.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Mục vụ Xã hội Bác ái thời Liên đoàn

2. Mục Vụ Xã hội Bác ái thời Tổ chức Truyền Giáo

3. Mục Vụ xã hội Bác ái thời Giáo Xứ Việt Nam cuối thế kỷ XX

4. Mục Vụ xã hội Bác ái thời Giáo Xứ Việt Nam đầu thế kỷ XXI

5. Liên đới Nghề Nghiệp : Lý do thành lập

6. Liên đới Nghề Nghiệp : Chuẩn bị thành lập

7. Liên đới Nghề Nghiệp : Thành lập

8. Liên đới Nghề Nghiệp : Sinh hoạt từ ngày thành lập

9. Liên đới Nghề Nghiệp : Một dự án tương lai

10. Thay lời kết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mục Vụ Xã Hội, Bác Ái Liên Đới, Giáo Xứ Việt Nam Paris trong 60 năm qua 1947-2007
Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh
1. MỤC VỤ XÃ HỘI BÁC ÁI THỜI LIÊN ĐOÀN

CHƯƠNG 1

MỤC VỤ XÃ HỘI BÁC ÁI

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp

(La Fédération Catholique Vietnamienne en France)

1947-1952  

Mai Đức Vinh

Nguyễn Thị Kim Thoa

Trần Văn Cảnh 

Sinh hoạt Mục vụ ở Giáo Xứ Việt Nam luôn có ba phần rõ rệt : Sinh Hoạt Thiêng Liêng, Sinh Hoạt Xã Hội và Sinh Hoạt Văn Hóa. Ba sinh hoạt này gắn liền với nhau và bổ túc cho nhau. Trong các tờ Bá Cáo Mục Vụ hàng năm, cũng như trong các trang báo Giáo Xứ, ba sinh hoạt mục vụ này luôn luôn được đề cập đến một cách rõ rệt.

Sinh hoạt xã hội đương nhiên là một phần quan trọng của mục vụ giáo xứ. Vì thế khi viết về Giáo Xứ Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua phần Mục Vụ Xã Hội. Dựa theo lịch sử Giáo Xứ Việt Nam Paris, chúng ta hãy khởi sự xem qua những sinh hoạt mục vụ này dưới thời Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, từ năm 1947 đến năm 1952.

 

1. Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp được chính thức công nhận ngày 01.10.1947 

Hội Công Giáo ở Paris đã được thành lập từ đầu năm 1942, mục đích giúp đồng bào Công Giáo về đường thiêng liêng, tinh thần và vật chất. Hội ra tờ báo Hiệp Nhất, mục đích huấn luyện anh em về mọi phương diện : đạo lý, chính trị, công dân, xã hội, và tạo mối liên lạc giữa đồng bào lương và giáo. Mấy năm sau, vào năm 1945, Hội Việt Nam Giáo Sĩ, hay Việt Nam Du Học Giáo Sĩ Ðoàn đã được thành lập, với 17 linh mục thành viên, đã góp rất nhiều vào việc thành hình và phát triển tổ chức các sinh hoạt của người Công Giáo Việt Nam tại Pháp.

Hội Công Giáo Việt Nam ở Paris, lấy danh nghĩa là trung ương lâm thời, xin các Hội Công Giáo có từ lâu ở các tỉnh phái người đến dự cuộc Ðại Hội Nghị Quốc Gia, mở ra tại Saint Cyprien, Toulouse, trong hai ngày 31.03 và 01.04.1946, để chính thức lập ra cơ quan trung ương. Hơn 30 đại biểu của 17 Hội sau đây đã về dự Ðại Hội : Mazagues, Sorgues, Pierrefeu, Port de Bouc, St Chamas, Arles, Tarascon, Orange, Toulouse, Lyon, Grenoble, St Armand, Moulins, Bergerac, Badevel, La Reche/Yon và Paris. Vắng mặt vì bận việc không về dự đại hội được, nhưng gửi lời thăm và cáo lỗi, là các Hội của Agen, Alibi, Bordeaux, Angoulem, Roanne,…

