.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở đầu

Chương Một : Đoái thương nhìn cuộc đời

Chương hai: Nhìn Đời với Trăm Con Mắt

Chương Ba: Lắng nghe tiếng kêu trầm thống của nội tâm

Chương bốn: Lắng nghe với trăm lỗ tai

Chương Năm: Học làm người trong từng giây phút của cuộc sống

Chương Sáu: Quan hệ hài hòa, đồng cảm

Chương Bảy: Tuyên dương và Khen thưởng những bước đi làm người

Thay lời cuối: Ông Đồ Sộ

Phụ Trương Một: Khổ đau và hạnh phúc

Phụ Trương Hai: Khi chúng ta tiếp xúc và trao đổi

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đồng Cảm Để Đồng Hành
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG BỐN: LẮNG NGHE VỚI TRĂM LỖ TAI

Chương ba vừa qua cho phép chúng ta ghi nhận những điểm quan trọng sau đây :
1.- Xúc động là một tiếng kêu trầm thống của nội tâm.

2.- Tiếng kêu ấy cần được lắng nghe, tìm hiểu, cẩn trọng và diễn tả.

3.- Khi xúc động được ý thức hóa như vậy, chúng ta sẽ rõ ràng về bản sắc làm người của mình : Tôi là ai ? Cùng đích của đời tôi, nhất là trong mọi quan hệ tiếp xúc, trao đổi, là gì ? Hiện tại tôi cần gì ? Để đáp ứng nhu cầu ấy, tôi làm những gì ?

4.- Ngược lại, khi xúc động bị dồn nén, che giấu, không được lắng nghe và coi trọng đúng tầm, chính bản sắc làm người của tôi bị tổn hại. Tôi không có đủ tự tin để nhận diện và đối diện bao nhiêu vấn đề có mặt trong cuộc đời. Một cách đặc biệt, khi tôi không có khả năng lắng nghe nhu cầu cơ bản của chính mình, làm sao tôi có thể lắng nghe, đồng cảm với người khác trong những gặp gỡ hằng ngày.

5.- Đành rằng mỗi xúc động chứa đựng một nhu cầu đặc biệt và độc đáo. Tuy nhiên, nền tảng của mọi nhu cầu, trong địa hạt xúc động và tình cảm là nhu cầu làm người, nhu cầu kết dệt những quan hệ hài hòa, hạnh phúc giữa người với người. Đó là nhu cầu "Thương yêu và được thương yêu".

Nói tóm lại, chương ba đã khảo sát những quan hệ giữa lối nhìn và xúc động.

Chương bốn nầy nêu lên vấn đề : trong quan hệ trao đổi hằng ngày, chúng ta làm những gì, để người khác trở thành người anh chị em đồng hành và chia sẻ.

 

*  *  *

Xúc động và quan hệ

Khi thiết lập và phát huy quan hệ tình cảm với một người, chúng ta đang khẳng định trong cùng một lúc ba lối nhìn :

Một : Người ấy với tôi có những điểm giống nhau. Họ là người có giá trị và quyền lợi ngang hàng tôi. Cho nên, thái độ tôi cần nuôi dưỡng trong mỗi lời nói và việc làm là cẩn trọng tính người của họ. Đồng thời, tôi tạo ra mọi điều kiện thuận lợi, cho phép hoặc kêu mời người ấy "thành người" với tôi.

Hai : Người ấy khác tôi, nhất là trong lối nhìn về thực tại, trong ý định ở dưới mỗi hành động và trong thể thức đóng góp và đảm nhiệm vai trò của mình, đối với những chương trình thực hiện có mặt trong môi trường.

Nhận chân được tính khác biệt ấy, tôi cần phát huy ba thái độ : tôn trọng, tìm hiểu hay là học hỏi, yêu cầu người ấy bổ túc và kiện toàn cho mình mỗi khi hợp tác, làm việc với nhau.

Ba : Người ấy và tôi cần nhau. Cả hai cùng liên đới đồng trách nhiệm trong những việc nhỏ cũng như trong những chương trình sống còn của nhân loại. Trên cùng một chuyến tàu làm người, không ai có quyền thấy mình chỉ là "một kẻ ăn cơm nguội nằm nhà ngoài", hay là "không mợ chợ cũng đông".

