3b.    Danh tiếng Ngài đồn ra khắp vùng

Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động ở Galilê, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Lời giảng của Ngài mang lại sứ điệp cứu thoát cho người nghèo, khác với lời giảng của Gioan nói nhiều về sự phán xét và luận phạt. Lúc ban đầu, dân chúng đón tiếp Chúa Giêsu một cách nồng nhiệt, nhưng dần dà người ta thù hận Chúa Giêsu và chống đối sứ điệp của Ngài. Ngay từ đoạn đầu phúc âm, Luca cho ta thoáng thấy những gì Chúa phải chịu sau này: bị xua đưôi, bắt bớ và bị giết chết. Nhưng ông cũng cho ta hay rằng Đức Giêsu sẽ toàn thắng vì Ngài là Chúa.

Được đầy tràn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu rời Giođan và trải qua bốn mươi ngày ở trong hoang vắng.

Với quyền năng của Thánh Thần, Chúa Giêsu trở về Galilê, và danh tiếng Ngài lan rộng khắp cả vùng. Ngài giảng dậy trong các hội đường và mọi người ca ngợi Ngài.

(Lc 4:1,14,15)

Chúa Giêsu đến Nagiaret nơi Ngài đã lớn lên. Vào ngày Sabat Ngài vào hội đường như mọi khi. Ngài đứng dậy để đọc Kinh Thánh và người ta trao cho Ngài cuốn sứ ngôn Isaia. Ngài mở trục sách ra và gặp ngay đoạn này:

"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi.

Ngài đã chọn tôi để đem tin mừng cho người nghèo,

đã sai tôi loan báo tự do cho người tù đầy,

và ánh sáng cho người mù;

giải thoát cho người bị áp bức,

và công bố năm khoan hồng của Thiên Chúa".

Ngài cuộn trục sách lại, trao cho người giúp lễ và ngồi xuống. Mọi cặp mắt trong hội đường nhìn vào Ngài. Ngài bắt đầu nói:

"Hôm nay bản văn Kinh Thánh được thể hiện ngay trước mắt các người".

Mọi người thán phục Chúa Giêsu và người ta ngạc nhiên về lời tuyên bố của Ngài.

Họ nói:

"Người này không phải là con trai của Ông Giuse sao?".

Ngài đáp lại:

"Chắc chắn các người sẽ nhắc lại câu ngạn ngữ: bác sĩ hãy chữa chính mình! Và bảo tôi: chúng tôi đã hay những gì ông làm tại Caphanaum, vậy ông hãy làm những việc lạ lùng như thế ở đây đi !".

Và Ngài tiếp:

"Tôi bảo cho các người, chưa có vị ngôn sứ nào được đón tiếp tại quê mình. Hãy nhớ rằng: nhiều bà goá trong Israel dưới thời Elia khi hạn hán kéo dài ba năm và sáu tháng, và cơn đói kém lan tràn khắp miền. Thế mà Elia đã không được sai đến với một người nào trong họ, nhưng được sai đến với bà goá ở Sarepta, xứ Siđôn. Dưới thời ngôn sứ Elisa, có nhiều người phong hủi trong Israel, nhưng không có người nào được chữa lành, ngoại trừ Naaman, người Syria".

Khi họ nghe những lời này, mọi người trong hội đường nổi giận. Họ đứng bật dậy và lôi Ngài ra ngoài thành, họ đem Ngài lên sườn đồi với ý định xô người xuống vực. Nhưng Chúa Giêsu đã lẩn qua giữa đám đông và đi khỏi.

(Lc 4:16-30)

Chúa Giêsu không chỉ lên tiếng vào các dịp lễ ở hội đường. Ngài muốn sứ điệp của Ngài đến với mọi người, ở bất cứ nơi nào. Ngài cần nhiều người cộng tác trong việc này. Những người cộng tác đầu tiên này thuộc số những người đánh cá ở hồ xứ Galilê. Các bản văn nhắc đến tên Simon Phêrô trước hết và kể chi tiết lời mời gọi ông, bởi vì ông có một vai trò quan trọng trong nhóm các môn đệ. Các môn đệ không phải được gọi vì đã có sự thánh thiện gì đặc biệt, nhưng họ chỉ cần có lòng quảng đại tin thật vào lời Chúa Giêsu. Thông thường, trò đi tìm thầy nhưng Chúa Giêsu mời gọi người nào Ngài muốn.