Thành quả là 1- Biểu quyết thành lập LIÊN ÐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 2- Biểu quyết Bản Ðiều Lệ của Liên đoàn gồm 5 khoản, 20 điều., 3- Biểu quyết việc tổ chức Liên đoàn gồm 13 Tiểu đoàn, 4-Bầu Ban Quản Trị Trung Ương gồm 13 đại diện của 13 Tiểu Ðoàn Ðịa phương, 5- Bầu Ban Trị Sự Trung Ương gồm 7 vị : Trần Hữu Phương, Nguyễn Long, Nguyễn Kim Trọng, Trương Công Cừu, Cao Văn Phát, Phan Ngọc Phương và Nguyễn Ðạt, 6- Mời các Linh Mục Cố vấn và tuyên úy Nguyễn Văn Thiện, Cao Văn Luận, Nguyễn Ngọc Quang, Hoàng Mạnh Hiền và Ðinh Văn Hưởng, 7- Biểu quyết về báo chí và thông tin, 8- Biểu quyết về chương trình huấn luyện.

Bản Ðiều Lệ đã được toàn thể Dại Biểu làm và chuẩn y tại Toulouse ngày 01.04.1946 ; được sửa đổi tại Fontenay-sous-Bois ngày 05.04.1947 ; được Hàng Giáo Phẩm xem và duyệt y, ngày 01.10.1947 (do Mgr Chappoulie, Tổng Thư Ký Hàng Giám Mục Pháp) ; khai ở Bộ Nội Vụ ngày 22.02.1949 (số công văn 13-579, journal officiel ngày 24.03.1949) ; sau cùng được Hàng Giám Mục Việt Nam nhìn nhận ngày 09.11.1951.

Không kể 13 tiểu đoàn địa phương đã được thành lập, 4 đoàn thể và chi nhánh sau đây đã được thành lập sau đại hội Toulouse 1946 : Ðoàn Lao Ðộng (1947), Ðoàn Phụ Nữ (1947), Ðoàn Chức Nghiệp ( ?), Ðoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam (ra đời ngày 22.06.1947).

Những sinh hoạt điển hình chung của Liên Ðoàn là : Sinh hoạt thiêng liêng với ba hoạt động chính là dự lễ chủ nhật, cấm phòng hàng năm và tham dự các phép bí tích ; Sinh hoạt văn hoá với những hoạt động căn bản là hội học diễn thuyết về các đề tài văn hoá xã hội, báo chí, tổ chức các lễ hội dân tộc, tết nhất ; Sinh hoạt xã hội qua những hoạt động cần thiết như tương tế, giúp đỡ đồng bào ở Việt Nam và trại hè. 

 

2. Hướng mục vụ xã hội thứ nhất là cứu trợ đồng bào bên quốc nội Việt Nam 

Trong lãnh vực mục vụ xã hội, hai hướng chính yếu đã được thực hiện trong giai đoạn này là cứu trợ đồng bào bên quốc nội Việt Nam và tương thân tương trợ huynh đệ bên Pháp. Một người có công rất lớn với Liên Đoàn, cha Đinh Văn Hưởng, Tuyên Úy Đoàn Lao Động và Ban Xã Hội, đã tóm tắt miêu tả rõ rệt hai đường hướng xã hội ấy qua bài “Lai lịch Ban Xã Hội[1] “ in trong báo LIÊN ĐOÀN, số 83, 15-09-1952, trang 6-7. Cha viết :

Từ ngày sáng lập, Liên Đoàn Công Giáo đặt ngay việc huấn luyện nhân viên về mặt công dân và xã hội vào mục tiêu trong bản điều lệ.

Dĩ nhiên, đặt mục đích không phải để mà nhìn, nhưng để mà đạt tới. Muốn tới đích, cần phải hoạt động và dùng những phương thế thuận tiện. Vì thế, việc công dân và xã hội của Liên Đoàn xưa nay vẫn sống động, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tùy trường hợp cho phép.

Lúc khởi thủy, Liên Đoàn mặc dầu là một cơ quan, một đoàn thể có tổ chức và mục đích riêng, đặc biệt của nó, nhưng trong phạm vi công dân và xã hội, bao giờ cũng đi xiết chặt với hết thảy mọi đoàn thể khác, miễn là những đoàn thể ấy có tính cách quốc gia và xây dựng.

Trong những ban tương tế hàng tỉnh, hàng xã, v.v.., các hội viên Liên Đoàn đều tham gia một cách hết sức chặt chẽ và nhiệt liệt; nhiều người đã nên kiểu mẫu cho anh em khác, ấy chưa kể đến những công việc giúp đỡ lẫn nhau khi các trại bị khủng bố bất cứ từ đâu đến.

