7b.    "Đức Kitô chẳng phải chịu những đau khổ này để vào vinh quang của Ngài hay sao?"

Chúa Giêsu đến chặng cuối cùng của cuộc hành trình. Tại Giêrusalem, thành thánh, Ngài sẽ phải hoàn tất sứ mệnh của Cha bằng cái chết trên thập giá. Việc vào thành của Ngài được xem như là bằng chứng vương quyền của Ngài. Nhưng Ngài ra mắt bằng cách cỡi con lừa, chứng tỏ vương quyền của Ngài khác với quyền của các vị đế vương trên thế giới.

Ngài bảo hai trong số các môn đệ đi chuẩn bị cho Ngài vào thành Giêrusalem. Trong đoạn này, Luca cho thấy Đức Giêsu là Chúa, Đấng biết trước việc gì sẽ xảy ra. Ngài muốn đối đầu một cách ý thức các biến cố dẫn Ngài đến cái chết. Con người không có thể làm gì chống lại Ngài được; chính Ngài tự nguyện nhận cái chết.

Chúa Giêsu đi đầu đưa các môn đệ hướng về Giêrusalem... Khi họ đến gần Bêphagê và Bêtani, gần núi Cây Dầu, Ngài sai hai môn đệ đi và bảo họ:

"Hãy đi vào trong làng trước mặt. Khi vào trong làng, các con sẽ thấy một con lừa con chưa có ai cỡi đang bị cột giây ở đó; các con hãy cởi giây và dẫn về đây. Nếu có ai hỏi các con tại sao lại cởi giây nó, thì các con thưa rằng: Thầy cần đến nó".

Hai người được sai đi đã lên đường và gặp thấy mọi sự như Ngài đã bảo họ. Khi họ đang cởi giây lừa thì chủ nhân đến hỏi họ:

"Tại sao các ông cởi giây lừa?"

Họ trả lời:

"Bởi vì Thầy cần đến nó".

Và họ đã dẫn con lừa đến phủ áo lên lưng cho Chúa cỡi lên trên. Khi Ngài đi, dân chúng trải áo của họ trên đường. Khi Ngài tới gần chân núi Cây Dầu, các môn đệ bắt đầu vui mừng và tung hô Thiên Chúa lớn tiếng vì những việc lạ lùng họ đã được xem thấy. Họ hô lớn tiếng:

"Chúc tụng đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến!

Bình an trên trời và vinh quang Thiên Chúa!"

Một vài người Pharisêu từ giữa đám đông nói với Chúa:

"Thưa Thầy, xin khiển trách các môn đệ của Thầy"

Ngài đáp:

"Tôi bảo thật, nếu những người này họ im tiếng thì những hòn đá sẽ hô hét lên!"

(Lc 19,28-40)

Dân chúng bình dị đã tỏ ra yêu mến Chúa Giêsu rất nồng nhiệt. Kẻ thù đích thực của Ngài là lớp thượng tế và các luật gia. Những người này sợ rằng dân chúng sẽ nổi loạn nếu họ bắt và hành quyết Chúa Giêsu trước mặt dân chúng. Đó là lý do tại sao họ khấp khởi chấp nhận đề nghị của một môn đệ Chúa Giêsu xin nộp Ngài một cách kín đáo.

Ngày lễ Bánh Không Men, cũng gọi là Vượt Qua, đã tới gần. Các thượng tế, ký lục đang tìm cách để loại trừ Chúa Giêsu, nhưng họ còn e sợ dân chúng. Lúc ấy Satan nhập vào Giuđa, có biệt hiệu là Iscariôt, là một trong số mười hai. Ông đến thảo luận với các thượng tế và các đầu mục quản lý Đền thánh về phương cách giao nộp Chúa Giêsu. Lớp người này sung sướng và đồng ý cho ông một số tiền. Giuđa chấp thuận và tìm cơ hội để phản bội Chúa Giêsu không cho dân chúng hay biết.

Vào cận ngày lễ Vượt Qua, người Do Thái có tục lệ ăn con chiên hiến tế trong đền thờ. Bữa ăn có rượu, rau đắng và bánh không men (vì thế gọi là "Lễ Bánh Không Men"). Phêrô và Gioan được giao trách nhiệm sửa soạn. Chúa Giêsu, trong bữa ăn đã loan báo cái chết của Ngài, nhưng Ngài hứa với các môn đệ một cuộc gặp gỡ khác trong Nước Thiên Chúa. Trong bữa ăn tối, Ngài cầm lấy bánh và rượu và cho chúng một ý nghĩa mới, ý nghĩa của chính thân Ngài bị nộp, máu Ngài phải đổ, làm chứng cho tình yêu của Ngài đối với con người. Cái chết của Ngài thể hiện giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại; giao ước mới này đã được Giêrêmia loan báo. Chúa Giêsu hy sinh mạng sống cho mọi người. Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi cho nhân loại. Việc cử hành Thánh Thể ngày nay là việc tưởng niệm bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ.

