.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở đầu

Chương Một : Đoái thương nhìn cuộc đời

Chương hai: Nhìn Đời với Trăm Con Mắt

Chương Ba: Lắng nghe tiếng kêu trầm thống của nội tâm

Chương bốn: Lắng nghe với trăm lỗ tai

Chương Năm: Học làm người trong từng giây phút của cuộc sống

Chương Sáu: Quan hệ hài hòa, đồng cảm

Chương Bảy: Tuyên dương và Khen thưởng những bước đi làm người

Thay lời cuối: Ông Đồ Sộ

Phụ Trương Một: Khổ đau và hạnh phúc

Phụ Trương Hai: Khi chúng ta tiếp xúc và trao đổi

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đồng Cảm Để Đồng Hành
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG BA: LẮNG NGHE TIẾNG KÊU TRẦM THỐNG CỦA NỘI TÂM

- Lắng nghe xúc động,

- Tìm hiểu xúc động

- Nhìn nhận tầm quan trọng của xúc động

- Diễn tả xúc động

- Chuyển hóa xúc động

 *  *  *

Trong chương hai vừa qua, tôi đã nêu lên ba nội dung khác nhau của lối nhìn : Thực tại, bản sắc và xúc động. Hai nội dung đầu đã được khảo sát. Một vài đường hướng đã được đề xuất, tùy theo địa hạt sinh hoạt của nội tâm. Nội dung thứ ba được đề cập trong chương nầy.

Cơ hồ một bộ máy vi tính, nội tâm bao gồm ba cấu trúc hay là ba thể thức tổ chức khác nhau : Cấu trúc thứ nhất là cửa vào. Xuyên qua năm giác quan, thực tại bên ngoài, có mặt trong môi trường sinh thái chung quanh, được ghi nhận và tiếp thu vào bên trong nội tâm.

Những dữ kiện nầy được "biến chế" trong cấu trúc thứ hai bằng hai con đường Tu duy và Xúc động. Những tin tức do các giác quan đưa vào cho nội tâm, được tư duy biến hóa, sáng tạo - hay là thuyên giải - để cuối cùng phát sinh một lối nhìn về thực tại. Lối nhìn sáng soi và hướng dẫn cho tôi về những điều cần làm, cần tránh khi tôi tiếp xúc, trao đổi với thực tại. Lối nhìn cũng phản chiếu cho tôi biết về con người của tôi :"Tôi là ai ?", bằng cách phát hiện, xác định những nhu cầu: "Hiện tại tôi cần gì ?". Đối mặt với những nhu cầu ấy, tôi cảm thức làm sao ? Nói khác đi, trong tình huống hiện tại, đứng trước những điều kiện của môi trường gồm có người, vật và sự cố, tôi phản ứng thế nào : hòa hợp hay thiếu thích nghi ? Nhu cầu của tôi có được toại nguyện không ?

Phản ứng xảy ra trong nội tâm còn mang tên là Xúc động và Tình cảm.

Phản ứng ấy không thể bị giam hãm ở bên trong hay là chối từ, coi như không có.

Điều kiện làm người đòi buộc tôi sử dụng phương tiện ngôn ngữ, để diễn tả xúc động, chia sẻ với người khác và yêu cầu họ đáp ứng nhu cầu của tôi.

Quan hệ tiếp xúc và trao đổi là cấu trúc thứ ba. Cấu trúc nầy mang tên là Cửa ra. Xuyên qua cấu trúc Quan hệ, nội tâm tác động, tạo ảnh hưởng trên thực tại bên ngoài.

Tóm lại, nội tâm có ba cấu trúc :

-   Cấu trúc thứ nhấtCửa vào bao gồm năm giác quan ghi nhận tin tức.

-  Cấu trúc thứ haiBiến chế. Xuyên qua cấu trúc nầy, nội tâm kiến dựng một lối nhìn về thực tại và đưa ra những phản ứng thoải mái hài hòa hay là khó chịu bất bình đối với những điều kiện sinh sống do môi trường cung ứng.

-   Cấu trúc thứ baCửa ra, có phần vụ diễn tả nội tâm, tổ chức quan hệ trao đổi và tiếp xúc với môi trường bên ngoài, để thực hiện mọi nguyện vọng và hoài bảo của con người.

