.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở đầu

Chương Một : Đoái thương nhìn cuộc đời

Chương hai: Nhìn Đời với Trăm Con Mắt

Chương Ba: Lắng nghe tiếng kêu trầm thống của nội tâm

Chương bốn: Lắng nghe với trăm lỗ tai

Chương Năm: Học làm người trong từng giây phút của cuộc sống

Chương Sáu: Quan hệ hài hòa, đồng cảm

Chương Bảy: Tuyên dương và Khen thưởng những bước đi làm người

Thay lời cuối: Ông Đồ Sộ

Phụ Trương Một: Khổ đau và hạnh phúc

Phụ Trương Hai: Khi chúng ta tiếp xúc và trao đổi

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đồng Cảm Để Đồng Hành
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG SÁU: QUAN HỆ HÀI HÒA, ĐỒNG CẢM

 ( Một trăm quả tim ) 

Trong chương nầy tôi muốn thu tóm hoặc tổng lược tất cả những điều chúng ta đã cùng nhau khảo sát, khi bàn về quan hệ đồng cảm và hài hòa giữa người với người. Đồng cảm là viên đá tảng để kiến dựng an bình nội tâm và hòa bình thế giới. Khi chúng ta không biết sống đồng cảm với người khác, bắt đầu từ vợ chồng, con cái, anh chị em trong gia đình, làm sao chúng ta có thể kiến dựng một quê hương ấm no, hạnh phúc ? Khi người anh chị em đồng hương, đồng bào chưa được tôn trọng một cách nghiêm minh, và đãi ngộ một cách xứng đáng với phẩm giá làm người, hô hào những nghĩa vụ quốc tế, tình anh em bốn biển một nhà ... chỉ là trò hề bịp bợm, láo khoét !

1.- Bốn động tác cơ bản

Để đồng cảm không bị đồng hóa với một quan niệm trừu tượng, viễn mơ, chúng ta cần thực thi trong cuộc sống hằng ngày những động tác cụ thể sau đây:

Động tác một : Chủ động kiến dựng trong nội tâm một lối nhìn tích cực về mình và về người khác trong mỗi quan hệ tiếp xúc và trao đổi hằng ngay :

- Lối nhìn về tôi : Tôi là chủ thể, là tác giả. Chính tôi sáng tạo cuộc đời của mình, lúc hăng say hứng khởi cũng như lúc chán nản và thất vọng. Tôi không bao giờ làm nạn nhân cho một ai, nếu chính tôi không quyết định, chọn lựa dấn bước vào con đường ấy.

- Lối nhìn về người khác có mặt với tôi trong cuộc đời. Dù ở trong hoàn cảnh nào, dù với bất cứ hành vi sai trái, hỗn loạn đến đâu, họ vẫn là con người có phẩm giá như tôi, cần được tôi tôn trọng, yêu thương, nâng đỡ, hướng dẫn.

- Mục đích tối hậu trong mọi quan hệ trao đổi giữa người với người, không phải là phân biệt minh thị ai hơn-ai thua, ai thắng- ai bại, ai tốt-ai xấu. Chúng ta có mặt với nhau để sinh thành, tác tạo cho nhau, giúp nhau "thành người". Yêu thương và hiểu biết là con đường đi của chúng ta. Khi vui có nhau. Khi buồn nâng đỡ nhau. Khi thành cũng như lúc bại, chúng ta tất cả đều góp phần năng động của mình, tùy theo khả năng và vị trí của mỗi người, trong cùng một cơ cấu tổ chức sinh hoạt thuộc đời sống "làm người".

Động tác hai : Khi hai người bắt đầu chung sống, trao đổi hoạt động, hiện tượng "bá nhân, bá tánh", hay là trăm người trăm ý kiến khác nhau sẽ xuất hiện. Đối diện với sự khác biệt tất yếu ấy, thay vì loại thải, khai trừ nhau, chúng ta cần thực thi những động tác thường nhật như :

- Tôn trọng sự khác biệt, không tìm cách thay đổi, cưỡng bức, đàn áp,

- Lắng nghe và có mặt,

- Tìm hiểu người đối diện, nhận làm của mình khung qui chiếu của họ bao gồm lối nhìn, ý định, nhu cầu và sở thích riêng tư, độc đáo.

- Nhìn nhận, nghĩa là coi trọng, đánh giá một cách tích cực những quan điểm cơ bản, những nét đặc thù thuộc bản sắc của họ.

Động tác thứ ba : Sau khi tìm hiểu nét khác biệt độc đáo của người đối diện, tôi không tìm cách thanh trừng, đàn áp, hủy diệt. Trái lại, tôi tạo điều kiện thuận lợi, tốt hảo, tùy theo khả năng hiện hữu của mình, để người anh chị em có thể khẳng định bản sắc của mình và thỏa mãn mọi nhu cầu xúc động chính đáng. Đồng thời, tôi cũng CẦN sự nâng đỡ của họ, để có thể thực hiện những nhu cầu thuộc thân phận và điều kiện làm người của mình.