Rồi tới ngày lễ Bánh Không Men là ngày con chiên Vuợt Qua được hiến tế. Chúa Giêsu sai Phêrô và Gioan đi và nói:

"Hãy đi chuẩn bị cho bữa ăn Vượt Qua".

Họ hỏi lại Ngài:

"Thầy muốn chúng tôi dọn bữa đó ở đâu?"

Ngài đáp:

"Khi các con vào trong thành các con sẽ gặp một người đàn ông mang một bình nước. Hãy theo ông vào trong nhà và bảo chủ nhà rằng: "Thầy hỏi ông xem phòng ăn ở đâu để Ngài có thể ăn tiệc Vượt Qua với các môn đệ". Bấy giơ ông sẽ chỉ cho các con một phòng gác rộng đã có sẵn các ghế nằm. Các con hãy sửa soạn ở đó".

Họ ra đi và thấy mọi sự như Ngài đã bảo họ, và họ đã sửa soạn lễ Vượt Qua ở đó.

Khi đến giờ, Chúa Giêsu ngồi vào bàn với các môn đệ và bảo họ:

"Thầy đã ước muốn được ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi phải chịu khốn khổ. Vì Thầy đã nói với các con rằng. Vì Thầy bảo các con Thầy sẽ không còn uống rượu nữa cho tới khi nước Thiên Chúa đến".

Rồi Ngài lại cầm lấy bánh, tạ ơn Thiên Chúa, bẻ ra chia cho họ và nói:

"Đây là thịt Thầy sẽ bị giao nộp vì các con. Hãy làm việc này để nhắc nhở đến Thầy".

Cũng vậy, sau bữa ăn tối, Ngài cầm lấy chén và nói:

"Chén này là giao ước mới được bảo đảm do máu Thầy, máu sẽ bị tuôn đổ ra vì các con.

Thế nhưng, cùng ngồi đồng bàn với Thầy có bàn tay của kẻ phản bội Thầy. Con Người sẽ ra đi theo ý định của Thiên Chúa; nhưng khốn cho kẻ phản bội!"

Họ bắt đầu hỏi nhau xem ai trong bọn họ sẽ làm điều bội phản này.

Phêrô nói:

"Thưa Thầy, tôi sẵn sàng theo Thầy dẫu vào tù hay phải chịu chết".

Và Chúa Giêsu nói:

"Thầy bảo thật con, hỡi Phêrô, hôm nay trước lúc gà gáy, con sẽ chối ba lần rằng con chẳng biết Thầy".

(Lc 22,7-23, 33.34)

Gioan sử gia kể lại một sự kiện khác nữa. Trong bữa ăn cuối cùng, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Việc này là bổn phận của tôi tớ trong nhà. Bằng cử chỉ này Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy trót cuộc sống của Ngài là phục vụ và cái chết sắp tới sẽ là tột đỉnh của tình yêu. Lúc ban đầu, Phêrô và các môn đệ không hiểu. Nhưng Chúa Giêsu bảo họ rằng muốn làm môn đệ Ngài phải xử sự như Ngài và sống như Ngài đã sống. Điểm đặc biệt của người môn đệ Chúa Giêsu là phục vụ chứ không ra lệnh. Gioan làm nổi bật hơn các sử gia phúc âm khác về sự bình thản uy dũng của Chúa Giêsu đối diện với cái chết. Đối với Ngài, việc dâng hiến cuộc sống mình đến chết là hành trình từ cõi đời này về với Chúa Cha.

Trước khi lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài phải rời bỏ thế giới này để về cùng Chúa Cha, Ngài đã luôn yêu thương những người thuộc về Ngài ở trong thế giới, nhưng lúc này Ngài tỏ ra cho thấy tình yêu của Ngài trọn vẹn chừng nào.

Khi họ đang ăn bữa tối, thì ma quỉ đã gieo vào đầu óc Giuda Iscariôt, con ông Simon, ý định nộp Ngài. Chúa Giêsu đã biết rằng Chúa Cha trao mọi sự trong tay Ngài và Ngài đã từ Thiên Chúa mà đến thì cũng trở về cùng Thiên Chúa. Ngài đứng dậy khỏi bàn, cởi áo khoác ngoài và lấy khăn lau thắt chung quanh lưng. Rồi Ngài đổ nước vào trong một cái chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lau với khăn thắt chung quanh lưng. Khi Ngài tới ông Simon Phêrô thì ông nói với Ngài:

"Thưa Thầy, Thầy rửa chân cho con sao!"

Chúa Giêsu đáp"

"Lúc này con chưa hiểu việc Thầy làm, nhưng sau này con sẽ biết".

Phêrô nói:

"Không bao giờ con để cho Thầy rửa chân con!"

Chúa Giêsu đáp:

"Nếu Thầy không rửa chân cho con, thì con chẳng có gì chung với Thầy".