*  *  *

Nói theo ngôn ngữ được dùng trong địa hạt Vi tính :

- Những gì tôi vừa trình bày về cơ cấu tổ chức của nội tâm  mang tên là Phần Cứng. Nội tâm của bất cứ một ai sinh ra trong trời đất nầy, ở Đông cũng như Tây, ở Bắc cũng như Nam, đều được tổ chức giống nhau, vì chúng ta ĐỒNG LOẠI, ai ai cũng có nhu cầu được yêu thương. Khả năng yêu thương thuộc bản sắc hay là căn cước làm người của mỗi thành viên trong nhân loại.

- Toàn bộ cuốn sách nầy giới thiệu những phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng của lối nhìn. Đó là những lối sống mang lại những quan hệ hài hòa giữa người với người. Nói được đây là Phần Mềm, những chương trình cần được ứng dụng trong cuộc sống làm người hằng ngày; để mỗi lần tiếp xúc và trao đổi, chúng ta thực sự làm người với nhau, đúng với lời nguyện ước của G.G. JAMPOLSKY :

"Bất kỳ một câu hỏi nào được nêu lên, yêu thương là câu trả lời.

"Bất kỳ một vấn đề gì xuất hiện, yêu thương là câu trả lời.

"Bất kỳ một cơn bệnh nào đang đe dọa, yêu thương là câu trả lời

"Bất kỳ một nỗi khổ nào đang tiến lại, yêu thương là câu trả lời..

"Bất kỳ một nỗi sợ hãi nào đang trào dâng, yêu thương là câu trả lời.

"Yêu thương luôn luôn là câu trả lời trong mọi tình huống, vì chỉ có yêu thương là tất cả".

Cách chúng ta hằng năm thế kỷ, trong lòng Quê hương Đại Việt, Nguyễn Trãi đã nh¡n gửi cho chúng ta những lời mời gọi tương tự :

"Lấy Đại Nghĩa mà thắng Hung tàn,

"Lấy Chí Nhân mà thay Cường bạo".

Hẳn thực, nhân nghĩa hay là "Tình  anh em bốn biển một nhà" đã được nói tới rất nhiều trong nền văn hóa Trung Hoa. Nhân danh Nhân Nghĩa, Nhà Hán, Nhà Tống, Nhà Nguyên, Nhà Minh, Nhà Thanh ... đã xua quân xuống Miền Nam, áp đặt ách nô lệ một cách tàn bạo và dã man. Thứ nhân nghĩa, trong miệng lưỡi của quân đội xâm lược và thực dân, xuất phát từ bất cứ nơi đâu, ngày xưa hay là hôm nay, ở ngoài biên giới hay là nằm giữa tâm hồn chúng ta, đều được đồng hóa với hung tàn và cường bạo.

Đối với Nguyễn Trãi, trái lại, tình yêu thương thực sự phải trọng đại và cao cả như bầu trời của Mẹ Âu Cơ. Đồng thời, tình yêu thương ấy không phải là khẩu hiệu tuyên truyền láo khoét. Tình yêu thương ấy "chí công vô tư", đi cho cùng, đến cho tận, như lòng Đại Dương của Lạc Long Quân. Mọi người được đón nhận. Không một ai bị bỏ rơi bên lề đường. Không một người anh chị em nào bị khai trừ, loại thải, thủ tiêu, lãng quên ... để rồi cuối cùng phải đi ăn xin, ngủ trên lề đường.

Tình yêu thương trong lối nhìn như vậy, không nữa vời, chung chung, "khẩu phật tâm xà". Nhưng đáp ứng nhu cầu làm người của mỗi người. Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đồng hóa với chánh tâm. "Chánh" được hiểu là có phương pháp khoa học, chính xác, khách quan, cụ thể, chứng minh bằng hành động. Chứ không phải chỉ được "tuyên xưng, rao giảng" ở đầu môi chót lưỡi.

Nói khác đi, Tình yêu thương cần song hành với hiểu biết khoa học, mới có thể trở nên hiện thực. Hiểu biết nào không phục vụ con người và dẫn đến con đường yêu thương sẽ biến thành bom đạn, chiến tranh, thù hận, bạo động. Vậy con đường đi của chúng ta trong lòng nhân loại là con đường hiểu biết và thương yêu, là chánh tâm.