Năm 1946 và 1947, trong những cuộc lạc quyên để giúp đỡ đồng bào bên quốc nội, anh em hết thảy cành hăng hái tham dự bằng đủ mọi cách. Thậm chí có người vì lòng yêu nòi thương nước quá nồng nàn, đã hy sinh triệt để, không giữ lại cho mình một xu, chỉ mong làm sao cho Tổ Quốc được độc lập và giống nòi được hạnh phúc.

Năm 1947 và 1948, chính Liên Đoàn đã đứng ra tổ chức một cuộc lạc quyên giữa anh em công giáo. Số tiền thu được(24 420, 00 quan), một phần (15 000, 00 quan) tôi đã giúp cho Cô Nhi Viện tại Hà Nội và, một phần mua thuốc gửi về các phương bên nhà.

Đối với những đồng bào bất hạnh, Liên Đoàn cũng cắt người đi thăm viếng anh em đau ốm hoặc bị giam cầm, giúp tìm nhà cho người lỡ bước, kiếm việc cho người thất nghiệp, hoặc tìm nơi cho học nghề,... Kỳ sinh nhật 1950 đã tổ chức một cuộc xổ số và bán đấu giá, lấy tiền mua quà bánh gửi cho anh em trong các bệnh viện và phát đồ chơi, quà bánh cho trẻ em. Lại cũng kiếm được quần áo gửi về nhà giúp mấy miền đói rét.

Nhân đây, tôi xin thay mặt cho Ban Xã Hội của Liên Đoàn, tận tình cám ơn tất cả những người đã giúp công góp của khiến cho công việc xã hội được nhiều kết quả như đã kể trên. Vì phạm vi bài này không cho phép kể hết các tên ra được, tôi chỉ xin mạn phép lấy vài tên làm thí dụ như Cô Ba, Bà Chung, v.v... nhưng kông có ý bảo những người khác kém công đâu.

Coi đó thì rõ, việc công dân và xã hội của Liên Đoàn không phải là việc mới mẻ gì mà chính nó là một hoạt động cốt yếu của Liên Đoàn. Nên việc chúng tôi làm ngày nay chỉ là một giai đoạn mới và phổ cập tới nhiều đồng bào hơn, hy vọng có dịp làm cho vết thương của quốc dân được đôi phần bớt đau đớn.

Vì thế, chúng tôi tha thiết kêu gọi hết thảy những anh em Liên Đoàn, các giới, cũ cũng như mới, nên gắng gỏi cùng với chúng tôi làm cho công cuộc được linh hiệu hơn xưa.

Chúng tôi cũng kêu gọi đến lòng quảng đại của những vị ân nhân cũ, xin các ngài một lần nữa, mở rộng lòng thương cho biết bao đồng bào quốc nội đang quằn quại trong cảnh cùng cực, đói rét đau khổ, chơi vơi hết chỗ nói mà các ngài được đặc ân hưởng thái bình và no ấm nơi đất khách.

Chúng tôi lại kêu gọi hết thảy các kiều bào mà chúng tôi chưa được hân hạnh quen biết, nhưng chúng tôi chắc chắn các ngài sẽ luôn luôn sẵn sàng hy sinh cho đất nước và giống nòi, xin các ngài giúp chúng tôi trong công việc này hòng mang một chút an ủi cho người cùng xương thịt với ta đang khốn khổ mọi bề.

Nếu mỗi người trong chúng ta bớt ra một chút những việc tieu phí xa hoa, thì chắc kết quả sẽ được khả quan.

Chúng tôi vẫn biết đồng bào bên nhà mọi sự mọi thiếu, nhưng trong dịp này, chúng tôi chú trọng nhất đến việc kiếm quần áo gởi cho đồng bào đỡ rét trong mùa đông sắp tới.

Nên, ai có quần áo, mặc dầu đã dùng rồi, xin gởi cho chúng tôi, đồng thời cũng giúp cho chúng tôi chút tiền để mượn người sửa vá và tổ chức việc chuyên tải về nhà.

Một lần nữa, chúng tôi cám ơn hết thảy những người vì dân vì nước, không đành cho nước lầm than, dân nô lệ, giống nòi tiêu diệt, bơÝt ra để tham gia vào công việc từ thiện này với chúng tôi, hoặc bằng công, hoặc bằng tiền, hoặc bằng quần áo.