Simon Phêrô nói với Ngài:

"Vậy, xin Thầy rửa không những chân mà cả tay và đầu con nữa!"

Chúa Giêsu nói:

"Không người nào sau khi đã tắm rồi lại còn cần rửa nữa, người đó hoàn toàn sạch sẽ. Các con cũng vậy, các con đã sạch, nhưng không phải tất cả chúng con đều sạch!"

Vì Chúa Giêsu biết ai sắp nộp Ngài, nên Ngài nói: "Không phải tất cả chúng con đều sạch".

Khi rửa chân cho họ xong Ngài mặc áo trở lại và trở về bàn; Ngài nói:

"Các con có hiểu điều Ta vừa làm cho các con không? các con gọi Ta là Thầy và Chúa, các con nói thế là đúng vì Ta đúng như vậy. Vậy, nếu Ta là Chúa và là Thầy, đã rửa chân cho các con, các con cũng phải rửa chân cho nhau. Ta đã cho các con một mẫu gương để các con làm như Ta đã làm cho các con".

(Gioan 13,1-15)

Chúa Giêsu trải qua kinh nghiệm khắc khoải của con người trước khi chết. Nhưng từ bên trong Ngài đã múc được sức mạnh cần thiết do lời cầu nguyện để có thể chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa. Đó là một gương mẫu cho các môn đệ,... và cho chúng ta.

Được Thiên Chúa tăng sức, Ngài đã có thể trực diện với kẻ phản bội và đội lính tuần tiễu trong tinh thần thanh thản. Luca cho thấy trong tình trạng cùng cực nguy hiểm, Chúa Giêsu đã không nghĩ đến mình. Một lần nữa Ngài hành động theo tư cách là Đấng Cứu Thế của nhân loại.

Ngài đi ra và bước về núi Cây Dầu như thói quen. Các môn đệ đi theo Ngài. Khi họ tới nơi, Ngài bảo họ:

"Các con hãy cầu nguyện để khỏi bị sa ngã trước thử thách".

Ngài lui xa khỏi họ, khoảng chừng một tầm ném hòn đá; và quì xuống cầu nguyện:

"Lạy Cha, nếu đây là ý muốn Cha, xin cất cho con khỏi chén đắng này! Tuy nhiên xin theo ý Cha chứ không phải ý con".

Rồi một thiên thần từ trời hiện ra với Ngài mang sức mạnh đến cho Ngài. Trong cơn khắc khoải Ngài còn cầu nguyện tha thiết hơn và mồ hôi rơi xuống đất từng giọt như những giọt máu to. Cầu nguyện xong, Ngài đến với các môn đệ và thấy họ đang ngủ mệt vì buồn phiền, Ngài bảo họ: "Các con có thể ngủ được sao? Hãy chỗi dậy và cầu nguyện để khỏi bị sa ngã trước thử thách".

(Lc 22,39-46)

Ngài còn đang nói thì một nhóm người xuất hiện. Đứng đầu họ là Giuđa, một trong nhóm mười hai. Ông tiến đến sát Chúa Giêsu để hôn Ngài. Chúa Giêsu nói:

"Hỡi Giuđa, con phản bội Con Người bằng một cái hôn sao?"

Các người theo Chúa thấy sự việc xảy ra liền nói:

"Thưa Thầy, chúng con có phải dùng đến gươm chăng?"

Rồi một người trong họ chém vào tên đầy tớ của vị thượng tế và chặt đứt tai phải.

Nhưng Chúa Giêsu nói:

"Thôi đủ rồi".

Và Ngài sờ đến tai của người đó và chữa lành lại. Sau đó Ngài nói với các vị thượng tế và đầu mục của đội canh đền thờ và các trưởng lão đến bắt Ngài:

"Các ông đến với gươm giáo, gậy gộc xem tôi là một tên trộm cướp. Khi tôi ở giữa đền thờ ngày này qua ngày khác giữa các ông, các ông lại không tra tay bắt tôi. Nhưng bây giờ là giờ của các ông, bây giờ là thời của tối tăm".

(Lc 22,47-53)

Sự việc Chúa Giêsu tiên đoán đã xảy ra. Người môn đệ được chỉ định làm tảng đá của giáo hội và từng tuyên bố sẵn sàng theo Chúa đến chết lại đã chối Ngài chỉ vì sợ hãi. Nhưng, khác với Giuđa, Phêrô đã đặt tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Các môn đệ của Chúa Giêsu phải luôn trung thành, và họ cần đến lòng nhân hậu của Chúa.

Sau đó, họ bắt Ngài và dẫn Ngài đi. Họ đưa Ngài đến nhà Thầy Cả thượng phẩm. Phêrô theo ở đằng xa. Các người giúp việc đã nhóm lửa ở giữa sân và Phêrô ngồi xuống giữa bọn họ. Nhưng một cô nữ tỳ nhìn vào mặt ông và nói:

"Người này cũng ở với ông ấy".