 

*  *  *

Trong tinh thần và lăng kính ấy, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát :

1.- Quan hệ giữa lối nhìn và xúc động,

2.- Quan hệ giữa xúc động và đời sống tiếp xúc với tha nhân.

Trong chương nầy, chúng ta chỉ nói đến những xúc động của chính mình.

Trong chương sau, chúng ta sẽ bàn đến cần có thái độ như thế nào, khi đối diện với những xúc động của kẻ khác ?

 

*  *  *

 Xúc Động Và Lối Nhìn

 Ngoài năm loại cảm giác thông thường do mắt, tai, mũi, lưỡi và làn da, cung cấp cho, chúng ta còn có những xúc giác phát xuất từ bên trong cơ thể, do các cơ quan nội tạng, như cảm giác đau đầu, khó chịu, choáng váng, chóng mặt ...

Những xúc giác nội thân như vậy có những giao điểm với xúc động, nhưng không phải hay chưa phải là những xúc động. Xúc giác là những phản ứng của một cơ phận thể lý. Xúc động trái lại là phản ứng của toàn diện nội tâm, như sợ, lo, buồn, giận, chán nản, thất vọng, bất mãn ...

Trong cách sử dụng ngôn ngữ, chúng ta thường ghép lại với nhau xúc động và tình cảm. Cả hai đều là những sinh hoạt của nội tâm. Khi những sinh hoạt tâm linh nầy còn là những phản ứng bột phát, chưa được tư duy điều hướng và điều động, để trở thành ý thức, đó là những xúc động. Tình cảm, trái lại,  cũng là những sinh hoạt nội tâm, nhưng ở đây tư duy đã bắt đầu có mặt để sáng soi và hướng dẫn. Tôi cố ý dùng lối nói "đã bắt đầu", bởi vì trong nhiều trường hợp, chúng ta chưa thể phân biệt đâu là ý thức, đâu là vô thức. Đâu là phản ứng tự động vô thức, đâu là chọn lựa và quyết định có ý thức và can thiệp của tư duy ? Thể lý và Tâm lý đang chồng chéo lên nhau.

Thêm vào đó, khi nói đến tình cảm, chúng ta đã bắt đầu nói đến quan hệ giữa người với người. Xúc động, trái lại, đang còn là sinh hoạt của từng cá nhân riêng rẽ.

Tất cả những phân biệt ấy không rõ ràng và chính xác, vì cả ba sinh hoạt xúc giác, xúc động và Tình cảm đều thuộc về một chủ thể. Cả ba đều có thể thuộc về một tiến trình chuyển hóa từ vô thức thành ý thức, từ một thực thể cá nhân thành một thực thể được chia sẻ trao đổi.

Để ý thức hóa một xúc động

Thay vì sống trong tình trạng mơ hồ, bấp bênh, không biết mình là ai, ở đâu, làm gì ... chúng ta hãy quyết định và chọn lựa ý thức hóa những gì chúng ta đang sống trong nội tâm của mình.

Như tôi đã trình bày cách sơ lược trước đây, tác giả N.R. ROSENBERG đề nghị chúng ta đi qua bốn giai đoạn, trong tiến trình ý thức hóa nầy :

Giai đoạn thứ nhất là mô tả một cách khách quan, cụ thể và chính xác được chừng nào hay chừng ấy, môi trường hay là điều kiện sinh hoạt hiện tại, trong đó một xúc động đang xuất hiện.

* Để bắt đầu, chúng ta nêu lên những sự kiện thuộc hai giác quan Thị và Thính: " Tôi thấy ... Tôi nghe ...".

Ví dụ :

1.- "Tôi vừa nghe ông A nói là bạn rất bất bình về tôi".

2.- "Khi tôi đến lớp sáng nay, lúc 9 giờ sáng, bạn đã có mặt. Bạn ngồi úp mặt xuống và khóc, có phải vậy không ?"

* Nếu sự kiện chưa hoàn toàn rõ ràng một trăm phần trăm, chúng ta đặt câu hỏi, để xin tha nhân kiểm chứng, bổ túc, điều chỉnh, sửa sai ...

- "Có phải vậy không ? ...

- "Nếu tôi không lầm ...

- "Hình như bạn đang khóc ...

* Môi trường hóa tin tức, bằng cách trả lời cho những câu hỏi : ở đâu, khi nào, thế nào, điều gì, bao lâu ...