Chúa Giêsu đang đứng bên cạnh hồ Gênêgiarét, có đám đông chen chúc nhau nghe lời Ngài. Ngài thấy có hai chiếc thuyền ở gần bờ. Các người đánh cá đã ra khỏi thuyền đang giặt lưới. Chúa Giêsu xuống một thuyền, đó là thuyền của ông Simon, rồi Ngài xin ông chèo thuyền ra xa khỏi bờ. Ngài ngồi xuống và giảng dạy đám đông.

Sau bài giảng, Ngài nói với Simon:

"Hãy đưa thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá".

Simon đáp lại:

"Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được chi. Nhưng nếu Thầy đã nói vậy, tôi sẽ thả lưới".

Họ đã làm theo lời dạy, và bắt được số lượng cá thật nhiều đến gần rách lưới. Họ ra hiệu kêu các bạn ở thuyền khác lại giúp. Các bạn tới và họ bắt cá bỏ đầy thuyền đến gần chìm.

Simon thấy vậy vội quì xuống trước mặt Chúa Giêsu và nói:

"Xin hãy xa tôi vì tôi là người tội lỗi!"

Ông và các bạn hoang mang vì mẻ cá vừa bắt được. Hai ông Giacôbê, và Gioan con ông Giêbêđê là người cùng làm với Simon cũng thế. Chúa Giêsu nói với Simon:

"Đừng sợ, từ nay về sau ông sẽ là kẻ bắt tâm hồn người ta".

Họ mang thuyền vào bờ, bỏ mọi sự và theo Ngài.

Danh tiếng Ngài được truyền tụng, và những đám đông tuôn đến nghe lời Ngài và xin Ngài chữa bệnh.

(Lc 5,1-11,15)

Không bao lâu sau có một cuộc tranh luận, lần này xảy ra giữa Chúa Giêsu và những người Pharisiêu, luật sĩ trong thành. Chúa Giêsu quả quyết mình có quyền tha tội và vì thế gây ra cuộc tranh cãi. Chúa Giêsu chữa một người què để chứng tỏ quyền năng siêu phàm của Ngài phát xuất từ Thiên Chúa. Chữa lành bệnh tật xem ra đối với người Do Thái là khó hơn việc nói xuông "Ta tha tội cho con". Khi kể lại câu chuyện chữa lành bệnh này, Luca muốn cho thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài có thể cứu con người toàn diện.

Một hôm khi Ngài đang giảng, có những người Pharisiêu và luật sĩ đến từ các làng thuộc Galilê, Giuđêa và Giêrusalem ở giữa đám thính giả. Quyền năng của Thiên Chúa cho phép Ngài chữa lành bệnh tật. Vì thế có mấy người khiêng đến một người tê liệt, họ tìm cách mang vào và đặt ngay trước mặt Chúa. Nhưng họ không thể làm được vì kẹt đám đông. Họ liền lên chỗ mái nhà phẳng mở ngói và thòng người bệnh nằm trên chiếc ghế nằm xuống giữa đám đông trước mặt Chúa Giêsu.

Nhìn thấy đức tin của họ, Chúa nói:

"Tội của bạn đã được tha".

Người Pharisiêu và luật sĩ bắt đầu ngẫm nghĩ:

"Người này là ai mà dám nói phạm thượng như thế? Ai có thể tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa?".

Nhưng Chúa Giêsu biết được ý nghĩ của họ, nên Ngài lên tiếng:

"Các ông đang nghĩ gì vậy? Hai việc này, việc nào dễ hơn: tội của ông đã được tha hay đứng dậy mà đi? Nhưng để cho các ông hay rằng Con Người có thẩm quyền tha tội dưới đất, Ta bảo người này, hãy đứng dậy, vác ghế nằm mà về nhà".

Lập tức người đó đứng dậy, vác ghế nằm và đi về nhà, vừa đi vừa ngợi khen Thiên Chúa. Tất cả đều sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa. Họ sợ hãi và nói với nhau:

"Hôm nay, chúng ta đã nhìn thấy những sự lạ lùng!"

(Lc 5,17-26)

Những người thu thuế thường bị coi là những người lừa đảo và bất lương. Nhưng Chúa Giêsu không để ý đến dư luận đó và đã mời gọi ông Lêvi gia nhập nhóm môn đệ. Lời mời gọi của Chúa đã làm cho người Pharisiêu và luật sĩ khó chịu. Chúa Giêsu lại hay lui tới với những người tội lỗi và bị khinh chê. Thái độ đó đưa tới sự xung đột giữa Ngài và những người tuân giữ các truyền thống và luật lệ. (Lêvi có tên là Matthêu trong phúc âm của Matthêu).