Nhưng ông đã chối điều đó ngay:

"Này bà, tôi không biết người ấy đâu".

Một lát sau có người khác nhìn thấy ông và nói:

"Ông cũng là một người trong nhóm họ".

Nhưng Phêrô đáp:

"Này bạn, tôi không quen họ đâu".

Chừng một giờ sau. Một người khác quả quyết:

"Người này chắc chắn là ở với người ấy vì ông là người Galilê".

Phêrô đáp:

"Ông bạn ơi, tôi không biết ông muốn nói gì".

Đang lúc đó, khi ông còn đang nói, thì gà gáy và Chúa quay lại nhìn thẳng vào Phêrô. Phêrô nhớ lại lời Chúa đã nói với ông: "Trước khi gà gáy hôm nay, con sẽ chối Ta ba lần". Ông đi ra ngoài và khóc nức nở.

(Lc 22,54-62)

Sau khi bị chế diễu bởi lính canh suốt đêm, Chúa Giêsu bị đưa ra xử trước mặt các vị trưởng lão của dân chúng. Ngài đã long trọng tuyên bố trước Hội Đồng rằng Ngài là "Con Thiên Chúa". Sau đó Ngài bị đưa đến trước Philatô đại diện chính quyền Roma bởi vì chỉ có ông này mới có thể lên án xử tử. Chúa Giêsu đã bị kẻ chống đối Ngài tố cáo. Nhưng biết rằng Philatô sẽ không lên án Chúa Giêsu vì lý do đã tuyên bố là "Con Thiên Chúa", vì thế họ gán cho Ngài nhiều tội chính trị, tố cáo Ngài là người muốn làm cách mạng và có những hành động chống lại chính quyền Rôma. Philatô tìm cách trả tự do cho Chúa Giêsu và tuyên bố Ngài vô tội. Nhưng cuối cùng, khi bị dân chúng làm áp lực, ông nhượng bộ và kết án Chúa Giêsu phải chết trên thập giá. Vì thế người Rôma đã xử tử Chúa Giêsu dựa trên lý do chính trị.

Những người canh giữ Chúa Giêsu chế diễu Ngài và đánh đập Ngài. Sau khi đã lấy khăn bịt mắt Ngài họ nói:

"Hãy đoán xem, ai đã đánh mày!"

Bọn họ nối tiếp nhau phĩ báng Ngài.

Ngay khi trời vừa sáng đã có buổi họp của các người trưởng lão trong dân, có cả các thượng tế và ký lục. Ngài bị đưa ra trước hội đồng và họ nói với Ngài:

"Nếu ông là Đức Kitô, hãy nói cho chúng ta hay".

Ngài đáp:

"Nếu tôi nói cho các vị, các vị cũng không tin tôi, và nếu tôi có hỏi quí vị, quí vị cũng không trả lời. Từ bây giờ trở đi, Con Người sẽ ngồi bên hữu Thiên Chúa".

Tức thì họ đồng thanh nói:

"Vậy ông là Con Thiên Chúa hả?"

Chúa Giêsu đáp:

"Các ngài nói đúng, tôi là Con Thiên Chúa".

Và họ la lên:

"Bây giờ chúng ta còn cần chứng nhân nào nữa? Chính chúng ta đã nghe điều đó từ miệng nó".

(Lc 22,63-71)

Toàn thể cử tọa đứng dậy. Họ đem Ngài đến trước mặt Philatô, và bắt đầu tố cáo Ngài như sau:

"Chúng tôi thấy nó xúi dục dân chúng nổi loạn, cấm không nộp thuế cho Xêza và xưng mình là Đấng Thiên Sai, là Vua".

Philatô hỏi Ngài:

"Ông có phải là vua người Do Thái không?"

Ngài đáp:

"Vâng, đúng như ngài nói".

Rồi Philatô nói với các Thầy tư tế và đám đông:

"Ta thấy không có gì để buộc tội người này".

Nhưng họ nhấn mạnh:

"Người này đã khuấy động dân chúng bằng những lời giảng dạy khắp vùng Giuđêa, khởi đầu từ Galilê cho tới đây".

Philatô triệu tập các Thầy tư tế, các quan án và đám đông rồi nói:

"Quí vị đã mang người này đến cho ta như là một tên xúi dục dân chúng. Ta đã tra xét nó trước mặt quí vị và ta không thấy nó có lỗi như các ngươi tố cáo. Cả Hêrôđê cũng không thấy vì vua đã trả lại cho ta. Như quí vị thấy, người này đã không làm gì đáng phải chết. Ta sẽ cho đánh đòn rồi trả tự do".

Nhưng muôn người như một, họ gào lên:

"Giết nó đi. Hãy thả Baraba".

Baraba là người đã bị giam tù vì tội nổi loạn trong thành và giết người.

