn trở thành địa ngục cho tôi.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!