Sau đó Ngài đi ra và để ý tới một người thâu thuế tên là Lêvi, đang ngồi ở trong văn phòng thuế; Ngài nói với ông ta:

"Hãy theo tôi!"

Ông ta bỏ lại tất cả đứng dậy và theo Ngài. Lêvi mở một bữa tiệc tại nhà mình, có rất nhiều thâu thuế và dân chúng tham dự Người Pharisiêu và luật sĩ chê trách với các môn đệ rằng:

"Làm sao các ông lại ăn chung với những người thu thuế và tội lỗi?"

Chúa Giêsu lên tiếng trả lời:

"Không phải những người lành mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là những người đau ốm; tôi đến không phải để kêu gọi những người đức hạnh thống hối, nhưng những người tội lỗi".

(Lc 5,27-32)

Chúa Giêsu đã gọi 12 người để lập thành nhóm cộng tác mật thiết. Kinh Thánh gọi họ là các tông đồ, có nghĩa là những người được sai đi. Con số 12 nhắc nhở đến 12 bộ lạc của Israel; đó là một cách tượng trưng cho toàn dân. Điều đó diễn tả ý muốn của Chúa Giêsu triệu tập toàn dân chúng và đưa họ về với Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa lúc ban đêm chứng tỏ tầm quan trọng của việc chọn lựa các vị này.

Chúa Giêsu đi lên đồi cao cầu nguyện suốt đêm và Ngài cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Khi trời sáng, Ngài gọi các môn đệ và chọn ra mười hai người làm tông đồ: Simon được Ngài gọi là Phêrô, và anh ông là Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê, Batôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphêô, Simon gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariôt, người phản bội Ngài.

(Lc 6,12-16)

Dân chúng đến từ mọi nơi để nghe Chúa Giêsu, nhưng ở đây Ngài không chữa lành bệnh cho ai cả. Ngài bắt đầu giảng dậy bằng việc loan báo những mối hạnh phúc. Những người ít được xã hội lưu ý như người nghèo, người đói, người khổ đau và bị áp bức, nghe rằng Thiên Chúa đặc biệt yêu thương họ.

Ngài đi xuống cùng với họ, và dừng lại trên một vùng đồng bằng. Nơi đó đã có một số đông các môn đệ tụ họp, và đám đông dân chúng từ mọi miền của Giuđêa, Giêrusalem và miền bờ biển Tyrô, Siđôn tuôn đến nghe lời Ngài và xin Ngài chữa lành bệnh tật.

Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:

"Hạnh phúc cho các con là những người nghèo,

vì nước Thiên Chúa là của các con!

Hạnh phúc cho các con là những người bây giờ đói khát,

vì các con sẽ được no thỏa!

hạnh phúc cho các con là những người bây giờ đang than khóc,

vì chúng con sẽ được vui cười!"

(Lc 6,17.18a.20.21)

Matthêu đi vào chi tiết các "mối hạnh phúc" và ghi chú nhiều hơn. Ngài nói cho dân chúng đang đợi chờ mọi sự từ Thiên Chúa, và với thái độ này họ mở lòng mình cho người khác. Người nào cảm thấy mình được Chúa thương và là môn đệ của Chúa Giêsu, thì họ biết mình có trách nhiệm đối với thế giới chung quanh. Người được chọn phải là muối và ánh sáng của thế giới.

Nhìn thấy đám đông, Ngài lên đồi cao và ngồi xuống. Có các môn đệ đến ngồi gần. Ngài bắt đầu lên tiếng dậy dỗ họ:

"Hạnh phúc cho người có tâm hồn của kẻ nghèo,

vì nước trời là của họ!

Hạnh phúc người hiền dịu,

vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp!

Hạnh phúc người than khóc,

vì họ sẽ được an ủi!

Hạnh phúc người đói khát sự công chính,

vì họ sẽ được an ủi!

Hạnh phúc người đói khát sự công chính,

vì họ sẽ được thỏa mãn!

Hạnh phúc người hay thương xót,

Chúa sẽ thương xót họ!

Hạnh phúc người trong trắng trong tâm hồn,

vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa!

Hạnh phúc người xây dựng hòa bình,

vì họ được gọi là con Thiên Chúa!

Hạnh phúc người bị bắt bớ vì hành động theo tâm ý của Chúa,

vì nước trời là của họ!

Hạnh phúc cho các con khi người ta hành hạ bắt bớ, và khi người ta nói xấu đủ điều vì đã theo Thầy. Các con hãy vui mừng và sung sướng vì phần thưởng của các con trên trời rất lớn!