Philatô nôn nóng muốn trả tự do cho Chúa Giêsu và nói với đám đông như trước, nhưng bọn họ hét lên:

"Hãy đóng đinh xử tử nó. Hãy đóng đinh xử tử nó!"

Lần thứ ba ông Philatô nói với họ:

"Tại sao? Người này đã làm cái gì ác hại? Ta thấy nó không có lỗi gì đáng chết. Ta sẽ cho đánh đòn rồi trả tự do".

Nhưng đám đông tiếp tục gào thét, đòi phải đóng đinh Ngài, và tiếng gào của họ mỗi lúc một to thêm, Philatô chiều theo đòi hỏi của họ. Ông trả tự do cho người bị giam vì tội nổi loạn và giết người, và xử Chúa Giêsu như họ muốn.

(Lc 23,1-5;13-25)

Thường thường, người bị kết án phải vác thanh gỗ ngang trên vai suốt đoạn đường đến nơi thọ hình. Chúa Giêsu đã yếu sức vì bị đánh đòn, và Simon người Xyrênê đã bị ép phải vác thập giá. Simon trở thành gương mẫu của người môn đệ vác thánh giá bước đi theo Chúa Giêsu.

Các người phụ nữ than khóc Ngài như thói quen đương thời. Chúa Giêsu quay mặt về phía các bà và nói những lời tiên báo về sự phán xét của Thiên Chúa dành cho Giêrusalem. Sau khi bị đóng đinh, Chúa Giêsu còn phải chịu những lời chế diễu và xỉ nhục của những người trong Hội Đồng, của quân lính và của một tên tội nhân cũng bị đóng đinh với Ngài. Nhưng đám đông họ giữ thinh lặng. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các kẻ thù. Luca nhắc nhở người Kitô hữu hãy xử sự như thế đối với kẻ bắt bớ mình. Các bản phúc âm kể rằng màn che trong đền thờ đã bị xé ra làm hai như là một dấu chỉ rằng giao ước cũ đã chấm dứt. Chúa Giêsu chết sau khi phó thác sự sống trong tay Chúa Cha. Viên cai lính Rôma xúc động trước cái chết của Ngài, thú nhận rằng Chúa Giêsu vô tội.

Họ dẫn Ngài đi, và bắt Simon người Xyrênê trên đường đi làm về vác thập giá đi sau Chúa Giêsu. Một đám đông theo Ngài. Đặc biệt có mấy người phụ nữ than khóc nức nở, kể lễ đi theo. Chúa Giêsu quay mặt về phía họ và nói:

"Hỡi các thiếu nữ Giêrusalem, đừng có khóc thương Ta; hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Sẽ có ngày các ngươi nói: "Phúc cho những người son sẻ và bụng dạ không mang thai và vú không hề cho bú". Rồi họ sẽ nói với núi non: "hãy đè trên chúng tôi!" và các đồi cao: "hãy bao che chúng tôi". Bởi vì nếu họ đã xử với cây xanh như thế này, thì cây khô sẽ phải như thế nào?"

Cũng có hai người phạm tội khác cùng bị xử tử với Ngài. Khi họ đến nơi gọi là "Núi Sọ", họ đóng đinh Ngài ở đó với hai người tội phạm, một người bên phải và một người bên trái. Chúa Giêsu nói:

"Lạy Cha, hãy tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm".

Người ta bắt thăm để chia nhau áo của Ngài.

Dân chúng đứng đó theo dõi

Còn những người lãnh đạo thì chế diễu Chúa Giêsu:

"Nó đã cứu sống kẻ khác, hãy cứu chính mình nếu nó là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng đã được chọn".

Các binh lính cũng chế diễu Ngài. Họ đến gần, đưa cho Ngài dấm chua và nói:

"Nếu ông là vua của người Do Thái, hãy cứu lấy mình đi".

Người ta viết một bảng chữ gắn đầu Ngài:

"Người này là Vua Do Thái".

Một người tội phạm cũng bị treo bên cạnh Ngài xỉ nhục Ngài như sau:

"Nếu ngươi là Đức Kitô, thì hãy cứu lấy mình và cứu chúng ta!"

Nhưng người bên kia trả lời:

"Mày không kính sợ Thiên Chúa gì cả. Mày cũng bị một bản án như Ngài, nhưng trường hợp của chúng ta là đích đáng và chúng ta phải trả giá cho những việc làm của chúng ta. Còn người này có làm gì sai trái đâu?"

Rồi ông nói thêm:

"Hỡi ông Giêsu, hãy nhớ đến tôi khi ông trở về Vương Quốc của ông".

Chúa Giêsu đáp lời ông:

"Hôm nay, ông sẽ ở với Ta trên thiên đàng".

Lúc đó đang giữa trưa, thình lình tối tăm bao trùm cả vùng cho tới chiều tối. Màn trong Đền Thờ bị xé rách ở giữa. Và Chúa Giêsu kêu lớn tiếng:

"Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha".

Sau khi nói như thế, Ngài thở hơi cuối cùng.