* Tránh tối đa những từ bất định như : có người, nhiều, đa số, ai ai ...

* Dùng "Tôi thấy, tôi nghe", thay vì những cách nói mơ hồ như : "Tôi tưởng, tôi biết, tôi đoán ...". Khi chúng ta còn mơ hồ ở một điểm, chúng ta thú nhận một cách chính thức hay là bộc lộ ra ngoài.

            "Trong vấn đề này, ý nghĩ chủ quan của tôi là ...

            "Theo cách nhận xét của tôi ...".

*  *  *

Giai đoạn thứ hai là gọi tên xúc động đang chớm nở, thành hình trong nội tâm.

"Tôi cảm thấy ... "

-  Dùng sứ điệp ngôi thứ nhất, số ít "Tôi", để diễn tả mình là chủ thể, là tác giả. Không một ai đã áp đặt cho tôi một xúc động. Chính tôi đã chọn lựa và quyết định. Từ bên ngoài, người khác chỉ có thể tạo ra cơ hội, điều kiện "dẫn khởi" mà thôi.

-   Tôi có thể cảm nhận cùng một lúc hai hay nhiều xúc động. "Tôi vừa tức, vừa buồn".

-   Trong tiếng Việt, động từ "cảm" có thể gây ngộ nhận. Nhiều khi cách phát biểu "tôi cảm thấy" đồng nghĩa với "tôi đoán". Lối nói "cảm thấy", do đó, chưa hẳn diễn tả một xúc động thuộc trách nhiệm của tôi. Ví dụ:  Tôi cảm thấy bị tổn thương. Câu nói nầy ngụ ý: có một người khác làm cho tôi tổn thương. Khi phát biểu, diễn tả xúc động như thế, tôi đã manh nha phê phán, tố cáo, qui lỗi, vì tưởng rằng người khác là nguyên nhân gây nên vấn đề cho tôi.

-  Như tôi đã đưa ra nhận xét, trong cùng một lúc, tôi có thể cảm nghiệm trong nội tâm hai hoặc ba xúc động, có khi mâu thuẫn với nhau, có khi gia tăng cường độ cho nhau. Chính vì lý do nầy, khi kêu tên hay gọi ra ngoài vùng ý thức những xúc động, chúng ta đừng lo ngại mình sai lầm, thiếu chính xác. Xúc động là một thực thể đa phức có thể mang nhiều bộ mặt vừa sợ, vừa lo, vừa buồn, vừa giận ... Thêm vào đó, xúc động đang chuyển biến, trước khi xuất hiện một cách rõ ràng trong vùng ý thức.

-   Công việc gọi tên xúc động cần được tôi luyện và thực tập trước khi trở thành dễ dàng, thuần thục.

-   Trong những trao đổi, tiếp xúc thường ngày, cha mẹ, người giáo viên nên khuyến khích con cái, học sinh diễn tả những xúc động của mình, càng nhiều càng tốt.

"Bạn A vừa đánh con. Con cảm thấy trong mình thế nào ? Con đang khóc, có nghĩa là gì ? Con buồn hay con sợ?  Con sợ hay là con giận ?".

 *  * *

Giai đoạn thứ ba là phát hiện nhu cầu ở đằng sau, ở bên dưới mỗi xúc động.

"Tôi buồn vì tôi cần có người trao đổi và tiếp xúc (nhưng không có trong thực tế).

-  Giai đoạn thứ ba nầy có liên hệ mật thiết với giai đoạn thứ nhất. Chính điều kiện sinh hoạt cụ thể và khách quan soi sáng cho tôi về nhu cầu ở bên dưới mỗi xúc động. Nhu cầu được phát sinh trong nội tâm, khi tôi ở giữa một môi trường nhất định.

Tuy nhiên, tôi muốn lặp lại rằng : chính tôi là nguyên nhân của xúc động. Tôi là tác giả đã chọn lựa và quyết định, cho nên tôi cũng có khả năng quyết định lại, chọn lựa lại, nếu tôi có một lý do chính đáng hơn trước đây.

Nói cách khác, nhu cầu thuộc về trách nhiệm và bản sắc của tôi. Nhu cầu nhằm trả lời những câu hỏi "tôi là ai, tôi cần gì?  Cho nên nó thuộc quyền điều hướng và điều động của lối nhìn.