Người khác cũng như tôi, cả hai cần "THƯƠNG VÀ ĐƯỢC THƯƠNG" để có thể làm người.

Trong lăng kính ấy, tôi có khả năng ĐỒNG CẢM, khi nào tôi ý thức và cảm nhận được rằng : người ở trước mặt tôi đang cần lòng thương yêu của tôi.

Hẳn thực, trên bình diện bề mặt của tác phong, họ có thể bạo động, hận thù. Nhưng trong đáy sâu tâm hồn, những người ấy đang sợ. Có lẽ trong suốt cuộc đời cho đến giây phút nầy, họ chưa bao giờ có cơ hội cảm nghiệm một cách cụ thể thế nào là Thương yêu. Tôi là cơ may đầu tiên, nếu không phải là cuối cùng, để người ấy có thể chuyển hóa nỗi niềm lo sợ của mình.

Khi đồng cảm, tôi có mặt, lắng nghe, tìm hiểu, chia sẻ, nhìn nhận, tôn trọng. Tôi sống một cách tròn đầy giây phút hiện tại "ở đây và bây giờ".

Trong khuôn khổ hạn hẹp của chương nầy, tôi chỉ bàn đến những kỹ thuật như lắng nghe, đặt câu hỏi, phản hồi, nhìn nhận.

 

*  *  *

1.- Lắng nghe

Lắng nghe trong tinh thần đồng cảm là có mặt với người đang trình bày, diễn tả, phát biểu một ý kiến.

Nhiều khi chúng ta có mặt, nhưng "xa lòng".

Đương khi lắng nghe, chúng ta đã chuẩn bị cách đối đáp. Chúng ta tìm ra những thiếu sót, lên mặt mô phạm, tố cáo, khuyên bảo, giải thích, an ủi ... chúng ta muốn can thiệp, để thay đổi, cải hóa ...

Trong tinh thần đồng cảm trái lại, lắng nghe chỉ có một ý hướng: Tìm hiểu những gì người đối diện muốn trình bày trao đổi với chúng ta. Tìm hiểu như vậy là cố gắng đặt mình vào vị trí của người đang diễn tả. Hiểu họ như chính họ đang hiểu về mình. Theo cách nói của tâm lý đương đại, khi chúng ta tìm hiểu một người, chúng ta chọn làm của mình toàn bộ khung qui chiếu của họ, bao gồm :

- lối nhìn của họ về thực tại

- những ý định cá biệt, riêng tư, độc đáo

- những ước mong, nhu cầu của họ.

Điều khó khăn lớn lao, trong công việc lắng nghe là đón nhận xúc động và tình cảm của người đang nói, nhất là khi họ phê phán, tố cáo, qui chụp. Chính khi họ có thái độ tấn công, bạo động trong ngôn ngữ và hành vi, điệu bộ và nét mặt, giọng nói và liếc nhìn ... họ đang lo sợ. Bao lâu chúng ta không biết lắng nghe nỗi niềm lo sợ đang len lỏi, nằm vùng, ngụy trang ở khắp nơi, chúng ta chưa thể nào tìm cách bắc nối nhịp cầu đồng cảm, tạo cho họ an tâm và tin tưởng, để họ trao đổi và chia sẻ với chúng ta.

Nói tóm lại, khi họ khẳng định những dị điểm, chúng ta nêu ra những đồng điểm. Khi họ đặt trọng tâm vào tính khác biệt, chúng ta giúp họ thấy rõ họ đang được thương. Họ có thể cho, vì họ có rất nhiều vốn liếng quí hóa trong con người của họ.

Khi lắng nghe và diễn tả những quan hệ tương tức và liên đới như vừa được trình bày, điều cốt yếu là lòng trung thực. Chúng ta tin vào tính người đang có mặt trong họ. Và chúng ta động viên họ phát huy tình người trong cuộc sống. Chúng ta là cơ may, là yếu tố xúc tác, để họ làm người, thay vì thả mình trôi theo những phản ứng muông thú tự nhiên, bốc đồng, hoang dại, rừng rú.

Trung thực, được nói tới ở đây, vừa là nếp sống, vừa là lối nhìn. Vừa là thái độ cần tôi luyện. Vừa là kỹ năng khoa học cần đánh sáng trong mỗi quan hệ hằng ngày. Bằng nếp sống trung thực, chúng ta trình bày một sứ điệp: "tôi đang sống trọn vẹn tính người và tình người với bạn. Bạn hãy làm người với tôi". Lời nói bên ngoài và thái độ bên trong hòa đồng với nhau.