Khi chứng kiến cảnh tượng này, người cai lính ca tụng Chúa và nói:

"Chắc chắn người này vô tội".

Và tất cả dân chúng tụ họp thấy thế vừa đấm ngực vừa trở về nhà. Các bạn hữu của Chúa Giêsu và những người phụ nữ đã theo Ngài từ Galilê thì đứng ở đàng xa theo dõi sự việc.

(Lc 23,26-49)

Những người bị hành quyết được chôn ngay ở nơi chết. Chỉ khi có những người bà con và bạn bè can thiệp thì có thể được an táng. Một người trong Hội Đồng, ông Giuse người Arimatêa, một người theo Chúa âm thầm, can đảm đến trước mặt Philatô xin xác Chúa Giêsu. Vì thế Chúa Giêsu được an táng tử tế. Những phụ nữ từ Galilê đã chứng kiến cái chết của Ngài. Họ là những người đầu tiên loan tin về việc Chúa sống lại.

Có một người trong Hội Đồng tên là Giuse, một người công chính và tốt lành, đã không đồng ý với các quyết định và hành động của người Do Thái. Ông ta gốc vùng Arimatêa, một làng xứ Giuđêa. Ông đã trông đợi nước Thiên Chúa. Người này đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Ông đem xác Chúa xuống, lấy vải bọc lại và đặt trong một ngôi mộ được đẽo trong hốc đá, chưa có ai chôn ở đó. Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ cho ngày Vượt Qua và ngày Sabbah bắt đầu. Mấy người phụ nữ đã từ Galilê đến với Chúa Giêsu, theo Giuse. Các bà xem mộ và dự lễ an táng Ngài. Sau đó họ trở về và chuẩn bị các thuốc thơm và dầu xức. Ngày Sabát, các bà phải giữ luật nghỉ ngơi.

(Lc 23,50-56)

Ngày "thứ nhất trong tuần" là ngày tiếp theo sau ngày nghỉ Sabat. Đối với người Kitô ngày đó trở thành "ngày của Chúa" hay "ngày Chúa Nhật" bởi vì trong ngày đó họ tưởng niệm cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Hai sứ giả của Thiên Chúa đã trách mấy người phụ nữ vì không có đức tin đủ khi thấy ngôi mộ trống. Lời trách mắng này có thể áp dụng cho tất cả những người còn đi tìm kiếm Chúa Giêsu giữa kẻ chết. Lời tiên báo của Chúa Giêsu đã thực hiện. Ngài đã được sống lại.

Vào ngày thứ nhất trong tuần, ngay từ sáng sớm, mấy người phụ nữ đến mộ, mang theo thuốc thơm đã chuẩn bị. Họ thấy tảng đá chận cửa đã lăn ra khỏi mộ, và khi họ bước vào mộ họ không thấy xác của Chúa Giêsu. Họ hoang mang khi hai người mặc áo trắng đứng bên cạnh họ. Vì khiếp sợ; họ cúi mặt nhìn xuống, nhưng hai người đã nói với họ:

"Tại sao các bà đi tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Ngài không còn ở đây. Ngài đã sống lại rồi. Hãy nhớ lại lời Ngài đã nói ở Galilê: "Con Người sẽ bị giao nộp vào tay những người tội lỗi và bị đóng đinh, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại". Khi ấy họ mới nhớ lại những lời của Chúa Giêsu.

Họ ra khỏi mộ, đi nói lại các sự việc cho nhóm mười một và tất cả các người khác. Mấy người phụ nữ đó là Maria Mađalêna và Gioanna Maria, mẹ của Giacôbê. Những người phụ nữ khác cũng nói ý như thế với các tông đồ. Nhưng các ông coi những lời của các bà quả là mơ tưởng và các ông không tin lời họ. Tuy nhiên, Phêrô đã chạy tới mộ; ông cúi đầu vào trong và thấy vải liệm còn nằm ở đó, ngoài ra không thấy gì khác. Ông ta trở về nhà, ngạc nhiên trước các sự việc xảy ra.

(Lc 24,1-12)

Luca kể lại chuyện "các môn đệ trên đường Êmmau". Hai môn đệ chán nản vì các biến cố của ngày Thứ Sáu. Niềm hy vọng họ đặt nơi Chúa Giêsu đã tiêu tan. Vì thế họ trở về lại làng Êmmau, cách Giêrusalem 11 cây số. Một người khách lạ cùng đi với họ; ông giải thích cho họ lời của Thiên Chúa và khơi dậy trong họ niềm hy vọng. Nhưng mãi tới khi bẻ bánh (một kiểu nói được các tín hữu ban đầu dùng để chỉ Thánh Thể) mắt họ mới mở ra. Họ nhận ra Đức Kitô Phục Sinh. Họ chuyển biến từ thất vọng sang hy vọng; từ hoài nghi đến đức tin. Họ lại lên đường trở về Giêrusalem đầy lòng tin. Họ lại lên đường trở về Giêrusalem đầy lòng tin.