(ĐINH VĂN HƯỞNG, Tuyên Úy Đoàn Lao Động và Ban Xã Hội)

 

3. Hướng mục vụ xã hội thứ hai là tương thân tương trợ với nhau ở Pháp 

Tìm đọc những tài liệu cũ còn lại, đặc biệt là bản Nội Quy đầu tiên (1947) của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam, chúng ta có thể nghĩ rằng : trong thực tế Liên Đoàn đã có những hoạt động tương trợ giữa các thành viên ‘Đoàn Lao Động’, ‘Đoàn Phụ Nữ’,‘Đoàn Chức Nghiệp’ và ‘Đoàn Sinh Viên’[2].  

Trong “Tờ biên trình hàng năm của Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam[3]”, đề ngày 24 décembre 1948, anh Pierre Le Van Đuc và anh Jean Marie L. Trong Thuc đã viết như sau : “Đây là những việc đã làm trong năm 1947-1948 của Đoàn SVCGVN :

Ban trị sự : Ngày chủ nhật 14 mars, tại nhà thờ 80 đường Vaugirard, Đại Hội Đồng của Đoàn có cử anh NGUYỄN VĂN ÁI làm đoàn trưởng. Ban trị sự gồm có hai phó hội trường (V.N. HOÀNG và L.T. THUC), một thư ký (L.V. DUC), cố vấn (T.C. CỪU), một thủ quĩ (Đ.N. LIEM), ban xã hội (N.V. THO), ban lễ lạc (V.N. TIÊN), ban báo chí (T.B. KHÁNH).

Ban xã hội : 

¨      Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, ban xã hội có giúp gần ba chục nam và nữ sinh viên qua nghỉ hè trong những gia đình Bỉ, khỏi trả tiền ăn uống và chỗ ở.

¨      Cha tuyên úy TRẦN ĐỨC MINH và một số sinh viên công giáo và không công giáo có tổ chức một trại nghỉ hè ở SOISY sur ETIOLES.

¨      Nhiều học sinh bên nhà mới qua đã được ban xã hội lo lắng cho chỗ ở và những công việc khác trong những bước đầu ở Paris.

¨      Có vài sinh viên được học bổng qua du học ở Bỉ.”

 

Trong lá thơ đề ngày 26 mai 1949, gởi cho Chị Trương Tú Phương, sinh viên dược học, 49, Bd Bourdais, Sàigòn, anh Nguyễn Văn Tho, ủy viên xã hội đã thay mặt Hội Trưởng LĐCGVN Trần Hữu Phương, xác nhận viêc cấp học bổng cho sinh viên việt nam qua học tại Bỉ. Anh viết :

“Chúng tôi có nhận được lời đề nghị xin học bổng cho chị do cha ĐIỀN gởi sang nhờ cha TRẦN ĐỨC MINH, tuyên úy LĐSVCGVN chuyển giao.

Hôm nay, chúng tôi rất hân hạnh cho chị hay Ban Trị Sự LĐCGVN và hội Phụ Nữ Công Giáo Bỉ đã thỏa thuận tặng chị trọn một học bổng để sang học tại Đại Học LOUVAIN (Bỉ). Lúc tùng học ở LOUVAIN, chị sẽ trọ nơi học xá SEDES của nữ sinh viên Bỉ, nơi đây đã có từ năm rồi một chị việt nam hiện đang học về y khoa.

Vậy xin trả lời cho chúng tôi rõ và và sắp sửa sang cho kịp kỳ nhập học tới vào đầu tháng mười. Vì muốn tránh sự rắc rối, khi xin giấy thông hành ở Việt Nam, xin chị cứ nói rằng chị xin giấy thông hành qua Pháp thôi. Khi sang tới Balê sẽ xin giấy phép đi sang Bỉi. Nếu chị cần dùng việc chi hoặc muốn hiểu rõ thêm chi tiết về học bổng, chúng tôui rất sẵn lòng giúp chị.

Mong rằng cơ hội này có thể giúp chị đôi chút trên con đường học vấn, để sau này chị về cùng chúng tôi đoàn kết phụng sự quê hương trong tình yêu Chúa, chúng tôi xin gởi sang chị lời chào thân ái của anh em Công Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại.[4]  

Trong bản tường trình đề ngày 20. 06. 1949 của Liên Đoàn gửi lên Đức Cha Henri Chappoulie, thư ký của Hàng Giám Mục Pháp và Giám đốc quốc gia về tổ chức Giáo Hoàng Truyền Giáo, có ghi như sau : Một trong bốn sinh hoạt chính yếu của Liên Đoàn là : « Giúp đỡ các gia đình Việt Nam : thăm viếng người đau yếu, giúp hợp thức hóa các đôi bạn ‘sống chung ngoài hôn phối’, ‘vợ chồng khác tôn giáo’, ‘gia đình có con cần học tiếng việt và giáo lý’[5] . 