Lẽ đương nhiên, người đối diện có thể lạm dụng tình huống "không tự vệ, không đề phòng" ấy; để hành hung, cướp bóc, chiếm đoạt. Nhưng như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần trước đây, trung thực còn mang tên là vô úy, không sợ chết. Đó là thái độ của Bồ Tát Quan Thế Âm, sẵn sàng chết, để cho người anh chị em của mình có thể thành người.

 

*  *  *

2.- Đặt câu hỏi

Lắng nghe, trong quan hệ đồng cảm và trung thực, không phải là "im lìm, bất động" như gỗ đá. Lắng nghe nhằm mục tiêu tìm hiểu những gì người đối diện đang trình bày, phát biểu. Thái độ của chúng ta được thu gọn trong câu nói : "Hãy giúp tôi. Tôi muốn hiểu bạn, như bạn hiểu chính mình".

Trong tinh thần và lăng kính ấy, chúng ta đặt ra những câu hỏi, để họ có thể ĐÀO SÂU và MỞ RỘNG hơn nữa tiến trình ý thức về mình.

Chẳng hạn, mỗi lần họ nói về thực tại khách quan bên ngoài, chúng ta giúp họ phân biệt một cách rốt ráo cái gì là sự kiện, cái gì là những giả thuyết, cái gì là những suy diễn cá biệt, cái gì là những dư luận đồn thổi, thiếu nền tảng dẫn chứng.

Trước đây, khi đề cập kỹ thuật trình bày xúc động, chúng ta đã nêu rõ bốn bước diễn tả: mô tả môi trường, gọi tên xúc động, phát hiện nhu cầu và trình bày yêu cầu. Bây giờ đây, khi người đối diện diễn tả nội tâm của mình, chúng ta cũng lần lượt nêu lên những câu hỏi, để họ đi qua bốn giai đoạn ấy, giống như chúng ta.

Một cách đặc biệt, khi nào họ sử dụng ngôn ngữ phê phán, tố cáo, đổ lỗi, gắn nhãn hiệu; với những câu hỏi, chúng ta yêu cầu họ bộc lộ những xúc động của mình.

-  Bạn vừa nói : bà B đi nói xấu về bạn ở khắp nơi. Khi bị nói xấu như vậy, bạn cảm thấy trong mình thế nào ?

-  Chị vừa nói vừa khóc... theo tôi hiểu, chị có những điều buồn trong lòng, phải không?

-  Ngoài những bực tức ấy, theo bà, bà còn có những xúc động nào khác, khi đứa con bà bỏ nhà ra đi ?

 

*  *  *

Những câu hỏi chúng ta đưa ra không nhằm mục tiêu điều tra, phỏng vấn, hạch xách... Chúng ta chỉ bắc nối những nhịp cầu đồng cảm. Chúng ta tạo điều kiện thuận lợi, để người đối diện lắng nghe mình, thấy mình, khám phá nhiều phương diện khác nhau trong bản sắc của mình đang còn ẩn núp trong bóng tối vô thức.

Cho nên, cách đặt câu hỏi đi theo những đường hướng cơ bản sau đây :

Thứ nhất, chúng ta dùng những câu hỏi mở : ai, ở đâu, khi nào ... nhất là khi người đối diện sử dụng những lối nói tổng quát, mơ hồ, đưa ra những dữ kiện không chính xác.

Thứ hai, chúng ta chú trọng vào bốn giai đoạn trong tiến trình ý thức hóa xúc động đã được nói tới trước đây.

Thứ ba, chúng ta xoáy lui xoáy tới ba loại nội dung có mặt trong mỗi câu chuyện trao đổi : Thực tại, bản sắc và xúc động. Tuy nhiên, nội dung thứ ba là trọng tâm cần được khảo sát một cách tường tận trong mỗi quan hệ tạo đồng cảm.

Nói tóm lại, mỗi câu hỏi là một lời kêu mời :

"Bạn là người quan trọng đối với tôi

Tôi muốn hiểu bạn.

Xin hãy giúp tôi !"