- Để minh họa những điều rất cơ bản vừa được trình bày, tôi xin đưa ra một ví dụ :

- Môi trường :"Bạn vừa tố cáo tôi trước đội ngũ giáo viên, sáng nay là tôi lơ là, không chăm sóc đúng mức em học sinh X. So với năm học vừa rồi, khi X còn ở trong lớp của bạn, nó đã thoái hóa, có nhiều tác phong bệnh hoạn trầm cảm, khép kín ..."

- Gọi tên :"Tôi vừa buồn, vừa kính phục bạn. Tôi tiếc là đã không có dịp trao đổi với bạn sớm hơn".

- Nhu cầu :"Tôi buồn vì tôi chưa có dịp trao đổi với bạn về em X. Đàng khác, tôi kính phục bạn vì bạn đã và còn đầu tư nhiều lao lực cho em X".

- Yêu cầu :"Vậy, chiều nay khi tan sở, bạn cho tôi gặp bạn nửa tiếng, để chia sẻ về bao nhiêu khó khăn của em X : bị ba đánh, ăn uống thất thường, mẹ bỏ nhà ra đi...".

Trước những lời tố cáo của một bạn đồng nghiệp, lối nhìn của tôi có thể bị lung lạc trong nhiều chiều hướng. Thế nhưng, trong trường hợp nầy, vì tình thương, tình người có mặt trong lối nhìn, tôi đã chọn lựa thái độ tôn trọng và chia sẻ đối với người bạn đồng nghiệp. Người bạn đã đầu tư nhiều cho em X, trong quá khứ. Nay em X đang trải qua những khủng hoảng khách quan trầm trọng, người bạn cảm thấy nhức nhối khổ đau. Tôi có trách nhiệm đồng cảm với bao nhiêu niềm đau ấy; và khám phá ở dưới những lời tố cáo hằn học, một con tim bị tổn thương.

Sở dĩ làm được điều ấy, vì tôi đã khổ đau trong cuộc đời. Và tôi cũng đã có những hành vi tố cáo nhiều người, trước đây, vì thiếu hiểu biết, vì "vô minh" tràn ngập tâm hồn. Tôi đồng cảm với người bạn, vì tôi nhận thấy được tôi và người bạn ĐỒNG NHAU, cùng cưu mang những chất liệu làm người giống nhau. Giống nhau thì thu hút nhau, "tương ứng tương cầu".

Trái lại, khi khác nhau, thì bổ túc cho nhau. Theo cách trình bày của thần thoại Hy Lạp, khi sinh ra làm người, mỗi người trong chúng ta đã đánh mất "một phần nửa bản thân của mình". Suốt đời, bạn và tôi, chúng ta không ngừng đi tìm lại "một phần nửa của mình". Cho nên, khi hai nửa gặp nhau, tình yêu xuất hiện. Và chúng ta có sức ép phải gọi người yêu là "Mình ơi !", myself  trong tiếng Anh.

Theo ý kiến riêng của tôi, chúng ta gặp lại "Mình", không những trong tình yêu đôi lứa vợ chồng mà thôi. Khi hai người biết đồng hành, chia sẻ, họ đã giúp nhau làm mới, đánh sáng lại bản sắc làm người đích thực hay là mặt mũi uyên nguyên của mình.

 

*  *  *

 Phát hiện nhu cầu

Nhằm giúp phát hiện một cách hữu hiệu nhu cầu có mặt trong mỗi xúc động. Phương pháp "chương trình sinh hoạt thần ngữ"  (Neuro-linguistic Programming, viết tắt là PNL) đề nghị chúng ta hãy học tập lắng nghe và cẩn trọng tiếng nói "vô thanh" của xúc động. Đó là những người bạn thân thương muốn mang đến cho chúng ta những sứ điệp xây dựng, thậm chí khi chúng ta bị xáo trộn, mất quân bình và thiếu an lạc nội tâm. Trong lăng kính nầy, không có phân biệt xúc động xấu và tốt. Mỗi xúc động là một tiếng nói cần lắng nghe một cách cẩn trọng.