Đại hội 01. juillet 1951 đã lấy thêm một quyết nghị mới. “Đại hội nghị chuẩn y sự dự định của Ban Trung Ương cho anh Nguyễn Paul Hoặc mướn phòng khách của Liên Đoàn để mở rộng quán cơm. Cuộc thí nghiệm sẽ làm trong ba tháng  Juillet-Août-Septembre, tuỳ kết quả, Ban Trung Ương sẽ quyết định thêm. Điều kiện trong lúc thí nghiệm là anh Hoặc phải nộp 75% tiền lời cho Liên Đoàn để trả tiền Trụ Sở và phải giữ dìn sạch sẽ trong Trụ Sở[6] 

Cũng trong Đại hội 01/07/1951 này, anh Trần Hữu Phương[7] đã làm một bản bá cáo tổng quát về hai năm sinh hoạt của Liên Đoàn, 1949/1950-1950/1951. Về “Việc giúp đỡ nhau“, anh viết : “Tuy chỉ có những phương thế rất hẹp hòi, Liên Đoàn cũng không quên việc giúp đỡ lẫn nhau, dựa vào những ban chuyên môn.

-         Ban cứu trợ : Lo tổ chức việc tiếp đón các bạn đỗ trọ tại phòng ngụ chung, trong lúc đợi tìm nhà ở  hay việc làm. Trong năm học vừa qua, mỗi tháng Liên Đoàn rước non 15 bạn qua đàng.

-         Ban xã hội : Giữ việc giao dịch với các cơ quan công giáo hay xã hội khác, giao thiệp với các gia đình Pháp-Bỉ hảo tâm, muốn rước những anh chị em trong các kỳ nghỉ phục sinh, sinh nhật và hè. Trong năm 1949, có hơn 60 gia đình rước các bạn trong các dịp nghỉ ấy. Việc vào các gia đình như vậy, giúp các bạn vừa nghỉ khoẻ, vừa có thể quan sát cách tổ chức nội trợ bên trong, cách nuôi nấng giáo dục con cái, và nhờ thế mà hiểu đặng tinh thần gia đình các xứ văn minh Âu Tây. Trái lại, như đã nhận thấy trong nhiều bbức thơ ; các gia đình ấy cám ơn ảnh hưởng tốt các bạn đã gieo vào gia đình trong lúc nghỉ. Liên Đoàn hiện đang có những giao thiệp với những cơ quan công giáo, như Pax Romana.

 

Ngoài ra, việc ma chay cho các bạn cũng là việc mục vụ xã hội được anh em trong Liên Đoàn lo lắng thực hiện.. Trong báo LIÊN ĐOÀN, số 83, ngày 15/09/1952, bản tin sau đây làm nhiều người xúc động :

BAN XÃ HỘI LAO ĐỘNG VÀO VIỆC : Đám tang anh NGUYỄN PHÚC QUỲNH

Sau khi được tin anh Nguyễn Phúc Quỳnh thở hơi sau cùng, Ban Xã Hội Lao Động liền gởi đi bản kêu gọi lạc quyên sau đây :

Balê, ngày 03 tháng 09 năm 1952

Thưa bạn,

Chúng tôi rất đau đớn đưa tin anh Nguyễn Phúc Quỳnh đã mệnh chung.

Anh Quỳnh là người vẫn giúp việc cho quán cơm LIÊN ĐOÀN; chắc các bạn nhiều người đã biết và quí mến anh : anh thực chăm chỉ, tính nết lại thuần nhã, vui vẻ. Ta mất ở anh một người bạn thật đáng mến !

Anh vì hoàn cảnh riêng, đã xa nhà từ hồi niên thiếu, bặt tin người thân thuộc đã lâu. Ngày nay ra người quá cố, anh không còn một ai thân thích để lo liệu việc mai táng, vả lại ở nơi đất khách quê người,...

Vậy chúng ta nên kẻ ít người nhiều gom góp lấy số tiền để trang trải việc đưa anh tới nơi an nghỉ ngàn thu.