 

3.- Phản hồi

Phản hồi được sử dụng trong nhiều địa hạt khác nhau, với nhiều mục đích không đồng nhất với nhau. Trong lãnh vực quan  hệ tiếp xúc và trao đổi, nhất là trong những câu chuyện giữa hai người, khi tôi phản hồi, tôi muốn chia sẻ cho người đối diện những nội dung sau đây :

1.      Tôi đã lắng nghe, khi bạn nói.

2.      Tôi đã tìm hiểu những điều bạn trình bày.

3.      Tôi muốn hiểu bạn như chính bạn hiểu mình.

4.      Khi làm công việc lắng nghe tìm hiểu như vậy, tôi ý thức đến khoảng cách khó lấp đầy giữa điều tôi muốn và những thành tựu thực sự của tôi.

5.     Cho nên, vừa nghe, tôi vừa nói lại cho bạn điều tôi ghi nhận. Khi làm công việc phản hồi như vậy, tôi nhắm hai mục tiêu chủ yếu :

-    Một là tôi đã lắng nghe bạn, với tất cả con người của tôi.

-     Hai là tôi yêu cầu bạn điều chỉnh những sai lệch có thể xảy ra, khi tôi tìm hiểu bạn.

Trong cách làm cụ thể, tùy trường hợp, tùy mức độ quan trọng của câu chuyện, tùy mức độ thiết thân giữa hai người, hay là tùy thói quen đón nhận của người nghe, chúng ta đi từ những lớp bề mặt, rồi dần dần đi vào nội dung thâm sâu, phát hiện những xúc động, những nhu cầu.

-  "Tôi đã lắng nghe, bạn đã nói rằng, ông A đang ghét bạn. Có phải đúng vậy không?

-  "Qua lời bạn nói, ông A đang có những ý định nói xấu bạn.

Ban đầu, chúng ta phản ảnh thực tại do người bạn trình bày. Sau đó, chúng ta từ từ đi vào lãnh vực bản sắc. Trong một quan hệ đồng cảm, chúng ta xoáy tới xoáy lui để mang ra ánh sáng những xúc động còn bị ngụy trang ở bên dưới những lời tố cáo, trách móc, đổ lỗi, kết án ...

Đối với những người quá nhạy cảm, còn xa lạ với cách phản hồi, chúng ta hãy báo trước hay là xin phép giải thích ý định của chúng ta.

"Trước khi bắt đầu câu chuyện, tôi xin phép nói trước cho bạn hiểu cách trao đổi của tôi. Trong khi lắng nghe bạn, một đôi khi tôi cần nói lại lời của bạn, trình bày lại ý kiến của bạn. Tôi hiểu làm sao, tôi xin nói ra. Nếu có điều thiếu sót hay sai lệch, xin bạn vui lòng bổ túc, điều chỉnh ...".

Có người tỏ ra bực bội, bất bình, muốn đi nhanh, không muốn "mất thì giờ". Chúng ta hãy nhìn nhận, nghĩa là coi trọng phản ứng xúc động của họ :

- "Bạn tỏ ra bực bội, có những dấu hiệu bất bình, vì tôi nói lại, tôi muốn phản ảnh. Theo lời bạn phát biểu, bạn sợ mất thời giờ với cách làm ấy. Có đúng như vậy không ?

Theo ý bạn, nên làm thế nào để tỏ ra chúng ta đã hiểu rõ ý kiến của người khác, khi họ trình bày vấn đề của mình ?"

 

*  *  *

 

4.- Nhìn nhận, đón nhận và chấp nhận

Khi một người trình bày một vấn đề hay là phát biểu một ý kiến, người ấy đang nêu lên hai tầng lớp ý nghĩa :

Tầng thứ nhất : họ đề cập một nội dung. Đó là thực tại đang được họ khảo sát.

Tầng thứ hai :   họ đang nói về con người của họ, bao gồm bản sắc và xúc động.

Thông thường trong những trao đổi, chúng ta chỉ quan tâm tầng lớp nội dung, bằng cách tán đồng hay là đả kích quan điểm của người phát biểu. Ít khi chúng ta chú trọng vào tầng lớp bản sắc và xúc động. Không ai trình bày một ý kiến hay là đề xuất một lập trường mà họ không TIN vào tầm quan trọng của lối nhìn được đưa ra. Cũng vậy, khi họ tố cáo, đổ lỗi, họ đang nói về chính mình họ. Họ đang trình bày một nhu cầu cơ bản trong cuộc đời của họ.