Nói tóm lại, sở dĩ tôi có khả năng làm người, bởi vì tôi đang có những quan hệ với người khác. Họ đang làm người "với tôi, cho tôi, nhờ tôi".

Động tác bốn : Trong quan hệ trao đổi qua lại giữa người và tôi, tôi là nguyên nhân, tôi có chủ quyền trên bản thân và cuộc đời của tôi. Không làm nạn nhân cho ai, tôi cũng không thể coi ai khác là công cụ, do tôi chỉ đạo, lèo lái, kiểm soát. Thay vào đó, tôi có trách nhiệm, đóng góp phần mình, để kẻ khác cũng có điều kiện thăng tiến bản thân và phát huy mọi chiều kích làm người.

Giữa tôi và người không có quan hệ lệ thuộc. Trái lại cả hai là thành viên toàn phần trực thuộc một cộng đồng, một cơ cấu tổ chức. Cho nên, tôi có trách nhiệm về người anh chị em đang có mặt và chung sống với tôi trong lòng quê hương và trên mọi nẻo đường ngược xuôi của nhân loại. Bao lâu chưa có ý thức liên đới, đồng trách nhiệm, chúng ta chưa đảm nhận vai trò làm người của mình một cách thực sự và trọn vẹn.

 

*  *  *

2.- Quan hệ hài hòa : bổ túc và kiện toàn

Tác giả J. GRAY trong hầu hết mọi tác phẩm của mình đã áp dụng bốn phương hướng hoạt động trên đây, khi nói đến quan hệ nam nữ, vợ chồng. Thể theo lối nói hình tượng của tác giả nầy, người Nam có sinh quán ở trên sao Hỏa Tinh. Quê hương thứ nhất của người Nữ, trái lại, là sao Kim Tinh. Và hai người đã gặp nhau, yêu nhau và cùng nhau lập gia cư trên mặt Địa cầu nầy.

Dù đã yêu nhau, hai người Nam và Nữ vẫn giữ nguyên bản sắc gốc gác với bao nhiêu nhu cầu cá biệt và độc đáo của mình. Không khám phá và nhìn nhận những nét khác biệt của nhau, để bổ túc và kiện toàn nhau, tình yêu lúc bấy giờ không còn là một cuộc gặp gỡ, "gọi nhau về", để băng bó vết thương lòng cho nhau :

"Anh gọi Em về,

Khi Anh lung lạc, thiếu lòng tự tin.

Em gọi Anh về,

Vì Em là hoa, cần được ngắm nhìn.

Anh gọi Em về,

Giữa cuộc đời, Anh bơ vơ lạc lõng.

Em gọi Anh về,

Em ước mơ được lắng nghe trân trọng ..."

Thay vào đó vì thiếu tỉnh thức, và hiểu biết, cuộc sống chung, ngày xưa đầy màu sắc, ý vị.... hôm nay đã trở thành xung đột, đổ nát và tang thương.

Chính vì những lý do ấy, theo nhận xét của J. GRAY, để có thể yêu chồng, người vợ cần phát hiện ba lời yêu cầu của chàng :

-  Hãy chấp nhận con người của chồng với tất cả ưu và khuyết điểm trộn lẫn vào nhau; không so sánh chồng với một người khác.

-  Hãy chớp mọi thời cơ để đánh giá cao và khen thưởng, thay vì phàn nàn, vạch lá tìm sâu, nhấn mạnh những thiếu sót.

- Hãy tin tưởng vào khả năng và giá trị của chồng, để củng cố và động viên, thậm chí khi chồng thất bại, thiếu tự tin.

Người chồng, trái lại, cần khám phá ba nhu cầu cơ bản của nàng :

-  Nhu cầu được ân cần hỏi han, chăm sóc, phục vụ, giúp đỡ.

-  Nhu cầu được lắng nghe, hiểu biết, bộc lộ tâm tư, chia sẻ nỗi lòng.

-  Nhu cầu được tôn trọng, nhất là trong địa hạt giá trị thuộc quyền lợi của người phụ nữ.

 *  *   *

3.- Khi bạo động bùng nổ

Trong lãnh vực gia đình cũng như trên chính trường của một xứ sở hay là toàn diện địa cầu, khi bạo động bùng nổ giữa hai người, hai phe, hay là hai dân tộc, chúng ta thường chứng kiến cảnh tượng : bên nầy đưa tay chỉ phía bên kia để tố cáo, phê phán, đổ lỗi. Không một ai nhận lỗi về phía mình.