Cũng chính ngày hôm đó, hai môn đệ đang đi trên đường đến làng Êmmau, cách Giêrusalem chừng hai dặm. Họ nói với nhau về những veịc đã xảy ra. Trong lúc họ trò chuyện và tranh luận thì chính Chúa Giêsu đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ như bị màn che khuất nên không nhận ra Ngài. Chúa Giêsu hỏi họ:

"Các anh đang nói với nhau chuyện gì trên đường đi vậy?"

Họ ngừng lại mặt buồn rầu. Một người trong họ tên là Clêôpa trả lời:

"Chỉ có ông là người duy nhất ở Giêrusalem lại không biết những việc xảy ra trong những ngày này".

Ngài nói với họ:

"Những việc gì vậy?"

Họ trả lời:

"Chuyện Giêsu Nadaret. Ngài là một ngôn sứ cao cả từ lời nói đến việc làm trước mặt Thiên Chúa và dân chúng. Các thượng tế và người lãnh đạo của chúng ta đã giao nộp Ngài để bị kết án phải chết và đóng đinh Ngài. Chúng tôi đã hy vọng rằng Ngài sẽ giải thoát Israel. Thế mà ba ngày đã trôi qua từ khi các việc đó xảy ra. Mấy người phụ nữ trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi hoang mang. Họ đến mộ từ sáng sớm và đã không thấy xác của Ngài. Họ lại nói các thiên thần quả quyết với họ là Ngài còn sống. Vài người trong chúng tôi cũng đến mộ và thấy sự việc như các người phụ nữ đã nói, nhưng họ không nhìn thấy Ngài đâu cả".

Chúa Giêsu nói với họ:

"Các anh sao chậm hiểu, chậm tin về những gì các sứ ngôn đã loan báo! Đấng Kitô phải chịu đau khổ rồi mới tới vinh quang, việc đó đã không từng được công bố hay sao?"

Rồi đi từ Môisen, tiếp đến các ngôn sứ, Ngài giải thích cho họ các đoạn Kinh Thánh liên quan đến Ngài.

Khi họ tới gần làng, Ngài tảng lờ như cứ tiếp tục đi. Nhưng họ nài nỉ Ngài dừng lại với họ.

"Trời gần tối rồi và ngày cũng sắp tàn, xin ông ở lại với chúng tôi".

Và Ngài đã ở lại với họ. Ngài ngồi vào bàn cầm lấy bánh, chúc tụng và bẻ ra, trao cho họ. Lúc đó mắt họ mở ra và nhận biết Ngài. Nhưng ngài đã biến đi. Họ nói với nhau:

"Tâm hồn chúng ta đã không sốt nóng khi Ngài nói với chúng ta trên đường đi và cắt nghĩa Thánh Kinh cho chúng ta sao?"

Họ lập tức lên đường trở về Giêrusalem. Họ tìm nhóm mười một đang tụ họp với những người của họ. Tất cả cùng quả quyết:

"Chúa đã sống lại thật và đã hiện ra với Simon".

Và họ đã thuật lại tất cả những việc xảy ra trên đường và làm sao họ đã nhận biết Ngài lúc bẻ bánh.

(Lc 24,13-35)

Phúc âm của Gioan thuật lại hai cuộc gặp gỡ khác của Chúa Kitô Phục Sinh với các môn đệ ở Giêrusalem. Quà tặng quí giá nhất của Chúa Giêsu Phục Sinh là bình an. Bình an bao gồm tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa: sự sống, hạnh phúc, tình thương, hiệp thông với Thiên Chúa. Bình an này là hoa trái của cái chết của Ngài. Các vết thương của Ngài là một nhắc nhớ về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Nó cũng là dấu chỉ rằng Chúa Giêsu Phục Sinh cũng là người đã chịu chết trên cây thánh giá. Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ của Ngài tiếp tục công việc của Ngài. Vì thế họ đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần.

Vào buổi chiều cùng ngày, ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Lúc ấy Chúa Giêsu đến và ở giữa họ. Ngài nói:

"Bình an cho các con!"

Khi Ngài đã nói điều đó xong, Ngài cho họ xem tay và cạnh sườn Ngài. Các môn đệ tràn ngập vui sướng khi gặp lại Chúa. Chúa Giêsu lại nói:

"Bằng an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con đi".

Ngài thổi hơi trên họ và nói:

"Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội ai, họ được tha khỏi tội, các con cầm buộc ai, họ bị cầm buộc".

(Gioan 20,19-23)

Các môn đệ làm chứng việc Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với họ và kể lại cho Tôma hay. Nhưng Tôma muốn bằng chứng trực tiếp; ông không hài lòng với lời của những người khác. Chúa hiện ra với ông. Bấy giờ ông nhìn nhận Ngài là Chúa và là Thiên Chúa. Các lời của ông cũng là lời tuyên xưng đức tin của cộng đồng Kitô hữu thời sơ khai.