Ban Xã Hội Lao Động, thay mặt vong linh anh NGUYỄN PHÚC QUỲNH, đa tạ.

(Và tiếp theo là một sổ ghi tên khoảng 30 ân nhân đã đóng góp) 

 

LỜI KẾT 

Mục vụ xã hội trong giai đoạn đầu tiên thành lập giáo xứ, thời kỳ Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 1947-1952, đã được xây dựng, như lời bác sĩ NGUYỄN VĂN ÁI,  trên nền tảng “Bác ái công giáo[8]“. Hướng đi thứ nhất bao gồm một loạt những công việc mà mục tiêu là “giúp đỡ những đồng bào thiếu thốn ở Việt Nam”.  Hướng đi thứ hai sáng kiến ra những sinh hoạt tại Pháp, mà mục tiêu là tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trong những ngày viễn xứ cầu học. Những sinh hoạt này rất đa dạng : nghỉ hè trong những gia đình Bỉ, Pháp; trại nghỉ hè chung với nhau cả lương lẫn giáo; giúp kiếm chỗ ở, tìm việc làm; cho đỗ trọ lúc qua đường; giúp kiếm học bổng; thăm các trại công nhân; giúp hợp thức hoá các đôi bạn sống chung ngoài hôn phối; giúp dậy tiếng việt cho trẻ em; mở quán cơm xã hội cho người việt tại trung ương; thăm giúp người đau yếu; lo ma chay mai táng cho anh em,...Lời nhắn nhủ của cha NGUYỄN NGỌC QUANG gởi cho anh TRẦN HỮU PHƯƠNG, trong thơ từ Vĩnh Long, đề ngày 12 avril 1947, thật không quá : “Tôi vừa đặng thơ anh gởi. Cám ơn và mừng cho các anh em ở bển vẫn hăng hái lo cho tương lai đạo thánh. Xin Chúa cho anh em không bao giờ ngã lòng, vì ngã lòng là một tội lớn nhất và không có gì cứu vãn lại đặng. Chớ chi Hội Thánh Việt Nam sau nầy được những chiến sĩ đủ tài đủ đức của Liên Đoàn đào tạo ra, thì quí và phước biết chừng nào. Chúng tôi và riêng về phần tôi, không bao giờ quên Liên Đoàn được. Nhứt là trong lúc này là lúc dân tâm sôi nổi giữa lương giáo vì những chuyện đâu đâu.[9]

 

Paris, ngày 06 tháng 09 năm 2007

Trần Văn Cảnh


[1] Đinh Văn Hưởng, “Lai lịch Ban Xã Hộỉ “, trong  Liên Đoàn, số 83, ngày 15/09/1952, tr. 7-8

[2] Kỷ Yếu 50, tr. 14

[3] “Tờ biên trình hàng năm của LĐSVCG VN”, Paris, 24-déc 1948, bản đánh máy, có chữ ký của hai thơ ký Lê Văn Đức và Lâm Trọng Thúc.

[4] Thơ đánh máy, có chữ ký của Nguyễn Văn Thơ, thay mặt Hội Trưởng LĐCGVN Trần Hữu Phương.

[5] Kỷ Yếu 50, tr. 22

[6] “Trích lục biên bản Đại Hội Nghị thường lệ, họp tại trụ sở 36bis Bd Raspail, ngày 1er Juillet 1951”; Chủ tọa Anh Trương Công Cừu, thư ký anh Trần Hữu Phương. Bản đánh máy.

[7] Trần Hữu Phương ; Liên Đoàn CGVN ở Hải ngoại (1949/50-1950/51), bản bá cao viết tay, tr. 9-10

[8] Nguyễn Văn Ái,  “Bác ái công giáo“,trong  Liên Đoàn, số 83, ngày 15/09/1952, tr. 12-13

[9] Nguyễn Ngọc Quang, thơ đánh máy có chữ ký, đề ngày 12 avril 1947. (Cha Quang, trong thời gian du học tại Pháp, từ 1939 đến 1947, đã sinh hoạt với Liên Đoàn. Năm 1947 bỏ Pháp về Việt Nam, ngài dậy học trong tiểu chủng viện Á thánh Minh. Sau này ngài làm Giám Mục Cần Thơ 1965, và Chưởng Ấn Viện Đại Học Công Giáo Đà Lạt 1970-1975. Ngài được Chúa gọi về ngày 20.06.1990).

Tác giả Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!