Mặt bì phu, bạo động là phương tiện giải quyết vấn đề tranh chấp, bất đồng và xung đột. Nhưng kỳ thực, bạo động chỉ gia trọng vấn đề và làm cho vấn đề càng ngày càng bế tắc nhiều hơn trước. Chúng ta chỉ cần nhìn khu vực Trung Đông và Bắc Ái Nhĩ Lan, để chứng nghiệm một phần nào tình huống không lối thoát do bạo động gây ra, trong quan hệ giữa người với người, từ bao nhiêu năm qua cho đến ngày hôm nay.

Theo cách thuyên giải của Tâm lý đương đại, trong một tiến trình bao gồm nhiều giai đoạn tiếp nối nhau trong thời gian như A, B, C và D ..., khi có một vấn đề bùng nổ ở giai đoạn C; chúng ta thường lầm tưởng rằng : nguyên nhân của vấn đề chỉ có mặt ở C; và chúng ta chỉ giải quyết vấn đề ở C mà thôi.

Cách làm ấy không bao giờ mang lại thành quả khả quan mong muốn. Trước khi bùng nổ ở giai đoạn C, một cách rõ ràng, minh bạch, có đôi mắt chứng kiến của nhiều người, kỳ thực bạo động đã có mặt một cách ngấm ngầm, tiềm tàng trong các giai đoạn khác, bắt đầu từ A trở đi.

Khi hai vợ chồng bất hòa, bất thuận đang la mắng, chưởi bới nhau, trước con mắt của mọi người hàng xóm, họ đã bất hòa, bất thuận, trong nội tâm và lối nhìn của mình.

Chính vì vậy, để giải quyết bao nhiêu vấn đề liên hệ đến tranh chấp, xung đột và bạo động, chúng ta hãy bắt đầu hóa giải lối nhìn của mình. Tại nơi đây, tính khác biệt của người khác không được trân trọng, chấp nhận và nhìn nhận. Phải chăng chúng ta đang học hỏi tìm hiểu tính khác biệt của nhau, để bổ túc và kiện toàn ? Để thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu của nhau?

Nói một cách vắn gọn, khi có một cuộc thay đổi cần thực hiện, người cần đổi thay, trước tất cả mọi người khác là chính TÔI . Và trong tôi, tôi có trách nhiệm đổi thay LỐI NHÌN, còn mang tên là quan điểm, lập trường, thành kiến ...

4.- Tức giận, lo sợ là hai tiếng còi báo động : Hãy dừng lại, biết "tri chỉ".

Khi bạo động bùng nổ như trái bom nguyên tử, chúng ta đã mất quyền làm chủ, mất tự do. Mất tư cách làm người.

Trái lại, khi bạo động mới được cưu mang, thành hình trong lối nhìn của nội tâm, của tư duy, chúng ta đang có mọi khả năng để thay đổi chính mình. Những xúc động tức giận, lo sợ đối với người khác, như tôi đã nhấn mạnh, đó là những lời nhắn nhủ thân thương. Đó là tiếng còi báo động đang đánh thức chúng ta : Nhu cầu không được thỏa mãn, toại nguyện. Chính lúc ấy, chúng ta hãy tiếp xúc trao đổi, diễn tả lối nhìn ra bên ngoài :"Tôi cần thương và được thương. Hãy giúp tôi !".

Không làm như vậy, nghĩa là dùng ngôn ngữ để diễn tả mình một cách chính thức và khách quan, chúng ta sẽ mất quyền làm chủ. Lúc bấy giờ xúc động tràn ra ngoài, qua con đường tay chân đấm đá, lỗ miệng thét gào, nét mặt bừng bừng đỏ lửa. Khi bạo động bùng nổ, chúng ta trở thành nạn nhân. Khi còn ở trong khuôn khổ của nội tâm, hai xúc động tức giận và lo sợ phục vụ tư cách làm người của chúng ta. Đó là hai tiếng chuông đánh thức báo động.

Trái lại, khi giận và sợ đã thoát ra ngoài với tiếng thét gào, la mắng, chưởi bới, ma lị, đe dọa, thanh trừng ... chúng ta đánh mất mình với những hành vi bạo động, hận thù, chiến tranh. Quan hệ giữa người với người bị tổn thương trầm trọng.

Nói tóm lại :

1.- Khi xúc động được diễn tả bằng ngôn ngữ, chúng ta đang làm người.

2.- Khi xúc động được "tác hành", nghĩa là trở thành hành vi bạo động - ACTING OUT trong tiếng Anh - Chúng ta mất tư cách làm người. Chúng ta biến thành muông thú và cư xử người anh chị em như công cụ, đồ vật, một bộ phận sinh dục.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!