Mối Phúc được phúc âm nói đến sau cùng dành cho những người chính mình không thấy mà vẫn tin theo chứng từ của người khác.

Tôma, một trong nhóm mười hai, gọi là kẻ sinh đôi, đã có mặt với họ khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác nói với ông:

"Chúng tôi đã xem thấy Chúa".

Nhưng ông đáp:

"Trừ khi tôi thấy lỗ đinh xuyên qua tay Ngài và có thể thọc ngón tay vào các lỗ đinh đo và trừ khi tôi thọc được bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài, nếu không tôi không tin".

Tám ngày sau các môn đệ đang hội họp và có cả Tôma với họ. Cửa vẫn đóng kín nhưng Chúa Giêsu hiện đến, Ngài nói:

"Bình an cho các con!"

Rồi Ngài nói với Tôma:

"Con hãy xỏ ngón tay con vào đây và thọc bàn tay con vào cạnh sườn. Đừng nghi ngờ nữa, nhưng hãy tin".

Tôma đáp:

"lạy Chúa tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi!"

Chúa Giêsu nói với ông:

"Con tin vì con đã thấy. Phúc cho những người không thấy mà tin!"

(Gioan 20,24-29)

Khác với Luca và Gioan, matthêu kết thúc phúc âm bằng một cảnh tượng uy nghiêm Chúa sai các môn đệ đi rao giảng tin mừng, cảnh tượng xảy ra trên một ngọn núi vùng Galilê. Chính trên cùng một ngọn núi vùng Galilê, Chúa Giêsu đã ban bố "bài giảng trên núi". Bây giờ Chúa lại hiện ra với các môn đệ như là Chúa Phục Sinh. Ngài ủy thác cho các vị một sứ mạng cao cả. Các môn đệ cần phải vượt biên thùy Israel để loan báo tin mừng Chúa Giêsu trong toàn cõi địa cầu. Điều kiện để trở thành môn đệ Đấng Phục Sinh là phải lắng nghe và thi hành lời dạy của Chúa Giêsu Nadarét.

Mười một môn đệ trẩy đi Galilê đến một ngọn núi Chúa Giêsu đã hẹn gặp họ. Khi họ thấy Ngài, họ sấp mình xuống trước mặt Ngài. Nhưng một vài người còn do dự. Chúa Giêsu tiến tới và nói với họ:

"Mọi quyền năng trên trời và dưới đất đã được ban cho Ta. các con hãy đi và làm cho mọi dân tộc nên môn đồ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Hãy dậy cho họ tuân giữ các lệnh truyền ta đã cho các con. Ta ở với các con luôn mãi cho đến ngày tận thế".

(Mt 28,16-20)

Duy chỉ có mình Luca thuật lại lần hiện ra sau cùng của Chúa Kitô Phục Sinh và việc Ngài trở về với Chúa Cha như là một biến cố trông thấy được. Lời chúc lành của Chúa Giêsu lúc từ biệt cũng là lời hứa Ngài sẽ ở lại mãi mãi với con người. Chính vì thế mà các môn đệ lúc không còn thấy Đấng Phục Sinh nữa thay vì buồn rầu, thì vui mừng và sẵn sàng thực hiện công việc của Chúa Giêsu. Luca thuật lại các việc làm của họ trong sách "Tông Đồ Công Vụ", nối tiếp phúc âm của ông.

Thế rồi Ngài dẫn họ tới Bêtani và giơ tay lên chúc lành. Sau đó Ngài từ giả họ để về trời. Các vị sấp mình thờ lạy và sau đó khấp khởi trở về Giêrusalem. Họ tiếp tục sống trong giáo hội và ngợi khen Thiên Chúa.

(Lc 24,50-53)

 

  CỰU ƯỚC

*     Dẫn nhập

1. Lạy Chúa là Thượng Đế, Ngài thật là cao cả

2. Lạy Chúa, Chúa tha thứ lỗi lầm cho dân Chúa

3. Ta sẽ làm cho con thành một dân tộc lớn

4. Thiên Chúa ở với Giuse

5. Ta sẽ đưa các con ra khỏi Ai Cập

6. Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi

7. Ta sẽ kết một giao ước với các ngươi

8. Ta sẽ ban cho các ngươi một xứ sở

9. Chúa cai trị

10. Hãy tìm kiếm Ta và các ngươi sẽ được sống

TÂN ƯỚC

*     Dẫn nhập

1b. Đấng Cứu Thế sinh ra cho các bạn

2b. Con là Con yêu dấu của Ta

3b. Danh tiếng Ngài đồn ra khắp vùng

4b. Các dụ ngôn

5b. Người này là ai vậy?

6b. Ngài quyết định lên đường về Giêrusalem

7b. Đức Kitô chẳng phải chịu những đau khổ này sao?

8b. Các con sẽ là nhân chứng của Ta.