(Mt 5,1-12a)

"Các con là muối đất. Nhưng nếu muối nhạt nhẽo thì còn làm cho cái gì mặn được? Nó không còn ích lợi gì nữa, chỉ đáng đổ ra ngoài cho người ta dầy đạp dưới chân.

Các con là ánh sáng thế giới. Một thành xây ở trên ngọn đồi không thể bị che khuất.

Không ai thắp đèn lên rồi lại để ở dưới đáy thúng, nhưng phải để trên giá nơi có thể chiếu sáng cho mọi người trong nhà. Cũng một cách đó, ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt người ta, để họ nhìn thấy việc các con và ngợi khen Cha các con ở trên trời".

(Mt 5,13-16)

Người nào được Thiên Chúa thương yêu, thì phải tỏa rộng tình thương này. Yêu thương kẻ thù, là một dấu chỉ nổi bật của người môn đệ Chúa Giêsu Con Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa nhân từ với chúng ta, thì chúng ta cũng phải tỏ ra nhân từ với những người chung quanh chúng ta.

"Thầy nói với các người đang nghe Thầy, hãy yêu thương kẻ thù, làm điều tốt cho những người ghét mình, chúc lành cho người nguyền rủa mình.

Hãy đối xử với người khác như mình muốn người ta đối xử với mình. Nếu các ngươi yêu thương những người yêu thương các ngươi, nào các ngươi có làm điều gì lạ lùng đâu? Ngay cả kẻ tội lỗi cũng làm như thế. Và nếu các ngươi cho những kẻ có cơ trả lại cho các ngươi vay mượn, các ngươi có làm điều gì lạ đâu? Ngay kẻ tội lỗi cũng cho vay để lấy lại vốn tương đương. Trái lại, các ngươi hãy yêu kẻ thù các ngươi và làm điều tốt, hãy cho vay và đừng mong có thể được hoàn trả. Các ngươi sẽ lãnh phần thưởng lớn lao và sẽ trở thành con của Đấng Tối Cao, vì Ngài tốt lành. Ngài độ lượng đối với kẻ vô ơn và ác độc".

(Lc 6,27.28.31-36)

Kinh cầu nguyện của Thiên Chúa, kinh Lạy Cha, tóm lược sứ điệp của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa. Ba lời xin đầu tiên đề cập tới Nước Chúa đến. Lời xin danh thánh Thiên Chúa được tôn vinh và ý của Ngài được thể hiện biểu lộ ước nguyện thành lập vương quyền của Thiên Chúa trong thế giới. Những lời xin kế tiếp đề cập đến những mối đe dọa lớn của đời sống con người như đói kém, xúc phạm, thiếu đức tin, ác độc. Người nào có thể gọi Thiên Chúa là "Cha", như Chúa Giêsu, họ được mọi sự lành. Đức tin giải thoát họ khỏi mọi phiền muộn và lo lắng.

"Khi các ngươi cầu nguyện, đừng nói bi bô như dân ngoại làm, vì họ tưởng rằng với nhiều lời, họ sẽ được nghe. Đừng bắt chước họ, Cha các người biết các điều các người cần trước khi các người xin Ngài. Vậy các người hãy cầu nguyện như thế này:

"Lạy Cha chúng con ở trên trời,

chúng con nguyện danh Cha cả sáng,

nước Cha trị đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.

Và tha nợ chúng con,

như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ!"

(Mt 6,7-13)

 

  CỰU ƯỚC

*     Dẫn nhập

1. Lạy Chúa là Thượng Đế, Ngài thật là cao cả

2. Lạy Chúa, Chúa tha thứ lỗi lầm cho dân Chúa

3. Ta sẽ làm cho con thành một dân tộc lớn

4. Thiên Chúa ở với Giuse

5. Ta sẽ đưa các con ra khỏi Ai Cập

6. Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi

7. Ta sẽ kết một giao ước với các ngươi

8. Ta sẽ ban cho các ngươi một xứ sở

9. Chúa cai trị

10. Hãy tìm kiếm Ta và các ngươi sẽ được sống

TÂN ƯỚC

*     Dẫn nhập

1b. Đấng Cứu Thế sinh ra cho các bạn

2b. Con là Con yêu dấu của Ta

3b. Danh tiếng Ngài đồn ra khắp vùng

4b. Các dụ ngôn

5b. Người này là ai vậy?

6b. Ngài quyết định lên đường về Giêrusalem

7b. Đức Kitô chẳng phải chịu những đau khổ này sao?

8b. Các con sẽ là nhân chứng của Ta.