Xúc động giống như một em bé dưới ba tuổi. Chúng nó chưa có khả năng sử dụng ngôn ngữ. Chúng nó chỉ thét gào, khóc la. Nếu chúng ta biết lại gần, có mặt lắng nghe ... dần dần chúng ta sẽ có khả năng hiểu biết chúng nó muốn chúng ta làm gì cho chúng nó. Theo lối nói của phương pháp PNL, mỗi xúc động cho dù đang gây nhiều rối loạn, vẫn chứa đựng một phần vụ tích cực. Mỗi xúc động đang kêu mời chúng ta điều chỉnh lại lối nhìn, tác phong, đổi mới những quan hệ với môi trường sinh sống. Mỗi xúc động đang nhắn nhủ chúng ta rằng : Bản sắc của bạn là Yêu thương, hạnh phúc. Cho nên bạn hãy tìm cách trở về con đường hiểu biết, tình thương và kết dệt những quan hệ hài hòa với những anh chị em cùng chung sống hai bên cạnh. Sau đây, chúng ta hãy lược khảo nhu cầu của một vài xúc động :

Tức giận cho chúng ta biết rằng : một trong những giá trị cơ bản của cuộc đời không được tôn trọng đúng tầm. Thay vì bùng nổ, bạo động trong ngôn ngữ và hành động, chúng ta cần bình tỉnh, sáng suốt để khám phá giá trị nào đang bị tổn thương, ai có thể giúp chúng ta thành đạt mục tiêu. Nếu có nhiều đường hướng và giá trị cần chọn lựa, ưu tiên số một trong hoàn cảnh hiện tại là gì ?

Buồn phiền hay trầm cảm xảy đến, khi chúng ta không thành đạt một mục tiêu hay là khi phải giả từ một người hay một vật rất quí hóa. Cho nên xét lại tầm cỡ của mục tiêu, chấp nhận sự được-mất là một tất yếu trong cuộc đời. Vừa biết khóc thương một người đã ra đi vĩnh viễn, vừa biết trân trọng người thân yêu đang còn có mặt ...Đó là ba lối nhìn cần nuôi dưỡng, để chuyển hóa nỗi buồn phiền đang tràn ngập tâm tư.

Khi chúng ta lo âu, sợ hãi về những biến cố sắp xảy đến, trong tương lai gần và xa, nhu cầu là chuẩn bị và trang bị mình, để sẵn sàng đối phó với những điều bất trắc, bất định.

Mỗi khi quá bề bộn, tràn ngập đến độ bê bối, lộn xộn, kiệt quệ trước những đóng công việc càng ngày càng gia tăng, khẩn trương, điều cần thực hiện là xếp đặt công việc theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 .

Thêm vào đó, chúng ta cần phân biệt cái gì là quan trọng thiết yếu, cái gì là khẩn trương. Có những điều khẩn trương nhưng không thiết yếu.

Ghen tương xuất hiện khi có một sự đe dọa hay là xung đột về vị trí tình cảm của mình. Vậy ở đâu có giá trị đích thực, nội tại, ở đó không thể có thỏa hiệp hoặc thinh lặng đồng lõa.

Tiếc nuối đề nghị chúng ta hãy điều chỉnh, thay đổi cách làm của chúng ta trong quá khứ.

Hối hận báo động cho chúng ta hay biết, chúng ta đã vượt qua những giới hạn. Có thể đó chỉ là những giới hạn do tưởng tượng tạo nên mà thôi.

Chán nản kêu mời chúng ta hãy tìm ra những động cơ đổi mới hay là đánh sáng lại cách làm và cách sống của chúng ta.

Thất vọng thúc giục chúng ta thay đổi đối tượng hay là đổi mới cách làm, cách nhìn. Giữa đổ nát và hoang tàn, chúng ta vẫn hy vọng, vì "thấy được những điều vô hình".

Bất mãn có nghĩa là một kết quả khác đã đến, thay vào một điều mà chính mình đã ước nguyện, mong đợi. Vậy mục tiêu chính yếu là gì ?  Mục tiêu nào thuộc thực tế ?

Khổ đau xuất hiện khi một vết thương đang lỡ lói, rướm máu mà chưa được ai băng bó. Vết thương có thể được hiểu về mặt tâm lý như một tình cảm bị cắt đứt, sự ra đi đột ngột của một người thân, hay là một ước mơ trọng đại, nhưng xa rời thực tế. Để hàn gắn vết thương khổ đau, chỉ có một toa thuốc : Yêu thương. Và Yêu thương đích thực là CHO.