Chính vì lý do nầy, bao lâu chúng ta chưa phát hiện tần số bản sắc và nhu cầu của người đang diễn tả, bộc lộ, chúng ta chưa lắng nghe, tìm hiểu và đồng cảm.

Nhìn nhận ai là coi trọng con người của họ.

Nhìn nhận ai là đánh giá cao khía cạnh tích cực, xây dựng trong những điều họ nói và trao đổi, cho dù đó đang là những lời mạt sát, chưởi bới. Bên ngoài, họ đang la ó, nhưng thực sự ở bên trong, ở bên dưới, ở đằng sau họ đang khẩn khoản :"Tôi thiếu tình thương. Tôi cần tình thương".

Không có khả năng lắng nghe tiếng kêu trầm thống nầy, ở bên dưới mọi tiếng súng ống, bom đạn, hận thù và chiến tranh, chúng ta làm sao có thể tìm ra con đường Hóa giải. Không có dòng máu yêu thương và tha thứ sẵn sàng đổ ra một cách can trường không tính toán, không so đo, không sợ, làm sao nhân loại giải trừ được những dòng máu bạo động và hận thù ở trong tâm hồn của mình ?

Trở lại với vấn đề nhìn nhận, trong những quan hệ đồng cảm, chúng ta thực thi những động tác cụ thể nào ?

Về mặt tiêu cực, nhìn nhận không phải là đồng ý, không phải là đơn phương áp đặt những cách giải quyết vấn đề một cách lý thuyết và lý tưởng.

Về mặt tích cực, chúng ta trả lời một cách cụ thể và trung thực cho ba câu hỏi mà người phát biểu đang đặt ra bằng cách nầy hoặc cách khác :

1.- Tôi có quyền diễn tả những nhu cầu cơ bản của tôi không ?

2.- Bạn có lắng nghe và tìm hiểu những nhu cầu ấy không ?

3.- Tôi còn là người có giá trị trong quả tim của bạn không, sau khi đặt lên bàn, trước đôi mắt của bạn, những tâm sự ngỗn ngang của lòng tôi ?

Câu trả lời của chúng ta vừa tích cực vừa trung thực, khi chúng ta lắng nghe và phản hồi một cách đứng đắùn tình cảm, xúc động cũng như nhu cầu của họ.

ĐỒNG CẢM với tha nhân có nghĩa là đón nhận nhu cầu thâm sâu của họ.

Thế nhưng, đồng cảm như vậy, không bao giờ là điểm tới nơi. Đó là một chuyến hành trình kéo dài suốt cuộc sống làm người và thành người của chúng ta. Nó đòi hỏi ở chúng ta một thái độ tỉnh thức và một lòng khao khát học hỏi, không ngừng tôi luyện bản thân mình.

 

*  *  *

Vì lý do sư phạm, tôi đã phân biệt một cách rành mạch bốn động tác : lắng nghe, đặt câu hỏi, phản hồi và nhìn nhận. Trong thực tế cụ thể, tất cả đều giao thoa chằng chịt, chồng chéo lên nhau. Chúng ta vừa phản hồi vừa đặt câu hỏi, để đi tới. Nhằm nhìn nhận, lắm khi chúng ta chỉ cần lắng nghe, thinh lặng, nhìn vào đôi mắt. Khi có mặt thực sự với ai, chúng ta đã cho họ thời gian và không gian vượt ra ngoài mọi biên cương bờ cõi của ngôn ngữ và điều kiện làm người. Khi chúng ta làm và sống được bấy nhiêu điều, người khác - đang khác  biệt chúng ta trên nhiều bình diện - theo nền văn hóa Việt Nam, người ấy đang trở nên một VỊ THẦN, trong lối nhìn và quả tim của chúng ta. Người ấy trở thành TRỜI ĐẤT, NÚI SÔNG bất diệt. Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, người ấy vừa là cha mẹ, vừa là người con, vừa là người bạn đồng hành ngang hàng với chúng ta. Họ ở trên tôi, dưới tôi và thậm chí trong tâm hồn và xương thịt của tôi.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!