Khi một người cảm thấy mình thiếu khả năng, bất kham, họ không có những xác tín vững chắc rằng mình làm được, mình sẽ thành đạt kết quả. Họ phân vân, lo ngại, thiếu tự tin. Trong những điều kiện như vậy, học là một nhu cầu. Học để biết mình và phát huy lòng tự tin.

Hỗn độn, mơ màng là tình trạng nội tâm của một người đang lạc loài quanh quẫn trong một vòng mê cung rối ren, và không tìm được lối ra.

Khi không làm chủ tình hình như vậy, chúng ta cần tìm cách, tìm người, tìm kiến thức, để trả lời những câu hỏi sau đây :

- Tôi khởi sự ở đâu ?

- Tôi kết thúc khi nào ?

- Hiện tại tôi đang ở đâu ?

- Tôi cần tiếp tục đi tới hay là đổi hướng?

- Cái gì là điểm mốc, là tiêu chuẩn khách quan giúp tôi định hướng ?

 *  *  *

Giai đoạn thứ bốn : Đáp ứng lời kêu xin của xúc động

Sau khi đã khảo sát điều kiện sinh hoạt, do môi trường cung cấp, chúng ta lắng nghe tiếng nói của xúc động và phát hiện những điều chúng ta đang cần. Giai đoạn cuối cùng là tìm ra những phương tiện, để đáp ứng những nhu cầu ấy.

Những phương tiện có thể đã có sẵn trong bản thân và cuộc đời của chúng ta. Lúc bấy giờ chúng ta bắt tay vào làm, không hẹn rày hẹn mai, không mong cầu một ai làm thay làm thế chúng ta, cho dù đó là thần, phật, tiên, thánh có mọi quyền năng.

Trái lại, khi phương tiện ấy tùy thuộc vào quan hệ trao đổi giữa chúng ta và những người khác có mặt trong môi trường, chúng ta trình bày cho họ lời yêu cầu, một cách rõ ràng, đơn sơ, trực tiếp, không úp mở. Duy chúng ta mới hiểu rõ ý định của mình.

Nếu lời yêu cầu có một tầm mức hệ trọng, chúng ta xin họ phản hồi, nghĩa là nói lại cho chúng ta họ nghe gì, họ hiểu làm sao, đúng với ý định của chúng ta hay là họ đã xuyên tạc.

"Tôi đã trình bày lời yêu cầu của tôi. Vì tôi muốn được bạn hiểu một cách tường tận, tôi xin bạn vui lòng nói lại bạn đã hiểu thế nào ?"

Trường hợp họ hiểu sai hay là cắt xén và xuyên tạc, chúng ta bình tĩnh trình bày lại, không trách móc, tố cáo :

"Tôi xin lỗi đã phát biểu không rõ ràng, cho nên bạn đã không hiểu tôi, như ý tôi muốn. Vậy tôi xin phép trình bày lại".

Nếu vì tự ái hay một lý do khác, họ không muốn phản hồi :

"Tôi đâu phải là học sinh mẫu giáo  ngu ngơ, không hiểu gì cả ...".

Chúng ta cũng hãy bình tĩnh tôn trọng ý kiến của họ :

-"Bạn không bằng lòng về thái độ yêu cầu phản hồi của tôi. Nếu đúng như vậy, tôi xin lỗi về thái độ ấy. Tôi tôn trọng ý kiến của bạn."

Nói cách chung, mỗi lần chúng ta yêu cầu, có nghĩa là "xin" :

"Xin bạn làm ơn ...

Xin bạn vui lòng ...

Hãy ...".

Chúng ta cần có thái độ thanh thản chấp nhận và đón nhận lời từ chối của kẻ khác.

Trong một quan hệ thực sự đồng cảm, yêu cầu không thể bị đồng hóa với đòi hỏi, chờ đợi, tạo áp lực hay là cưỡng chế; đưa ra điều kiện.

Trong những quan hệ giáo dục, nếu người lớn, như cha mẹ, giáo viên, người lãnh đạo lạm dụng vị trí và quyền lực để đàn áp, cưỡng chế, trừng phạt ... họ nên ý thức một cách sáng suốt và chân thành rằng : họ đang gieo vãi hạt mầm bạo động trong lòng nhân loại hay là trên cánh đồng của quê hương. Vài chục năm sau, một Néron, một Hitler có thể châm lửa đốt cháy cả một thủ đô hay là xây lên những lò hơi ngạt, để tận diệt người đồng loại, đồng bào ...

Bạo động đang tràn ra đường, nhất là trên những đô thị tráng lệ và xa hoa, văn minh và tràn đầy tiện nghi vật chất. Dùng bạo động để giải quyết vấn đề bạo động, đó là một vòng luẩn quẫn và bế tắc đang có mặt ở khắp nơi : chúng ta chỉ sản xuất những lớp người bị động hay là phản loạn với cách hành xử nầy.

Duy con đường hiểu biết, tình thương và đồng cảm mới có thể hàn gắn những vết thương lở lói, những đau khổ tràn ngập. Bạo động chỉ là bộ mặt bên ngoài của vết thương khổ đau đang có mặt trong tâm hồn của mỗi người.

Trước khi đồng cảm với người khác trong môi trường, mỗi người hãy bắt đầu đồng cảm với chính mình. Lắng nghe mình một cách cẩn trọng. Khám phá nhu cầu của chính mình. Và tìm cách đáp ứng một cách hữu hiệu.

Bao lâu chưa băng bó vết thương khổ đau của lòng mình, làm sao tôi có thể "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", nghĩa là băng bó vết thương trong lòng nhân loại ?

 

*  *   *

 Nhiều người đang bi quan, chán nản, kiệt quệ với lý luận : Con gà mái đẻ ra trứng hay là cái trứng nở ra gà ? Cái gì trước, cái gì sau ? Tôi kiến dựng hạnh phúc cho mình trước khi mang hạnh phúc đến cho anh chị em ?

Sau một đời người, chàng thanh niên Augustinô, với bao nhiêu háo hức của tư duy đã trở thành một cụ già. Mắt đã mờ. Lưng đã mõi. Hai chân bắt đầu khấp khiểng. Hai tay run rẩy. Nhưng quả tim còn đập.

Cụ già ấy đang là một hiền nhân, một vị thánh. Nhớ lại tình thương của mẹ là bà Monica, Augustinô trối trăn lại cho những ai đang trăn trở về số phận của nhân loại :

"Ama et fac quod vis"

Hãy yêu thương rồi hãy làm những gì bạn muốn.

Yêu thương là câu trả lời cho mọi vấn đề, ở trước, ở sau, ở trên, ở dưới. Ở ngoài, ở trong. Nơi mình, nơi người.

Tình yêu thương không có to hay nhỏ. Cao thượng hay thấp hèn.

Hãy đốt lên một que diêm yêu thương. Nhân loại sẽ được chiếu sáng. Thay vì chờ đợi, đòi hỏi kẻ khác phải thay đổi, bạn hãy làm một con én. Một con én duy nhất đã tạo nên mùa xuân "ở đây và bây giờ", chừng nào nó biết yêu thương và hiểu biết.

Khi mang trong mình một quả tim như vậy, bạn cũng như tôi, chúng ta không còn khắc khoải, trầm cảm. Lăng xăng, vọng động. Tình yêu thương sẽ dạy cho bạn cần làm những gì. Làm nhưng không chờ đợi, mong cầu. Muốn nhưng không đòi hỏi, ép buộc, cưỡng chế, đặt điều kiện.

Bạn không có gì để sợ. Vô úy !

êu thương là động cơ thúc đẩy.

Hiểu biết là ánh sáng soi đường, chỉ lối.

Khi yêu thương, có hiểu biết hướng dẫn, theo lời của triết gia người Pháp Gabriel MARCEL, bạn đang nói với mình và những người chung sống với bạn :"Em không bao giờ chết. Em bất diệt !"

Hẳn thực, ai có thể giết chúng ta, vì chúng ta mang bản sắc bất diệt và bất tử ?

Trái lại, khi chúng ta sợ, chúng ta trở nên bạo động, bạo hành và tìm cách sát hại người anh chị em, người đồng bào, đồng loại. Khi sợ, chúng ta thấy kẻ thù ở khắp nơi, trên mặt mọi người. Nhưng kỳ thực, chỉ có kẻ thù ở giữa cõi lòng chúng ta. Trong đáy mắt của một tâm hồn đầy lo sợ.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!